Nov 21, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Vui xuân cùng rượu và thơ
Tâm Minh Ngô Tằng Giao * đăng lúc 02:08:34 PM, Feb 18, 2024 * Số lần xem: 340
Hình ảnh
#1

 

Vui xuân cùng rượu và thơ
L.S. Ngô Tằng Giao
Cuối năm mọi người đều lo chuẩn bị đón Xuân. Khi "xuân vừa về trên bãi cỏ non..." thì hơi rượu lại được dịp bốc lên nhịp theo tiếng nhạc "ly rượu mừng" của nhạc sĩ Phạm Đình Chương: "Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi..." Chút men đón Xuân này vừa mong muốn xua tan đi nỗi buồn xa quê hương, giúp quên đi tất cả buồn phiền đời sống lưu vong hiện tại, mong xua đi tất cả những điều không may mắn đã xảy ra ở năm cũ và đón một năm mới sung túc, an khang thịnh vượng.. Tạm quên cả ả Xẩm Côvid Vũ Hán mang đại họa đang dình dập ngay ngoài ngõ. Ta cứ việc thoải mái cùng nâng ly rượu "Chúc Mừng Năm Mới". Bắt chước các tiền bối như cụ Tam Nguyên Yên Đổ vừa... nhậu vừa làm "câu đối": "Sáng mồng một, rượu tràn Quí Tị, ái chà Xuân!". Hoặc theo gót cụ Nguyễn Công Trứ thì: "Sáng mồng một, rượu chè say tuý lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà..."

Tuy thế ở phương trời Tây, cái ông thi sĩ Shakespeare lại nghiêm khắc phê phán chuyện rượu khi phán rằng: "Thượng đế ôi! Con người đã đặt một kẻ thù ở trong miệng họ để lấy cắp trí não họ đi! Thế mà chúng ta lại hoan hỉ, vui thú, hớn hở và tán dương để tự biến chúng ta thành những thú vật" (transform ourselves into beasts).

Nói thế thì cũng hơi quá đáng đấy! Xin nhớ rằng Rượu còn được nhiều "danh nhân" khác lớn tiếng ca ngợi! Nào là Napoléon, vị Hoàng đế nước Pháp nói về Champagne là một món rượu Pháp sủi bọt (sparkling wine) nổi tiếng thế giới, ông ấy nói rằng: "Khi thắng trận ta uống Champagne để mừng chiến thắng / Khi bại trận ta càng cần phải uống Champagne để giải sầu!". Nghe thật là... "ba phải" nhưng quả đáng vỗ tay hoan hô cái ông Hoàng đế này!

Nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng Victor Hugo phụ họa: "Thượng Đế chỉ sáng tạo nước, con người đã chế ra rượu" và tuyên phán rằng cần phải uống rượu để tìm cảm hứng.

Phương Đông ngày xưa các cụ quan niệm "không có rượu thì sơn thủy cũng vô nghĩa; nếu không có đàn bà đẹp thì trăng hoa cũng vô ích." Ngoài ý tưởng "tán gái và nịnh đầm" tuyệt vời trong câu này các cụ ta còn nhấn mạnh là người sành rượu phải biết "tri kỳ vị, tri kỳ hương, tri kỳ ảo, tri kỳ linh" (biết vị của rượu, biết hương thơm của rượu, biết sự huyền ảo, biết linh hồn của rượu). Ai dè thi sĩ Baudelaire ở tuốt tận phương trời Tây cũng từng đồng điệu và nói lả lướt rằng: "Chiều nọ, linh hồn của rượu hát trong chai" (Un soir, l’âme du vin chantait dans les bouteilles).

Hơn nữa nhiều người ca tụng rằng kẻ phong lưu phải biết uống rượu và con người lịch sự thì phải "tửu tam bôi", nghĩa là rượu ba chén. Nhất là đàn ông, con trai mà không biết uống rượu thường bị chê là "nam vô tửu như kỳ vô phong", trai mà không uống rượu như là cờ không có gió. Chao ôi! Cờ mà không có gió thì nó teo lại và rũ xuống như "kim đồng hồ chỉ sáu giờ rưỡi", trông... mất hào khí và mất thẩm mỹ vô cùng. Dân nhậu khi có chút rượu vào thường hứng chí tự xưng là con Trời tức là các ông vua ở nơi trần thế vì vua tự xưng là "thiên tử". Ca dao có câu:

"Hiu hiu gió thổi đầu non,
Những người uống rượu là con Ngọc Hoàng."

