Nov 21, 2024

Truyện ngắn

Đi. Trong Một Buổi Sáng,
Trần Doãn Nho * đăng lúc 11:23:42 AM, Oct 08, 2023 * Số lần xem: 360
Hình ảnh
#1
               

‘Đi. Trong Một Buổi Sáng,’
 
tập truyện ngắn của Trần Doãn Nho

 
September 22, 2021

KENNEDALE, Texas (NV) – Vào ngày 11 Tháng Chín, 2021, nhà xuất bản Văn Học Press phát hành tập truyện ngắn


               “Đi. Trong Một Buổi Sáng” của nhà văn Trần Doãn Nho.


Trong lời “Mở,” Trần Doãn Nho cho biết: “Tập truyện này gồm những truyện ngắn sáng tác trong nhiều thời điểm khác nhau, từ trước năm 1975 ở trong nước và từ giữa thập niên 1990, lúc mới sang định cư ở Hoa Kỳ, cho đến thời gian gần đây, đã được đăng tải trên báo giấy cũng như báo mạng trong và ngoài nước. Tác giả có nhuận sắc lại đôi chút, kể cả thay đổi tựa đề một vài truyện, nhưng vẫn giữ văn phong và nội dung vào thời điểm  mà chúng xuất hiện.”

Ngoài lời “Mở,” tập truyện chia làm bốn phần:

-Mười ba truyện ngắn sáng tác ở hải ngoại.

-Ba truyện ngắn sáng tác ở trong nước trước năm 1975, đã được đăng tải trên Văn và Vấn Đề, hai tạp chí văn chương ở Sài Gòn thời điểm đó.

-“Bạt”: Nhà văn Đặng Thơ Thơ.

-Phụ Lục: Đàm thoại với nhà văn Trần Doãn Nho do nhà văn Lương Thư Trung thực hiện.

Theo Đặng Thơ Thơ trong lời “Bạt”: “…Phần lớn Trần Doãn Nho vẫn giữ khuynh hướng hiện thực tâm lý-xã hội. Dựa trên chất liệu cuộc sống, con người, và những vấn đề của thời đại, anh khéo léo đan cài chủ đề vào cách anh tường thuật; và lồng tư tưởng vào chuyện kể một cách tinh tế, thâm thuý, với dung lượng vừa phải. Anh sử dụng phương pháp này khá nhất quán tuy những truyện ngắn của anh có kiến trúc, khung sườn và bố cục biến đổi đa dạng. Đường đi nước bước của mỗi truyện mỗi khác. Mỗi truyện có không gian và cấu trúc riêng, và truyện nào cũng có dàn dựng vững chắc riêng về mặt hình thức. Những truyện viết sau này có cấu trúc phức tạp hơn để đáp ứng với nhu cầu đa dạng hơn của chủ đề. Một số truyện viết đã lâu được xây dựng theo mô hình Freytag, có mở đầu với bối cảnh và nhân vật, rồi xung đột, cao trào, gỡ nút, hạ màn… như ‘Con Mắt Thủy Tinh,’ ‘Con Dốc,’ ‘Quen’… Có những truyện ‘khơi khơi’ như cắt ra một mảng từ ngày thường, như ‘Bữa Ăn’ hằng ngày (vậy mà bữa ăn đó lại bất thường một cách kinh hoàng). Cũng có khi cái khơi khơi đó là hành động bình thường như ‘Đi. Trong Một Buổi Sáng,’ mà tác giả đẩy người đọc đến những khúc ngoặt và vào những cuộc gặp gỡ với chính mình trong những mảnh thời gian và không gian gẫy vụn của ký ức đã hư hoại. ‘Ngơ Ngác và Trẻ Thơ’ có cấu trúc những hình khối ghép vào nhau, tác giả dùng những giai thoại, những trích đoạn, và cả những ‘chat’ trên mạng xã hội theo kiểu liên văn bản. Những thứ này không hoàn toàn liên quan với nhau, những khi đặt để vào bối cảnh ‘không còn chữ’ trong truyện, chúng bổ sung và tương tác với nhau để tạo ra những tầng nghĩa mới cho câu chuyện. Xét về đề tài và hình thức, đây là truyện ngắn mang tính thử nghiệm và đột phá nhất trong toàn tập. Phần lớn những truyện thành công khác như ‘Đội Lốt,’ ‘Phiên Bản,’ ‘Đỏ Xanh Vàng… và Trắng,’ ‘Bữa Ăn,’ ‘Đi. Trong Một Buổi Sáng,’ ‘Con Mắt Thủy Tinh’… là những truyện gần với khuynh hướng của Anton Chekhov hay Alice Munro: truyện ngắn hiện đại xoay quanh những mâu thuẫn và ý nghĩa của đời sống, tập trung ở nhân vật là nơi phát sinh ra câu chuyện, và những cố gắng của nhân vật trong việc sắp đặt đời sống họ vào một mô hình nào đó.”

