Nov 21, 2024

Tin tức

Nhà thơ Viên Linh “Hóa Thân”* tại VA, Hoa Kỳ,
Viên Linh * đăng lúc 03:16:28 PM, Mar 29, 2024 * Số lần xem: 235
Hình ảnh
#1
#2


*            

                  
Nhà thơ Viên Linh “Hóa Thân”* tại VA, Hoa Kỳ,    hưởng thọ 86 tuổi.

28/03/2024

 
 
Vien Linh
Đinh Trường Chinh vẽ tưởng nhớ Viên Linh

 Sáng nay, ngày 28 tháng Ba, nhà thơ Viên Linh đã bỏ cuộc nhân sinh từ giã chúng ta vào lúc 11:11 giờ sáng, tại Virginia, Hoa Kỳ, hưởng thọ 86 tuổi. Việt Báo nhận được tin từ bà Dương Nghiễm Mậu, theo tin từ bà Thúy Diệm nhắn. Tin này cũng đã được gia đình và thân hữu xác nhận. Được biết, từ đầu tuần, hôm thứ Hai, Viên Linh đã hôn mê và được chuyển vào hospice, với thân nhân bên cạnh chăm sóc vào những ngày cuối.

 
Nhà văn/nhà thơ Viên Linh tên thật là Nguyễn Nam, sinh ngày 20-1-1938 tại Hà Nam. Ông quê ở Đồng Văn, Phủ Lý. Từ năm 1950, ông sống tại Hà Nội. Tác phẩm đầu tiên ông được trả nhuận bút viết năm 14 tuổi, đăng trên Nhật báo Tiếng Dân Hà Nội. Ông rời Hà Nội ra Hải Phòng vào Sài Gòn đêm 25 tháng 12 năm 1954. Tiểu sử này gom từ Văn Việt và trang Hocxa.com.

Viên Linh lớn lên và trưởng thành tại Sài Gòn. Sống bằng nghể cầm bút từ 1962, là Tổng thư ký Tòa soạn nhiều tuần báo chuyên về văn học nghệ thuật như Kịch Ảnh, Nghệ Thuật, Khởi Hành, Hồng, Thời Tập, Dân Ta  Là thư ký Tòa soạn Nhật báo Tiền Tuyến của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị trong hơn 6 năm thi hành nghĩa vụ quân dịch, với các chủ nhiệm Lê Đình Thạch, Hà Thượng Nhân. Giải ngũ năm 1972.
 
Viên Linh là tác giả của hơn hai mươi cuốn sách trước 1975. Giải nhất Giải Văn chương Toàn quốc VNCH năm 1974 với tác phẩm Gió Thấp. Từ tháng 8 năm 1975, ông định cư tại Mỹ. Ông tiếp tục làm Chủ nhiệm Chủ bút nguyệt san Khởi Hành, Chủ Tịch Văn Bút Hải Ngoại 1991-1995.
 
 

Tác phẩm:

   – Hoá Thân  (thi phẩm đầu tay, 1964)
   – Thị Trấn Miền Đông (tân truyện, 1966)
   – Cảnh Tượng Đêm Nay (1966)
   – Một Chỗ Nào Khác (1967)
   – Cuối Cùng Em Đã Đến (1968)
   – Cánh Cửa Đêm Thâu (1969)
   – Chiều Hôm Gió Cuốn (1969)
   – Cuối Trời Hôn Mê (1969)
   – Mã Lộ (truyện dài, 1969)
   – Tình nước mặn (truyện dài, 1972)
   – Một Mùa Mê Hoặc (1973)
   – Hạ đỏ có chàng tới hỏi (truyện, 1973)
   – Lòng gương ý lược (truyện, 1973)
   – Tới nơi em ở (truyện, 1973)
   – Gió thấp (1974)
   – Thuỷ Mộ Quan (thi phẩm, 1982)
   – Chiêu niệm văn chương (biên khảo, 2000)
     
