Xuân về nói chuyện vui tướng số

 

Kỳ Cốc Tử

 

   

Tướng Số theo Hán Việt Tự Điển của học giả Đào Duy Anh gồm hai phần Tướng và Số. Tướng tức Tướng thuật là xem dung mạo thân thể của người ta mà đoán họa phúc; Số thuật là xem năm tháng ngày giờ sinh đẻ mà đoán cát hung. Tướng mạo tức là dung mạo, dung sắc (physionomie) tức là coi về diện mạo như nét mặt, dáng đi, cử chỉ, giọng nói, vân vân để đoán vận mạng của con người. Tướng là một khoa riêng, khác với Chỉ tay (palm-reading) là khoa coi các nét xuất hiện trên bàn tay, khác với Số tức khoa tử vi xem ngày giờ sinh rồi lập thành lá số gồm các vì sao tượng trưng để luận đoán (commentaire) vận mạng con người. Tuy khác nhau, song các khoa học nhân văn này dựa trên một số nguyên tắc hay định lệ chung chung là căn cứ vào thập nhị cung (12 cung) tượng trưng cho mười hai khía cạnh của đời sống con người để luận đoán. Mười hai cung gồm: phụ mẫu (cha mẹ), quan lộc (công danh ngoài xã hội), thê thiếp (hôn nhân), huynh đệ (anh em), thọ yểu (sống lâu), nô bộc (đầy tớ), tử tức (con cái), thiên di (du lịch), tài bạch (tiền bạc), vân vân. Gọi là khoa học nhân văn vì các môn này hướng vào con người, nhận định về con người qua những phương pháp khoa học không có chi là mê tín dị đoan.

 

 Nói về các khoa trên cho đủ chắc phải viết ra rất nhiều pho sách. Bởi vậy, nhân dịp đón Xuân về, người viết xin hầu chuyện độc giả một số khía cạnh, một số vấn nạn mà thôi.

 

  1. Tướng số là khoa học nhân văn

 

 Có người gọi tướng số là khoa học huyền bí. Nói tới khoa học là nói tới định luật, nguyên tắc. Nhưng các khoa tướng, số, chỉ tay... không dựa trên những nguyên tắc hay định luật khoa học thông thường như nói một cộng với một là hai, mà nó dựa vào kinh nghiệm và luận đoán theo nguyên tắc nhân quả. Khoa học này pha chút nghệ thuật, pha chút huyền bí, nhưng cũng dễ nhận đoán. Như khi ta nhìn ngắm một người đẹp, theo cái nhìn thông thường ta bảo người đó đẹp. Như khi ta nhìn ngắm một bông hoa, ta bảo bông hoa đó tươi. Như khi ta nghe một giọng nói, ta bảo giọng nói đó hay. Vân vân và vân vân. Đó là thói quen kinh nghiệm, theo cái nhìn chung của loài người, được coi là chính xác, bởi vì mọi người đều nhìn nhận như thế.

 

 Khoa tướng số đã có từ lâu lắm. Tại Á đông, hình như từ thời Quỷ Cốc Tử Tiên Sinh, một bậc thầy về rất nhiều môn học vào thời Chiến Quốc. Quỷ Cốc Tử sống trên núi mở trường bách khoa dạy học trò. Ông dạy đủ ngành: văn, võ, y lý, tướng số, thuyết pháp, chiến pháp, vân vân. Rất nhiều nhân vật thành danh thời Chiến Quốc đều xuất thân từ trường của Quý Cốc Tử Tiên Sinh. Tôn Tẩn, Bàng Quyên những võ tướng một thời từng là môn sinh của ông. Tô Tần, Trương Nghi nổi tiếng về các thuyết Liên Hoành, Hợp Tung đều là học trò của Quỷ Cốc Tử cả. Riêng ngành Tướng Số ngoài Quỷ Cốc Tử Tiên Sinh thời Chiến Quốc, người ta hay nhắc đến Ma Y Thần Tướng, Trần Đoàn, Hà Thượng Công, vân vân là những nhà tướng học nổi tiếng vào các triều đại Đường, Tống sau này.

 

 Tướng học là khoa xem dung mạo của người ta để luận đoán. Thật ra, khoa tướng học xem dung mạo con người qua hai cách: hình tướng và thần tướng. Hình tướng là xem tướng bề ngoài của con người như diện mạo, dáng đi, cử chỉ, giọng nói, vân vân, nói chung là những gì có thể nhìn hay cảm nhận được bằng giác quan. Thần tướng là cách xem bề trong, một điểm nào đó để luận đoán. Xem hình tướng dĩ nhiên là dễ hơn xem thần tướng. Nhưng dù cách xem nào thời cũng dựa trên hai nguyên tắc tổng hợp và nguyên tắc nhân quả. Nguyên tắc tổng hợp là xem tổng quát rồi bù trừ qua lại như một phương trình đại số để có một kết luận chính xác. Lý do là không thể căn cứ vào một điểm nào tốt hoặc một điểm nào xấu để quyết đoán vận mạng người đó là tốt hay xấu, mà phải bù trừ qua lại. Thí dụ như một thùng nước tuy sơn phết bề ngoài đẹp đẽ, nhưng nếu thùng nước đó thủng đáy thời đâu có thể đựng nước được, nước sẽ chảy đi hết. Ngược lại, nếu một thùng nước tuy xấu xí bề ngoài, nhưng chắc chắn, kín đáo thời có thể đựng được nhiều nước. Cũng vậy, một thùng nước bị một lỗ thủng ở ngang lưng thời cũng chỉ đựng nước được một nửa mà thôi. Từ đó, suy đến hình dáng con người. Có người trông đẹp mã, nhưng chưa chắc đã có vận mạng tốt. Người khác trông không đẹp trai, nhưng biết đâu vận mạng lại hay hơn nhờ có đức.

