Bàn Về Quốc Ngữ (Chữ Việt)
(Hình thành và phát triển)
Người xưa nói: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, ý nói con người sống được 70 tuổi xưa nay hiếm. Chúng ta được cha mẹ sinh ra lớn lên, trưởng thành rồi tới lúc chết đi trở về với cát bụi tức là phải đi qua sinh, lão, bệnh, tử. Giai đoạn từ ấu thơ, thiếu niên, vị thành niên, thành niên,… tam thập, tứ thập,… thất thập,… cuối cùng là bách tuế (nhân sinh bách tuế dĩ vi kỳ). Từ khi có mặt ở đời, ai cũng phải trải qua những giai đoạn như vậy, cũng có hoài bảo, cũng có chút riêng tư, an phận hay là có chí ôm thiên hạ, ru đời bằng những vần thơ, văn,… và cố làm thế nào đó để lưu lại cho hậu thế.
Muốn làm được điều lưu lại ấy, những bậc trí giả xưa cố tạo ra những ký hiệu làm thế nào để người sau biết và hiểu được ý của họ muốn nói gì, đã làm được gì. Từ đó những khuôn mẫu, hình tượng chữ viết bắt đầu hình thành, càng ngày càng phát triển và dần hoàn thiện cho tới ngày nay. Ví dụ: Người Ai Cập cổ đại tạo hình những loại chim, thú để diễn đạt rồi tiến tới kiểu chữ viết hiện tại mà khối Ả Rập và một số nước Tây Á thậm chí Đông Nam Á hiện nay đang dùng như Campuchia, Lào, Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan,… Tây phương như Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha,… lại dùng mẫu tự Latin phát xuất từ Ý mà vốn gốc là chữ cái của Hy Lạp (gốc là bản chữ cái Phoenicia) rồi tiến đến chữ viết theo lối Latin và phát triển cho đến ngày nay.
Người Trung Hoa thì lối viết tượng hình và một số nước Đông Á như Nhật, Hàn,… Việt Nam cũng theo Trung Hoa để viết lối chữ tượng hình ấy, mặc dù có biến thể như Nhật, Hàn. Ở Việt Nam, cách viết thì thêm bớt trở thành chữ Nôm dùng trong các triều đại vua chúa (thế kỷ thứ 10) cho đến triều nhà Nguyễn là chế độ phong kiến cuối cùng của Việt Nam, tiền nhân của chúng ta đã cố thoát ra khỏi chữ Hán một thứ chữ khó học, khó nhớ đã làm dân tộc ta lệ thuộc về văn hóa đến tư tưởng sau ngàn năm nô lệ của bọn phong kiến phương Bắc.
Nói đến chữ Việt hiện tại (Quốc Ngữ) không thể không nhắc đến công lao vô cùng to lớn của Alexandre De Rhodes. Ông đặt chân lên Hội An năm 1625, vì sự truyền giáo mà phổ biến chữ Việt (người khởi xướng là linh mục Pina) lấy mẫu tự Latin với 24 chữ cái để hình thành lối viết, với mục đích để cho sự truyền giáo được dễ dàng hơn, để cho giáo dân tìm hiểu giáo lý của Thiên Chúa giáo, kể từ thời ấy cho tới nay Chữ Tiếng Việt (Quốc Ngữ) không ngừng phát triển và định hình lối viết, văn phạm, chính tả đã trở thành hệ thống tốt đẹp như bây giờ.
Sau hơn 300 năm, chữ Việt được Alexandre De Rhodes phổ biến giờ trở thành Quốc Ngữ Việt Nam, về sau được những kẻ có học, có tri thức uyên bác chỉnh tu và hoàn thiện thêm. Công trình ấy có thể gọi là kỳ vĩ, có khối óc thông minh mà người đời sau không thể chối bỏ được, công lao to lớn ấy đáng để tri ân, tưởng nhớ. Người Việt bây giờ, ai ai cũng biết đọc, biết viết thông thạo và có rất nhiều người có học vị cao như giáo sư, cử nhân, kỷ sư, tiến sĩ,… được đào tạo từ trong hoặc ngoài nước. Tất cả đều nhờ Chữ Việt (Quốc Ngữ) mà Alexandre De Rhodes đã phổ biến đặt nền móng cho sự phát triển như hiện tại.