Việt Báo xin chia buồn cùng tang quyến, xin tưởng niệm nhà thơ bằng hai câu thơ trong tập Hóa Thân, Tôi II được in trong tập thơ đầu tay "Hóa Thân":

Từ đây khổ kiếp u hoài
Một tôi ngắn phận cho dài thế gian
 
"Ai có thể biết ngọn cỏ dại tàn úa bên vệ đường vẫn mang trong nó cả một trời thu?"**

VB


vien linh hoa than* Tập Thơ “Hóa Thân” của Viên Linh, do Thư Quán Hương Tích tái phát hành năm 2010.
** Trích từ bài “Thay Tựa – Lục Bác Viên Linh”, Tuệ Sỹ. 
https://sachhuongtich.com/vien-linh-hoa-than




 



 


 

 

Đây là tiểu sử của ông ghi nhận được từ trên internet:
.
Viên Linh sinh tại ga Đồng Văn, Hà Nam, có truyện ngắn đăng trên trang xã hội nhật báo Tiếng Dân, Hà Nội, năm 14 tuổi.

Cũng tại Hà Nội, đã cùng Dương Nghiễm Mậu xuất bản một tờ bán nguyệt san in hai màu, khổ nhỏ, vào năm 1953.

Di cư vào Nam đêm Noel 25.12.1954.
Tự học và tự lập từ năm 16 tuổi.
Phóng viên thường trực nhật báo Ngôn Luận năm 1957.

Từ đó, chọn nghề báo, nghiệp văn, dù một thời gian đã dậy học tại Trung học Bạch Đằng, Ban Mê Thuột.

Thư ký tòa soạn Tuần báo Điện Ảnh, 1960.