Người ta còn khoe rằng các nhà "Lưu Linh học" vừa tuyên dương 5 đặc tính quý giá của dân nhậu chuyên nghiệp: Một là "can đảm" vì biết rượu độc hại mà vẫn uống. Hai là "thật thà" vì có bất kỳ chuyện gì trong lòng cũng trình bày ra hết. Ba là "dũng cảm" vì chuyện gì cũng sẵn sàng làm, dù động trời sập đất. Bốn là "giản dị" vì đâu cũng là nhà, chỗ nào cũng làm giường ngủ được và Năm là có "từ tâm", có lòng yêu thương súc vật, nhậu xong còn cho chó ăn chè. Ha! Ha! Ha!

*

Giai thoại về rượu rất nhiều, không sao nói hết, chỉ xin kể lại lai rai vài ba chuyện thôi. Trước tiên phải kề tới Lý Bạch đời Đường được thiên hạ tặng cho mỹ danh là "Trích tiên", "Tửu tiên" không chỉ nổi tiếng vì uống rượu tràn cung mây mà vì những khúc tửu ca hào sảng, đầy sinh khí: "Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch, Duy hữu ấm giả lưu kỳ danh". Thần cú trong bài "Tương tiến tửu" này được dịch là: 

"Thánh hiền bặt tiếng xưa nay
Chỉ dân uống rượu mới hoài lưu danh."

Sau đó phải kể tới Nguyễn Du với truyện về nàng Kiều. Trong cảnh "nhà lan thanh vắng một mình" và buồn tình nên nàng Kiều đã lén qua nhà hàng xóm tìm anh Kim Trọng để trút bầu tâm sự. Hai anh chị cùng uống rượu nhậu nhẹt với nhau:

"Lòng xuân phơi phới chén xuân tàng tàng."...

Sau một năm chung chạ với Thúc Sinh, nàng "vợ lẽ" Thúy Kiều tỏ ra cũng biết điều nên tỉ tê khuyên chàng nên quay về nhà thăm bà "vợ cả" cho phải phép. Thế là lại có màn uống rượu tiễn nhau lên đường:

..."Tiễn đưa một chén quan hà"...
..."Chia phôi ngừng chén, hợp tan nghẹn lời"...
..."Chén đưa nhớ bữa hôm nay"...

Khi diễn tả hoàn cảnh khổ đau ngang trái của nàng Kiều với nỗi sầu buồn 15 năm lưu lạc chẳng bao giờ tàn phai thì Nguyễn Du lại để nàng tìm vui bên chén rượu để giải sầu, uống say để quên đời:

"Khi chén rượu, khi cuộc cờ
Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên."

Gần cuối truyện, nàng Kiều gặp lại chàng Kim Trọng. Trước kia khi mới gặp nhau Kiều và Kim Trọng đã có lần uống rượu với nhau suốt ngày suốt đêm. Lần này tái ngộ hai người lại một đêm bầy trò nhậu nhẹt với nhau tới rất khuya:

"Thêm nến giá, nối hương bình,
Cùng nhau lại chuốc chén quỳnh giao hoan."

Thúy Kiều quả thật đáng được liệt vào hàng... cao thủ, đệ tử ruột của Lưu Linh. Nàng không thua kém một đấng mày râu nào khác!

Khi tóc đã ngả màu Nguyễn Du đặt bút viết bài "Đối Tửu". Đây là bài thơ duy nhất trong số 249 bài thơ chữ Hán của cụ chỉ tả việc uống rượu và ước trăm năm cứ say mèm vì nêu thắc mắc không biết khi chết thì ai sẽ tưới rượu vào nấm mộ của mình đây?:

對酒

趺坐閒窗醉眼開,
落花無數下蒼苔。
生前不盡樽中酒,
死後誰澆墓上杯。
春色霑遷黄鳥去,
年光暗逐白頭來。
百期但得終朝醉,
世事浮雲眞可哀。

"Phu tọa nhàn song túy nhãn khai
Lạc hoa vô số hạ thương đài
Sinh tiền bất tận tôn trung tửu
Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi
Xuân sắc tiệm thiên hoàng điểu khứ
Niên quang ám trục bạch đầu lai
Bách kỳ đãn đắc chung triêu túy
Thế sự phù vân chân khả ai."

