Nguồn : VĂN HÓA ONLINE – VĂN HÓA – THỨ HAI 04 MAR 2024
Hát Nói, Đàn Đáy và Tinh Thần Dân tộc VN
Bs Bùi Duy Tâm
(Phụ Bản: TRẦN ĐỨC THẢO VÀ ĐÊM Ả ĐÀO CHUI Ở ATK NĂM ẤY)
Hát Nói là một thể thơ Ca Trù mới được tao nhân mặc khách ưa chuộng nhất và đã lưu lại những áng văn chương bất hủ. Nhưng Hát Nói không phải là tất cả Ca Trù Việt Nam. Bên cạnh Hát Nói, Ca Trù còn có hơn 40 thể khác.
Đàn Đáy là một nhạc cụ đặc biệt trong dàn nhạc Ca Trù và gần đây trở thành một cây đàn độc nhất trong bộ môn hát Ca Trù cận đại mà người ta thường gọi là hát Ả Đào hay hát Cô Đầu. Bài viết này viết về Ca Trù Việt Nam nhưng lấy tựa đề là Hát Nói và Đàn Đáy. Ý muốn làm nổi bật thể thơ Hát Nói và cây Đàn Đáy, một phối hợp Thơ Nhạc tuyệt vời và đặc biệt Việt Nam.
CA TRÙ
Hải Thượng Lãn Ông trong “Thượng Kinh Ký Sự” đã ghi lại mấy chầu hát Ca Trù trước và trong khi đi đường ra Thăng Long chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán, con của Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm và Bà Chúa Chè Đặng thị Huệ. Các tướng Tây Sơn, những người nông dân áo vải, theo Nguyễn Huệ ra Bắc Hà, đã say sưa nghe cô Cầm đàn hát Ca Trù, thưởng lụa, thưởng tiền không biết tiếc. Nguyễn Du trong bài “Long thành Cầm giả ca” đã ca ngợi trình độ thẩm âm của họ: “Hào hoa ý khí lăng vương hầu” (ý khí hào hoa hơn hẳn bọn vương hầu).
Các thính giả phương Tây rất thích thú Ca Trù. Khi nghe, họ không dùng máy tăng âm (ampli) để giữ được “giọng nguyên chất Việt Nam” đó trong tiếng đàn đáy, tiếng hát, tiếng phách Ca Trù. Giọng hát Ca Trù, tiếng họa mi của thi ca Việt Nam cũng chính là giọng nguyên chất của tâm hồn Việt Nam, bản sắc Việt Nam, trải qua nhiều thế kỷ cho đến bây giờ.
Bài này không phải là một thiên khảo luận. Người viết chỉ muốn trình bày một số kiến thức cơ bản về Ca Trù Việt Nam để quí bạn đọc thưởng thức, tự hào và yêu thích bộ môn nghệ thuật Việt Nam rất quý báu mà cũng khá phức tạp. Hơn nữa ... để hiểu thêm về con người và tinh thần Việt Nam.
Ca Trù gồm:
. Nhiều điệu hát (Bắc Phản, Mưỡu, Hát Nói, Gửi Thư, Tỳ Bà, Chừ Khi, Đọc Thơ, Đọc Phú, Hát Ru, Hãm, Thét Nhạc, Hát Giai ...)
. Các điệu múa (Bài Bông, Bỏ Bộ, Đội Đàn, Tứ Linh, Bát Tiên).
. Các trò khôi hài bông lơn (Chạy Trò, Kéo Chẽo, Thầy Bèo...)
Ca Trù hoạt động trong 3 khu vực:
. Hát Cửa Quyền (hát trong cung đình)
. Hát Cửa Đình (ở nông thôn)
. Hát Chơi (giáo phường, ca quán, dinh thự, tư gia...)
Hát ở Cửa Đình ngày xưa có lệ Hát (Ca) Thẻ (Trù). Thẻ (gọi là Trù) làm bằng mảnh tre ghi chữ đánh dấu, dùng để thưởng cho đào, kép thay cho tiền mặt. Ca Trù nghĩa là Hát Thẻ. Ca Trù cũng có thể hiểu theo nghĩa khác: “trù” là do chữ “trò” biến ra như động Thiên Trù là động “Trò”, làng Đông Trù là làng “Trò”, v.v... Nên Ca Trù có thể nghĩa là “môn hát có trò múa, mua vui” vừa hát vừa múa vừa làm trò.
Đời vua Lý Thái Tổ (1010-1028) có một ca nhi tên là Đào Thị tài nghệ giỏi và hát hay, từng được nhà vua ban thưởng. Vì mộ danh tiếng Đào Thị nên con hát được gọi là Đào nương hay là cô Đào, hay là ả Đào. Và Ca Trù còn có tên là Hát Ả Đào. Gần đây Hát Ả Đào hay Hát Cô Đào được đọc chệch ra là Hát Cô Đầu:
Cô đầu, cô đít, cô đuôi, ...
(Anh mà vào bót) Công tử không hát ai nuôi cô đầu
Con người hễ biết nói là biết múa hát để bày tỏ tình cảm của mình. Múa hát theo lề luật nào đó thì gọi là Ca Trù. Ca Trù ít nhất đã thành hình từ thời nhà Lý. Ca Trù tiến hóa không ngừng về lời ca cũng như về âm điệu: Ca Trù đời Lý không phải Ca Trù đời Lê, Ca Trù đời Lê cũng không giống Ca Trù đời Nguyễn.
Vua Lê Thánh Tông chia Âm Nhạc Việt Nam thành:
. Nhã Nhạc (nhạc cung đình) do quan Thái Thường quản lý
. Tục Nhạc (nhạc dân gian) do Ty giáo phường trông coi.
Cái Tên “Hát Nhà Tơ” (tức là Hát Ả Đào) ra đời từ đó vì chữ “Ty” dịch ra tiếng Việt là “Tơ”. Hát Ả Đào còn gọi là “Hát Quan Viên”. Người ta thường gọi những người đi nghe hát là quan viên.
Lệ xưa con các quan từ Án Sát trở lên, dầu không đỗ đạt cũng được triều đình tặng cho chức Ấm Tử (được miễn sưu dao tạp dịch).Con các quan Phủ, Huyện gọi là Quan Viên Tử (được miễn tạp dịch trong làng).
Lại có thuyết nói quan viên là những bậc phong lưu đi du quan thưởng thức.
Vậy quan viên có ý nói các bậc phong lưu công tử đi nghe hát.
Ả đào ngày xưa ở chung với nhau một phường một xóm, ban ngày đi làm công việc vườn ruộng hay chăn tằm dệt vải như các cô con gái nhà lương dân khác. Đến tối họ đến nhà quản giáp luyện tập múa hát và gõ phách, do quản giáp cùng với các ả đào già dạy bảo.
Khác với đa số con gái nhà lương dân, các ả đào đều có đi học, thông hiểu chữ nghĩa để học được những bài Tương Tiến Tửu, thơ Thiên Thai và phú Tiền, Hậu Xích Bích.
Quan viên muốn thưởng thức câu hát điệu múa của giai nhân, phải điều đình trước với quản giáp để dàn xếp chương trình. Lặn mặt trời, các ả đào đi làm về, quần áo chỉnh tề đến nơi đã xếp đặt trước. Ả đào và kép đàn ngồi phản dưới, quan viên ngồi trường kỷ hay sập trên nghe hát. Hát những bài sẵn có hay tự đặt bài mới, tùy ý quan viên.
Theo Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề (trong Ca Trù biên khảo), một buổi hát Ca Trù được diễn tiến như sau:
“Thoạt vào hát Bắc Phản, hát Mưỡu, kế đến Hát Nói, rồi tiếp sang Gửi Thư, đọc phú Xích Bích, Cung Bắc, Tỳ Bà, có khi lại Ngâm Thơ, Kể Truyện. Đêm khuya uống rượu, quan viên thay phiên nhau làm những “câu hãm” tình tứ cho ả đào.
Cuộc hát tan, ả đào xin phép ra về, quan viên ở lại nghỉ với nhau. Hôm sau thưởng cho năm ba quan tiền, trao cho quản giáp, ả đào không hề biết tới...”
Bấy giờ Ca Trù là một lối chơi cao thượng, phong nhã, văn chương. Quan viên không chỉ ngồi nghe tâm sự cổ nhân qua lời ca, điệu nhạc mà còn sáng tác thi ca mượn tiếng mỹ nhân để giãi bày nỗi lòng của chính mình và điểm xuyết bằng những tiếng trống chầu để khen thưởng nghệ sĩ, cũng để biểu lộ cá tính và trình độ thưởng thức của mình. Ca Trù là một nghệ thuật phối hợp nhạc và thơ. Hát Ả Đào là một cuộc trình diễn nghệ thuật trong đó đào hát, kép đàn và quan viên ngồi nghe đều tích cực tham gia.
Dưới thời Pháp thuộc, đường giao thông thuận tiện hơn trước, ả đào đua nhau mở nhà hát ở các nơi thành thị. Khoảng năm 1939, riêng Hà Nội và vùng ngoại ô có đến 7,8 phố cô đầu. Số cô đầu lên đến 1970 người trong khi dân số Hà Nội chỉ có khoảng 130.000 người. Bầu không khí chiến bại, ảnh hưởng văn minh vật chất Tây Phương và sự rạn nứt của luân lý cổ truyền đã làm cho phong khí Ca Trù suy bại. Quan viên thiên về sắc dục, có nhiều người đi hát suốt đời mà không hiểu nghĩa một bài hát nói. Cô đầu lại nô lệ đồng tiền, có người không biết hát một câu. Cái thú chơi tao nhã của tiền nhân dần dần biến ra một trò trăng gió mây mưa và nhà cô đầu trở thành nơi buôn hương bán phấn.
Quá trình biến hóa của Ca Trù có thể căn cứ vào những nét đậm nhạt của nội dung mà tạm phân làm 3 giai đoạn:
1. Nhạc: Trong giai đoạn sơ khởi lời ca mộc mạc, giản dị, ý từ rời rạc, nhiều câu như phương ngôn hay ca dao, nhiều câu lạc vận, đọc thấy quê mùa vô vị nhưng hát lên cùng với nhạc thì lại rất hay. Giai đoạn sơ khởi này chấm dứt vào thời Lê sau khi Lê Thánh Tông thiết lập hai bộ Đồng Văn, Nhã Nhạc. Tính ra Ca Trù của ta có hơn 40 điệu, so với Nhạc Phủ của Trung Quốc cũng không thua kém. Hát Nói, Hát Giai và Hát Lót, âm điệu không giống nhau. Hát Mưỡu đặt câu như Bắc Phản, Dồn-Đại- Thạch cũng như Chừ Khi, lúc hát lên cung bậc khác hẳn. Đặc biệt Tỳ Bà, Cung Bắc, âm điệu giàu thịnh vô cùng.
2. Thơ: Một khi âm luật đã san định, nghe những bài hát cũ mãi cũng chán, người ta mới sáng tác những bài hát mới, lời ca càng ngày càng chải chuốc bóng bảy, ý thơ càng súc tích đậm đà. Giai đoạn thứ hai lấy văn chương làm chính yếu, đạt đến mức cao nhất vào đời Nguyễn với những bài hát nói bất hủ của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, …
3. Sắc: Giai đoạn thứ 3 là giai đoạn suy tàn bắt đầu với nền đô hộ của người Pháp. Nhiều quan viên không hiểu nghĩa bài hát, không biết đánh trống, nói chi đến chuyện sáng tác văn chương. Nhiều cô đào không biết hát và gõ phách nói chi đến chuyện chế biến âm luật. Văn chương và âm nhạc đã nhường cho sắc dục.
HÁT NÓI
Trong quá trình biến hóa của Ca Trù, đỉnh cao nhất là lúc âm luật đã ổn định và thể thơ Hát nói được phát triển sung mãn với nhiều tác phẩm và tác giả nổi danh trong văn học Việt Nam.
Ca Trù, từ đầu vẫn là hát những bài thơ có sẵn từ lâu đã trở thành cổ điển. Phần lớn các điệu hát chỉ có một bài duy nhất, không ai sáng tác thêm lời mới như trong các điệu: Thét nhạc, Ngâm Vọng, Đại Thạch, Nhịp Ba, Cung Bắc, Dâng Hương, Nhạc Nhang, Hát Giai, Đọc Phú, Hát Sử ... Trừ một số bài “Chúc Hỗ” do các quan bộ Lễ soạn có thay đổi lời thơ cho hợp với công đức từng ông vua khác nhau và các bài “Hãm” (tức là những bài thơ lục bát ngắn làm tức thời để chuốc rượu) còn mang tính sáng tác nhưng phần lớn chỉ là thù tạc, ít giá trị văn học.
Xã hội Việt Nam, cuối triều Lê đến triều Nguyễn rồi tiếp theo thời kỳ Pháp thuộc, trải qua nhiều biến động lớn, tác động mạnh mẽ đến tâm hồn, tư tưởng người dân đặc biệt là giới sĩ phu nho học. Những thể văn thơ niêm luật gò bó không chứa được tâm tư con người. Thể thơ Hát Nói của Ca Trù với phối hợp thơ nhạc tuyệt vời, với đủ màu sắc thanh điệu diễn tả tâm hồn đã kịp thời đến với thi sĩ Việt Nam như thể “Từ” đến với thi sĩ đời Đường bên Trung Hoa. Từ những bài hát Giai Cửa Đình (Hát Nói Giai, Nói Hà Nam, Nói Hà Liễu ,…) với các âm điệu mỗi ngày một phong phú, xen kẽ hơi thơ, hơi phú, điệu Hát Nói dần dần trở thành một điệu chính của Ca Trù.
Thi Ca Việt Nam đến thể Hát Nói thì kể như luồng âm ba của ta đã đạt mức đại thành. Câu nói và điệu hát không còn ranh giới nói là hát, hát là nói. Tự do nhưng không buông tuồng, đài các mà không bị ràng buộc. Hát Nói có nội dung không cô đọng quá như thơ Đường Luật, không miên man quá như Truyện và Ngâm của thơ Lục Bát và Song Thất Lục Bát.
Hát Nói là một văn thể tổng hợp Nho đứng cạnh Nôm, Từ và Thơ Luật của Trung Hoa đứng cạnh thơ Lục Bát và Song Thất Lục Bát của Việt Nam.Văn thể Hát Nói là một biểu dương tuyệt vời của tinh thần quảng đại, khoan dung, giải hòa các khúc mắc ngoại lai để thâu nạp vào cái quân bình hài hòa cố hữu của dân tộc. Chính nhờ cái tinh thần độc lập và cái khả năng đồng hóa ấy mà nền văn hóa Việt Nam vẫn tồn tại và phát triển sau bao lần bị xâm lược ngoại bang.