Trong hơn 10 năm kế tiếp, làm Thư ký và Tổng Thư ký Tòa soạn các báo Kịch Ảnh (chủ nhiệm Quốc Phong), Nhật báo Dân Ta (chủ nhiệm Nguyễn Vỹ), Nhật báo Đất Tổ (chủ nhiệm Thích Thiện Minh).
Thư ký Tòa soạn Nhật báo Tiền Tuyến của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị trong hơn 6 năm thi hành nghĩa vụ quân dịch, với các chủ nhiệm Lê Đình Thạch, Hà Thượng Nhân.
Trong gần 5 năm, làm Tổng thư ký Tòa soạn Tuần báo Khởi Hành của Hội Vàn Nghệ Sĩ Quân Đội với chủ nhiệm Anh Việt Trần Văn Trọng.
Giải ngũ năm 1972.
Tổng thư ký Tuần báo Diễn Đàn (chủ nhiệm Phan Huy Quát) cho đến khi tự xuất bản nguyệt san Thời Tập, từ 1973 tới Tháng 4.75.
Trong thời gian từ 1964 tới 1975, cho xuất bản gần 20 tác phẩm; cuốn Gió Thấp, bản đánh máy, được trao Giải Nhất Giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc 1974 (danh xưng của giải thưởng lúc đó).
Năm 1976 tại Hoa Kỳ, được trao tài trợ từ "The Ford Foundation để soạn Những Khuynh Hướng Văn Học Tại Miền Nam Việt Nam 1954-1975", chưa xuất bản.
Năm 1980, cùng em trai, Chơn Pháp Nguyễn Hữu Hiệu, xuất bản một tập thơ vô danh gửi đi từ Hà Nội, mà ông đặt nhan đề cho tác phẩm này là "Tiếng Vọng Từ Đáy Vực," tác giả được gọi là Ngục Sĩ. Sau được biết là Hoa Địa Ngục và Nguyễn Chí Thiện.
Chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, 1991-1995.
Chủ nhiệm, chủ bút Khởi Hành tại Calif. từ 11.1996.
CÁC TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN THÀNH SÁCH:
01. HOÁ THÂN, thơ, Văn nghệ, Saigon 1964. Tái bản bởi “edition lmn,” Bonn 1994
02. CẢNH TƯỢNG ĐÊM NAY, tập truyện, Thời Mới, Saigon 1966. Tái bản 2013, Khởi Hành, California.
03. THỊ TRẤN MIỀN ĐÔNG, tân truyện, Văn, Saigon 1966; Thế giới, California 1992
04. MỘT CHỖ NÀO KHÁC, tập truyện, Trình bày, Saigon 1967
05. CUỐI CÙNG EM ĐÃ ĐẾN, truyện dài, Hoàng Đông Phương, Saigon 1968
06. CÁNH CỬA ĐÊM THÂU, truyện dài, Nghĩa Thục, Saigon 1969
07. CHIỀU HÔM GIÓ CUỐN, truyện dài, KCN, Saigon 1969
Thẩm Thuý Hằng film do Bùi Sơn Duân đạo diễn, (dở dang), 4.1975
08. CUỐI TRỜI HÔN MÊ, truyện dài, Kỷ Nguyên, Saigon 1970
Cuốn truyện dài với bối cảnh Tết Mậu Thân 1968 tại Chợ Lớn
09. MÃ LỘ, tân truyện, Văn 1970; Khởi Hành, Calif., 1997
10. VƯỜN QUÊN LÃNG, tân truyện, Hoàng Hạc, Saigon 1971
11. MỘT MÙA MÊ HOẶC, truyện dài, Ng. Đình Vượng, Saigon 1973
12. TÌNH NƯỚC MẶN, tân truyện, Văn, 1973; tủ sách Khởi Hành, Munchen, Germany, 1993
13. HẠ ĐỎ CÓ CHÀNG TỚI HỎI, tiểu thuyết, Khai Hóa, Saigon 1973; Xuân Thu Calif., 1990
14. LÒNG GƯƠNG Ý LƯỢC, tiểu thuyết, Khai Hóa, Saigon 1973; Xuân Thu Calif. tái bản 1990
15. TỚI NƠI EM Ở, tiểu thuyết, Khai Hóa, Saigon 1973, Xuân Thu Calif., 1990.
16. THỦY MỘ QUAN, thơ, Thời Tập, Virginia 1982, Thế Giới, Calif., 1992. (đang in lần thứ 3)
17. VŨ HOÀNG CHƯƠNG, LỊCH SỬ THƠ (CHIÊU NIỆM VĂN CHƯƠNG I), nhận định văn học, Khởi Hành, Calif., 2000.
18. CỘI NGUỒN BẤT AN, dịch Roots of Unrest của Phan Trần Hiếu, sách song ngữ Việt Anh do nhật báo Hoa Kỳ tại địa phương The Orange County Register xuất bản, California, 1999.
