HỌ BÙI - HAI THẾ HỆ, HAI CUỘC ĐỜI,
HAI GIỌNG THƠ - TÀI HOA HIẾM CÓ
HAI GIỌNG THƠ - TÀI HOA HIẾM CÓ
******
BÙI GIÁNG
Ông sinh năm 1926, mất năm 1998, nghĩa là ông góp mặt với cuộc đời này được bảy mươi hai năm.
Năm 1969, ông bắt đầu “điên rực rỡ”. Nói tiếng là điên, nhưng cũng khi này khi nọ, khi bình thường, khi mất trí. Tỉnh hoàn toàn, tính ra, vỏn vẹn cùng trời đất có bốn mươi ba năm.
Chỉ đỗ tú tài hai nhưng ông là tác giả của hơn sáu mươi đầu sách, xuất bản suốt từ 1957 cho đến 1974, bao gồm thơ, nhận định, khảo luận, triết học, tạp văn, dịch thuật. Ngoài ra, ông còn đi dạy học tại một số trường tư thục.
Thật siêu phàm và tài hoa.
Ấy là khi lớn lên, vào đại học rồi, tôi mới nghe danh và tìm đọc các tác phẩm của ông. Chớ hồi còn bé, vào những năm tám mươi, buổi trưa, đi học, ngang qua cầu Trương Minh Giảng, mười lần đủ mười, tôi thấy ông, áo sơ mi trắng ngả màu cháo lòng, quần xà lỏn, tất cả đều rách te tua. Ông choàng cái khăn cũng rách tươm bươm, sau lưng giắt chổi lông gà, trước bụng giắt bó hoa vạn thọ.
Ông đứng múa may quay cuồng, khi giữa cầu, khi dưới chân cầu, phía đại học Vạn Hạnh. Ông chỉ ông trỏ, hai mắt bé tí của ông long lên sòng sọc. Có khi ông vô vai cảnh sát, điều khiển xe cộ qua đường. Có khi ông đóng tuồng, mà cũng không biết tuồng gì, miệng lảm nhảm những câu không ai hiểu. Nhưng lúc nào ông cũng huơ tay, huơ chân, loạn xạ.
Có người bực bõ la ông nhưng cũng có người, chẳng nói gì, chỉ né ông cho được việc. Tôi cũng thế. Tôi sợ ông gần chết. Sợ ông quơ trúng có mà lỗ đầu. Tôi đi nép nép vào thành cầu. Đó là ban đầu thôi. Những lần sau, quen dần, hôm nào không thấy ông, tôi cũng nhớ.
Có khi, ông buồn rầu, ngồi bệt trên vệ cầu. Nhìn mặt ông lúc ấy, thất thần, tội lắm. Chắc ông đói bụng, là tôi đoán vậy. Lúc ấy, đi học, tôi không được má cho tiền, chớ nếu có, thể nào tôi cũng cho ông.
Một vài lần hy hữu, không biết tỉnh hay đang cơn, ông cúi người đặt tay lên ngực, chào tôi như bá tước chào công nương, tại hạ xin mời công chúa bước qua đường.
Lúc ấy, chân cẳng tôi líu quíu, nghĩ, ổng mà nhảy bổ vào mình, chết chắc luôn.
Cái còn lại trong đầu tôi, cho đến bây giờ, sau mấy mươi năm kể từ ngày ấy chính là đôi mắt ông, đôi mắt long lanh, sáng bừng, soi thấu.
Người ta, đa phần, nhắc đến ông là nhắc đến thơ. Thơ ông, tất nhiên, trừ một số ít bài, rất ít bài, đọc lên, vừa khó hiểu vừa ngây ngô, có lẽ ông viết chúng trong những khi không tỉnh táo, còn đa phần, là hay, là xuất sắc. Nhiều câu của ông trở thành ngân nga, thành trò chuyện khi trà dư tửu hậu của người đời sau, ví dụ:
bây giờ riêng đối diện tôi
còn hai con mắt khóc người một con
hay là:
sài gòn chợ lớn rong chơi
đi lên đi xuống đã đời du côn
hoặc:
bây giờ em đứng nơi đâu
cỏ trên mình mẩy em sầu ra sao
Sự thông tuệ trời cho của Bùi Giáng khiến thơ ông tưởng cũ mà lại rất lạ, tưởng bó buộc vần điệu mà lại hết sức tự nhiên, tưởng đường phố mà lại bác học, tưởng bình dân mà lại vô cùng độc đáo.
