Việt Báo Phỏng dịch theo bài nguyên tác của Nicole Chung từ tạp chí Times
Ocean Vương và Mẹ anh tại công viên Elizabeth Park ở Hartford, Conn., khoảng năm 1992 – Hình gia đình của Ocean Vuong
Tháng Ba 2019, ba tháng trước khi cuốn sách “Một Thoáng Rực Rỡ Chốn Nhân Gian” (On Earth We’re Briefly Gorgeous) của Ocean Vương phát hành, anh gọi cho nhà xuất bản từ bệnh viện: “Tôi không thể nào đi tour ra mắt sách được,” anh nói: “Mẹ tôi bị ung thư. Mọi thứ đều chấm dứt.”
Lần đầu tiên bà Hồng, mẹ anh, vào bệnh viện cấp cứu với cơn đau dữ dội sau lưng, anh không bên cạnh Mẹ. Bệnh viện gởi bà về nhà với dải băng nóng dán sau lưng. Ocean Vương, lúc đó đang sống tại Northampton, Mass., cùng với Peter, đến thăm bà và đưa bà trở lại phòng cấp cứu, lần này, bác sĩ làm thử nghiệm và sau đó báo kết quả bà bị ung thư vú, giai đoạn thứ tư. Ung thư đã di căn vào xương sống, tủy sống của bà.
“Khi đi bệnh viện một mình, Mẹ được cho miếng băng dán người. Khi tôi đi cùng mẹ, nói tiếng Anh, mẹ được đưa vào khoa ung thư,” Vương, 33 tuổi, nói với biên tập viên báo Times, Nicole Chung. Anh nói với giọng đau đớn, nhưng không ngạc nhiên: anh và mẹ anh đã từng trải qua nhiều kinh nghiệm kiểu này sau khi đi tỵ nạn đến sinh sống tại Hoa Kỳ năm 1990. Vương nói: “Tôi nghĩ trong đầu, lại một lần nữa, con phải nói thay mẹ. Con phải nói thay cơn đau của mẹ. Con phải diễn tả mẹ, như một con người. Bởi vì: con người ta không tự nhiên có được đặc quyền này. Và đây là vấn đề chính trong việc chúng ta nhìn và đánh giá người phụ nữ Mỹ gốc Việt như thế nào.”
Ngay cả khi đã trở thành một nhà thơ và tác giả nổi tiếng, Vương biết rằng anh có thể dựa vào đặc quyền được nhìn thấy và nghe thấy chỉ trong một số bối cảnh nhất định. Khi anh đến lấy thẻ ID tại trường đại học UMass Amherst, nơi anh dạy học, một phụ nữ da trắng hỏi anh có nói được tiếng Anh không. “Cô ấy lẽ ra có thể kiểm xem hồ sơ của tôi để thấy rằng tôi là giáo sư khoa Anh văn,” anh nói, giọng gần như thích thú. “Nhưng tôi không là nghĩa lý gì cho đến khi sự nghiệp của tôi khiến tôi trở nên có nghĩa lý. Khi bước vào một chương trình thi ca, tôi là Ocean Vuong, người sẽ đọc thơ — Tôi bước qua một số bức màn mật mã mà người Mỹ gốc Á thường bị che phủ khiến họ trở nên vô hình, nhưng tôi qua được tấm màn này chỉ trong bối cảnh này. Và đây là một đặc ân bảo bọc không dành cho những người Mỹ gốc Á khác… những người như mẹ tôi, đang làm việc trong một tiệm làm móng tay.”
Sau khi Mẹ anh bị ung thư, anh nói, “tất cả tan biến hết”: Tour ra mắt sách, phát hành sách, cuốn tiểu này có nghĩa lý gì cho sự nghiệp viết lách. Ocean Vuong là ai? Tôi không biết. Không ai biết, trong bốn bức tường bệnh viện. Những con chữ đầy sức mạnh không làm được trò trống gì khi mẹ của bạn đang dần chết chỉ vài bước sát bên bạn.”
