THẦY VIÊN MINH
          VÀ BÀI THƠ HẠNH NGUYỆN


 
      Chiều nay, đang lang thang xem này xem kia trên mạng, thì đột nhiên, tôi bắt gặp bài thơ Hạnh Nguyện của thầy Viên Minh.

Chỉ với sáu câu vỏn vẹn, Hạnh Nguyện, trong tập thơ Tĩnh Lặng, đã khiến tôi, mất mấy phút, ở trong trạng thái ngạc nhiên đến vô cùng.

Vì, bài thơ hay quá.

Tuyệt tác như sau:

Sư chèo thuyền đi đâu?
Ta chèo ra biển cả
Đâu không là biển cả
Sao phải nhọc công chèo
A ha!
Đâu không là biển cả
Ngại chi ta chẳng chèo.

******

Như vậy là bài thơ có tổng cộng hai câu hỏi, hai câu đáp (khẳng định) và một câu cảm thán được sắp xếp thành bảy dòng, dứt khoát, rõ ràng, rành rọt.
Và cân đối.

Cân đối bởi vì đây là cuộc trò chuyện, là vấn đáp của hai người, giữa hai người, với nhau.

Một người là nhà “sư”, điều này không bàn cãi nữa, vì từ ngay câu đầu, người hỏi đã gọi đích danh:

Sư chèo thuyền đi đâu?

Người đọc thơ hoàn toàn có thể hình dung trong đầu, điểm gặp nhau của hai người này là ngoài bến sông hay cửa biển. Họ có thể tưởng tượng tiếp, nhà sư, với tay chèo đang loay hoay gỡ dây neo thuyền, chuẩn bị ra khơi, thì gặp người hỏi.

Còn tôi, thì khác, tôi nghĩ thế này, không nhất thiết đây là một cuộc trò chuyện giữa người trên bờ và người dưới nước. Dựa vào kiểu hỏi, dựa vào cách hỏi, tôi cảm thấy, có vẻ như, đây là cuộc đối đáp của hai nhà sư. Người hỏi, có thể là bạn đồng tu, bằng vai phải lứa, mà cũng có thể là, trí, bậc, cao hơn.

Người trả lời, tưởng chừng sẽ mắc phải nhiều non nớt, những non nớt của đường tu mới mẻ, ban đầu, nhưng không, chất chứa trong trí óc ấy, tính cách ấy là những thông minh, những mẫn tuệ, sáng láng, ngời ngời.

Người hỏi, giả dụ, giao cho sư mái chèo và chiếc thuyền để ra khơi, tương tợ như, giao cho sư lĩnh một trọng trách nặng nề và khó khăn, thì sư sẽ làm gì?
Sư đáp, không chần chờ:

Ta chèo ra biển cả.

Biển cả, đại dương mênh mông với biết bao điều bí hiểm ẩn chứa, mà nhỏ bé như con người chúng ta đây, làm sao lường hết được. Một thân một mình giữa mênh mông, sâu thẳm, tối đen, với những tai nạn, những hiểm nguy chờ chực, làm sao mà đoán trước. Vậy mà khi được hỏi, rất dứt khoát, không phân vân, không chần chừ, ngần ngừ, trả lời gọn ghẽ: ta chèo ra biển cả.

“Ta chèo ra biển cả” vừa là khẳng định mà cũng vừa là câu hỏi ngược lại, không chèo ra biển cả thì chèo đi đâu bây giờ. Đại từ xưng hô được dùng ở đây - ta, mới mạnh mẽ làm sao; ta - mới dứt khoát làm sao; ta - mới tự chịu trách nhiệm làm sao; ta - chớ còn ai vào đây nữa.

Phía bên kia, dường, uyên thâm và có phần cắc cớ, đã đẩy câu hỏi lên một tầng cao hơn, rộng hơn, sâu hơn, gây sức ép với người được (bị) hỏi:
Đâu không là biển cả

Sao phải nhọc công chèo

Việc đâu cũng đều là việc. Vậy thì hà cớ gì phải nhận cái trách nhiệm nhọc công, nhọc xác ấy chớ?

Thì:

A ha!
Một tiếng buột ra, như tiếng reo, à há, vừa vui sướng vừa thống khoái. Vui sướng vì đây là cuộc trò chuyện lý thú, với người mình thích, mình có phần tôn trọng. Thống khoái vì thấy mình đang bị làm khó, một kiểu làm khó rất thông minh, làm khó rất trí tuệ.

Thì đây, ta trả lời:

Đâu không là biển cả
Ngại chi ta chẳng chèo.

Nếu nói, con đường tu hành chính là con đường ra biển lớn để đến bờ bên kia, thì thay vì ngồi chung trên chuyến thuyền đông đúc, dựa dẫm vào huynh đệ những lúc bão tố, phong ba, làm sao thú vị bằng, làm sao phơi phới bằng, ta, tự mình, điều khiển con thuyền, tay chèo, tay chống.

Đã là nghiệp lực phải mang, vậy thì hãy đối diện với thử thách, đối diện với nguy nan. Tự tu. Tự hành. Tự thệ nguyện.

Tự thệ nguyện phải sang được đến bờ bên kia. Mà muốn qua được thì phải có thuyền, phải tự mình chèo thuyền, thế cho nên, mới gọi là HẠNH NGUYỆN.

******
Đời thật lạ lùng.
 
Đó giờ, cứ tưởng những người viết văn, làm thơ, hẳn phải được đào tạo từ chuyên ngành văn chương, mới có thể.

Nào dè, làm thơ, viết văn rất hay lại là những người làm những công việc thuần khoa học như các kiến trúc sư, các kỹ sư, bác sĩ… .
Và, các vị trong giới tu hành.

Thơ họ giản dị mà uyển chuyển, mộc mạc mà thanh thoát, đơn giản mà trí tuệ, âm trầm mà lộng lẫy.

Phi phàm, quảng bác, thâm viễn, như tôi từng biết, hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, thiền sư Thích Nhất Hạnh, và hôm nay, tôi biết thêm, hòa thượng Viên Minh với
bài thơ HẠNH NGUYỆN.

         Sài Gòn 26.11.2023
             Phạm Hiền Mây