Một trong những đặc điểm của đời sống văn hóa ở miền Nam thời 54-75 là sự mở rộng tầm nhìn ra thế giới, với ý muốn khám phá, thấm nhuần những tư tưởng triết học mới, những hiện tượng văn học mới, muốn biết thân phận con người được cảm nhận như thế nào qua nghệ thuật viết của các nhà văn trên thế giới. Thế cho nên trong những năm 60-70, có cả một phong trào dịch sách nở rộ.
Thật ra, vấn đề dịch sách Tây phương ở nước ta đã có từ lâu. Người đi tiên phong vào nửa đầu thế kỷ 20 là nhà văn, nhà báo, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), người có công phổ biến chữ quốc ngữ và đồng thời cũng phổ biến tư tưởng Tây phương. Nhờ những dịch phẩm của Nguyễn Văn Vĩnh mà các thế hệ đến sau được biết đến văn chương Pháp, giúp họ đi vào con đường Tây học.
Đến nửa sau thế kỷ 20, vào thời miền Nam, có thể nói vấn đề dịch sách nước ngoài đã tiến một bước rất dài. Số dịch giả ngày càng đông đảo. Các dịch giả không chỉ nhắm vào văn chương Pháp mà cả văn chương thế giới : từ Âu châu đến Hoa Kỳ, Mỹ châu La tinh đến các nước Ả Rập và đương nhiên vẫn có cái nhìn gần gũi với Á châu.
Ngành dịch thuật phát triển chủ yếu trong hai lĩnh vực : triết học và văn học.
(Chân dung và tác phẩm của Hermann Hese)
I. Sách dịch về triết học
Về lĩnh vực triết học, thiết tưởng cũng cần nhắc lại triết thuyết hiện sinh du nhập vào miền Nam những năm 60-70 và gây nên một cơn sốt.
Ở Pháp, ngay sau Đệ nhị Thế chiến, thuyết hiện sinh do J. P. Sartre khởi xướng đã trở nên một lối sống của thanh niên, họ thường họp nhau trong những hầm rượu ở khu Saint-Germain-des-Prés, ở Paris, và biến khu này thành một khu huyền thoại của thuyết hiện sinh. Thật ra, Sartre không phải là ông tổ của triết thuyết này. Hiện sinh vô thần của Sartre chỉ là một nhánh của cái cây hiện sinh mà cái gốc là nhà triết học Soren Kierkegaard và Nietzsche. Dù sao thuyết hiện sinh của Sartre cũng đã nổi tiếng ở Pháp từ năm 1945 đến năm 1955.
Đến khi thuyết đó đến Việt Nam thì ở Pháp ngôi sao của nó đã bắt đầu mờ dần, nhường chỗ cho thuyết cấu trúc và cho những bậc thầy mới như Lévi-Strauss, Lacan hay Althusser. Vậy tuy thuyết hiện sinh đã suy tàn ở Pháp, khi đến miền Nam, nó được hào hứng đón nhận như một triết thuyết tân kỳ, chẳng những trong môi trường đại học mà còn trong các giới văn học, nghệ thuật và ngoài đời.
Ở đại học có những bậc thầy nổi tiếng, những linh mục đã từng du học ở Pháp trở về. Đó là các linh mục Lương Kim Định, Lê Tôn Nghiêm và Trần Thái Đỉnh. Họ phụ trách việc giảng dạy môn triết học tại các Đại học Văn khoa Sài Gòn, Huế và Đà lạt ; mỗi người một hướng, một đề tài nghiên cứu và giảng dạy. Linh mục Lương Kim Định chuyên về triết học Đông Phương. Linh mục Lê Tôn Nghiêm nghiên cứu và viết về lịch sử triết học Tây phương từ Socrate đến Kant và Heidegger. Linh mục Trần Thái Đỉnh thì hướng về triết thuyết hiện sinh.
Trong phong trào hiện sinh ở miền Nam, cuốn sách Triết Học Hiện Sinh của giáo sư Trần Thái Đỉnh nổi tiếng chẳng những trong giới sinh viên mà còn đối với những người hiếu học. Khởi đầu, giáo sư Trần Thái Đỉnh viết một loạt bài về thuyết hiện sinh đăng trên tạp chí Bách Khoa, trong hai năm 1961 và 1962, các bài viết của ông rất mạch lạc, khúc chiết, có tính giáo khoa, về sau các bài này được tập hợp thành cuốn sách Triết Học Hiện Sinh được nhà Thời Mới xuất bản năm 1967, 2.500 cuốn vừa mới ra đã bán hết ngay.
