Tiếng Việt là một ngôn ngữ dễ viết và dễ đọc, hầu như phát âm sao thì viết như vậy. Nhưng có chữ y dài và i ngắn tuy chỉ đọc là “i” nhưng có chữ lại dùng y dài, chữ lại dùng i ngắn. Một số nhà ngôn ngữ học và bộ giáo dục Việt Nam sau năm 75 vì muốn chỉ dựa theo phát âm mà viết chính tả, họ đưa ra chính sách chỉ dùng một thể “i” ngắn nếu phát âm “i” thì sẽ không dùng mẫu tự “y” dài và làm ra những thay đổi cho vào từ điển. Tất nhiên, những trường hợp ngoại lệ cũng được nhắc tới, ví dụ như là chữ “túy”, “thúy” thì không thể không dùng “y” dài vì nếu dùng “ i ngắn” thì sẽ thành chữ “túi”, “thúi”, và những chữ như là “may” như trong may mắn, may áo, cũng không thể thiếu y dài.
Tôi nghĩ rằng đề nghị chỉ dùng “i” ngắn, khi phát âm theo “i” ngắn là một đề nghị rất tệ. Chỉ lấy một thí dụ đơn giản đủ để làm rõ. Như “y học” có ai viết thành “ i học” đâu. Nhìn rất kỳ cục và chướng mắt với hầu hết mọi người. Chỉ một điểm này cũng đủ chứng minh là không nên theo đề nghị luôn viết “i” ngắn khi phát âm là “i”.
Những nhà ngôn ngữ học cũng thấy là chữ “i học” cũng không hợp nhãn, cho nên đi thêm một bước, đưa ra ngoại lệ là nếu chữ “y” đứng một mình thì viết là “y” dài nếu là từ Hán Việt như trong cụm từ “y học”. Đã phải đưa ra ngoại lệ thì đủ chứng tỏ đề nghị dùng “nhất thể i” là không đúng, không hay. Nhưng dể bàn luận thêm, hãy tạm chấp nhận ngoại lệ này.
Không chỉ chữ “y” đứng riêng, mà có những chữ như “mỹ” như trong “mỹ nhân” mà viết thành “mĩ nhân”, tôi thấy cũng không đẹp mắt, nếu không nói là chướng mắt. Nói vui một chút, tôi hay khuyên nên viết “mỹ nhân” vì có y dài, “chân dài” mới đẹp, còn như i ngắn, chân ngắn, thì cái đẹp ấy hãy còn thiếu sót nhiều.
Hay chữ “công ty. Những bảng hiệu của những công ty hầu hết đều dùng y dài, còn dùng “i ngắn” như trong “công ti”, nhìn khá là cụt lủn, thiếu phần trang trọng.
Hay chữ “em yêu”. Nếu viết thành “em iêu” , không biết người được gọi sẽ có cảm nghĩ gì.
Hay chữ “ly nước”. Viêt thành “li nước”, nhìn là thấy kỳ cục.
Tới đây, với những thí dụ trên, hẳn đã đủ chứng tỏ nếu chỉ dựa theo phát âm mà quyết định đánh vần là sai lầm. Và Bộ Giáo Dục VN đã sai lầm khi đưa những từ i ngắn như “luân lí’, “mĩ lệ” vào trong từ điển. Khiến cho bây giờ một thứ tiếng dễ học như tiếng Việt lại bất nhất và cả hai lối viết đều được coi là đúng, vì sách vở giáo khoa ở VN dạy như thế. Tuy nhiên, hầu hết báo chí năm 2023, trên những trang mạng văn học, thời sự, trong nước và ngoài nước đều dùng y dài cho những chữ như “luân lý, kỹ thuật, tuổi tý, ... Đủ chứng tỏ đại chúng, những nhà văn, thơ đều không chấp nhận chỉ dùng i ngắn.
