Đọc Lại Bài Của Đặng Tiến (1940-2023)
Bình Luận Thơ Chiến Tranh Của
Nguyễn Bắc Sơn
(Nhân tin nhà phê bình văn học Đặng Tiến vừa tạ thế tại Pháp, Ban biên tập BBC tiếng Việt đăng lại một bài của ông gửi cho BBC năm 2005 bình thơ Nguyễn Bắc Sơn và tập thơ 'Chiến tranh Việt Nam và Tôi' năm 1972):
*
Đọc lại thơ Miền Nam, ba mươi năm sau ngày chiến tranh kết liễu:
"Mai ta đụng trận ta còn sống
"Về ghé Sông Mao phá phách chơi
"Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
"Đốt tiền mua vội một ngày vui
TÂM TƯ THỜI ĐẠI
Đây là một đoạn thơ Nguyễn Bắc Sơn đã từng làm xao xuyến dư luận khi xuất hiện trên báo giới Sài Gòn khoảng 1970, như trên tuần báo Khởi Hành của hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Nhiều người đọc, nhất là giới thanh niên, ngạc nhiên và sảng khoái trước những lời thơ ngang tàng, bi tráng, ý thơ u uất, kiêu bạc, bất cần đời. Câu thơ phơi trải tâm trạng một lớp thanh niên Miền Nam, vào thời điểm quyết định của chiến tranh - và từ đó - làm chứng từ cho một khía cạnh của cuộc chiến kéo dài non hai mươi năm.
Tâm trạng kia và chứng từ nọ đã được ghi lại trong tập thơ Chiến Tranh Việt Nam và Tôi xuất bản năm 1972[1] thời đó đã ít người được đọc trực tiếp nguyên tác ; bây giờ dĩ nhiên là tuyệt bản.
Năm nay nhiều cơ quan tổ chức kỷ niệm ba mươi năm chấm dứt chiến tranh (1975-2005), tưởng cũng nên đọc lại chứng từ Nguyễn Bắc Sơn. Thì may thay, các bạn ở nước ngoài đã sưu tầm và tái bản tập thơ để tặng biếu bạn bè. Đây là một việc làm cao đẹp, đi từ tình bằng hữu thủy chung và nồng nhiệt đến việc bảo tồn văn học lâu dài, bên ngoài mọi ý đồ chính trị. Thậm chí cái năm 2005 kỷ niệm này có lẽ cũng chỉ là tình cờ so với việc tái bản. Việc làm như thế đáng được giới thiệu rộng rãi và nhiệt thành cổ vũ [2].
GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT
Nhiều người nhớ đoạn thơ nói trên vì tâm tư một thời đại, nhưng nó tồn tại lâu dài trong tâm thức người đọc là nhờ giá trị nghệ thuật - bên cạnh giá trị lịch sử mà không ai chối cãi.
Điển hình cho thi pháp Nguyễn Bắc Sơn là từ vựng : câu đầu trên 7 chữ, đã có 5 từ diễn tả niềm hoang mang trước cuộc sống mỏng manh, bao quanh một chủ từ « ta » phù du hiu hắt ; « mai » là cuộc sống đếm từng ngày ; động từ « đụng » vừa chủ động : có đi mới đụng, vừa thụ động vì có tính cách tình cờ, tai hại ngoài ý muốn : «anh đi nhè nhẹ, đụng giường má hay». Người lính đụng trận như người thường đụng xe, đụng mưa ; bình thường, chính xác hơn, người khác sẽ nói : đụng giặc, đụng địch. Nhưng trong thơ Nguyễn Bắc Sơn không thấy có đối phương. Trong câu sau Sông Mao là một thị trấn nổi danh vì chiến tranh : từ 1955 Sư Đoàn 5, người Nùng đóng ở đó, với khu gia binh di cư vào, và đời sống mang sắc thái riêng, về sau là các căn cứ quân sự Hoa Kỳ. Do đó địa danh Sông Mao, tự nó đã có âm hưởng chiến tranh, và quả thật nơi đấy « có nhiều nhà điếm và nhiều trại lính » (tr. 11) như lời thơ Nguyễn Bắc Sơn.