 

 Khoa tướng học cũng áp dụng phương pháp so sánh, lấy những con vật làm biểu tượng cho một số đặc tính. Mỗi con vật thường có những đặc tính riêng của nó, người nào có những nét giống con vật đó thời sẽ có cá tính như thế nào. Người ta hay nhắc đến những con vật có cá tính đặc biệt như con heo, con rắn, sư tử, hổ, dơi, chuột, thỏ, trâu, rồng, vân vân. Thí dụ: kẻ nào có cái tướng đầu dơi tai chuột là kẻ có tâm địa tráo trở phản bội. Kẻ nào có mắt híp và mí mắt dầy như mắt heo là kẻ rất dâm đãng. Đàn bà con gái có dáng đi nhún nhảy như chim sẻ (hành như tước bộ) ngực đưa ra phía trước, mông ưỡn ra phía sau; hoặc đi như rắn lượn (hành như mãng xà) tức là đi mà cái mông lắc qua lắc lại cũng thuộc loại dâm đãng! Người nào có mũi như mũi lân (sư tử) là tướng giàu. Người nào có mắt như mắt rắn, hoặc tai như tai hổ (hổ nhĩ) giống tai Hồ Chí Minh là tướng gian hiểm, vân vân.

 

 Khi coi tướng, người ta có thói quen chia ra hai loại tướng tốt (cát), tướng xấu (hung). Xấu tốt bề trong bề ngoài là do cái nhìn thẩm mỹ của con người mà ông Trời phú bẩm cho qua cái khả năng thiên bẩm gọi là lương tâm. Lương tâm được mệnh danh là tiếng nói của Thần Chân Lý cho con người khả năng phân biệt thiện ác, xấu tốt. Dĩ nhiên lương tâm phải được rèn dũa kẻo thành chai đá thời mất hết hiệu năng. Nhìn hình tướng một người, người ta nhận ra được người giàu có, kẻ nghèo hèn, người thông minh, kẻ ngu dốt, người trung hậu, đứa ác nhân, vân vân... tất cả là do lương năng mà ra cả. Những nét xấu tốt thường hiện ra trên nét mặt, qua giọng nói, dáng đi, cử chỉ. Kẻ đi đứng chững chạc, ăn nói khoan hòa phải là người tốt. Đứa ăn nói thô tục, đi đứng hấp tấp đương nhiên phải là hạng tiểu nhân. Nhờ vào những nét xuất hiện bên ngoài tức là hình tướng am hợp với vận mạng, người ta đưa ra được nhận định chính xác. Người giàu thường có khuôn mặt vuông vắn, đầy đặn, sắc hồng tươi, mũi như củ tỏi, kín như như túi mật treo, hay ống đồng chẻ, miệng kín, răng đều, lỗ tai dày như tai ông Phật, địa các đầy. Người nghèo thì mặt xương xẩu, cằm tức địa các nhọn, hãm, mũi hở như ống cống. Người thông minh thường có vầng trán rộng, cặp mắt sáng. Vân vân.Nhưng không phải chỉ nhìn xem hình tướng, người ta có thể quan sát hành động con người để đánh giá luận đoán về bản chất con người.

 

 Tướng đàn bà khác tướng đàn ông. Nói cách khác, đàn bà phải có tướng đàn bà và đàn ông phải có tướng đàn ông. Đàn bà mà có giọng nói đàn ông, hay đàn ông có giọng nói như đàn bà đều là phản tướng. Đàn ông cần có vầng trán rộng để nói lên sự thông minh. Đàn ông mà trán thấp thời không tốt. Ngược lại đàn bà có trán rộng, dồ đều là phản tướng. Khi chải tóc, nên dùng tóc che bớt trán đi.

 

 Có những điều áp dụng cho cả hai giới, thí dụ như coi về tướng thọ yểu phải coi về cả ba khía cạnh Sắc, Thần, Khí. Sắc tức là màu da cần phải hồng, nhuận. Thần tức là về mắt phải quang, phải sáng. Khí tức là giọng nói phải mạnh. Ba yếu tố: sắc nhuận, thần quang, khí mạnh là mệnh tốt. Hai trong ba yếu tố mất đi là có chuyện nguy hiểm đến tính mạng. Thí dụ Sắc trắng như ma; Thần lờ đờ; Khí hay giọng nói lạc... coi chừng tử đến nơi. Thật vậy, nếu quan sát người bệnh sắp qua đời, người ta dễ nhận ra điều đó. Có những người đang khỏe mạnh, bỗng dưng có thái độ cử chỉ khác thường cũng là điều báo nguy gặp tai nạn chí tử!