Dịch thành thơ "lục bát" sẽ có tiêu đề là "Trước Chén Rượu" (Tâm Minh dịch):

"Bên song nhàn nhã mắt say
Thềm rêu hoa rụng rơi đầy biết bao
Sống không cạn hết rượu bầu
Chết rồi ai tưới rượu vào mộ đây?
Sắc xuân đổi, chim vàng bay
Tháng năm ngầm nhuộm tóc này mãi thêm
Ước trăm năm cứ say mèm
Việc đời mây nổi triền miên gợi buồn."

Tản Đà cũng đã từng hưng phấn với thú uống rượu dù biết là "hư đời":

"Say sưa nghĩ cũng hư đời
Hư thì hư vậy say thời cứ say
Đất say đất cũng lăn quay
Trời say mặt cũng cũng đỏ gay ai cười?"

Theo Tản Đà thì dù là Vua hay nợ nần như chúa Chổm thì khi lìa đời cũng như nhau:

"Vua Ngô 36 tấn vàng
Chết xuống âm phủ có mang được gì
Vua Chổm uống rượu tì tì
Thác xuống âm phủ khác gì vua Ngô!"

Nguyễn Khuyến từng ngỏ ý muốn ngưng uống rượu nhưng lại tự thú là khó "Chừa rượu":

"Những lúc say sưa cũng muốn chừa,
Muốn chừa nhưng tính lại hay ưa
Hay ưa nên nỗi không chừa được.
Chừa được nhưng mà cũng chẳng chừa."

Lư Trọng Lư cũng thường mượn hơi men để giải sầu, đổi lấy những giây phút say sưa chuếnh choáng hầu lãng quên và dứt khoát với dĩ vãng:

"Mời anh cạn chén rượu này
Trăng vàng ở cuối non tây ngậm buồn...
...Để lòng với rượu cùng say
Chừ đây lời nói chua cay lạ thường..."

Còn Vũ Hoàng Chương trong tập "Thơ say" (1940) thời đầy tràn hình ảnh men rượu:

...Say sưa tràn miệng cốc.
       Cùng nâng, hãy uống đi!...
...Đắng cay này chén tiễn đưa,
Uống đi, uống để say sưa ngập lòng...

Nhiều dân làng nhậu mời chúng ta "cùng nâng chén" và khuyên mọi người hãy nhớ câu châm ngôn: "If you drink, you will die. If you don’t drink, you will die, too. So, let’s drink and die. And die happy." (Nếu anh uống rượu, anh sẽ chết ngỏm. Nếu anh không uống, anh cũng sẽ chết toi. Cho nên, ta hãy uống đi rồi chết. Và chết sung sướng). Nghe có vẻ giống như tâm tư của văn sĩ Trương Hàn đời Tây Tấn bên Tầu nói trong sách Tấn thư rằng "Sử ngã hữu thân hậu danh, bất như tức thời nhất bôi tửu", nghĩa là "Cho ta cái danh sau khi chết không bằng cho ta một chén rượu ngay bây giờ."

Nhiều người khác lại còn nhắc tới thơ Quang Dũng nghe thật... lãng mạn và sành điệu quá xá:

"Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ."

Khi nói tới chuyện rượu tất nhiên phải giới thiệu về... ông thầy Lưu Linh (221-300) bên Tầu này. Ổng là thành viên của nhóm Trúc Lâm thất hiền, một nhóm rất nổi tiếng về văn chương. Thời đó, các thế lực phong kiến tranh giành quyền lợi, xâu xé, tàn sát lẫn nhau. Xã hội đầy rẫy bọn mua quan, bán tước hợm hĩnh, mọi người đều chán ghét, nhất là giới trí thức, học giả. Họ trốn tránh chốn quan trường, tìm vui trong văn chương, và rượu. Lưu Linh, tuy học rộng, tài cao nhưng không hề màng một chút gì về chuyện đời, về danh lợi.