Tháng Sáu năm đó, căn bệnh ung thư của mẹ anh tạm thời được điều trị bằng liệu pháp hormone, Vương cuối cùng cũng có thể tham gia tour ra mắt sách khắp nơi. Cuốn Sách Một Thoáng Rực Rỡ Chốn Nhân Gian của anh ngay lập tức đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất trong danh sách của tạp chí New York Times. Chúng tôi, một nhóm bạn hữu người Việt tại quận Cam gặp Ocean Vương tại buổi ra mắt sách ở Los Angeles vào tháng Sáu năm 2019, giọng anh đầy lạc quan, tin tưởng Mẹ anh sẽ qua khỏi cơn bệnh. Anh hẹn chúng tôi sẽ xuống Little Sài Gòn ra mắt sách tại Việt Báo vào dịp Tết Nguyên Đán sắp tới.
Khi Vương xuất hiện trên chương trình phỏng vấn truyền hình của Seth Meyers, mẹ anh xem từ nhà, gọi cho anh nước mắt ràn rụa vì anh đã nói tiếng Việt vào cuối chương trình. Nhưng đến tháng Chín, ung thư đã di căn khắp cơ thể bà, bà không thở được. Bà mất vào ngày 2 tháng Mười Một, chỉ 2 tháng trước khi Ocean Vương có hẹn với chúng tôi đưa bà về Little Sài Gòn để Bà được bên cạnh anh trong buổi ra mắt sách ở Việt Báo ngay giữa cộng đồng người Việt, nói tiếng Việt, và để “Mẹ được nghe Khánh Ly hát live”, anh nói.
… hãy ngưng viết
về mẹ của anh, họ khuyên
nhưng tôi không làm sao bỏ đi
nụ Hồng nở thẳm như chính miệng tôi
đỏ hồng…
Vương đã dốc sức vào tập thơ mới Time Is a Mother (Thời Gian là Một Người Mẹ) trong thời gian anh để tang Mẹ, giữa một thế giới chìm sâu trong đại dịch —“Tôi đang đắm mình trong đau khổ, cả thế giới đang đau khổ, và điều duy nhất tôi có được là trở lại với thi ca.” Tập thơ là chứng nhân của tình yêu, sự mất mát, và tổn thương theo một ý niệm mà người đọc có thể cảm nhận một cách sâu đậm vào lúc này; như một cuộc truy tìm về ý nghĩa và sự thật của đời sống được tái tạo bằng khổ đau. Vương nói rằng đây là cuốn sách duy nhất anh viết và hãnh diện về nó, bởi vì anh không nhượng bộ bất cứ điều gì. Anh nghĩ rằng điều này là do việc anh mất Mẹ gây ra.
“Mọi thứ tôi viết đều vì Mẹ. Tôi đi học vì Mẹ, tôi đi làm vì Mẹ -- Mẹ là nguồn trở về,” anh nói. “Khi nguồn sống đó bị tước đoạt, tôi không còn điều gì khác để hướng về. Và vì vậy rốt cuộc tôi viết cho bản thân tôi.”
Nhà thơ Ocean Vương
Ocean Vương lên 2 tuổi khi gia đình anh rời khỏi Việt Nam, một trong những ký ức thời thơ ấu của anh là những hình ảnh từ căn hộ mà gia đình anh sinh sống ở đường Franklin Avenue tại Hartford. Anh có thể tả lại bất cứ thứ gì về những căn phòng đó, âm thanh và những người sống trong đó, căn phòng ngủ anh ở chung với sáu người khác. “Chúng tôi chỉ có rất ít,” anh nói, “nhưng tôi luôn có cảm giác an toàn hồi đó, bởi vì tôi được bao bọc quanh những tiếng nói Việt.”
Anh bắt đầu học tiếng Anh khi vào mẫu giáo. Vào năm học lớp bốn, anh viết bài thơ đầu tiên, bài thơ mà anh bị thầy giáo quy tội đạo văn – vì thầy giáo không tin rằng anh có thể viết nó. Nhưng sau đó, anh để ý thấy thầy giáo của anh bắt đầu chú ý đến anh, thỉnh thoảng còn giúp anh đánh máy bài học trên máy điện toán của trường. “Tôi nghiệm ra rằng việc tôi tập trung đặt DNA của trí óc mình lên tờ giấy đã khiến một người đàn ông da trắng tôn trọng mình,” anh nói. “Điều này khiến tôi cảm thấy vừa nguy hiểm vừa uy quyền.”
