Những nghĩa khác nhau của chữ “Mình”
Hiện nay có rất nhiều người than phiền về việc trai gái trong nước dùng chữ “mình” không đúng nơi đúng chỗ và xa lạ với khuôn phép của văn hóa Việt đã có cả ngàn năm nay. Để dùng cho đúng, chúng cần phải tìm hiểu xem chữ mình có bao nhiêu nghĩa và dùng nó trong trường hợp nào. Sau đây là những thí dụ:
1) Thân thể người ta chia ra làm ba phần; Đầu, Mình và Chân Tay. Chữ Mình ở đây có nghĩa là phần thân của con người.
2) Tức cả mình, bực cả mình. Chữ mình ở đây chỉ có nghĩa là rất bực, rất tức.
3) Mình đi ta ở lại nhà
Cái dưa thì khú, cái cà thì thâm.
Có thể đây là người chồng nói với người vợ. Mình ở đây nghĩa là “Em”
4) Mình với ta tuy hai mà một.
Ta với mình tuy một mà hai.
Đây là hai vợ chồng nói chuyện với nhau. Mình có nghĩa là Anh hay Em.
5) Qua đình ngả nón trông đình.
Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu.
Mình ở đây có nghĩa là “chính ta”.
6) Hai người bạn thân bước vào một tiệm ăn. Một người hỏi: Mình ăn gì đây?
Mình ở đây có nghĩa là chúng ta ăn gì đây? Nhưng nếu người chồng nói với người vợ “Mình ăn gì đây? thì mình có nghĩa là “em” rất thân mật của vợ chồng.
7) Trong một cuộc trò chuyện với bạn bè thân. Một người nói, “Hôm qua mình định đi Los Angeles nhưng cuối cùng lại đổi ý đi Washington DC.” Mình ở đây có nghĩa là “tôi”.
Như vậy “mình” có nhiều nghĩa đó là: Phần thân người, Anh, em, chúng ta và tôi.
8) Trong một chương trình dạy nấu ăn. Người điều khiển nói, “Sau khi để cho thịt khô ráo mình mới đem chiên.” Mình ở đây có nghĩa là chúng ta.
9) Bà bác sĩ khuyên, “Muốn khỏe mạnh mình phải ăn uống điều độ.” Chữ mình ở đây có nghĩa là chúng ta. Hoặc: “Muốn thi đậu mình phải học hành chăm chỉ.” Chữ mình ở đây có nghĩa là chúng ta.
10) Nếu trong một chương trình dạy nấu ăn, vừa mở đầu mà cô/bà nào nói, “Hôm nay mình sẽ giới thiệu cách nấu bún bò Huế.” Thì rõ ràng cô/bà này là người ít học. Tuy rành nấu ăn nhưng không có học cho nên mới ăn nói như thế. Lịch sự và lễ phép thì phải nói, “ Hôm nay Chim Khuyên sẽ giới thiệu tới quý vị cách nấu bún bò Huế.”
11) Trong một cuộc họp báo ở bộ ngoại giao, nếu ông/bà phát ngôn viên mở đầu bằng câu nói:
“Hôm nay mình có một số tin tức thông báo cho quý vị biết.” thì tất cả ký giả, phóng viên sẽ cười ồ hay mở tròn con mắt vì ông hay bà này không có học hay điên rồi. Bắt buộc phải nói, “Hôm nay tôi hay chúng tôi…”
12) Mình là đàn ông vào một công sở nhờ một việc gì đó mà cô tiếp viên trẻ nói, “Để mình giúp cho” thì mình (chúng ta) sẽ vô cùng ngạc nhiên và khó chịu vì tại sao cô tiếp viên này thân mật quá vậy? Người có học sẽ nói, “Để tôi/cháu giúp bác/chú/anh.”
13) Nếu một phụ nữ vào một công sở nhờ một việc gì đó mà nam tiếp viên nói. “Để mình giúp cho.” thì người đàn bà này sẽ đỏ mặt vì tại sao “ông nội” này lại thân mật với mình quá vậy. Người có học sẽ nói, “Để tôi/cháu giúp bà/cô.”.
14) Hai vợ chồng hay hai người bạn cãi nhau nói như sau: “Mình làm thì được, còn người ta làm thì chê bai.” Chữ mình ở đây có nghĩa là anh/em/bạn/ông/bà (ngôi thứ hai).
15) Cặp trai gái mới quen nhau, chưa đi đến đâu cả mà mà người con trai nói, “Mình muốn đến thăm nhà Loan.” Thì người con gái có thể sẽ khó chịu vì chữ “mình” chỉ dùng khi nào hai người đã yêu nhau hoặc vô cùng thân mật. Lịch sự và tế nhị thì phải nói, “ Liệu Tuấn bữa nào đó, nếu được phép có thể đến thăm Loan không?
16) Ngày xưa Miền Nam có một bài hát bày tỏ sự âu yếm giữa hai người yêu nhau, có câu.” Anh sẽ kêu em mình ơi!!!” Chữ “mình” ở đây chỉ dành cho vợ chồng và rất thân mật, âu yếm.