Vừa qua có một số người muốn cải biến chữ Việt theo một cách khác, muốn tạo và sắp xếp lại mẫu tự Latin mà biết bao thế hệ đã gây dựng, phá bỏ hệ thống văn phạm, từ ngữ,… kẻ đại diện hệ phái này là Bùi tiến sĩ đã bỏ ra 30 năm nghiên cứu về nguyên phụ âm, cấy ghép bậy bạ thành hình thái khác mà khi đọc lại nghe như phát âm tiếng Tàu. Công trình 30 năm nghiên cứu của kẻ được gọi là tri thức cũng chỉ là chừng ấy, chỉ là muốn đem Chữ Việt (Quốc Ngữ) dìm xuống, lai kiểu phát âm của Tàu, quên nỗi nhục 1000 năm nô lệ mà tổ tiên ta đã bỏ bao xương máu, đắng cay tủi nhục, mồ hôi nước mắt mới lấy lại được chủ quyền. Ngoài Bùi tiến sĩ còn có một ít người như Đoàn tiến sĩ hùa theo, tung hê đã vấy bẩn chữ Việt mà tiền nhân đã bỏ ra bao suy tư, nghiên cứu, tu tạo để chữ Việt trở nên hoàn chỉnh như hiện tại. Những kẻ ấy chỉ là muốn lai căn, nô dịch, muốn tiếng Việt biến thái theo âm trại tiếng Tàu mà thôi.
Chúng ta bây giờ đều viết tiếng Việt theo lối chữ Latin, đều thông thạo và thấu hiểu lịch sử của nước ta, thậm chí lịch sử thế giới đều nhờ chữ quốc ngữ, cũng dễ dàng tiếp cận nền văn minh của nhân loại và lưu lại ý riêng tư, hoài bảo của chúng ta cho hậu thế,… Vậy thì chúng ta không nhớ, không tri ân người đã khai sinh chữ quốc ngữ sao? Cho dù đó là người Tây, người Đông,… mà nếu họ đem lại cho chúng ta, dân tộc ta cái lợi to lớn không gì có thể so sánh nổi thì chúng ta không tri ân sao? Các nhà hiền triết từ Tây, từ Á,… sao chúng ta coi là thần tượng để tôn sùng mà người có công lớn như Alexandre De Rhodes lại không thể? Quá thiển cận khi chúng ta nhìn dưới góc độ tiêu cực này, Ví như một nhà Huế học nào đó đã nói: “Đó là thứ chữ của thực dân, đế quốc”!
Lại nói, trước 1933 (khoảng 1865-1897), Trần Quý Cáp viết trên Gia Định báo:
“Chữ quốc ngữ là hồn của nước
Phải đem ra tính trước dân ta
Sách các nước, sách China
Chữ nào nghĩa dịch ra tỏ tường”.
Cho đến cuối thế kỷ 19, Chữ Tiếng Việt đã thoát ra khỏi khu vục nhà thờ của các giáo sĩ và đã đi vào trường học, báo chí. Sự đóng góp to lớn của Gia Định báo từ đó các nhà văn xuất hiện, nhiều tác phẩm giá trị như “Đại Nam Quốc Âm Tự Vị” do ông Huỳnh Tịnh Của biên soạn năm 1985 là cuốn tự điển đầu tiên do người Việt biên soạn mà hiện nay vẫn còn giá trị. Thấy lợi ích to lớn của Chữ Quốc Ngữ nên đầu thế kỷ 20, một số trí thức thời ấy như Lương Văn Can, Dương Bá Trạc,… mở ra Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội với mục đích là canh tân đất nước (1907), mở trường dạy học miễn phí bằng Chữ Tiếng Việt (Quốc Ngữ) đến các giới, hô hào bỏ cũ theo mới và đi diễn thuyết khắp nơi để cổ động,… nhóm này còn lập ra 2 tờ báo là Đăng Cổ Tùng Báo và Đại Việt Tân Báo làm cơ quan ngôn luận cho trường.
Thời gian này không thể không kể đến Nguyễn Văn Vĩnh, người đầu tiên mở nhà in và làm chủ bút tờ Đăng Cổ Tùng Báo, một khúc quanh mới của nền báo chí bắt đầu, ông đã dịch truyện Kiều ra tiếng Pháp, thơ ngụ ngôn của La Fontain sang chữ quốc ngữ,… truyền bá nhân quyền, dân chủ và ông còn để lại câu nói:
“Nước Nam ta sau này hay dở cũng ở chữ Quốc Ngữ”.
Cùng thời gian này cũng phải nhắc đến nhà văn, nhà báo,… hình như là họ Phạm đã để lại câu nói bất hủ:
“Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn”.
Năm 1934, Tự Lực Văn Đoàn chính thức ra đời, đây là một tổ chức văn học dầu tiên, có tôn chỉ hẳn hòi do nhóm Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo và Thạch Lam lập. Từ đó Chữ Việt (Quốc Ngữ) sáng tỏa rực rỡ với các báo Nam Phong Tạp Chí, Phong Hoá Tuần Báo, Khai Hoá Nhật Báo,… ở ngoài Bắc; ở Huế có Khuynh Diệp Báo, Phụ Nữ Tân Tiến Báo; ở Sài Gòn có Phụ Nữ Tân Văn, Sài Gòn Nhật Báo, Rạng Đông,… Nghệ An có Phục Hưng Báo. Tất cả các tờ báo từ Bắc, Trung, Nam đều cho đăng các bài xã luận, về văn học, thi ca với những tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn như Hồn Bướm Mơ Tiên, Nửa Chừng Xuân,… của Khái Hưng; Đoạn Tuyệt, Lạnh Lùng,… của Nhất Linh và nhiều tác giả khác đã đem lại sự yêu thích của lớp người trẻ và giới có học…, những thì sĩ như Phan Khôi, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, TTKH,… đã đăng những bài thơ tình tuyệt vời như Tiếng Thu, Một Mùa Đông, Tình Già, Hai Sắc Hoa Ty Gôn,… nức tiếng một thời.