Một giáo sư khác cũng góp phần phổ biến triết thuyết hiện sinh, đó là giáo sư Nguyễn Văn Trung du học ở Bỉ về. Trong khi giáo sư Trần Thái Đỉnh nghiên cứu và phân tích thuyết hiện sinh một cách khoa học, khách quan, thì giáo sư Nguyễn Văn Trung, qua những biên khảo của ông, ông xem thuyết hiện sinh như một triết lý sống, nó thể hiện trong tư duy của ông. Trong những cuốn biên khảo của ông, dấu ấn của Sartre rất sâu đậm ; ông chuyển tải những tư tưởng của Sartre, chẳng hạn khi ông khẳng định rằng con người là một tự do : … sự vật, loài vật cũng như Thượng Đế không có kinh nghiệm thành công thất bại. Chỉ con người mới có kinh nghiệm về thành công và thất bại. Thất bại thành công bày tỏ con người là một tự do, nghĩa là một người có thể dự định.
Dự định là chối bỏ tình trạng đang có, để vươn tới cái chưa có. Đã hẳn chỉ có thể chối bỏ như thế nếu có một khả năng phủ nhận. Khả năng đó là tự do. (Đưa Vào Triết Học, tr. 31) Nguyễn Văn Trung cũng nhắc đến những khái niệm hàng đầu trong triết thuyết của Sartre như : ngụy tín, dấn thân. Ông viết : Ngụy tín là một thái độ tự lừa dối mà không biết… trong ngụy tín, người lừa dối và người bị lừa dối chỉ là một. (Sđd, tr. 183-184). Còn về dấn thân thì Nguyễn Văn Trung cũng lặp lại quan niệm của Sartre : Quan niệm văn chương « dấn thân » ngày nay còn đi xa hơn trong đòi hỏi gắn liền luân lý với văn chương khi chứng minh rằng tính chất luân lý ở ngay trong chính dự phóng viết văn, trong chính ngôn ngữ diễn tả, trong chính tác phẩm.
Nhà văn không thể tách rời văn chương ra khỏi xã hội chính trị để thiết lập văn chương thành một thế giới riêng biệt, vô tình… lãnh đạm với thời cuộc, tình thế vì chính sự có mặt của văn chương, chính thái độ lãnh đạm cũng đã là một lựa chọn luân lý, một thái độ chính trị. (Lược Khảo Văn Học, Cuốn 3, tr. 143)
Vừa giảng dạy thuyết hiện sinh vừa xem đó là một triết lý sống đưa đến những lựa chọn ở đời, Nguyễn Văn Trung đã gây ảnh hưởng trong giới sinh viên và ngoài xã hội.
Nói chung, các giáo sư môn triết không dịch sách triết, ngoại trừ một vài trường hợp hiếm hoi như giáo sư Lê Tôn Nghiêm dịch sách của Jaspers, họ chỉ căn cứ vào những sách triết để viết sách và giảng dạy. Về vấn đề dịch sách triết, giáo sư Trần Thái Đỉnh có tỏ bày trong bài Tựa cuốn Triết Học Hiện Sinh nhân dịp cuốn sách được tái bản lần thứ 3, năm 2005, ông thổ lộ : … các tác phẩm triết học được dịch sang tiếng Việt thì đếm chưa hết mấy ngón tay của một bàn tay ! (…) Rồi việc dịch các tác phẩm triết học cũng không đơn giản chút nào. (…) Vậy trở lại vấn đề dịch, nhất lại là dịch sách triết học, chúng ta đừng bao giờ quên rằng : dịch là một nghệ thuật. Và dịch chỉ có hai nguyên tắc, và cả hai nguyên tắc đều quan trọng như nhau : một là trung thực (fidélité) đối với nguyên tác, và hai là dễ hiểu (intelligibilité) đối với độc giả.
Trước việc khó khăn của vấn đề dịch sách triết học, giáo sư Trần Thái Đỉnh chọn phương pháp sau đây khi ông viết loạt bài về triết học hiện sinh cho giới hiếu học : Tôi đã cố gắng viết sao vừa dễ hiểu, vừa không đơn giản hóa những vấn đề phức tạp. Tôi đã viết những trang sách này trong cả một năm trời, với cả một đống sách tham khảo : đó là những tác phẩm chính yếu của những triết gia mà tôi nghiên cứu và trích dẫn : những bộ sách của Kierkegaard, của Nietzsche, của Husserl, của Jaspers, của Gabriel Marcel, của Sartre và của Heidegger. … tôi thường trích dẫn những đoạn văn điển hình của các triết gia đó.