Nói phá phách chơi là phách lối chơi, nói cho hả, nói cho đã, chứ Nguyễn Bắc Sơn là binh nhì Địa phương Quân « hiền khô, lính cậu» thì sức vóc bao nhiêu mà phá phách, nhưng giọng thơ ngang tàng ở đây pha lẫn một ít Lương Sơn Bạc, Tiếu Ngạo Giang Hồ với tính cách lê dương mà tác giả, sinh năm 1944, còn ghi trong ký ức ; «đốt tiền » cũng là lối nói ngông, như Nguyễn Bính « tiêu hoang cho đến hết », nhưng chữ « đốt » ngông cuồng, nóng nảy hơn, phục vụ đắc lực cho ý đồ « mua vội một ngày vui » với những âm môi m, v mấp máy và luyến láy, như hấp ta hấp tấp.
Tâm tình tác giả buồn vui lẫn lộn, mâu thuẫn : chia sớt nỗi buồn nghĩa là nỗi buồn tràn bờ, nỗi buồn hiện hữu làm căn bản cho cuộc sống. Sau trận đánh còn sống, tự thân nó, chưa phải là niềm vui, cho nên phải đốt tiền để mua vui. Ở một bài thơ khác, tác giả nói rõ:
"Một trẻ con mới sinh
"Chắc gì là một điều đáng vui
"Một người chết
"Chắc gì đã là điều đáng tiếc (tr. 25)
Một câu thơ khác, hào sảng, bi tráng hơn :
"Đời mình như ly rượu cạn,
"Hắt toẹt đời đi chẳng nhíu mày (tr. 58)
Hắt toẹt là một hình ảnh khinh bạc chưa từng thấy trong thơ Việt Nam.
Đời đáng sống hay không đáng sống là câu hỏi đã ngàn năm của loài người. Nhưng ở mỗi thời điểm nó dấy lên nét bi đát riêng.
Vào khoảng 1970 hơi thơ Nguyễn Bắc Sơn tính phi lý và bi kịch đã được chiến tranh, vào giai đoạn cuối, nâng tầm lên cao điểm.
LỐI NHÌN CHIẾN TRANH
Có nhiều lối nhìn khác nhau về bản chất cuộc chiến, thịnh hành nhất vẫn là lối nhìn từ bên chiến thắng. Đây là cách nhìn của Nguyễn Bắc Sơn:
"Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
"Suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí
"Lũ chúng ta sống một đời vô vị
"Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau
"Mượn trời đất làm nơi đốt hỏa châu
"Những cột khói giả rồng thiêng uốn khúc.
Đây là trò chơi súng đạn, sống chết và hai đối thủ xem nhau như cừu thù :
"Kẻ thù ta ơi những đứa xăm mình
"Ăn muối đá mà điên say chiến đấu
"Ta vốn hiền khô ta là lính cậu
"Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo
"Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
"Xem cuộc chiến như tai trời ách nước
"Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
"Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi...
Đây là kinh nghiệm đánh chác :
"Dừng chân nơi đây nói chuyện tiếu lâm chơi
"Hãy tựa gốc cây, hãy ngắm mây trời
"Hãy tưởng tượng mình đang đi pic nic
… "Lúc này đây ta không thèm đánh giặc
"Thèm uống chai bia, thèm châm điếu thuốc
"Thèm ngọt ngào giọng hát em chim xanh.
