T
rang Thơ Minh Sơn Lê - Tháng  02 2024

                         ❤ 🌹 ❤

 


Lục Bát Xuân Ca
(Những ca khúc xuân hay thời trước 1975)

 

Xin Cám Ơn những mùa xuân

Người trao Cánh Thiệp Đầu Xuân chúc mừng!

Có người Đám Cưới Đầu Xuân

Có người Đan Áo Mùa Xuân gửi người

 

Người từ Đồn Vắng Chiều Xuân

Trở về Gác Nhỏ Đêm Xuân quây quần

Nguyện cho Hạnh Phúc Đầu Xuân

Lòng thầm Hẹn Một Mùa Xuân tưng bừng

Tình trao nhau Ly Rượu Mừng
Cùng nhau Ước Nguyện Đầu Xuân êm đềm
Từ Mùa Xuân Đó Có Em

Anh biết Mùa Xuân Đầu Tiên ngọt ngào

Đón chào Mùa Xuân Trên Cao

Quên đi Mùa Xuân Lá Khô bên rừng
Mùa Xuân Của Mẹ vui mừng
Thôi còn Phiên Gác Đêm Xuân bên rào

Ta có Mùa Xuân Hoa Đào
Ta có Ngày Xuân Thăm Nhau xa gần
Nhắc lòng Nhớ Một Chiều Xuân
Để còn Tâm Sự Ngày Xuân dạt dào

Xếp Thư Xuân Trên Rừng Cao
Trả đời Xuân Muộn - Rước Xuân Về Nhà
Chờ khi Phút Giao Mùa qua
Anh đàn em hát Xuân Ca vui cùng

Rằng Ta Đã Gặp Mùa Xuân
Quên… Tôi Chưa Có Mùa Xuân… não nề
Quên… Xuân Này Con Không Về
Để lòng Đón Xuân Này Nhớ Xuân Xưa.


MINH SƠN LÊ
****************
Tác phẩm & tác giả:

* Cám Ơn (Nhật Ngân)

* Cánh Thiệp Đầu Xuân (Minh Kỳ & Hoài Linh)

* Đám Cưới Đầu Xuân (Trần Thiện Thanh)

* Đan Áo Mùa Xuân (Phạm Thế Mỹ)

* Đồn Vắng Chiều Xuân (Trần Thiện Thanh)

* Gác Nhỏ Đêm Xuân (Lê Dinh & Minh Kỳ)

* Hạnh Phúc Đầu Xuân (Anh Bằng)

* Hẹn Một Mùa Xuân (Đinh Việt Lang)

* Ly Rượu Mừng (Phạm Đình Chương)

* Ước Nguyện Đầu Xuân (Hoàng Trang)

* Mùa Xuân Đó Có Em (Anh Việt Thu)

* Mùa Xuân Đầu Tiên (Tuấn Khanh)

* Mùa Xuân Trên Cao (Trầm Tử Thiêng)

* Mùa Xuân Lá Khô (Trần Thiện Thanh)

* Mùa Xuân Của Mẹ (Trịnh Lâm Ngân)

* Phiên Gác Đêm Xuân (Nguyễn Văn Đông)

* Mùa Xuân Hoa Đào (Hoàng Thi Thơ)

* Ngày Xuân Thăm Nhau (Hoài An)

* Nhớ Một Chiều Xuân (Nguyễn Văn Đông)

* Tâm Sự Ngày Xuân (Hoài An)

* Thư Xuân Trên Rừng Cao (Trịnh Lâm Ngân)

* Xuân Muộn (Hoài Linh)

* Rước Xuân Về Nhà (Nhật Ngân)

* Phút Giao Mùa (Trần Thiện Thanh)

* Xuân Ca (Phạm Duy)

* Ta Đã Gặp Mùa Xuân (Nhật Ngân & Trầm Tử Thiêng)

* Tôi Chưa Có Mùa Xuân (Châu Kỳ)

* Xuân Này Con Không Về (Trịnh Lâm Ngân)

* Đón Xuân Này Nhớ Xuân Xưa (Châu Kỳ)


 
 

Mùa Xuân Đã Rách

 

 

Một Năm Mới nữa đến rồi

Người đi chẳng hẹn khứ hồi… Vì sao?

Hay vì đau đớn như nhau?

Khi non nước đã phủ bao điêu tàn!

 

Ngày qua bao chuyện phũ phàng

Chừ Năm Mới đến cho bàng hoàng thêm!

