“Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.” 

Hồ Dzếnh

Chỉ 4 câu thơ trên đây, nhà thơ Hồ Dzếnh đã cho ta “món ăn tinh thần” về nét đẹp của cô gái Việt Nam đẹp cỡ nào. Nét đẹp nơi đây không phải đẹp diễm kiều về nhan sắc, mà là cái đẹp về Nết Na trong tâm hồn, về tấm lòng chung thủy, đảm đang, nhẫn nại, hy sinh cho chồng con cho dù trải bao gian khổ, phong ba bão táp, đã được nhà thơ Hồ Dzếnh đem “nạm vàng” cái nét đẹp đó, thật không ai có thể phủ nhận được, đọc xong 4 câu thơ trên, ý và ngôn từ đã lồng bên trong ẩn hiện hình ảnh vẻ đẹp tuyệt vời của cô gái Việt Nam rồi.

ĐTT 

Viết về cô gái Việt Nam

Hôm nay là ngày mồng 8 tháng ba, ngày mà Liên Hiệp Quốc dùng để cổ võ quyền bình đẳng của phụ nữ và đồng thời cũng để vinh danh, đề cao những đóng góp của nữ giới trong các tất cả các lãnh vực về kinh tế, văn hoá, khoa học, và xã hội. Nhan nhản trên các diễn đàn, báo chí, không ít thì nhiều, người ta đọc được những bài viết về thành quả mà giới quần thoa đã đạt được trong suốt chiều dài của lịch sử. Xen lẫn vào đó là những bài viết ngợi ca những đức tính, phẩm hạnh, sự hy sinh, nhẫn nhục, và chịu đựng của người phụ nữ để lo cho gia đình.

Đọc những bài viết này, tự nhiên tôi nhớ về chuyến đi Việt Nam năm 2019, hình ảnh tôi chụp được về người phụ nữ Việt Nam của đủ mọi giai tầng trong xã hội, đặc biệt là những người phải lam lũ, chịu thương chịu khó, chắt chiu từng đồng bạc để lo cho gia đình. Trong những tấm ảnh đó, có một tấm mà mỗi lần nghĩ đến, tôi vẫn chưa tìm ra câu trả lời. Cùng một kiếp người, tại sao có những người lại khổ đến như vậy vào thế kỷ 21 này????

Hình này tôi chụp lúc đang đi thăm một hòn đảo nhỏ nằm trong vịnh Hạ Long. Đây là một trong số ít đảo còn cư dân với những ngành nghề cổ truyền như nấu rượu rắn…vẫn còn tồn tại cho đến bây giờ. Trên con đường đất quanh co rợp bóng mát từ bến tàu vào làng, hình ảnh một người đàn bà đầu đội nón lá ,bên cạnh một chiếc xuồng nhỏ, đang dầm mình trong nước, mặt cúi gầm để mò ốc chợt đập vào mắt tôi.

Tiết trời tháng sáu ở đây không lạnh lắm nhưng nếu đứng ở giữa trời vào sáng sớm, đặc biệt là khi có những luồng gió từ ngoài biển thổi vào thì sẽ cảm thấy ớn lạnh nếu mặc không đủ ấm. Thế mà người phụ nữ kia phải ngụp lặn trong nước không biết tự bao giờ để mò từng con ốc về nuôi gia đình. Giá ốc vào thời điểm đó chỉ độ $10000/kg và giá một tô phở là $50000/tô, tôi thầm nghĩ chị phải mò như vậy bao lâu để có đủ tiền mua một tô phở???

Tấm hình này không được rõ nét vì tay nghề của tôi hãy còn non nớt nhưng phần lớn có thể là vì người, hai cánh tay của chị cứ run rẩy vì lạnh, nhất là mỗi khi gió biển thổi vào nên tôi không thể nào chụp rõ được. Chị bao nhiêu tuổi, già hay trẻ tôi không thể đoán được vì khuôn mặt bị che khuất bởi cái nón lá đã tơi tả và cũng vì mặt chị lúc nào cũng cúi gầm xuống mặt nước. Cho tới bây giờ, điều này vẫn còn là ẩn số nhưng khi nhìn lại, tôi lại thấy hay vì nó lại là mẫu số chung, là hình ảnh của tất cả những người phụ nữ Việt Nam qua các thời đại của đất nước, lúc nào cũng hy sinh cho gia đình. Ai trong chúng ta có lẽ đã từng đọc mấy câu thơ của Hồ Dzếnh khi ca tụng người đàn bà Việt Nam: 

“Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.”

Vâng, qua hình ảnh của chị, tôi đã nhìn thấy hình ảnh của những bà mẹ, chị, những em gái còn rất trẻ đã phải chịu đựng, hy sinh để lo cho cha, chồng, con, em… Nếu hình ảnh, văn chương, thi ca phản ảnh của cuộc sống, xã hội đương thời thì qua Chinh Phụ Ngâm, ta thấy người vợ trẻ phải:

“Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam,
Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân.”

 Trong lúc chồng đi chinh chiến phương xa. Trong lịch sử cận đại, cuộc đời người phụ nữ việt nam dường như sanh ra để chịu đựng vì lúc nào cũng phải lo lắng cho gia đình trong hoàn cảnh đất nước lúc nào cũng có chiến tranh.  