 

 Về cá tính con người tương đối dễ nhận ra. Cứ xem kẻ nào da mặt đen, mắt trắng dã hoặc môi thâm mắt trắng là kẻ hay bội bạc (phản bội). Kẻ nào râu rìa, lông ngực cũng một thứ. Tuy nhiên như đã nói về nguyên tắc tổng hợp, không thể căn cứ vào một vài nét xấu mà vội kết luận người đó là xấu; hoặc căn cứ vào một vài nét tốt để kết luận rằng vận mạng họ tốt. Họ có thể có các nét xấu tốt khác, nên khi luận đoán phải bù trừ qua lại mới có kết luận chính xác. Nhưng ông Trời còn ban cho con người những cơ hội bình đẳng, đồng đều là mọi người đều có thể trở nên tốt lành mà người viết sẽ trình bày trong phần Tâm và Tướng dưới đây.

 

 Càng nghiên cứu về tướng diện con người, người ta càng nhận ra sự quan phòng vạn năng của Thượng Đế. Trái đất với hằng tỉ tỉ người vậy mà không ai giống ai, kể cả những kẻ sinh đôi. Người nào có vẽ giỏi lắm thì cũng chỉ vẽ được mấy người, rồi khi vẽ đến người thứ mấy lại thấy giống người đã vẽ trước đó không bao lâu. Vậy mà Thượng Đế sáng tạo muôn loài, không ai giống ai. Con mắt là cửa sổ của linh hồn, nhưng quan sát cặp mắt lại cũng nhận ra không cặp mắt nào giống cặp mắt nào cả. Cặp mắt là nơi nhà tướng học sẽ dễ dàng nhận ra tâm tính của con người nhất, nên khi coi tướng, người ta có thói quen quan sát cặp mắt nhất. Thực ra thì nội việc quan sát tướng mặt với 12 cung đã có thể đánh giá được 9 phần 10 vận mệnh con người rồi. Người khôn, kẻ giàu, người trung hậu, kẻ tráo trở phản bội, đứa lưu manh đều thể hiện trên nét mặt cả. Quan sát, luận đoán thời phải căn cứ vào đâu, vào cái gì và tại sao lại như thế? Vấn nạn này xem ra khó trả lời ngoài câu trả lời duy nhất: kinh nghiệm! Tại sao người này trung hậu, kẻ kia gian ác? Tại sao tướng người này giàu, tướng người kia nghèo khó? Cái đó thuộc vận mạng mỗi con người rồi? Nhưng nếu đã là vận mạng, có thể cải số mạng được không? Xin độc giả theo dõi những điều trình bày dưới đây.


 2. Cải số mạng được không?

 

 Đã có những quảng cáo của một vài cơ sở thẩm mỹ nói rằng có thể sửa tướng xấu ra tướng tốt. Điều này đã làm cho một số bà cô thắc mắc đặt câu hỏi đến với các nhà tướng số học. Trước khi đưa ra câu trả lời, người viết xin trình bày với quý vị độc giả một vài khía cạnh:

 - Thẩm mỹ: có thể làm đẹp con người mình không?

 - Thiện ác: có thể đổi mới tâm tính con người mình không?

 

Nói về thẩm mỹ hay cái Đẹp là điều ai cũng thích và cũng nên làm đẹp. Đó là điều tự nhiên của loài người. Không kể phái nam dĩ nhiên cũng thích đẹp và cũng thích mình đẹp trai, phái nữ theo quan niệm đông phương phải hội đủ tứ đức: Công Dung Ngôn Hạnh, trong đó Dung (sắc đẹp) là yếu tố rất quan trọng. Người phụ nữ phải làm đẹp và phải biết làm đẹp! Không thích làm đẹp không phải là phụ nữ! Việc làm đẹp, sửa sắc đẹp là điều rất nên làm. Chỉ có điều, trước khi sửa sắc đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ nên suy xét cho kỹ, nhất là khi cần sửa các bộ phận trên mặt. Có hai khía cạnh nên suy xét: sinh lý và thẩm mỹ. Mặt sinh lý tức là việc sửa sắc đẹp hay giải phẫu thẩm mỹ có tác dụng gì đến cơ thể con người? Mặt thẩm mỹ, khi sửa sác đẹp hay giải phẫu bộ phận này có gây ảnh hưởng gì đến bộ phận liên hệ khác không? Thí dụ: nhiều bà nhiều cô muốn sửa mũi (giải phẫu thẩm mỹ) cho cao hơn thành mũi dọc dừa thay vì mũi huyếch (nôm na là mũi ống cống: lỗ mũi hở, sợ tiền nó đi ra vì mũi là cung tài bạch chỉ về tiền bạc). Do đó, các bác sĩ thẩm mỹ phải dùng computer tính toán độ co dãn thế nào để khi nâng sống mũi lên, làn da ở mí mắt dưới sẽ không bị ảnh hưởng. Thực tế, nhiều bà nhiều cô sau khi sửa mũi đã xinh đẹp thêm nhờ có sống mũi dọc dừa. Tuy vậy, nhiều phụ nữ khác khi sửa mũi đã không quan tâm đến cặp mắt, mà bác sĩ giải phẫu có lẽ cũng không dùng computer tính toán trước đã đưa đến hậu quả tai hại là cái mũi dọc dừa vừa được tạo hình đã làm giảm đi vẻ thẩm mỹ của đôi mắt, bởi vì da mí mắt dưới bị kéo dau lại về hướng mũi. Một bài toán đơn giản như sau: Mắt 7 điểm, mũi 3 điểm, cộng chung là 10 điểm. Khi giải phẫu thẩm mỹ xong, mũi lên 5 điểm, mắt xuống 3 điểm, cộng lại là 8 điểm. 10 điểm trừ đi 8 điểm thành 2 điểm bị mất đi! Như vậy, sửa mũi vừa mất tiền lại vừa thêm tật! Nhiều người cho biết các bà các cô sau khi sửa mũi đã không dám cho chồng hay con hôn sợ đụng vô mũi bị méo xẹo sang một bên. Phiền thật!