Người thường máu chảy về tim

Quê hương là chốn mà tim ta nằm

 

Năm Mới sao vẫn buồn ngâm?

Người xa non nước lệ âm thầm trào

Người quê khan tiếng kêu gào

Có ai vui với mai, đào, trúc, lan?

 

Thế nào Năm Mới cũng sang

Bốn mươi năm lẻ ngày càng đảo điên
Nhìn chim én đứng bên hiên

Có mai vàng nở… mà tim nghẹn ngào!

 

                  * * *

 

Hồn xuân nay ở nơi nào?

Từ khi tiếng pháo liệm vào nước non

Còn gì đâu nước với non

Chỉ là vỡ nát

Chỉ còn hư hao!

 

Hồn xuân nay đã về đâu?

Để ngày xuân đến trong màu xác xơ

Sắc xuân giờ đã phai mờ

Ba ngày xuân chỉ trơ vơ nhạt nhòa!

 

Hồn xuân giờ đã bay xa

Từ hôm dâu bể phủ qua phận người!

Nàng xuân ai khéo vẽ chơi?

Vẽ cho tan nát cả trời nước non!

 

Hồn xuân nay đã héo hon

Nước non nay hỏi có còn gì vui?

Ngày xuân

ai

có ngậm ngùi!?

 

MINH SƠN LÊ

 
 
Mùa Xuân Hoa Chết

Xuân nay nhan sắc bơ phờ
Pháo hồng biệt tích đến giờ chưa sang
Ngoài đường vắng tiếng trống lân
Chiều Ba Mươi xác hoa xuân ngập đầy
 
Chợ xuân một cảnh u hoài
Đâu ngờ lại Tết trắng tay ngỡ ngàng!
Xuân về chỉ thấy mai vàng
Bên con mắt đỏ lệ chan mặn đời
 
Xuân này ray rứt… buồn ơi!
Ba ngày Tết đến để khơi muộn phiền
Mai, đào vẫn nở hai miền
Làm sao chia hết nỗi niềm thê lương
 
Nhớ hoài xuân thuở quê hương
Ngày vui Tết đến người thương yêu người
Từ khi thay đổi cảnh đời
Hồn xuân tan vỡ đánh rơi nụ cười!

MINH SƠN LÊ
 
           ☆
 
 
Mùa Xuân Khánh Tận

 
Kìa nụ mai vàng lên phơi phới
Đàn én chao nghiêng liệng ngang trời
Là biết xuân về trên đất Mẹ
Hỏi mùa xuân mới có gì vui?
 
Xuân này hỏi có mấy ai vui?
Tịch lặng mà nghe tiếng ngậm ngùi
Dài theo năm tháng trường nghiệt ngã
Thiện - ác luân hồi lệ đắng rơi!
 
Nhớ xưa xuân đẹp biết bao nhiêu
Đường lên chùa thấp thoáng vải điều
Tiếng pháo rộn vang cùng tiếng trẻ
Xuân nay lặng lẽ đến tiêu điều
 
Thương những người xuân bên chiến hào
Đón giao thừa bằng ánh hoả châu
Nghe tiếng đạn khua thay tiếng pháo
Ôm hồn non nước nguyện tình sâu
 
Thương cả mùa xuân dậy chiến trường
Kinh thành đón Tết giữa tang thương
Sài Gòn khăn trắng thay liễng đỏ
Xuân từ năm ấy nhuốm bi thương!
 
Lại một mùa xuân nữa... thật buồn!
Bao giờ nước Việt hết đau thương
Ngoài kia
Tết có về không nhỉ?
Nước mắt...
chào xuân giữa “thiên đường”…
 
 
MINH SƠN LÊ

 

 

Tết Đến!

 

Xuân về vườn thắm hoa mai nở
Phố xá bày thêm chậu cúc vàng
Đó đây chen chúc màu rực đỏ
Làm vỡ đi nhiều, những... cao sang!


Xuân mới mà sao đời chưa mới?
Ngỡ ngàng nối tiếp ngỡ ngàng sao!
Ngày xuân có ai ra vườn hỏi:
”Mai vàng sẽ rụng cánh về đâu?”


