Việt Nam, Quí Tiền Nhân Lẫm Liệt
1 - Hai Bà Trưng
Hai Bà Trưng là trường hợp người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử thế giới nổi lên sớm nhất chống lại quân ngoại xâm giành lại nền độc lập cho dân tộc. Đó là một sự hy sinh vĩ đại của một bậc nữ lưu mà cổ kim đông tây không thấy có, và đời đời dân tộc Việt tưởng nhớ ghi ơn.
Khi đọc đoạn sử về Hai Bà Trưng, vua Tư. Đức đã ngự phê: " Hai Bà Trưng thuộc phái quần thoa, thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa, làm chấn động cả triều đình Hán. Dẫu rằng thế lực cô đơn, không gặp thời thế, nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người, lưu danh sử sách. Kìa những bọn nam tử râu mày mà chịu khép nép làm tôi tớ người khác, những mặt dày chẳng biết thẹn hay sao?
Trưng Nữ Vương
Tiếng trống trầm hùng buổi xuất chinh...
Trưng nương dõng dạc giữa muôn binh
Trước nguyền giết giặc tròn ân nước
Sau quyết diệt thù vẹn chữ tình
Tô Định khiếp kinh ôm nhục nhã
Trưng nương rạng rỡ ướp quang vinh
Ba năm tức vị Vương Trưng nữ
Một thuở non sông hưởng thái bình
Nguyễn Minh Thanh cẩn tác
Hai Bà Trưng: sanh vào năm 14 Sau Công Nguyên, con của Lạc Tướng vùng châu Phong, dòng dõi Hùng Vương, họ Lạc. Cha mất sớm, Mẹ là Man Thiện nuôi dạy theo cung cách con nhà võ, với tinh thần thượng võ.
Về tên Trưng Trắc và Trưng Nhị, vì chị em Bà song sanh nên được đặt là " trứng trắc " và " trứng nhì " theo ngôn ngữ dân gian nuôi tằm thuở ấy.
Trưng Trắc kết hôn với Thi Sách, con Lạc tướng châu Diên. Hai người rất tâm đầu ý hợp về việc chống ngoại xâm, giặc Hán. Ông Thi Sách bị tên Tô Định, viên Thái Thú Hán quan lừa giết.
Nước mất, nhà tan, Bà cùng em Trưng Nhị nổi trống khởi nghĩa tại Mê Linh - Tiếng Trống Mê Linh - vào muà Xuân năm 40, nhiều nơi hưởng ứng. Hai Bà đaị thắng. Tên Tô Định vắt giò lên cỗ, ôm nỗi nhục chạy về Tàu...
Bà Trưng Trắc lên ngôi tức vị Trưng Nữ Vương..., lấy Mê Linh làm Kinh Đô năm 40 SCN.
Bà Trưng khởi nghiệp từ năm ( 40 - 43 SCN ). Hai Bà song sanh vào năm 14 SCN, khởi nghĩa vào khoảng 27 tuổi Việt. Tuẫn tiết, trầm mình tại Hát Giang lúc 30 tuổi ....!!!
Hát Giang: khúc sông Đáy, giữa huyện Phú Thọ - Đan Phượng
Mê Linh xưa: khu vực rộng gồm Vĩ̉nh Phúc, Hà Tây, Yên Bái...
Tưởng Niệm Hai Bà
Trưng nữ anh hùng lập chiến công
Phương danh lồng lộng ánh dương hồng
Mê Linh trống nổi ban quân lệnh
Giao Chỉ binh reo hiệp chữ đồng
Giặc Hán bôn đào qui xứ sở
Quân Nam oanh liệt cứu non sông
Thất cơ Em, Chị... xuôi dòng Hát
Chênh chếch trăng soi... sóng chạnh lòng...!!
Nguyễn Minh Thanh cẩn tác
Hai Bà Trưng
Lạc Hồng nữ kiệt có Trưng Vương
Đánh bại ngoại xâm khắp chiến trường
Tô Định nhục nhằn qui Bắc địa
Trưng Vương rạng rỡ trấn Nam phương
Ba năm an lạc yên ngôi vị
Vạn thuở quốc dân tưởng khói hương
Sông Hát thiên thu trầm mặc mặc
Trăng rằm lồng lộng sóng soi gương...
