Vú Em Miễn Phí
Gọi là “thiện nguyện”, vì không bắt buộc và không có lương.
Sau mấy chục năm lăn lóc từ quê nhà ra tới xứ người. Giờ đây ai cũng về hưu, các ông bà nội ngoại nhìn thấy con cháu vất vả kiếm ăn, nên cũng tự nguyện làm vú em miễn phí, babysit không lương.
Cháu bà nội tội bà ngoại
Đa số babysit không lương, toàn chăm sóc cháu ngoại, hình như con gái “tin tưởng” mẹ ruột hơn mẹ chồng.
Thiệt đó quý vị ơi! Bà ngoại nuôi mẹ ngon lành thì bây giờ nuôi cháu khỏi lo.
Bà ngoại có thể ghé thăm cháu, không cần make appointment. Chứ bà nội không được miễn trừ.
Babysit miễn phí, nhưng thân chủ, là những đứa cháu lại làm eo làm sách, làm bà ngoại lúng túng.
Bà đưa đi học, ngồi vào xe rồi, cháu mới nhớ:
– Bữa nay con có “show & tell”.
Trẻ con học mẫu giáo tập nói trước các bạn trong lớp, gọi là “show & tell”. Đây là cách tập cho trẻ bạo dạn, tự tin diễn tả bất cứ cái gì cho các bạn cùng lớp. Thường là những món đồ chơi ở nhà, nhưng tự nó chọn để mang vào lớp ngày hôm sau.Gọi là “thiện nguyện”, vì không bắt buộc và không có lương.
Sau mấy chục năm lăn lóc từ quê nhà ra tới xứ người. Giờ đây ai cũng về hưu, các ông bà nội ngoại nhìn thấy con cháu vất vả kiếm ăn, nên cũng tự nguyện làm vú em miễn phí, babysit không lương.
Rõ ràng là lỗi của cháu, không thể để trễ giờ học. Bà đành tháo chuỗi tràng hạt đeo ở cổ, đưa cho cháu, dặn dò:
– Nói với các bạn, đây là sợi dây chuyền để đọc kinh của bà mỗi tối. Không phải là đồ trang sức.
Ngày hôm đó, đi học về, cháu kể các bạn trong lớp xúm vào hỏi đủ thứ. Tại sao chỉ có một hột lớn thôi. Cô giáo phải giải thích, hột lớn là lúc bắt đầu. Người đọc kinh nhắm mắt, ngón tay lần theo xâu chuỗi, khi nào tới hột lớn nhất là biết lần cuối cùng.
Thật ngẫu nhiên mà show & tell của cháu gây nhiều thích thú cho cả lớp. Cô đưa cháu bông hoa hồng về tặng bà. Không ngờ bà ngoại “chữa cháy” mà kết quả gây hào hứng cho cả lớp.
Mẹ đọc từ vần A, cháu nhận ra tên quen thuộc ghi ra, thế là có đủ danh sách.
Như vậy giữ cháu, bà cũng biết được nhiều điều hay.
Chưa hết, trẻ con cũng có mắt quan sát và gọi tên như nó nghĩ. Bà nấu chè táo sọn, cháu muốn ăn nhưng không biết tên.
Nghe nó nói:
– Bà ơi! Con muốn ăn chè “ running nose pudding”.
Bà chưa hiểu, nhưng mẹ nó vừa đi ngang, nghe được, quát lên “disgusting!”.
Không được gọi chè “nước mũi”.
Bà đã không la, lại còn bênh: Vậy là nó biết nhận xét, cũng không sai.
Đúng là con hư tại mẹ, cháu hư tại bà.
Mẹ nó dặn, gọi “mung bean pudding”. Không được dùng những chữ gợi hình ảnh không đẹp cho thức ăn.
Bà vẫn bênh cháu, canh rau đay người ta cũng nói nhớt như dãi bò.
Còn cà tím gọi cà dái dê.
Kẹo đậu phộng mè đen, chỉ có vào dịp Tết, gọi thèo lèo cứt chuột.
Người lớn nói vậy, thì trẻ con nói theo nhận xét của nó, cũng phải thôi.
Ngoài chuyện nấu ăn, bà ngoại còn trổ tài may vá (cho hết thời gian rảnh rỗi).
Con gái chiều mẹ, cũng không nói gì. Dĩ nhiên khi ra ngoài vẫn mặc quần áo mua.
Mọi việc êm đềm trôi qua khi cháu còn đi chập chững. Những tấm vải khúc khác màu, bà gọi là vải “năm cha ba mẹ”.
