Jan 06, 2025

Biên khảo

Lê - Lai Cứu Chúa ( .... - 1418 )
Nguyễn Minh Thanh * đăng lúc 10:45:40 PM, Aug 07, 2023 * Số lần xem: 433

 

         

 
Lê - Lai Cứu Chúa
         
(....  -  1418 )



Trong bài Hịch Tướng Sĩ của Hưng Đạo Vương mở đầu có câu:"  Dư thường văn chi: Kỷ Tín dữ thân đại tử nhi thoát Cao Đế..." ( Ta thường nghe Kỷ Tín đem mình  chết thay, cứu thoát cho Cao Đế....)

Trong truyện Lê Lai, theo Đaị Việt Thông Sử chép: Trước tình thế nguy cấp, Lê Lợi họp các tướng lại hỏi:

- Nay thế trận nguy hiểm có ai dám bắt chước Kỷ Tín đời Hán, thân khoác hoàng bào mà chết thay ta không? Các tướng ngồi yên không ai dám thưa. Duy, chỉ có Lê Lai đứng dậy nói:

- Thần nay nguyện tử trận thay cho Chúa Công....

Vậy Kỷ Tín là ai ? Lê Lai là ai? Và Lê Lai so với Kỷ Tín, ai dũng khí hơn ai ?

Dưới đây là Lược truyện Kỷ Tín và Lược truyện Lê Lai. Sau hết là Lời Phụ Bàn với 2 bài thơ ca tụng dũng tướng Lê Lai của người biên soạn.

1 - Lược truyện Kỷ Tín: Vào năm  204 TCN,  khi Hán Vương bị Hạng vương vây hãm ở thành Huỳnh Dương ngặt nghèo, bèn gọi Trương Lương, Trần Bình vào nghị kế.

Trần Bình tâu:

- Tôi có một kế có thể phá được vòng vây nầy, song chỉ sợ ở đây không có bậc trung thần nào dám chịu nạn cho Đại vương. Chu Bột và các võ tướng đều nói:

- Sao ngài lại khi thị chúng tướng như vậy? Chúng tôi theo phò Chúa Thượng đã lâu, dẫu phải bỏ thây không tiếc. Trần Bình vừa cười vừa nói:

- Cái đó chỉ là kế sâu xa, có lẽ các ngài chưa hiểu ý tôi.

Hán Vương hỏi:


- Tiên sinh có kế chi xin nói ra đây cho mọi người bàn luận. Trần Bình ghé vào tai Hán Vương nói nhỏ...như vầy... như vầy...

Hán Vương khen phải và nói:

- Kế đó rất hay. Trương Lương nên cố gắng thực hiện mới được.

Trương Lương tuân lệnh về dinh mở tiệc rượu mời các tướng đến dự. Các tướng lần lượt đến, thấy giữa phòng tiệc có treo một bức tranh lớn, vẽ một chiếc xe trong đó có người ngồi, phía sau có hai trăm quân kỵ đuổi theo rất gấp. Đằng trước là một khu rừng rậm. Trong rừng có một người đang nấp. Các tướng không rõ bức tranh ấy có ý nghĩa gì, tại sao lại đem treo trong phòng tiệc, bèn hỏi Trương Lương. Trương Lương liền đáp:

- Ngày xưa vua Cảnh Công nuớc Tề đánh nhau với quân Tấn. Cảnh Công thua to, quân sĩ đều trốn hết, họ bỏ Cảnh Công ngồi một mình trong xe. May có một nông phu trông thấy vội đẩy xe cho Cảnh Công đi trốn. Tuy nhiên, quân Tấn đuổi theo rất ngặt, khó mà trốn thoát nổi. Người nông phu nói:" Nguy đến nơi rồi, Chúa Công nên đưa áo quần cho tôi mặc, tôi sẽ ngồi nơi xe nầy mà chịu chết thay cho Chúa Công, còn Chúa Công nên trốn vào rừng thoát nạn ". Cảnh Công nói:" Ta được thoát nạn mà nhà ngươi bị giết, lòng ta sao đành". Người nông phu lại nói:" Tôi chết đi như rừng rậm mất một cây nhỏ.Còn Chúa Công mất là giang san nước Tề sẽ phải mất, xin Chúa Công xét nghĩ ". Cảnh Công theo lời, đổi quần áo cho nông phu rồi trốn vào rừng và thoát nạn......."

