Nov 21, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

... Tôi Thương Những Chiếc Tầu…
Hoàng Long Hải * đăng lúc 04:17:26 PM, Dec 01, 2023 * Số lần xem: 273
Hình ảnh
#1

 

    


“… tôi thương những chiếc tầu…”
                    
                              hoànglonghải

                                                   

Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu
Ngàn đời không đủ sức đi mau
Có chi vương víu trong hơi máy
Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau

Tế Hanh

Tôi yêu cái nhà ga nhỏ Quảng Trị, không biết tại vì nó là một ga nhỏ, cuối một con đường tàu đi xa về phương Nam hay tôi bị ảnh hưởng câu thơ của Tế Hanh:

“Những ngày nghỉ học tôi hay tới
Đón chuyến tầu đi đến những ga
Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt,
Lòng buồn đau xót nỗi chia xa.”

Quả thật, hồi còn nhỏ, tôi cũng có những ngày nghỉ học, buồn đi lang thang và tới cái ga nhỏ đó không ít lần. Cái ga nhỏ cách tỉnh ly không xa. Khung cảnh ở đây, vắng lặng, ít người lui tới đã để lại trong tôi những ý niệm buồn hiu hắt về những con tầu, về những con đường sắt chạy tít mù về phương nam, những đường tầu không bao giờ gặp nhau, như hai người tình suốt đời sống gần nhau mà không cưới được nhau vậy, và về những nỗi ly biệt của người đời thường diễn ra trên cái sân ga nhỏ nầy nữa.

Cái nhà ga ấy được xây từ lâu lắm. Nếu tính năm 1936 là năm tuyến đường xuyên Việt Saigon – Hà Nội được nối liền hai miền Nam – Bắc thì có lẽ nhà ga Quảng Trị đã được xây dựng trước năm đó đã mấy năm. Vậy thì với cái nhà ga đó, tôi gọi bằng gì cho đúng với tuổi tác của nhau. Gọi bằng anh bằng chị, bằng tuổi cha mẹ tôi hay ông cụ nội cụ ngoại. Không thể xa tới đó đâu. Gọi bằng anh chị có lẽ đúng với cái tuổi sinh của nó cách tôi đâu có bao xa. Nên gọi bằng chị. Tiếng chị bao giờ nghe cũng dịu dàng hơn gọi bằng anh. Tôi có một người anh không kém phần ngỗ nghịch.

Nhưng chẳng thể gọi là chị Ga được. Người ta gọi nó là nhà ga. Chỗ cái sân ximăng trước cửa ga, ngó ra những con đường rây, người ta gọi là sân ga. Sân ga là chỗ chia tay nhau, là nơi đưa tiễn, và cũng là nơi đón đợi. Đợi một người đi xa về hay tiễn một người ra đi, nỗi vui buồn có khác nhau. Đưa người đi thì buồn. Người đi xa đã buồn mà người tiễn đâu có vui gì. Người đi ngồi một mình trong toa, nhìn những hàng cây hai bên cửa sổ vội vàng chạy giựt lui phía sau, là biết càng lúc mình sẽ càng xa cái sân ga có người tiễn đang đứng đó ngó theo con tầu thì vui sao được.

Người tiễn thì đứng trên sân ga ngó theo, đến khi con tầu đi xa, khuất dần, thì lặng lẽ, thui thủi ra về, lòng người ta cũng chẳng vui thế nào được.

Tế Hanh viết:

Lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ,
Lòng của người đi réo kẻ về.

Nguời đi réo kẻ về. Vậy thì chắc chi người về không réo người đi! Chỉ khác là người về không ngồi trong toa tầu để có thể ví lòng mình như tiếng tầu gọi về.

Tình cảm kẻ đi, người về dâng lên dào dạt, nên Tế Hanh không viết người đi “gọi” người về mà gọi rằng “réo”. Tiếng réo nghe hay hơn tiếng gọi. Tiếng réo mạnh hơn, nhiều hơi sức hơn, mãnh liệt hơn. Có réo mới tỏ bày ra hết những tình cảm nhớ thương đang dâng lên trong lòng mình.