(Trích từ bài Chiến Tranh Việt Nam và Tôi, tr. 38)
Sau cuộc chiến, nhà thơ Cao Tần di tản sang Mỹ, hồi tưởng lại đời lính, cũng chẳng khác chi Nguyễn Bắc Sơn:
"Hai mươi tuổi ta đi làm chiến sĩ
"Bước giày đinh lạng quạng một đời trai
"Vừa đánh giặc vừa lừng khừng triết lý
"Nhưng thằng này yêu nước chẳng thua ai
(Cảm Khoái, 1977) [3]
Nguyễn Bắc Sơn không lừng khừng triết lý, mà để hồn mình bay bổng ra khỏi nhân gian:
"Đêm nằm ngủ võng trên đồi cát
"Nghe súng rừng xa nổ cắc cù
"Chợt thấy trong lòng mình bát ngát
"Nỗi buồn sương khói của mùa thu
Khổ thơ này cũng như đoạn 'mai ta đụng trận' trích ở đầu bài nằm trong một bài thơ mang tên Mật khu Lê Hồng Phong, một chiến trường ác liệt, chạy dài khoảng 40 cây số dọc biển, từ Phan Thiết đến Phan Ri. Nơi đây, năm 1970 đã xảy ra nhiều cuộc ác chiến - phần nào để giải tỏa bớt sức ép của chiến trường Căm-Pu-Chia vừa mới mở ra. Trước trận Sông Mao này không lâu, thì Thiện Giáo, 1969, cũng là chiến trường ác liệt.
"Chiều Thiện Giáo hồn mình đầy bóng núi
"Con đường mìn ươm vết máu đơm khô
Nhưng nhà thơ 'lao đao' vì bị lắc lư trong trực thăng nhiều hơn vì lo toan về chiến cuộc, vẫn thả hồn phiêu lãng:
"Đêm ngủ đổ ngâm thơ cùng đại bác
"Hồn lao đao trong chuyến trực thăng bay
"Đâu có chắc mặt trời mai sẽ mọc
"Trời rây mưa lành lạnh khiến thèm say
VIỄN TƯỢNG HÒA BÌNH
Và anh ngờ vực viễn tượng hòa bình - trước sau gì cũng phải đến với hòa hội Paris đang hứa hẹn:
"Chiến tranh quá dài nên người quá khác
"Không thể mừng vui khi tiếp rước hòa bình
"Đêm đen quá dài nên người quá khác
"Không thể nào tin sẽ có bình minh
Hai ông Sơn Trịnh và Sơn Nguyễn, cùng thế hệ, cùng tâm trạng nên có nhiều ý tưởng hao hao. Trịnh Công Sơn, 1968, cũng có hát: đêm nay hòa bình sao mắt mẹ chưa vui? Do đó, Nguyễn Bắc Sơn giữa chiến trận ngâm thơ cùng đại bác, đồng thời cũng lắng nghe :
"Chảy trong lòng men nhạc Trịnh Công Sơn
"Đêm không ngủ trong những ngày bão táp
"Ôi những ngày máu ứa xác quê hương...
"Tôi hởi tôi xin đừng chết nhé
"Bóng hòa bình thấp thoáng ở miền Nam.
(tr. 45)
Thơ trích từ bài Nhắc đến Ma Lâm, một thị trấn gần Phan Thiết, địa danh nghe ma quái như con sông Ma Hý gần đó:
"Buổi chiều uống nước đồng Ma Hý
"Thằng Xuân bắn chết thằng Mang Khinh
THƠ PHẢN CHIẾN
Câu thơ nghe rờn rợn : Thằng Xuân, thằng Mang Khinh là ai? đồng đội hay đối phương ? quan hệ thế nào với tác giả? Chữ "thằng" nghĩa là gì ? bắn chết trong hoàn cảnh nào? Ở đây, sao cái chết dễ dàng quá, như trong một bài hát "chết chẳng hẹn hò, chết thật tình cờ, nằm chết như mơ". Câu hát Sơn Trịnh là một hình ảnh văn học, ví von đúng quy cách, người nghe nắm bắt trọn vẹn ý nghĩa mà không thắc mắc. Trái với câu thơ Sơn Nguyễn trần trụi, bất ngờ. Bản thân tôi có kinh nghiệm đọc thơ, cảm nhận bi kịch trong câu thơ và nhận diện được câu thơ hay, mặc dù (hoặc bởi vì) không hiểu cặn kẽ ý nghĩa cụ thể của sự kiện được tường thuật. May mắn là được tác giả kể lại câu chuyện.