 

 Nói tóm lại, làm đẹp là điều tự nhiên, rất nên làm dù là phái nào đi nữa. Cái răng cái tóc là góc con người. Manh quần tấm áo cũng giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Người biết ăn diện, sẽ chọn lựa cho mình những loại quần áo với màu sắc và kiểu cách thích hợp sẽ làm tăng tướng diện mình lên bội phần. Người biết trang điểm sẽ chọn lựa cho mình cách chải chuốt hay uốn tóc cho phù hợp với khuôn mặt, sẽ làm tăng vẻ đẹp hoặc vẻ vui tươi nghiêm nghị trên nét mặt, vân vân. Nhưng sửa sắc đẹp có thể sửa thành tướng tốt hay không? Nếu hiểu tướng theo nghĩa hẹp là tăng thêm sắc đẹp thời có thể. Nhưng nếu hiểu tướng là vận mạng thời nên xét lại. Người viết xin luận bàn về Tâm và Tướng.

 

 Sự liên hệ giữa Tâm và Tướng là điều hiển nhiên. Vận mạng tốt xấu là do cái Tâm mà ra. Cụ Nguyễn Du trong Đoạn Trường Tân Thanh đã viết:

 

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài!

 

Các nhà Tướng học đều xác nhận “Tướng tùy Tâm sinh” hay “Tướng tùy Tâm diệt”! Tâm là lòng người, là đời sống đạo đức của con người. Sự liên hệ tâm sinh lý này thể hiện rất rõ rệt. Người ăn ở ngay lành, sống đạo đức có nét mặt trung hậu, nhân từ. Kẻ gian ác luôn luôn có bộ mặt gian ác. Nói như thế, tức là con người có thể luyện Tướng tốt được bằng sự tu luyện tâm hồn cho tốt lành. Người viết có dịp quan sát nhiều nhà tu hành, xem tướng diện bề ngoài không được đẹp cho lắm. Thí dụ: khi nói năng họ để hở cả răng lợi. Tướng số cho rằng những người hở răng lợi thường là những người trống miệng, có gì nói ra ngoài hết. Thực tế cho thấy, những nhà tu hành này nhờ giữ kỹ càng giới luật nhà tu nên họ rất kín đáo khi ăn nói. Một thí dụ khác: Linh mục Morretti có tài luận đoán nét chữ. Ông được Tòa Thánh Vatican cho luận đoán nét chữ của 60 nhân vật mà không cho biết danh tánh. Sau khi nghiên cứu và viết bản phúc trình, cha Morretti nhận ra rằng các nhân vật này đều có cá tính xấu. Nhưng nét nổi bật nhất là vị nào cũng có chí khí lớn lao. Chính cái chí lớn lao ấy đã đè bẹp mọi nết xấu để họ trở nên trọn lành. Linh mục đã bỡ ngỡ không ít khi được biết rằng tuồng chữ mà linh mục đã nghiên cứu là tuồng chữ của 60 vị Thánh lớn trong Giáo Hội như bà Thánh Thérèse thành Avila, Thánh Ignace lập dòng Tên, thánh Phanxicô, vân vân. Như vậy, cái Tâm đều có thể luyện được. Khi Tâm đã luyện thì Tướng cũng đổi thay (Tướng tùy Tâm sinh). Ngược lại, có Tâm mà không tu luyện lại đi làm những điều gian ác thời cái tướng cũng theo đó mà bị tiêu diệt đi mất (Tướng tùy Tâm diệt).