B. CÁC TRUYỆN DÀI TỪNG KỲ ĐÃ IN TRÊN BÁO
01. NHỮNG KẺ ĐỒNG LÕA, phóng tác Les Complices của G. Simenon, in xong trên Nhật báo Dân Chủ, đầu ’70
02. VÒNG DÂY TREO CỔ, phóng tác Tante Jane của G. Simenon, in xong trên Nhật báo Quật Cường, đầu ’70
03. CUỘC TRỐN CHẠY CỦA ÔNG HOÀN VŨ, phóng tác La Fuite de Mr Monde của G. Simenon, in xong trên Nhật báo Quật Cường
04. THỊ TRẤN MIỀN ĐÔNG, kịch dài nhiều màn, đăng trọn vẹn trên tạp chí Văn Nghệ, 196…
05. CON ĐƯỜNG NGỰA CHẠY, kịch truyền thanh, đăng lần đầu trên tạp chí Bách Khoa, 1962 và vở ĐỂ CHO NGƯỜI KHÁC SỐNG Văn Học
06. GIÓ THẤP, tân truyện, in lần đầu trên Nhật báo Sóng Thần, trọn vẹn.
C. TRUYỆN NGẮN, TIỂU LUẬN , HỘI NGHỊ
Khoảng 50 truyện ngắn, (không kể hai tập truyện ngắn đã xuất bản Cảnh Tượng Đêm Nay và Một Chỗ Nào Khác) đăng rải rác trên các nhật báo, tuần báo, tạp chí như: Ngôn Luận, Tiếng Chuông, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Văn, Văn Hữu, Văn Nghệ, (nhiều bút hiệu khác nhau, không thu thập được: Sầm Tham, Lê Nguyên, Hồ Tùng Nghiệp, Lê Thường Xuân, Nguyễn Văn Ba, ...).
Thơ khoảng 1.000 bài (không kể những bài đã xuất bản trong hai tập Hóa Thân và Thủy Mộ Quan) đăng trên Gió Mới (Bùi Giáng TKTS), Sáng Tạo, Thế Kỷ Hai Mươi, Bách Khoa, Nghệ Thuật, Phổ Thông, Văn, Vấn Đề.
Tiểu Luận (khoảng 30 bài) đăng trên Văn Nghệ, Thế Kỷ Hai Mươi, Khởi Hành, Thời Tập,… (thu thập được khoảng 20%)
Kịch: 27 vở, chỉ thu thập được 2 vở Con Đường Ngựa Chạy và Để Cho Người Khác Sống.
Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Văn Bút quốc tế (61st World Congress of International P.E.N.), Prague, Czech Replublic, 1994, với Nguyễn Sỹ Tế, Phạm Việt Tuyền, Cung Trầm Tưởng.
Một bài báo của VIÊN LINH
TRANG TRONG TRANG NGOÀI MỘT TỜ BÁO
(trích báo Người Việt Hải Ngoại)
.
Nói tới thơ văn trên các báo miền Nam Việt Nam cũng là nói tới các tác giả miền Nam trong làng báo.
1-Và một khi đã nói tới Kiên Giang, tác giả “Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím,” thường người ta cũng nói luôn tới Sơn Nam, tác giả “Hương Rừng Cà Mau,” kẻ thơ người văn; vốn thường ở địa vị tương xứng, bên này đối với bên kia.
Không những hai người này sinh hoạt song hành trong làng nhật báo vào thập niên năm mươi sáu mươi, họ còn khởi sự trên những tuần báo miền Nam như Nhân Loại, Phụ Nữ Diễn Đàn, Thẩm Mỹ. Ngoài tiểu thuyết, truyện đồng quê, truyện võ hiệp kỳ tình, báo nào cũng có cả trang thơ truyện.
Lúc ấy tôi đã nghe nói: ngoài Bắc không có như thế, nhưng không thấy nói rõ Hà Nội không thấy như thế, hay Nam Định không thấy như thế, Hải Phòng không thấy như thế, mà tổng quát đem cả ngoài Bắc để so sánh với chỉ một thành phố là Sài Gòn.
Mà Sài Gòn ở đây như tôi biết có những tờ quen thuộc với độc giả bình dân như Sài Gòn Mới của ông bà Phú Đức – Bút Trà, Lẽ Sống của Ngô Công Minh, sâu hơn có Tiếng Dội của Trần Tấn Quốc, Tiếng Chuông của Đinh Văn Khai, và nhất là hai tờ thế giá kiểu cổ điển “Nam Kỳ” như Thần Chung, Đuốc Nhà Nam…