Đây cũng không phải là thói quen dùng từ y dài như một vài nhà ngôn ngữ học, học giả nói. Mà là vấn đề mỹ thuật, đẹp mắt. Người Việt rất thích thư pháp và chữ đẹp nên đã chế ra không biết bao nhiêu là kiểu chữ fonts cho máy điện tử so với các nước khác và biết bao nhiêu người chơi thư pháp. Đừng xem nhẹ hai chữ mỹ thuật, hay chữ “Đẹp Mắt”. Thế gian này, từ xưa tới nay, chữ Đẹp chi phối tất cả mọi ngành, nghề, từ quần áo, trang sức, mỹ phẩm, trang mạng, nhu liệu, xe cộ, nhà cửa, chùa chiền, v.v. Chỉ nói riêng về chữ viết, thư pháp có tầm vóc rất quan trọng. Chữ Tàu khó học biết bao nhiêu nhưng vì chữ đẹp và truyền thống, nên
còn giữ mãi đến bây giờ mà không đổi qua pinyin, ... Thư pháp cũng đã có từ hàng ngàn năm trước và rất được xem trọng trong thi cử. Cho đến bây giờ, cũng bao nhiêu người nắn nót chữ viết, hay luyện chữ ký cho đẹp, cho lả lướt, ... Chữ “y” dài, hình thể nhìn Đẹp và trang trọng hơn “i” ngắn, có thể uốn lượn xuống như dòng sông, và dùng trong thư pháp có thể biểu lộ nét tung hoành, khí thế, hay là vẻ bay bướm, ....
Ngôn ngữ của một quốc gia không thuộc riêng một nhóm đoàn thể nào mà là của chung mọi người. Dân chúng, nhà thơ, văn, nhạc sĩ, thư pháp gia đã đóng góp rất nhiều trong sự phát triển ngôn ngữ. Còn ngành ngôn ngữ học thì hẳn là mới có dưới trăm năm nay. Những nhà ngôn ngữ học đề nghị chỉ dùng “i” ngắn, tuy có lòng tốt, nhưng lại nhất ý cô hành, chỉ tham khảo trong giới của họ mà không hỏi ý kiến của đại chúng là chuyện độc tài và sai lầm.
Nhà thơ là người yêu thích văn chương, chữ nghĩa và sáng tạo chữ nghĩa. Bao nhiêu bạn thơ của tôi, và những nhà thơ mà tôi quen biết, ai cũng viết y dài cho những từ như “đạo lý”, “y học” , “mỹ nhân”, “kỳ hoa dị thảo”, ... và nhiều người đều thấy viết i ngắn cho một số chữ nhìn không đẹp mắt chút nào..
Không có thư pháp gia nào thích viêt “chân thiện mĩ “ cả, họ sẽ viết “chân thiện mỹ”. Những năm về sau, có những đề nghị dùng y dài cho những từ hán việt, như “đạo lý, y học, mỹ tửu” và dùng i ngắn cho những từ nôm/Việt thông thường. Thí dụ như tuổi tý, nhưng lại là bé tí, li ti, ... Tôi thấy đề nghị này rất hay cho nhiều trường hợp, nhưng cũng xin nêu ra một vài trường hợp đặc biệt, hay ngoại lệ.
Như chữ “thi sĩ, bác sĩ”, hay là “thi sỹ, bác sỹ”.
Trước hết, tôi xin đưa ra quan điểm cả hai đều dúng. Thời xưa thì hay viết là “thi sỹ”. Nhưng tôi thấy bây giờ, năm 2023, đại đa số nghiêng về “thi sĩ, bác sĩ”. Tuy là từ hán việt, sao lại nhiều nhà thơ, văn, nhạc sĩ thích viết chữ“sĩ” hơn? Tôi nghĩ là như vầy: Nếu đọc bài thơ “kẻ sĩ” của cụ Nguyễn Công Trứ sẽ hiểu rằng chữ “sĩ” rất oai phong, và kẻ sĩ ngày xưa đứng đầu trong “sĩ nông công thương”. Nhiều nhà thơ mà tôi quen biết, thích xưng là nhà thơ thay vì xưng là thi sĩ, nghe khiêm tốn, tự nhiên hơn. Hai chữ “thi sĩ” nhiều nhà thơ ít khi tự xưng huống chi là “thi sỹ”. Vì Y dài trong “thi sỹ” nhìn trang trọng hơn, còn “thi sĩ” nhìn giản dị, khiêm tốn
hơn.