 

 Chữ Tâm mà cụ Nguyễn Du viết trong Đoạn Trường Tân Thanh cũng chính là cái Tâm mà các tôn giáo đề cập đến. Tâm là Tâm hồn hay lòng mình. Luyện tâm tức là luyện cái Thần Tướng vậy đó. Những người có đức tin Tôn giáo đều xác nhận điều đó. Phật Giáo, Khổng Giáo cũng như Thiên Chúa Giáo đều nhắc đến chữ Tâm. Tu Tâm theo Phật Giáo là giữ Ngũ Giới và Thập Thiện Nghiệp để trở thành Phật. Khổng Giáo nói muốn xã hội an lành thời kẻ sĩ phải lo Tu Tề Trị Bình trong câu: “thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Thiên Chúa Giáo dạy: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên trời” Matt. 5,48. Nên trọn lành có nghĩa là nên Thánh, mà nên thánh là nên giống Chúa, vì Chúa là đấng Thánh. Nên Thánh, hay muốn trở thành Phật là cơ hội đồng đều cho mọi con người sống trên mặt địa cầu, mà điều cần yếu là phải có chí, phải quyết tâm. Đọc lịch sử loài người, chúng ta thấy ở vào vị trí nào hay thuộc thành phần xã hội nào cũng có thể thành Phật, thành Thánh được hết. Đức cố Giáo Hoàng Gioan XXIII đã viết một đoạn rất hay trong Hồi Ký Lắng Nghe Tiếng Chúa, người viết xin được trích dẫn một đoạn để quý độc giả suy gẫm:

“Tôi phải đạt đến chỗ kết hợp với Chúa và hoàn toàn phó thác trong tay Ngài, tới mức tôi có thể sẵn sàng hy sinh mọi sự, cả việc học hành, để vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Tất cả mọi hoạt động của tôi và mọi công việc trần thế phải được quy định theo nguyên tắc ấy.

 

 Tôi có một nghĩa vụ chính yếu ràng buộc là phải nên thánh bằng mọi giá. Ý tưởng này phải luôn luôn ám ảnh và làm bận bịu tâm hồn tôi, nhưng mối bận tâm này đầy vẻ êm đềm và thanh thản chứ không buồn chán nặng nề. Tôi phải để hết tâm trí vào bổn phận này mọi giây mọi phút: từ lúc tôi thức dậy mở mắt nhìn xem ánh sáng ban mai, đến khi tôi nhắm mắt ngủ yên trong cảnh đêm về. Tôi quyết không trở lại những kiểu làm việc và thói quen xưa kia. Tuy thanh thản và bình an nhưng tôi phải kiên nhẫn và cương quyết. Tôi đừng tin tưởng ở mình, trái lại nên coi thường mình, thêm vào đó, tôi luôn luôn trao đổi tâm sự với Chúa. Đây là công việc của tôi, đây là nỗi vất vả của tôi.

 

 Trong lần tĩnh tâm này, tôi lại cảm thấy và cảm thấy rất mãnh liệt phải nên thánh để mưu ích cho người ta. Thiên Chúa không hứa cho tôi sống bao lâu, nhưng Thiên Chúa đã phán bảo tôi: nếu tôi muốn nên thánh, Chúa sẽ ban cho tôi thời giờ và các ơn cần thiết.

 

 Lạy Chúa Giêsu, con tạ ơn Chúa và có đất trời chứng giám, con thề hứa với Chúa: con sẽ đem toàn lực để đạt đích thánh thiện và con sẽ bắt đầu ngay từ bây giờ”.

 

 Thật là tuyệt vời! Quý bạn cũng như tôi đều có cơ hội đồng đều như của vị Giáo Hoàng thời danh, người đã công bố quyết định họp Thánh Công Đồng Vatican II, một hội nghị lớn nhất trong lịch sử nhân loại với 3 ngàn Nghị Phụ họp trong ba năm liền (1963-1965). Người viết trích dẫn đoạn hồi ký mà tác giả đã cảm nhận do ơn trên dựa vào Bản Hiến Chương Nước Trời trong Thánh Kinh: “Phúc cho kẻ đói khát sự công chính thì sẽ được no đủ” Matt 5, 5. Làm điều công chính, tu thân, hay nên thánh, vân vân tức là tu Tâm tức là luyện Thần Tướng vậy đó. Tâm tốt đương nhiên Tướng tốt. Tướng tùy Tâm sinh mà lại.

 

 Người viết xin nói thêm về khoa Chỉ Tay (Palm-reading) là khoa xem các nét trên bàn tay. Có nhiều nhà nghiên cứu đã viết tác phẩm “Vận mạng trong bàn tay”. Đây là phát minh của Tây phương mà tác giả nổi danh nhất là bác sĩ người Áo Joseph Ranald. Vị bác sĩ này đã nghiên cứu đến 100 ngàn bàn tay của đủ hạng người và đã viết nhiều bộ sách nổi tiếng. Ông từng coi tay cho nhà độc tài Hitler, tướng De Gaulle, thủ tướng Gandhi tức thánh Cam Địa. Trên bàn tay cũng có những đường nét liên hệ đến mọi lãnh vực của đời sống con người như 12 cung theo khoa Tướng học. Người viết có nghiên cứu về Tử Vi tức là Số, nhưng vì khoa này đòi hỏi nhiều thời gian để luận đoán mà người viết không có khả năng và thời giờ nghiên cứu nên bỏ cuộc. Nhưng coi chỉ tay rồi so sánh với khoa tướng học, người viết thấy hai khoa có thể bổ túc cho nhau và có thể coi và nói dễ dàng ngay khi nhận định về một con người. Điều người viết nhận ra rằng cứ theo chu kỳ 6 tháng hoặc 2 năm thời có sự thay đổi trên nét mặt hay bàn tay. Nhiều nhà chính trị có khả năng coi tướng để nhận định và chọn lựa người thừa hành, người cộng tác. Thật ra coi chỉ tay cũng là coi tướng bàn tay mà thôi.

