ĐÊM DƯƠNG CẦM CỦA TRÒ ROBBY
Dịch & Bình dẫn Nguyễn Đại Hoàng
***********
DẪN – Hơn hai mươi năm trước tôi từng kể cho các bạn trẻ nghe câu chuyện về cậu học trò 11 tuổi Robby, mồ côi cha, theo học lớp dương cầm của cô giáo Mildred Hondorf.
Cô giáo cũng chính là người viết lại câu chuyện này.
Source : [ Mildred Hondorf's story of Robby's piano recital | | sidneyherald.com]
Theo nhận định của cô giáo thì cậu hoàn toàn không có năng khiếu âm nhạc, và cũng không đến lớp đều đặn…
Vâng, cô chưa bao giờ có niềm tin vào khả năng của cậu cả! Một chút xíu cũng không!
Vậy mà trong đêm biểu diễn tại trường, cậu đã làm cô giáo và khán phòng phải kinh ngạc và choáng váng vì tiếng đàn của một thiên thần Piano- bản Concerto thứ 21 cung Đô trưởng của Mozart!
Tất cả đến từ tình yêu của Robby dành cho người mẹ vừa mất vào buổi sáng hôm đó!
Người mẹ bằng tình yêu và trực giác của một người mẹ đã cảm nhận được năng khiếu âm nhạc của con trai – điều mà cô giáo chưa nhận ra! Và Robby với tình yêu dành cho người mẹ, đã tạo được kỳ tích!
Cậu đã thực hiện được một điều gần như không thể! Như năm xưa nữ thi sỹ người Anh Elizabeth Barrett Browning (1806 – 1861) từng phát biểu:
Người có tình yêu sâu sắc
luôn tin vào điều không thể
[Who so loves believes the impossible]
-----
Còn bây giờ xin mời quý vị theo dõi câu chuyện:
***********
ĐÊM DƯƠNG CẦM CỦA ROBBY
1.
Kính thưa quý vị, được sự khích lệ của nhiều bạn bè thân hữu, hôm nay tôi xin kể lại câu chuyện sau đây.
Tôi là Mildred Hondorf, cựu giáo viên âm nhạc tại một trường tiểu học ở Des Moises, bang Iowa.
Tôi đã dạy đàn Piano từ hơn 30 năm trước, và qua những năm tháng đó tôi nghiệm ra một điều là - ở trẻ em luôn tiềm ẩn năng khiếu âm nhạc ở nhiều mức độ khác nhau.
Nói cho đúng, thì tôi chưa bao giờ hân hạnh có được một người học trò phi thường, dù đã từng dạy qua một số học sinh tài năng.
Tuy nhiên ở đây tôi cũng xin chia sẻ một điều về những học sinh mà tôi gọi là “musically challenged pupils- tức là những học sinh yêu thích âm nhạc, nhưng không biết hát, và cũng chẳng chơi được nhạc cụ!
Robby là một học sinh như thế.
Khi Robby lần đầu được mẹ - một bà mẹ đơn thân- đưa tới lớp piano thì em đã 11 tuổi.
Nhưng tôi chỉ thích nhận những học sinh- đặc biệt là các em trai - vào học ở tuổi sớm hơn.
Điều này tôi đã giải thích cặn kẽ cho Robby. Nhưng Robby nói rằng em học piano VÌ GIẤC MƠ CỦA MẸ EM LÀ ĐƯỢC NGHE EM ĐÀN.
Vì vậy tôi nhận em vào học.
Thế rồi Robby bắt đầu học piano, nhưng ngay từ đầu tôi đã nghĩ rằng đó là một nỗ lực vô vọng, bởi Robby càng cố gắng thì càng lộ rõ một điều là em thiếu khả năng cảm thụ về âm giai và nhịp điệu căn bản để có thể trở nên xuất sắc.
Nhưng cũng phải nói, em ôn tập rất nghiêm túc về thang âm, và những bài hát sơ đẳng, mà tôi yêu cầu tất cả học sinh đều phải học.
Trải qua nhiều tháng em đã rất cố gắng, trong khi tôi cũng phải cố gắng lắng nghe và khích lệ.
Vào cuối mỗi buổi học trong tuần, em lại nói rằng:
-Vào một ngày nào đó mẹ em sẽ được nghe em chơi đàn!
Nhưng tôi nghĩ, điều đó dường như là chuyện viển vông! Bởi Robby rõ ràng không có năng khiếu bẩm sinh.
Tôi chỉ thấy mẹ Robby từ xa khi bà dẫn con đến lớp, hay đợi con về trong chiếc xe cũ kỹ. Bà luôn vẫy tay và mỉm cười với tôi, chứ chưa bao giờ ghé vào lớp.
Rồi đến một ngày, Robby không đến lớp. Tôi đã định gọi điện cho em, nhưng lại thôi , bởi tôi nghĩ, có lẽ do không có năng khiếu âm nhạc nên Robby đã quyết định bỏ cuộc để theo học một môn khác.
Trong thâm tâm, tôi cũng cảm thấy mừng vì em không đến học nữa, bởi rõ ràng Robby là một quảng cáo không thể nào tồi tệ hơn cho việc dạy đàn của tôi!
2.
Vài tuần sau đó, tôi gửi đến từng nhà học sinh tờ thông báo về buổi biểu diễn piano sắp đến. Và tôi thật sự kinh ngạc khi Robby - cũng biết đến tờ thông báo này, và hỏi tôi rằng:
-Thưa cô, liệu em có thể tham gia biểu diễn được không?