Phân tích về thủ pháp dựng truyện, Đặng Thơ Thơ cho biết: “Như đã nói ở trên, anh rất cao tay trong việc cài đặt tư tưởng vào truyện. Anh không phát biểu thẳng mà để nhân vật và tình thế tự nói ra. Anh pha trộn phần triết lý vào trong sự kiện. Anh ‘hòa tan’ mọi chất liệu (như người làm bánh nhồi bột, bơ, đường, sữa) để đúc kết phần nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật thành một khối bê tông cốt sắt. Thủ pháp này dễ cho việc thưởng thức mà khó cho việc phân tích. Đây chính là thủ pháp viết rất đặc thù Trần Doãn Nho: thủ pháp ‘nước sôi dội vào nước đá!’ Truyện Trần Doãn Nho có nhiều luồng nước trộn vào nhau, có những hiện thực nhìn từ nhiều góc độ, những nhân vật đa diện; những mảng truyện thuộc những không gian tách biệt: trong nước/ngoài nước, những dấu mốc hiện tại/trước/sau; những suy nghiệm về thế hệ, màu da, giới tính, chủng tộc, ý thức chính trị….”

Đề cập đến các nhân vật, Đặng Thơ Thơ nhận xét: “Trần Doãn Nho dựng những nhân vật vô cùng thú vị. Họ không ngừng khiến chúng ta phải ngạc nhiên. Họ có khả năng thay đổi tình thế và cục diện câu chuyện. Trên bề mặt, nhân vật Trần Doãn Nho linh động, tròn đầy, có hình khối, có âm lượng; họ choán ngõ ngách trong thế giới truyện, nhờ họ mà chúng ta cảm được khí hậu truyện và thấy được không gian truyện mở ra. Họ nói những câu làm chúng ta sững người, như tia chớp trong một thoáng rọi vào mặt khuất của nhân vật. Tiềm ẩn trong họ là sự tra vấn bản thân để tìm ra mô thức cho cuộc đời. Tập truyện là tập hợp những nhân vật bị mệnh lệnh ‘do-not-enter’ chặn đường trong khi đi tìm đáp số cho bản thể. Mật mã để vào tập truyện là một khái niệm triết học: con người là ẩn số lớn nhất của chính họ.”

Mời độc giả đọc vài đoạn, trích từ trong tập truyện “Đi. Trong Một Buổi Sáng”:

–Tình yêu, phải tình yêu! Doãn bâng khuâng nhìn vào khoảng không và tự hỏi: có phải món quà này là lời tỏ tình kỳ lạ nhất mà Doãn nhận được vào cái tuổi mà tình yêu chỉ còn là một âm vang không còn mấy ý nghĩa. Thảo ơi, nếu Thảo biết được rằng, hồi đó, cô bé Lai Doãn mười bảy tuổi đã quay quắt như thế nào khi bỗng Thảo không còn ở đó nữa y như thể Thảo đã biến mất khỏi trần gian. Cô bé đau. Cô bé chết đứng chết ngồi bên vuông cửa sổ, khi nhìn qua hàng chìa tàu, chỉ thấy bức tường gạch cũ rêu phong, cây bông sứ khẳng khiu, chơ vơ, buồn thảm. Cô bé nhớ mùi ruốc kho, mùi cám lợn, mùi chè khoai, nhớ chiếc bàn gỗ sần sùi với hai chiếc ghế đẩu mà có lần cô bé suýt bị rách quần khi ngồi xuống vì bị cái đinh sút ra ngoài, móc phải. Cô bé cứ ngồi bần thần ngắm mải cái khoảng trống nơi hàng rào mà cô bé chui qua chui về biết bao nhiêu lần. Thảo đi rồi, cái khoảng trống dần dần bị bít lại vì những nhánh chìa tàu đâm chỉa ra. Có lần, cô bé tức, cô bé tìm cách bẻ hết chúng đi. Nhưng làm sao được, chỉ một thời gian ngắn sau, chúng mọc ra lại. Chúng vô tình, cô bé biết. Nhưng mỗi lần mở cửa sổ ra nhìn, cô bé cứ có cảm giác như chúng đồng lõa với Thảo, cố tình khép lại, khép hẳn đi của cô bé một đoạn đời. Cô bé đau lòng lắm, vì cô bé biết cô bé đã yêu. Cô bé ngã bệnh. Rồi cô bé lành. Tức quá, cô bé tìm cách quên. Và quên được. (Khoảng Trống)

