Nov 23, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Tản Đà- Bốn Phương mây nước người đôi ngả,....
Phạm Hiền Mây * đăng lúc 04:25:37 PM, Jan 12, 2024 * Số lần xem: 311
Hình ảnh
#1

 

 
 

                                TẢN ĐÀ

 Bốn Phương mây nước người đôi ngả,
  Hai chữ tương tư một gánh sầu!


Sinh năm một ngàn tám trăm tám mươi chín và mất năm một ngàn chín trăm ba mươi chín, Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu là nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch và là người dịch thơ Đường, có thể nói, hay nhất của Việt Nam. Bản dịch thơ của ông, thậm chí tự nhiên, sâu lắng và gây xúc động hơn cả nguyên tác.

Danh tiếng ông vang lừng trong những năm đầu của thế kỷ hai mươi.

Ông thông minh và giỏi chữ, ngay từ nhỏ, so với cùng lứa, ông đã luôn vượt trội. Mười bốn tuổi, ông đã có bài đăng trên các báo HongKong. Mười lăm tuổi, tại Sơn Tây, người ta phong ông là thần đồng.

Giỏi ít người bì kịp, thế nhưng ông lại rất lận đận trong tình cảm và sự nghiệp của những năm đầu đời. Thời như ý nhứt của ông chỉ có mười năm, từ lúc ông ba mươi cho đến lúc ông bốn mươi tuổi.

Ngay từ khi bước vào thế giới của văn chương, Tản Đà đã được Phạm Quỳnh hết lời ca ngợi tập thơ đầu tay Khối Tình Con. Nhưng sau đó, cũng chính Phạm Quỳnh lại là người phê bình gay gắt tiểu thuyết Giấc Mộng Con của Tản Đà. Nâng lên rồi đập xuống này của chủ biên tạp chí Nam Phong, đã khiến Tản Đà trở thành tâm điểm chú ý và là hiện tượng văn chương đình đám thời bấy giờ.

Mười năm cuối đời, ông sa vào túng thiếu và nghiện rượu, An Nam tạp chí của ông, vì thế mà tiêu tan, bị giới văn đàn gièm pha, cười cợt. Cũng trong thời điểm này, ông có cuộc bút chiến với Phan Khôi, được xem là vô tiền khoáng hậu.
Với vai trò là nhà thơ đứng đầu của dòng thơ cổ điển, ông hứng chịu mọi châm chọc, đả kích và thậm chí, muốn ông phải đổ gục, thất bại hoàn toàn từ các nhà thơ theo phong trào Thơ Mới.

Tên tuổi ông, bị các nhà văn, nhà thơ đương thời cố tình vùi quên. Ông rơi vào thế bị cô lập và dần dà, trở nên cô độc.

Sau khi chiếm lĩnh toàn bộ tao đàn, các văn nhân, thi nhân của dòng Thơ Mới thỏa mãn, họ thấy không cần phải gây khó khăn cho Tản Đà nữa, họ quay lại và ra vẻ bao dung, nâng đỡ, họ ca ngợi sự cống hiến của Tản Đà cho văn chương, đặt ông ngồi ở chiếu trên, thậm chí, họ xem ông như một vị thánh và mời ông cộng tác với tạp chí Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn.

Lúc này, sức khỏe ông đã cạn kiệt, ông dành toàn bộ thời gian còn lại chút ít của đời mình cho công việc dịch thuật, biên khảo.

Ông mất, một loạt các tờ báo, một loạt các nhà văn, nhà thơ hàng đầu trong phong trào cách tân văn chương, đều đăng bài tưởng niệm ông, Khái Hưng, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Phan Khôi, Nguyễn Tuân. Họ thể hiện sự kính trọng, quý mến rất mực với Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu, trong những bài viết ấy.

Năm một ngàn chín trăm bốn mươi mốt, khi cho ra đời cuốn Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh Hoài Chân đã đặt ông ở những trang đầu tiên, tôn xưng ông như một chủ súy - tiên phuông, người đầu tiên - mở lối cho thi ca Việt Nam, bước vào giai đoạn mới hoàn toàn của một thiên niên kỷ mới.