Có điều lạ là chính những người đứng ngoài đại học lại dịch những tác phẩm của Sartre, như Phùng Thăng dịch La Nausée (Buồn Nôn), do An Tiêm xuất bản năm 1967, Phùng Thăng cũng dịch Les Mouches (Những Ruồi), Phạm Hưng dịch Les Mains Sales (Những Bàn Tay Bẩn), Nxb Ngày Nay 1965, Trần Thiện Đạo dịch Huis Clos (Kín Cửa), Lê Thanh Hoàng Dân và Mai Vi Phúc dịch Le Mur (Bức Tường), Nxb Trẻ 1973, Nguyễn Minh Hoàng dịch La Pute Respectueuse (Ả Giang Hồ), Riêng Trần Phong Giao dịch 3 tác phẩm : L’Engrenage (Guồng Máy) Nxb Thời Mới 1963, Mort sans sépulture (Không Một Nấm Mồ), Nxb Giao Điểm 1964, và Les Jeux sont faits (Sự Đã Rồi) dịch chung với Nguyễn Xuân Hoàng, Nxb Giao Điểm 1966.
Bàn về thuyết hiện sinh và sách dịch mà không nhắc đến hiện tượng Sagan là một thiếu sót. Phong trào hiện sinh được đẩy mạnh trong giới trẻ cũng nhờ ảnh hưởng tiểu thuyết của Sagan. Năm 1954 ở Pháp, một cô gái tên Françoise Sagan vừa tròn 18 tuổi đã nổi tiếng ngay với cuốn tiểu thuyết đầu tay Bonjour Tristesse. Tác phẩm này được Nguyễn Vỹ dịch sang Việt ngữ dưới tựa đề : Buồn ơi, chào mi, và Lê Huy Oanh dịch : Buồn ơi, xin chào. Sau Bonjour Tristesse có Un certain sourire : Có một nụ cười (dịch giả : Nguyễn Minh Hoàng), Dans un mois dans un an : Một tháng nữa, một năm nữa (dịch giả Bửu Ý).
Cuốn Bonjour Tristesse được xem như một tác phẩm lưng chừng giữa tiểu thuyêt tâm lý và tuyên ngôn của thuyết hiện sinh. Trong Bonjour Tristesse cũng như trong các tác phẩm đến sau đều có những chủ đề của thuyết hiện sinh như : cô đơn, tự do, sự trống rỗng của tâm hồn, bệnh khó sống, nỗi tuyệt vọng, nhất là sự buồn chán và cái ý thức rằng thời gian không trở lại. Tuổi trẻ miền Nam trong bối cảnh thời đó rất nhạy cảm với những chủ đề kể trên.
II. Sách dịch về văn học
(Chân dung và tác phẩm của Francoise Sagan)
Về lĩnh vực văn học thì chỉ có thể loại tiểu thuyết được dịch với một số lượng rất đồ sộ. Sinh hoạt dịch thuật làm nổi bật những sự kiện sau đây.
1/ Việc tiếp nhận văn học Tây phương
Về phía các tác giả được dịch, có những nhà văn nước ngoài, mà độc giả Việt Nam trước đây chưa hề biết đến, bỗng nhiên xuất hiện một cách trang trọng như nhà văn Đức Hermann Hesse (1877-1962) được dịch giả Vũ Đình Lưu dịch hai tác phẩm : Tuổi trẻ và cô đơn (Peter Camenzind), Nxb Ca Dao, 1968, Đôi bạn chân tình (Narziss und Goldmund), Nxb Ca Dao, 1969. Hermann Hesse cũng được hai chị em Phùng Khánh và Phùng Thăng dịch tác phẩm : Siddhartha, Câu chuyện dòng sông, Phùng Thăng và Chơn Hạnh dịch : Sói đồng hoang.
Về phần nhà văn Mỹ Mario Puzo, tác giả cuốn The Godfather, bỗng nhiên nổi tiếng linh đình nhờ bản dịch Bố Già của Ngọc Thứ Lang. Bản dịch này gây ấn tượng sâu xa, lâu dài nơi độc giả, và là một thành tựu trong văn học dịch.
Các nhà văn khác như Erich Maria Remarque, tác giả của Một thời để yêu một thời để chết (dịch giả Vũ Đình Lưu), Virgil Gheorghiu, tác giả cuốn Giờ thứ hai mươi lăm (dịch giả Mặc Đỗ), Alexandre Soljenitsyne, tác giả cuốn Quần đảo ngục tù (dich giả Ngọc Thứ Lang) đều được độc giả miền Nam yêu thích và ngưỡng mộ.