Văn thể Hát Nói đã được Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề trình bày rất rõ mạch lạc trong cuốn “Việt Nam Ca Trù biên khảo”. Xin trích ra đây một đoạn để bạn đọc hiểu được bố cục, cách gieo vần, số chữ, số câu trong một bài Hát Nói:
Hát Nói cùng với Lục Bát và Song Thất Lục Bát là những văn thể riêng của nước ta, đối lập với Thơ, Từ, Phú là những thể văn mượn của Tầu. So với các thể văn khác, Hát Nói có tính cách tự do phóng khoáng, niêm luật không câu nệ, số chữ trong câu và số câu trong bài không hạn định chặt chẽ. Hát Nói có thể coi như một biến thể của Lục Bát và Song Thất Lục Bát. (Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu). Sau này lối thơ tám chữ của phong trào Thơ Mới thoát thai ở Hát Nói mà ra.
Văn thể Hát Nói có ba đặc điểm: bố cục, cách gieo vần và số chữ trong câu văn.
I. Bố cục
Một bài Hát Nói thường gồm 11 câu, chia làm 6 khổ
1. Khổ nhập đề: câu 1 và 2, mở bài,
2. Khổ xuyên tâm: câu 3 và 4
3. Khổ thơ hay khổ đan: câu 5 và câu 6, là hai câu thơ chữ Hán hoặc quốc âm, nêu ý chính của bài hát.
4. Khổ xếp: Câu 7 và 8 hát mau.
5. Khổ rải: Câu 9 và 10, hát chậm rãi
6. Khổ kết: Câu 11, tóm tắt ý kiến toàn bài
Bài Hát Nói có đúng 6 khổ, 11 câu như trên gọi là bài đủ-khổ, và là hình thức thông dụng nhất. Bên cạnh những bài đủ-khổ còn có những bài dôi-khổ và thiếu-khổ.
Bài Hát Nói dôi-khổ (thừa khổ) là bài có trên 6 khổ, những khổ dôi thường là khổ xuyên và khổ thơ. Bài hát dôi khổ có thể có 15 câu, 19 câu, 23 câu hoặc 27 câu. Bài Hát Nói thiếu khổ là bài hát có dưới 6 khổ, những khổ thiếu thường là khổ thơ, khổ xếp.
II. Cách gieo vần
Hát Nói là một thể văn vừa có cước vận (vận ở cuối câu) vừa có yêu vận (vận ở lưng chừng câu) vừa dùng vần bằng, vừa dùng vần trắc.
Cách gieo vần của bài Hát Nói, tóm tắt trong 5 quy luật:
1. Bài Hát Nói bao giờ cũng bắt đầu bằng một cước vận trắc.
2. Sau cước vận trắc đầu tiên là hai cước vận bằng rồi đến hai cước vận trắc, rồi lại đến hai cước vận bằng, rồi lại đến hai cước vận trắc. Cứ như vậy tiếp diễn cho hết bài hát.
3. Bài hát nói tận cùng bằng cước vận bằng.
4. Khi câu trên có cước vận trắc mà câu dưới chuyển sang cước vận bằng, thì câu dưới phải có thêm yêu vận trắc. Trái lại, khi câu trên có cước vận bằng mà câu dưới chuyển sang cước vận trắc, thì câu dưới có thêm yêu vận bằng. Yêu vận gieo cách chữ cuối cùng trong câu 2 hoặc 3 chữ.
5. Riêng hai câu của khổ thơ, vì là hai câu thơ luật nên không có yêu vận.
III. Số chữ trong câu
Số chữ trong câu hát, không có hạn định, có thể từ 4 đến 12, 13 chữ. Cũng có những câu gối-hạc, lối văn lắt léo, dùng đến trên 20 chữ. Nhưng khổ kết (câu cuối cùng) bao giờ cũng chỉ có 6 chữ. Khổ thơ thường là hai câu thơ thất ngôn (mỗi câu 7 chữ) hoặc ngũ ngôn (mỗi câu 5 chữ). Thí dụ một bài hát nói đủ khổ:
GẶP ĐÀO HỒNG, ĐÀO TUYẾT
Khổ đầu
1. Hồng Hồng Tuyết Tuyết (c.v.t)
2. Mới ngày nào chưa biết (y.v.t) cái chi chi (c.v.b)
Khổ xuyên tâm
3. Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì (c.v.b)
4. Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ (y.v.b) tơ liễu (c.v.t)
Khổ thơ
5. Ngã lãng du thì quân thượng thiếu (7 chữ) (c.v.t)
6. Quân kim hứa giá ngã thành ông (7 chữ) (c.v.b)
Khổ xếp
7. Cười cười nói nói thẹn thùng (c.v.b)
8. Mà bạch phát với hồng nhan chừng (y.v.b) ái ngại (c.v.t)
Khổ rải
9. Riêng một thú Thanh sơn đi lại (c.v.t)
10. Khéo ngây ngây dại dại (y.v.t) với tình (c.v.b)
Khổ kết
Đàn ai một tiếng Dương tranh (6 chữ) (c.v.b)
(Dương Khuê)
Từ đầu thế kỷ 19 đến gần giữa thế kỷ 20, Hát Nói phát triển cực kỳ mạnh mẽ và chiếm địa vị ưu đẳng trong văn chương chữ Nôm. Phần lớn các nhà nho, nhà thơ, nhà chính trị nổi tiếng của nước ta thời bấy giờ đều gửi gắm tâm sự của mình trong các bài Hát Nói nên văn chương Hát Nói càng được nâng niu, chau chuốt. Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc đã sưu tập trên 200 bài Hát Nói coi như phản ảnh tinh thần muốn thoát khỏi vòng bó buộc của luân thường, sự kìm hãm của khoa cử, đường hẹp hòi của sĩ hoạn... Các bài Hát Nói được xếp loại: lập công, độc thoại, chán đời, ăn chơi, tả cảnh, tự tình, dạy đời, đùa vui... Các tác giả được kể ra khá đầy đủ mà trên chót vót là Nguyễn Công Trứ.
*Nguyễn Công Trứ: là người đầu tiên sáng tác Hát Nói (ca quán) chữ nôm nhiều nhất từ trước tới nay. Ông đã có công rất lớn trong việc làm tăng thêm nhạc cảm cho thể hát đầy chất thơ này bằng cách biến hóa âm luật theo cảm xúc chân thật của mình một cách sáng tạo mà vẫn giữ được sự hài hòa của chất thơ, chất nhạc.
Hai tác giả Ngô Linh Ngọc – Ngô Văn Phú trong tuyển tập thơ Ca Trù đã viết:
[Bài Hát Nói đủ khổ gồm 11 câu, đã chia rõ ràng, khổ đầu, khổ xuyên, khổ thơ, khổ xếp, khổ rải, khổ kết. Nhưng Nguyễn Công Trứ luôn luôn phá cách. Có nhiều bài ông bỏ hẳn khổ thơ (câu thứ 5, thứ 6) để mạch tình cảm trong khổ xuyên đang sôi nổi không bị kìm nén lại, như trong bài “Danh chẳng bằng nhàn”:
Cơn chếnh choáng xoay vần trời đất lại
Chốc ngâm nga xáo lộn cổ kim đi
Cái công danh là cái chi chi
Quý nhân tưởng bất như nhàn nhân quý
Thú yên hà gửi nơi thành thị,
Nhớ Đông Ba, Gia Hội có hai cầu…
Trong bài Vịnh Tiền Xích Bích, sau khổ thơ, ông tiếp liền cả bốn câu thơ của Tô Đông Pha:
Ca rằng: quế trạo hề lan tương
Kích không minh hề tố lưu quang
Diểu diểu hề dư hoài
Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương ...
Hoặc như trong bài “Có chí thì nên”, đã hát xong khổ thơ và khổ giữa (các câu 5,6,7,8) rồi, ông lại lập lại cả hai khổ ấy, mà không chuyển ngay sang khổ xếp:
“Duyên ngư thủy còn dành cơ hội lại (câu 5)
Quyết tang bồng cho phỉ chí trượng phu (câu 6)
Trong trần ai, ai kém ai ru (câu 7)
Tài bộ thế khoa danh ừ lại có (câu 8)
Độc thiên thư bất phụ (câu 9)
Hát chi sự cánh thành (câu 10)
Giang sơn đành đợi có nơi mình (câu 11)
Mà vội mỉa tài tình chi mấy nhỉ! (câu 12)
Trong bài “Thoát vòng danh lợi”, đáng lẽ khổ thơ ông phải làm hai câu thất ngôn đối nhau, nhưng ông lại viết hai câu ngắn, so le một Hán một Nôm khác hẳn nhau:
Quá giả vãng nhi bất thuyết
Cái hình hài làm thiệt cái thân chi.
Với cách đặt câu như thế, câu trên rõ ra một lời tuyên bố đanh thép: thôi, việc đã qua rồi, không nhắc đến làm chi nữa; câu dưới rải ra, bùi ngùi như một tiếng than dài].
Các bài Hát Nói của Nguyễn Công Trứ, cũng như nhiều tác giả khác, hay mở đầu bằng vài câu “Hát Mưỡu”. Mưỡu gồm có hai hay bốn câu lục bát, dùng để mở đường vào bài Hát Nói. Hai câu gọi là Mưỡu Đơn. Bốn câu gọi là Mưỡu Kép. Mưỡu do chữ Mạo (mắt) đọc chệch đi. Mưỡu là nhan đề của bài Hát Nói (Nhan cũng là mặt).
Thí dụ:
Mưỡu Đơn
Giang sơn một gánh giữa đồng,
Thuyền quyên ứ hự... anh hùng nhớ chăng
(Cô đào Hiệu Thư đã Mưỡu câu này cho Nguyễn Công Trứ nghe để nhắc lại chuyện 10 năm trước: cô đào kêu ứ hự không chịu để chàng trai Nguyễn Công Trứ bờm sơm khi cô đương gánh nặng giữa đồng).
Mưỡu Kép
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, bóng gương Tây Hồ
(Khuyết danh)
Nguyễn Công Trứ thường mào đầu bằng Mưỡu Đơn như trong các bài Hát Nói:
Gánh gạo đưa chồng:
“Cái cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non”
Tây hồ hoài cổ:
“Dập dìu trăng mạn gió lèo,
Lòng ngâm vân thủy, lơi chèo yên ba”
Đồng Tiền:
“Hôi tanh chẳng thú vị gì,
Thế mà cũng được kẻ vì người yêu”
Cũng như nhiều kẻ sĩ thời bấy giờ, Nguyễn Công Trứ chuyển tiếng nói tâm hồn vào các bài Hát Nói. Ngoài đề tài “Chí nam nhi”, “Trên vì nước, dưới vì nhà”, “Tang bồng là nợ” ông thường ca tụng chữ “Nhàn” trong các bài “Chữ Nhàn”, “Thoát vòng danh lợi”, “Chơi là lãi”. Chữ “Nhàn” ở đây, phải hiểu là: chán ghét chế độ đương thời, muốn xa lìa chúng như chữ “Lãn” (lười biếng với công danh) trong biệt hiệu Hải Thượng Lãn Ông. Một đời tận tụy mà vẫn bị nghi ngờ, truất giáng liên miên. Để khuây khỏa niềm đau ấy và để ngầm tỏ ý phản kháng, khi đi đánh giặc cũng như lúc lên ở chùa, ông đều mang ả đào đi theo. Khi về hưu, ông thường ngồi trên xe bò cái kéo mà đít bò được che bằng một tấm mo cau, đề bốn câu thơ:
“Xuống ngựa, lên xe, nọ tưởng nhàn,
Lợm mùi giáng chức với thăng quan.
Điền viên dạo chiếc xe bò cái,
Sẵn tấm mo che miệng thế gian”
Thực ra ông đâu có muốn hưởng an nhàn. Đến năm 81 tuổi, ông còn tình nguyện lên đường đánh Pháp. Cũng như Hải Thượng Lãn Ông, suốt đời siêng năng học hỏi, chữa bệnh, viết sách, dạy học với một sự nghiệp y học lừng lẫy mà vẫn tự xưng là ông già lười biếng (Lãn Ông). Chữ “Nhàn” và chữ “Lãn” (lười biếng) của hai danh nhân đó nói lên đức khiêm cung của tinh thần dân tộc.
Xin chép ra đây một bài Hát Nói điển hình nhất để bạn đọc thấy cái tài tình phá cách mà vẫn giữ được nền nếp, phong điệu Hát Nói của Nguyễn Công Trứ:
Gánh gạo đưa chồng
Mưỡu:
“Cái cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”
Nói:
Lộ diệc vũ trùng trung chi nhất
Thương cái cò lặn lội bờ sông
Tiếng nỉ non, gánh gạo đưa chồng
Ngoài nghìn dặm một trời một nước
Trông bóng nhạn bâng khuâng từng bước
Nghe tiếng quyên khắc khoải năm canh
Nghĩa tép tôm ai nỡ dứt tình
Ơn thủy thổ phải đền cho trọn.
Trường tên đạn xin chàng bảo trọng.
Thiếp lui về nuôi cái cùng con
Cao Bằng cách trở nước non
Lòng trong trắng có quỷ thần a hộ
Sức bay nhảy xin chàng hãy cố,
Đá Yên- Nhiên còn đó chưa mòn
Đồng- Hưu rạng chép thẻ son
Chàng nên danh giá thiếp còn trẻ trung
Yêu nhau khắng khít giải đồng
* Cao Bá Quát: Về số lượng bài Hát Nói, sau Nguyễn Công Trứ là Cao Bá Quát. Ông sinh sau Nguyễn Công Trứ 15 năm và cũng như Nguyễn Công Trứ, ông rất mê hát Ả Đào:
“Năm khểnh ngâm thơ cho vợ ngủ,
Ngồi rù uống rượu với con chơi.
Mô phạm dăm ba đứa mũi chưa chùi,
Tiêu khiển mấy cô đào mới nỏi ...”
(May rủi)
Ông đã gửi ý chí phản kháng của mình trong các bài Hát Nói như tiếng sấm báo trước cuộc nổi loạn Mỹ Lương sau này của quân sư Cao Bá Quát.
Trừ một vài bài dôi khổ như “Núi cao trăng sáng” (13 câu), “Thanh nhàn là lãi” (15 câu), đa số các bài hát nói của Cao Bá Quát đều đủ khổ (11 câu) và đúng cách như: “Uống rượu tiêu sầu”, “Ngán đời”, “Tài hoa là nợ”, “Tự tình”, “Phận hồng nhan có mong manh”, “Hơn nhau cũng một chữ Thì”, “May rủi”...; Xin chép ra đây một bài làm mẫu:
Hơn Nhau Cũng Một Chữ “Thì”
Khổ đầu (nhập đề)
Chẳng lưu lạc, dễ trải mùi nhân thế,
Còn trần ai, khôn tỏ mặt công hầu.
Khổ xuyên (xuyên tâm)
Ngất ngưởng thay con Tạo khéo cơ cầu,
Muốn đại thụ hãy ghìm cho lúng túng.
Khổ thơ
Thân hệ bang gia chung hữu dụng,
Thiên sinh hào kiệt bất ưng hưu
Khổ xếp
Hẵng bền lòng chớ chút oán vưu,
Thời chí hỷ, ngư long biến hóa.