Nguyễn Minh Thanh kính bút
2 - Nhuỵ Kiều Nữ Tướng Quân
( 226 - 248 )
Kiều Kiều nữ tướng quân
Anh danh động phong trần
Năng hàn Ngô tử đảm
Phiêu dục động nhân tâm
( Cổ thi, khuyết danh )l
Nhuỵ Kiều Nữ Tướng Quân
Nữ Tướng đẹp tuyệt vời
Oai danh lộng gió khơi
Giặc Ngô nghe vỡ mật
Dung mạo mãi ngời ngời
NGUYỄN MINH THANH cảm dịch
Theo Gs Trần Lam Giang (Bách Việt Tiên Hiền Chí), bài cổ thi trên do Nghĩa Quân xưng tụng Bà Triệu. Cũng theo GsTLG thì chữ "ẨU" có nghĩa là "Bà Gìa";chứ không có nghĩa xúc phạm xấu xa!!
TRIỆU TRINH NƯƠNG
( 226 - 248 )
Giặc Ngô xâm lược ác trùng trùng
Việt nữ Trinh Nương hội kiếm cung
Mắt biếc điều quân xung trận mạc
Môi hồng khiển tướng động binh nhung
Xuất sư đuổi giặc vùng sông Mã
Tuẫn quốc quăng gươm tại núi Tùng
Mạt lộ anh thư cam tuẫn tiết
Thiên thu minh nguyệt chiếu soi chung..!!
NGUYỄN MINH THANH Kinh bút
*NKTQ, tức bà Triệu Thị Trinh, Triệu Trinh Nương, Triệu Ẩu, hay Lệ Hải Bà Vương,là thiếu nữ rất xinh đẹp, em ô.Triệu Quốc Đạt, con ô.Triệu Công Hiển,người Nông Cống, Thanh Hóa. Bà cùng anh là TQĐ khởi binh vùng Sông Mã đánh quân Đông Ngô ( Đời Tam Quốc ).Lúc đầu, khí thế lừng lẫy,Bà mặc áo vàng cỡi voi trắng một ngà, bành vàng,cờ vàng xung trận lẫm liệt, đến đổi,lính Ngô khiếp sợ lạnh mật ( Năng hàn Ngô tử đảm ),hoặc chúng bảo nhau : Múa giáo đánh cọp dễ, Giáp mặt Vua Bà khó ( (Hoành qua đương hổ dị,Đối diện Bà Vương nan).Nhưng sau đó Vua Bà bị bại trận bởi Lục Dận, do binh ít thế cô,Vua BÀ chạy đến xã Bồ Điền núi Tùng(nuí Hối) thì tử tiết, mới 23 tuổi..!!! Nhưng theo Thiền Sư Lê Mạnh Thát căn cứ vào Thiên Nam Ngữ Lục,Bà Triệu đã đánh bại Lục Dận, và đến năm 257 Vua BÀ mới tử trận bởi viên tướng giặc khác. Ngày nay, trên núi Tùng có Lăng Vua Bà, dưới chân núi có đền thờ Vua Bà, và lễ hội Vía Bà ngày 21 - 2 al hằng năm rất trọng thể.
Gs Trần Lam Giang (Bách Việt Tiên Hiền Chí), bài cổ thi trên do Nghĩa Quân xưng tụng Bà Triệu. Cũng theo GsTLG thì chữ "ẨU" có nghĩa là "Bà Gìa";chứ không có nghĩa xúc phạm xấu xa.
3 - PHÓ ĐỨC CHÍNH
Ông Phó Đức Chính ( 1907 - 1930 )
Hăm Ba tuổi dứt nợ tang bồng
Phó Đức Chính kiêu hùng giống Lạc Long
Lẫm liệt chờ gươm thanh thép trắng
Hiêu hiêu xem chết sợi lông hồng
"- Việt Nam Vạn Tuế " rền trời đất
Hùng Khí thiên thu trải núi sông
Bình thản khoa chân vào Huyết sử
Hưng Yên Sông Luộc khóc nghiêng dòng
Nguyễn Minh Thanh cẩn bút
Sơ lược tiểu sử Phó Đức Chính
Phó Đức Chính ( PĐC ) người huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên, là con của cụ Duy Chân nhà Nho nổi tiếng trong làng Đa Ngưu.