******

Tản Đà là nhà thơ giao thời mà thế kỷ mười chín được xem là bản quán của ông và thế kỷ hai mươi là nơi ông sinh sống.

Thơ ông vì thế, vừa có nét cổ kính, vừa có nét lãng mạn, bay bỗng, rất phóng khoáng và đầy sáng tạo.

Nói đến Tản Đà là phải nói ngay đến Thề Non Nước của ông, một bài thơ tình độc đáo, được sáng tác theo kiểu, là lời đối đáp giữa tác giả và tri kỷ của ông:

Nước non nặng một nhời thề
Nước đi đi mãi không về cùng non
Nhớ nhời nguyện nước thề non
Nước đi chưa lại non còn đứng không

Non cao những ngóng cùng trông
Suối tuôn dòng lệ chờ mong tháng ngày
Xương mai một nắm hao gầy
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương
Giời tây chiếu bóng tà dương
Càng phơi vẻ ngạc nét vàng phôi pha
Non cao tuổi vẫn chưa già
Non thời nhớ nước, nước mà quên non
Dẫu rằng sông cạn đá mòn
Còn non còn nước hãy còn thề xưa

Non xanh đã biết hay chưa
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn
Nước non hội ngộ còn luôn
Bảo cho non chớ có buồn làm chi
Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui

Nghìn năm giao ước kết đôi
Non non nước nước không nguôi nhời thề.
(1920 - bản in 1925 có đổi năm chữ)

Bốn câu đầu là lời thương cảm của chàng trai dành cho cô gái. Anh ta lo lắng rằng, lỡ như, trong cuộc chia ly này, vĩnh viễn anh không trở về, thì chắc là, nàng sẽ khổ đau lắm khi phải chờ đợi anh.

Cô gái lập tức đáp lời, với mười câu kế tiếp, cô cho rằng, chuyện trông ngóng là chuyện đương nhiên. Ngóng trông, chờ đợi, bất chấp thời gian, bất chấp những mòn hao theo cùng năm tháng. Tuy nhiên, đã một lời nguyện ước rồi, thì sông kia dẫu cạn, đá kia dẫu mòn, người đi còn thì người đợi cũng sẽ còn. Chinh nhân, xin cứ yên lòng cất bước.

Nghe mà vui. Nghe mà hồ hởi, dẫu phút giây này đây, đang dằng dặc buồn thương. Người đi là để quay về, nên nếu có buồn vì vắng nhau, thì cũng xin, đừng sầu não quá.

Và cuối cùng là một hình ảnh đẹp. Đẹp hơn cả những vẻ đẹp, có thể, ở trong chốn nhân gian này: Nghìn năm giao ước kết đôi / Non non nước nước không nguôi nhời thề.

Sông núi và non nước đều có nghĩa như nhau. Nếu Lý Thường Kiệt viết, sông núi nước nam vua nam ở, thì cái từ sông núi đó, xem ra, hàm nghĩa biên cương, lãnh thổ nhiều hơn.

Còn khi đọc từ non nước trong Thề Non Nước của Tản Đà, tôi nghe như nó có vẻ thơ hơn, “nội bộ” hơn, gần gụi hơn, như núi đó, như nước kia, chẳng đâu xa cả, chúng ngay trước mặt tôi đây, như em và anh, như con người và xứ sở của mình.
Mượn non và nước để nói chuyện ta với mình. Mượn nước và non để nói chuyện ta với quê cha đất tổ. Mượn cái đứng lại ngàn năm và cái chuyển dịch không ngừng để mô tả về một cuộc chia ly, kẻ ở người đi, mà chúng ta vẫn luôn phải chứng kiến trong cõi người, để viết nên bài thơ - thì xưa nay, thường vẫn.

Nhưng cái độc đáo, cái nổi trội, cái đặc biệt ở bài thơ Thề Non Nước của Tản Đà, chính là ở chỗ, có một lời hẹn hò, trao nhau một lời hẹn thề, dẫu mọi sự trong cõi vô thường này, là mong manh, là dễ tan, dễ vỡ.