Ông thường ngồi trên một chiếc xe hươu kéo, chở theo những vò rượu lớn và uống rượu triền miên, rồi sai người vác cuốc theo sau bảo nếu ông chết ở đâu thì chôn ở đấy. Ông suốt đời chỉ lấy bạn và rượu làm niềm vui. Để ca ngợi rượu, ông đã viết "Tửu Đức Tụng" (ca ngợi đức rượu) coi như một tuyên ngôn. Đời sau coi đấy là một áng danh văn về rượu.

*

Cảm tưởng về ngày Tết trong miền Nam nước ta khi so sánh với miền Bắc cụ Vương Hồng Sển nói: "Các thi ông ngoài nớ hơn chúng tôi ở trong Nam vì được thưởng Xuân trọn vẹn, khi chén rượu ấm lòng, khi câu thơ phấn khởi, khi nhắp chén trà hương đượm..."

Quả đúng vậy! Rượu thường đi với thơ. Có "Bầu Rượu" thường là có cả "Túi Thơ". Từ xưa đến nay, có rượu thì ra thơ, mà thơ thì ca tụng rượu. Rượu luôn gơi hứng, luôn mang lại "yến sĩ phi lý thuần" (inspiration) cho thơ. Rượu và thơ vốn như hình với bóng. Uống rượu để làm thơ và làm thơ để mà uống rượu. Dường như trời đất đã tạo ra men nồng của rượu để khi uống vào thấm trong từng mạch máu, khơi động nguồn tư tưởng, quyện vào hồn chữ... rồi đưa thơ chắp cánh bay vào cõi nhân gian. Nói thế không có nghĩa là ai uống rượu vào cũng xuất khẩu ra thơ được cả. Thơ là của trời cho, chỉ ai có căn cơ mới nhận được. Với những người làm bạn với thơ túi rượu bầu, rượu chỉ là chất "xúc tác" giúp họ thăng hoa trong nghệ thuật gieo câu nhả chữ...

Chính hai món rượu và thơ này đã được Nguyễn Công Trứ ca tụng hết mình trong bài thơ "Cầm Kỳ Thi Tửu":

"Trời đất cho ta một cái tài
Giắt lưng dành để tháng ngày chơi.
Dở duyên với rượu không từ chén,
Trót nợ cùng thơ phải chuốt lời..."
Trong Truyện Kiều, có những câu khi nói đến rượu cũng cảm xúc tới thơ:
"Khi tỉnh rượu lúc tàn canh
Bầu tiên chuốc rượu câu thần nối thơ."
Riêng Tản Đà tự nhận mình là một tín đồ trung thành với rượu tuy sống cuộc đời "say sưa nghĩ cũng hư đời" nhưng thi nhân mượn thơ và rượu thoát khỏi thực tế chua chát, đắng cay. Cụ cũng có cái "ngông" của Lý Bạch đời Đường. Trong bài "Thơ Rượu" cụ viết:
Rượu say, thơ lại khơi nguồn
Nên thơ rượu cũng thêm ngon giọng tình
Rượu thơ mình lại với mình
Khi say quên cả cái hình phù du
Trăm năm thơ túi, rượu vò
Ngàn năm thi sĩ, tửu đồ là ai? 
Tản Đà cũng mượn thơ và rượu để nói lên cái u uất, khát vọng và tình người trong bài "Ngày xuân thơ rượu":
"Trời đất sinh ra rượu với thơ
Không thơ không rượu sống như thừa...
...Còn thơ còn rượu còn xuân mãi
Còn mãi xuân còn rượu với thơ."
Phong thái ung dung, nhàn nhã của văn nhân thời trước là bên mình luôn có bầu đựng rượu và túi đựng thơ. Bầu rượu túi thơ, lãng du giang hồ là điển hình cho kẻ muốn tìm lối thoát cho cái thời bị Khổng giáo và xã hội đè nén. Nguyễn Khuyến cũng từng phán:
"Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết
Viết đưa ai, ai biết mà đưa?..."
Rượu và thơ dưới ngòi bút của Cao Bá Quát có câu sau nghe cũng rất hào khí:
"Lắc bầu rượu dốc nghiêng non nước lại, chén tiếu đàm mời mọc trích tiên.
Hóng túi thơ nong hết gió trăng vào, cơn xướng họa hẹn hò Lão Đỗ."
Rượu và thơ quấn quýt với nhau như hình với bóng nên sau này khi Nguyễn Vỹ làm bài thơ "Gửi Trương Tửu", dưới đầu bài cẩn thận ghi "Viết trong lúc say", cuối bài thơ, trước khi ký tên ông lại nhấn mạnh "Viết rồi hãy còn say":
"Nay ta thèm rượu nhớ mong ai!
Một mình rót uống chẳng buồn say!
Trước kia hai thằng hết một nậm,
Trò chuyện dông dài mặt đỏ xẫm
Nay một mình ta, một be con:
Cạn rượu rồi thơ mới véo von!"
Thi sĩ nước Tầu thời Trung Đường là Lưu Vũ Tích thì thích vừa uống rượu vừa làm thơ khi ngắm hoa. Đặt bút viết bài "Ẩm tửu khán mẫu đơn":