Khổ rảo
Thôi đã biết cùng, thông, là mệnh cả,
Cũng đừng đem hình dịch lại cầu chi
Khổ kết
Hơn nhau cũng một chữ thì
(Cao Bá Quát)
Khi thực dân Pháp đã chiếm trọn nước ta, Hát Nói còn là những tiếng thiết tha kêu gọi đồng bào đứng lên đòi lại nước hay những lời chửi mắng bọn bán nước cầu vinh làm tay sai cho giặc như
* Nguyễn Khuyến (vị Tam Nguyên trả ấn từ quan) trong bài Hát Nói: “Đĩ cầu Nôm”
“Thiên hạ bao giờ cho hết đĩ !
Trời sanh ra cũng để mà chơi
Dễ mấy khi làm đĩ gặp thời
...Vợ bợm, chồng quan, danh phận đó
Mai sau ngày giỗ có văn Nôm
Cha đời con đĩ Cầu Nôm”
Và bài Hát Nói “Mẹ Mốc”, nêu cao khí tiết, lòng trung với nước:
“Giữ son sắc cho tròn một tiết
Sạch như nước, trắng như ngà, trong như tuyết
Mảnh gương trinh vàng vặc quyết không nhơ...”
Trong lễ mừng thọ 50 tuổi của quan Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải, Nguyễn Khuyến cứ khăn thâm áo vải ngồi lặng lẽ một góc. Có người thầm thỉ hỏi ông là ai mà ngồi như phỗng đá vậy. Ông liền làm bài hát nói “Ông phỗng đá” đưa cho ả đào hát. Sau đó phó bảng Phan Văn Ái họa lại:
“Gan lì, già sóc
Há non chi mà sợ cóc chi ai
Người là người tớ cũng là người
... Lặng mà coi họa thấy lúc nào chăng?”
...
Hai bài Hát Nói đó là hai chương thiên cổ kỳ văn trong lịch sử Ca Trù.
Đồng khoa, đồng tình, đồng điệu với Nguyễn Khuyến là
* Dương Khuê hay “ông nghè Vân Đình” mà Tam Nguyên Yên Đổ đã khóc trong một bài thơ nổi tiếng, Dương Khuê chủ chiến với Pháp nên bị Tự Đức giáng truất nhiều lần và bị chê là “bất thức thời vụ”. Ông gửi tâm sự chán chường danh lợi vào một bài Hát Nói. “Gặp đào Hồng, đào Tuyết” (đã chép ra ở phần trên), được coi như một tác phẩm mẫu mực của thể Hát Nói.
Tiếp theo, còn rất nhiều tác giả Hát Nói tài hoa khác, mỗi người một niềm tâm sự, một nguồn cảm hứng khác nhau như:
* Chu Mạnh Trinh với bài “Hương Sơn Phong Cảnh”.
* Trần Tế Xương với bài “Thi Hỏng”
* Nguyễn Thượng Hiền với bài “Chơi Chùa Thầy, “Chơi Chùa Hương” và v.v...
Ngoài khả năng miêu tả trữ tình, chí nam nhi, lòng bi phẫn, óc châm biếm, thể Hát Nói còn là một vũ khí đấu tranh vô cùng sắc bén:
* Trần Cao Vân, nhân vụ “xin sâu” ở Quảng Nam bị giặc Pháp đàn áp, bắt giam hai ngàn sĩ phu Việt Nam, đã viết một bài Hát Nói:
Nhất Xoang Ngâm
Nhất xoang ngâm sái sái !
Thiên trận bút thao thao
Hỏi việc chi ? Nào có biết đâu nào !
Khi không thỉnh vô lao ngồi lúc nhúc!
Nào những khách triều đình, nào những trang khoa mục,
Cục hồn nguyên vinh nhục xáo nhất trường.
Xâu một xâu ngô đạo mà thương,
Thử nhân vấn bỉ thương hề thùy tạo?
Phen này quyết níu lưng con tạo,
Mở bùng ra, xin hỏi đạo đại nguyên.
Nhắc câu dân tộc, dân quyền!
(Trần Cao Vân)
Hát Nói được dùng trong nhà trường Đông Kinh Nghĩa Thục để giáo dục và kêu gọi quốc dân yêu nước, tự lực, tự cường, duy tân. Ở đây Hát Nói không phải để hát mà để học.
* Phan Chu Trinh viết một loạt bài Hát Nói trong tập “Giai nhân kỳ ngộ ca” kêu gọi đồng bào đứng lên giành Độc Lập, Tự Do.
Trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, nhiều bài Hát Nói đã được sáng tác ngay trong các nhà tù Sơn La, Lao Bảo, Côn Lôn như:
* Huỳnh Thúc Kháng viết “Bài Ca Lưu Biệt” theo thể Hát Nói trước giờ lên đường đi đày ra Côn Đảo,
* Trần Huy Liệu làm bài Hát Nói “Thấy Xuân nhớ Thu” (Thu là Thu Tâm, một bạn thơ của tác giả) trong ngục Sơn La, Tết 1941:
Thấy Xuân Nhớ Thu
Mưỡu Kép:
Xuân về thu chửa thấy về,
Rừng xanh bát ngát, lòng quê rộn ràng.
Thấy ai, ai những mơ màng,
Gặp ai tạm trút muôn vàn nhớ thương.
Hát Nói:
Khổ đầu
Chiều hôm ấy màu trời đùng đục (c.v.t)
Dưới ngàn thông, em giục anh đi (c.v.b)
Khổ xuyên
Mỉm nụ cười như khinh nỗi phân ly (c.v.b)
Rồi từ đó, một đi không trở lại (c.v.t)
Khổ thơ
Trên quãng đường xa người bước mãi, (7 chữ, c.v.t)
Bên lò sưởi ấm bạn ngồi trông (7 chữ, c.v.b)
Khổ xếp
Súng vang rền khắp nam, bắc, tây, đông (c.v.b)
Sóng biển réo, sóng lòng thêm rạo rực (c.v.t)
Khổ rải
Xuân đã đến với tưng bừng náo nức, (c.v.t)
Tiếng pháo đùng đánh thức cõi lòng ai. (c.v.b)
Khổ kết
Người xa xa lắm, tình dài ! ... (c.v.b)
(Trần Huy Liệu)
Tôi chọn bài này để chép ra đây vì:
Là một bài Hát Nói mẫu mực cổ điển từ cách mào đầu bằng một bài Mưỡu Kép (gồm 4 câu thơ lục bát), đến cách bố cục (đủ khổ 11 câu chia làm 6 khổ), cách gieo vần (bắt đầu bằng 1 cước vần trắc, tiếp theo cứ 2 cước vận bằng rồi 2 cước vận trắc cho đến câu cuối cùng bằng một cước vận bằng) và cả đến số chữ nữa (khổ thơ là 2 câu thơ thất ngôn và khổ kết lục gồm 6 chữ) nhưng dùng lời lẽ hiện đại mà hầu hết là chữ Nôm, nên đọc lên nghe nhẹ nhàng như một bài thơ mới.
Là một bài thơ làm trong ngục tù mà không gợn chút than vãn oán hờn chỉ bàng bạc một niềm tâm sự vừa hào hùng vừa lãng mạn của một người làm Cách Mạng.
Nhưng tôi bỗng khựng lại vì chợt nhớ ra là bài viết này sẽ chỉ được phổ biến trên báo chí hải ngoại thôi.
(các cơ quan ngôn luận trong nước không có thói quen đăng bài viết của người Việt hải ngoại) mà người Việt hải ngoại nhất là người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ có thể sẽ cau mày khi nhìn thấy danh tính của tác giả bài hát nói trên. Sự thể này lại nhắc nhở trong ký ức của tôi nội dung 2 cuốn Nghệ Thuật Việt Nam (một cuốn xuất bản tại Sài gòn trước năm 1975 và một cuốn xuất bản tại Hà Nội cũng trước năm 1975).
Ngoài việc mỗi cuốn chỉ in tranh của các họa sĩ hoặc chỉ thuộc về Miền Nam hoặc chỉ thuộc về miền Bắc, tranh của họ được chọn không tiêu biểu cho họ, chỉ phục vụ chính trị: Bùi Xuân Phái ở miền Bắc biệt hiệu là “Phái Phố” không có tranh phố phường Hà Nội mà lại đưa ra một bức “Phân xưởng nhuộm” hay nhiều khi còn có dụng ý xu nịnh chế độ và lãnh tụ: Nguyễn Gia Trí ở miền Nam, nổi tiếng với những bức tranh sơn mài ‘Vườn Xuân với các Thiếu Nữ” nhưng chỉ được giới thiệu bằng một bức tranh sơn mài “Giáng Sinh” là đề tài tôn giáo của vị Tổng Thống đương thời.
Cho đến nay đất nước đã thống nhất, những cuốn sách viết về Hội Họa Việt Nam (hay Nghệ Thuật Tạo Hình) xuất bản trong nước vẫn còn gạt ra ngoài những tên tuổi lớn vì đố kỵ hay hồ nghi chính trị.
Trong các cộng đồng người Việt hải ngoại đã trùm lên một bầu không khí quá khích đến độ Võ Phiến, một nhà văn lão thành phải than thở: “Trong nước xuất hiện nhiều cây bút thiệt xuất sắc mà mình chưa dám viết về họ vì lòng người ở đây còn nóng nảy quá”.
Các chế độ chính trị đến như những đám mây hồng thắm hay xám buồn rồi cũng thoảng trôi đi. Bầu trời xanh thẳm của Tổ Quốc Việt Nam với những nhân tài cùng tác phẩm của họ như những vì sao sáng, kết tinh của hồn thiêng sông núi thì còn lại đời đời.
Vì công lao dựng nước của các vua Hùng, vì xương máu giữ nước của các vị anh hùng liệt sĩ, vì mồ hôi mở nước của các nhà kinh bang tế thế, tôi mạnh dạn nói lên niềm tâm tư này để các bạn đọc suy gẫm và phán xét...
Để tiếp tục bàn về các bài hát nói có tính đấu tranh, xin trích ra đây một đoạn trong “Truyện tập thơ Ca Trù” của 2 tác giả Ngô Linh Ngọc và Ngô Văn Phú:
[…Nhưng tiêu biểu nhất cho các tác giả ca trù yêu nước trong thời gian này là:
* Phan Bội Châu: bài Hát nói “Chơi xuân” của cụ viết trước năm 1905 là cả một hồi kèn lớn thúc giục đồng bào vùng lên “vẽ lại mùa xuân” cho Tổ Quốc Việt Nam yêu quý:
Nước non Hồng Lạc còn đây mãi,
Mặt mũi anh hùng há chịu ri!
...
Đạp toang hai cánh càn khôn,
Đem xuân vẽ lại trong non nước nhà !
“Bài ca chúc Tết thanh niên” của cụ viết năm 1927, cũng theo thể Hát Nói, tuy là viết cho tuổi trẻ nhưng các cụ già cũng thuộc. Thuộc để giảng ý nghĩa cho con cháu, và cũng để chính mình trẻ lại, “sôi máu nóng rửa vết nhơ nô lệ”.
... Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội
Ghé vai vào xốc vác cựu giang san
Đi cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan,
Đây thành bại quyết ghe phen liên hiệp lại.
Mùa xuân năm 1936, trong ngôi nhà ở Bến Ngự, nơi giặc Pháp quản thúc cụ, cụ viết bài Hát nói “Gửi cô Phương Danh” đăng trên báo Tiếng Dân. Phương Danh nghĩa là tiếng thơm. Con người ta ai cũng một lần chết, chẳng mang được của cải vàng bạc gì theo mình hết, chỉ có tiếng thơm còn mãi. Có tiếng thơm thì “tử vẫn là sinh” ví dụ như Trưng Nữ Vương, Trần Hưng Đạo. Cụ lớn tiếng hô hào:
Mỹ miều thay cô gái Phương Danh
Bạo gan hãy cưới lấy cô mình,
Đã bất tử lại trường sinh mãi mãi
Năm 1940, tuổi già, bệnh nặng, biết mình không qua khỏi được, cụ viết: “Bài từ giã bạn bè lần cuối cùng”. Đáng chú ý là bài này cũng viết bằng thể Hát Nói của Ca Trù. Đúng là một, hai bài thơ thất ngôn bát cú theo Đường luật không thể nào nói lên được đầy đủ nguồn cảm xúc đặc biệt của cụ trong lúc này. Thể Hát Nói phóng khoáng hơn, âm điệu, nhạc điệu diễn tả tình cảm cũng phong phú hơn nhiều. Từng lời, từng chữ trong bài thiết tha, thổn thức làm nghiến răng ứa máu đồng bào cả nước:
Từ Giã Bạn Bè Lần Cuối Cùng
Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ,
Thiên hạ hà nhân bất thức quân?
Bảy mươi tư tuổi trót phong trần,
Nay được bạn mới tinh thần hoạt hiện.
Những ước anh em đầy bốn biển,
Nào ngờ trăng gió nhốt ba gian!
Sống xác thừa mà thác cũng xương tàn,
Câu tâm sự gửi chim ngàn cá biển.
Mừng được đọc bài văn sinh vãn,
Chữ đá vàng in mấy đoạn tâm can
Tiếc mình nay sức mỏng trí thêm khan,
Lấy gì đáp khúc đàn tri kỷ!
Nga nga hồ: chí tại cao san,
Dương dương hồ: chí tại lưu thủy.
Đàn Bá Nha mấy kẻ thưởng âm?
Bỗng nghe qua khóc trộm lại thương thầm,
Chung Kỳ chết, e quăng cầm không gảy nữa!
Nay đương lúc Tử thần chờ trước cửa,
Có vài lời ghi nhớ về sau,
Chúc phường hậu tử tiến mau!
(Phan Bội Châu …)
Sau khi các phong trào tranh đấu hay vận dộng lớn như Duy Tân, Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục lần lượt bị dập tắt, tiếng hát Ả Đào với thể Hát Nói vẫn vang vọng với cung bậc tuy thầm lắng hơn nhưng vẫn cùng một tâm tư.
Thủa ấy, Hà Thành có ba nhân vật nổi tiếng trong giới văn chương Ca Trù. Mỗi vị có một biệt hiệu: Ưu Thiên Bùi Kỷ là “Ưu” (lo lắng cho đời), Á Nam Trần Tuấn Khải là “Bi” (đau sầu) và Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu là “Ngông”. Cả 3 vị đều nổi tiếng về thơ Hát Nói:
* Ưu Thiên Bùi Kỷ: đến nay không còn giữ được bài hát nói nào.
* Á Nam Trần Tuấn Khải: nổi tiếng với cái Bi của ông trong bài hát nói “Duyên nợ phù sinh” và trong bài hát nói “Mắng Bù Nhìn”.
“Mặt nạ tuồng đâu như cú rũ,
Quạ đen ai dám gửi gà con”
* Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu: “Ngông” trong thơ và “ngông” trong cả Hát Nói nữa:
Trời Mắng
Mưỡu
Tình riêng trăm ngẩn mười ngơ,
Ngồi buồn lấy giấy viết thơ hỏi Trời.
Xem thơ, Trời cũng bược (bật) cười,
Cười cho hạ giới có người oái oăm.
Hát Nói
Khách hà nhân giả?
Cớ làm sao suồng sã dám đưa thơ?
Chốn Thiên cung ai kén rể bao giờ,
Chi những sự vẩn vơ mà giấy má!
Chức Nữ tảo tùng giai tế giá,
Hằng Nga bất nại bão phu miên.
