Nov 21, 2024

Biên khảo

Hàn Mặc Tử - Mộng Cầm Bích Khê Và Lầu Ông Hoàng Phan Thiết
Nhất Uyên Phạm Trọng Chánh * đăng lúc 11:19:12 AM, Nov 21, 2023 * Số lần xem: 298
Hình ảnh
#1
#2
#3
#4

HÀN MẶC TỬ - MỘNG CẦM 
BÍCH KHÊ VÀ LẦU ÔNG HOÀNG PHAN THIẾT


NHẤT UYÊN PHẠM TRỌNG CHÁNH
(Tiến Sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris Sorbonne) 
☆ ☆ ☆

 
Hàn Mặc Tử trong bài thơ Phan Thiết Phan Thiết, có địa danh Lầu Ông Hoàng, nhà thơ  gợi thi hứng  tạo nên một huyền thoại nửa hư nửa thực về mối tình mình với Mộng Cầm . Lầu Ông Hoàng do ai xây dựng ? Ông Hoàng là ai ? Hàn Mặc Tử làm gì khi đến Phan Thiết, mối quan hệ Hàn Mặc Tử- Mộng Cầm , tình bạn tri âm tri kỷ với thi sĩ Bích Khê ?  Mộng Cầm là cháu của Bích Khê. Hàn Mặc Tử bệnh phong cùi mất năm 28 tuổi, và Bích Khê bị lao phổi mất 30 tuổi, hai thi sĩ chết khi nửa đời chưa qua hết, những ngày cuối đời trong đau đớn nghiệt ngã bệnh tật nhưng để lại những vần thơ tuyệt đẹp và lạ lùng, bao thế hệ sau còn bàn tán xôn xao. Thơ Điên, thơ Loạn hay thơ những thiên tài, hai vì sao băng lóe sáng trên bầu trời thi ca Việt Nam rồi chợt tắt.
 
Tôi sinh ra và sống suốt tuổi thiếu niên tại Phan Thiết, trước khi lên đường du học tại  u Châu. Lầu Ông Hoàng là nơi tôi thường đến chơi cùng bè bạn, dấu chân tôi đi qua những nền gạch cũ, tầng hầm Lầu Ông Hoàng, bên cạnh tháp chàm Po Sah Inư, cách  nơi đây hơn 50 năm cũng chỉ còn sót lại những khóm bông giấy, cây cảnh mọc chen lẫn với cây cỏ dại hoang vu. Hai nhà thơ đã qua đời từ lâu. Tôi chỉ còn gặp bà Mộng Cầm, bà trở thành phu nhân của một nhà hóa học, có phòng thí nghiệm phân chất đạm nước mắm, tôi thường được gặp bà nơi này. Bây giờ bà cũng đã thành người thiên cổ nằm bên mộ chồng trong nghĩa trang Lầu Ông Hoàng. Chỉ còn những bài thơ Hàn Mặc Tử và Bích Khê tôi thuộc nằm lòng từ tuổi thanh xuân.
 
PHAN THIẾT  PHAN THIẾT
 
« Nhớ khi xưa ta là chim phượng hoàng
Vỗ cánh bay chín tầng trời cao ngất..
Bay từ Đao Lỵ đến trời Đâu Suất,
Và lùa theo không biết mấy là hương..
Lúc đằng vân gặp ánh sáng chận đường,
Chạm tiếng nhạc, va nhầm thơ thiên cổ..
Ta lôi đình thấy trăng sao liền mổ :
Trăng tan tành rơi xuống một cù lao,
Sao tan tành rơi xuống vũng chiêm bao
Hóa đài điện đã rất nên tráng lệ.
Ở ngôi cao, ngước mắt ra ngoài bể
Phong lưu ghê, sang trọng chẳng vừa chi.
Ta mê man như ở chốn Phụng trì,
Ở đây mãi không về Thiên cung nữa.
Như phép lạ ! có một vì tiên nữ
Hao hao như nường nguyệt cõi Đào nguyên,
Ta đắm mê trong ánh sáng trần duyên
Và van lạy xin cô nường kết ngãi,
Mỉa mai thay cho phượng hoàng si dại.
Là ta đây đương ở kiếp muôn chim...
Trở lại Trời tu luyện với muôn đêm,
Hớp tinh khí lâu năm thành chánh quả.
Ta trở nên như ngọc đàng kim mã
Rất hào hoa phong vận : Người Thơ..
Ta là trai khí huyết ước ao mơ
Người thục nữ sinh giữa thời vô thượng.
Rồi ngây dại nhờ thất tinh chỉ hướng,
Ta lang thang tìm tới chốn lầu trang :
Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang,
Nơi đã khóc đã yêu thương da diết..
Ôi trời ôi ! Là Phan Thiết ! Phan Thiết !
Mà tang thương còn lại mãnh trăng rơi..
Ta đến nơi - nường ấy vắng lâu rồi
Nghĩa đã chết từ muôn trăng thế kỷ
Trăng vàng ngọc, trăng ân tình chưa phỉ !
Ta nhìn trăng khôn xiết ngậm ngùi trăng
Ta vãi tung thơ lên tận sông Hằng
Thơ phép tắc bỗng kêu rêu thống thiết.
Hỡi Phan Thiết ! Phan Thiết !
Mi là nơi ta chôn hận nghìn thu
Mi là nơi ta sầu muộn ngất ngư. »
 
Bài thơ này Hàn Mặc Tử không dùng các hình ảnh trong Thánh Kinh, chương Khải Huyền, hay ngôn ngữ của Dante trong Thần Khúc Comédie Divine về cõi Thiên Đường, mà bằng ngôn ngữ, hình ảnh các quan niệm siêu hình trong Phật Giáo : cõi Trời Đao Lỵ, cõi Trời Đâu Suất, tu thành chánh quả, kiếp chim phượng hoàng, sông Hằng, giai nhân như nường nguyệt chốn Đào nguyên, nàng tiên không bất tử như trong các chuyện thần tiên mà đã chết từ muôn trăng thế kỷ, khi phượng hoàng tu thành chánh quả làm kiếp người : Người Thơ. Hàn Mặc Tử đã sáng tạo ra những ngôn ngữ mới như Phụng Trì, một cõi thiên đường của Hàn Mạc Tử, trong ngôn ngữ Phật Giáo có chữ trì địa, là nơi đất lành cõi Phật, thế thì Phụng trì hay Phượng Trì là nơi đất lành chim phượng hoàng ở. Nguyễn Bá Tín trong sách “Hàn Mạc Tử anh tôi”, cho biết, ông cùng anh đi xem phim Hồng Kong, thấy cô gái gọi người tình : phụng trì! phụng trì !  m thanh tiếng gọi làm Hàn Mặc Tử thích quá nhắc hoài đem hai chữ này vào thi ca mình.
 
Ông Hoàng là ai mà xây dựng một lầu trang tại Phan Thiết ?
 