Lời thề mang tính an ủi, vỗ về, nhằm xoa dịu bớt niềm đau trong biệt ly, chia cách. Như dặn dò, như trao gởi một niềm tin, hãy cứ nhớ nhau, hãy đừng quên nhau. Nhớ như người nhớ người. Nhớ như người nhớ cõi sống. Nhớ như chính mình nhớ mình vậy.

Đã một lần, từng cõi nhân gian!

******

Bùi Giáng trong cuốn Đi Vào Cõi Thơ của mình, khen tài dịch thơ của Tản Đà là có một không hai nhưng lại chê các sáng tác của Tản Đà là không có gì đặc sắc. Tuy vậy, ông vẫn ước gì Tản Đà sống lại để được nhậu một trận lu bù với ông. Trương Tửu cũng thế, cũng mơ được uống rượu và đàm đạo văn chương với Nguyễn Khắc Hiếu. Còn Nguyễn Tuân thì viết về Tản Đà như một kiếm khách giang hồ trượng nghĩa, như một trích tiên ẩn dật, chẳng màng cõi ô uế trần gian.

Còn tôi thì ước chi, ông Bùi Giáng ổng sống lại lúc này, để tôi quyết hỏi ổng cho bằng được, xem ổng trả lời sao. Rằng, ông đọc cái kiểu gì, mà thơ người ta như vầy, lại nói là không có gì đặc sắc:

Gió Thu

Trận gió thu phong rụng lá vàng
Lá rơi hàng xóm, lá bay sang
Vàng bay mấy lá năm già nửa
Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng

Trận lá thu phong rụng lá hồng
Lá bay tường bắc, lá sang đông
Hồng bay mấy lá năm hồ hết
Thơ thẩn kìa ai vẫn đứng không
(1918 - Khối Tình Con - Quyển Thứ Nhất)

Đọc bài Gió Thu của Tản Đà, mà không dưng, tôi lại nhớ đến bài thơ Gió Thổi Đồi Tây Hay Đồi Đông của triết gia Phạm Công Thiện, cũng nói về nỗi hiu hắt, héo úa, xơ xác, tàn tạ của cảnh vật, con người và tình ái.

Chút trách móc, chút thôi mà nghe buốt giá cả tâm can. Là trận gió chớ ít sao. Trận gió thu phong đủ để cuốn sạch lá vàng. Lá bay qua hàng xóm bên tây, rồi lá lại bay qua hàng xóm bên đông. Lá để dành từ ra giêng tới nay, còn đâu nữa. Như tình ai, như tình ai, nỡ phụ tôi.

Những vàng những hồng, những bắc những nam, và những nỗi niềm, còn nguyên, chưa lời giải đáp.

Hình ảnh trong thơ của Tản Đà rất đẹp. Bài thơ được viết theo thể tứ tuyệt với nhiều niêm luật chặt chẽ, thế mà khi đọc lên, câu chữ vẫn bay bay, vẫn không thấy sự gò bó hay tù túng như người ta vẫn nhận xét về thơ vần điệu. Nỗi lìa tan, nỗi phai phôi của mùa thu, của mùa lá trút, của tình ai kia, sao nỡ từ ly, sao nỡ để lìa tan, cách biệt.

Được như vậy, ấy chính bởi tài thơ tuyệt đỉnh của Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu.

******

Khi viết về Tản Đà, tiểu luận gia Đặng Tiến đã gọi ông là Thi Sĩ Của Phôi Pha. Là thi sĩ của sự thanh nhã, bay bướm, trau chuốt mà vẫn ký thác được trọn vẹn tấm lòng khắc khoải, thiết tha đối với non sông đất nước trong thời bị trị.
Nói một cách khác đi, Tản Đà không chỉ là một nhà thơ mà ông còn là một triết nhân để mang đến cho đời sống một triết lý phôi pha.

