Nov 24, 2024

Biên khảo

Lịch sử của ngày Độc lập Hoa Kỳ 4 tháng 7
Nhật Minh * đăng lúc 12:09:34 PM, Jul 04, 2023 * Số lần xem: 321
Hình ảnh
#1

 


John
Adams và Thomas Jeffersons ký tên vào bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ 4/7/1776 (Ảnh: military.com)

 

Ngày 4 tháng 7, còn gọi là Ngày Độc lập là một ngày nghỉ lễ toàn liên bang ở Mỹ kể từ năm 1941. Truyền thống chào mừng Ngày Độc lập ở Mỹ có từ thế kỷ 18, khi diễn ra Cuộc Cách mạng Hoa Kỳ. Vào ngày 2 tháng 7 năm 1776, Quốc hội Lục địa đã bỏ phiếu ủng hộ độc lập, và hai ngày sau đó các đại biểu từ 13 thuộc địa đã thông qua bản Tuyên ngôn Độc lập, một tài liệu lịch sử do Thomas Jefferson soạn thảo. Từ năm 1776 cho đến nay, ngày 4 tháng 7 được chào mừng như sự ra đời của nền độc lập Hoa Kỳ, người Mỹ tổ chức các hoạt động chúc mừng như bắn pháo hoa, diễu hành và ca nhạc đơn giản là tham gia vào những sự kiện giản dị như tụ họp gia đình và tiệc đồ nướng.
 

 
SỰ RA ĐỜI CỦA NGÀY ĐỘC LẬP

Khi những trận chiến đầu tiên của cuộc Cách mạng Hoa Kỳ nổ ra vào tháng 4 năm 1775, chỉ có một ít người ở thuộc địa muốn độc lập hoàn toàn khỏi Anh Quốc, và những người đó bị coi là cực đoan.

Tuy nhiên, vào khoảng giữa năm sau đó, có nhiều người thuộc địa hơn đã bắt đầu ủng hộ độc lập, do sự thù địch ngày một tăng đối với Anh Quốc và sự lan rộng của cảm tình cách mạng như được bày tỏ trong cuốn sách nhỏ bán chạy vào thời đó có tên “Lẽ thường” (Common Sense) do Thomas Paine xuất bản hồi đầu năm 1776.

Vào ngày 7 tháng 6 năm 1776, khi Quốc hội Lục địa họp tại tòa nhà Pennsylvania State House (sau đó được gọi là (Đại sảnh Độc lập) ở Philadelphia, đại biểu của bang Virginia là Richard Henry Lee đã đưa ra một dự luật yêu cầu thành lập nền độc lập cho 13 thuộc địa của Anh ở Bắc Mỹ.

Giữa tranh luận gay gắt, Quốc hội đã hoãn việc bỏ phiếu đối với bản dự thảo nghị quyết của ông Lee, nhưng đã bổ nhiệm một ủy ban gồm 5 người – bao gồm Thomas Jefferson của bang Virginia, John Adams của bang Massachusetts, Roger Sherman của bang Connecticut, Benjamin Franklin của bang Pennsylvania và Robert R. Livingston của bang New York – để soạn thảo một bản tuyên bố chính thức để biện hộ cho việc tách khỏi Anh Quốc.

Vào ngày 2 tháng 7, Quốc hội Lục địa đã bỏ phiếu thông qua bản nghị quyết của ông Lee ủng hộ độc lập trong một phiên bỏ phiếu gần như nhất trí hoàn toàn (đoàn đại biểu của bang New York bỏ phiếu trắng, nhưng sau đó bỏ phiếu thuận). Hôm đó John Adams đã viết thư cho vợ ông là bà Abigail rằng ngày 2 tháng 7 “sẽ được chào mừng, bởi các thế hệ tiếp nối, như một Ngày lễ kỷ niệm vĩ đại” và rằng việc chào mừng sẽ bao gồm “Lễ hội và Diễu hành… Các trò chơi, Thể thao, Bắn súng, Rung chuông, Đốt lửa và Thắp sáng từ Đầu này của Lục địa này cho đến đầu kia.”