 

3. Nguyễn Du và Khoa Tướng Số:

 

Đọc Truyện Kiều tức Đoạn Trường Tân Thanh của cụ Nguyễn Du, có lẽ các nhà tướng học đều nhận định rằng cụ Nguyễn Du cũng là một ông thầy tướng đại tài qua cách mô tả các nhân vật trong truyện như gia đình họ Vương gồm Vương Ông tức Vương Viên Ngoại, Vương Quan, Thúy Kiều và Thúy Vân; chàng Kim Trọng, Mã Giám Sinh, chàng Thúc Sinh sợ vợ, anh hùng Từ Hải, vân vân. Người viết xin trích một số đoạn thơ để quý độc giả thưởng thức tài nghệ của cụ Nguyễn Du về khoa tướng số. Rõ ràng nhất là hai chị em Thúy Vân, Thúy Kiều. Cụ viết:

 

Đầu lòng hai ả tố nga,

Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân.

Mai cốt cách, tuyết tinh thần,

Một người một vẻ, mười phân vẹn mười.

Vân xem trang trọng khác vời,

Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.

Hoa cười ngọc thốt đoan trang,

Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.

Kiều càng sắc sảo mặn mà,

So bề tài sắc lại là phần hơn.

Làn thu thủy nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.

Một hai nghiêng nước nghiêng thành,

Sắc đành đòi một, tài đành họa hai.

Thông minh vốn sẵn tính trời,

Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.

Cung thương làu bậc ngũ âm,

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.

Khúc nhà tay lựa nên xoang,

Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân.

Phong lưu rất mực hồng quần,

Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.

Âm thần trướng rủ màn che,

Tường đông ong bướm đi về mặc ai.

 

Qua đoạn thơ tả hai chị em Thúy Kiều của cụ Nguyễn Du, người viết có những nhận xét như sau:

 - Tướng mạo hay dung mạo của hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân khác nhau: Thúy Vân thuộc loại “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang. Hoa cười ngọc thốt đoan trang”. Đây là mẫu người vô tư, cuộc sống an nhàn. Mặt Thúy Vân tròn đầy như mặt trăng, đó là tướng của người nhàn hạ vô tư, đặt mình xuống là ngáy khò khò. Những người có mặt tròn đầy, thái dương bằng phẳng, địa các đầy... nói chung từ thượng đình (trán), trung đình (lưỡng quyền) đến hạ đình (cằm) đều đầy đặn là mẫu người an nhàn ít gặp thăng trầm về cuộc sống vật chất. Cách ăn nói tự nhiên vui tươi càng chứng minh cho cuộc sống của Thúy Vân có số an nhàn. Ngược lại Thúy Kiều “sắc sảo mặn mà”, tài sắc hơn cô em, “làn thu thủy” tức mắt nàng Kiều trong sáng như nước mùa thu, mày xanh tươi như núi mùa xuân (nét xuân sơn) đến nỗi “hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”. Rồi đàn nhạc giỏi đến độ “Khúc nhà tay lựa nên xoang. Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân” chứng tỏ cái Tâm của nàng luôn luôn buồn não nuột. Một người như thế, thì vận mạng lao đao vất vả!

 

 - Cũng xét về phương diện tướng học: các nhà tướng học đều cho lông mày là cung huynh đệ chỉ về anh chị em. Người có lông mày dài rậm đều có anh chị em đông. Lông mày, râu, lông và tóc có liên hệ đến chất kích thích tố (hormone sexuelle) trong người từ cơ quan sinh dục mà ra, tức là chất Testostérone. Kích thích tố này nhiều hay ít làm cho tóc, râu, lông rậm rạp hay thưa thớt. Đàn ông mà thận tốt, tức nhiều chất Testostérone đuơng nhiên là có nhiều con. Nhiều chất này thì râu lông rậm rạp thì cũng dâm nhiều lắm đấy. Đàn bà nổi tiếng như bà Lữ Hậu, vợ vua Hán Cao Tổ tức Lưu Bang, theo sách vở ghi lại có bộ phận sinh dục đặc biệt, lông mọc soăn tít lại, mà khi kéo ra thì dài đến đầu gối. Bởi thế bà Lữ Hậu mới là Hoàng Hậu nổi danh, dám giết ngay cả Hàn Tín là người có tâm địa bội phản mà thiếu cương quyết! Không biết các bà mệnh phụ phu nhân bây giờ có giống bà Lữ Hậu ngày trước hay không? Xin trở lại trường hợp chị em Thúy Kiều, Thúy Vân, theo tướng học thì anh chị em ruột thường có lông mày giống nhau. Con cái Vương Viên Ngoại chỉ có ba người tức Thúy Kiều, Thúy Vân và Vương Quan. Ba người thuộc loại ít anh em, như vậy lông mày thưa, ngắn. Thường lông mày dài ngang mắt thời có khoảng năm sáu anh chị em. Nếu anh chị em đông mà chết đi một số thì lông mày thưa về phía đuôi mắt. Nếu anh chị em cùng cha khác mẹ, hay cùng mẹ khác cha thời lông mày dị hình nghĩa là hai lông mày ở hai mắt phải trái khác nhau. Chị em Thúy Kiều chỉ có ba người, như vậy lông mày của ba người này phải ngắn hơn con mắt. Cụ Nguyễn Du tả lông mày của Thúy Vân thuộc loại “mày ngài” nằm dài như con tằm và mày của Thúy Kiều thanh như núi mùa Xuân, phải chăng hai nàng đã trang điểm vẽ dài ra hay đã đi thẩm mỹ viện chăng?