… bạn đọc tôi đã
đạo văn cuộc đời tôi
để cho bạn những gì tốt đẹp nhất
của tôi…
Vương nói anh trở thành nhà văn bởi vì anh thấy mình có “quá nhiều giới hạn”. Anh liệt kê chúng ra: anh dễ dàng bị hoảng sợ; anh bị chứng khó đọc; đối với anh công việc giấy tờ và “những ghi nhận cuộc sống” đầy những thách thức khó khăn; anh chống chọi với chứng nghiện thuốc. Anh tin rằng một số trong những chứng này liên quan đến phản ứng đối với những chấn thương, cuộc sống và bản năng di truyền. “Giới hạn” nào khác? Anh cười nói: “Tôi không thể gượng ép giả tạo”. Đó là lý do anh bỏ dở chương trình Tiếp Thị Quốc Tế tại Pace University ở New York City, nơi anh đi học với mục đích kiếm tiền để giúp Mẹ — “một vị thế mà rất nhiều trẻ em di dân đặt mình vào — chúng tôi trì hoãn giấc mơ của mình để làm những công việc thiết thực.” Anh bỏngang ngành này khi nhận ra anh đang học “cách nói láo để kiếm tiền cho các đại công ty.” “Nếu trái tim tôi không đặt ở đó, tôi không thể làm điều đó, phải không? Có lẽ vì vậy mà tôi không viết nhiều bản nháp — vì đến khi tôi đặt bút vào trang giấy, trái tim tôi đã đặt hoàn toàn vào đó. Điều này cũng là một giới hạn, nhưng cũng thế, nó cũng là điều giúp tôi đạt đến vị trí ngày hôm nay.”
Xấu hổ khi trở về nhà tay trắng, Vương làm việc trong một quán cà phê, ngủ trên ghế sofa của bạn bè, dành những giờ rảnh rỗi của mình tại Thư viện công cộng New York, và ghi danh vào Đại học Brooklyn để học văn chương. Những bài thơ được trình bày tại các đêm đọc thơ đã tìm được đường vào các trang sách. Anh đoạt học bổng danh giá và tốt nghiệp thạc sĩ văn chương MFA tại Đại học New York; xuất bản tập thơ “Bầu Trời Đêm và Vết Thương Mở” được giới phê bình đánh giá cao, giành được Giải thưởng Whiting và phần thưởng tài chánh trợ cấp "thiên tài" của giải danh tiếng MacArthur. Vương gọi sự nghiệp của mình là "những ngẫu nhiên ở từng ngã rẽ", nhưng cũng rõ ràng rằng có rất nhiều đoạn đường mà anh lẽ ra phải từ bỏ công việc viết lách của mình nhưng anh đã không làm thế.
Những tác phẩm của anh đôi khi bị cho là “một chủ đề nhạy cảm” đối với gia đình anh, những người không hoàn toàn hiểu được đời sống của một nhà thơ. Anh nghi rằng Mẹ anh, người không biết đọc, không cố gắng đọc bởi vì những khó khăn này sẽ khiến cho khoảng cách giữa bà và con trai bà trở nên phức tạp hơn. Nhưng khi anh đến thăm và đọc cho bà – không đọc những bài thơ của anh – mà đọc một tạp chí nào đó – bà sẽ bắt mọi người trong gia đình giữ im lặng: “Suỵt – Ocean đang đọc kìa.”
“Giống như ma thuật, một cánh cổng dẫn đến một thế giới khác - dẫn đến thành công, quyền uy - mà Bà không thể hiểu được,” Ocean Vương nói. “Mẹ không hỏi gì tôi về điều này, nhưng bà nói, OK, tốt: cứ làm như thế, cứ đọc sách của con, mãi mãi như thế. Miễn là con đang duy trì chính mình. Con là người đầu tiên (trong gia đình này) có thể làm điều này.”