2-Người viết bài này từng bước vào tòa soạn một tờ báo văn nghệ dòng báo chí Sài Gòn và gặp nhà văn Ngọc Linh ở đấy, khoảng năm 1957. Nếu kể từ chia cắt đất nước 1954 thì chỉ sau hai năm, báo chí Sài Gòn đã thay đổi. Nhiều thì chưa nhiều, nhưng ít ra cũng có khoảng năm tờ báo được nhắc nhở, như Tự Do, Dân Chủ, Ngôn Luận, Cách Mạng Quốc Gia, Văn Nghệ Tiền Phong… Đó là những tờ mới từ khi miền Nam có thêm khoảng 800,000 người di cư từ Bắc vào, trong khi báo cũ trước 1954 vẫn hiện diện…
Sau này giữa thập niên 1960 tới chớm đầu 1970 nhà văn Ngọc Linh lúc ấy đã thân tình với tôi, cười nói: “Tao thấy mày đến tận tờ Nhân Loại gây sự với anh Lợi.” Tôi nói không quen anh Lợi nào hết, nghe nói thế Ngọc Linh gật đầu: “Thì đúng rồi vì hôm đó là lần đầu tiên mày tới tờ Nhân Loại, làm sao quen ảnh, nhưng đó là anh quản lý nắm tiền bạc tờ báo. Ảnh mập ù.”
Tôi gật đầu với tác giả “Đôi Mắt Người Xưa,” cho biết là có những điều bạn nói đúng. Tòa soạn tờ Nhân Loại lúc ấy không có vẻ gì là văn phòng của một cơ quan báo chí, không có tủ sách, không có bàn viết, lại có một số bao tải chất đống bên bờ tường, và một ông quần quật làm việc khuân vác, người mà Ngọc Linh gọi là anh Lợi.
Khoảng sau 1963, không khí trong các tờ báo có khác, còn trước đó tôi từng thấy khi bước vào tòa soạn một tờ báo Nam, hầu như nhiều người ngừng tay làm việc, nhìn lên chờ đợi. Một lần ở báo Công Luận cũng thế, tôi phải nói: “Tôi tới kiếm Duyên Anh.” Dàn ký giả phóng viên của báo này cũng chặt chẽ với việc đối ngoại. Lúc ấy vừa qua tuổi thiếu niên vài năm, tôi không đủ chín chắn để quan sát hay nhận định, nhưng biết là trong đời sống hằng ngày có sự kỳ thị nơi có chung đụng dân cả ba miền Bắc Trung Nam. Phải nói Bắc Trung Nam cả ba kỳ, người ta hay nói kỳ thị Nam Bắc là không chính xác, là bỏ mất một thành phần ở giữa, thành phần nối kết va chạm cả hai đầu.
Tự con người với con người miền này miền kia không có gì nặng nề, song môi trường chung thì có, và rõ ràng có sự chia rẽ, vận động từ chủ trương bên ngoài, còn tự nội tâm bản thể, tôi tin là không.
Tôi có rất nhiều bạn thân người Nam, ngay từ giữa thập niên 1950, vì tôi khởi sự làm báo như một thông tín viên, rồi phóng viên, bị gửi ngay vào sinh hoạt xã hội chung đụng ấy để lấy tin.
Để lấy tin, viết tin, nghĩa là tự mình chứng kiến tham dự sự việc bằng tai mắt của mình, đối đáp bằng lời nói ngôn ngữ của mình, trực tiếp, không bị ai thêm bớt sai lạc. Bạn đầu đời trong nghề báo của tôi ở Sài Gòn 1956 là những người sau này mãi mãi còn là bạn, họ còn lèo lái các tờ báo lớn nữa, đó là những Anh Quân, Trọng Viễn, Ngô Tỵ, Ngô Công Dư… những phóng viên cùng lớp tuổi 17, cũng như tôi. Hơn chục năm sau chúng tôi đều trở thành chủ báo ở miền Nam, và vẫn còn giữ những kỷ niệm đẹp.