Tết đến, gia gia cúng Ông, Bà
Hiên nhà thoang thoảng khói thơm nhang
Người sống tương tư hoài tiếng pháo
Đêm về ôm lấy giấc hoang mang…


Mùa xanh nên nắng chiều ở muộn
Cho lòng thêm nhớ tóc em thơm
Rồi anh nghe tiếng thơ rụng xuống
Từng chữ mang mùi vị môi hôn…


MINH SƠN LÊ

         

Hương Xuân Chiều Đọng

 

Xuân chiều
con bướm rong chơi
Hoàng hôn luyến nắng hoa mời ghé thăm
Đếm xuân qua nẻo thăng trầm
Rưng rưng
nỗi nhớ gọi thầm nước non

Xuân khơi da diết nguồn cơn
Khát khao
môi cắp nụ hôn xa rời
Hoàng hôn
nắng muộn dài hơi
Hương yêu
ngày cũ vợi vời xa xăm

Xuân này em chửa về thăm
Quê hương
thêm
nặng vết bầm
đau thương
Hoa xuân gợi lại mùi hương
Cho
hồn anh cấu cào
cơn
mộng thường

Xuân đi để lại nhớ thương
Một
bông mai rụng
Tim dường nhói đau!
Người ôm thương nhớ về đâu?


MINH SƠN LÊ




Hoa Vỡ Chiều Xuân

Xuân về chẳng thấy Tết đâu!?
Đường quê hương nhuốm một màu phôi phai
Rung rinh gió thoảng cành mai
Bên hiên phố chợ én bay ngại ngùng


Buồn từ quanh lối chợ xuân
Hoa xuân ngơ ngác đón chân ai tìm
Người quê thắt thỏm đồng tiền
Bao công khó nhọc sợ chìm hư vô

Xuân chiều có nắng lơ thơ
Có mây nhè nhẹ vẩn vơ sợi mềm
Đã lâu tiếng pháo im lìm
Hương xuân từ đó đã chìm biển dâu

Xuân về… Tết chẳng thấy đâu!?
Chợ xuân nay bỗng hanh hao chưa từng
Xuân về chi nữa đây xuân…
Nhân gian mấy cuộc chưa mừng đã lo!

MINH SƠN LÊ 8.2.24 (Hai mươi chín, tháng Chạp – Tết)

           ☆


Ba Mươi Tết

 

Ba Mươi
lại
Tết nữa rồi
Còn bao lâu nữa thôi đời đảo điên?
Tình
quê hương
Nghĩa
bạn hiền
Cuối năm gặp gỡ… sầu riêng nghẹn lời!

Ba Mươi
lại
Tết nữa rồi
Người đi
Kẻ ở
bồi hồi thương mong!
Bể dâu một cuộc nát lòng
“Sau cơn thành bại mắt còn đỏ hoe” (*)

Ba Mươi
lại
Tết nữa rồi
Mai, đào năm cũ tới hồi khai hoa
Thềm xuân
pháo đỏ giờ xa
Quê hương đã quá nhạt nhoà hương xuân

Ba Mươi
lại
Tết nữa rồi
Xé thôi tờ lịch… thả rơi xuân buồn!


MINH SƠN LÊ_Ngày 30 Tết.

* Ca từ của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng.




Xuân Trời Mộng Du

 

 

Người từ giai cấp Công – Nông
Qua “ngành vé số” đi rong khắp đường
Từ trong hẻm hóc phố phường
Chân đi mòn gót thiên đường mộng du

 


Ruộng vườn lâm cảnh thất thu
Hằng hà xí nghiệp im ru tháng ngày
Gian hàng cửa đóng then cài
Người mua kẻ bán u hoài như nhau

 

Chiến tranh nghiêng nửa địa cầu
Thiên tai – Nhân họa ngút đầu nhân gian
Trùng trùng lên nỗi lầm than
Tương lai viễn cảnh dung nhan thẫn thờ!


Đời cơm áo đã bơ phờ
Đường lên chủ nghĩa mịt mờ vô biên
Chiều xuân mai nở bên thềm
Sau giờ xổ số… ưu phiền bay lên…

 

MINH SƠN LÊ

 

         


Buồn Buồn Ra Nắng Đứng Chơi



Buồn buồn ra nắng đứng chơi

Lắng hồn cây cỏ gió khơi hương lành

Nghe chim đùa hót trên cành

Ngắm con bướm đẹp quẩn quanh bên rào


Biết lòng chưa hết dạt dào

Hương quê ngày cũ vẫn màu không phai

Nắng vàng đâu có đổi thay

Mà sao non nước đắng cay ngập trời!?