–Đầu ta lúc nhúc chữ. Ăn cũng thấy chữ, ngủ cũng nằm mơ với chữ, đi chơi cũng chữ, làm tình cũng chữ. Chữ bao vây tứ phía. Ta mê chữ còn hơn mê con người. Đời ta đầy những scandal, mà xét cho cùng, scandal nào cũng từ chữ mà ra. Ta là kẻ giải phẫu chữ, rốt cuộc, ta chỉ giải phẫu một bóng ma. Chân cũng là chữ. Thiện cũng là chữ. Mỹ cũng là chữ. Cục đất cũng là chữ. Khối vàng cũng là chữ. Tất cả chỉ là những đống chữ, cái này chồng lên cái kia, ngổn ngang, loạn xạ.

Những nhà hiền triết và những giáo chủ thường được phong tặng là những kẻ đi tìm… chân lý, nghĩa là đi tìm giải pháp cho cuộc nhân sinh. Thực ra, họ chẳng hề đi, cũng chẳng hề tìm. Họ chỉ là những người nói chữ, viết chữ. Khổ thay, người đời sau đọc chữ lại cứ tưởng chân lý nằm trong chữ, cứ thế mà xăm soi, đào xới mãi không thôi. (Ngơ Ngác và Trẻ Thơ)

–Chàng miên man sống như con cá con chim, như con tắc kè thay màu da để tồn tại. Chàng mất hút, mất tăm trong dòng cuồng lưu đời sống. Chàng lên án những kẻ hèn hạ, nhưng chàng đã từng nhiều phen hèn hạ. Chàng bêu riếu, ghê tởm những kẻ phản bội, nhưng chàng đã nhiều lần phản bội; phản bội bạn bè, phản bội người thân, phản bội vợ và phản bội cả chính chàng. Hèn gì, từng kỷ niệm rụng rơi như lá cỏ; từng hăm hở xẹp xuống như bong bóng xì hơi; từng ước mơ tơi tả, nát ngướu như Huế những ngày Mậu Thân và ngay cả từng vật vã đớn đau cũng tàn theo sương gió, đôi khi chẳng để lại dấu tích gì. Cả cuộc đời chàng y như thể trò chơi trẻ con, chơi chán món này, vứt, chơi món khác, ham hố, rồi chán, lại vứt, tìm món khác, hào hứng, và chán, lại vứt… Chàng đánh mất chàng theo những món đồ chơi cũ kỹ bỏ lại dọc đường nhân sinh. Ngoái đầu nhìn trở lại, chàng không thể hình dung nổi chàng là ai. (Phiên Bản) [qd]

Nhà văn Trần Doãn Nho sinh trưởng tại Huế. Theo học đại học Huế và Sài Gòn, tốt nghiệp ngành triết.

Trước năm 1975, nhập ngũ Khóa 6/70 Thủ Đức, Phụ Khảo Triết Đại Học Văn Khoa Huế, cộng tác với các tạp chí văn học Sài Gòn: Văn, Tân Văn, Bách Khoa, Vấn Đề, Khởi Hành, Đối Diện.

Sau 1975, bị đi tù sáu năm.

Định cư ở Hoa Kỳ 1993, cộng tác với các tạp chí văn học giấy hải ngoại: Văn Học, Văn, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21 và các tạp chí mạng: Da Màu, Gió-O, Talawas, Diễn Đàn Thế Kỷ, Diễn Đàn Forum, Bauxite Việt Nam, Văn Việt.

Đã xuất bản 10 tác phẩm: gồm ba tập truyện ngắn, một tập ký và tùy bút, hai tập tạp bút, một truyện dài và ba tập biên khảo văn chương.

“Đi. Trong Một Buổi Sáng” hiện đã có bán trên trang mạng của Barnes & Noble: www.barnesandnoble.com/w/di-trong-mot-buoi-sang-tran-doan-nho/1140049580
 
qua email: trandoanho@yahoo.com

Nguồn : Internet


 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.