Tôi phải nói khéo rằng, chương trình biểu diễn này chỉ dành cho những học sinh đang theo học, còn Robby đã nghỉ học nên e rằng em không thực sự có phong độ tốt.
Nhưng Robby lại bảo thời gian qua vì mẹ em bệnh nên không ai đưa em đến lớp, nhưng em vẫn tập luyện chuyên cần ở nhà.
Cậu bé ấy CỐ VAN NÀI TRONG NƯỚC MẮT:
-Thưa cô Hondorf ơi…Em rất muốn được tham gia biểu diễn!
Cho đến giờ tôi cũng không biết điều gì đã khiến tôi đồng ý cho phép em tham gia vào buổi biểu diễn đó. Có lẽ là em quá kiên trì hoặc có thể là do có một tiếng nói thần bí nào đó trong trái tim tôi mách bảo với tôi rằng- không sao đâu, mọi việc sẽ ổn thôi!
3.
Cuối cùng thì đêm biểu diễn cũng đến.
Nhà thi đấu của trường chật kín học sinh, có cả cha mẹ, người thân, và bạn bè của chúng ở những trường khác tới dự nữa.
Tôi xếp tiết mục của Robby vào cuối chương trình, ngay trước khi tôi ra chào cảm ơn thính giả để kết thúc trương trình.
Bởi tôi nghĩ dù cậu bé có chơi nhạc tệ đến đâu đi nữa , thì cũng là tiết mục cuối, và tôi có thể cứu lấy tiết mục tệ hại của cậu bằng cách kéo màn sân khấu lại.
…..
Buổi biểu diễn diễn ra suôn sẻ, không có vướng mắc nào. Các học sinh đều biểu diễn tốt. Và rồi cũng đến lúc Robby bước ra sân khấu.
Quần áo em nhăn nheo nhàu nhĩ, còn đầu tóc thì rối bù như thể em đã dùng một cái máy đánh trứng làm bánh- để chải tóc vậy!
Chao ôi, tại sao em ấy lại ăn mặc không giống ai như thế chứ ?- Tôi thầm nghĩ- Tại sao mẹ em lại không chải tóc cho em, nhất là trong một đêm đặc biệt như thế này chứ? ….
Thế rồi Robby kéo cái ghế ngồi đàn ra, và bắt đầu…
4.
Tôi kinh ngạc lùng bùng cả hai tai khi nghe em bé 11 tuổi giới thiệu sẽ trình diễn bản Concerto thứ 21 cung Đô trưởng của Mozart!
Và tôi thực sự không chuẩn bị cho những gì tôi sắp nghe được từ cậu học trò nhỏ bé gầy guộc của tôi ở những phút giây kế tiếp.
Những ngón tay nhỏ nhắn của em lướt trên phím đàn, ôi không phải là lướt, mà chúng như đang mơ màng nhảy múa thanh tao thoăn thoắt trên những phím ngà –
Tiếng đàn cậu bé đi từ du dương đến mạnh mẽ, từ dồn dập đến réo rắt khoan thai tha thiết nồng nàn-điêu luyện.
Những hợp âm chuyển tiếp đặc biệt trong nhạc Mozart được em thể hiện thật tuyệt vời.
Tôi chưa bao giờ nghe một người nào bằng tuổi em, và kể cả lớn hơn em nữa, lại có thể chơi nhạc Mozart hay đến thế!
Sau 6 phút rưỡi, cậu bé kết thúc tiết mục biểu diễn của mình với một âm điệu mà xúc cảm lên đến tột đỉnh mênh mông.
Mọi người trong thính phòng đồng loạt đứng lên vỗ tay nồng nhiệt.
Quá xúc động đến ràn rụa nước mắt tôi chạy lên sân khấu, ôm lấy Robby trong niềm hạnh phúc.
-Cô chưa bao nghe em đàn như thế Robby ạ! Sao mà em chơi hay như vậy được chứ?
Robby nói qua Micro:
-Thưa cô Hondorf, cô nhớ có lần em nói với cô là mẹ em bị bệnh không?
Sự thật là mẹ bị ung thư và mới qua đời vào sáng nay.
Và mẹ còn bị điếc bẩm sinh nữa, vì thế đêm nay là lần đầu tiên mẹ mới được nghe em chơi đàn, nên em muốn biểu diễn thật tuyệt vời đêm nay …
Tối hôm đó không ai trong thính phòng có thể cầm được nước mắt.
Khi những nhân viên ở Ban Công Tác Xã Hội lên sân khấu dắt Robby xuống, tôi thấy ngay cả mắt họ cũng sưng đỏ vì xúc động.
——
Tôi thầm nghĩ đời tôi vui hơn đẹp hơn biết bao nhiêu vì có được người học trò như Robby!
Tôi chưa bao giờ có được một người học trò phi thường kỳ diệu, nhưng tối hôm đó tôi đã trở thành...học trò của Robby!
Vâng em ấy chính là thầy, còn tôi chỉ là trò vì chính em đã dạy tôi về ý nghĩa của kiên trì và tình yêu, về sự tự tin vào bản thân, về việc nắm bắt được cơ hội từ một người nào đó, mà chúng ta không biết vì sao!
HẾT
Nguồn : từ Facebook Anh Dung Hoang