Buồn buồn ra nắng đứng chơi

Nghe lời gió kể khắp nơi nơi buồn

Nhân sinh nước mắt nhiều hơn

Soi vào kim cổ thấy cơn giận đời!


Buồn buồn ra nắng đứng chơi

Tiếc thương ngày cũ chưa nguôi trong lòng

Khoanh tay đứng ngó trời không

Nghe hồn như kẻ lưu vong… thật buồn!


MINH SƠN LÊ


 

Mùa Xuân Trắng

Xuân sang nắng ấm ngập tràn
Đem treo nỗi nhớ lên hàng cây xanh
Có đàn chim én vờn quanh
Cội mai già trổ cánh vàng phất phơ

Xuân về thêm nhói hồn thơ
Đầu năm khai bút chữ mờ lệ rơi
Trời xuân nắng trải muôn nơi
Vẫn không đủ ấm hồn người lưu vong!

Pháo hồng đã bỏ trời xuân
Trống lân nhạt nhẽo ngày xuân vội tàn
Quê hương là dấu chấm than!
Câu thơ còn chấm ngổn ngang… thật buồn!

Yêu em… chết nửa linh hồn
Nửa đem phơi dưới hoàng hôn buổi đời
Ngày xuân chim én lả lơi
Cội mai già... hỏi… đâu rồi nước non!?


MINH SƠN LÊ

          

Mai Tết Rồi Người Ơi!

Mai Tết rồi… người ơi có vui?
Dòng sông bến nước lấp chôn rồi
Đình xưa, miếu cũ còn đâu nữa!
Tết đến sao nghe quá ngậm ngùi!

Mai Tết rồi… người ơi có ai?
Ngày xuân ngồi nghĩ chuyện hôm nay
Lần tay mở lại trang sách cũ
Mà mắt rưng rưng giọt vắn dài

Mai Tết rồi… người ơi có ai?
Xé tờ lịch cuối dạ u hoài
Lặng nghe tiếng hồn thiêng sông núi
Đau vết thương tan nát hình hài

Mai Tết rồi… người ơi có đau?
Nhìn trang non nước sắc phai màu
Ngàn năm xưa nước non ngời sáng
Ngàn năm sau non nước còn đâu!?

Mai Tết rồi… người có buồn không?
Có nghe ray rứt ở trong lòng?
Từ cơn đau buốt tay gãy súng
Chân bước đoạn buồn kiếp lưu vong!

Từ đó xa xăm bóng xuân về
Âm thầm lệ nhỏ… khóc trời quê
Ngày xuân ru giấc buồn xa xứ
Ước nguyện quê hương một ngày về.


MINH SƠN LÊ



Hương Thầm Cuối Năm

 

Cuối năm

chiều

đọng nắng phai

Làm sao đủ ấm nửa vai phong trần

Nửa vai

hứa

đợi tình nhân

Tựa đầu thả tóc đuổi ngàn tương tư

 

Cuối năm

gió

nhẹ như ru

Bầy chim én cũ rủ nhau bay về

Cái tên

“tháng Chạp... nhà quê”

Khi không

lại

nhắc nhớ về nước non

 

 

Cuối năm

lòng

thật buồn hơn

Xa em

mấy tuổi sầu mòn

mắt môi

Buổi hôm cởi áo trao đời

Trái tim

chưa

nói hết lời trăm năm

 

 

Cuối năm

ngồi

ngóng xa xăm

rưng rưng

nhớ

hương thầm em rơi

Tóc em chải lệch đường ngôi

Bên Tây tóc rụng

trói

người bên Đông

 

 

MINH SƠN LÊ

 

      

Xuân Biết Bao Giờ?

 

Én nhớ mùa thương chừ trở lại

Xuân trời xứ sở của đào, mai

Tội quá! Núi sông bao tàn tạ

Để ngày xuân mới luống tàn phai

 

 

Em bỏ Sài Gòn… bỏ tôi đây

Mặc áo lưu vong giữ trang đài

Bỏ lại công viên chiều ghế đá

Bỏ lại con đường lá me bay

 

 

Xuân đến sao lòng thoáng mưa bay

Thương dáng xuân nay quá hao gầy

Xứ Đoài xuân đến nhìn mây trắng

Chắc buồn lên mắt người Sơn Tây

 

 

Xuân đến tôi cùng tôi ở đây

Đếm bụi ngày qua chất thêm đầy

Không đủ che đi từng hoang phế

Non nước xuân ngày thêm đắng cay!