Lầu Ông Hoàng do Ferdinand d ́Orléans (1884-1924) xây dựng. Ông sinh ngày 9 tháng 9 năm 1884 tại lâu đài Eu, vùng Normandie phía Bắc nước Pháp, và mất ngày 30 tháng giêng năm 1924 tại Puy de Dôme. Cha ông là Philippe d ́ Orléans và mẹ là Marie Isabelle d ́ Orléans. Ông là con thứ có hai anh là Philippe d ́ Orléans và Louis
d ́ Orléans. Tại nhiều lâu đài vùng sông Loire còn nhiều tranh chân dung vẽ gia đình ông. Ông cố là vua Louis-Philippe Đệ Nhất. Ông nội là Antoine d ́ Orléans (1824-1890) con thứ nhà vua, cùng mang tước Duc de Montpensier, người đầu tiên dòng Capétienne d ́Orléans, lập nên nhánh Orléans-Bourbon còn gọi là Orléans-Gallera, được vua cha xem là người có tài năng và bản lĩnh mạnh mẽ nhất trong các con nhà vua. Ông được Adélaide d ́ Orléans em vua Louis-Philippe Đệ Nhất để lại cho gia tài trở thành chủ nhân điện Matignon  năm 1822-1848, là dinh Thủ Tướng nước Pháp ngày nay. Ông là người giàu có, có nhiều dinh thự tại Pháp và Tây Ban Nha. Do đó cháu nội ông Ferdinand
d ́ Orléans được thừa hưởng nhiều gia tài.
 
Năm 1911,  Công tước  De Montpensier, Ferdinand d ́ Orléans đi du lịch  và săn bắn sang Đông Dương ông dừng chân tại Phan Thiết, thích thú trước ngọn đồi, ông mua lại mảnh đất rộng 536 m vuông cạnh Tháp Chàm Po Sah Inư 100m về hướng nam. Ông bỏ ra 82 ngàn đồng Đông Dương, món tiền khá lớn thời bấy giờ, để xây dựng một lầu trang khởi công ngày 21-2-1911 và hoàn thành 13 phòng rộng nhiều tiện nghi, có máy phát điện riêng dưới tầng hầm, và bể chứa nước mưa dùng cho cả năm. Hàn Mặc Tử gọi đây là lầu trang đúng ý nghĩa, vì đây không phải là lâu đài như các lâu đài nước Pháp, hàng chục hàng trăm phòng, nhưng lớn hơn một biệt thự, dã thự.
 
Đồi cao 105 m cách mặt nước biển, cách trung tâm Phan Thiết 7km, đồi xưa người Chăm gọi là đồi Bài Nài, người Việt đổi tên thành Phố Hải rồi Phú Hài, đồi còn gọi tên là đồi Ngọc Lâm.
 
Bình Thuận là nơi mưa thuận gió hòa, có ruộng đất rộng rãi phì nhiêu hơn các tỉnh khác miền Trung, nơi qui tụ dòng hải lưu nên thường được mùa cá, ăn không hết cá phơi khô, làm nước mắm. Nước mắm Phan Thiết sản xuất nhiều hơn cả các vùng khác, thời Pháp thuộc và thời VNCH nước mắm Phan Thiết bán đi khắp các miền đất nước, ghe bầu Phan Thiết đến các chuyến xe lửa, xe hàng chở nước mắm đi khắp nơi. 

Bình Thuận là vùng đất An Nam, còn thuộc triều đình Huế, sau khi Nam Kỳ Lục Tỉnh trở thành thuộc địa trực trị. Phan Thiết trở thành nơi tị nạn các nho sĩ Nam Kỳ.
 
  Trên đồi Lầu Ông Hoàng còn có khu mộ hai danh nhân Phan Thiết thời vua Tự Đức. là cụ Nguyễn Thông và cụ Trần Thiện Chánh. Cụ Nguyễn Thông làm Doanh Điền Sứ Bình Thuận, chỉ huy đoàn thám hiểm vùng cao nguyên phía trên Bình Thuận và dòng sông La Ngà từ Bà Rịa, Bình Thuận ra đến Bình Định, tìm đất khẩn hoang lập làng xóm khai khẩn ruộng nương. Ông lập Ngọa Du Sào đời con ông là Nguyễn Trọng Lợi (1879-1911), Nguyễn Quý Anh (1881-1938) cùng các ông Nguyễn Hiệt Chi, Trần Đình Phiên, Trần Lệ Chất, Hồ Tá Bang (1875-1943). Ngô Văn Nhượng. lập nên Dục Thanh Học Hiệu, Liên Thành Thương Quán, Liên Thành Thi Xã.. Đây là nơi tiếp đón các cụ Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng sau vụ Trường Thi Bình Định phát tán các bài  Chí thành thông thánh, Lương sơn minh ngọc, họ về Phan Thiết cùng Nguyễn Quý Anh, nơi đây họ diễn thuyết cổ động : Khai dân trí, Chấn dân khí và Chấn hưng công thương nghiệp.  
 
Trần Thiện Chánh Tri Phủ Hàm Thuận, người từng bán cả gia tài để mộ  5000 quân chống Pháp đánh trận 18 thôn Vườn Trầu Sài Gòn, ông từng làm đến chức Phó Đô Đỏc Thủy Quân. Khi Pháp chiếm Nam Kỳ Nguyễn Thông cùng Trần Thiện Chánh ra Phan Thiết lập Đồng Châu Xã. Trần Thiện Chánh là ông cố của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh người sáng tác bản Hàn Mặc Tử : « Đường lên dốc đá lối xưa hai người đã một lần đến, Lầu Ông Hoàng đó lối xưa chân Hàn Mặc Tử đã đi qua.. »
 
Nguyễn Thông và Trần Thiện Chánh còn là những nhà thơ chữ Hán danh tiếng.
 
  Lầu Ông Hoàng ngôi lầu trang hai tầng đầu tiên của thành phố Phan Thiết, phía trước có phòng vào hình vòng cung  chung quanh có vườn hàng hiên trồng nhiều bông giấy. Khoảng năm 1974 tôi có tìm ra tại Pháp bức ảnh biệt thự Lầu Ông Hoàng, tôi gửi về cho nhà văn Lê Hương để anh viết bài, nhưng tiếc rằng anh bị tai nạn xe gắn máy và mất sau đó, tôi lại không chụp lại bản sao hình ngôi biệt thự thật đáng tiếc.
 
Có chuyện kể rằng Duc de Montpensier khi về Pháp để lại lâu đài cho một tình nhân, bà này ngoại tình và bị bắn chết tại Sài Gòn, nguyên nhân không biết thực hư thế nào, có người cho rằng ông ghen tuông mướn người ám sát, nhưng Duc de Montpensier không hề bị buộc tội. Do đó mà Hàn Mặc Tử viết hai câu : « Lầu Ông Hoàng người thiên hạ đồn vang, Nơi đã khóc một yêu thương da diết.. »
Tháng 7 năm 1917 biệt thự được bán cho một chủ khách sạn người Pháp tên Prasette, ông này xây dựng khách sạn Ngọc Lâm bên cạnh và về sau Lầu Ông Hoàng được vua Bảo Đại mua lại.
 