Mở then mây quăng giả bức hồng tiên,
Mời khách hãy ngồi yên trong cõi tục.
Người đâu kiếp trước Đông Phương Sóc,
Ăn trộm đào quen học thói ngày xưa,
Trần gian đày mãi không chừa!
(Nguyễn Khắc Hiếu)
Để kết luận phần thể thơ Hát nói của Ca Trù Việt Nam, ta có thể mượn một câu của Dương Quảng Hàm trong tập Việt Văn Giáo Khoa Thư bậc Cao đẳng Tiểu học:
“Hát ả đào kể có nhiều lối như Dâng Hương, Giáo Trống, Gửi Thư, Thét Nhạc v.v... nhưng chỉ có lối Hát Nói là thông dụng nhất và có văn chương lý thú nhất ... nhiều bài có thể coi là những áng kiệt tác trong văn Nôm ta”.
ĐÀN ĐÁY
Cũng như “Hát Nói”chỉ là một thể thơ Ca Trù mới trong hơn 40 thể Ca Trù còn ghi chép lại được ( hay trên 80 điệu nếu kể những điệu đoạn nhớ, đoạn quên và cả những điệu mà không còn nhớ được gì như những điệu cổ: Dòng Chinh Phu, Mã Thượng Kiều, Trở Tay Ba, Xướng Tầng, Nói Huỳnh, Dựng Huỳnh v.v..., chưa kể do ảnh hưởng giao lưu, nhiều điệu Ca Trù đã được sử dụng trong các bộ môn chèo, quan họ, chầu văn ...), Đàn Đáy chỉ là một nhạc cụ trong dàn nhạc Ca Trù.
Thời cổ:
Hát ở giáo phường có một phách lớn bằng tre già. Khi các nhạc công đứng vào vị trí rồi thì một ả đào già ngồi gõ phách cầm nhịp cho buổi hòa tấu. Các nhạc khí khác gồm: sáo tiêu, đàn đáy, trống cơm, sinh tiền, sênh, trống mảnh v.v...
Hát trong cung đình có trúc sinh (đàn khô) giống như cái thùng vuông trên có từng miếng tre già ken vào nhau, gõ bằng dùi cầm nhịp. Có đàn tranh, đàn chín dây, đàn cổ cầm và kèn các loại hòa theo.
Thời cận đại:
Hát cửa đình ở nông thôn chỉ còn một số nhạc khí bát âm và đàn đáy, phách, chiêng, trống
Thời hiện đại:
Hát ca quán, thính phòng càng đơn giản hơn chỉ gồm có một cô đào vừa hát vừa giữ nhịp phách, một anh kép đệm đàn đáy và một quan viên điểm trống chầu (trống con).
Hiện nay, hát Ả Đào chỉ dùng một cây đàn đáy và đàn đáy cũng chỉ dùng trong hát Ả Đào. Cái âm thanh đùng đục với cần đàn dài vút của cây đàn độc đáo của Việt Nam đã trùm lên biết bao huyền thoại...
Đời nhà Lê có ngươi Đinh Lễ được tiên dạy cho làm một cây đàn bằng gỗ ngô đồng. Khi hoàn thành, Đinh Lễ đưa đàn ra bờ suối gẩy, nhìn lên thấy chim chen nhau đậu trên khắp cành cây, nhìn xuống giòng suối thấy cá lúc nhúc châu đầu, tất cả như có ý lắng nghe. Người ta kéo đến nghe đàn, ai cũng thấy tâm hồn khoan khoái, bệnh tật đều khỏi, quên hết lo phiền. Có người con gái họ Bạch tên Hoa, nhan sắc lộng lẫy, chỉ hiềm bị câm từ thuở lên 10. Khi nghe tiếng đàn, bỗng thốt nói nên lời: “Tiếng đàn hay quá!”. Hai người lấy nhau tương đắc như đôi chim uyên ương. Đinh Lễ đặt ra lối hát mới, dạy nàng múa hát, lại lấy hai thanh tre vót thực đẹp để nàng gõ trên mảnh gỗ rồi theo nhịp đàn mà hát. Hai vợ chồng mở trường dạy đàn ca, múa hát. Đệ tử theo rất đông. Sau này người ta nhớ ơn lập đền thờ vợ chồng nàng, gọi là Tổ Cô Đầu (hay đền Bạch Hoa Công Chúa). Ở Hà Nội, bên cạnh chợ Hôm (phố Huế) cũng có đền thờ Tổ Cô Đầu, ngoài cổng viết 3 chữ Giáo Phường Từ. Ngày nay, chị em trong giới ả đào đều kiêng tên húy ông bà Tổ sư, đọc Lễ là Lỡi và Hoa là Huê.
Có nhiều giải thích khác nhau về tên gọi của đàn đáy:
Trong thư tịch đời nhà Lê để lại, có cây “đới cầm”, tức là cây đàn đeo vào người để đứng mà gẩy cho đỡ mỏi. “Đới” còn có âm là “Đái”, đọc chệch ra là “Đáy”
Theo truyện Đất Tổ đời nhà Lê, Đinh Lễ chế ra một cái đàn không có đáy để đệm cho điệu hát Ả Đào, khúc đàn cuồn cuộn như nước chảy ra biển sâu không thấy đáy. Sau người ta bỏ chữ không đi chỉ còn chữ đáy nên gọi là Đàn Đáy. Ở Trung Việt từ Thanh Hóa trở vào đều gọi đàn đáy là Vô Để Cầm (nghĩa là đàn không có đáy).
Đàn Đáy có thùng đàn bằng gỗ ngô đồng, hình chữ nhật, không có đáy; cần đàn dài 1m20, có 11 phím và 3 dây to nhỏ khác nhau: dây đài (từ chữ đại=to), dây trung (vừa) và dây tiếu (từ chữ tiểu=nhỏ). Có nhiều nơi gọi dây đài là dây hàng.
Đàn Đáy có 5 cung chính là: cung Nam, cung Bắc, cung Huỳnh, cung Pha, cung Nao và 5 khổ là: sòng đàn, khổ giữa, khổ rải (tức là khổ siết), khổ lá đầu, sòng đàn. Đàn có hai lối: đàn khuôn và đàn hàng hoa.
Trước khi giải thích các từ ngữ trên, tôi xin nhắc lại qua về hệ thống ngũ âm của âm nhạc Việt Nam nói chung và của âm luật Ca Trù nói riêng.
Từ lâu, dân tộc Việt Nam đã có nền âm nhạc riêng, nằm trong hệ thống ngũ âm phổ thông của nhiều nước Đông Nam Á và Bắc Á. Vì sự khác nhau về phong tục tập quán, ngôn ngữ, tình cảm, địa lý mà mỗi dân tộc có nét đặc thù trong âm nhạc của mình, “cũng đủ cả năm cung, bảy thanh, nhưng âm nhạc nước ta không giống âm nhạc Trung Hoa ...” (Vũ Trung Tùy Bút).
Âm luật ca trù có 5 cung chính:
1. Cung Nam: điệu nhanh, hơi trong, nhưng bằng phẳng nhỏ nhẹ, êm dịu và xuống thấp.
2. Cung Bắc: điệu khoan, hơi đục, nhưng rắn rỏi dõng dọc và to giọng lên cao.
3. Cung Huỳnh: điệu xúc, ngặt, hát dính vào nhau, giọng rất trong.
4. Cung Pha: trong và đục pha lẫn, hơi ai oán, giọng hát chệch đi, lơ lớ.
5. Cung Nao: điệu chênh chếch, đục ở dưới, trong ở trên; đang ở cung nọ chuyển sang cung kia, cung nao chen vào giữa (gọi là nửa cung)
Các định nghĩa trên là do các nghệ nhân tả lại qua kinh nghiệm thực tế đàn, hát. Thực ra cũng còn mơ hồ, chưa chính xác. Đọc qua, hiểu được đến đâu, hay đến đó. Điều quan trọng là 5 cung đó đã phản ảnh tâm hồn dân tộc Việt Nam.
Trong thần phả Lỗ Khê đã chép: Gặp nàng Bạch Hoa đi các giáo phường dạy chín phép hát múa, chàng Đinh Lễ bèn cười nói: “cùng chí hướng gặp nhau; tôi cũng đang mang đàn đi, cốt lấy tinh thần “Hòa”, “Đức” dạy cho trăm họ hòa hợp một lòng...”. Phải chăng những cung “Pha”, cung “Nao” và các biến cung cùng những phép “Chênh”, “Lơ lớ”...; trong âm luật Ca Trù là nhằm chủ trương “Hòa” nhân tâm, thuần phong tục và nâng cao “Đức” độ con người.
Đàn, phách Ca Trù có 5 khổ:
1. - Khổ sòng hay sòng đàn: đánh gõ trước tiên.
2. - Khổ giữa hay khổ đơn và khổ kép: là một sắp nhạc liền nhau
3. - Khổ rải (tức là khổ siết) khổ này dài, đánh gõ thư thả
4. - Khổ lá đầu: khổ này thường đánh gõ trước câu hát, nhưng cũng có lúc đánh gõ trong câu hát như ở hát Mưỡu hay Gửi Thư.
5. - Khổ sòng hay sòng đàn: đánh gõ cuối cùng.
Các định nghĩa này cũng do các nghệ nhân miêu tả. Phải thực tế đánh đàn, gõ phách mới hiểu rõ được. Sở dĩ chép vào đây để các bạn đọc làm quen với các từ ngữ Ca Trù.
Đàn có 2 lối:
1. Đàn khuôn: Phải nhấn gân nhiều, gảy đúng phép, cứ theo cung bậc mà đi, cao thấp lên xuống không thiếu không thừa. Đàn như vậy, ả đào hát mới công phu, quan viên thưởng trống mới hay. Đàn khuôn như viết chữ lối chân phương
2- Đàn hàng hoa: Phóng túng tùy theo sáng tạo của người đàn, dựa vào tiếng hát mà gảy rồi thêm vào bớt ra, nghe hay nhưng kém công phu, Đàn hàng hoa như lối viết thảo. Đàn dù réo rắt, bay lượn, phóng khoáng đến đâu cũng phải tôn trọng một nguyên tắc: tiếng đàn và tiếng hát là một; khi hát dứt thì đàn cũng phải vừa im tiếng.
Kép mới học đàn cũng phải học “ca đàn” như đào học hát, nghĩa là đàn bằng miệng cho đúng làn điệu của các cung rồi mới học các ngón đàn cơ bản: Vê (tạo ra tiếng gió), Vẫy (ngược đầu que gẩy phát ra tiếng kim loại), Cáp (đàn thêm tiếng ngoài khuôn khổ), Chùn (nhấn đây để tạo tiếng trầm thay vì tiếng cao như trong các đàn dây khác).
Thí dụ:
Thuyền quyên ứ hự (nhấn dây để gây tiếng trầm) anh hùng nhớ chăng?
Khi đàn lên, tiếng đàn ghìm chặt chẽ với giọng hát đến mức tiếng đàn với giọng hát là một, người đàn có thể dùng tiếng đàn “Kiệu” cho người hát nhớ ra lời nếu chẳng may nửa chừng quên đi. Và cũng chính vì vậy nên Đàn Đáy chỉ có 5 khổ quanh đi quẩn lại mà bài nào ra bài ấy, không như các đàn khác, mỗi điệu hát là một bản đàn khác nhau.
Các tay Đàn Đáy đầy đủ các ngón gia truyền phải kể đến cụ Chu Văn Du, các ông Đinh Khắc Ban, Nguyễn Thế Tuất, Phó Đình Kỳ (Hà Nội), Nguyễn Văn Phượng (Hải Phòng), Phạm Văn Phượng (Phú Thọ), Nguyễn Thế Ban (Lỗ Khê) và 3 anh em Ba Pháo, Tư Mã, Năm Xe (Sài Gòn).
Cây Đàn Đáy với những sợi dây tơ, thùng đàn không có mặt hậu, cần đàn dài vút, mới phát ra được “cái âm sắc Đùng Đục và Hoa Mỹ một cách kín đáo để biểu hiện các chất suy tư khiêm tốn rất hiếm trong làng thanh âm”. (Nguyễn Xuân Khoát).
Không đàn nào có thể thay thế cây Đàn Đáy trong Nghệ Thuật Ca Trù.
HÁT CA TRÙ (HÁT Ả ĐÀO, HÁT CÔ ĐẦU)
Hát Ca Trù là một lối hát rất khó. Đào nương phải diễn tả được vừa nhạc tính và nhạc cảm vừa ý thơ và tình thơ. Hát đúng cung bậc, đào nương phải học “Ca Đàn” tức là đàn bằng miệng cho đúng làn điệu của các cung (vì thời xưa không có ký âm pháp) để hát được các thể loại.
Hát đúng ý thơ, đào nương phải phát âm rõ ràng khúc triết để hát đúng lời thơ. Sai một vài chữ là mất hết ý thơ.
Giọng hát lấy nguyên âm “Ư”, một nguyên âm êm dịu hơn cả làm nền mặc dầu âm lượng hơi nhỏ. Cách phát âm này, nhà nghề gọi là “Hơi Trong”, hơi thật. Để giữ hơi được lâu, đào nương không bao giờ mở to miệng, miệng lúc nào cũng mím chặt, tiếng nào cũng từ trong cổ họng phát ra, gằn nén công phu, dư âm rền rõ. Đào nương còn phải tạo cho lối hát nhiều sắc thái tinh tế hư thực thấp thoáng và luôn giữ vẻ đoan trang, chững chạc, không được nhí nhoẻn làm duyên lộ liễu.
Muốn thế, đào nương phải học “Nhả Chữ” cho thật giỏi: Nhả chữ theo kiểu “Buông Chữ”, “Bắt Chợt” hoặc “Bắt Tròn” cho thật tài tình, nhiều khi quan viên muốn buông cả roi chầu để lặng im nghe hát.
Muốn đạt đến trình độ ấy, phải học “Luyến” chữ cho thật khéo. Lão nghệ sĩ Quách thị Hồ thường dạy học trò: Khi hát “cái lộc bình nó rơi” thì phải làm cho người nghe có cảm tưởng như là nó rơi thật trước mắt.
Trong buổi chiều đời…
Lúc còn thanh xuân …
Bà Hồ nổi tiếng “Luyến” từng chữ trong bài Tỳ Bà Hành. Bà Phúc nổi tiếng “Luyến” chữ “Đạo” trong câu “Trong nhân luân đạo vợ nghĩa chồng” của bản Hát Ru. Bà Mùi nổi tiếng “Luyến” thật sâu chữ “Say” trong câu “say mà ai biết rằng say bao giờ” của bài Cung Bắc, Bà Kim Đức nổi “Luyến” chữ “Cảm” trong câu “Yên thủy mang mang vô hạn cảm” của bài Hát Nói “Chơi Hồ Tây”.
Tác giả Ngô Linh Ngọc đã viết: “Mỗi chữ là một cái hình tròn, tiếng hát công phu uốn theo đủ hết các vành cảm hứng và kịch tính trong lời thơ. Vì vậy tiếng hát ca trù đẹp lung linh giống như một cái vòng vàng, vòng bạc chạm trổ công phu từng nét một”.