Các tướng nghe nói, mặt mày ngơ ngác chưa hiểu ý. Trương Lương nói tiếp:

- Áy, nhờ người nông phu mà sau nầy Cảnh Công dựng nên nghiệp Bá, tiếng để sử xanh, ngày nay vẫn còn khen ngợi. Nay Chúa Thượng ta ngộ nạn, chẳng khác như Cảnh Công, thế mà không ai bắt chước cái việc làm của người nông phu. Vì vậy tôi treo bức tranh nầy lên để cùng xem. Các tướng nghe nói đều hăng hái đứng dậy nhìn nhau tỏ vẻ can trường:

- Cha có nạn con chết thay, vua có nạn tôi chết thay. Chúng tôi xin đem thân chết thay Chúa Thượng, để cứu Chúa Thượng thoát khỏi trận Huỳnh Dương nầy. Trương Lương nói:

- Các ông có lòng trung nghĩa thật đáng khen. Song hiện nay chỉ cần một người diện mạo giống Chúa Thượng mà thôi. Người đó là Kỷ Tín, chẳng biết Kỷ Tướng Quân có vui lòng chăng? Kỷ Tín nói:

- Đó là ý nguyện của tôi, dầu phải tan xương nát thịt tôi cũng vui lòng. Trương Lương và Trần Bình mừng rỡ, đưa Kỷ Tín vào ra mắt Hán Vương tâu bày tự sự. Hán Vương nói:

- Việc đó không nên, Lưu Bang nầy chưa làm nên nghiệp lớn, các ngươi làm tôi chưa có ân huệ nào, nay nếu bắt Kỷ Tín tướng quân bị nạn thay ta, để ta tìm đường trốn, ấy là việc làm hại người, ích mình, lòng ta không nỡ. Kỷ Tín nói:


- Việc đã gấp lắm rồi, nếu tôi không chịu nguy hiểm thì mai kia thành vỡ, đá tan, cả vua tôi đều chết. Cái chết của tôi ngày nay ích lợi hơn ngày mai rất nhiều. Tuy tôi chết mà danh tôi còn mãi trong dân chúng, tình tôi còn mãi trong lòng Đại Vương. Hán Vương vẫn còn gỉa cách dùng dằng không nỡ. Kỷ Tín rút gươm kề cổ nói lớn:

- Nếu Đại Vương không nghe, tôi xin tự tử nơi đây để tỏ rằng tôi không tiếc gì tính mệnh. Hán Vương liền bước xuống đỡ tay Kỷ Tín, vừa khóc( nước mắt cá sấu ), vừa nói:

- Lòng tướng quân rất mực trung thành, danh tiếng ấy muôn đời còn lưu. Chẳng hay tướng quân còn song thân chăng?......................

2 - Lược truyện Lê Lai: Lê Lai không rõ năm sanh, người Mường, con của Lê Kiều, Huyện Lương Giang, Thanh Hóa. Lê Lai có dung mạo khác thường,tính tình cương trực, có chí khí. Năm 1416, Lê Lai, với Lê Lợi ( chủ sự )  cùng với 17 Hào Kiệt hội thề ở Lũng Nhai, Thanh Hóa . Thề sống chết có nhau, nguyện quyết tâm chung sức đánh đuổi quân Minh xâm lược, cứu dân cứu nước.

Từ khi khởi nghĩa, Lê Lai luôn ở bên cạnh Lê Lợi; góp công sức giúp Bình Định Vương với chức Đô Tổng Quản, tước Nội Hầu. Ông cũng từng xông pha nhiều trận nguy hiểm. Tháng 4, năm 1418, nghĩa quân Lê Lợi bị thua ở Mường Một, cùng nhau chạy thoát về Trịnh Cao. Quân Minh truy kích, đuổi theo rất ngặt và vây chặt các lối hiểm yếu thuộc vùng núi Chí linh. Trong tình thế nguy cấp, Lê Lợi họp các tướng lại hỏi:

- Nay thế trận rất nguy hiểm, có ai dám bắt chước Kỷ Tín đời Hán, thân khoác hoàng bào mà chết thay ta không? Các tướng ngồi yên không ai dám thưa. Duy, chỉ có Lê Lai đứng dậy nói:

- Thần nay nguyện tử trận thay cho Chúa Công. Ví như sau nầy giành được giang san thì xin nhớ công lao của thần, khiến cho con cháu muôn đời được hưởng quốc ân, được vậy, thần chết cũng nhấm mắt. Lê Lợi rất thương cảm bùi ngùi. Lê Lai lại nói:

- Tình hình nguy khổn, nếu ngồi khư khư, quân thần chung mạng thì bao công sức đây sẽ chẳng còn gì. Nếu theo kế này may ra thoát được. Kẻ trung thần chết vì nước, nào có tiếc gì?

Lê Lợi mới vái trời và khấn rằng:

- Lê Lai có công đổi áo, nếu sau nầy khôi phục được nghiệp xưa, nếu không nhớ công lao ấy thì xin cho cung điện biến thành rừng núi, ấn triện biến thành cục đồng, gươm thần biến thành dao cùn.