Năm 1947, Pháp cho xây dựng nhiều đồn bót để canh gát. Lầu Ông Hoàng diễn ra nhiều trận đánh ác liệt, toàn bộ biệt thự, khách sạn khu Lầu Ông Hoàng bị phá hủy chỉ còn nền gạch. Ngôi tháp còn lại ngày nay chỉ là một lầu canh mới xây dựng.
 
    
HÀN MẶC TỬ (1912-1940)
 
Hàn Mặc Tử cùng Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên được người đương thời gọi là “Bàn Thành tứ hữu”, bốn người bạn thành Đồ Bàn, họ tự gọi là Trường Thơ Loạn.
Gốc họ Phạm ở Thanh Hóa, ông cố là Phạm Chương vì liên quan quốc sự bị truy nã, Người con trai là Phạm Bồi đến Thừa Thiên, Huế đổi theo họ mẹ là họ Nguyễn. Sinh ông Nguyễn Văn Toản lấy vợ là Nguyễn Thị Duy con danh y Nguyễn Long, ngự y đời Tự Đức sinh hạ 8 người con mang tên Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Hiếu, Hiền, Thảo.
Anh cả  Nguyễn Bá Nhân (nhà thơ Mộng Châu) người dìu dắt Hàn Mặc Tử trên đường thơ văn.

Hàn Mặc Tử là người thứ tư, tên thật là Nguyễn Trọng Trí. Em kế là Nguyễn Bá Tín người cải táng Hàn Mặc Tử từ Quy Hoà ra Ghềnh Ráng ngày 13-2-1959 và viết quyển Hàn Mặc Tử anh tôi.

Sinh làng Lệ Mỹ, Đồng Hới, Quảng Bình. Cha làm Chủ sự Thương Chánh. Nhật Lệ, Hàn Mặc Tử theo cha đi học tại nhiều nơi.
1920 Học Tiểu học tại Sa Kỳ.
1921-1923 học tại Quy Nhơn, Bồng Sơn.
1924 học tại Sa Kỳ.
1926 sau khi cụ thân sinh mất, được mẹ cho đi học trường Pellerin Huế.
Gia đình theo đạo Công Giáo và ông được rửa tội tại nhà thờ Tam Tòa, tên thánh là Phêrô Phanxico.

Làm thơ từ năm 16 tuổi lấy hiệu Phong Trần và Lệ Thanh.

Năm 1936.  21 tuổi ông làm Sở Đạc Điền tại Sài Gòn, ông còn làm phóng viên báo Công Luận và phụ trách tờ phụ trương Trong Khuê Phòng, Ông đổi bút hiệu là Hàn Mạc Tử là chàng trai sau bức rèm lạnh lẽo. Bạn bè thân bảo ông vẽ thêm mặt trăng khuyết vào bức rèm lạnh lẽo để lột tả con người trước thiên nhiên. Từ đó Hàn Mạc Tử thành Hàn Mặc Tử là chàng trai của bút nghiên. Mộng Cầm ở Phan Thiết thường gửi thơ đăng báo, hai người bắt đầu trao đổi thư từ.
 
Sáng tác Hàn Mặc Tử gồm có”
- Lệ Thanh thi tập. Thơ Đường Luật.
- Gái Quê. 1936
- Thơ Điên hay Đau Thương gồm ba tập Hương Thơm, Mật Đắng, Máu Cuồng và Hồn Điên. 1938
- Xuân Như Ý
-Thượng Thanh Khí
- Cẩm Châu Duyên
- Duyên Kỳ Ngộ kịch thơ 1939
- Quần Tiên Hội Kịch thơ viết dang dỡ 1940
- Chơi Giữa Mùa Trăng. Thơ văn xuôi.
Ngoài ra còn có một số bài phóng sự, tạp văn, văn tế..
 
  Trong thơ Hàn Mặc Tử có nhắc đến các người thơ: Kim Cúc, Mộng Cầm, Ngọc Sương, Thương Thương và Mai Đình nhưng sự thật chỉ có Mộng Cầm là tình yêu thực sự được đáp lời. Hai người có thư từ cho nhau, hứa hẹn, cùng đi chơi với nhau, Mộng Cầm có xin để tang cho người anh Hàn Mặc Tử mất. Nhưng ngày xưa lễ giáo nho phong rất nặng, nề nếp tình yêu không vượt ra tầm lễ giáo.

Còn những hình bóng giai nhân khác. Bài Đây Thôn Vỹ Dạ nhắc đến “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”, người Hàn Mặc Tử thầm yêu trộm nhớ khi học ở Huế là Hoàng Cúc, Hoàng thị Kim Cúc về sau trở thành một nhà hoạt động nổi tiếng trong phong trào Phật Giáo miền Trung và tổ chức Gia Đình Phật Tử. Hoàng thị Kim Cúc có viết sách dạy nấu các món ăn chay. Tình yêu Hàn Mặc Tử không được đáp lại có lẽ vì lý do tôn giáo hai gia đình.
 
Khi Hàn Mặc Tử khổ sở vì bệnh và tình. Bích Khê ra thăm tặng chàng bức ảnh Bích Khê chụp chung với chị Ngọc Sương và giới thiệu chị chàng cũng hiểu văn chương và thích thơ Hàn Mặc Tử. Hàn Mặc Tử viết bài Người Ngọc :
 
Ta đề chữ Ngọc trên đầu lệ,
Sương ở cung thềm gió chẳng thôi.
Tình ta khuấy mãi không thành khối,
Nư giận đòi phen phải cắn môi.
 
Khi biết chuyện ấy Ngọc Sương đã yêu cầu em chấm dứt cái trò mai mối ấy.
 
Trường hợp Thương Thương có nhắc trong thơ Hàn Mặc Tử cũng thế, một người bạn lấy tên Thương Thương đứa cháu, để làm hình ảnh an ủi bạn.
 
Ngày 11-11-1940 Bích Khê như người mất hồn vì sự ra đi của Hàn Mặc Tử. Trường thơ Loạn cùng Chế Lan Viên, Yến Lan cũng tan rã sau khi Bích Khê qua đời năm 1946. Chế Lan Viên tự đổi mới bỏ đi những ngôn ngữ lưu luyến dân Hời của Điêu Tàn. Yến Lan tiếp tục con đường Loạn bị tơi bời trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm, cả Văn Cao giới thiệu thơ Yến Lan cũng chịu chung số phận.
 