"Kim nhật hoa tiền ẩm
Cam tâm tuý sổ bôi
Đãn sầu hoa hữu ngữ:
Bất vị lão nhân khai."

Chuyển dịch thành bài thơ "Uống rượu ngắm mẫu đơn" (Tâm Minh dịch:)

"Hôm nay uống rượu bên hoa
Say sưa mấy chén quả là lòng vui
Chỉ e hoa sẽ thốt lời:
Nào đâu có nở cho người già nua."

Không chỉ nâng chén rượu để giúp vui khi đón Xuân mà còn nâng chén để tiễn khi nàng Xuân từ biệt ra đi nữa. Vương Duy, nhà thơ kiêm họa sĩ và nhạc sĩ nổi tiếng đời Thịnh Đường vừa nhâm nhi men nồng, ghi lại chút tâm tư trong những vần thơ đưa tiễn xuân trong bài "Tống xuân từ":

"Nhật nhật nhân không lão
Niên niên xuân cánh quy
Tương hoan hữu tôn tửu
Bất dụng tích hoa phi."

Chuyển dịch thành bài thơ "Lời tiễn xuân" (Tâm Minh dịch):

"Ngày trôi mái tóc bạc thêm
Mỗi năm xuân ghé bên thềm nào hay
Hãy vui cùng chén rượu này
Tiếc làm chi cánh hoa bay vật vờ."

 

Những "tư tưởng lớn" có lẽ thường gặp gỡ nhau cho nên tận bên trời Tây người ta cũng được nghe thi sĩ Jacques Prévert khề khà bên chén rượu vang và cũng "mần" thơ rất bay bướm trong bài "Ce n’est pas moi qui chante":

Ce n’est pas moi qui chante
c’est les fleurs que j’ai vue
ce n’est pas moi qui ris
c’est le vin que j’ai bu
ce n’est pas moi qui pleure
c’est mon amour perdu.

Chuyển dịch thành vần "lục bát" ta có bài thơ "Không phải anh hát" (Tâm Minh dịch):

Anh đâu cất tiếng ca vang
Chính hoa anh thấy rộn ràng hát vui
Anh đâu thốt tiếng reo cười
Chính men rượu chát cất lời hoan ca
Anh đâu than khóc xót xa
Chính cuộc tình mất chan hòa lệ rơi.
*

Thông thường thì "rượu vào thơ ra". Thế nhưng lại có người cả đời uống rượu rồi bỗng chốc ngoảnh nhìn lại mới sợ cái rượu chè be bét bèn ngưng uống rồi hứng chí... "mần" thơ. Trong trưòng hợp này thì phải tuyên bố là "rượu ngưng vào thơ mới ra", đúng như lời của một nhà thơ Nga: "Thơ chỉ bắt đầu khi lý trí đã im lặng".