Ngay sau đó, Lê Lai khoác hoàng bào giả làm Lê Lợi và vâng mệnh  mang 2 thớt voi với 500 quân xông ra  khêu chiến. Giặc Minh liền xua quân giao chiến. Lê Lai thúc ngựa xông thẳng vào trận và la lớn:

-Ta là chúa Lam Sơn đây!

Ngỡ là Bình Định Vương Lê Lợi, giặc Minh xúm lại bao vây và kịch chiến. Lê Lai tả xông hữu đột giết giặc một hồi rồi kiệt sức, bị giặc Minh bắt và hành hình cực hình. Hôm ấy ngày 29 tháng 4 âm lịch năm 1418 ( có chỗ chép 1919 ).

Nhân, lúc sự vây hãm của giặc lơi lỏng, do bận đối phó với Lê Lai; Lê Lợi cùng một số tướng đã vượt trùng vi bằng lối khác và trốn thoát... Và Lê Lợi đã làm nên nghiệp cả...

Cảm động trước lòng trung nghĩa của Lê Lai, Lê Lợi cho người tìm thi hài Ông đem về an táng ở vùng đất Lam Sơn.

Năm 1428, sau khi lên ngôi an vị, Lê Thái Tổ cho truy tặng Ông là:" Sùng Trung Đồng Đức Hiệp Mưu Bảo Chính Lũng Nhai công thần " .

Các đời vua Lê tiếp theo đều có truy tặng Ông. Đến đời vua Lê Thánh Tông, Lê Lai được truy tặng cao nhứt là:" Trung Túc Vương "

Lê Thái Tổ mất ngày 22 tháng 8 nhuận âm lịch 1433, trước khi mất vua có dặn phải giỗ kỵ tướng Lê Lai trước vua một ngày. Nên dân gian có câu: " Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi

Lê Lai    -     Kỷ Tín
Sử Việt tiền nhân bậc đại hùng
Lông hồng xem nhẹ nặng lòng trung
Lê Lai cứu chúa tâm tình nguyện
Kỷ Tín thay vua thế chẳng đừng
Kỷ Tín ngồi chờ lời chỉ định
Lê Lai phắt dậy dạ tiên xung
Ao nhà biển cả đều cần có
Biển cả bao la đẹp hãi hùng
      Nguyễn Minh Thanh
* Lê Lai ( ............  -  1418 ) Lê Lai người Thanh Hóa, cha tên là Lê Kiều. Ông lo việc hậu cần cho Lê Lợi rất chu đáo. Hội thề Lũng Nhai năm 1416 đã có Lê Lai.
* Kỷ Tín (?- 204 TCN): Lưu Bang bị Hạng Võ vây ngặt ở thành Huỳnh Dương, thế khó thoát. Nhờ Kỷ Tín đóng giả làm Lưu Bang, và Lưu Bang thoát nạn.

Vua Tự Đức ca ngợi Lê Lai bằng chữ Nho:

Vịnh Lê Lai

Chí Linh sơn hạ tứ sơn u

Tự trưóc hoàng bào cuống Sở Hầu

Tha nhật Đông Đô tân xã tắc

Khẳng ( khắc ) giao Kỷ - Tín độc an Lưu ?

                                     Vua TỰ - ĐỨC

Dịch nghĩa:

Dưới núi Chí Linh bốn bề thâm u ( chỉ giặc Minh bao vây )
Tự mặc Hoàng bào làm cho Sở Hầu ( Hạng Võ ) mắc mưu
Ngày sau Đông Đô xã tắc đổi mới
Đâu phải chỉ có chuyện Kỷ Tín cứu Lưu Bang ( mà còn  
có chuyện Lê Lai cứu Lê Lợi )
 
VỊNH LÊ LAI
Giặc dữ trùng trùng vây Chí Linh
Hoàng Bào thay Chúa quyết hy sinh
Đông Đô đại định ghi công lớn
Kỷ Tín chẳng riêng chuyện hiến mình.
                  Nguyễn Minh Thanh thoát dịch

3- Lời bàn: Qua 2 tiểu truyện Kỷ Tín và Lê Lai, cả hai đều đem chính sinh mệnh của mình để cứu Chúa, vô cùng can đảm, can đảm phi thường. Nhưng, rõ ràng trong cung cách: Lê Lai gan liền tướng quân. So với Kỷ Tín, Lê Lai dũng khí cao vời.  Không  như Kỷ Tin phải qua sự dàn cảnh dựng chuyện của Trần Bình, Trương Lương và Lưu Bang, là những tay gian hùng thượng thặng. Để khích tướng, để đẩy người khác chết thay cho mình bằng bức tranh Tề Cảnh Công chạy trốn...

Sau khi cùng các tướng " xem tranh " và bị Trương Lương nêu đích thị danh tánh, bị du vào " thế chẳng đặng đừng ", Kỷ Tín mới tình nguyện hy sinh.