                BÍCH KHÊ (1916-1946)
 
Bích Khê tên thật là Lê Quang Lương, sinh ngày 24-5-1916 tại Phước Lộc, Sơn Tịnh và mất năm 1946 tại Thu Xà, Tư Nghĩa tỉnh Quảng Ngãi, con thứ 9 trong một gia đình nho học. Ông nội là Lê Trọng Khanh đổ Cử Nhân thời Tự Đức thứ 21 (1868) làm quan đến chức Viên Ngoại Lang, Viện Cơ Mật, ông cáo quan về nhà trước những suy sụp triều đình, Khi Đại thần Nguyễn Thân đem quân đánh phá phong trào Cần Vương của Phan Đình Phùng, Nguyễn Thân ép ông làm Tham Biện Sơn Phòng Nghĩa Định, ông đã tuẩn tiết để khỏi cộng tác với Nguyễn Thân. Cha ông là Lê Quang Dục tham gia phong trào Đông Du và Đông Kinh Nghĩa Thục.

Bích Khê học tiểu học ở Phước Lộc và Đồng Hới, học trung học tại Huế và ra Hà Nội học Ban Tú Tài.

Năm 1931, 15 tuổi nhờ ảnh hưởng gia đình Bích Khê làm thơ Đường Luật và Ca Trù. Đăng báo Tiếng Dân (Huế) và Phụ Nữ Tân Văn được các bậc túc nho ca ngợi.
Năm 1934 Bích Khê cùng chị Ngọc Sương vào Phan Thiết.

Người anh rể tương lai của Bích Khê, là Lạc Nhân đang làm Tổng Thư Ký tòa soạn báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng, vào Phan Thiết với mối liên hệ lâu đời với nhóm chủ trương trường Dục Thanh và Công Ty Liên Thành. Lạc Nhân mở trường Quảng Thuận Nghĩa Thục, Bích Khê cùng dạy nơi này. Chị Ngọc Sương là người quản lý.
Trường được tín nhiệm học trò đông, để đáp lại lời yêu cầu của một số học sinh lớn tuổi  trường mở thêm lớp học tối do Lạc Nhân và Bích Khê đảm trách.
 
Những người yêu Bích Khê trong thơ mang tên Song Châu trong tập thơ Tinh Huyết. Là cô học trò nhỏ: “có đôi mắt say sưa,  làn da trắng mịn và dáng điệu mảnh khảnh yêu kiều”.  Bích Thủy là người quen biết gặp nhà người anh cả ở Mũi Né nhưng rồi lại xa nhau khi Bích Khê trở về Qui Nhơn.
 
Trong số những người lớp học tối tại Phan Thiết có nàng Ngọc Kiều. Ngọc Kiều có gương mặt hiền lành và đôi mắt buồn mơ. Bích Khê và Ngọc Kiều mến phục nhau và yêu nhau tha thiết. Một đêm trăng rằm Bích Khê cùng chị đi dạo bãi biển Phan Thiết. Ngồi trên cát trắng Bích Khê viết mấy vần thơ thổ lộ cùng chị :
 
Chị ơi trời sáng màu xanh
Tình trăng sống dậy trên cành hoa tươi
Nói ra xin chị chớ cười
Tình này đẹp lắm hơn mười tình xưa.
 
  Chàng nhờ chị viết thư cho mẹ vào sắp đặt hôn nhân. Nhưng gia đình Ngọc Kiều lại từ chối vì đã hứa gả nàng cho con một phú thương, Kết quả ngang trái là Ngọc Kiều trở nên điên loạn và đòi quyên sinh. Cả gia đình muốn bảo vệ tính mang con đành mời chị Ngọc Sương đến để ưng thuận. Nhưng việc không thể ngờ là chính Bích Khê lại từ chối. Điểm chính là lòng tự ái của thi nhân thà chịu đau khổ cho mối tình dang dở chứ không để danh dự người con trai bị xem thường. Từ dạo ấy thơ Bích Khê tuôn lai láng thương khóc cho thân phận mình và Ngọc Kiều, tiếc thay một phần thơ văn bị thất lạc trong chiến tranh và bị thiêu rụi trong một trận cháy nhà. Chị Ngọc Sương chỉ còn nhớ một đoạn Bích Khê khuyên Ngọc Kiều lấy chồng :
 
Hạnh phúc ngoài trời nhiều vẻ đẹp
Em đừng bận bịu ái ân xưa
Lòng anh chẳng muốn cho em phải
Lẻ tẻ chân trời bóng nhạn thưa.
 
Những ngày cuối đời tại Qui Nhơn, bệnh tình Bích Khê trở nặng, Ngọc Kiều từ Đồng Nai có ra thăm Bích Khê. Nhìn thân hình tiều tụy, Ngọc Kiều chỉ nói được câu : “Chúng ta nhớ em là gái có chồng”.  Rồi hai người nhìn nhau mà khóc. Cuộc viếng thăm Ngọc Kiều là phương thuốc hồi dương lần cuối, nhưng sau đó Bích Khê đóng cửa khóc cho cuộc tình vĩnh biệt.
 
Trường Nghĩa Thuận được hai năm thì bị đóng cửa và  và rồi được mở cửa lại đổi tên là Hồng Đức, lần thứ hai Lạc Nhân cùng vợ bị trục xuất về Nghĩa Bình. Bích Khê bị bệnh phổi sau khi điều trị trở về sống trên núi Thiên  ́n Quảng Ngãi và ngược xuôi trên một chiếc thuyền trên sông Sa Kỳ-Trà Khúc.
 
Bích Khê viết hàng trăm bài thơ đường luật, và hai tập thơ mới Tinh Huyết, Tinh Hoa. Lúc sinh thời Tinh Huyết được Hoàng Trọng Miên một người bạn xuất bản tại Hà Nội năm 1939. Và năm 1988 Sở Thông Tin Văn Hoá  Nghĩa Bình xuất bản do Chế Lan Viên sưu tầm và tuyển chọn.
 
Lúc bấy giờ phong trào Thơ Mới phát khởi, Thơ Cũ vẫn còn được nhiều người ưa thích. Bích Khê có khá nhiều bạn tri âm, hầu hết là độc giả Tiếng Dân và Phụ Nữ Tân Văn.
 
Bích Khê làm thơ Đường Luật dễ dàng và cũng rất thích các thể lục bát, song thất lục bát, ca trù. Bước vào Thơ Mới, Bích Khê đọc thơ Pháp và tìm đủ mọi cách để sáng tạo thi ca. Nhưng thơ bán không ai mua, thơ chỉ là cái nghiệp chứ không phải là nghề, “Đã mang lấy nghiệp vào thân” người thơ phải gian nan đau khổ vì thơ.
 
Học hết Cao đẳng tiểu học Bích Khê ra Hà Nội học Ban Tú Tài năm 1932-1933.  Bích Khê biết tiếng Hàn Mặc Tử, nhưng biết tiếng thôi. Tập Gái Quê của Hàn Mạc Tử làm Bích Khê bất mãn:

- “Chỉ hai bài đáng gọi là thơ là Tình Quê và Bẽn Lẽn. Còn bao nhiêu nên phó cho Thần Chúc Đăng.”