Cũng như đàn, hát Ả Đào cũng có 5 Cung (còn gọi là Thể hay Điệu Thức) diễn tả 5 trạng thái của giọng hát: Cung Nam, Cung Bắc, Cung Huỳnh, Cung Pha, Cung Nao (như đã trình bày ở trên trong phần Đàn Đáy).
Xin chép ra đây một đoạn trích trong cuốn “Đặc Khảo về Dân Nhạc Việt Nam” của Phạm Duy để quý bạn đọc hiểu thêm về vị trí của 5 cung hát Ả Đào trong hệ thống ngũ cung Việt Nam:
[... Giai điệu của hát Ả Đào trong tất cả những bài hát chính như Hát Nói, Mưỡu, Ngâm Vọng, Gửi Thư, Đọc Thư, Thét Nhạc, Nhịp Ba Cung Bắc, Tỳ Bà, Tương Tiến tửu, Tiền/Hậu Xích Bích, Chức Cẩm Hồi Văn kể trên và những bài hát tổng hợp các điệu hát Việt Nam (sa mạc, bồng mạc) ... nằm trong hệ thống ngũ cung và biến chuyển theo hiện tượng chuyển hệ (métabole).
Người xưa thường nói câu hát ả đào có 5 cung là cung Nam, cung Bắc, cung Nao, cung Pha, và cung Huỳnh. Năm bài thơ vịnh cảnh Thiên Thai, hát với năm điệu khác nhau, được người xưa gọi là hát thổng năm cung. Ta có nhiều lý do để đoán rằng năm cung đó là năm bộ ngũ cung hoặc năm hệ thống ngũ cung khác nhau.
Như ta đã biết, dân ca Việt có những bài chỉ nằm trong một bộ ngũ cung. Chẳng hạn Điệu Ru Con miền Bắc không bao giờ vượt ra khỏi bộ Do (aspect Do):
Do Re Fa Sol La
Và Ngâm Sa Mạc thì lại nằm trong bộ Re:
Re Fa Sol La Do
Hát Cò Lả có nét nhạc luôn luôn nằm trong bộ Fa
Fa Sol La Do Re
Hát Quan Họ “Qua Cầu Gió Bay” dùng bộ Sol:
Sol La Do Re Fa
Và điệu Con Cú Rũ của Chèo thì dùng bộ La:
La Do Re Fa Sol
Ngoài ra nhạc ngữ Việt Nam còn nổi bật ở hiện tượng chuyển hệ. Một giai điệu có thể đang ở hệ thống 5 cung Do Re Fa Sol La chuyển sang hệ thống 5 cung Re Mi Sol La Si...
Vậy năm cung Nam, Bắc, Nao, Pha, Huỳnh của Hát Ả Đào có thể là 5 bộ ngũ cung kể trên hoặc 5 hệ thống ngũ cung sau đây:
Do Re Fa Sol La
Re Mi Sol La Si
Fa Sol Sib Do Re
Sol La Do Re Mi
La Si Re Mi Fa dièse
Vì là một lối hát những bài thơ cho nên hát Ả Đào chỉ phát triển mạnh về giai điệu. Tiết điệu của hát Ả Đào là vận tiết của thơ, nhưng với đôi phách và các lối đánh phách kể trên, hát ả đào cũng đã vượt ra khỏi hình thức nghệ thuật tự phát và là con đẻ của những bàn tay nho sĩ hay nghệ sĩ…]
Cũng như đàn, hát cũng có hai lối:
. Hát Khuôn: Là hát theo khuôn bậc, nắn nót từng tiếng, luyến láy công phu, tròn vành rõ chữ, không một tiếng hát nào thừa ra ngoài đàn (như hát Cửa Đình, Tế Thần, Giỗ Tổ).
. Hát Hàng Hoa: có tính tài tử, phóng khoáng, sáng tạo mà lơi lỏng về khuôn bậc.
Một số danh từ nhà nghề để khen che hát hay, hát dở:
Hát hay:
Quán (ăn nhịp với đàn phách, không chệnh choạng)
Xuyến (tiếng hát tròn trĩnh, mượt đẹp, vững vàng)
Dằn (tiếng hát tròn và đều)
Thét (tiếng vút cao như suối vọt từ trên cao)
Khuôn (tiếng tròn phẳng, đúng khuôn bậc)
Rẫy (tiếng hát rền và giòn)
Diệu (tiếng hát tự nhiên, linh hoạt)
Vỡi (cao vút, trong sáng)
Hát dở:
Lỏi: chệch choạc, sai đàn phách
Ngang: không đúng cung bậc
Cản: sai bằng trắc của chữ trong câu hát
Chặn: hát thấp, không lên được
Hụt: hát trước nhịp
Sa: hát sau nhịp
PHÁCH
Phách là tiếng hát thứ hai của đào nương vì trong khi hát lại còn phải gõ phách giữ nhịp cho tiếng hát.
Cỗ phách gồm một bàn phách bằng tre (hoặc bằng gỗ rắn) hai lá phách dẹt cầm ở tay phải tạo nên âm thanh dẹt và một lá phách tròn (gọi là “tay ba”) cầm ở tay trái, tạo nên âm thanh tròn. Phách dẹt và tròn đều làm bằng gỗ; hai lá phách dẹt là hai nửa của một lá phách tròn chẻ dọc. “Cây đàn, lá phách” là như vậy. Hiện nay các đào hát thường hay dùng một bàn phách bằng tre và 2 lá phách tròn bằng gỗ như hình bên.
Cỗ phách phải đủ ba âm sắc: Rục, Phách, Chát mới thể hiện được cái thanh khiết, nhẹ nhàng hay sôi nổi của Ca Trù.
Cũng như đàn, phách có 5 khổ: khổ sòng, khổ giữa, khổ rải (cũng gọi là khổ siết), lá đầu, khổ sòng.
Sau khi ngâm Sa Mạc để hát sang Tỳ Bà thì gõ phách rung.
Hát chổ nào dóc cho thành khổ ấy thì gõ phách dóc.
Hát khoan hát rải thì gõ phách thưa.
Hát dồn, hát dựng, hát khổ xếp thì gõ phách mau.
Khổ phách phải không thiếu, không thừa, quyện với tiếng hát, tiếng đàn làm một. Tiếng phách phải nhẹ nhàng thanh thoát khi dóc và rung nghe như chim yến hót dồn, khi mau như suối reo róc rách, khi thưa như tiếng hạt ngọc rơi xuống mâm vàng. Tuy quyện với tiếng hát đào nương như đôi song ca, nhưng trong những quãng không hát thì tiếng gõ phách lại càng nổi bật lên như trong khổ siết. Người ngoại quốc nghe bà Quách thị Hồ gõ phách đã phải trầm trồ thán phục, cỗ phách kỳ diệu “cùng hát với người”.
Ả đào hát hay thì gõ phách cũng phải “sắc tay”. Nếu hát hay đáng bậc thủ khoa mà phách “nhụt” thì cũng bị đánh xuống Á Nguyên như trường hợp mẹ bà Quách thị Hồ thời xưa.
Ngoài bà Hồ ra, bà Phó thị Kim Đức cũng là tay phách nổi tiếng. Bà Phẩm trên 80 tuổi, vẫn xứng đáng với tiếng đồn “Phách Phẩm” bao thời lừng lẫy. Các bà này đều chính nòi Ấp Thái Hà.
... “Tiếng phách ròn lắng xa...” trong bài Thiên Thai của Văn Cao chính là tiếng phách Ca Trù vậy.
TRỐNG CHẦU
Cuối cùng, trống chầu là điểm độc đáo nhất của nghệ thuật Ca Trù. Vì người cầm chầu để hòa tấu với đàn, phách và tiếng hát không phải là đào, kép đến biểu diễn mà lại là một khán thính giả (quan viên) đến nghe hát. Người ta ví người đánh trống như quan trường, người hát như học trò đi thi: văn chương phải theo ý quan trường: người đánh trống như tướng cầm quân, người hát như quân lính ra trận: tiến thoái phải theo lệnh ông tướng. Tên gọi Trống Chầu là nguyên do ngày xưa khi triều đình đại lễ thì đặt một viên Tửu Lệnh, am hiểu lễ nghi, tay cầm gươm trông coi hành lễ và một viên Cổ Lệnh, tinh thông âm nhạc, tay cầm dùi trống, đứng ở sân chầu, điều khiển nhã nhạc có quyền thưởng phạt bọn nữ nhạc múa hát. Vì thế người ta gọi người đánh trống là Cầm Chầu, Đánh Chầu, hay đánh Trống Chầu.
Cụ Nguyễn văn Năng, giáo sư Quốc Gia Âm Nhạc Sàigòn cầm chầu (trống chầu để bên trái),
ông Tư Mã đàn đáy và bà Kim Bảng là đào hát trong một buổi Hát Ca Trù
của phong trào Gió Khơi trên TIVI Sàigòn cuối thập niên 60.
Trống Cửa Đình là trống lớn, dùi lớn bằng gỗ, có chiêng kèm theo. Người cầm chầu đánh trống lớn phải là những chức sắc vai vế nhất làng như tiên chỉ, thứ chỉ.
Trống Ca Quán, thính phòng là loại trống nhỏ, cao 22m, rộng 20cm. Mặt bằng da trâu, tang bằng gỗ mít. Dùi trống bằng gỗ nguyệt quí, gỗ khổng, gỗ duối hay gỗ găng, dài khoảng 36 cm, gọi là roi chầu. Roi chầu đánh vào mặt trống thành tiếng tom “o”, đánh vào tang trống thành tiếng chát+
Đánh trống chầu có phép:
Khi đào kép chưa ngồi vào chiếu, có 3 khổ trống:
1- Sơ cổ đánh 5 tiếng trống: 3 tiếng trước khoan, 2 tiếng sau gấp.
2- Tòng cổ đánh 4 tiếng trống: 2 tiếng trước khoan, 2 tiếng sau gấp:
3- Trung cổ đánh 3 tiếng trống: 2 tiếng trước khoan, 1 tiếng sau gấp.
-Khi đào kép đã ngồi vào chiếu nhưng chưa hát, còn sửa soạn đàn phách, có một khổ trống khoan thai để giục đào kép.
- Khi hát, có 5 phép đánh trống (cũng gọi là 5 khổ như đàn và phách).
1. - Chính diện: + o + (chát, tom, chát) dùng vào những câu bằng phẳng đĩnh đạc.
2. - Xuyên tâm: o + o có xuyên thưa và xuyên mau, ở đầu câu thứ 4 và thứ 8 bài hát.
3. - Hạ mã (hay Trầm ngư, Lạc nhạn): o o+, dùng vào những câu trầm ngâm.
4. Quán châu: + + o, dùng vào các khổ thơ
5. Thượng mã: + o o, dùng vào các khổ dồn, xếp (hay Phi Nhạn, Phi Ngư, Đoạt Châu, Tranh Tiên).
Mỗi phép trống này đều có thể biến hóa bằng cách thêm những tiếng “tom”, “chát” cho hợp lời thơ, ý nhạc và nhiều khi sự biến hóa đã đi xa hẳn 5 khổ trống chính để phải gọi bằng những tên khác như: Thùy Châu, Liên Châu, Song Châu.... Tiếng trống phải ghim với đàn và phách: đàn khoan phách khoan thì trống khoan, đàn mau phách mau thì trống mau.
Xin chép ra đây một bài trống mẫu:
Đào Hồng, Đào Tuyết
Khổ đầu
1. - Hồng Hồng, Tuyết Tuyết (o o)
2. - Nhớ ngày nào, còn chửa biết (+) cái chi (+) chi (o o o)
[khổ đầu]
(lưu không) ...
Xuyên thưa
3. - Mười lăm năm thấm thoắt (+), có xa gì (+)
4. - Ngoảnh (o) mặt (+) lại (o) đã đến kỳ tơ liễu (o o o)
[sòng đàn]
(Lưu không) ...Khổ thơ
5. - Ngã lãng du (+) thời (+) quân thượng thiếu ( + + o)
6. - Quân kim, hữu giá (+) ngã (o) thành (+) ông (o)
Khổ giữa (xuyên mau)
7. - Cười cười (+), nói nói (+), sượng sùng (+),
8. - Mà bạch phát với hồng nhan chừng ái ngại
(o + + o) (+ o o o o) [sòng xếp]
Khổ xếp
9. - Riêng một thú Thanh (+) Sơn (+), đi lại (+)
10. -Khéo ngây ngây (o o o) khéo ngây ngây dại dại (o + + o) với tình
Khổ dải
11. - Đàn ai (+), một tiếng (ra phách thưa , o o +) Dương tranh (o o o)
[sòng đàn]
Chú ý:
a/ Ba tiếng trống (o o o) ở giữa 6 chữ “khéo ngây ngây, khéo ngây ngây” gọi là “thùy châu”, dùng cho những bài thơ, câu thơ có vẻ bâng khuâng, lưu luyến, mơ màng. Nếu là những bài thơ, với tình cảm sôi nổi, giận dữ, gay gắt thì cuối câu 9 đánh trống dồn dập o + o + o và đến câu 10, đến quãng có thể đánh thùy châu chỉ đánh 1 hay 2 tiếng chát (nếu định đánh thùy châu ở câu thì 10, thì cuối câu 9 chỉ đánh một, hai tiếng chát).
b) Xuyên thưa là 3 tiếng trống đánh vào đầu câu thứ 4, đánh khoan thai; xuyên mau là 3 tiếng trống đánh vào đầu câu thứ 8, đánh gấp hơn, có thể xen kẽ 1,2 tiếng chát.
c) Câu thứ 2 của bài Hát Nói, nếu cầm chầu chưa quen đàn, phách thì cứ đợi dứt tiếng ngân chữ cuối bắt đầu đánh trống là vừa kịp.
(Trích “Phép Đánh Trống Chầu” của Ngô Linh Ngọc)
Từ cách thức cầm roi, đánh trống, đến thưởng đàn, thưởng phách, thưởng hơi, thưởng chữ đều có quy định:
1. - Không để trống trước mặt mà đặt chệch sang bên trái (trường hợp cầm roi tay phải) cách đầu gối chừng 20cm
2. - Cầm roi 1 cách nhẹ nhàng: ngửa bàn tay giơ roi lên rồi đảo úp bàn tay đập roi xuống mặt trống
3. - Trước khi đánh trống phải để một phần bàn tay trái xuống mặt trống để xem mặt trống căng hay chùng mà điều chỉnh âm thanh cho vừa độ (tuyệt đối không cầm roi đánh thử hết mặt trên đến mặt dưới, như thế là trình độ còn kém):
--Nếu mặt trống tốt thì đánh lối “phóng diện” tức là không bịt mắt trống. --Nếu mặt trống chùng hay quá căng (mới bưng, mới hơ lửa) thì đè bàn tay trái lên mặt trống mà đánh. Trống mới quá căng đè tay gần mặt, trống cũ chùng thì đè tay xa mặt.
4. - Cầm chầu là chấm câu thơ hay điểm lời hát. Chỗ ngắt phách thì đánh trống.