Trong một cuộc hành quân cấp đại đội, anh đi làm thông dịch cho cố vấn Mỹ; đến một con suối thì dừng quân xuống tắm. Mang Khinh là một đồng đội gốc Chăm đứng chơi trên bờ. Xuân là trung đội trưởng, nghe thấy hay nhìn thấy động tĩnh gì đó, bèn lia một tràng đạn về phía khả nghi. Mang Khinh đứng chơi lớ ngớ bên bờ suối lãnh đủ băng đạn. Nhà thơ bơi nhởi trong lòng suối thì không việc gì, bàn luận về tử sinh, trong hai câu tiếp theo :
"Hỡi ơi sống chết là mưa nắng
"Gió tối mưa đêm chớ lạnh mình.
(tr.37)
Bài Thảo Khấu này, câu kết thật hay, bình thường nhưng thấm thía vì nhân đạo, nhưng cũng vì những cái chết phi lý mà Nguyễn Bắc Sơn đã kể ra tưng tửng:
"Chiến chinh chinh chiến bao giờ dứt
"Sắt đá ồ sao lại nhớ nhà
(tr. 37)
Nhạc Trịnh Công Sơn được người đời đặt tên là phản chiến. Nguyễn Bắc Sơn thẳng thừng tự xưng mình như vậy:
"Trong thành phố này ta là người phản chiến
"Ngày qua ngày ta chỉ thích đi câu (tr. 32)
Bài thơ mang một tiêu đề tiêu biểu: cười lên đi tiếng khóc bi hùng.
Lý do phản chiến thì nhiều: có khi vì lý tưởng hòa bình cao đẹp, có khi vì quan điểm chính trị, có khi vì sợ chết, sợ khổ. Nơi Nguyễn Bắc Sơn có thể còn lý do riêng: thân phụ anh đi kháng chiến chống Pháp, tập kết ra Bắc. Có thể ông lại vào Nam chiến đấu, và khách quan, có khả năng là đối tượng trước mũi súng Nguyễn Bắc Sơn, và anh khó bề dễ dàng, an nhiên "nhắm thẳng đầu thù mà bắn" như một khẩu hiệu có từ 1964.
CÂU CHUYỆN GIA ĐÌNH
Trong thực tế, ông cụ đã vào Nam chiến đấu "phía bên kia", cùng trong một địa bàn với con, ở cương vị phó chủ nhiệm cục chính trị quân khu 6. Trung ương Tình Báo Việt Nam Cộng Hòa có lẽ cũng biết được nên đã đưa Nguyễn Bắc Sơn ra đơn vị chiến đấu. Sau ngày kết thúc chiến tranh, người cha đã trở về đoàn tụ với gia đình, trên cấp bực đại tá quân đội nhân dân. Ông có bao che cho con cái và bạn bè của con, trong cùng cảnh ngộ, như Lê Mai Lĩnh bị tù cải tạo đến cuối 1983, gần đây còn chân thành kể lại[4] .
Ông cụ qua đời trong một tai nạn xe hơi đã gây nhiều nghi vấn. Nguyễn Bắc Sơn có làm bài thơ nhớ bố:
"Bố tôi qua đời đúng năm năm
"Tôi viết thơ này
"Để tâm sự cùng người khuất núi
"Bố tôi ước mơ làm cho loài người sung sướng
"Và thế là ông từ tuổi thanh xuân
"Cùng bạn bè đi làm cách mạng
"Ông càng làm cách mạng chừng nào
"Thì loài người càng thêm sặc máu
"Tôi ước mơ cõi đời tốt đẹp
"Và thế là tôi làm thơ ca tụng loài người
"Tôi càng ca tụng chừng nào
"Thì loài người càng xấu xa chừng nấy.