Năm 1935 Mộng Cầm có đưa Hàn Mặc Tử đến thăm Bích Khê, cũng chỉ thăm xã giao qua loa mà thôi.

Năm 1937 lúc Bích Khê ở Phan Thiết, Mộng Cầm đưa cho cậu xem những bài Thơ Mới của Hàn Mặc Tử sáng tác sau Gái Quê thì  Khê than :

- Hàn Mặc Tử là một thiên tài và đi trước ta xa quá. Từ đấy Bích Khê mới bắt đầu giao thiệp Hàn Mặc Tử bằng thư từ. Trước kia hai người chỉ đọc thơ nhau trên báo Tiếng Dân và Phụ Nữ Tân Văn. Cả hai cùng được các cụ túc nho yêu mến, nhưng họ không ưa nhau. Từ đó tình bạn giữa Hàn Mặc Tử và Bích Khê càng thắm thiết.

Năm 1938 Bích Khê gửi cho Hàn Mặc Tử nhiều bài thơ và bị gửi trả lại với lời lẽ kiêu khích, mỉa mai cốt làm chàng tức. Bích Khê xé nát tập thơ đó và thề : “Trong 6 tháng ta sẽ trở nên thi sĩ phi thường, bằng không sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện làm thi sĩ nữa”. Ngờ đâu sự hằn học của chàng đã bật nẩy thiên tài, chỉ trong vòng 3 tháng chàng viết được tập thơ bằng máu huyết tinh túy và châu lệ. Bích Khê say sưa đắm đuối với tâm hồn thơ.

Sau khi đóng cửa trường học tại Phan Thiết, Bích Khê đến Quy Nhơn thăm Hàn Mặc Tử và ở lại chơi vài ngày. Hàn Mặc Tử đọc tập thơ và viết tựa cho Tinh Huyết. Cuối năm 1939, tập thơ Tinh Huyết do Hàn Mặc Tử đề tựa đã gây nên một tiếng vang trong dư luận.               
 
HÀN MẶC TỬ
TỰA TẬP TINH HUYẾT
 
Ở Sọ người cũng như ở Tranh lõa thể sự trần truồng dâm đãng đã nhường lại cho ý vị nên thơ, của hương, của nhạc, của trăng, của tuyết. Quả nhiên là một sự không khen thanh tao quá đến ngọt lịm cả người cả thơ :
 
Dáng lầm xuân uốn trong tranh Tố nữ
Ô tiên nương, nàng lại ngự nơi nầy ?
Nàng ở mô ? Xiêm áo bỏ đâu đây
Đến triển lãm cả tấm thân kiều diễm ?
Nàng là tuyết, hay da nàng tuyết điểm
Nàng là hương, hay nhan sắc lên hương ?
Mắt người châu rung ánh sóng nghê thường
Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc
Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc
Vài chút trăng say đọng ở làn môi.
 
Trực giác của thi sĩ mạnh quá đến nỗi thấy nhan sắc lên hương, thấy cả sóng nghê thường đang nao nao gợn, và so sánh hai hàng nước mắt trong trắng của nàng là hai chiếc đũa ngọc. Và thấy mái tóc u huyền xinh như mùa thu mươn mướt, thi nhân bảo đấy là đêm đang ngủ mơ.
 
Nếu chẳng phải là một nghệ thuật siêu thần, thi nhân làm sao đưa đến một nguồn sống phong tình mà thanh khiết cho giai nhân ? Để có cái ma lực huyền diệu cám dỗ được ngũ quan của người trần…
 
Sự say mê, tìm kiếm những nguồn hoa lạc vô biên đã dần dần đẩy thi nhân vào bờ bến của huyền diệu. Ở đấy, sự mường tượng của thi nhân lại dồi dào hơn nữa, người ta chỉ gặp âm thanh đương ngả ngớn.. và muôn thứ xạ hương bay lẳng lơ trong lồng nhạc, trong khi có hằng hà sa số là ánh hào quang va vào hồn hoa, chạm nhầm không khí lạ. Không có sự say đắm nào ở phương xa, hay sự mong nhớ nào cách biệt mà không đến đây để sum vầy, gây nên cảnh tượng đoàn viên của một mùa thơ, mùa trăng bát ngát.
 
Ở địa hạt Huyền Diệu, ta thấy thi nhân chú trọng về âm thanh và màu sắc. Trong khiêu nói đến nhạc, thi nhân nghĩ đến ngay những cung cầm chơi vơi, âm điệu rung động cả không gian. Vì bởi mê man đến sự “nhẹ nhàng, nhịp nhàng thở đều trong sương”, thi nhân đã sáng tạo được rất nhiều bản ca thần tình diễm ảo. Và nhạc lúc bấy giờ cũng không còn là nhạc nữa. Nó đã bay ra hương, ra hoa, ra thơm, ra mát, ra ngọt, ra ngào. Ra gì mê tơi run rẩy hay âm thầm nức nở, lanh lảnh như giọng cười, mơn man như ân tình đòi hỏi :
 
..Tôi qua tim nàng vay du dương,
Tôi mang lên lầu lên cung Thương
Tôi không bao giờ thôi yêu nàng
Tình lang tôi nghe như tình lang.
 
Buồn lưu cây đào xin hơi xuân
Buồn sang cây tùng thăm đông quân
Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi ! Vàng rơi ! Thu mênh mông!
 
Đây cả một trời yêu thương da diết, một trời tương tư, một trời âm hưởng buồn não buồn nê :
Vàng rơi ! Vàng rơi !Thu mênh mông!
 
Thi nhân kéo ta đi lướt thướt trong cõi u hoài, đằm thắm từ những bản đàn xôn xao hồi hộp như Tỳ Bà, Mộng Cầm Ca, Hoàng Hoa, sang qua một thế giới hào quang, gây cho ta một nhạc điệu hiền hậu và ngọt ngào vô cùng đến tê cả lưỡi và hàm răng :
 
Ôi nắng vàng thơm rung rinh điệu ngọc
Những cánh hồng đơm, những cánh hồng đơm
Nhẹ nhàng, nhịp nhàng thở đều trong sương.
Màu trăng không gian như gờn gợn sóng
Từ ở phương mô nhạn mang thơ về.
Đàn thơ cơ hồ lên cung âm điệu
Đây giây trinh bạch khóc nức trong mơ.
Đây hồn ngọc thạch xanh xao như tờ
Ô ! côi lầu mấy ánh gì kim cương
Áo nàng thơ ngây nao nao nghê thường.
Thơ bay, thơ bay vô bàn tay ngà,
Thơ ngà ngà say, thơ ngà ngà say
Nàng ơi, đừng động có nhạc trong  giây
Nhạc gây hoa mộng, nhạc ngát trời mây
Nhạc lên cung hường, nhac vô đào động
Ô nàng tiên nương – hớp nhạc đầy hương.
 