Trường hợp của Albert Camus rất đặc biệt : chỉ trong vòng một năm cuốn L’Étranger của ông có được hai bản dịch :
Người xa lạ của dịch giả Võ Lang, Nxb Thời Mới, 1965
Kẻ xa lạ của hai dịch giả Dương Kiền và Bùi Ngọc Dung, Nxb Ngày Nay, 1965.
Rồi lại có một bản dịch thứ ba : Kẻ xa lạ của hai dịch giả Lê Thanh Hoàng Dân và Mai Vi Phúc, Nxb Trẻ, 1973.
Thế là L’Étranger có đến ba bản dịch trong thời gian chưa đầy 10 năm. Phải chăng do sự cạnh tranh của các nhà xuất bản hay do những bản dịch đi trước không làm độc giả toại nguyện ?
Albert Camus là một nhà văn được ưu đãi, ngoài cuốn L’Étranger, ông cũng có những tác phẩm khác được dịch : Trần Phong Giao dịch tiểu thuyết La Peste (Dịch Hạch), tập truyện L’Exil et le royaume (Lưu Đày Và Quê Nhà) và bài diễn văn Discours de Suède Camus đọc nhân dịp ông nhận giải Nobel văn chương, năm 1957. Trần Phong Giao dịch bài diễn văn dưới tựa đề : Sứ Mệnh Văn Nghệ Hiện Đại. Vũ Đình Lưu thì dịch truyện ngắn La femme adultère (Người đàn bà ngoại tình). Còn Trần Thiện Đạo dịch : Noces (Giao cảm), L’envers et l’endroit (Bề trái và bề mặt) và La Chute (Sa đọa).
2/ Hiện tượng Kim Dung
Về phía văn chương Trung Hoa, có hai tác giả nổi bật ở miền Nam, đó là Quỳnh Dao và nhất là Kim Dung.
Quỳnh Dao được dịch giả Liêu Quốc Nhĩ đưa lên đỉnh cao, mặc dù Quỳnh Dao không phải là một nhà văn lớn, nhưng truyện của bà nhiều tình cảm éo le, gay cấn, có sức lôi cuốn những người đa cảm.
Trong Giai phẩm Văn về chủ đề Hiện tượng sách dịch, năm 1973, dịch giả Liêu Quốc Nhĩ cho biết đến năm 1973 ông dịch được 10 truyện dài của Quỳnh Dao trên 13 truyện, và số lượng sách tiêu thụ vượt quá mong ước. Truyện Cơn Gió Thoảng in 5.000 cuốn bán hết trong 25 ngày, truyện Mùa Thu Lá Bay in 7.000 cuốn bán hết trong một tuần, và truyện Cánh Hoa Chùm Gởi trong năm 1971 tái bản 3 lần, lần đầu 7.000 cuốn, hai lần sau mỗi lần 10.000 cuốn.
Tuy sách Quỳnh Dao ăn khách, nhưng không thấm vào đâu bên cạnh truyện võ hiệp, truyện chưởng của Kim Dung. Kim Dung (1924-2018) là một nhà văn nổi danh ở Hồng Kông. Ông sáng tác 15 bộ tiểu thuyết từ 1955 đến 1972, khởi đầu là Thư kiếm ân cừu lục và kết thúc là Lộc đỉnh ký. Sách của ông được đưa vào trường học, đại học ở Hồng Kông, Đài Loan và Trung Hoa lục địa. Tiểu thuyết của Kim Dung đăng trên tờ Minh Báo ở Hương Cảng và hằng ngày được đưa đến Sài Gòn bằng máy bay.
Trong khi Quỳnh Dao chỉ có một dịch giả duy nhất là Liêu Quốc Nhĩ thì Kim Dung có trên 10 dịch giả vì lẽ báo chí sống nhờ truyện feuilleton mà truyện võ công của Kim Dung có sức thu hút mọi thành phần trong xã hội. Do đó Kim Dung có cả một đội ngũ dịch giả : Hàn Giang Nhạn, Tam Khôi, Từ Khánh Phụng, Từ Khánh Vân, Phan Cảnh Trung, Đà Giang Tử, Điền Trung Tử, Tường Anh, Lã Phi Khanh, Vũ Ngọc, Dương Quân, v.v…
Người dịch xuất sắc nhất khiến độc giả say mê là Hàn Giang Nhạn (1909-1981), tên thật là Bùi Xuân Trang, bút hiệu Hàn Giang Nhạn ra đời năm 1963. Ông dịch cả thảy 7 bộ sách và không theo thứ tự sáng tác của tác giả : Thiên Long bát hộ, Lãnh nguyệt Bảo Đao (Phi hồ ngoại truyện), Hiệp khách hành, Liên thành quyết, Tố tâm kiếm, Tiếu ngạo giang hồ và Lộc Đỉnh ký. Trên khoảng 40 tờ nhật báo ở miền Nam thì đã có 12 nhật báo mua bản dịch từng kỳ của Hàn Giang Nhạn.