PĐC là cánh tay phải của đảng trưởng Nguyễn Thái Học ( NTH ) Việt Nam Quốc Dân Đảng ( VNQDĐ )
Sau khi tốt nghiệp Tham Tá Công Chánh, PĐC được bổ nhiệm sang Lào làm việc
Năm 1927 PĐC tham gia thành lập VNQDĐ với công tác tổ chức và phát triển Đảng
Cuối năm 1928 Ông giữ chức Phó Chủ Tịch VNQDĐ
Ngày 9 tháng 2 năm 1929, tên Bazin chuyên viên mộ phu đi làm đồn điền cao su; là tên thực dân Tây rất độc ác với dân phu, bị VNQDĐ ám sát. Do việc ám sát đó, đảng viên VNQDĐ bị truy nã rất gắt và khủng bố khắp nơi.
Để tránh nguy cơ tổ chức và Đảng khỏi tan rã, Tổng Bộ VNQDĐ quyết định Tổng Khởi Nghĩa ngày 10 tháng 2 năm 1930, dù không nắm chắc phần thắng. Và Đảng trưởng NTH cũng nói " Không thành công thì thành nhân " ( Đại sự nếu không thành, thì cũng để lại nhân tố cho công cuộc phục quốc tiếp theo... )
PĐC được công cử chỉ huy điều động binh đánh chiếm vùng Yên Bái.
Cánh quân của Phó Đức Chính, dưới sự hướng dẫn của Ngô Hải Hoàng đã đánh chiếm trại lính Khố Đỏ giết chết viên Đại Úy Jourdain là trưởng trại và chiếm kho vũ khí.
Tuy nhiên, vì địa thế bất lợi và địch quân phản công dữ dội, đội nghĩa quân thất thế, đành rút lui phân tán vào rừng.
PĐC và một số anh em đồng chí còn sống sót có ý định vây đánh thành Sơn Tây. Nhưng vào chiều ngày 15 tháng 2 năm 1930 anh em đồng chí đang họp bàn kế hoạch tại Nam An ( Sơn Tây ) thì bị quân thù vây bắt.
Ngày 17 - 6 - 1930, Việt Sử gọi là Ngày Tang Yên Bái.
Ông PĐC với mười hai đồng chí VNQDĐ, trong đó có Đảng Trưởng Nguyễn Thái Học, đã ung dung lẫm liệt bước lên đoạn đầu đài tại Yên Bái đền nợ nước..!!
Dũng Khí Phó Đức Chính:
Tương truyền, trước khi hồn lìa khỏi xác, Ông Phó Đức Chính còn hô lên được bốn tiếng " Việt Nam vạn tuế ". PĐC là người thứ 12 bước lên máy chém và là người duy nhứt đã yêu cầu được nằm ngửa để xem lưỡi đao chém xuống như thế nào.
Khi bị kết án tử hình, Ông từ chối việc chống án. Và nói:
" Đại sự không thành! Chết là vinh! Còn chống án chi vô ích! ".
Ngoài ra, người biên soạn, trong thời gian ở tù Cải Tạo vùng Việt Bắc, có bạn tù đọc cho nghe bài thơ ngắn, hào khí ngang trời và bảo là của PĐC. Tiện đây xin, chép để rộng đường...Nếu có cao minh xác nhận đích thị tên tác giả nào khác, thì xin vui lòng điều chỉnh trả về... Trân trọng.
Tuyệt Mệnh Thi
Chung cô huyên thuyền cấp
Hoàng hôn ánh dĩ tà
Cửu tuyền vô khách điếm
Kim dạ đáo thùy gia
Phó Đức Chính
Thơ Tuyệt Mạng
Chuông chùa kêu giục giã
Chiều hôm bóng ngã dài
Suối vàng không quán xá
Đêm nay ghé nhà ai !?
NMT cẩn dịch
Riêng, kẻ hậu sinh với tấm lòng ngưỡng vọng bậc tiền nhân, người vô cùng lẫm liệt, xin có bài thơ nhỏ tưởng niệm:
PHÓ ĐỨC CHÍNH
Ung dung cung cách đấng anh hào
Ngửa mặt bình tâm trông lưỡi đao
Giương mắt xem chừng đao xuống thấp
Chuyển môi hô lớn hồn lên cao
" Việt Nam vạn tuế " tầng mây trắng
Hùng Khí thiên thu vũng máu đào
Kim cổ mấy ai năng sánh kịp
Gương trăng vằng vặc chiếu nghìn sau...
Nguyễn Minh Thanh cẩn tác
GA, 16 - 3 - 2024 ( Viá Hai Bà Trưng )