Ông có nhiều tuyệt tác để đời. So sánh hơn kém giữa các bài với nhau là khập khiễng. Thôi thì không nói hay mà nói thích, trong hàng ngàn bài thơ để lại của ông, tôi thích nhứt là bài này:
CHÀO NGUYÊN XUÂN
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng
Xin chào nhau giữa lúc này
Có ngàn năm đứng ngó cây cối và
Có trời mây xuống lân la
Bên bờ nước có bóng ta bên người
Xin chào nhau giữa bàn tay
Có năm ngón nhỏ phơi bày ngón con
Thưa rằng những ngón thon thon
Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau
Xin chào nhau giữa làn môi
Có hồng tàn lệ khóc đời chửa cam
Thưa rằng bạc mệnh xin kham
Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây
Xin chào nhau giữa bụi đầy
Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu
Hỏi rằng: người ở quê đâu
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà
Hỏi rằng: từ bước chân ra
Vì sao thấy gió dàn xa dặm dài
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đương đợi bước ai đi vào
Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau
Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân.
******
BÙI CHÍ VINH
Bùi Chí Vinh sinh năm 1954. Là tác giả của hàng chục tác phẩm thơ, truyện đã xuất bản. Mà nhiều truyện trong đó, viết cho thiếu nhi, lên tới hàng trăm tập. Hình như, anh còn đóng phim và viết kịch bản phim nữa.
Và cũng hình như, anh từng đoạt giải hội họa thiếu nhi danh giá. Ngoài tài thơ, anh còn tài cầm cọ. Anh từng có triển lãm, và tranh anh, cũng nhận được lắm xuýt xoa khen ngợi từ nhiều giới.
Lăn lộn trong cuộc đời - à, ở đây, tôi dùng chữ “lăn lộn” là bởi vì, ai đọc tiểu sử anh cũng đều biết, anh không chỉ là phóng viên báo, tờ báo lớn nhất ở phía Nam, mà anh, còn từng đi lính; khi cởi áo lính về đời thường, anh làm đủ mọi nghề để kiếm sống, bốc vác, đạp xích lô; thời kỳ này, có nhiều câu chuyện kể về anh, kể tới kể lui, riết, thành giai thoại; ví dụ như, tôi từng nghe, anh đạp xích lô, đạp một hồi, thế nào cũng gặp bạn, bạn anh khắp Sài Gòn mà, bèn quăng cái xe, anh ngồi thù tạc, uống rượu, đọc thơ, xe đi đường xe, anh đi đường anh, cuộc mưu sinh của anh trong những ngày bo bo, khoai sắn, đã khó khăn, càng khó khăn hơn.
Lại nói tiếp, lăn lộn trong giang hồ là như thế nhưng anh vẫn giữ được cho mình những tính cách đáng trọng, đáng quý, trung thực, chân thành, chí tình, và, giọng thơ anh, cũng y hệt.
Y hệt, có nghĩa là, một giọng thơ, xưa nay, khó có. Thơ anh khí khái, trượng phu, ngẩng cao đầu, không biết nói tránh, không e dè, không sợ hãi, và, không ngại ngần đối mặt.
Anh làm thơ rất nhanh, sau mỗi trận đá banh, sau mỗi tin thời sự quốc tế, hoặc các tin tức nóng bỏng của nước nhà. Viết nhanh mà vẫn hay. Thơ chống quân xâm lược thì hào khí ngút trời. Thơ thế sự thì đớn đau phẫn uất. Thơ tình thì ôi thôi, khó nàng nào cầm lòng đậu. Tài như thế nên fan hâm mộ anh, từ bắc chí nam, nhiều vô kể.
