VÀI SUY NGHĨ NHÂN NGÀY THƠ THẾ GIỚI
Tùy bút Nguyễn Đại Hoàng
*******


LỜI DẪN- Năm nay World Poetry Day- ngày tôn vinh các Nhà Thơ trên toàn thế giới- đi qua Việt Nam khá lặng lẽ. Mãi đến sáng thứ Bảy hôm nay gặp nhau nhân vui chuyện nhiều bạn trẻ hỏi tôi những câu chuyện xung quanh ngày lễ này và...
Xin ghi lại và chia sẻ cùng quý thân hữu và các bạn.

1.NGÀY THƠ THẾ GIỚI

Kể từ năm 2000, Ngày Thơ Thế Giới do UNESCO khởi xướng được tổ chức ngày 21 tháng 3 hàng năm tại hầu hết các quốc gia trên thế giới nhằm hỗ trợ SỰ ĐA DẠNG NGÔN NGỮ thông qua sự biểu đạt thi ca, và làm gia tăng cơ hội được lắng nghe cho CÁC NGÔN NGỮ CÓ NGUY CƠ BỊ TUYỆT DIỆT.

Mục đích của Ngày Thơ Thế Giới là thúc đẩy việc ĐỌC, VIẾT, GIẢNG DẠY, DỊCH và XUẤT BẢN THƠ trên toàn thế giới và- như tuyên bố ban đầu của UNESCO- để thể hiện sự công nhận và tạo động lực mới cho các phong trào thơ quốc gia, khu vực và quốc tế.

2. DỊCH THƠ

Vâng, dịch thơ là một việc rất quan trọng để giới thiệu và phổ biến- thơ Việt Nam chẳng hạn- đến công chúng thế giới, qua tiếng Anh chẳng hạn.

Ở Việt Nam nhà thơ dịch giả Võ Thị Như Mai đã làm rất tốt việc này qua tuyển tập THE RHYTHM OF VIETNAM phát hành hồi cuối năm 2023- giới thiệu trên 300 nhà thơ Việt cùng thi phẩm của họ, in song ngữ Việt – Anh.

Dư luận công chúng thơ trong nước và ngoài nước đối với công trình này là những phản hồi rất tích cực.

Nhưng ở chiều ngược lại – việc dịch thơ từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt- lại rất đáng lo!

Hiện nay, ở Việt Nam có nhiều bản dịch từ tiếng Anh hay các thứ tiếng khác ra tiếng Việt- đọc xong chỉ biết thở dài!

Nhiều bản dịch cẩu thả, thiếu tôn trọng độc giả và tác giả- khi không thèm dẫn nguồn hay dẫn văn bản thơ nguyên tác cho độc giả được tường tận.

Vậy mà có khi những bản dịch như thế lại lọt vào cả sách giáo khoa!
Thầy Chung Quân nói thêm:

-Tôi nhớ nhà văn Nam Cao (1917-1951) đã mượn lời nhân vật chính trong truyện ngắn ĐỜI THỪA của ông- để tuyên ngôn rằng:
 
Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng SỰ CẨU THẢ TRONG VĂN CHƯƠNG thì thật đê tiện!

Tôi bảo:

-Ông nhà văn ấy nói hơi nặng lời rồi! Tôi chỉ muốn chia sẻ cùng các bạn phát biểu sau đây của nhà văn Mỹ Mark Twain (1835- 1910):

Có thể cẩu thả trong cách ăn mặc nếu bạn muốn, nhưng hãy giữ một TÂM HỒN CHU ĐÁO.

 [Be careless in your dress if you will, but keep a tidy soul]
Một bạn trẻ mỉm cười tinh quái hỏi tôi:

-Ủa, thầy cũng chuyên dịch thơ nước ngoài mà?
Tôi thở dài:

-Vâng. Tôi đã dịch thơ từ thời trẻ đến giờ, nhưng thực tế là có khi phải rất nhiều năm tôi mới dịch được 1 bài! Và cũng chỉ xứng gọi là tạm dịch thôi!
Ước mong sao nước nhà có Ban Tu Thư Dịch Thuật Quốc Gia như các nước khác!
Dịch thơ ở cấp độ vĩ mô như thế mới có thể thành công các bạn ạ!

-!!!???
-Sao thầy lại bi quan vậy? Thầy có thể cho một ví dụ về sự dịch ẩu không?
-Vâng. Có lẽ chúng ta không nên dùng cụm từ DỊCH ẨU các bạn ạ. Chỉ nên gọi là Thơ dịch chưa chu đáo thôi!

Ví dụ thì rất nhiều, chẳng hạn như bài thơ The Night Has A Thousand Eyes- một trong những bài thơ hay nhất của thi hào Anh Francis William Bourdillon (1852 - 1921):

The Night Has A Thousand Eyes
The night has a thousand eyes,
The day but one;
Yet the light of the bright world dies
With the dying sun.
The mind has a thousand eyes,
And the heart but one;
Yet the light of a whole life dies
When its love is done

Tại Việt Nam hiện có khoảng mười bản dịch mà ngôn từ na ná giống nhau.
+Ví dụ, T.B.T một dịch giả nổi tiếng đã dịch như vầy:

ĐÊM CÓ NGHÌN CON MẮT

Trời ban đêm có nghìn con mắt
Nhưng chỉ một ban ngày
Và ánh sáng khắp nơi lụi tắt
Theo mặt trời tàn phương tây
Óc chúng ta có nghìn con mắt,
Còn tim chỉ một mà thôi.
Nhưng ánh sáng cuộc đời lụi tắt
Khi tình yêu qua rồi.