 

 

MINH SƠN LÊ



Tháng Chạp Tương Tư Mùi Tết

 Mai vàng trong nắng xuân nồng
Lạc rơi mấy nẻo trên dòng thời gian?
Gió xuân lay động hương ngàn
Đào hồng rung cánh mơn man vào mùa

Xuân về nhớ mái nhà xưa
Những ngày thơ ấu võng đưa “ví dầu”
Xuân chiều nắng trải vườn sau
Bóng trầu xanh biếc bên cau trổ buồng

Khói rơm ai đốt hoàng hôn
Gió đồng man mác khơi hồn nước non
Chiều xuân ra đứng hiên buồn
Thèm sao tiếng pháo thuở còn quê hương

Nhớ ngày Tết cũ thân thương
Mấy giò cúc thắm thả hương bên thềm
Mai vàng trong gió ru êm
Hương trầm hoà quyện nỗi niềm thiêng liêng

Ngõ sân, rào giậu khang trang
Cửa nhà sơn phết đẹp sang cho lòng
Gái thì yêu thích nữ công
Trổ tài làm mứt biếu không tình người

Nhà ai cũng rộn tiếng cười
Bên câu đối đỏ, quanh nồi bánh chưng
Làng trên, xóm dưới mặt mừng
Nhìn nhau thân ái như từng quen lâu

Gần, xa “oang oác” tiếng gà
Lợn thì “eng éc” kêu la khắp làng
Trẻ con xúm xít cười vang
Sân hồng xác pháo ngập tràn quanh quanh

Cả năm làm việc, học hành…
Niềm vui gom góp để dành ngày xuân
Người người chia sẻ tình thân
Quê hương rợp bóng mùa xuân an lành

 

MINH SƠN LÊ

    ❤ 🌹 ❤                   

Bên Ngày Tháng Chạp

Tháng Chạp đầy hơi sương
Vườn kia hoa thấp thoáng
Một chút gì quê hương
Còn dăm ba lãng mạn…

Én về đây tị nạn
Bỏ mùa đông rất xa
Như trong lời kinh Phạn
Đời vốn là “karma”…

Đi trong nắng hoàng hoa
Bỗng dưng làn gió lạnh
Làm rung rung chiếc lá
Cho nắng thành mong manh

Em như gió chiều xuân
Thoáng bay rồi đứng lặng
Anh như làn mây trắng
Ngập ngừng trôi… bâng khuâng!


MINH SƠN LÊ

   ❤ 🌹 ❤     

Xuân Về Bên Cửa

Mong đón em về thương tóc rối
Cho mắt môi cười bên mắt môi
Bỏ mặc nhân gian ngoài song cửa
Khép lại đất trời với ta thôi.

Mong đón em về yêu hoa cúc
Bên chiều nắng muộn nở vàng sân
Anh hái mồng tơi về pha mực
Chép tình yêu đó mãi còn xuân.
 

MINH SƠN LÊ


❤ 🌹 ❤


Ngôn Ngữ Cà Phê Xưa


Cà phê đen nhỏ gọi “xây chừng”
Cà phê đen lớn gọi “tài chừng”
Và cũng có tên là “tài phé”
“Phổ ky” vồn vã nét vui mừng!

“Bạc xỉu”  sữa nhiều ít cà phê
“Xây nại”  ít sữa nhiều cà phê
Cà phê đen - đá là “hắc quảy”
Trà đá chanh đường “hồng xà xịt” đây.

“Bánh tiêu” – “Xíu mại” – “Giò cháo quảy”
Đủ no cho một sáng đầu ngày
Cuộc sống quê hương thời chưa nát
Làm nhớ thương da diết hồn hoài

Đông (tún), giữa (thoàn) và tây (sẩy)
“Dách xây chừng - thoàn - dzì”… có ngay!
(Một cà phê đen - bàn 2 - ở giữa)
Cuối năm chờ Tết… thấy buồn thay!


MINH SƠN LÊ 3.2.24 (Hai mươi bốn tháng Chạp-Tết)

* Phổ ky: là danh từ chỉ người chạy bàn phục vụ khách trong quán.
- Các từ trong ngoặc kép là tiếng thông dụng trong các quán ăn-giải khát của người Hoa gốc Quảng Đông sinh sống ở miền nam Việt Nam.