Nước mắt người phụ nữ Việt Nam có lẽ đã cạn kiệt trên khuôn mặt lúc nào cũng héo hon, sầu muộn vì những mất mát quá lớn trong chiến tranh như Trịnh công Sơn đã viết:

“Tôi đã thấy… một người mẹ ôm xác đứa con.“

Sau 1975, cái mà phe thắng trận gọi là hoà bình thì đối với phe thua cuộc, đời sống còn tệ hại hơn cả thời chiến tranh. Nếu trước 75, đại đa số phụ nữ là những chinh phụ nhưng vẫn sống với niềm hãnh diện, hạnh phúc vì cha, chồng, con mình đã xếp bút nghiêng để lên đường bảo vệ quê hương thì sau năm đó, họ lại trở thành những cô phụ vì chồng đang trong lao tù hay đã chết trong một xó xỉnh nào đó của cái gọi là trại cải tạo. Để rồi:

Ngày mai, đi nhận xác chồng. Say đi để thấy mình không là mình“

Hình ảnh này người ta không cần tìm ở đâu xa vì nhìn quanh, ai cũng là người đồng cảnh ngộ với mình. Không cần nói đâu xa, trong nhóm Góc Nhỏ Sân Trường có chị Sao Khuê, gia đình thuộc vào hạng danh gia vọng tộc trước 75. Trước 75, cha chị là đại tá trong binh chủng không quân. Nhà khá giả nên chị được học trường tây Marie Curie. Sau khi thi đậu tú tài Pháp,được vào trường Phục Hưng, một trường được gọi nôm na là quốc tử giám đương thời vì thành phần vào được toàn là ưu tú… Thế mà sau 75, cha đi tù, đang là tiểu thư khuê các với một tương lai rực rỡ, chị phải, theo lời kể của chị Thiên Hương: ”đi lượm rác, bán hàng rong để đi thăm nuôi cha, lo lắng cho các em.

Hoàn cảnh đẩy đưa, người phụ nữ Việt Nam lại phải một nắng, hai sương để lo cho gia đình khi sang bên này tị nạn. Tôi có một người bạn thật thân mà tôi hay gọi đùa là bà Tú Xương tân thời: 

“Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi nổi năm con với một chồng “

phải làm việc cật lực suốt tuần để kiếm tiền nuôi gia đình, về đến nhà lại phải cơm nước, lo cho chồng, con mà lúc nào trên khuôn mặt cũng nở nụ cười hiền. Tôi hay khen chị là một người phụ nữ tuyệt vời ,rất hiếm thấy những người như vậy trong thời buổi bây giờ.

Ngày xưa, Khổng Tử thường dạy học trò: “tu nhân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.” Theo tôi, nếu đổi thành : “hiền thê, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” thì có lẽ đầy đủ hơn. Thật vậy, người xưa chỉ đề cập đến người đàn ông, những thành công của họ trong xã hội nhưng ít khi nhìn ra vai trò của vợ những người đàn ông đó. Nếu không có những bà vợ ở nhà tảo tần nuôi con thì làm sao họ có thể yên tâm để đi trị quốc với bình thiên hạ?? Nhắc đến điều này, không ai không khỏi nhớ đến ông Tú Xương đã tự trách mình khi thấm thía nỗi gian lao, vất vả của vợ trong khi mình suốt ngày chỉ rong chơi, làm thơ, uống rượu, nói chung là.. vô tích sự: 

“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc.
Có chồng hờ hững cũng như không.

Hay như Nhất Linh, Nguyễn Từơng Tam, một nhà văn, chính trị gia, từng giữ chức vụ bộ trưởng ngoại giao trong chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến đã phải cảm ơn người vợ tảo tần, một hậu phương vững chắc về tinh thần cũng như vật chất để ông có giờ theo đuổi lý tưởng của riêng mình.

Cũng vậy, câu nói “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” đáng lẽ nên sửa lại là: “ con ngoan nhờ mẹ, cháu khôn nhờ bà” vì người mẹ bao giờ cũng là điểm tựa tinh thần thật vững chắc cho con cái từ thuở lọt lòng với những điệu hò thật êm ái, dịu dàng pha lẫn nỗi xót xa, tủi phận cho cuộc sống, quê hương còn quá nghèo khổ: 

“Mẹ ngồi ru con nước mắt nhục nhằn xót xa đời mình.”

Khi con lớn lên, dù đã có gia đình, có chuyện gì buồn, lo lắng cũng đều chạy đến mẹ.

        “Con dẫu lớn vẫn là con của mẹ.

 

Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con.”

 

Ngay như thiếu tướng Lê Minh Đảo, tư lệnh sư đoàn 18 bộ binh, tử thủ Xuân Lộc cho đến giờ phút cuối của quân lực việt nam cộng hoà. Ông tự thuật về những tháng ngày tù đày trên đất bắc, “ngang trái vẫn chịu đựng được nhưng không thể nào chịu đựng được khi nhớ đến mẹ hiền đang đau khổ vì thương con.” 

“Những chiều buồn trên đất Bắc con hướng về Nam con nhớ mẹ nhiều.

Mẹ ơi, mẹ biết không?
Còn cháy mãi trong con những lời mẹ cầm tay nói…”

 


Nói chung, người phụ nữ, đặc biệt là người phụ nữ Việt Nam, có những điều mà người cha không có được như sự ngọt ngào, dịu dàng, tha thứ cho con, và lúc nào cũng như “gà mẹ ủ con dưới cánh”, sẵn sàng bảo vệ, che chở cho con khi cần thiết.

Hôm nay, tôi xin được cám ơn tất cả các bà mẹ, chị trong nhóm Góc Nhỏ Sân Trường, cho dù ở bất cứ nơi nào, hoàn cảnh nào cũng vẫn thể hiện được những đức tính thật cao quý cửa người phụ nữ Việt Nam.

“Hôm nay ngày tám tháng ba.
Dăm câu, vài chữ gọi là biết ơn.
Những người phụ nữ sắt son.
Cả đời chỉ biết chăm con cùng chồng.”

Nguồn:: Góc Nhỏ Sân Trường- Nguyễn Viết Hiển
8/3/21