Người đi tiễn ra về trong buổi sơm mai có nắng ấm, hay trong cơn mưa chiều lạnh lẽo, hay trong làn gió bấc tê tái. Dù cảnh tượng bên ngoài có như thế nào thì trong lòng người về có thể khóc đấy, khóc vì xa cách người đi xa.

Người đi ngồi trong toa tầu, không ướt vì mưa chỉ ở bên ngoài toa, không nắng vì có mái tầu che, nhưng gió cũng có thể lọt qua khung cửa tầu thổi lộng vào toa. Gió xoáy động lòng người ra đi!

Ở những sân ga lớn, người đông, nói cười nhộn nhịp; nỗi vui, nỗi buồn như chìm ngập trong những âm thanh náo nhiệt ấy. Cái ga nhỏ thì buồn hơn. Khi tầu đi rồi, nó trả lại cho cái sân ga sự vắng lặng muôn thuở, cọng thêm với nỗi buồn muôn thuở. Bóng người không còn. Người xếp ga đã đi vào phía trong, ông lão bẻ ghi cũng rời đường xe lửa. Nhìn quanh, đâu còn ai đâu nhỉ, chỉ một hai người đưa tiễn và những con đường sắt chạy dài tới cuối chân trời. Có cách nào để gởi nỗi nhớ thương theo con đường tầu ấy cho kịp với người đang ở trên con tầu đã xa khuất.

Nhưng có lẽ những chuyến tầu đêm buồn hơn những chuyến tầu ngày. Sau hiệp định Genève 1954, tuyến tầu xe lửa nối liền Nam – Bắc miền Nam vĩ tuyến 17 được nối liền. Tầu rời Saigon sáng ngày hôm trước, đến chiều hôm sau thì tới Huế. Rồi chuyến hành trình xuyên miền Nam được nối tiếp từ Huế ra Đông Hà bắt đầu sau khi trời đã tối hẳn. Đầu máy diesel được thay bằng đầu máy hơi nước.

Chiều thứ sáu nghỉ dạy, tối hôm đó tôi lên ga Huế về thăm quê theo chuyến tầu suốt chạy về đêm. Lòng tôi như trải theo con đường sắt dài 60km Huế – Quảng Trị, hướng về một người ở ngoài ấy đang đợi tôi vào những ngày cuối tuần.

Tiếng bánh xe dội trên khúc nối của hai đường sắt như nhịp đập của tim. Tầu chạy càng nhanh, nhịp đập càng mạnh thì nỗi nhớ thương càng đầy…

Tiếng còi tầu máy hơi nước bao giờ nghe cũng rền rỉ, réo rắt hơn tiếng còi đầu máy tầu chạy bằng diesel. Trước khi bánh xe lăn trên đường sắt, còi tầu rúc lên một hồi thật dài, buồn bã biết bao nhiêu!

Đó là âm thanh báo hiệu chuyến tầu đêm sắp khởi hành, báo hiệu giờ chia tay đã đến, nhắc cho kẻ ở, người đi sớm liệu rời tay nhau… Tiếng còi tầu vừa hùng dũng vừa ai oán. Đó là tiếng kêu than của người ra đi hay tiếng khóc của người trở về? Đó là tiếng kêu ai oán của nguời vợ tiễn chồng đi xa, hay tiếng nức nở của mẹ hiền tiễn con ra chiến địa?

Có thể ai đó đang đợi một người về! Không hẳn một người tình, mà có thể là bạn bè, anh em hay mẹ chờ con về vậy.

Người ta có thể nhớ đến “Người đi không về, chắc rằng có người nhớ” như Phạm Duy viết trong “Đường ra biên ải”, và người ta cũng có thể, như Thanh Thuý hỏi: “Tầu cũ năm xưa mang người tình biên khu vê chưa?” trong “Tàu đêm năm cũ”.