"Bố ơi bố đã ra về
"Con ở lại làm thơ và chữa bịnh
"Chúng ta đến nơi này để phát huy một tấm lòng son
"Thành hay bại chỉ là chuyện vặt.
(Trích theo Lê Mai Lĩnh, số báo đã dẫn)
Cái chết của Mang Khinh và hoàn cảnh bố con Nguyễn Bắc Sơn nhắc lại một câu chuyện Võ Phiến kể, cũng trong năm 1972, trong đó anh tóm tắt số phận người dân Việt Nam trong ba mươi năm chiến tranh, qua cái chết của hai anh em nhà kia, trong một câu súc tích, ngắn gọn đến tàn nhẫn "kẻ chết do cối, người chết do câu" [5].
Câu chuyện như sau: có hai anh em nhà kia, người anh đi dân vệ ở trong đồn, chết vì đạn súng cối bên ngoài nả vào, gọi là "mọt thụt"; đứa em nhỏ lui cui trong vườn trúng đạn trọng pháo trong đồn "câu" ra. Rồi Võ Phiến thắc mắc : kẻ chết do cối người chết do câu, đố ai biết được giữa địch ấy và ta ấy, có cái gì khác nhau trong "tư tưởng". Nhưng không phải vì lẽ không tìm được sự khác nhau mà bà con trong làng không giết nhau. (bài đã dẫn).
Võ Phiến là nhà văn chững chạc, lập trường kiên định, không giống Nguyễn Bắc Sơn, kẻ làm thơ đôi khi biến thành du đãng ; nhưng cái nhìn về cuộc chiến, trên cơ bản, không khác nhà thơ. Vì vậy, từ 1970, Võ Phiến đã có bài giới thiệu thơ Nguyễn Bắc Sơn trên báo Bách Khoa, số Xuân Canh Tuất, 1970, in lại trong Chúng Ta Qua Cách Viết, 1972. Năm 1994, ở Mỹ, anh còn viết bài ca ngợi thơ mới làm sau này của Nguyễn Bắc Sơn mà dường như anh không quen biết [6].
HẬU QUẢ CHIẾN TRANH
Chiến tranh, sau này ta mới biết, để lại những vết thương nan y, trên cơ thể và trong tâm hồn. Không cứ gì ở Việt Nam mà còn hoành hành nhiều nơi khác trên thế giới. Nguyễn Bắc Sơn đã tiên cảm được điều này:
"Ta mắc bệnh ung thư thời chiến
"Thoi thóp còn một trái tim khô
"Sợ hãi con người hơn thú dữ
"Nhìn nơi nào cũng thấy hư vô
"Mai kia trong những ngày ngưng chiến
"Ta chắc rằng không thể yêu ai
"Nhà thương điên nếu còn chỗ trống
"Xin chiếc giường cho xác tàn phai.
(tr. 52)
Nhưng rồi chiến tranh kết thúc, nhà thơ vẫn sống bình thường, bên cạnh vợ con, trong ngôi nhà xưa, thành phố cũ là Phan Thiết:
"Ta may mắn tay chân lành lặn
"Nhưng tâm hồn trống rỗng bơ vơ
"Mỗi ngày chữa bệnh bằng ly rượu
"Tối nằm đánh vật với cơn mơ.
(tr. 51)
Thỉnh thoảng trong đêm mù thác loạn, Nguyễn Bắc Sơn có những cơn khủng hoảng, nghe đâu có nhảy lầu tự tử hụt đôi ba phen. Nhưng thơ anh, như bài Tâm Hồn Trẻ Thơ kể chuyên đi hớt tóc, làm khoảng 1990, vẫn còn hào khí sung mãn, đoạn cuối thanh thản :
"Dường như đứa trẻ nghìn năm trước
"Bây giờ đây vẫn trẻ trong ta
"Khi về râu tóc còn nguyên vẹn
"Một ngày loáng thoáng một ngày qua.