Xin mời coi mục giải đáp tâm sự... lòng thòng trong tờ báo Washington Post của thủ đô nước Mỹ. Một độc giả tâm sự với Ann Landers (người phụ trách mục giải đáp) đại khái rằng sau gần 40 năm xỉn lên xỉn xuống ông ta quyết định cai rượu. Một bạn cai rượu khác "mần" thơ và gửi tặng ông. Ông thấy thơ "chưa tới" nên nổi hứng bèn "nhuận sắc" lại và kết quả là một bài thơ "bất hủ" ra đời. Ông độc giả khoái chí gửi thơ tới cho nhà báo để "cảnh tỉnh" các bợm nhậu khác rằng "alcohol is poison" (rượu là thuốc độc).

"Thi phẩm" độc đáo này có tiêu đề là "WHY I DRANK":

"I drank to be witty - and I became a boor.
I drank to relax - and I couldn't stop my hands from shaking.
I drank to feel good - and I suffered through sickening hangovers.
I drank to be happy - and it made me depressed.
I drank to be a good dancer - and it made me stagger.
I drank to be a good conversationalist – and I couldn't pronounce my words.
I drank to be sociable - and I became angry and resentful.
I drank to help my appetite - and cheated my body of nutrition by not eating right.
I drank to be a good lover - and I couldn't perform.
I drank to show I was a man - and became a slobbering, bawling baby.
I drank to be popular - and lost my friends.
I drank to enjoy life - and contemplated suicide.
I drank for camaraderie - and drove everyone away from me.
I drank to escape - and built a prison for myself.
I drank to find peace - and I found hell."

Chuyển dịch thành mấy vần thơ lục bát "TẠI SAO TÔI UỐNG" (Tâm Minh dịch):

"Uống vào tưởng sẽ khôn lanh,
Ai ngờ lại biến thành anh cù lần.
Uống xả hơi tưởng khỏe thân,
Ai ngờ run rẩy tay chân thế này.
Uống mong thoải mái tốt thay,
Ai ngờ nó kéo mấy ngày ngất ngư.
Uống vào tưởng sướng như Vua,
Ai ngờ chán nản, sật sừ mãi thôi.
Uống mong nhảy nhót tuyệt vời,
Đạp chân, loạng choạng dân chơi kêu trời.
Nhờ men duyên dáng nói cười,
Miệng say lắp bắp, thốt lời chẳng ra.
Nhờ men thân thiện chan hòa,
Ai ngờ hờn giận, gần xa buồn lòng.
Nhờ đưa cay chắc ăn ngon,
Lai rai tầm bậy, héo hon thân mình.
Nhờ men thăng tiến dục tình,
Ai ngờ xuôi xị, bực mình, tào lao.
Uống cho rạng mặt anh hào,
Lòng thòng dãi chảy, ồn ào trẻ la.
Uống bình dân với phe ta,
Ngờ đâu bạn nhậu tà tà rút lui.
Rượu vào đời hưởng cuộc vui,
Cớ sao đôi lúc muốn rời thế gian.
Rượu tình, rượu nghĩa nhậu tràn,
Nhậu sao cô bác xóm làng lánh xa.
Uống mong thoát cõi ta bà,
Ai ngờ lại dựng quanh ta vách tù.
Uống mong an lạc tâm từ,
Ai ngờ địa ngục lù lù hiện ra."

*

Nhà thơ Bùi Giáng của chúng ta lại không quan niệm rằng rượu là thuốc độc ("alcohol is poison"). Khi uống rượu vào thời ông tỏ ra rất... dễ thương như lời thơ của ông trong bài "Uống xong về ngủ chiêm bao thấy gì":

"Uống xong chén rượu nồng nàn
Về vườn nằm võng dịu dàng ngủ say."

Không chỉ uống Rượu nhân dịp xuân mà thôi! Thời xưa có người trước khi ra trận mạc cũng muốn uống rượu, rót rượu bồ đào vào chén lưu ly nhưng bị tiếng đàn "tì bà" giục giã phải lên ngựa ra đi như trong bài "Lương châu từ" của Vương Hàn: "Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi / Dục ẩm tì bà mã thượng thôi."