Tất cả những gì mà tôi viết nãy giờ về anh đều là do, hoặc bạn bè kể lại, hoặc từng xem, từng đọc trên trang anh - tôi là bạn lâu năm trên facebook của anh mà - chớ thú thiệt, tôi chưa gặp anh ở ngoài đời. Lâu lâu, anh like trang tôi, lâu lâu, anh còm khen, Mây viết thế này hay lắm, anh rất thích.
Ấy là những bài thơ của tôi về cuộc đấu tranh ở HongKong, hoặc những bài về Trường Sa, Hoàng Sa, đại loại vậy.
Lấy ra đây một bài tiêu biểu trong muôn bài thơ anh, thiệt không dễ, vì bài nào cũng hay, bài nào cũng tuyệt tác. Kệ đi, một bài mà tôi thích nhé
ĐẰNG SAU NGỮNG KHẨU HIỆU DỐI TRÁ
Cuộc sống chưa bao giờ an toàn
Dù truyền thông nhà nước mỗi ngày tri hô như con vẹt
Những khẩu hiệu không hề có thật
“Độc lập, Tự do, Hạnh phúc” hoặc “Công bằng, Dân chủ, Văn minh”
Độc lập cái gì mà giặc đến cứ làm thinh
Mất đứt thác Bản Giốc, ải Nam Quan vẫn “bình chân như vại”
Hoàng Sa, Trường Sa giặc tuột quần đứng đái
Mất từ mặt nước đến cao nguyên mà có mắt cứ như mù
Tự do cái gì khi ăm ắp nhà tù
Dân xuống đường đòi tống cổ Formosa là bị tống ngay vào xà lim giam trước
Nghệ sĩ, nhà thơ, tu sĩ, trí thức ra tuyên ngôn chống bọn xâm lược Bắc Kinh là bị bịt mồm cho bằng được
Tự do ăn nhậu điếm đàng thì hoan hô nhưng tự do ăn nói: Đừng hòng!
Hạnh phúc cái gì mà phố xá biến thành sông
Trời không mưa, trong lòng người vẫn ngập
Ngập từ miệng cống ngập rác tối tăm, ngập cho đến những chính sách chủ trương thâm độc
Móc túi nhân dân từ thuế đất, thuế thân cho đến thuế dị thường
Cuộc sống chưa bao giờ an toàn
Dù truyền thông nhà nước mỗi ngày tri hô như con vẹt
Những khẩu hiệu không hề có thật
“Độc lập, Tự do, Hạnh phúc” hoặc “Công bằng, Dân chủ, Văn minh”
Công bằng cái gì khi kẻ đói bị hy sinh
Chín mươi triệu người nghèo làm nền cho ba triệu vua quan trên chóp bu Kim Tự Tháp
Ba triệu suất bỏ trốn ra nước ngoài kèm quốc tịch thứ hai bất chấp chín mươi triệu dân đen tàn mạt
Bầy sói đỏ từ trang sách Victor Hugo tấn công “Những Kẻ Khốn Cùng”
Dân chủ cái gì khi tay cóng, chân run
Từng đoàn dân oan lên kinh thành đòi đất
Ngăn cản kiến nghị đồng bào không xong, chính quyền liền trổ mòi đàn áp
Tội nghiệp những bà mẹ từng lập chiến công giờ chiến bại trước bạo quyền
Văn minh cái gì khi lạc hậu triền miên
Làm vua đáy giếng có khác gì vua ếch
Nhân phẩm đạo đức suy đồi thuộc loại nhất hành tinh mà lý luận cứ bô bô như hát nhép
Dân phải đu dây như xiếc qua sông còn vua quan nằm mơ Vạn Lý Trường Thành
Cuộc sống biết bao giờ mới hết hôi tanh?!
******
Họ Bùi, Bùi Giáng, Bùi Chí Vinh - hai thế hệ, hai cuộc đời, hai giọng thơ - tài hoa, trác tuyệt.
Sài Gòn ngày 20.11.2023
Phạm Hiền Mây
Chia xẻ Từ Facebook Phạm Hiền Mây
Chia xẻ Từ Facebook Phạm Hiền Mây