5. - Tiếng “Chát” gõ vào tang trống rất quan trọng:
.“Chát” để khen thưởng
.”Chát” để thay cho cả một khổ trống, để giảm tiếng động khi cần thiết nhất là trong những bài hát cần thưởng văn là chính thì ít đánh trống.
6. - Tiếng trống phải đều đặn (to, nhỏ đều nhau), rắn rỏi, tròn trĩnh, xinh xắn, thanh tao; không được lập cập, do dự, hấp tấp “tống khẩu” (đánh trống vào đúng lúc đào nương đang cất giọng), lỡ cỡ với đàn phách.
Nếu nói “văn là người” thì tiếng trống cầm chầu cũng thế: bậc quân tử tiếng trống chững chạc, người giang hồ tiếng trống bay bướm, người lịch duyệt tiếng trống tao nhã, người quê mùa tiếng trống thô lỗ, kẻ bịp bợm tiếng trống láu lỉnh. Nghe tiếng trống mà đoán được tư cách con người là như vậy.
Còn hơn nữa, tiếng trống chầu như một kích thích tố cho buổi hát. Gõ “chát” vào tang trống để thưởng, tất nhiên thưởng tiền là quý (tiền thưởng để trên đĩa cho kép đàn, trên cơi trầu cho đào hát). Nhưng nếu thưởng đúng vào những chữ “luyến” tuyệt điệu, những tiếng đàn “chụp”, “vê” tài tình và cử chỉ người nghe lại lịch sử, văn nhã thì đào kép mới thật thích thú để đàn hát càng hay hơn. Thật là một lối chơi Thơ, Nhạc hòa hợp, bình đẳng giữa người hát, người đàn, người nghe, tượng trưng cho một lối sống hài hòa, tương thân, tương kính của dân tộc Việt Nam.
VÀI CHẦU HÁT CA TRÙ (HÁT Ả ĐÀO/HÁT CÔ ĐẦU)
Đến đây, quí bạn đọc đã có một khái niệm cơ bản và đã làm quen được với ngôn ngữ Ca Trù Việt Nam. Quí bạn đã sẵn sàng thưởng thức một buổi hát Ca Trù mà có thể qua phần trình bày trên, quí bạn đã yêu mến và tự hào một phần nào.
Xin mời quí bạn dự một vài buổi hát ả đào trong tiểu thuyết cũng như trong cuộc đời:
I---Tại kinh thành Thăng Long vào một đêm trăng cuối thu, trên giòng sông Hồng, các sĩ tử trong những ngày đợi nhập Trường Thi, kéo nhau xuống phố Hàng Lờ, rủ chị em ra sông thuê thuyền, đàn hát thưởng trăng.
Nhà văn Ngô Tất Tố đã tả trong cuốn “Lều Chõng”:
Vào khoảng chặp tối một lúc, trời tuy lạnh nhưng rất sáng sủa, vầng trăng hạ huyền từ từ ở phía chân trời tiến lên và nhòm thẳng vào khe cửa sổ phía đông. Nhân một câu cao hứng nói đùa của Vân Hạc, Đốc Cung liền bắt đào Phượng đào Cúc cùng mấy ả nữa và một anh kép mang cả đàn, trống, sênh, phách lên phía bờ sông. Thêm vào đó lại có mấy người học trò cụ bảng Tiên Kiều bị kéo đi nữa. Cả bọn đến thẳng bến đò. Sau khi thuê được hai chiếc thuyền lớn, mặc cả phải chở suốt đêm, Vân Hạc, Đốc Cung liền bảo chân sào vào phố mua rượu và các đồ nhằm đem cả xuống thuyền. Rồi sai nhổ neo thuyền xuôi mãi xuống phía Đồn Thủy. Sông cạn, sóng êm, đôi thuyền kèm nhau lờ đờ trôi dưới ánh trăng. Ngồi trên mạn thuyền ngó xuống đáy nước, có thể tưởng như mình đang lơ lửng trong một biển vàng. Đàn bắt đầu dạo, phách bắt đầu điểm, tiếng hát bắt đầu thánh thót. Cuộc rượu dần dần đi từ chỗ êm đềm đến chỗ nồng nàn. Giữa những tiếng cười nói huyên thiên, Đốc Cung tự nhiên gật gù và ngâm:
“Mộc lan chi tiếp, sa đường châu.
“Ngọc tiêu, kim quản tọa lưỡng đầu,
“Mỹ tửu tôn trung trí thiên hộc,
“Tái kỹ tùy ba nhiệm khứ lưu...”
Rồi chàng rung đùi:
- Cái cuộc đêm nay của chúng mình, thật đúng với bốn câu đó. Thế mới biết Lý Bạch là tay chơi sành.
Và chàng nhìn vào Vân Hạc:
- Mày vẫn tự phụ giỏi nôm, hãy thử dịch câu ấy ra điệu lục bát xem sao.
Vân Hạc ngẫm nghĩ một lát rồi đọc:
“Trèo đường đưa chiếc thuyền nan,
“Quản vàng, tiêu ngọc thổi ran đôi đầu
“Rượu ngon để sẵn nghìn bầu
“Chở đào theo sóng, mặc dầu ngược xuôi...”
Cả bọn đều tấm tắc khen hay, riêng có Đốc Cung chê rằng chữ “đào” không “ổn”. Nhưng không tìm được chữ gì khác thay vào, chàng muốn đổi hai câu đó như vậy:
“Đào mấy ả, rượu nghìn bầu
“Chở theo con sóng mặc dầu ngược xuôi...”
Mọi người cân đi, nhắc lại hồi lâu ai nấy đều bảo câu của Đốc Cung tuy không đúng nghĩa, nhưng còn thoát hơn của Vân Hạc. Rồi họ bàn nhau dùng bốn câu ấy làm bốn câu mưỡu và bắt Vân Hạc, Đốc Cung làm tiếp một bài hát nói tức cảnh đêm ấy, Vân Hạc mở đầu:
“Thủy thiên nhất sắc,
“Giữa vừng không vằng vặc mảnh trăng treo,
“Đôi thuyền con đủng đỉnh đua chèo,
“Đội mặt sóng, tiếng đàn theo tiếng phách.
Đốc Cung tiếp theo:
“Giục hiệu Tô công ca Xích bích,
Cánh liên Bạch phó oán Tầm dương
“Thú yêu hoa âu cũng nợ văn chương,
“Dưới bóng nguyệt, chén vàng chi để cạn?
Đến lượt Vân Hạc:
“Cơn đắc ý hãy chơi cho chán,
“Kiếp trần ai, ba vạn có là bao!
“Nghìn xưa hiền thánh đâu nào
Hai chàng đọc cho đào Phượng, đào Cúc cùng nhẩm và bảo hai ả cắt lượt mà hát. Đêm càng khuya cuộc rượu càng lơi lả. Tiếng hát khi chìm khi bổng theo dịp khoan nhặt của đàn phách, càng giúp thêm cho hứng rượu.
Trên phố lúc ấy không còn hơi một tiếng động. Mặt sông cực kỳ tịch mịch. Mấy đoàn thuyền bè, giống như những đàn vịt ngủ hết thảy im lặng rúc đầu vào bờ. Vân Hạc tình cờ ngồi trong mui thuyền ngó ra chàng tưởng như khắp cả vũ trụ chỉ có bọn mình và vầng trăng khuya còn thức.
Một lát sau, đào Phượng đọc hết bài phú Xích bích tiếp đến bài hát Tỳ Bà, Đốc cung ra bộ thích ý và khen:
- Ngồi trên mặt nước mà hát hai bài hát ấy mới là hợp cảnh. Không hiểu từ xưa đến giờ, đã ai thưởng thức cái thú ấy chưa?
Vân Hạc đón lời:
- Không phải bây giờ chúng mình hưởng cái thú ấy lần đầu tiên. Ngày xưa các cụ đã hưởng chán rồi. Là vì thủa xưa, cô đào không có nhà riêng các cụ muốn nghe hát mà không tiện đem về nhà mình, cho nên phần nhiều phải hát dưới thuyền. Bởi vì ngồi ở thuyền dưới bóng trăng, thấy nó hợp với cảnh tượng trong Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị và Xích Bích Phú của Tô Đông Pha, cho nên các cụ mới diễn cả hai bài ấy ra điệu hát ta, để bắt ả đào ngâm đọc. Về sau những phường tục tử, đua đòi các cụ thi nhau đem những bài ấy mà hát ở nhà cô đào; ấy là vì họ không hiểu cái hay của nó. Các anh thử nghĩ mà xem, ngồi trên mặt phản mà nghe những câu:
“Say cũng luống, ngại khi chia rẽ,
“Nước mông mênh dầm vẻ trăng trong.
Hay là:
“Thuyền mấy lá, đông tây lặng ngắt,
“Một bóng trăng trong vắt lòng sông”.
thì phỏng còn có nghĩa lý gì nữa?
Trời gần sáng. Trăng càng lên cao. Ánh trăng tỏa xuống lòng sông sáng như ban ngày. Hứng rượu mỗi lúc mỗi thêm hăng hái. Người nọ dốc mãi rượu vào chén người kia. Dần dần, cả đám đều say dí dị ...
Sáng mai Vân Hạc dậy trước... Ngó ra ngoài sông, cảnh tượng đều lạ hết thẩy. Ngơ ngác nhìn mãi đám khói sương mù mịt, chàng mới nhận ra cái chỗ thuyền đậu là ở dưới bãi Bát Tràng (Trích “Lều Chõng” của Ngô Tất Tố).
II---Đó là một buổi hát thơ mộng, lãng mạn, có chiều lả lơi của văn nhân lãng tử trong tiểu thuyết. Trong cuộc đời thực tế đôi khi phũ phàng, các “tài tử đa cùng” có thể tổ chức hát Ca Trù bất cứ nơi đâu, bất cứ hoàn cảnh nào.
Tết Âm Lịch năm 1942 tại nhà tù Sơn La có cả một “chầu hát ả đào” đón xuân độc đáo mà trong số các “cô đào hát” có người tù Xuân Thủy, sau này làm Trưởng phái đoàn Hà Nội tại hòa đàm Paris, trong số các “cô đào rượu” có người tù Nguyễn Cơ Thạch, đương kim Bộ trưởng ngoại giao của Nhà nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa và trong số các quan viên cầm chầu có người tù Trần Huy Liệu, sau này làm Bộ trưởng tuyên truyền trong chính quyền Việt Minh tiếp nhận sự thoái vị của Hoàng Đế Bảo Đại năm 1945”.
III---Vào khoảng cuối thập niên 60 tại tệ xá, đường Pasteur Sài Gòn, có tổ chức một “đêm hát Ca Trù” chung quanh một hồ nước bán lộ thiên với những hòn non bộ: ngũ hành sơn, tháp rùa, cầu Thê Húc...
Cụ Đỗ Bằng Đoàn úp tay trái đè lên mặt tang trống chầu (để bên trái)
còn tay phải cầm roi chầu.
Kép đàn là ông Tư Mã (hồi đó ở Sàigòn chỉ có 3 anh em Ba Pháo, Tư Mã và Năm Xe là rành ngọn đàn đáy). Đào nương là cô Như Tuyết. Cầm Chầu là cụ Đỗ bằng Đoàn đồng tác giả cuốn “Việt Nam Ca Trù biên khảo” với con trai cụ là anh Đỗ Trọng Huề (sau này đi tù cải tạo nhiều năm).
Trong số các quan viên tới dự có:
Thượng tọa Thích Minh Châu, Viện trưởng đại học Vạn Hạnh, kỹ sư Ngô Trọng Anh, Bộ trưởng Công Chánh. Lý do nêu danh tánh của hai vị này trước vì hai vị ăn chay trường mà tiệc rượu tối hôm đó chỉ có gỏi cá nên gia chủ đã gặp bối rối.
Linh Mục Cao Văn Luận, Viện trưởng Đại học Huế thì không chấp nê vì Ngài vẫn thường giải thoát cho cả nai đồng quê.
Kỹ sư Đặng văn Châu, Tổng Giám Đốc Thanh Niên Thể Thao
Học giả Hoàng Trọng Miên và Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba.
Bốn tiên sinh họ Trần là Giáo sư Thạc sĩ Y khoa Trần Ngọc Ninh, Tổng trưởng Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên, Giáo sư Tiến sĩ Toán học Trần Văn Tấn, Viện trưởng Viện Đại học Sài Gòn, kỹ sư Trần Lưu Cung, Thứ trưởng Đại học, thẩm phán Trần Thúc Linh.
Ba tiên sinh họ Nguyễn là bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng Bộ trưởng Cựu chiến binh, kỹ sư Nguyễn Đức Cường, sau này làm Tổng trưởng Kinh Tế và bác sĩ Nguyễn Văn Ái, Viện trưởng Viện Pasteur, sau này làm Quốc vụ khanh và trải nhiều năm tù cải tạo cùng phòng giam với Luật sư Trần Văn Tuyên, nguyên Phó Thủ tướng.
VI---Qua 3 buổi hát ca trù vừa kể trên, quí bạn đọc đã thấy cái say sưa của văn nhân lãng tử, cái hào hứng của người tù cách mạng và cái tao nhã của chính khách khoa bảng.
Trong tiểu thuyết “Chùa Đàn”, quí bạn sẽ thấy cái đam mê đến độ bi thảm của “Hát Ả Đào”, dưới ngòi bút sành điệu và cầu kỳ của nhà văn Nguyễn Tuân.
Câu chuyện như sau:
Lãnh Út, người chủ trẻ tuổi của ấp Mê Thảo, quá tiếc thương người vợ yêu quí vừa chết bất đắc kỳ tử trong một tai nạn xe lửa, đã trở nên điên rồ khiến Bá Nhỡ, người quản gia trung thành lo lắng tìm mọi cách làm khuây thỏa nỗi đau đớn của chủ mình. Lãnh Út mê hát ả đào, nhất là tiếng hát Cô Tơ. Nhưng rủi thay, Chánh Thú chồng cô trước khi chết vì quá yêu cô, buộc cô phải thề độc: “không được hát cho ai nghe hay cho ai đàn, trừ phi có người dám cầm gảy cây đàn đáy của hắn ta”.
Tuy được cô Tơ kể cho nghe những tai họa giáng xuống cho những kẻ mê tiếng hát cô liều mạng ôm cây đàn thiêng dựng trong buồng thờ Chánh Thú, Bá Nhỡ sau vài đêm suy nghĩ đến bạc cả đầu, từng cái một, tóc người ấy trắng mãi ra như sợi dây cước, đã quyết định: “Cầm cái đàn ma quái ấy mà gảy để cô Tơ hát, để Cậu Lãnh đánh trống...” để đền ơn tri ngộ ...
Các đoạn văn sau đây tả cách chọn đàn, tập đàn cùng tiếng đàn đáy của Bá Nhỡ, giọng hát cùng nhịp phách của cô Tơ tiếng roi chầu cùng sự thẩm âm đam mê của cậu Lãnh:
Bá Nhỡ đi tìm một cây đàn đáy cho việc tập đàn:
Bá Nhỡ đi nài lại một cây đàn đáy cũ, thành bằng gỗ trắc đã lên nước, tang bằng gỗ ngô đồng Chiêm Thành. Gỗ mặt đàn in sâu những thương tích của nghề do cái đầu gẩy muôn thuở của cao bực tiền chủ đàn đã cẩn mãi vào tang.