Tầu cũ buồn, sân ga buồn, nhưng cái buồn nhất lạ chính là sự chờ đợi, mong mỏi, hy vọng và tuyệt vọng… Biết ai đó có về đêm nay trên chuyến tầu đêm từ một nơi chiến chinh mù mịt?!

Trong đời mỗi người, người ta đã nghe bao nhiêu tiếng còi tầu như thế để lòng vui hay buồn, để nhớ nhung hay quên lãng.

Trường học gần ga xe lửa, khi nghe tiếng còi tầu rúc lên, đám học trò nhỏ không có đồng hồ tay biết sắp đến giờ bãi học, lòng thấy vui hơn. Nhà ở cạnh sân ga, khi nghe tiếng còi tầu, người nội trợ đoán giờ để thổi cơm cho bữa ăn chiều. Tiếng còi tầu vô tình đã biến thành tiếng báo giờ để người ta có thể bắt đầu hay chấm dứt công việc trong ngày.

Khi con tầu ra khỏi thành phố Huế, hướng về Quảng Trị, tiếng máy xình xịch gia tăng tốc độ, làm cho khói tầu phun mạnh lên. Từ ống khói ở đầu máy xe lửa, khói bốc ra, tỏa dần trong không khí, trong khi những đóm lửa đuổi bắt nhau, tuôn ra khỏi ống khói nhỏ. Những đóm lửa đảo lộn trong không gian, như muôn vạn tinh cầu bay trong vũ trụ.

Có tinh cầu nào biểu tượng cho trái đất? Những tinh cầu bay xa, ra tít ngoài bụi bờ đen thẩm, như những con thú phục kích, chờ đoàn tầu đi qua thì chúng sẽ tấn công. Có những tinh cầu như những bóng ma chập chờn trong bóng tối. Khi đã ra xa rồi, những tinh cầu đó tắt hẳn.

Có phải đó là một vũ trụ nhỏ, tượng trưng cho vũ trụ bao la ở ngoài kia. Và rồi tất cả đều tắt, dù đó là vũ trụ nhỏ được tạo ra bằng những đóm lửa từ ống khói tầu, hay vũ trụ thiên nhiên, có mặt trăng mặt trời, có Nam tào, Bắc đẩu.

Tất cả, dù sớm dù muộn rồi cũng sẽ tắt đi, vũ trụ chìm trong bóng tối. Khi đó, vũ trụ hủy diệt, loài người sống trong đêm tối muôn đời, chờ đợi giây phút cuối cùng của nhân loại.

Tôi thương tiếng còi tầu hơn thương những toa tầu đen đi lầm lủi. Từ thơ ấu, khuya rồi, nằm trong chăn ấm, tôi nghe tiếng còi tầu rít lên trong không gian lạnh lẽo, khi con tầu vừa ra khỏi cầu ga Thạch Hãn, sắp sửa chui vào cầu Bầu Vịt kế cận, mỗi khi tầu từ Quảng Trị ra Đông Hà.

Trong tiến trình ngược lại, khi con tầu từ Đồng Hà sắp tới cầu Bầu Vịt, cũng rít lên một hồi còi như thế, và nó sẽ rúc lên mấy hồi còi nữa, như giục giã, khi vừa ra khỏi cầu Bầu Vịt để chui vào cầu ga trên sông Thạch Hãn.

Trong khi tôi nằm bên nầy sông, tiếng còi tầu vọng lên ở bên kia sông, như đánh thức tôi dậy, gọi tôi về một cõi xa xăm. Tiếng còi tầu vang trên mặt sông hình như bao gờ cũng dội hơn, mãnh liệt hơn mà cũng tha thiết hơn, buồn bã hơn mà cũng thúc giục hơn, gợi nhớ gợi thương nhiều hơn và cũng trách oán nhiều hơn.