Đấy là một lối sáng tạo, bỏ vần chữ thứ tư (vần giữa) ta đọc đến những câu :
… Nhẹ nhàng nhịp nhàng thở đều trong sương
… Đây hồn ngọc thạch xanh xao như tờ
… Thơ ngà ngà say, thơ ngà ngà say
… Ô nàng tiên nương - hớp nhạc đầy hương
 
Phải chăng ta thấy sóng âm thanh xao gợn, nổi trôi, lên xuống như muôn hoa trong gió lùa.
Lời thơ rất thanh, ngạt ngào những tình ý say sưa, mát mẻ, phổi ta, tim ta, hồn ta, nở nang ra, háo hức một mối lương duyên kỳ ngộ.
 
Tác giả khéo dừng hơn (césure) và hạ vận ở chữ thứ tư, làm cho câu thơ nửa như riêng tây, nửa như thuận hòa…
 
Chưa hết đâu, thi sĩ Bích Khê vốn là tay sành âm nhạc, đã nghe những bản đàn Tây như valse, menâtes, sérénate, marche… đã từng lĩnh hội và thiệp liệp đến thể cách văn thơ Thái tây, nên am hiểu một cách thông minh những lối sáng kiến từ điệu…
 
Và đây là một đoạn thơ, phảng phất như âm điệu bài “Réversibilité” và “Harmonie du soir” của Beaudelaire hay bài “Féerie” của Valéry :
 
Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trăng
Của gương hồ im lặng tợ bài thơ.
Chân nhịp nhàng, lòng nghe hương nàng nặng
Đây bài thơ không tiếng của đêm tơ.
Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trăng
Của hồn thu đi lạc ở trong mơ.
 
 Âm  thanh là một nửa tinh thần, anh hoa của thế giới Huyền Diệu. Còn một nửa khác phải là màu sắc phương phi của khí thiêng hun đúc, rạng rỡ cả một trời lưu ly, mã não, trân châu. Hình như đã lâu lắm, chàng thi nhân có cái ý niệm bao quát, tân kỳ, đem mình ví với một hiện tượng luôn luôn ấp ủ những khói mây huyền ảo.
 
Màu sắc như ta đã thấy trong các thi phẩm đông tây đều gồm có hai tính cách :
- Màu sắc cụ tượng
- Màu sắc trừu tượng.
 
Màu sắc cụ tượng thì lộ nguyên hình bằng bản chất của nó, như gấm, như hoa, mà ta rờ được, nắm được với đôi tay (palpable), còn màu sắc trừu tượng là thứ gì nửa thực, nửa hư, nghe, thấy, biết mà không làm chủ được nó, ví dụ : ánh sángm hương thơm, nhạc vui, không gian, thanh khí…

Màu sắc cụ tượng rất dễ tim, dễ kiếm, trái lại màu sắc trừu tượng rất khó sáng tạo, vì đây là cái đẹp của thơ, và phải có con mặt của thi nhân, của một kẻ siêu phàm, thoát tục mới nhận thấy hết cái đẹp thiêng liêng, phép tắc ấy, và mới thấu triệt hết tinh hoa của nó. Với màu sắc trừu tượng, thi nhân có cái công phu làm cho trở nên cụ tượng ?  nghĩa là có thể nắm được một nạm hào quang, lùa một không gian vào vạt áo, dồn kinh cầu nguyện về phương Nam, cho hai tiếng sáo đuổi nhau là là… Bắt cái vô hình trở nên hữu hình, khiến cái chết trở nên sống, cho vật. Câm không còn là câm nữa.

Đấy là tất cả nghệ thuật và trí tưởng tượng phi thường của thi nhân, nếu thi nhân là một thiên tài ! Bích Khê đã tỏ cho chúng ta thấy chàng xứng đáng với hai chữ thiên tài ấy :
 
Ôi cặp mắt đa tình ngời sắc kiếm !
Một bàn chân ve vuốt một bàn chân
Mát làm sao, mát rợn cả châu thân
Máu ứ lại máu dồn lên giữa ngực
Ôi ! Thớ  thịt có đàn lên cung bực.
 
Bằng những chữ cụ tượng như cặp mắt, bàn chân, châu thân, ngực, thớ thịt, rất tầm thường không gợi cho ta được một sự rung động tân kỳ nào cả, mà thi sĩ đã khéo đưa cho chúng một nguồn cảm giác tinh thần khiến đôi mắt ngời lên ánh kiếm, bàn chân được ve vuốt, châu thân mát rợn lên và thớ thịt có đàn lên cung bực.
 
Và đây là những màu sắc mầu nhiệm mà trí người thường không tạo được :
 
Lầu ai ánh gì như lưu ly ?
Nụ cười ai trắng như hoa lê ?
Thủy tinh ai để lòng gương hồ ?
Không gian xa cừ hay san hô ?
 
Khi Hàn Mặc Tử còn sống tác phẩm của ông đã được xuất bản có: Gái quê. Tân Dân Hà Nội 1936 tựa của Phạm Văn Ký. Thơ Hàn Mạc Tử . Đông Phương Hà Nội 1942 tranh vẽ của Phạm Tú.
 
Một số lớn thi ca Hàn Mặc Tử được Quách Tấn gìn giữ, sao nhiều bản gửi Bộ Giáo dục Nam Triều thời đó và nhiều bạn bè, nhưng chiến tranh đã làm thất lạc nhiều tài liệu.
 
Hàn Mặc Tử nhuốm bệnh từ năm 1936, 24 tuổi khi tinh hoa đang phát tiết; “Khi biết mình mang bệnh hiểm nghèo, Tử hết sức đau đớn, đau đớn đến phát điên. Thường ngày những cơn thác loạn nổi dậy, khi nhiều khi ít. Những ngày rồi ngày, nỗi đau khổ hết phát hiện ra ngoài một cách bồng bột, thì lại ăn sâu vào tâm hồn và ngấm ngầm nung nấu nạn nhân, nung nấu đến tột độ. Hàn Mạc Tử nhiều lần mô tả những đau đớn : “Thịt da tôi sượng sần và tê điếng. Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên.”

Bên cạnh những hành hạ của bệnh trạng Hàn Mặc Tử còn sống trong cảnh nghèo túng và tuyệt vọng vì tình. Trong thư gửi Trần Thanh Mại ông viết: “Hiện nay Trí về tạm ở nhà. Cái nguyên nhân là không tiền uống thuốc”. “Bữa nay Trí xuống nhà bà thầy thuốc rồi. Có một mái nhà nắng dọi nhiều quá. Cả chiều nếu ở trong nhà thì phải đội mũ”. 
 