 

 - Cuộc đời Thúy Kiều gian truân từ lúc phải bán mình chuộc cha rồi lạc vào các động ăn chơi. Nói khác đi, ngoài những giờ phút sống chung ngắn ngủi với Thúc Sinh hoặc anh hùng Từ Hải, nàng Kiều là một kỹ nữ, làm nghề “đi khách”. Người nào có tướng đó. Kỹ nữ hay nghề làm điếm đương nhiên có tướng của kỹ nữ. Nếu Tú Bà có tướng của Tú Bà qua ngòi bút của cụ Nguyễn Du “Nhác trông nhờn nhợt màu da. Ăn gì to lớn đẫy đà làm sao?” thời tướng “kỹ nữ” của Thúy Kiều phải như thế nào chứ? Người viết đoán không lầm thì tròng mắt của Thúy Kiều ướt lắm mà chỗ nào khác... của Thúy Kiều chắc phải có nốt ruồi! Thúy Kiều sống ở trong Thanh Lâu với sinh hoạt thường ngày “Dập dìu lá gió cành chim. Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Trang Khanh”. Nhưng nàng Kiều “Vui là vui gượng kẻo mà. Ai tri âm đó mặn mà với ai? Điều gì đã cứu Thúy Kiều thoát khỏi chỗ lầm than ô trọc? Phải chăng cái Tâm của Thúy Kiều? Sau mười mấy năm lưu lạc, chắc tướng mạo, dung nhan và chỉ tay của Thúy Kiều đã thay đổi?

 Tướng mạo của các nhân vật khác trong truyện đều đặc biệt cả. Cụ Nguyễn Du tả anh hùng Từ Hải là tướng đặc biệt nhất:

 

 Râu hùm, hàm én, mày ngài.

 Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.

 Mã Giám Sinh:

 Nhác trông trạc độ tứ tuần,

 Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao.

 Đến như “đồng chí chủ tịch Hội Sợ Vợ” Thúc Sinh thời:

 Thôi thì cao chạy xa bay,

 Ái ân ta có ngần này mà thôi.

 

 Ngòi bút của cụ Nguyễn Du về tướng số thật là tuyệt vời!

 

 Xét như vậy, khi viết Truyện Kiều, chắc cụ Nguyễn Du có nghiên cứu ít nhiều về tướng số. Người viết không có gì thắc mắc, ngoại trừ hơi thắc mắc về cung huynh đệ của chị em nhà Thúy Kiều. Điều này xin cụ Đặng Cao Ruyên, một cây viết độc đáo về Truyện Kiều trên Việt Nam Nhật Báo để tâm nghiên cứu và cho độc giả những câu trả lời chính xác.

 

 Cái đăc biệt của cụ Nguyễn Du là nói về Tâm và Tướng:

 

 Thiện căn ở tại lòng ta,

 Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài.

 Có tài mà cậy chi tài,

 Chữ Tài liền với chữ Tai một vần.

 

Khi nói đến chữ Tài, có lẽ cụ Nguyễn Du ám chỉ về Tướng, mà “tướng tùy tâm sinh, tướng tùy tâm diệt”. Điều quan trọng nhất là cái Tâm tức làm sao có Thiện Căn. Thiện Căn là cái căn nguyện cội rễ của hành động tốt (Thiện ) là do ở Tâm. Tâm tốt thì tướng tốt. Có tài (Tướng) mà không có đức (Tâm) thời cái tài đó cũng đi đoong thôi! Ngược lại Tướng xấu mà Tâm tốt thời vận mạng cũng tốt thôi. Bởi vậy, người ta kể câu chuyện có nhà phú hộ kia, rất giàu có. Các thầy tướng số nổi danh đều đến xin coi để biết nguyên nhân nào đã đưa ông đến chỗ giàu có như vậy. Đầu tiên, ông thày địa lý, sau khi quan sát hướng nhà đất, đã kết luận như sau:

 

 - Nhà ông làm sai hướng, chẳng có mạch rồng chi cả, vậy mà ông giàu có, tôi không hiểu tại sao? Tôi xin dẹp nghề làm thày địa lý!

 

 Ông thứ hai coi tử vi đến lấy số tử vi cho chủ nhà. Lấy và đoán xong, ông thày tử vi nói:

 - Ông sinh nhằm sao quả tạ: la hầu, kế đô... toàn là sao xấu, vậy mà số ông giàu, tôi không hiểu tại sao, thôi tôi cũng xin dẹp nghề coi tử vi cho rồi!