Và trong trí óc của tôi, hiện lên một con tầu đen, một ống khói tuôn ra nhiều khói nhiều lửa, hơi nước từ còi tầu phụt ra một làn hơi trắng xóa. Tiếng còi tầu đã dứt nhưng dư âm của nó bao giờ cũng lắng đọng trong tâm hồn tôi, có khi rất lâu, khơi dậy trong tôi những nỗi buồn vô cớ, nỗi buồn của tuổi mới lớn, thèm những chuyến đi xa. Tôi nghĩ tới con tầu sẽ dừng ở cái ga nhỏ, rồi lầm lũi đi trong đêm, mang theo những nỗi buồn vui nào đó của kẻ đi người về. Kẻ đi sẽ theo con tầu đi mất, người về đã rời nơi đưa tiễn, chỉ trơ lại cái sân ga còn đó. Biết bao nhiêu con tầu đã dừng lại rồi ra đi trên cái sân ga nhỏ muôn thuở đìu hiu!

Ở cái tỉnh nhỏ đó thiếu sân chơi thì ga tầu trở thành nơi chúng tôi đùa nghịch. Chúng tôi đi vớ vẩn theo đường tầu, lượm vài cục than đá rơi vãi đâu đấy, đem về làm kỷ niệm, lượm những viên đá trên nền đường rây, những viên đá tròn có mầu trắng đục, hay leo lên mấy cái “gòong” nằm lẻ loi trong sân ga, đầy cho “gòong” chạy rồi đuổi bắt một cách thích thú.

Trò nghịch ngợm đó không chấm dứt ở thế hệ nầy mà còn truyền lưu sang thế hệ sau. Tôi đã chơi đùa trên cái sân ga ấy, với Cẩm, với Trình… Và “Hùng móm”, thuộc một thế hệ trẻ hơn, cũng chơi đùa trên cái sân ga ấy, với Bích, với Hoài, với Định…

Cái quen thuộc của một sân ga thời thơ ấu khiến Hùng tin tưởng, hăng hái khi dẫn đơn vị của Hùng về chiếm lại sân ga ấy, trong “Mùa hè đỏ lửa”. Và Hùng đã nằm lại đó, nhắm mắt, tay giựt, không còn biết gì nữa hết, trước khi từ giã cõi đời, cách ngôi nhà anh em chúng tôi ở thời thơ ấu chưa đầy một cây số.

Tôi cũng rời bỏ cái sân ga ấy khi tôi còn trẻ. Và từ tết Mậu Thân, đời lính đưa tôi đi xa về phương Nam, về Gò Công, Rạch Giá – Hà Tiên, nơi những đứa bé chưa một lần được thấy sân ga, chưa từng thấy một toa xe lửa.

Tôi đi từ đầu miền giới tuyến tới cuối miền Tây Nam bộ, tôi đi qua sông Tiền, sông Hậu, luôn mang trong lòng một “giấc hương quan” có cái ga nhỏ, vói con tầu đi lầm lũi trong đêm, có tiếng còi tầu như thúc giục, réo gọi.

Đâu có phải đi chừng đó mà đã xa. Nay tôi ở bên xứ Mỹ nầy. Nó cũng có những chuyến tầu đi xa đấy nhưng sao nó khác lạ với con tầu của quê hương tôi đến thế, và nó cũng không có tiếng còi tầu tha thiết, réo lên trong những đêm vắng vẻ, buồn thiu.

Đêm đông chợt thức giấc, trong trí tôi hiện ra rõ mồn một dòng sông Thạch Hãn, có cây cầu sắt mầu đen xám xịt. Có con tầu lầm lũi qua cầu, và có tiếng còi tầu vang lên giục giã, những tiếng còi tầu cách đây nửa thế kỷ, đã để lại trong lòng tôi những dư âm buồn bã của một kiếp xa nhà./

hoànglonghải

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.