Say cùng Phạm Thái.
Hạ tuần thấp thoáng giữa đường xa
Có bóng ngựa phi dưới trăng tà
Tay cầm bầu rượu, ngâm lếu láo
Câu kệ cùng thơ cứ la đà...
Tráng sĩ giữa khuya đến tìm ta
Thì ra, gã Phạm Thái đây mà!
Hai trăm năm trước, nay trở lại
Để cùng say khướt rượu Quỳnh hoa
Tráng sĩ sinh giữa thời ly loạn
Lớn lên cảnh đất nước hoang tàn
Trung quân ái quốc nuôi chí lớn
Mưu sự bất thành, tu lánh thân
Bao năm gã khoát áo thiền sư
Chùa vắng Tiêu Sơn thiện tâm từ
Gác kiếm, mài nghiên cùng thơ phú
Một ngày cùng tao ngộ Quỳnh Như
Chí lớn vùi quên giữa hồng trần
Mộng đời chìm theo mắt mỹ nhân
Tình duyên đứt đoạn buồn tan vỡ
Oan nghiệp theo ai xuống mộ phần"
Từ độ nàng hóa bụi theo mây
Tráng sĩ sống chi giữa chốn này!
Đêm nhớ, ngày say cùng rượu nhạt
Chiêu Lỳ thôi đoạn kiếp từ đây...
**
Ta mời tráng sĩ chén rượu cay
Hai trăm năm, ngộ có một ngày
Gặp thời tao loạn, ta cùng hiểu
Nhìn cảnh nhân gian, chỉ cau mày ...
Ta mời tráng sĩ nốc cạn ly
Quên hết cuộc đời những sầu bi
Tìm thấy người xưa trong đáy cốc
Một kiếp phù sinh chẳng nghĩa gì!
Tráng sĩ quay về cõi thiên thu
Sẽ về nơi ấy có Quỳnh Như
Còn ta mai mốt xin cùng hẹn
Khi cõi nhân sinh phải giã từ ...
Hoài Nguyễn - 02/7/2018
(*) Phạm Thái (1777-1813), còn gọi Phạm Đan Phượng, Phạm Phượng Sinh, hiệu Chiêu Lỳ; là một danh sĩ tài hoa và ngang tàng ở cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19 cuối thời Lê mạt.
Ông nuôi chí “phù Lê” chống lại nhà Tây Sơn nhưng không thành nên vào chùa Tiêu Sơn tu hành một thời gian với pháp hiệu Phổ Chiếu Thiền sư.
Sau này có duyên kỳ ngộ, Phạm Thái gặp nàng Trương Quỳnh Như và yêu mến nhau qua tài thi phú xướng họa, sau khi Trương Quỳnh Như tự vẫn do mẹ nàng muốn gả cho người khác, Phạm Thái đau khổ và bỏ đi lang thang, say rượu li bì, mất năm 36 tuổi...
Phạm Thái để lại cho đời nhiều bài văn thơ phú tuyệt hay như: Sơ kính tân trang, Chiến tụng Tây hồ phú, Văn tế Trương Quỳnh Như, Thơ họa 12 bài Trương Quỳnh Như ..