Một đứa trẻ con, một Lão Ngoan Đồng nào đó, hay sao Thiên Đồng đã cứu mạng Nguyễn Bắc Sơn, và giải thoát nhiều người trong mỗi chúng ta.
NGUỒN THƠ HÀO SẢNG
Thơ có tuổi và chiêm bao có tích, Hàn Mạc Tử nói thế, chắc cũng là cao hứng, nhưng câu thơ gợi lên một chân lý thâm hậu. Thơ Nguyễn Bắc Sơn cũng như bất cứ dòng thi ca nào đều có cội nguồn, đều đón nhận những mạch nước gần xa. Nguyễn Bắc Sơn suốt đời quanh quẩn trong quê nhà Bình Thuận, hành quân, đánh chác loanh quanh những Sông Lũy, Ma Lâm. Về mặt địa dư nguồn thơ hào sảng, ngang tàng, gần anh nhất là bài thơ Tống Biệt do Phan Khôi trích dẫn của một thi nhân Bình Thuận:
"Trái mù u trên núi
"Chạy xuống cửa Phan Rang
"Ông đi về ngoài nớ
"Trong lòng tôi chẳng an.
"Bao giờ ông trở vô
"Gặp tôi ở giữa đàng
"Nắm tay nói chuyện chơi
"Uống rượu cười nghênh ngang [7]
Phan Khôi không tiết lộ tên tác giả, đời sau cứ xem như là thơ Phan Khôi, vì giọng thơ ngang tàng giống ông.
Bài thơ tân kỳ, hào hứng; từ vựng hồn nhiên, mới mẻ, nhịp thơ phóng túng, nhanh nhẹn, khí thơ đi liền một mạch; thơ làm vào những năm 1930 mà ngày nay ta vẫn thấy mới lạ. Và cái hào khí ở đây không khỏi nhắc ta nhà thơ Bình Thuận Nguyễn Bắc Sơn.
Lần lên xa hơn nữa, theo lịch sử thì thơ cổ Trung Quốc đã có truyền thống trầm hùng, nhiều trước tác về chiến tranh như bài Văn điếu Chiến Trường Cũ của Lý Hoa, đầu đời Đường, nhưng được truyền tụng nhiều nhất là thi phẩm của Phái Biên Tái như Sầm Tham, Cao Thích. Gần Nguyễn Bắc Sơn nhất là bài Lương Châu Từ của Vương Hàn:
"Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
"Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
"Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
"Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi
Phỏng dịch :
"Rượu hồng đêm ngọc chén lưu ly
"Men bốc tỳ bà ngựa dục đi,
"Dặm cát say khoèo ai chớ riễu
"Những bao chinh chiến những ai về.
Nguyễn Bắc Sơn cũng có tâm tình na ná:
"Ngày vui đời lính vô cùng ngắn
"Mặt trời thoáng đã ở phương Tây
"Nếu ta lỡ chết vì say rượu
"Linh Hồn chắc sẽ thành mây bay
(Mật khu Lê Hồng Phong)
Thơ chinh chiến của cổ nhân là thơ quan quyền; ra quân phải có nhạc tỳ bà trên lưng ngựa; rượu thì phải Bồ Đào. Thơ Nguyễn Bắc Sơn là thơ lính, ra quân không đua đòi Mỹ Tửu nhưng phải có "đế Nùng" đặc sản do người Nùng địa phương Sông Mao sản xuất từ các trại gia binh.