Khi tham dự các buổi đọc sách của Anh, Mẹ anh không bao giờ nhìn Anh, Bà sẽ đặt vị trí ghế của của bà ở hướng mà bà có thể nhìn thấy toàn bộ khán giả đang nhìn con trai của bà. “Bà đọc phản ứng của họ trong lúc Tôi đang đọc tác phẩm của tôi, và rồi bà nói, ‘Mẹ hiểu rồi, Mẹ không biết con đang nói điều gì, nhưng Mẹ có thể nhìn thấy khuôn mặt của họ thay đổi khi con cất tiếng. Mẹ có thể cảm nhận được những gì đang xảy ra ở thế giới này.” Giọng anh cố ý diễn đạt cảm giác tuyệt vời mà Mẹ anh đang cảm nhận. “Tôi nhận ra điều Mẹ đang dạy cho tôi. Là một người phụ nữ da màu, một người phụ nữ Á C hâu, trong thế giới này, Mẹ dạy tôi cách thức để ý và đọc những gì xảy ra xung quanh mình. Cách đọc khuôn mặt, cử chỉ, giọng nói của người khác. Mẹ dạy cho tôi cách đọc những thứ mà ngôn ngữ không diễn tả được.”
Vương bắt đầu viết bài thơ mà anh gọi là “Sườn” của tập thơ “Time Is a Mother, “Dear Rose” sau khi hoàn tất bản nháp thứ ba của cuốn tiểu thuyết, một phần vì sự quan trọng đối với anh trong việc trở lại với thi ca. “Tôi nghĩ: điều gì sẽ xảy ra nếu tôi thử viết lại cuốn tiểu thuyết này như một bài thơ? Tôi chưa bao giờ tin rằng bạn viết một cuốn sách và rồi bạn xong việc. Tôi luôn có cảm giác rằng các chủ đề của chúng ta là vô tận, và công việc của chúng ta là tiếp tục dựng nên các mảng kiến trúc cho những đam mê ám ảnh này. Ai có thể nói rằng một cuốn tiểu thuyết, hay 35 bài thơ trong Bầu Trời Đêm, có thể diễn đạt hết những trăn trở lớn lao về tình yêu, thương tổn, di dân, nhận diện người Mỹ, khổ đau của người Mỹ, lịch sử của người Mỹ?”
Một phiên bản của “Dear Rose”— tên của Mẹ anh, Hồng, có ý nghĩa màu hồng hay hoa hồng —xuất hiện trên trang sách của Harper vào năm 2017, hai năm trước khi bà qua đời. Trong tập thơ Time Is a Mother, tên bà một lần nữa sống dậy, với những hàng mở đầu khác:
Hãy để con bắt đầu một lần nữa ngay bây giờ khi
Mẹ đã đi rồi, Mẹ ơi
nếu Mẹ đang đọc những dòng này thì Mẹ sống mãi
sống hoài ở đây …
Ocean Vương không xa lạ gì với đau khổ mất mát —trước khi mất mẹ, anh mất bạn bè vì nạn thuốc phiện; anh mất ông cậu thân thiết vì tự tử; anh mất bà ngoại. Viết về “những cái chết riêng tư,” như anh thường nói, là một sự khai triển những tác phẩm anh đã luôn thực hiện: xem xét hậu quả của chấn thương, chiến tranh, loạn lạc, những cái chết hàng loạt. “Là một người Mỹ gốc Á lưu vong, bạn biết điều này: khi bạn nhìn vào những chiến cuộc ở Việt Nam, Đại Hàn, bạn nhìn thấy những thây ma trông giống như bạn,” anh nói. “Thương lượng với cái chết trong ý thức của chính mình là điều mà rất nhiều nhà văn Á Châu và các nhà văn da màu khác phải đối diện. Và vì thế đau khổ mất mát có thể hiển hiện trong những gì tôi viết —nhưng không phải bài thơ nào của tôi cũng thương tiếc, nhưng chúng bị ám ảnh bởi những cái chết không thể tránh, và vì vậy tính khẩn cấp và ngay cả niềm vui trong những bài thơ này đều lọc qua ý thức về sự kết thúc của chúng ta. Vào những ngày tương đối khá, đó cũng là cách tôi sống,” anh nói và cười, “dù đôi khi tôi thoáng quên đi.”
