Bài viết của Liễu Trương
Vài cảm nghĩ về Mai Thảo *
Nhắc đến Mai Thảo (1927-1998), người ta thường liên tưởng đến tác giả của những truyện ngắn như : Đêm Giã Từ Hà nội, Tháng Giêng Cỏ Non, Bản Chúc Thư Trên Ngọn Đỉnh Trời, v.v… và nhất là liên tưởng đến Mai Thảo, thủ lĩnh của nhóm Sáng Tạo, người đã có những lời tuyên bố đi vào văn học sử. Khi nền Đệ nhất Cộng hòa được thiết lập ở miền Nam, trong không khí thanh bình, mọi người đều phấn khởi ra tay xây dựng tương lai, thì trong lĩnh vực văn học, Mai Thảo cũng xây dựng ngày mai bằng cách hô hào cắt đứt với văn học tiền chiến, với quá khứ để lên đường, lên đường đi tới đâu thì chưa biết, nhưng nhất định phải lên đường, phải bỏ lại quá khứ sau lưng. Lời kêu gọi của Mai Thảo đáp ứng sự chờ đợi của giới trẻ cầm bút đang tìm phương hướng, và đồng thời vô tình gây một hậu quả bất ngờ cho các nhà văn nổi tiếng thời tiền chiến đang có mặt ở miền Nam lúc bấy giờ : họ bị lu mờ và dần dần rơi vào quên lãng.
Phần Mai Thảo thì đang thời sung sức sáng tạo, những tác phẩm của ông lần lượt ra mắt độc giả ; kể từ những năm 1950-1960 đến cuối thời miền Nam, 1975, Mai Thảo có khoảng 10 tập truyện ngắn, 33 truyện dài, một tập tùy bút, và nếu kể thêm các sáng tác sau 1975, thì ông có thêm 5 tập truyện ngắn và đặc biệt thi phẩm Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền xuất bản ở Mỹ, và đã được độc giả nồng nhiệt đón nhận. Cũng cần nói, tùy bút cũng là môn sở trường của Mai Thảo, ông được đánh giá cao trong thể loại này. Đọc truyện của Mai Thảo, mọi người đều thấy rõ ông muốn quay lưng với quá khứ bằng cách làm mới chữ nghĩa. Bút pháp mới lạ của Mai Thảo mà có người cho là làm dáng, cũng như văn xuôi của ông giàu chất thơ, dành cho ông một chỗ đứng riêng biệt, hư cấu của ông cũng dành cho ông một chỗ đứng riêng biệt. Trong khi thế giới truyện của Võ Phiến là đồng quê nơi có những nhân vật như anh Ấm Sứt, anh Năm Cán Vá, chị Bốn Chìa Vôi, thì thế giới truyện của Mai Thảo là những thành thị, những chốn phồn hoa của giới tiểu tư sản, nhưng cũng có khi Mai Thảo chọn đời sống thầm lặng ở tỉnh nhỏ để làm bối cảnh cho truyện, như trong các tiểu thuyết : Để Tưởng Nhớ Mùi Hương, Ôm Đàn Đến Giữa Đời… Không ít người trách Mai Thảo trong khi chiến tranh ngày càng khốc liệt thì trong truyện của Mai Thảo không có tiếng đại bác, không có những thảm bom rơi từ trời, những xác chết la liệt dưới đất, chỉ có cảnh sống thanh bình trong đó những con người lãng mạn yêu nhau, xâu xé nhau, xa nhau, hoặc những con người ăn chơi, thời thượng, những con người thất bại trong cuộc sống, v.v… Mai Thảo đã vẽ lên cái xã hội ở đô thị của thời đó. Nói cho cùng, nếu tất cả các nhà văn đều viết về chiến tranh thì còn đâu là tính đa dạng của văn học miền Nam ? Vậy chúng ta nên tôn trọng sự tự do sáng tạo của Mai Thảo theo quan niệm nghệ thuật của ông, tôn trọng cái khuynh hướng duy mỹ của ông và nhìn nhận vị trí chính đáng của ông trong văn học miền Nam. Dù sao Mai Thảo cũng có công đánh thức mọi người về sự cần thiết đổi mới văn học, có công vạch rõ ranh giới giữa hôm qua và ngày mai. Và chẳng những Mai Thảo đặt hết tin tưởng vào con đường sáng tạo của mình, ông còn có công thúc đẩy, khích lệ những người trẻ muốn cầm bút. Trong bài tựa có nhan đề : Nói chuyện với những người viết mới, trong tập truyện Dòng Sông Rực Rỡ, Mai Thảo, với kinh nghiệm bản thân, khuyên các bạn trẻ viết văn như sau : Khó nhất là cái bước đầu. Viết phải được tâm niệm và lĩnh hội như một sửa soạn chu đáo. Cái bước đầu sai yếu, hụt hơi, thì di động nào về sau cũng cứ mãi mãi là một điều chỉnh cực nhọc. Tôi lấy tôi ra mà nói, lấy nhiều bạn tôi ra mà chứng minh cho cái tầm quan trọng cực kỳ của bước chân đầu tiên đi vào văn nghệ. Phải thật khó khăn nghiêm khắc với mình. Đoạn văn, bài thơ đầu tiên không phải là một thoáng qua đâu, mà là một vết lằn đẫm nét, nó quyết định cho cả một sự nghiệp sáng tác, sau này thấy hỏng, có dụng tâm làm khác đến mấy, cũng vẫn cứ hiện hữu cái bút pháp, cái phong cách ấy của những dòng chữ đầu tiên. Bước đầu anh đi, nhìn lại, phải là một bước đi chững chạc… Và nhất là : Đừng viết như ai. Hãy viết như mình. Những lời khuyên này quả là rất quý hóa và phải là điều tâm niệm của giới trẻ cầm bút. Chính bản thân Mai Thảo cũng không viết như ai, vì Mai Thảo là Mai Thảo, cho nên ông gây ngỡ ngàng cho người đọc, và đó chẳng phải là dấu hiệu của cách tân sao ? Những lời tâm huyết mà Mai Thảo gửi đến thế hệ trẻ cầm bút chứng tỏ ông coi trọng sứ mệnh của nhà văn.
Sau này, khi miền Nam không còn nữa, có hình bóng một Mai Thảo đi lang thang trên các nẻo đường của một nước Mỹ xa lạ, mênh mông, để tranh đấu cho sự sống còn của văn học miền Nam, cho sự phát triển của văn học hải ngoại, hình bóng đó nói lên tấm lòng của Mai Thảo suốt đời gắn bó, tha thiết với chữ nghĩa.
(Nguồn : lieutruongvietvadoc.wordpress)
|