"Khi tao đi lãnh khẩu phần
"Mày đi mua rượu đế Nùng cho tao
"Chúng mình nhậu để trừ hao
"Bảy ngày sắp đến nghêu ngao trong rừng
"Mùa này gió núi mưa bưng
"Trong lòng thiếu rượu anh hùng nhát gan
"Mùa này gió bụi mưa ngàn
"Trong lòng thiếu rượu hoang mang nhớ nhà
(Một Tiếng đồng hồ trước khi lên đường hành quân)
Ý thơ bình dị, lời dân dã, nhưng vẫn một giọng ngông nghênh, phúng thế và khắc họa một hình ảnh trong tâm lý thời chiến.
GIỌNG THƠ NGHÊNH NGANG
Trong dòng thơ Việt Nam, tác gia gần Nguyễn Bắc Sơn nhất có lẽ là Tú Xương, với lối thơ ông tớp rượu vào ông nói ngông. Tú Xương dùng thể tự sự, tự riễu mình để mô tả thời thế. Lời thơ chua cay, khinh mạn :
"Hán tự chẳng biết Hán
"Tây tự chẳng biết Tây
"Quốc ngữ cũng dốt đặc
"Thôi thì về đi cày
"Trồng khoai rồi trồng đậu
"Cấy chiêm lại cấy mùa
"Ăn không hết thì bán
"Bán đã có Tây mua.
"Được tiền thì mua rượu
"Rượu say rồi cưỡi trâu
"Cưỡi trâu thế mà vững
"Có ngã cũng không đau.
Từ cách xử lý cuộc đời, lối nhìn vào xã hội, đến cách sử dụng ngôn ngữ, Tư Xương báo trước một Nguyễn Bắc Sơn, "thằng ta đây":
"Bạn mày nằm nhà thất nghiệp dài
"Mẹ già không tính tiền cơm thuốc
"Ngày xưa văn nghệ ta mê làm
"Cách mệnh còn hăng say vượt bực
"Giờ tối nằm mơ chỉ thấy tiền
"Nhân nghĩa gì gì quên tuốt luốt
"Thèm tiền song quả đứa vô tài
"Nên thằng ta đây chỉ có nước
"Mỗi tuần một vé số mười đồng
"Thê thảm ôi làm sao tả được
"Hai ta cùng quẩn như thế này
"Nhắc làm chi nữa cho tủi nhục
"Vậy xem như mình đã chết rồi
"Chí lớn mộng to đều đã vứt
"Quên trời quên đất quên luôn ta
"Dăm đồng rượu trắng cùng say khướt
(Bài Hát Khổ Nhục, tr. 56)
Bạn ở đây là một người lính từ chiến trường về: thất thểu chỉ còn xương với cốt / chinh chiến sao mày không chết tốt.
TÌNH BẠN TÌNH YÊU
Trong văn chương truyền thống, tình bạn thường là quan hệ trí thức: tri âm như Bá Nha, Tử Kỳ, tri kỷ như Montaigne, La Boetie, khoa giáp như Nguyễn Khuyến, Dương Khuê. Dù có phải bưng thúng theo đàn bà, thì Nguyễn Vỹ và Trương Tửu vẫn tự hào về nghề văn nghiệp bút. Gần Nguyễn Bắc Sơn hơn, Hoàng trúc Ly có viết Ngươi bên chân trời đánh giặc mướn/Ta theo cuộc đời đi viết thuê thì hành trạng, hành trang vẫn trí thức.
Trong thơ Nguyễn Bắc Sơn, tình bạn không có quy chế xã hội, bạn bè là một lớp bụi đời, bên lề xã hội, bên lề đường chinh chiến, như hạt bụi nằm con gió trớt. Họ là những mảnh vỡ mà cuộc đời vun lại bên nhau:
"Có khi nghĩ trời sinh một mình ta là đủ
"Vì đám đông quậy bẩn nước hồ đời
"Nhưng lại nghĩ trời sinh thêm bè bạn
"Để quàng vai ấm áp cuộc rong chơi
(Mai sau dù có bao giờ, tr. 30)
Thậm chí tình yêu cũng vậy, nó nằm ngoài quy chế văn học dù truyền thống hay lãng mạn, tân thời:
"Ta vốn ghét đàn bà...