Đằng nầy, khác xa  Kỷ Tín, vừa nghe Bình Định Vương gợi ý, Lê Lai lẫm liệt đứng phắt dậy ứng tiếng tình nguyện tử trận thay chúa tức thì.

Ấy chính là:

Cảm quân ân trọng hứa khinh mệnh

Thái Sơn nhất trịch khinh Hồng mao

                                                     Lý BạcH
( Cảm lòng ơn chúa trọng cao
 Thái Sơn xem tựa Hồng Mao nhẹ hều )
                                                        NMT dịch
  Ngoài ra, căn cứ theo 2 tích truyện vừa kể trên, thì Lê Lợi cũng rất minh bạch trong việc nhờ người " Tự trước Hoàng bào " thay chết cho mình. Không  như Lưu Bang quanh co xảo trá...  Mọi việc đã xếp đặt đúng theo mưu mô ý đồ. Lưu Bang còn giả ân giả nghĩa, giọng lưỡi của gian hùng: " ...lòng ta không nỡ ".

Ôi, lòng dạ Ngừơi Xưa với Ngưòi Nay  ( Cải Cách Ruộng Đất 1954 - 1956 miền Bắc của nước VNDCCH ) sao mà giống nhau lắm vậy..!!

Lê Lai, Lê Lợi những anh hùng đúng nghĩa, những tấm lòng cao cả xán lạn tựa trăng cao.

Xin nghiêm mình kính cần ngưởng mộ Cổ Nhân, Người đã liều thân cứu chúa, góp công bằng chính mạng sống trong công cuộc giải cứu giống nòi. Người, mệnh tuy yểu, nhưng danh ấy thọ. Phương danh đã và đang thi đua tồn tại mãi với núi sông Lạc Hồng...

Cảm kích trước sự hy sinh vì đại nghĩa, người biên soạn có bài thơ nhỏ để:

Trân trọng tưởng niệm đấng Anh Hùng Lê Lai với sự nghiệp lớn:

Anh Hùng Lê Lai
Trích huyết hội thề tại Lũng Nhai*
Ban sơ hào kiệt có Lê Lai
Phương phi mỹ mạo lòng trong sáng
Lẫm liệt anh tài dạ thẳng ngay
Tận lực giúp vua lo nội vụ
Hy sinh cứu chúa thoát trùng vây
Can trường khí phách cây cao vọi
Trên đỉnh Lam Sơn bóng trải dài...

Trải dài bóng cả đất Lam sơn
Cứu chúa vong thân dạ chẳng sờn
Lương tướng thơm danh vì đại nghĩa
Minh quân nức tiếng trọng thâm ân
Kinh - Kha Yên khách so còn kém
Kỷ - Tín Hán thần sánh chẳng hơn
Lớp sóng phế hưng rừng đổi lá
Thiên thu còn đó tấm lòng son..!!
                  Nguyễn Minh Thanh

Sau hết, kết thúc tiểu truyện bi hùng, để có thể mô tả đúng & đủ tâm trạng của Anh Hùng Lê Lai, xin mượn 4 câu thơ cổ: 2 trong bài Kết Miệt Tử ( Người Đan Vớ ) của Lý Bạch; 2 trong Chinh Phụ Ngâm của tiên sinh Đặng Trần Côn:
Cảm quân ân trọng hứa khinh mệnh
Thái Sơn nhất trịch khinh Hồng Mao
                                              Lý Bạch
Và,
 Trượng phu thiên lý chí mã cách
Thái Sơn nhất trịch khinh Hồng Mao
                                  Đặng Trần Côn

( Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
  Gieo Thái Sơn nhẹ tựa Hồng mao )
                                   Đoàn Thị Điểm dịch
(  Dặm nghìn da ngựa anh hào
  Thái sơn xem tựa Hồng mao nhẹ hều )
                                NMT dịch

                         Nguyễn Minh Thanh biên soạn

* 19 HÀO KIỆT HỘI THỀ LŨNG NHAI ( Thanh Hoá ): Lê Lợi, Lê Lai, Lê Thận, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Trịnh Khả, Trương Lôi, Lê Liễu, Bùi Quốc Hưng, Lê Ninh, Lê Hiểm, Vũ Uy, Nguyễn Trãi, Đinh Liệt, Lê Nhân Chú, Lê Bồi, Lê Lý, Đinh Lan và Trương Chiến.

Tham khảo:
Hịch Tướng Sĩ của Hưng Đạo Vương, bản dịch  Ngô Tất Tố
Thành Ngữ Điển Tích & DN TĐ, gs Trịnh Vân Thanh
Các trang Web: Lê Lai, Lê Lợi, Hội Thề Lũng Nhai...
Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn, bản dịch Đoàn Thị Điểm
Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.