 

 Ông thứ ba coi chỉ tay đến coi tay cho gia chủ rồi nói:

 - Bàn tay ông cứ như gà bới cả lượt, chẳng có chi là đẹp tốt, vậy mà ông giàu có. Thôi tôi cũng xin về dẹp nghề coi chỉ tay!

 

 Ông thứ tư và cũng là người sau cùng đến coi tướng cho gia chủ rồi nói:

 - Tướng ông mặt choắt, lỗ mũi hở, cằm nhọn, vậy mà ông làm ăn giàu có, tôi không hiểu tại sao, có lẽ tôi cũng xin dẹp nghề coi tướng!

 

 Ông thày coi tướng, thay vì về ngay, còn nán ở lại suy nghĩ thêm. Ngày cuối tuần, gia chủ mời ông thày tướng ra coi ruộng. Hai người đi từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa, vẫn chưa hết cánh đồng. Ông thày tướng nghĩ bụng, hai người về đến nhà chắc 7, 8 giờ tối thì chắc đói lả! Nhưng lạ thay, chủ nhà dẫn ông thày tướng chỉ có một đoạn đường ngắn là tới nhà. Ông thày tướng lấy làm lạ liền lên tiếng hỏi gia chủ:

 - Này ông chủ! Buổi sáng ông dẫn tôi đi coi ruộng, tôi thấy ông đưa đi xa quá, tôi đã ngại lúc về sẽ phải đi xa lần nữa! Nhưng tại sao, lúc về, ông dẫn tôi đi đường nào mà chỉ loáng một cái là đã tới nhà?

 

 Gia chủ chậm rãi trả lời:

 - Có gì đâu! Tôi tự nghĩ trời cho mình làm ăn nên giàu có, trong khi chung quanh tôi đây rất đông người nghèo. Ngày cuối tuần, họ thường ra mót lúa. Tôi nghĩ nếu mình đi qua những đám ruộng ấy thì họ e ngại, nên tôi đi đường vòng, để mặc họ muốn lấy bao nhiêu thì lấy. Đến trưa, trời nắng gắt, họ về nhà nghỉ ngơi, tôi mới dẫn ông đi đường tắt về nhà gần đó thôi.

 

 Nghe gia chủ nói thế, ông thày tướng mới vỗ đùi “đét” một cái rồi nói:

 - Thì ra là vậy. Bây giờ tôi mới hiểu nguyên nhân khiến ông nên giàu có: Tướng ông xấu nhưng lòng ông tức cái Tâm của ông quá tốt, cái Đức của ông quá lớn nên Trời ban phước lộc cho ông. Đúng là Đức năng thắng Số!

 

Kết Luận:

 

 Nói chuyện Tướng Số thì vô cùng, chẳng bao giờ hết được. Mong để dịp khác người viết xin tiếp tục hầu chuyện bạn đọc. Bây giờ, người viết xin có lời tạm kết thúc bài này bằng một vài nhận định như sau:

 

 Hạnh phúc là điều con người hằng mơ tưởng. Ai cũng mong hạnh phúc, và hạnh phúc được thể hiện bằng những gì cụ thể trong cuộc sống tinh thần cũng như vật chất: cơm no, áo ấm, ăn ngon mặc đẹp, tài cao chức trọng, đẹp tốt, nổi danh, tự do, an bình sống lâu, giàu bền, vân vân. Ước vọng đó rất chính đáng và ai cũng mong đạt tới. Trước tương lai mờ mịt xa vời, nhiều khi chúng ta lo mà lo chẳng được gì. Bởi vì cuộc sống con người có hạn. Con người là vật hữu hạn cơ mà! Mình sinh ra, lớn lên rồi sẽ ra đi như bao người đã đi trước mình. Chúng ta sống ở trần gian, chúng ta có quyền hưởng những gì khi còn sống. Nhưng cuộc sống trần gian cũng là cuộc sống tạm bợ. Khi xuôi tay, chúng ta không mang theo được gì cả ngoại trừ những việc lành hay dữ, những hành động tốt hay xấu, để từ đó chúng ta sẽ lãnh nhận hậu quả nơi cõi đời đời. Chết không phải là hết, nhưng là bước vào cuộc sống mới, ở đó hành động của ta nơi trần thế sẽ quyết định vận mạng của con người chúng ta. Điều quan trọng nhất không phải là Tướng đẹp hay xấu, mà là sống đẹp. Sống đẹp là sống như một con người có lương tâm, biết làm lành lánh dữ. Ăn ngay ở lành sẽ đem đến hạnh phúc. Điều đó chúng ta có thể làm được. Hạnh phúc đích thực nhất là khi chúng ta sống đàng hoàng đạo đức, chúng ta có được sự bình an của tâm hồn, một món quà quý giá vô ngần mà chỉ những người thiện tâm mới có. Quyền cao chức trọng mà chi? Nổi danh mà chi? Giàu có mà chi? Nếu không có sự bình an của tâm hồn? Xin chúc quý độc giả một năm an bình hạnh phúc.


Kỳ Cốc Tử