Vào ngày 4 tháng 7, Quốc hội Lục địa đã chính thức thông qua bản Tuyên ngôn Độc lập, chủ yếu do Jefferson biên soạn. Mặc dù việc bỏ phiếu cho nền độc lập của Hoa Kỳ thực sự diễn ra vào ngày 2 tháng 7, nhưng vì sự ra đời của Tuyên ngôn Độc lập, ngày 4/7 đã trở thành ngày được chào mừng như sự ra đời của nền độc lập của nước Mỹ.

NHỮNG LẦN KỶ NIỆM NGÀY ĐỘC LẬP ĐẦU TIÊN

Vào những năm trước Cách mạng, những người thuộc địa đã tổ chức lễ mừng hàng năm đối với ngày sinh nhật của vua Anh, vốn theo truyền thống bao gồm việc rung chuông, đốt lửa, diễu hành và phát biểu.

Tới mùa hè năm 1776 thì ngược lại, một số người thuộc địa đã chào mừng ngày ra đời của nên độc lập bằng cách tổ chức những tang lễ tượng trưng của Vua George Đệ tam, như một cách tượng trưng cho sự chấm hết của quyền lực của chế độ quân chủ Anh Quốc đối với nước Mỹ và sự chiến thắng của tự do.

Những lễ hội bao gồm hòa nhạc, đốt lửa, diễu hành và bắn đại bác và súng trường thường đi kèm với việc đọc công khai bản Tuyên ngôn Độc lập lần đầu tiên, bắt đầu ngay sau khi bản Tuyên ngôn được thông qua. Thành phố Philadelphia đã tổ chức lễ kỷ niệm độc lập hàng năm lần đầu tiên vào ngày 4 tháng 7 năm 1777, trong khi Quốc hội Mỹ vẫn còn bận rộn với cuộc chiến tranh vẫn đang tiếp diễn.

Tổng thống đầu tiên George Washington ra lệnh tăng gấp đôi khẩu phần rượu rum cho tất cả binh lính của mình để kỷ niệm ngày độc lập vào năm 1778, và vào năm 1781, một vài tháng trước chiến thắng then chốt của nước Mỹ tại Yorktown, Massachusetts đã trở thành bang đầu tiên tuyên bố ngày 4 tháng 7 là ngày nghỉ lễ chính thức của bang.

Sau cuộc Chiến tranh Cách mạng, người Mỹ vẫn tiếp tục kỷ niệm Ngày Độc lập hàng năm. Trong những buổi lễ chúc mừng, các lãnh đạo chính trị của quốc gia non trẻ này sẽ bước lên bục phát biểu với công dân, kêu gọi sự đoàn kết, thống nhất. Vào thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 18, hai chính đảng lớn – Đảng Liên bang và Đảng Cộng hòa-Dân chủ – bắt đầu tổ chức những lễ kỷ niệm ngày 4 tháng 7 riêng rẽ ở nhiều thành phố lớn.

NGÀY 4 THÁNG 7 TRỞ THÀNH NGÀY QUỐC KHÁNH

Truyền thống chúc mừng tinh thần ái quốc vào ngày Độc lập đã lan rộng mạnh mẽ hơn sau cuộc Chiến 1812, trong đó Hoa Kỳ lại một lần nữa phải đối mặt với Anh Quốc. Vào năm 1870, Quốc Hội Hoa Kỳ tuyên bố ngày 4 tháng 7 là một ngày nghỉ lễ toàn liên bang; vào năm 1941, điều khoản này đã được mở rộng rằng đây là một ngày nghĩ lễ có trả lương cho tất cả các nhân viên của liên bang.

Theo năm tháng trôi qua, tầm quan trọng chính trị của ngày lễ này có thể giảm xuống, nhưng Ngày Độc lập vẫn là một ngày lễ quốc gia quan trọng và là một biểu tượng của tinh thần yêu nước tại Hoa Kỳ.

Rơi vào giữa mùa hè, Ngày 4 tháng 7 kể từ cuối thế kỷ 19 đã trở thành một tiêu điểm lớn của các hoạt động chúc mừng và là một ngày nghỉ quan trọng để tụ họp gia đình, thường đi kèm hoạt động bắn pháo hoa và tiệc nướng ngoài trời. Biểu tượng phổ biến nhất của ngày lễ này là quốc kỳ Mỹ và bài hát đi kèm là “Lá cờ lấp lánh ánh sao”, quốc ca của Hoa Kỳ.

Theo history.com

Nhật Minh dịch


Nguồn : Trí Thức VN.  trithucvn.org.

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.