Truyện của Kim Dung đặt nền tảng trên võ học và rọi sáng mọi yếu tố, khía cạnh của nhân sinh. Do đó sách Kim Dung lan tràn khắp nơi, lôi cuốn mọi tầng lớp trong xã hội, chẳng những nam giới mà cả nữ giới. Giới cầm bút cũng chịu ảnh hưởng Kim Dung, mang màu sắc ít nhiều của Kim Dung qua sự lựa chọn bút hiệu : Chu Tử là một bút hiệu, nhưng nhà văn lại chọn thêm một bút hiệu khác : Kha Trấn Ác (tên một nhân vật trong truyện Anh hùng xạ điệu) để viết mục « Ao thả vịt » trên báo Sống.
Nhà thơ Nguyên Sa, ngoài bút hiệu Nguyên Sa, còn chọn bút hiệu Hư Trúc (tên một nhân vật trong truyện Lục mạch thần kiếm). Nhà văn, nhà báo Hoàng Hải Thủy chọn bút hiệu Kiều Phong (cũng từ truyện Lục mạch thần kiếm) để viết mục phiếm luận « Vui buồn với bạn đọc » trên nhật báo Hoà Bình, nhà văn Lê Tất Điều tiếp tục mục phiếm luận này cũng giữ luôn bút hiệu do Hoàng Hải Thủy chọn, về sau Kiều Phong trở nên bút hiệu riêng của Lê Tất Điều.
Chừng đó sự kiện về Kim Dung trong xã hội miền Nam cũng chưa đủ. Kim Dung còn là đề tài nghiên cứu của nhà phê bình văn học Đỗ Long Vân. Trong biên khảo đặc sắc của Đỗ Long Vân mang tựa đề : Vô Kỵ giữa chúng ta, hay là Hiện tượng Kim Dung, tác giả dùng phương pháp của thuyết cấu trúc để phân tích nghệ thuật kể truyện của Kim Dung và thế giới truyện của Kim Dung, ông xem truyện Kim Dung như một hiện tượng thời đại, một tài liệu văn học. Theo Đỗ Long Vân, Kim Dung đã biến hóa truyện võ hiệp cổ điển về cách kể truyện, về nghệ thuật dàn cảnh và về cách xây dựng nhân vật, và ông nhấn mạnh về tính mạch lạc của sự biến hóa đó.
Ông viết : Một văn thể là một hệ thống mà tất cả những yếu tố gắn liền với nhau, không thể biến đổi một yếu tố mà không làm những yếu tố khác cùng biến đổi theo trong một chiều. Ở đây thấy rõ tác giả Đỗ Long Vân dùng thuyết cấu trúc của Tây phương để nhận xét, phê bình truyện của Kim Dung. Và theo ông, Kim Dung đã đưa truyện võ hiệp từ thể anh hùng ca sang thể tiểu thuyết. Trong thể anh hùng ca, thế giới được miêu tả rõ ràng, ở đó người ta có thể đoán trước những gì sẽ xảy ra, sẽ kết thúc như thế nào. Trong thế giới tiểu thuyết thì có nhiều bất trắc, nhiều xung đột bất ngờ, tâm lý nhân vật thì phức tạp. Tóm lại, Kim Dung có công biến đổi hình thức truyện kể, ông đã biến đổi thể loại anh hùng ca thành thể loại tiểu thuyết. Kim Dung chẳng những là một tiểu thuyết gia mà còn là một người có biệt tài kể truyện.
Sở dĩ độc giả Việt Nam bị truyện Kim Dung lôi cuốn là vì những bất trắc, những xung đột phản ánh thời đại người dân Việt Nam đang sống.
Biên khảo của Đỗ Long Vân nêu cao giá trị văn học của truyện võ hiệp Kim Dung, sự kiện này khiến những độc giả vốn đã say mê truyện Kim Dung càng thêm tâm đắc.
(Chân dung và tác phẩm của Mario Puzo)
III Những nguyên nhân của sự bùng phát sách dịch
Trước hết là sự phát triển mạnh mẽ của ngành báo chí. Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa chỉ có 9 tờ nhật báo. Qua thời Đệ Nhị Cộng Hòa có trên 40 tờ nhật báo. Và báo bán chạy là nhờ truyện đăng nhiều kỳ gọi là feuilleton. Kim Dung là tác giả có sức lôi cuốn mãnh liệt độc giả. Hằng ngày độc giả mong tờ báo ra để đọc tiếp truyện đang theo dõi. Vì phần nhiều truyện feuilleton là truyện dịch, cho nên có thể nói mỗi tờ báo đều cần có một dịch giả.