-Nhưng mà họ dịch đúng mà? The night has a thousand eyes – đúng là “đêm có một ngàn con mắt”… lẽ nào…

-Vâng! Đó là kiểu dịch CHỮ khá phổ biến hiện nay.

Cũng như tiếng Việt, trong thơ văn tiếng Anh, và nhiều thứ tiếng khác có một đặc điểm là thường sử dụng thành ngữ, đặc ngữ và cả tiếng lóng nữa, do đó cần phải tra cứu cẩn thận nếu cần.

Đó là những cụm từ văn chương, nhiều người quen gọi là “nghĩa bóng”. Cụ thể như trong bài thơ nguyên tác nói trên thì cần biết:

Eyes of Night- những vì sao;  Eye of Day – mặt trời; Mind’s eyes – cảnh tượng, trí tưởng tượng, trí nhớ, ký ức, tâm tư, nỗi lo toan, nỗi niềm…trong tâm trí. Heart’s eye - inner perception, một cảnh tượng, một nỗi nhớ, một bóng hình nào đó trong tim…

Riêng tôi, hồi còn trung học ở quê nhà Sa Đéc, học thêm Tiếng Anh ở trường tư thục Bồ Đề, tôi có may mắn gặp được thầy Nguyễn Đăng Khoa một vị thầy cực giỏi,lại mê văn chương, nhờ thế từ thuở ấy tôi đã hiểu thế nào là Ngôn Ngữ Đời Thường, Ngôn Ngữ Từ Điển, và thế nào là Ngôn Ngữ Văn Chương, để sau này có một bản tạm dịch- năm 1973:

ĐÊM MUÔN NGÀN VÌ SAO

Đêm muôn ngàn vì sao
Ngày chỉ một mặt trời
Mặt trời lặn đi rồi
Thế giới còn bóng tối
Tâm tư muôn ngàn nỗi
Tim chỉ nhớ một người
Tình yêu qua mất rồi
Đời chỉ còn bóng tối…

Ôi! Thuở đôi mươi đó có lẽ nào tôi đã thương nhớ một người?
Hình như là vậy!

Hình như là tôi đã viết một bài thơ Hình Như trong tuổi thanh xuân:

Giọt sương rơi lặng lẽ ngoài hiên
Hồn tịch mịch bài thơ không nhớ
Hình như là
tiếng em ngoài ngõ
Hình như là
tiếng gió qua thôi…

3. NHÀ THƠ

-Các bạn ạ định nghĩa về nhà thơ hay thi sỹ thì nhiều lắm, thế nhưng theo tôi, định nghĩa sau đây của nhà thơ nổi tiếng người Anh Percy Bysshe Shelley (1792-1822) trong tiểu luận Defence of Poetry, được nhiều người chia sẻ và xúc động:

Thi sỹ là người như con chim sơn ca- ngồi trong bóng tối hát lên những giai điệu dịu dàng để làm vui cho niềm cô độc của chính mình.

[A poet is a nightingale, who sits in darkness and sings to cheer its own solitude with sweet sounds]

Về khía cạnh này, nếu như nữ thi sỹ tài hoa nước Mỹ Emily Dickinson (1830-1886) từng viết hai câu thơ- tạm dịch- NĐH

Nhà thơ thắp sáng- nhưng đèn
của chính mình- lại tắt
[The Poets light but Lamps —
Themselves — go out —]
thì nữ thi sỹ Thư Đình- Shu Ting trong bài thơ CÓ LẼ 也許 viết năm 1979 - cũng có những câu thống thiết tương tự:
 
也許我們點起一個個燈籠
又被大風一個個吹滅
也許燃盡生命燭照黑暗
身邊卻沒有取暖之火

Phiên âm:

Dã hứa ngã môn điểm khởi nhất cá cá đăng lung
Hựu bị đại phong nhất cá cá xuy diệt
Dã hứa nhiên tận sinh mệnh chúc chiếu hắc ám
Thân biên khước một hữu thủ noãn chi hoả

Tạm dịch NĐH –

Có lẽ từng chiếc đèn lồng ta thắp sáng-
cũng là từng chiếc đèn lồng-
gió lớn đi qua thổi tắt mất rồi
có lẽ ta đốt ngọn nến đời mình xua bóng tối
mà ngọn lửa tiếp thêm chẳng đủ
sưởi thân mình…
----

Nghe tôi đọc những câu thơ cuối, không khí của buổi gặp gỡ dường như chùng hẳn lại.

Vâng nhà thơ luôn cô độc cô đơn lẻ loi trong thế giới của mình. Nhưng nhà thơ không buồn đến mức như lời nàng Chimène trong vở kịch Le Cid của nhà thơ nhà viết kịch người Pháp Pierre Corneille (1606-1684):

TÔI TÌM NIỀM IM LẶNG VÀ BÓNG ĐÊM ĐỂ KHÓC
[Je cherche le silence et la nuit pour pleurer]

Các bạn thân mến NGỌN LỬA TIẾP THÊM mà nhà thơ Thư Đình nhắc đến- chính là tình yêu thương bao dung thông cảm đến từ chính từ các nhà thơ và đến từ độc giả trao cho nhau đó!

Hãy mỉm cười với nhau các bạn nhé. Nụ cười từ trái tim cũng là ánh lửa đêm đông.

Kính chúc quý thân hữu và các bạn bốn phương những ngày cuối tuần được nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui bình an hạnh phúc.

NGUYỄN ĐẠI HOÀNG

-/-
💚