Sự thịnh hành của Chữ Quốc Ngữ (Chữ Tiếng Việt) là bởi dễ học, dễ nhớ, dễ viết cho nên phong trào học Chữ Quốc Ngữ thịnh hành và phát triển vượt bậc, những sách được in từ văn hóa, học thuật, nghiên cứu, truyện, thi ca xuất hiện rất nhiều. Dòng nhạc trữ tình mang âm hưởng phương Tây được các nhạc sĩ Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Từ Linh,… cho ra đời nhiều nhạc phẩm được giới trẻ đón nhận và càng hâm mộ thêm. Từ đó Chữ Quốc Ngữ lan tỏa nhanh chóng từ Nam ra Bắc, từ thành thị đến nông thôn.
Năm 1954, hiệp định Genève chia đôi đất nước : Miền Bắc là Việt Nam Dân Chủ Cọng Hoà; Miền Nam là Việt Nam Cọng Hoà với 2 thể chế khác nhau.
Miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa chủ trương là bài phong, chống đế quốc thực dân, sống có đoàn thể, hợp tác xã, cải cách ruộng đất,… với học thuyết Mác, Lê.
Miền Nam theo thể chế cọng hòa với chủ trương tự do, nhân quyền, mọi người dân đều có quyền ấy và được pháp luật bảo vệ.
Mặc dù thể chế khác nhau nhưng cả hai miền Bắc, Nam đều lấy Chữ Tiếng Việt làm Quốc Ngữ và giai đoạn này là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất, phổ cập đến mọi thành phần từ công, nông, binh, hội đoàn, giới thương mại, ca nhạc sĩ,… Các nhà nghiên cứu, học thuật chữ Tiếng Việt (Quốc Ngữ) ra đời và từ ngữ, văn phạm trong lối hành văn của chữ Tiếng Việt thật mạch lạc, rõ ràng và hoa mỹ tiến tới giai đoạn thịnh hành, phổ cập đến mọi ngóc ngách, mọi nơi Nam, Trung, Bắc. Mọi tầng lớp đều ham thích tìm hiểu kiến thức khoa học, toán học, văn chương thi phú của phương Tây đã được chuyển ngữ hoặc những bài viết từ thi phú, văn chương, nghiên cứu, phê bình,… của các tác giả trong nước. Tùy hoàn cảnh của mỗi thể chế mà cách tiếp cận khác nhau, nhưng tựu trung là lấy thứ chữ do linh mục Alexandre De Rhodes làm nền móng cho Chữ Tiếng Việt (Quốc Ngữ), với hơn 300 năm hình thành lối chữ ấy nay lại càng phong phú, sâu sắc mạch lạc như hiện giờ.
Lại nói ở Nam Việt Nam, sau 1954 có một bài học mà học sinh lớp năm (lớp 1) học như sau:
Quốc ngữ
Chữ nước ta
Con cái nhà
Đều phải học
Miệng thì đọc
Tai thì nghe
Đừng ngủ nhè
Chớ láu táu
Đang vỡ lòng
Học cho thông
Thầy khỏi mắng
Trong trời đất
Nhất là người
Hơn giống vật
Còn bé thật
Chưa biết gì
Còn ngu si
Phải dạy bảo
Cho biết đạo
Mới nên thân,…
Bài của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu viết 1919 mà cho đến bây giờ lớp người như chúng ta, ai ai cũng còn nhớ. Như vậy mới biết được rằng: Các bậc tiền nhân của chúng ta đã nhận thấy được tầm quan trọng của chữ Quốc Ngữ là thế nào đối với sự phát triển của đất nước, nâng cao dân trí ra sao. Sự giao thoa với các nền văn minh khác trên thế giới là sự mong muốn tột cùng của tiền nhân đưa đất nước thoát cảnh lạc hậu, đối nghèo, lệ thuộc vào thứ chữ tượng hình khó nhớ, khó học, khó phổ cập đến mọi thành phần dân chúng trong nước.
Với sự tri ân tiền nhân, chúng ta là kẻ hiểu biết, là lớp người kế tục phải nhớ lấy điều này, cũng không cần khẩu hiệu, tuyên ngôn để ghi nhớ mà để thật sâu vào dạ mới được.
Lập Đông, Tân Sửu niên (2021)
Nguyễn Nguyên Thường