*Ngày 29-04-1975
– Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh trục xuất những người Mỹ cuối cùng ra khỏi đất nước Việt Nam. Nhơn Trạch, Thành Tuy Hạ, Cát Lái, Cầu Sông Buông, Long Bình, Biên Hoà, Phú Lợi, Lai Khê, Bến Cát, Bình Dương, Tân Uyên, Lái thiêu, Gò Vấp, Hướng Tây Bắc Đồng Dù, Củ Chi, Hướng Tây Tây Nam Hậu Nghĩa, Tân Túc, Tân Hoà, Phú Lâm… lần lượt bị chiến tranh gian ác xâm lược. Thấy mất thật rồi!
Tin tức mỗi ngày mỗi giờ một xấu hẳn đi. Cho đến ngày hãi hùng. Ngày đớn hèn bi thảm. Ngày tối đen hắc ám nhất lịch sử Việt Nam. Ngày đánh dấu trầm uất, thống hận:
Thế là trong thành phố Sài Gòn vốn dĩ ồn ào náo nhiệt, bon chen sợ hãi, càng tăng thêm nhốn nháo, xôn xao, xớn rớn hãi hùng hơn. Sài Gòn chìm trong biển tình đau thương tràn ngập mịt mùng. Sài Gòn như rắn mất đầu, người người xớn rớn ồn ào như núi lở, như động đất, như triều cường sóng thần vùi dập. Sài Gòn đã mất đi vẻ hào nhoáng thanh lịch sang trọng xa hoa của hòn ngọc viễn đông xưa. Thành phố giờ đây ồn ào náo nhiệt hỗn loạn, bụi bặm và rác rưởi ụ từng đống to tướng. Sài Gòn càng hỗn loạn, hoang mang lo sợ bùng lên dữ dội.
Nhất là những gia đình giàu sang quyền quý, ở Sài Gòn và cư dân gốc Trung Hoa đang sinh sống ở Chợ Lớn hãi hùng huyên náo loạn cả lên. Thuở xa xưa, người Hoa có quốc tịch Anh, được người Pháp (đang cai trị nước Việt ta lúc bấy giờ), cho phép người Hoa từ Singapore nhập cư vào Việt Nam. Họ giàu xụ! Có tiền rừng bạc bể, nên độc chiếm thị trường kinh tế, thương mại, sầm uất ở một giang sơn Chợ Lớn!
Hết rồi vẻ sạch sẽ thanh cao rộng rãi trên những phố Catina, đại lộ sang trọng Thống Nhất, con đường Lê Văn Duyệt. Trần Hưng Đạo. Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ, vân vân… thậm chí cả con đường Duy Tân "cây dài bóng mát" thuở nào, nay cũng có từng tốp mười tốp hai ba mươi người tụ tập, dọc theo con đường nên thơ nầy, tới sau lưng nhà thờ Đức Bà. Họ lo lắng, bồn chồn xôn xao, hốc hác, băn khoăn đứng ngồi không yên, kể từ khi phi trường Tân Sơn Nhất bị pháo kích. Sài Gòn nóng như một hoả lò. Càng ghê rợn hơn, tin từ đài phát thanh Sài Gòn loan báo kể từ giờ phút nầy: Thiết quân luật 24/24. Tình hình thủ đô Sài Gòn vắng lặng như tờ, không giống một thành phố chết thì là gì!?
*Ngày 30 tháng 4 năm 1975.
- 8 giờ sáng ngày 30-4-1975 - Sáng sớm tinh mơ, Tổng thống Dương Văn Minh lên Truyền thanh Truyền hình, ông ra lệnh cho các tuyến phòng thủ của Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Phủ Tổng thống không được nổ súng.
- 9 giờ sáng ngày 30-4-1975 - Tổng thống Dương Văn Minh đọc diễn văn trên đài Truyền thanh: “Yêu cầu Toà Đại sứ Mỹ và văn phòng tùy viên DAO Hoa Kỳ, phải rời khỏi Việt Nam ngay lập tức!”
- 10 giờ ngày 30-4-1975: Tổng-thống Dương Văn Minh leo lên làm Tổng thống được ba ngày, ông liền “mở cửa khẩu” kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng Hoà:
- “Ở đâu, hãy giữ nguyên vị trí ở đó.”
- “Ngưng chiến. Chờ bàn giao chính quyền miền Nam Việt Nam: cho lực lượng mặt trận giải phóng miền Nam vào chiếm.”
- “Chuẩn bị giao nạp vũ khí cho đối phương.”
– Chao ôi! Sụp đổ toàn diện cả một chế độ. Bàng hoàng cả một dân tộc Việt Nam, chiến tranh hai miền Nam Bắc đưa con người bải hoải lết tới đường cùng cuối bờ vực sâu.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 – Thật hắc ám. Khi 15 giờ chiều, Trịnh Công Sơn hát lui hát tới bài “Nối Vòng Tay Lớn,” không có nhạc đệm trên đài phát thanh Sài Gòn. Không những là ngày uất hận “nối vòng tang lớn,” mà còn là ngày co giật từng cơn run kinh phong nhăn nhúm rúm ró teo tóp lại.
Quân Bắc Việt được sự hỗ trợ tối đa của Nga và Tàu cộng cung cấp đầy đủ đạn dược, súng ống và xe tăng. Trong khi miền Nam Việt Nam bị Mỹ hứa lèo hứa cuội, rồi trở mặt phản bội, lãnh đạm bỏ rơi. Mỹ từ chối hết mọi thứ, kể cả chính phủ miền Nam chỉ xin chi viện 300 triệu đồng. Cũng không! Toàn Quân miền Nam thiếu thốn đủ mọi thứ. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa phải tự anh hùng oai dũng kiên cường chiến đấu, quyết liệt chống trả đến viên đạn cuối cùng, trong sự cô độc, vô cùng đắng cay chua xót và tuyệt vọng dường bao!!! Những Người Lính dũng cảm ấy chưa hề buông súng bỏ cuộc. Họ không bao giờ phản bội dân tộc và cương quyết ở lại giữ gìn quê hương. Cho đến một ngày thứ Tư: 30-04-1975 họ phải cúi đầu bật khóc; vì buộc lòng phải tuân theo thượng lệnh .
Ngày 30 tháng 4 đen tối hắc ám năm 1975 . Đời sống ấy phơi bày cuốn phim cay nghiệt, có cảnh tượng kém thanh lịch, bóc trần những điều quá thật, làm tan nát đời nhau. Chẳng bao giờ xóa nhòa, tàn phai trong ký ức mọi người. Tan hoang kinh khủng. Đau đớn tột độ!
“Hạnh phúc Hòa Bình” đến, vội vã chợt đi. Giật theo tấm áo đơn bạc. Lộ ra quá khứ trần trụi. Hiện tại đọa đày, tương lai đen tối mịt mù; vô cùng cay đắng!!!
"... Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn chau mặt với tang thương.
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường."
(Bà Huyện Thanh Quan)
Trần Văn Giang
Orange County, Tháng 4 năm 2023