Sản phẩm tạo thành “quần nọ áo kia”, nhìn vui mắt, trông cháu như những chú hề tí hon.
Cho đến một ngày, bà bị thất nghiệp.
Khi cháu đi học, dù mới lớp mẫu giáo, nhưng cháu đã nhận ra sự khác biệt của quần áo bà may và quần áo các bạn mặc.
Một bữa kia, mua được miếng vải sặc sỡ, bà “khoe” sẽ may cho cháu một cái áo đầm thật đẹp.
Cả nhà đã cười nghiêng ngửa, khi nghe con bé dặn dò:
– Lần này, bà nhớ may giống mấy cái áo bán ở tiệm. Nha bà. Con đi theo mẹ shopping, thấy có nhiều áo đầm đẹp lắm.
Thì ra từ hồi nào tới giờ, bà ngoại rất “tự tin” các món hàng “không giống ai” của mình, được khách hàng ái mộ. Đó là khi cháu bà chưa biết nói thôi. Chẳng có gì che giấu mãi được, từ từ rồi cháu cũng biết.
Bây giờ bà không còn may đan thêu thùa nữa, vì làm rồi cho từ thiện cũng lỗi thời. Hàng may sẵn sản xuất hàng loạt theo thị hiếu khách hàng.
Ngày xưa những bộ quần áo lâu lâu mới mang ra mặc, gọi là quần áo “Xuân Thu nhị kỳ”, không còn ai mặc, cho Goodwill thôi.
Bây giờ nhiều bà nhiều cô phí phạm, mỗi lần đi tiệc là không mặc lại bất kỳ bộ quần áo nào, đã mặc rồi. Nhớ thuở hàn vi, quần áo vá chằng vá chịt. Truyện Trần Minh khố chuối hay 2 cha con chỉ có một cái quần, để thay nhau mặc khi ra ngoài. Những câu chuyện xưa nói về ý chí vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, Bà không thể kể cho con cháu nghe được. Bà thường chép miệng: mẹ nó còn không tin, nói “chuyện giả tưởng”, làm sao cháu bà hiểu nổi. Thế là bà không còn may vá gì nữa. Thật buồn!
Mỗi năm trường còn cho trẻ biểu diễn văn nghệ, gọi là Rehearsal. Thường thì trẻ về nhà sau giờ tan học, sau đó mới quay trở lại trường tập dượt. Bà lui cui ở nhà nấu nướng, ông đưa cháu đi tập ròng rã 2 tháng. Chẳng biết cháu diễn kịch gì, chỉ biết cháu được chọn lên sân khấu.
Tình cờ hôm trình diễn, bà huy động 2 gia đình chất lên 2 xe Van. Vừa lúc có mặt cậu cháu đích tôn du học Mỹ vừa tới.
12 người ngồi bên dưới, chăm chú nhìn lên khán đài, theo dõi đủ mục trình diễn, mà sao vẫn không thấy bóng dáng cháu mình. Cuối cùng chỉ còn màn chót của buổi trình diễn 2 tiếng đồng hồ. Cháu bà đại diện cho người lính cứu hỏa Fireman của Cộng đồng (community) nơi cư ngụ. Chỉ đội một cái mũ giấy cứu hỏa, xuất hiện trên sân khấu đúng 5 phút là kéo màn chấm dứt. Vậy mà thằng nhóc với bộ mặt rất nghiêm trang, ròng rã đi tập suốt 2 tháng trời.
Thật là “tẽn tò”, vì bà ngoại rất hào hứng kêu gọi cả nhà cùng đi xem, cháu bà là diễn viên được lên sân khấu.
Ngày tháng dần trôi, các con chim non đầy lông đầy cánh. Chúng đã bay xa kiếm ăn, như quy luật của tuần hoàn.
Giờ chỉ còn lại đôi chim già trong cái tổ vắng tanh. Bên tai bà vẫn nghe đâu đây giọng cháu thỏ thẻ: running nose pudding. Và khuôn mặt ngây thơ của chú lính cứu hỏa với cái mũ giấy trên đầu.
Cuộc đời là cái nợ đồng lần.
Rồi bà cũng sẽ chia tay với con cháu, khi con tàu ngừng ở sân ga tới bến đậu của mỗi con người.
Hình ảnh của bà sẽ mãi mãi là món quà quý giá cho cháu mang theo trong suốt cuộc đời.
Nhớ hoài bà Ngoại.
Lại Thị Mơ
February 17th, 2024