Bá Nhỡ học đàn đáy để làm vui lòng hay hơn nữa để đền ơn cậu chủ Lãnh Út.
Mà tập đàn đáy đến như Bá Nhỡ thì tức là cướp cả nghề của kép nghiện đấy. Bá Nhỡ không thèm buông một tiếng tơ nào. Đã bấm đến tiếng đàn nào thì tiếng ấy cứ chín mục đi. Không một chữ nào sượng. Tưởng có đi đàn thờ ở một của đình nào, thì ông thần làng lấy giái cũng không bắt được bà Nhỡ đàn lỗi ở bất cứ khổ nào. Trông Bá Nhỡ thắt cổ chó mỗi lúc nối dây, xinh đáo để. Mà người tỉ mỉ đến thế là cùng. Không một bộ phận cỏn con nào của nhạc khí lôi thôi kềnh càng ấy mà Bá Nhỡ không thuộc. Không nói gì đến cái quá giang, cái thú của đàn, đến như cái mõ phím đàn, cái vú đàn, Bá Nhỡ cũng tò mò đến. Thế rồi những ngón đàn như vê, lẩy, chụp, vuốt, nhấn, những tiếng thoảng, những chỗ xòe, Bá Nhỡ đều nhập tâm cả coi cũng như là công việc sổ sách hàng ngày trong ấp tằm.
Bá Nhỡ ôm cây đàn đáy của ông Chánh lên như thách thức với lời nguyền của Cô Tơ trước khi chồng chết “không uốn một tiếng nào cho thiên hạ nghe nữa, trừ phi... lại có người nào dám cầm đến cây đàn cũ của chồng cô mà đàn lúc cô gõ...”, để tìm sự phục sinh cho cậu Lãnh trở về cuộc sống bình thường trong sự chết dần của mình:
Bá Nhỡ thử dây, vặn trục đàn. Trục nghiến gắt và nấc dần mãi lên. Cần đàn ôm sát vào mặt, bá Nhỡ chững chạc buông ba tiếng sòng rồi đàn luôn:
Tung tung tếnh, dênh dênh a dênh
Tùng tung tùng tung tùng tếnh tùng tung tụng, tung tùng tếnh tùng tênh tùng tung xòe)
Tùng tếnh tang tùng tang, tùng tang tếnh tang.
Tếnh tùng tếnh têng tang
Tùng tếnh tùng tênh tang (xòe)
Đàn Ca (tranh mộc bản Tú Duyên)
Chưa bao giờ Cô Tơ thấy rõ cái đau khổ ngậm ngùi của tiếng đàn đáy buổi này. Tiếng đàn hậm hực, chừng như không thoát hết được vào không gian. Nó nghẹn ngào, liễm kết cái u uất vào tận bên trong lòng người thẩm âm. Nó là một cái tâm sự không tiết được ra. Nó là một nỗi u kín bực dọc bưng bít. Nó giống như cái trạng huống than thở của một cảnh ngộ vô tri âm. Nó là cái tấm tức sinh lý của một sự giao hoan lưng chừng. Nó là niềm vang dội quằn quại của những tiếng chung tình. Nó là cái dư ba của bể chiều đứt chân sóng. Nó là cơn gió chẳng lọt kẽ mành thưa. Nó là sự tải phát chứng tật phong thấp vào cữ cuối thu dầm đề mưa ẩm và nhức nhối xương tủy. Nó là cái lả lay nhào lìa của lá bỏ cành. Nó là cái lê thê của nấm mồ vô danh hưu hưu ngọn vàng xo le. Nó là cái oan uổng nghìn đời của cuộc sống thanh âm. Nó là sự khốn nạn khốn đốn của chỉ tơ con phím. Nó là một chuyện vướng vít nửa vời.
Cô Tơ như mất hồn, cái tâm chỉ còn lên xuống theo bực đàn. Gỗ bực dưới thân tan loãng đi đâu để cả người cô phiêu phiêu lững lờ trôi mãi giữa không. Thoáng một tiếng dây đàn đứt. Cô choàng tỉnh dậy ... Trong buồng thờ Chánh Thú, có tiếng cười sằng sặc ở sau cái bài vị. Bát hương bàn thờ sứ chẻ đọc làm 2 mảnh. Cô Tơ hiểu nó là điềm báo hiệu của một điều linh thiêng.
Rồi vững lại tay phách, chỉnh lại hơi cổ hơi mũi, Cô Tơ hát bây giờ mới vượt qua những đỉnh nhọn của thế giới âm thanh. Tiếng hát mọc cánh, thăm thằm trong trắng tinh khiết quá pha lê gọt. Cô đang gọi nước suối đá ngọt trào dâng lên. Tiếng phách trúc díu dan như cô đục lại được muôn diệu của muôn giống chim. Có những tiếng tre đanh thép, sắc bén đến cái mức cắt đứt được sợi tóc nào vô tình bay qua khoảng nơi phách đang bốc cao vươn mình đứng dậy như vách thành. Đôi tai Cậu Lãnh Út chỉ là hai cái phễu để cô Tơ rót vào đấy cả một rừng chim và cả một suối thủy tinh....
Tiếng đôi lá con cỗ phách Cô Tơ dồn như tiếng chim kêu thương trên dậm cát nổi bão lốc. Nhiều tiếng tay ba ngừng gục xuống bàn phách, nghe tan rợn như tiếng con cắt lao xuống thềm đá sau một phát tên. Tay phách không một tiếng nào là nhụt. Mỗi tiếng phách sắc như một nét dao thuận chiều. Và gõ đến như thế thì thật là đem cái vinh quang đến cho tre, cho trúc và tạo cho thảo mộc một tấm linh hồn. Dưới mười ngón tay hoa múa dẻo quánh, tre trúc bật nẩy lên vì thỏa thích. Đàn và hát dắt nhau mà lướt bổng.
Cậu Lãnh đam mê với giọng hát, tiếng đàn còn ngoài ra Cậu không biết gì nữa. Chén tống rượu cứ liên tiếp đầy vơi. Tưởng lúc bây giờ cả vùng quê Nhộn này có phát hỏa, chung quanh Cậu đất có sụt xuống Cậu cũng mặc:
Lúc này, Cậu Lãnh chỉ biết có sự thẩm âm. Âm trúc, âm tơ. Cậu đang ngủ cái giấc ngủ thôi miên của âm nhạc. Không một tiếng nào lép, roi cứ như ôm lấy tang mít rồi cứ như dán vào mặt da...
Lãnh Út mềm tay roi càng mê tơi đi vì tơ trúc ríu ran.
Cô Tơ giờ mới để ý đến những tiếng trống điểm. Trống người chủ ấp trẻ ấy sát phạt thật. Thật là một thứ trống lợi hại. trong tiếng trống, có tiếng đổ nhào của ngói gạch vụn rời. Hình như tất cả những lâu đài cung điện của cuộc đời nhỡn tiền đều tan rã theo một cái roi quất xuống mặt da loài thú. Hình như phải có được vô vàn vàng lụa lũy thế mà phí đi thì mới đổi được ra thành tiếng âm âm đục ấy. Chầu, điểm đến như thế thì khỏi nào mà tránh được chuyện oan trái cùng người gõ trúc ...
Để rồi khi điệu hát Hòa Mã, chưa quá một phần ba, Bá Nhỡ gục vào đàn, nhoài xuống... Thế là hết hẳn ngâm rung của chỉ đàn. Cây đàn vừa bị tay người lạnh thả dần xuống mặt bục, tự tan ra từng mảnh vụn. Phím long rồi cần, thành, tang đều bật tung hết mộng chốt ... Đàn chỉ còn là một đống vụn gỗ bên một cuộc đời đánh đàn đang khô dần lớp máu cuối cùng.
KẾT
Ngôn ngữ Việt Nam cùng với tiền trình lịch sử cũng như Văn Hóa dân tộc cùng với sinh hoạt xã hội luôn luôn thay đổi và giao lưu với thế giới hiện đại. Phải chăng Hát Nói Ca Trù cổ truyền với nếp sống xưa, đã phải đến lúc chấm dứt sứ mệnh lịch sử của nó?
Sinh hoạt Hát Ca Trù trong đầu thế kỷ 21 tại Quán Bích Câu phố Hàng Bột bên hông Văn Miếu (trên)
& phố Hàng Bồ, Hà Nội (dưới)
Nhật Bản với đời sống cơ giới vô cùng bận rộn, đã mang nền kinh tế nước họ lên hàng đầu thế giới, vẫn duy trì sinh hoạt nghệ thuật Kabuki và Noh như một giải trí thanh lịch cho dân Nhật và như một đặc sản văn hóa cống hiến cho du khách ngoại quốc.
“Ca Trù Việt Nam” với Giọng Hát hơi trong nguyên chất của tâm hồn con người đan cùng Lá Phách khi cười ngặt ngẽo lúc khóc nức nở, rồi ghìm chặt vào khổ Đàn Đáy âm thanh dùng đục như tiếng suối mới sa nửa vời giữa tiếng gọi thầm của núi rừng, cho đến nay vẫn còn đủ ma lực, hấp dẫn sự thẩm âm của ngoại quốc, xứng đáng là một đại sứ văn hóa của Việt Nam trên thế giới năm châu.
Thể thơ Hát Nói với sự phóng khoáng của số câu, số chữ, với tiết điệu đầy nhạc cảm, với sự hòa hợp của Nho, Nôm, với sự tự do của thơ mới mà vẫn giữ được nền nếp phong cách của thơ cổ điển, xứng đáng làm khuôn mẫu sáng tác cho các nhà thơ thời này.
“Hát Ả Đào” với các cung pha, cung nao cùng các biến cung, phản ảnh tinh thần hòa hiếu, uyển chuyển, độ lượng của con người Việt Nam, với khổ sòng rắn giỏi, quyết liệt và khổ “siết” (khổ rải), dịu dàng thanh thoát, tượng trưng cho ý chí kiên cường và tâm hồn lãng mạn của dân tộc Việt Nam, xứng đáng là “tiếng Họa Mi” của nền thi ca Việt Nam, một bảo vật trong kho tàng văn hóa, cần được gìn giữ và quảng bá trong nước và ngoài nước bây giờ và mai sau.
Viết xong đêm 10 tháng 02 năm 1991
Xem lại và bổ túc ngày 08 tháng 7 năm 2010
Bùi Duy Tâm
Đây là một trong số 18 cuốn sách viết về Văn Hóa VN của Bùi Duy Tâm
PHỤ BẢN:
TRẦN ĐỨC THẢO VÀ ĐÊM Ả ĐÀO CHUI Ở ATK NĂM ẤY
Thời gian sống ở ATK (An Toàn Khu), tôi (Trần Đức Thảo) bị sai khiến làm mấy việc vơ vẩn như ngồi dịch những tài liệu cũ kỹ, mà rồi sau chẳng dùng được vào việc gì! Hoặc là theo chân mấy phái đoàn Trung ương đi thanh tra này nọ với vai trò của một cây cảnh: đi tới đâu cũng được giới thiệu là trí thức ở bên Tây mới về tham gia cách mạng! Rồi được vỗ tay, hoan hô. Chứ chẳng làm được một việc gì hữu ích cả!
– Sống như thế thì tẻ nhạt quá, làm sao bác chịu nổi?
– Ấy trong quãng thời gian sống ở bên lề chính trị như thế không hẳn là tẻ nhạt đâu. Thỉnh thoảng cũng có những giây phút rất thú vị, rất vui. Bởi sống ở hậu phương thời kháng chiến, luôn luôn được chứng kiến những ngang trái xảy ra thật là bất ngờ, làm bật cười, cười đến chảy nước mắt.
Trong cách mạng mà cũng có lúc ăn chơi lén lút, đáng ghi nhớ về cái “thời bao cấp” ấy. Những thú vui chui lén như vậy cũng làm cho mình phải suy nghĩ, tìm hiểu hiện tượng cách mạng và những khát vọng của con người…
– Thú vui lén lút đáng nhớ ấy là gì?
Bác Thảo kể có một lần, “không thể nào quên được”. Đó là lần được nhà văn Nguyễn Tuân mời đi ăn một bữa cơm Tây, tại một xóm dân Hà Nội tản cư về sống gần ATK. Khi vào tới xóm ấy, là phải chui qua mấy hàng giây thép, trên phơi đầy quần áo màu mè sặc sỡ khác hẳn với quần áo nâu sồng của nông thôn, được giặt để cất đi, ở sân sâu bên trong một căn nhà cổ, để tới cái quán ăn chui lậu hiếm hoi ở hậu phương. Chủ nhân tự khoe mình từng là đầu bếp của cựu thống sứ Bắc kỳ Graffeuil!
Bữa ăn hôm ấy có cả món thịt bò Chateaubriand, có cả rượu vang Bordeaux. Thịt tươi là do cánh công an vừa săn được một con nai! Còn rượu cũng là do cánh công an mang từ Hà Nội ra! Ăn xong, Tuân chửi vui: “Sư bố chúng nó! Tàn dư phong kiến, thực dân mà sướng thế đấy!”. Thảo ngơ ngác không biết Tuân chửi ai? Ăn uống ngon lành thế sao lại chửi?
Sau bữa ăn, Tuân còn cao hứng dẫn Thảo đi hát “cô đầu”! Dĩ nhiên cũng là hát chui, hát lậu. Địa điểm là một căn nhà chòi có cót che kín mít, dùng để chứa nông cụ thúng, mẹt, cày bừa… ở ngay giữa một cánh đồng lớn mới gặt xong. Thảo được đưa tới chờ ở đó, nên rất lấy làm lạ. Ngồi một mình ngắm trăng mười sáu sáng ngời, chung quanh là một cánh ruộng bàng bạc màu vàng khô khốc của những gốc rạ mới gặt xong, xa xa là những luỹ tre xanh vi vu gió thổi. Cảnh thật đẹp và buồn.
Mãi sau, Tuân trở lại lố nhố với năm, sáu người lạ mặt, trong đó có một phụ nữ khoảng ngoài ba mươi tuổi, mỗi người ôm một cái túi khá lớn. Họ vào trong căn chòi rồi cài cài mấy tấm cót cho kín đáo. Một ngọn đèn dầu hoả được thắp lên cho vừa đủ sáng để thấy tỏ mặt nhau. Họ mở túi lấy ra, người thì một cái trống nhỏ, người thì một cây đàn Đáy. Chị phụ nữ cũng lấy ra hai que gỗ và một cái phách.
Tuân nói thật trịnh trọng:
– Hôm nay tôi lén tổ chức chầu hát này là để đãi ông bạn trí thức ở tận bên tây mới về. Yêu cầu em Đức hát cho thật đạt chỉ tiêu đấy nhé!
Cô ca nương nhìn Thảo rồi đáp:
– Anh Tuân ơi! Anh ép, thì vì nể anh em cũng cố mà ra đây hát thôi. Bởi em đã giải nghệ từ mấy năm nay rồi. Nêu công an mà biết thì em sẽ bị đi tù mất. Hát ả đào bây giờ bị coi là thứ nhạc sa đọạ của thời phong kiến, nó đã bị khai tử từ lâu rồi!