Thứ hai là sự phát triển của các nhà xuất bản. Báo bán chạy mà sách dịch bán cũng chạy, những truyện feuilleton thường được tập hợp để in thành sách. Mọi tầng lớp trong xã hội đều đọc sách, độc giả nghèo thì có thể thuê sách để đọc.
Ông Giám đốc Nhà Phát Hành « Sống Mới » tuyên bố trong giai phẩm Văn : Nhà xuất bản mới – ngoài các nhà xuất bản lớn đã có tên – mọc lên như nấm. Chúng ta cũng nên ghi nhận thêm một hiện tượng mới, đó là hiện tượng nhà xuất bản tràn ngập chưa từng có. Mỗi quyển sách dịch mang tên một nhà xuất bản mới. Nhiều nhà xuất bản mới ấn hành nhiều sách dịch nên sách dịch tràn ngập thị trường là lẽ tất nhiên. (tr.11)
Hiện tượng Kim Dung làm xuất hiện hơn 30 nhà xuất bản ở Sài Gòn : An Hưng, An Thành, Bừng Sống, Đại Hưng, Đông Hưng, Đông Phương, Hương Hoa, Quyền Sống, Vui Sống, Vân Thành, Sông Hữu, Sông Xanh, Trung Thành, Trường Giang, Thành Phương, Thời Đại, Thế Kỷ, v.v…
Nguyên nhân thứ ba là tâm lý của độc giả. Sống trong một đất nước khói lửa triền miên, tương lai mờ mịt, tự nhiên con người đi tìm lối thoát qua sách dịch để biết đời sống ở xứ người ra sao, độc giả đi tìm những thế giới truyện cho phép mình giải trí, mơ mộng để tạm quên cái thực tế phũ phàng của chiến tranh. Đó là chỉ nói về tiểu thuyết, chưa kể những sách dịch về khoa học, triết học giúp những thế hệ trẻ mở mang trí tuệ.
IV. Lời phát biểu của hai dịch giả : Vũ Đình Lưu và Liêu Quốc Nhĩ
Trong giai phẩm Văn, số đặc biệt về hiện tượng sách dịch ra năm 1973, có hai dịch giả lên tiếng : Vũ Đình Lưu, dịch giả sách Tây phương và Liêu Quốc Nhĩ, dịch giả sách Đông phương. Họ nghĩ gì về phong trào dịch sách ?
Vũ Đình Lưu phân tích lý do phong trào dịch sách ở miền Nam. Theo ông, có hai nguyên nhân : Nguyên nhân nội tại : sáng tác ít ỏi hay sáng tác không thỏa mãn được đòi hỏi của người đọc. Nguyên nhân ngoại tại : tình trạng chính trị và kinh tế không thuận lợi cho sinh hoạt văn nghệ. (tr. 12)
Để tìm hiểu tâm lý của độc giả Việt Nam, Vũ Đình Lưu đưa ra ví dụ ba nhà văn Tây phương được dịch sang Việt ngữ : Hermann Hesse, Erich Maria Remarque và Dostoievski. Theo ông, qua Đôi bạn chân tình của H. Hesse, Một thời để yêu một thời để chết của E. M. Remarque, và qua những tác phẩm của Dostoievski, Độc giả Việt Nam thông cảm và thưởng thức được vì họ soi thấy bóng mình trong những tác phẩm ấy. (…) độc giả Việt Nam đã có những tâm tình, thắc mắc và hoài bão ấy nhưng văn nghệ nhà không khai thác được đúng mức cho nên họ đi tìm ở văn phẩm nước ngoài. (…) Văn nghệ vẫn đi theo vết cũ đường mòn trong khi thực trạng cảm nghĩ đã vượt qua khuôn khổ cũ. Văn chương thiếu cái phong phú cần cho thế hệ mới. Cái phong phú ấy họ đi tìm ở văn nghệ nước ngoài. (tr. 13-14)
Về phần dịch giả Liêu Quốc Nhĩ thì do những tình cờ đã đưa đẩy ông vào con đường dịch thuật, và ông đã thành công với những tác phẩm của Quỳnh Dao. Trong giai phẩm Văn, ông giải thích công việc ông làm : Cũng có thể vì lúc bấy giờ mọi người đều mệt mỏi vì chiến tranh, thích một cái gì nhẹ nhàng dễ đọc, nên Quỳnh Dao đột ngột trở thành một hiện tượng, và tôi, tôi trở thành một bánh xe lăn theo nhu cầu độc giả. Nói như vậy không có nghĩa là tôi đã nhắm mắt dịch, mà tôi rất lựa chọn, bằng chứng là mười ba quyển sách thật của Quỳnh Dao (có nghĩa là có những Quỳnh Dao giả. Lời ghi chú của người viết) tôi chỉ chọn có mười cuốn (…). Trong lúc dịch, có lẽ vì ảnh hưởng bởi cái nhẹ nhàng của văn Quỳnh Dao. Tôi đâm ra mê luôn sách của nhà văn đầy nữ tính này nên dịch rất say mê (…).