Thời ấy chưa tìm ra vi trùng Hassen của bệnh phong cùi, phương thuốc Bắc của người Việt thời ấy chỉ là làm mát, trục xuất những đau nhức, phong hàn. Người có tiền thì mài vàng mà uống, phương thuốc ấy lại càng chết mau lẹ hơn.
 
Bệnh phong cùi do vi khuẩn Hansen (Mycobacterium Leprae) gây ra, da nổi dát da trắng, đỏ và tổn thương các dây thần kinh gây một cảm giác tê liệt ở tay chân. Nếu không được điều trị đúng cách biến chứng nghiêm trọng sẽ xãy ra gây biến dạng cơ thể, tàn tật. Bệnh phong cùi làm liệt tay chân, loét lòng bàn chân, co rụt biến dạng ngón tay ngón chân do tiêu xương, mắt hở không nhắm lại được..Bệnh lây truyền qua đường hô hắp, mỗi ngày người bệnh phóng ra 100 triệu vi khuẩn Hansen. Bệnh phong cùi xuất hiện từ 600 năm trước công nguyên, thời đó người ta giam người cùi trong các thung lũng riêng. Ngày nay phong cùi còn hoành hành trong các quốc gia nhiệt đới và cận nhiệt đới. Biết được bệnh trạng bệnh phong cùi ta biết được sự đau khổ của Hàn Mặc Tử mỗi ngày. Nếu Hàn Mặc Tử không chữa bằng các phương thuốc Bắc mà đến chữa tại bệnh viện phong cùi Quy Hòa, có lẽ Hàn Mặc Tử sẽ sống lâu hơn.
 
Việc Hàn Mặc Tử cho rằng, ông bị phong cùi khi cùng Mộng Cầm đi qua một khu mộ mới trên đồi Lầu Ông Hoàng, bà Mộng Cầm trả lời tại sao Hàn Mặc Tử bị mà bà không bị bệnh.
 
Trong nỗi khốn khổ ấy Hàn Mặc Tử tìm an ủi trong nguồn đạo, nhà thơ kể lại một ngày của mình: “Lại đọc kinh, lại ngâm thơ, lại làm thơ, lại nhớ, lại nằm. Buổi tối khi ăn xong, cũng vừa đi bách bộ vừa ngâm thơ một cách sung sướng nhất đời. Cả ngày chỉ ngâm thơ và đọc kinh là nhiều hơn cả. Ngày nào cũng như ngày ấy, không thấy buồn lắm, và ngày nào cũng mong mỏi một cái gì.”(Trần Thanh Mại tr 120).
 
Chứng bệnh phong cùi hiểm nghèo đã đem đến cho Hàn Mặc Tử nhiều thi tứ cao siêu, thanh thoát, như một vùng trú ẩn cần thiết cho cõi linh hồn đau khổ triền miên, khi căn bệnh hành hạ.

Theo thư một người bạn thân kể lại: “Hai mắt nằm lọt vào hai lỗ hũm sâu hoắm, đến không còn mở ra được. Thân hình chỉ còn da bọc lấy xương, chân tay thì co rút lại mà tóc bù rối trết lại từng về trong ấy nhô nhúc những chí là chí” (thư ông NV Xê đề tại Quy Hoà ngày 25-6-1941) bệnh phong cùi thuở ấy chưa có thuốc chữa, những ngón tay chân rụng dần, không có gì thê thảm bằng hình ảnh băng hoại đó nhưng Hàn Mặc Tử can đảm chịu đựng, vui vẻ chịu đựng là khác: “Tuy cực khổ thế mà tôi vẫn an vui, ngày nào cũng có cười cả. Nếu không cười với ai thì cười một mình, xem như thú vị không biết mấy”  (Trần Thanh Mại sđd tr 121). Tại trại hủi Qui Hòa, tỉnh Qui Nhơn, Hàn Mặc Tử trút linh hồn ngày 11 tháng 11 năm 1940, hưởng dương 28 tuổi. Cái chết yểu của ông là một thiệt thòi lớn cho nền văn học đất nước, vì ông được coi như một nguồn thơ tinh khôi kỳ lạ bậc nhất trong thi sử Việt Nam hiện đại. Mộ ông ngày nay ở Gềnh Ráng Qui Nhơn.
 
Và Bích Khê có một bài thơ viết về Hàn Mặc Tử
 
       HÀN MẶC TỬ
 
Bóng nào nhợt như ma
Khắp châu thân hổn hển
Huyền hồ nhìn không ra
Lưu luyến đường thiết tha
Chờm chờm trên giường bệnh ?
Bóng nào nhợt như ma
Khắp châu thân thấp thểnh
Huyền hồ nhìn không ra ?
 
Hay là tôi hóa hai
Đã chết đi một nửa
Hay là trời ban mai
Bị mù sương vây bủa
Làm buồng ngập hoàng hôn
Ảnh hưởng tới linh hồn
Tiều tụy :
Hiện ra hình ủy mị ?
 
Bóng nào trắng dần ra,
Trên đầu đơm vòng hoa
Khắp thân in màu tuyết
Trong trẻo và diễm tuyệt
Tơ tơ gần như nguyệt
Biếc biếc gần như thu
Đều qui trên nét mặt
 
Hoàng hôn phai mờ sắc
Buồng ban mai trắng ra
Ôi, ôi không là ma
Đừng nhìn trong ý tứ
Quạnh quẽ  nhận không ra
Gần rồi không còn xa :
Hàn Mặc Tử !
Châu lệ thắm tình say
Gặp gỡ có hôm nay
Chiêm bao ngày liền ngay
Ngoài mình ai mà hay ?
“Anh ơi từ đ̣âu đến ?
Em buồn em đang bệnh
Anh ơi sao ra hai
Huyền hồ trong phôi thai ?
Hóa thân trong phương phi
Người em rày mệt quá
Mà nay gặp cố tri
Hai tay đây rả rả ?
Dìu lấy cùng nhau đi,”
 
Nức nở ra hơi hương
Dìu dịu tỏa trong buồng
“Anh ơi tôi mới đến
Là hiện thân của bệnh
Quằn quại đau xót xa
Máu mủ nhìn không ra
Giờ phương phi ! Phương phi !
Là hình thơ tinh vi
Là hình thơ qui y
Mướt trong màu tuyết vẽ
Hai ta đều quạnh quẽ
Đứt ruột thương nhớ nhau
Nấn ná sẽ lìa nhau
Chiêm bao còn thấy nhau,”
 
Rùng mình ta nhìn ra
Huyền hồ đà như ma
Ôi không phải là ma
Gần sao mà còn xa
Lại đâu là quê nhà
Hàn Mặc Tử ! Hàn Mặc Tử !
Qui Hòa ! Qui Hòa !
 