– Không sao đâu, anh đã lo lót hết rồi. Tuân này bảo đảm mà!
– Cứ hát đi, đã có ông chủ tịch xã kiêm trưởng công an ngồi nghe đây thì còn sợ gì!
– Thôi đừng khách sáo nữa! Ta bắt đầu đi, kẻo đã quá canh khuya rồi. Đàn lên! Xin mời quan viên giữ trống ra tay! Bắt đầu “Hồng, Hồng, Tuyết Tuyết” đi em!
Vài tiếng đàn chậm rãi vẳng lên, trầm bổng, thánh thót day dứt trong đêm khuya thanh vắng. Rồi một giọng ca trong vắt, ngân nga, luyến láy vang lên giữa cánh đồng vằng vặc ánh trăng.
Rồi tiếng trống vào nhịp:
– Tom! Chát! Chát! Tom!
– Hồng, hồng, tuyết, tuyết ứ ư ừ mới ư ừ ngày nào chửa… ư biết cái chi chi…
– Tom, tom, chát…
Tiếng hát, tiếng đàn nhịp trống bỗng đưa mọi người nhập vào một thứ nghi lễ tôn giáo linh thiêng… gợi cảm, trữ tình của nghệ thuật!
Bác Thảo vui vẻ, thích thú kể lại thật chi tiết về một chầu hát ca trù lén lút vô cùng cảm xúc, trong đêm khuya ấy, giữa một cánh đồng khô, trong lúc tình hình chiến tranh sôi động, mọi người lo âu, bồn chồn không biết ngày mai sẽ ra sao!
Bởi đấy là lần đầu tiên trong đời bác Thảo được nghe tiếng hát “trong như pha-lê, luyến láy ngân nga, thấm nhập tâm can, làm rung động toàn thân xác.,.”. Bác say sưa khen:
– Ôi! Lúc ấy, tiếng đàn, tiếng hát, sao có thể thuần khiết, âm vang sâu thẳm đến thế! Tiếng trống bắt nhịp thật lịch duyệt, như thúc dục, như khuyến khích ca nương!
Bài ca vừa chấm đứt, Thảo không nhịn được phản ứng ngạc nhiên, nên hỏi:
– Sao thứ ca dân gian này có thể nghệ thuật đến thế! Hay như vậy sao lại cấm? Trong đời tôi, tuy đã từng biết thưởng thức những tiếng đào, lời ca cổ điển vô cùng nghệ thuật của lối hát đại nhạc (opéra) phương Tây, nhưng đây là lần đầu tiên tôi khám phá ra một lối ca nghệ thuật tuyệt kỹ, vừa trữ tình, vừa huyền bí, thiêng liêng như của một tôn giáo, nghe mà rợn cả người, cứ y như bỗng mình được lạc vào cõi Thiên Thai. Một thứ nghệ thuật truyền thống quý như vậy, sao lại bắt nó phải chết?
– Tại vì xưa kia nó phục vụ giới quan lại, phú hộ thời phong kiến!
– Tuân giải thích – Thôi bây giờ thì ca tiếp đi chứ!
Người nghệ sĩ chơi đàn, người “quan viên” giữ nhịp trống điều khiển, rồi ca nương, tất cả đều đắm say diễn tả, như hoà tâm hồn vào mấy bài hát nói danh tiếng của mấy nhà thơ trứ danh thời trước. Tay đàn, tay trống và ca nương, tất cả đều biểu diễn, với tất cả sở trường, y như đang làm sống dậy giây phút thanh bình của đất Hà thành thanh lịch xa xưa!
Thảo giải thích thêm với chúng tôi:
– Tiếng hát ả đào đúng là hợp với tâm tư, hoàn cảnh của từng người lúc ấy. Ai ai cũng đang mang nặng một tâm tư u buồn, nên mới hát được như thế, mới nghe thấu được nỗi niềm của giọng hát, lời ca. Tôi đã từng biết lối hát đại nhạc (opéra) của phương Tây. Lối hát ấy là dùng sức buồng phổi đẩy làn hơi qua thanh quản để đưa nốt nhạc vọt lên chói vót như thi tài với tiếng đàn. Nhưng lối hát ả đào thì tế nhị hơn, vì ca nương phải kiềm chế làn hơi, rồi từ từ vừa đẩy, vừa níu lại làn hơi qua họng, để uốn nắn âm thanh qua thanh quản, làm nó uyển chuyển, luyến láy, nghẹn ngào; như than van, nức nở, để bầy tỏ nỗi niềm… Nghệ thuật hát ả đào, do đó tinh vi, truyền cảm tình tiết cao siêu, sâu sắc, huyền bí hơn hẳn đại nhạc phương Tây. Tôi không hiểu sao một nghệ thuật tuyệt vời như thế mà lại nỡ lòng mang vứt bỏ nó đi! Một dân tộc có một nền văn minh cao độ mới có thể có một lối hát nghệ thuật đậm tính văn hoá dân tộc đến thế, sao lại chê bai, kết tội nó!
– Ôi dào! Bây giờ thì cái gì của thời cũ đều bị phá đi, vứt bỏ hết! Bây giờ người ta tính áp dụng lối tiêu thổ kháng chiến ở Liên Xô, phá sập, dẹp hết, đốt hết, san thành bình địa ráo, để địch không thể xâm chiếm được. Nơi nào có tinh thần kháng chiến cao như vùng Vinh, Thanh Hoá, Nghệ An thì đã bắt đầu có lệnh thi hành chính sách “tiêu thổ”. Với hô hào “tất cả cho kháng chiến”. Tiếc gì cái lối đa truyền cảm, trữ tình, nay bị coi là truỵ lạc, là sa đoạ này!
Chầu hát ả đào dần tới hồi kết thúc. Quan viên cầm trống bỗng đứng dậy, bước tới trước mặt nhà văn Nguyên Tuân, nghiêm chỉnh cúi đầu nói:
– Xin kính mời quan bác! Quan bác là người đã nổi tiếng là tài danh cầm chầu là tài tử lịch duyệt của ca trù, đệ xin trả lại ngôi quan viên cho quan bác, để quan bác giữ nhịp cho bài ca cuối cùng của chầu hát chui này. Đệ chọn bài “Tỳ bà hành” để kết thúc, y như trong các buổi ca trù của các nhà hát trứ danh của Hà thành thanh lịch thủa xa xưa.
Nguyễn Tuân nghiêm nghị đón nhận chiếc trống nhỏ, sửa lại thế ngồi cho ngay ngắn, đặt trống xuống đúng tầm tay, đưa roi trống lên cao, rồi nhìn tay đàn và ca nương, đúng cách quan viên sành điệu, như vị nhạc trưởng của ban đại hợp tấu, chuẩn bị phát lệnh trên một chiếu hát. Mọi người chờ tiếng trống phát ra.
Nhưng Nguyễn Tuân lại đặt nhẹ rồi trống xuống và nói với giọng trầm buồn:
– Này em Đức ơi! Anh biết em từng là ngôi sao ca nương sáng chói của lò hát bà Đốc Sao ở Hà Nội. Xưa kia thì phải là cỡ Tuần phủ, Tri huyện trở lên tới Tổng đốc mới được nghe tiếng em ca. Thế rồi cách mạng về thì nhà bà Đốc Sao biến đâu mất tích. Nay được tin em trôi dạt về đây, anh đã phải bịa chuyện xin đi công tác phương này, cốt là để tìm em, để được nghe em hát thêm một lần, cho dù mai sau có chết vì bom đạn thì anh cũng mãn nguyện là đã tận hưởng cuộc đời. Bởi hôm nay đây, cái cánh đồng khô giữa vùng đất núi rừng Tuyên Quang này bỗng trở thành một bến Tầm Dương! Và em Đức sẽ là người đưa tiễn anh với anh Thảo đây, đều là những Tư mã của thời đại, đang bị thời thế lưu đày về cái đất Giang Châu của Tuyên Quang này… Em hãy ca thật hay lên, để tiễn đưa chúng anh ngày mai lại lên ứ… ư đường! Chỉ tiếc ở đây không có rượu ngon để anh ngâm mấy câu thơ cổ:
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi!
(Thơ Vương Hàn, Lương Châu từ, Trung Quốc)
Rồi Nguyễn Tuân cao hứng, đằng hắng, lấy giọng ngâm thật thống thiết tiếp:
Rượu ngon thơm ngát chén ngà
Chén chưa kịp cạn, tỳ bà thúc đi
Sa trường say, cười mà chi
Xưa nay chinh chiến, mấy ai trở về!
(Người dịch khuyết danh)
Cây roi giơ lên phát lệnh bắt đầu bài hát:
– Tom! Tom! Chát!
Nhưng tất cả ngạc nhiên vì ca nương không cất tiếng hát mà lại ôm mặt khóc nức nở! Thảo ngồi đấy cũng long lanh nước mắt. Vì trong lòng cũng cảm thấy một nỗi u buồn thấm thía khó tả, chẳng rõ vì sao.
Nức nở, sụt sùi một hồi, ca nương lấy lại bình tĩnh nói:
– Em xin lỗi! Em xin lỗi! Vì nhìn mấy anh ăn mặc nâu sồng vất vả, mặt mày hốc hác, em thấy thương mấy anh quá! Mà em cũng khóc cả cho thân phận em! Thôi để em hát, để tiễn đưa các anh, và cũng là đưa em nữa, vì mai đây gia đình em sẽ tìm đường về xuôi, vì cái bến Tầm Dương của em là bên quê ngoại ở mãi vùng Thái Bình cơ!
– Thôi nín đi em! Hát đi em!
Nguyên Tuân lại nổi trống giục:
– Tom! Tom! Tom! Chát!
Ca nương bắt đầu lên giọng ngân nga, luyến láy não lòng:
Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách
Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu
Dời thuyền ghé lại thăm tình
Chong đèn, thêm rượu, còn dành tiệc vui
Nghe não nuột mấy dây buồn bực
Dường than niềm tấm tức bấy lâu
Mày chau tay gẩy khúc sầu
Dãi bầy hết nỗi trước sau muôn vàn
Thuyền không, đậu bến mặc ai
Quanh thuyền trăng dãi, nước trôi, lạnh lùng
Nghe não ruột khác tay đàn trước
Khắp tiệc hoa sướt mướt lệ rơi
Lệ ai chan chứa hơn người
Giang Châu Tư mã đượm mùi áo xanh…
(Trích thơ Bạch Cư Dị, Phan Huy Vịnh dịch)
– Tom! Chát! Chát! Tom!
Tiếng trống vang lên như để khen “Thật tuyệt vời!”, tiếng đàn cùng tiếng hát ngưng bặt. Cả cái chòi cót giữa cánh đồng không ấy bỗng im lặng hoàn toàn. Chỉ còn tiếng gió, xào xạc, qua một bụi tre, vọng lại từ xa.
Trong chòi, mọi người, như chết lặng vì quá cảm xúc. Tất cả êm thấm đứng dậy, chậm rãi thu xếp trống, đàn, từ từ rút lui. Tất cả họ bùi ngùi, câm nín, ra về trong sợ sệt, nhìn trước, ngó sau, lắng tai, phóng mắt ra khắp phía xa chung quanh, không ai nói với ai nửa lời. Mỗi người mỗi nặng một tâm tư luyến tiếc, lo âu, sợ hãi…
Nguyên Tuân ghé tai Thảo:
– Này ông bạn trí thức của tôi ơi, nhớ cho kỹ là đừng cho ai biết là tôi đãi ông chầu hát ca trù này đấy nhé! Phải “bem” (giữ bí mật) kẻo lại bị ngồi viết kiểm điểm thì mệt lắm đấy!
– Thú thật là ngồi nghe, tuy không hiểu hết ca từ, nhưng tôi cảm thấy lòng mình chùng xuống y như mình cũng đang khóc cho nỗi niềm u uất của chính mình. Không thể ngờ là lối ca này nó thấm thía vào tim gan đến thế!
– Anh có biết tại sao ca trù nó thấm thía vào tâm hồn mọi người không? Tại vì đây là một lối ca trữ tình. Bởi lời ca toàn là những bài thơ, bài hát nói của một nền văn chương quý phái đã lâu đời. Cách diễn tả lại càng trữ tình hơn. Vì làn hơi bị ức chế trong lồng ngực để rồi được đẩy ra thành tiếng luyến láy nghẹn ngào, nức nở, để bầy tỏ những tình cảm uất ức khó diễn tả, nên ca mà cứ như nấc nghẹn, muốn than van, nuối tiếc, khóc thương một thời hạnh phúc đã mất… Ai mà có nỗi niềm trong lòng thì mới thưởng thức hết được cảm xúc sâu thẳm của ca trù. Tôi biết anh cũng đang có nhiều nỗi niềm bị ức chế ở trong lòng nên tôi mới mời anh đi hát hôm nay. Có đúng như vậy không nào?
Thảo nhìn Tuân chằm chằm, rồi ngần ngừ nói:
– Anh hỏi tôi câu ấy làm tôi chột dạ. Cố phải anh là môn đệ của Freud đã nhìn thấy tâm can tôi không? Hay anh là cán bộ của “cụ Hồ” đang gài bẫy để bắt quả tang lập trường chao đảo của tôi đây?
– Tôi chưa hề đọc Freud. Và anh cũng đã mắc cái bệnh cảnh giác nặng rồi đấy. Nhưng cứ yên tâm, vì thằng Nguyễn Tuân này dù thế nào thì cũng không thể hèn mạt đến nỗi bán rẻ tình bạn cho cách mạng đâu. Anh cứ bình tĩnh mà chịu đựng và chờ đợi, chờ thời… Tôi hỏi thật, anh có hiểu tại sao ca trù nó lại thấm thấu tâm can chúng ta như vậy không?
– Tại sao vậy anh?
– Tại vì ca trù toàn chuyên chở âm điệu những nuối tiếc, những tình hận, những chí cả sinh bất phùng thời của những kẻ bất mãn, bất đắc chí như anh đấy!
– Sao anh thấy được tận đáy lòng tôi như thế? Xin cảm ơn anh! Nhưng cũng xin anh đừng làm tôi sợ vì đúng là anh đã bắt quả tang tôi đang chao đảo lập trường đối với cách mạng!
– Anh đừng lo. Tôi hiểu anh vì tôi hiểu tôi. Bởi chúng ta chỉ là bọn Giang Châu Tư mã đang bị giông bão thời cuộc đánh trôi dạt về cái bên Tầm Dương rừng rú này. Buồn lắm! Thảm lắm anh ơi! Với anh tôi mới dám thổ lộ tâm sự u buồn của tôi. Bởi tôi biết sợ cũng như anh biết sợ…
Rồi bác Thảo còn cho biết sau khi về tiếp thu Hà Nội, Nguyễn Tuân còn mời bác đi nghe hát ca trù chui lậu thêm hai lần nữa, nhưng những lần sau này thì không còn xúc động mạnh như lần đầu, trong cái chòi tranh thô kệch nghèo nàn ở giữa cái cánh ruộng khô, đêm trăng ấy nữa.
(Trích “Trần Đức Thảo – Những lời trăn trối”)