Có một điều mà tôi rất buồn, đấy là có người đã hiểu lầm tôi, tưởng tôi là một cột trụ trong chiến dịch gây nên hiện tượng Quỳnh Dao để giết chết một số những nhà xuất bản và anh em văn nghệ trẻ.
Xin thưa thật, tôi chẳng bao giờ có tham vọng, tôi cũng không nghĩ đến nó mãi đến lúc có người đưa ra nhận xét như vậy. Chuyện Quỳnh Dao trở thành một hiện tượng theo tôi là một chuyện tự nhiên xảy ra theo chu kỳ nhu cầu của độc giả. (…) Sách Quỳnh Dao được đón nhận nồng nhiệt đến độ trở thành hiện tượng, đó hoàn toàn là do độc giả và tác giả, người dịch chỉ giữ vai trò chuyển ngữ thế thôi. (tr. 45-46)
Phản ứng của hai dịch giả khác biệt nhau. Liêu Quốc Nhĩ khiêm tốn, chỉ tự cho mình cái vai trò chuyển ngữ, « chuyển ngữ » nghe như có vẻ máy móc, trong khi đó Liêu Quốc Nhĩ là một dịch giả thật sự, đã tha thiết gắn bó với nguyên tác để cống hiến độc giả một bản dịch có sức lôi cuốn. Trong trường hợp này, làm sao độc giả đừng say mê ?
Vũ Đình Lưu thì nhìn nhận công việc dịch thuật của mình là chính đáng, và khẳng định sự ích lợi của việc dịch thuật. Vũ Đình Lưu lại có cái nhìn xa hơn ; trước tình trạng phong trào sách dịch, ông đổ trách nhiệm cho giới sáng tác trong nước : họ không cố gắng theo những con đường mới của thời đại để đáp ứng nhu cầu của độc giả. Nhận xét của Vũ Đình Lưu có phần đúng, nhưng thiếu thông cảm. Chúng ta hãy tự đặt mình ở địa vị của các nhà văn lúc bấy giờ. Sống trong một hoàn cảnh bấp bênh do chiến tranh gây nên, nhiều tang tóc đau thương, nhiều lo âu ngày đêm, làm sao tâm hồn được yên ổn, thảnh thơi để tìm tòi cái mới cho việc sáng tạo ?
V. Phản ứng của một số nhà văn
Nói chung, có hai lập trường đối lập nhau : lập trường bi quan và lập trường lạc quan. Bên phe bi quan có nhà văn Sơn Nam, nhà Nam Bộ học, ông cho hiện tượng sách dịch là do tinh thần vọng ngoại. Nguyễn Mộng Giác thì nghĩ đến tình trạng sáng tác khó khăn của các nhà văn trong nước và lo sợ rằng sách dịch sẽ lan tràn khắp nơi và làm cho văn học trong nước biến mất.
Bên phe lạc quan đông đảo hơn, họ cho rằng sách dịch – đương nhiên phải là sách dịch có giá trị – không phải là một đe dọa cho văn học nước nhà. Mai Thảo tuyên bố : Sách dịch (…) đang là một cần thiết, có tràn ngập cũng chẳng sao, càng tràn ngập càng hay. Bảo rằng vì sách dịch mà người đọc không đọc sách của các tác giả Việt Nam nữa không đúng đâu. Trên bất cứ một phương diện nào, sách dịch cũng không phải là một hiện tượng đáng đề phòng, đáng lo ngại. Trần Tuấn Kiệt nhận xét độc giả có trình độ cao, chỉ đọc những sách dịch có giá trị, vậy phong trào sách dịch là một điều tốt. Thanh Nam tán thành sách dịch với điều kiện dịch giả có uy tín, nhà xuất bản đứng đắn. Và lạc quan của Bình Nguyên Lộc thì được diễn tả bằng một ngôn ngữ hình tượng của miền sông nước Cửu Long : Theo ý riêng của tôi thì phong trào xuất bản sách dịch có lợi. Đó là một phù sa đưa đất mầu tới đồng bằng văn chương của ta.