Triết lý ấy, không chỉ ở trong Thề Non Nước, Gió Thu, mà nó còn ở cả trong bài Tương Tư, những bài thơ được xem là hay nhứt của Tản Đà:

Tương Tư

Quái lạ làm sao cứ nhớ nhau
Nhớ nhau đằng đẵng suốt đêm thâu
Bốn phương mây nước người đôi ngả
Hai chữ tương tư một gánh sầu
(1918 - Khối Tình Con - Quyển Thứ Hai)

Tôi cũng thường làm thơ về nỗi chia ly, mất mát, về sự đợi chờ và năm tháng tàn phai, về cái có đó rồi mất đó, nhưng thú thật, khi đọc đến bài thơ này của Tản Đà, thì tôi đã phải giật mình, kinh ngạc.

Kinh ngạc vì.

Chỉ với bốn câu thôi, chặt chịa và khúc chiết, nó tựa như một khối đá vậy, nó chống trời, và chống lại cả những hà khắc, khốc liệt của sự tàn phá từ thiên nhiên. Bài thơ là khối đá kim cương. Tương tư là khối đá chống trời.

Tương tư là gì? Tương tư là nỗi nhớ triền miên, khôn nguôi, không tài nào giải thích được, đến mức Tản Đà phải bực dọc mà thốt lên - quái lạ làm sao cứ nhớ nhau.

Nhớ như thế nào? Hết ngày thì tới đêm, hết tháng này thì qua năm nọ, chỉ mãi một hình ảnh ấy, ánh mắt ấy, nụ cười ấy, vòng tay âu yếm ấy - nhớ nhau đằng đẵng suốt đêm thâu.
 
Nhớ vì không được gần nhau, bên nhau. Cứ biền biệt. Cứ thăm thẳm. Cái độ thăm thẳm, mênh mông, mà chỉ một Tản Đà thôi, mới có thể viết đủ, nói đủ, về nó - bốn phương mây nước người đôi ngả.

Mây và nước. Mây thì bay trên trời. Nước thì trôi dưới dòng. Bao giờ mới trùng phùng, bao giờ mới gặp được nhau?

Hai chữ tương tư, chỉ hai chữ thôi, không hơn không kém, thốt lên môi nghe nhẹ tợ khói bay, nghe nhẹ tợ gió thoảng, nào có ai biết đâu, lại trĩu nặng một lòng sầu, khôn nguôi, cứ mãi - hai chữ tương tư một gánh sầu.

******

Những ngày này, sư sãi, chùa chiền khắp nơi với những câu chuyện dở khóc dở cười đang làm dậy sóng dư luận xã hội. Xin giới thiệu đến các bạn, đọc cho vui, một bài thơ ghẹo đùa của Tản Đà, cách đây đã tròn một thế kỷ:

Đùa Cô Sư

Ai ai đứng khuất bóng giăng mờ
Cô sử, cô sư khéo thẫn thờ
Cửa Phật những mong tròn quả phúc
Cõi trần sao nỡ dứt duyên tơ?
Vãi già tiểu bé đâu đâu cả?
Chùa vắng sân không thế thế ư?
Tớ dẫu chưa tu, đầu dẫu trọc
Phen này ốm trọc cũng ra sư
(1918 - Khối Tình Con - Quyển Thứ Nhất)

******

Người ta có thể chê bai, bỉ bôi, nào là thơ dở, nào là thơ nhạt, khuôn sáo, gò bó, vân vân và mây mây, nhưng nhân cách của Tản Đà thì không một ai, chưa một ai, dám tỏ ra coi thường hay lớn tiếng. Chỉ cùng lắm là kính nhi viễn chi, như Vũ Bằng, như Lưu Trọng Lư, như Phan Khôi.

Tản Đà được xếp ở hàng thượng thặng của những người làm thơ theo lối cổ phong, nhiều niêm luật như thơ Đường. Thơ ông không chỉ sánh ngang với thơ của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát mà có phần được xem là trội hơn, khi ông biết phối hợp nhiều thể loại thơ, dám phá cách thơ một cách táo bạo, mà trước kia, không ai dám, cũng chưa ai từng thử.

Tản Đà cùng thơ ông, ngông nghênh, độc đáo, kiệt xuất và tài hoa!

Sài Gòn 09.01.2024
Phạm Hiền Mây


💚


 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.