Thời nay nào còn nghe đâu thấy tiếng đàn "tì bà" nữa, họa chăng chỉ còn tiếng... "quý bà" giục giã ông chồng phải ngưng uống để còn tỉnh táo mà lái xe về! Thế là cụt cả hứng! Nhưng chính thật ra "lệnh bà" cũng... "tốt thôi!". Nâng ly rượu đầu Xuân quả là thú vị nhưng "chén chú, chén anh" đến nỗi "xỉn lên, xỉn xuống" thì cũng phiền toái vô cùng. Khi lái xe mà cứ muốn làm... anh hùng xa lộ, cứ loạng quạng đổi "lane", lấn vạch, tăng giảm tốc độ bất thường là lộ ngay. Lái xe khi đang say rượu là tội D.U.I (driving under the influence) hay lái xe trong lúc bị ảnh hưởng bởi các loại ma túy, các loại thuốc có thể gây buồn ngủ v.v... khiến không kiểm soát được tay lái là D.W.I (driving while intoxicated).

Có hai cách phân biệt giữa D.U.I vì rượu, vì ma túy hay vì uống thuốc là thử máu và thử hơi thở. Dụng cụ đo nồng độ rượu trong hơi thở là cái máy có... hỗn danh là "breathalyzer". Ta có quyền từ chối không chịu thử nghiệm. O.K.! Theo Hiến Pháp Hoa Kỳ thì không ai có quyền đụng chạm vào thân thể ta nếu ta không đồng ý (thí dụ như bắt phải tiêm chủng ngừa Covid), nhưng bằng lái xe của ta có thể bị "treo giò" trong một thời gian bởi cơ quan DMV (refusal to take the test may result in the automatic loss of one’s driver’s license.)

Các nhân viên công lực còn bắt người lái xe say xỉn phải làm nhiều trò nữa. Nào là cúi xuống nhặt đồ, nào là đứng một chân, đi theo một đường thẳng, hoặc nhắm mắt, ngửa đầu, dang hai tay... Thôi thì đủ chuyện cả. Loạng quạng có vẻ "xỉn" là lập tức được thân ái tặng ngay một cái còng... số 8 vào cổ tay để sau đó ca bài "Xuân này con không về" dù "biết bây giờ mẹ chờ tin con"! Buồn!

Cũng cần lưu ý thêm là nếu ta lái xe gây tai nạn mà "dzọt" luôn thì phạm tội "hit-and-run". Nếu vì say rượu mà "hit-and-run" thì hậu quả nghiêm trọng lắm vì có thể bị truy tố về tội "đại hình" (felony). Nhân nói chuyện lái xe trong tình trạng "xỉn" vì rượu cũng cần nói thêm về những quy định đối với những người lơ đãng trong khi lái xe như vừa lái xe vừa nói chuyện qua điện thoại, hoặc đọc báo hay trang điểm, hoặc sử dụng "cellphone" v.v... Và còn chuyện này nữa cần lưu ý: nhiều nơi lái xe đi quá chậm cũng bị coi là phạm luật đấy!

Người ta thường chỉ hay trách cứ người say rượu. Đúng ra thì nên trách cả người bán rượu, vì có nàng bán rượu mới có chàng say sưa chứ. Ta hãy nghe câu ca dao:

"Còn Trời, còn nước còn non,
Còn cô bán rượu anh còn say sưa."
Tuy nói chuyện luật với lệ vậy thôi chứ ngày Xuân năm nay xin bà con ta cứ thoải mái nâng ly vui chơi nhé! Cụ Nguyễn Công Trứ từng đặt bút viết câu thơ: "Dở duyên với rượu không từ chén". Còn nữ sĩ Hồ Xuân Hương lại hăng hái hơn nữa nên xúi thiên hạ: "Chơi xuân kẻo hết xuân đi / Cái già xồng xộc nó thì theo sau!". Nghe có vẻ chí lý! Nhưng người viết cũng thấy có bổn phận nhắc nhở các bạn đọc là hãy coi chừng, đừng quá chén, kẻo phải ra hầu tòa và đứng trước... "vành móng ngựa" thì xui xẻo cả năm đấy nhé:

"Thơ Xuân thoải mái gieo vần
Cùng nhau đón Tết Nhâm Dần thăng hoa!
Rượu Xuân xin chớ quá đà
Kẻo mà vác chiếu ra tòa thì nguy!"

LS. NGÔ TẰNG GIAO
(Xuân Nhâm Dần 2022)

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.