Còn lập trường của Mặc Đỗ thì có phần cực đoan. Mặc Đỗ là một nhà văn và cũng là dịch giả của nhiều dịch phẩm, nổi tiếng nhất là dịch phẩm Giờ thứ hai mươi lăm. Thế nên việc ông bênh vực sách dịch là một điều chính đáng. Nhưng ông có một phản ứng có phần khắt khe đối với những người không cùng quan điểm. Ông chỉ trích những người có thái độ « hốt hoảng » trước hiện tượng sách dịch : Mới có ba cuốn sách ngoại ngữ được dịch ra tiếng Việt sao có lắm người hốt hoảng, trong khi sự thật chỉ là một nhu cầu hợp lý… Theo ông, những người hốt hoảng là những con bệnh cần được phân tâm học chữa.
Rồi ông phân tích nhiều hạng độc giả : Trước đây, trong chiến tranh, độc giả sách phần lớn là phụ nữ có trình độ kiến thức khiêm nhượng, họ có thì giờ và có tiền hơn bọn đàn ông bận chiến trận. Cứ nhìn vào sự thành công của những loại tiểu thuyết tình cảm và đàn bà viết rất « bạo » cho đàn bà đọc thấy thích như mó vào trái cấm, đủ thấy rõ như vậy. Bây giờ cứ cho là chiến tranh đã hết, bọn đàn ông đỡ lo chiến trận nhưng đa số vẫn ở những nơi xa vắng, họ cần đọc. Cộng thêm một số lớn đàn ông nữa là các ông giáo trung và tiểu học, họ phần đông cũng ở các nơi xa. Hai nhóm đàn ông đông đảo này có một trình độ kiến thức cao hơn nhiều so với các bà nằm dài đọc truyện, họ cần giải trí và cũng cần tìm hiểu, sách dịch cung cấp đủ hai yếu tố đó. Hai thành phần độc giả mới, cộng thêm với số độc giả đọc để tìm hiểu và thưởng thức sẵn có, đủ để các nhà xuất bản đua nhau in sách dịch. (Văn, tr. 3)
Những lời tuyên bố trên đây của Mặc Đỗ tuy đã xưa nhưng ngày nay cũng cần xét lại.
Trước hết, mọi người đều đồng ý với Mặc Đỗ rằng sách dịch có lợi cho người mình, cho văn hóa nước mình. Nhưng cách ông phê phán những người lo âu cho tương lai văn học nước nhà, những người mà ông cho là « hốt hoảng » và liệt họ vào hạng những con bệnh tâm thần, cách nói như thế là thiếu thông cảm và có tính miệt thị.
Hai nữa là cái nhìn đơn giản của ông về người phụ nữ. Nếu phụ nữ không ra chiến trận như đàn ông thì không có nghĩa ở nhà nằm dài đọc truyện (số người này quá tối thiểu không đáng kể). Phụ nữ Việt Nam vào thời chiến phải lo vấn đề sinh nhai, lo nuôi con cái, đó là chưa kể nỗi hồi hộp, lo sợ cho người chồng ngoài mặt trận, nếu họ có đọc truyện tình cảm thì cũng chỉ trong một thời gian hạn chế. Và không phải người phụ nữ nào trình độ cũng thấp. Khi Mặc Đỗ kể hai hạng đàn ông có trình độ cao, xứng đáng đọc sách dịch, trong đó hạng đàn ông thứ hai là các nhà giáo, ông quên kể đến những người phụ nữ tốt nghiệp đại học sư phạm cũng thuộc giáo giới, họ có thua gì các ông giáo. Mặc Đỗ là một dịch giả có kiến thức rộng, điều lạ là ông vẫn còn cái lập trường thủ cựu trọng nam khinh nữ của thời xưa.
Hiện tượng sách dịch ở miền Nam thời 54-75 đã làm phong phú thêm văn hóa nước nhà. Có điều là sách dịch, dù có giá trị đến đâu, cũng không bao giờ thay thế được sách sáng tạo trong nước. Văn học của ta có nguồn gốc riêng, đặc tính riêng, phản ánh văn hóa con rồng cháu tiên, một nền văn học mang hình bóng của thằng bờm có cái quạt mo, của một con người đêm qua ra đứng bờ ao… Văn học của ta không thể bị lầm lẫn với những nền văn học khác. Cho nên sử văn học Việt Nam chỉ có một đối tượng là văn học Việt Nam, còn các dịch phẩm, văn học dịch dẫu có hấp dẫn đến đâu vẫn chỉ ở ngoại biên.
|