“Anh ta sẵn sàng viết về những điều khó khăn cùng với những tổn thương, và anh không chỉ quan tâm diễn tả về những điều này – dù chúng là nỗi đau hay thương tiếc, mất mát hay sự nghiện ngập hay loạn lạc – mà anh để tâm vào việc diễn tả về cảm xúc những điều này gây ra, và phát họa cho thấy con đường phía trước sẽ ra sao,” Tác Giả Bryan Washing nói. “Là một tác giả đồng tính da màu, Tôi biết rõ làm điều này khó đến mức nào, và biết bao nhiêu điều phân tích lợi hại khiến người ta không làm thế.”
Tác giả Tommy Orange cũng là một người hâm mộ khác: “Vẻ đẹp trong cách sử dụng ngôn ngữ của Ocean là điều tác động đến tôi nhất, sự kết hợp giữa ngôn ngữ và cách phân tích nhận diện bản sắc người Mỹ… sự thông minh, sâu sắc và lòng từ tâm thể hiện trong các tác phẩm của anh ta phù hợp với lối viết của anh ấy, và tôi cho rằng điều này thật quý hiếm.”
Vuong nói anh rất hãnh diện về cuốn sách này bởi vì anh viết nó một cách tự do, thoải mái, theo đúng trí tò mò và hoài bão của mình. “Nhiều hài hước hơn, sâu sắc hơn, và vững chãi hơn,” anh nói. “Cuốn sách này hoàn toàn là của tôi – Tôi hoàn toàn ở đây. Điều này tự nó cảm giác vừa giống như một cái chết, lại vừa là một điều đáng sống… Liệu tôi đã ngừng lớn khôn? Đây có phải là đỉnh cao?”
Trong cuộc đối thoại Vương nói về công việc giảng dạy của mình, về thực hành viết lách, về những điều anh muốn thử qua. Anh cho xem cuốn sổ tay Nhật Bản của anh và giải thích vì sao anh muốn viết bằng tay: “Nếu bạn muốn viết một câu, bạn sẽ viết nhanh hơn nhiều với máy điện toán. Với việc viết tay, cho đến lúc bạn đặt bút viết đến cuối câu, hay đâu đó giữa câu, bạn sẽ nhận thấy mình chậm lại — và bây giờ sẽ có những khúc quay ngược lại; những ý tưởng khác đến trong đầu. Bạn có thể hướng tới nơi nào khác? Còn rất nhiều điều bạn có thể khám phá.” Người viết bài này cho rằng nếu anh vẫn tiến tới, theo đuổi những khám phá mới trong mỗi câu, anh hẳn chưa đến đỉnh, và anh gật đầu: “Hy vọng là thế.”
Sau khi thắng giải Whiting, Vương nghĩ rằng: Mình sẽ mua cho Mẹ một căn nhà. Và mặc dù anh giờ đây không còn có thể cho mẹ một căn nhà nữa, anh luôn nghĩ về gia đình, những người thân họ hàng và những người thân yêu không họ hàng, và ý nghĩa của việc xây một đời sống xung quanh họ. Anh nói anh và Peter mới mua một căn nhà ở Massachusetts, với không gian đủ cho một đại gia đình: “Anh em tôi có thể dọn vào đây. Khi có con cái, gia đình họ có thể sống ở đây. Khi dì tôi già, bà có thể dọn vào ở đây. Bạn bè tôi—đa số bọn họ là nghệ sĩ, những người da màu đồng tính — có thể đến để đây trú ngụ.” Những dự tính cho đi hay trả lại cho cộng đồng đã cưu mang anh khi anh còn là một thi sĩ nghèo thật gây ấn tượng, và rõ là tâm anh quay trở về xa hơn thế nữa, về lại thời ấu thơ sum vầy bên gia đình, với Mẹ, nói bằng ngôn ngữ Mẹ đẻ của Mẹ. “Tôi nghĩ tôi vẫn hy vọng sống lại những ngày này bằng cách nào đó,” anh nói. “Tôi muốn sau này gia đình mình sẽ như thế nào? Tôi muốn xây dựng cuộc sống mình ra sao với những khả năng hiện có? Tôi muốn tạo ra một nơi chốn mà những người thân yêu của tôi cảm thấy thoải mái và OK ở đó. Đây là thứ mà cuộc sống tôi đã dạy tôi.”
Hòa Bình Lê phỏng dịch & ghi chép theo bài trên Tạp Chí Times của Nicole Chung