BÍCH KHÊ
 
            
            MỘNG CẦM (1917-2007)
 
Mộng Cầm tên thật là Huỳnh Thị Nghệ sinh  ngày 17-7-1917,  và mất  ngày 27-7-2007 tại Phan Thiết thọ 91 tuổi. Nguyên quán tại Đức Phổ, Quảng Ngãi cha bà ra làm việc tại Nghệ An và sinh bà tại đó. Bà Mộng Cầm là cháu gọi Bích Khê bằng cậu, bà được gửi về nhà trọ người thân ở Phan Thiết học lớp Pleine Exercice.  Huỳnh Thị Nghệ đọc thơ cậu Bích Khê, trong tập Tinh Huyết có bài thơ Mộng Cầm Ca, thích quá nên lấy bút hiệu là Mộng Cầm, Mộng Cầm cũng làm thơ và gửi đăng trên báo Trong Thư Phòng do Hàn Mặc Tử phụ trách. Bài Mộng Cầm Ca có nhắc tên Ngọc Kiều, một cô gái Phan Thiết học trò trường Quảng Thuận, Bích Khê dạy học. Bài Muôn năm sầu thảm Hàn Mặc Tử có nhắc tên bà : “Nghệ hỡi Nghệ muôn năm sầu thảm”, nhiều ấn bản sửa thành “Nàng hỡi nàng muôn năm sầu thảm.”
 
MỘNG CẦM
 
Đây bát ngát và thơm như sữa lúa
Nhựa đương lên : sức mạnh của lòng thương
Mùi tô hợp quyện trong tơ trăng lụa.
Đây dạ lan hương, đây đỉnh trầm hương
Đây bát ngát và thơm như sữa lúa
Hồn xạ hương phơ phất ở trong sương.
 
Không gian tơ – không gian tơ gợn sóng
 m thanh gì sắp sửa.. Ngọc Kiều ơi !
Hay hơi thở của hoa hồng mơ mộng
Hay buồn đêm rào rạt – ứ muôn nơi ?
Không gian tơ – Không gian tơ gợn sóng
Ngọc Kiều ơi ! Hồn đến bến xa khơi !
 
Níu cho ta, cho ta muôn yến nguyệt
Ngọc Kiều ơi, nầy khúc Lạc Mai Hoa
Suối tóc mát, nhúng trong vùng mộng tuyết.
Ta đê mê, ta gảy điệu Tỳ Bà
Níu cho ta, cho ta muôn yến nguyệt
Còn đây em, này khúc Mộng Cầm Ca.
……………
Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng
Của gương hồ im lặng tợ bài thơ.
Chân nhịp nhàng lòng nghe hương nằng nặng
Đây bài thơ không tiếng của đêm tơ.
Trăng gây vàng, vàng gây nên sắc trắng
Của hồn thu đi lạc ở trong mơ..
Người cho ta một thanh gươm rất sắc
Ồ vung lên.. cắt mạch nguyệt vàng xanh
Xẻ mạch trời – mây xô sao răng rắc
Phanh mạch đêm, hương vỡ, ứa ngầm tinh !
Người cho ta một thanh gươm rất sắc
Ta điên rồ .. múa giữa áng bình minh.
 
BÍCH KHÊ (1916-1946)
 
Hàn Mặc Tử thường từ Sài Gòn đáp chuyến tàu suốt ra thăm Bích Khê và Mộng Cầm, Mộng Cầm được Bích Khê cho ra dạy lớp vỡ lòng tại trường Quảng Thuận sau đổi tên là trường Hồng Đức, do đó thứ bảy nào Hàn Mặc Tử cũng có mặt tại Phan Thiết, và chiều chủ nhật lại vào Sài Gòn. Trong một dịp đi chơi Lầu Ông Hoàng chàng thổ lộ tâm tình cùng Mộng Cầm. Sau khi Hàn Mặc Tử qua đời năm 1942, Mộng Cầm lập gia đình cùng nhà hóa học Hồ Lộng Địch, bà có 7 người con.
 
Theo bài viết của người chị Lê Ngọc Sương trong tập thơ Bích Khê. Bích Khê không chỉ sáng tác tìm kiếm những nguồn thơ Tây Phương Beaudelaire, Edgar Poe, Valéry.. để cách tân thơ Mới mà còn dịch thuật. Ông dịch cả quyển Retour de L ́ U.R.S.S của André Gide. André Gide là một văn hào cận đại nước Pháp, đảng viên đảng Cộng Sản Pháp, ông có danh dự là một trong những người đầu tiên được mời sang Liên Xô thời Stalin. Trở về ông viết quyển này về những điều mắt thấy tai nghe. Không ai tin điều ông viết, ông rời đảng. Việc Bích Khê dịch André Gide cho ta thấy Bích Khê không chỉ sống khép kín trong thi ca, mà còn thông hiểu những biến chuyển sâu xa của thế giới, ánh hào quang việc xây dựng một thiên đường trần thế bằng việc tiêu diệt các thế lực phản động, không làm Bích Khê lóa mắt. Sách dịch của Bích Khê chưa hề được in ra, nhưng đồn đại đã có những lời kết án Bích Khê. Bích Khê đã mất trước khi những tai họa có thể sẽ xãy ra cho chàng.
 
Hai nhà thơ đoãn mệnh, một người tay chân tê liệt, ngón tay chân tiêu dần mơ thoát xác thành chim phượng hoàng bay các cõi trời. Một người mữa ra máu thành Tinh Huyết. Họ làm thơ cho quên đớn đau thân thể, sầu muộn những mối tình dỡ dang không thể thành như mọi người trên trần thế. Họ nôn ra chữ, mửa ra thơ, những bài thơ lạ lùng, không phải là tiếng kèn vận động ra trận xung phong, đấu tranh, thơ ca tụng chiến công, thơ ca tụng vĩ nhân, ca tụng sản xuất, ca tụng trăng hoa tuyết nguyệt, ca tụng thiên nhiên, nhân loại.. Từ đau đớn, đau khổ cùng cực họ khao khát yêu thương, những yêu thương tầm thường trong cuộc sống mỗi ngày mà họ không thể có. Đọc thơ họ ta biết quý trọng hơn những gì ta đang có và quý trọng hơn tình yêu con người.
 
Paris 16-11-2023
 
 
 
THƯ MỤC THAM KHẢO
 
THƠ BÍCH KHÊ. Sở Thông Tin Văn Hóa Nghĩa Bình . 1988
THƠ HÀN MẶC TỬ. Tân Việt Sài Gòn 1959.  Sống Mới Sài Gòn, tái bản tại Hoa Kỳ
ĐẶNG TIẾN. Vũ trụ thơ. Hàn Mạc Tử tr 79-128
TR ̀N THANH MẠI . HÀN MẶC TỬ Tân Việt tái bản Sài Gòn 1957.
VŨ NGỌC PHAN Nhà Văn Hiện Đại III, 1942
HOÀi THANH và  HOÀI CH N. Thi Nhân Việt Nam, Thiều Quang tái bản Sài gòn, 1967, tr 204
VĂN Số đặc biệt Hàn Mặc Tử, 73-74
 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.