Các cụ ta ngày xưa, cũng đã phối hợp thẩm mỹ vào trong ngôn ngữ. Cho nên không ai viết là “kỳ dỵ” mà chỉ viết là “kỳ dị”. Cho dù chữ “dị” như trong “kỳ hoa dị thảo” là tiếng Hán-Việt.
Sau đây, xin đưa ra một số chữ mà tôi nghĩ nên y dài, hay là i ngắn mà tôi thấy có ít nhiều người viết không “đúng”. Với tôi thì tôi không chấp nhận viết “đạo lí” thay vì đạo lý” nếu cho in vào trong sách của tôi, tuy rằng tôi sẽ không nói là viết “đạo lí” là sai, vì không có sách luật lệ văn phạm, ngữ vựng được chấp nhận như tiếng Anh. Còn một số từ điển bên Việt Nam nếu chỉ ghi “đạo lí”, mà không cho cụm từ
“đạo lý” vào thì đó chỉ là quan điểm của một ít người dùng quyền hành phổ biến, ép buộc, đặt ra mà thôi, và phản ảnh lại sự độc tài, không tôn trọng ý kiến đại chúng và giới văn học nghệ thuật. Tiếng Việt chính tả rất dễ so với chữ Tàu, Nhật, Đại Hàn, tiếng Anh, Đức, Pháp, (Tiếng Pháp còn có giống đực, cái, không đực không cái và nhiều biến thể động từ khác nhau), cho nên học chính tả khi nào dùng y dài, i ngắn cho một số chữ có cùng âm “i” không là vấn đề gì quá khó khăn. Tôi nghĩ luật lệ “chỉ cho dùng i ngắn” chỉ làm hư hoại truyền thống, mỹ thuật và sự phong phú của ngôn ngữ Việt.
quý mến, chứ không phải quí mến. Âm chính là “úy », chứ không phải là “úi” . Cho nên, phải viết là quý mến mới đúng. Để cho rõ thêm, thí dụ chữ “túy” (say), (cùng vần với chữ ‘quý”), thì viêt “y” dài, nếu viết i ngắn thì thành chữ “túi” còn gì.
công lý, tâm lý, đạo lý, y học, mỹ lệ, tuổi tý, hy sinh, y thuật, công ty, ly nước, kỹ thuật, kỳ nữ, thế kỷ, kỷ niệm, quốc kỳ, lý do, ý tưởng.
kỳ dị, dị nhân, bé tí, tí hon, bí mật, phung phí, ủy mị, si tình, chi li, li ti, hi
hữu, kì cọ (những cụm từ liệt kê mà nếu viết thành y dài, tôi nghĩ là sai.)
Trong tiếng Anh, có nhiều từ có 2 lối đánh vần. Ngay trong nước Mỹ, những từ như acknowledgment hay acknowledgement đều được chấp nhận. Còn những chính tả khác biệt giữa tiếng Anh của nước Anh và của Hoa Kỳ thì rất nhiều, thí dụ như honor/honour, glamor/glamour, ....
Tôi nghĩ, tiếng Việt cũng giống vậy. Có một số từ viết i dài, hay là i ngắn đều thấy được, không thấy chướng. Bác sĩ hay bác sỹ, kĩ càng hay kỹ càng, với tôi thì đều được cả. Nhưng mà những cụm từ như “quốc kỳ” thì nên viết y dài mới trang trọng, và “mỹ lệ” viết y dài mới đẹp.
Quan điểm của tôi về y dài, i ngắn là vậy, xin chia sẻ với bạn đọc. Cảm ơn bạn đọc đã bỏ thời gian đọc bài viết khá dài này. Chúc bạn đọc ngày vui.
Vương Thanh
08/27/2023
2nd revision: 09/02/2023
|