3-Trong thế giới nhật báo, trang trong trang ngoài là hai lãnh vực khác biệt, trang ngoài là thời sự chính trị, kinh tế quân sự, trang trong khác hẳn, trang xã hội tình cảm, chuyện gia đình và văn nghệ. Trong cơ cấu tổ chức một tờ nhật báo, không kể chủ nhiệm, chủ bút, người trông coi trang ngoài thường minh nhiên là tổng thư ký, trong khi người trông coi trang trong chỉ là thư ký tòa soạn.
Tờ báo dù có chủ nhiệm, chủ bút thế nào đi nữa, sự phân chia trang trong trang ngoài vẫn rõ rệt. Ký giả trang ngoài khác hẳn ký giả trang trong. Bài cho trang ngoài là bài chạy. Bài cho trang trong là bài nằm. Chạy thì phải vội phải cấp kỳ, nằm thì nhà nhã thư thả. Bài nằm đưa trước cả vài ngày, bài chạy có khi đang viết người thợ sắp chữ đã đứng bên cạnh, nhiều khi viết được 10 hay 15 dòng đã phải lấy cái thước chặn ngang một đoạn, xé ra đoạn đó đưa cho thợ sắp chữ, cốt là để anh ta đi cho khuất.
Cho anh ta một đoạn đem vào sắp chữ thì cả hai bên đều có việc làm, rồi tác giả mới lại viết tiếp. Không thiếu các nhà văn nhà báo miền Nam viết trong tình cảnh ấy. Suy rộng ra, trang trong trang ngoài của một tờ nhật báo khác hẳn nhau, ký giả trang trong ký giả trang ngoài cũng khác hẳn nhau. Một bên xô bồ, còn một bên tà tà.
Độc giả không lưu tâm lắm tới sự khác biệt bài vở trong một tờ báo, thật sự là sự khác biệt rất lớn lao. Ít ai biết rõ những khác biệt ấy như thế nào, vì nếu không ở trong nghề thì cũng không có gì lý thú để đáng biết đến.
Trước 1975, nhật báo phải đưa bản vỗ (bản in thử), thực tế là không phải in bằng máy, mà trải một tờ giấy báo lên khuôn chữ đã sắp xếp xong xuôi, dùng một cái bàn chải lớn quét mực in lên khuôn chữ. Trải một tờ giấy báo lên khuôn chữ đã quét mực, vỗ nhè nhẹ cái bàn chải lên tờ giấy báo, làm sao để chữ nghĩa hình ảnh thấm vào tờ giấy đã ướt mực, rồi bóc tờ giấy (tức tờ báo vì đã có chữ hiện ra rồi), tới khoảng 3 giờ phải đem hai trang báo chính lên Bộ Thông Tin xin kiểm duyệt. Lúc ấy gọi là Bộ Dân Vận, đọc theo giọng Nam là Bộ Dân Giận.
Theo tôi biết, cả thế giới không ở đâu ký giả làm báo in báo như ở Sài Gòn. Chữ thì đúc bằng chì, mỗi con chứ cao 2 cm, ví dụ muốn sắp chữ Việt Nam người thợ sắp chứ phải dùng tay phải nhặt chữ V hoa, chữ i, chữ ệ với dấu ớ (^) và dấu nặng, rồi chữ t như thế là được chữ Việt, rồi kế tiếp một miếng chì trơn làm khoảng cách trước khi nhặt chữ N chữ a và chữ m để sắp liền nhau thành hai chữ Việt Nam.
Tay phải nhón 10 miếng chì này sắp thành chữ Việt Nam vào một cái khuôn gỗ nhỏ cầm bên bàn tay trái. Khuôn gỗ này một khi đầy, tức là ấn công đã sắp được khoảng ba hay bốn câu văn.
Một tờ nhật báo như tờ Tiền Tuyến do tôi làm thư ký tòa soạn chẳng hạn, một ngày ra tám trang, đã cần 30 ấn công làm việc 8 tiếng một thì tới 5 hay 6 giờ chiều, khuôn báo tám trang được sẵn sàng trao cho guồng máy kế tiếp. Tới giai đoạn này thì ký giả khỏi lo nữa, việc in ấn tờ báo thuộc trách nhiệm những người khác.
VIÊN LINH
Chú ý : Phần lớn hình ảnh được lấy lại từ trang Tạp Chí Khởi Khành :

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.