"Nhưng vì sao ta lại yêu em ?
"Ôi mắt em nhìn như là bẫy chuột
"Ta quàng xiên nên đã sa chân
Chuyện tình yêu bẫy chuột này trích từ bài Trên đường tới nhà Xuân Hồng, tức là phu nhân tao khang của nhà thơ từ xưa đến nay.
DÒNG THƠ TIỀN CHIẾN
Trong dòng thơ ngang tàng trước Nguyễn Bắc Sơn phải nhớ Độc Hành Ca của Trần Huyền Trân làm năm 1940 :
"Nhớ xưa cùng dỗ bụi giầy
"Vỗ đùi ha hả thơ mày rượu tao
… "Đưa nhau qua bữa cơm nghèo
"Đứa sầu gào rượu đứa nheo mắt cười
"Vung tay như vạch ngang trời
"Bảo rằng đâu nữa cái thời ngất ngư
Trong trường phái khí phách giang hồ này Thâm Tâm có bài Tống Biệt Hành nhiều người biết, ông còn những bài Tráng Ca, Vọng Nhân Hành, và nhất là Can Trường Hành, báo hiệu Nguyễn Bắc Sơn
"Phiếm du mấy chốc đời như mộng
"Ném chén cười cho đã mắt ta
"Thà với mãng phu ngoài bến nước
"Uống dăm chén rượu, quăng tay thước
"Cái sống ngang tàng quen bốc men
Vào thời điểm bài thơ này, 1944, Nguyễn Bính vốn thân thiết với Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, đã sáng tác bài Hành Phương Nam nổi tiếng, trong cùng một nguồn thi hứng :
"Ta đi nhưng biết về đâu chứ
"Đã dấy phong yên khắp bốn trời
"Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
"Uống say mà gọi thế nhân ơi
Nhưng trong lối thơ chếnh choáng hơi men này, đặc biệt nhất - không phải hay nhất - là bài Gửi Trương Tửu mà Nguyễn Vỹ sáng tác trong cơn say, trộn lẫn văn chương với chả cá.
Chúng tôi nghĩ : đặt Nguyễn Bắc Sơn vào một dòng thi ca đã trường lưu, là một cách đánh giá nghiêm chỉnh và thông thoáng một tài thơ được khoanh vùng trong một hoàn cảnh chính trị và xã hội hạn hẹp. Và cũng giúp ích cho người đọc thưởng thức văn chương bên ngoài những chấn động của lịch sử.
TRƯỚC VÀ SAU 1975
Vào khoảng 1970, khi thơ Nguyễn Bắc Sơn xuất hiện và gây ngạc nhiên, nhiều người cho rằng có hơi hướm thơ Quang Dũng, có lẽ vì đề tài chiến tranh và lời thơ bi tráng. Nhưng xét kỹ thì không đúng : thơ Quang Dũng lãng mạn và lý tưởng, thơ Nguyễn Bắc Sơn ngược lại, phi lãng mạn và phi lý tưởng. So với các nhà thơ khác, mà chúng tôi vừa trích dẫn, thơ Nguyễn Bắc Sơn cũng có nét khu biệt, là chất bụi đời, mà nhà thơ tự cho là "du đãng". Tống Biệt Hành là thơ để đời ; Nguyễn Bắc Sơn là thơ bụi đời. Độc Hành Ca là loại thơ "miếu đền", Nguyễn Bắc Sơn là thơ lề đường, quán sá.
Xã hội, hoàn cảnh Miền Nam thời đó đã tạo một nguồn cảm hứng như thế và chỗ đứng cho một thể loại bất cần đời như thế. Và dư luận thời đó, của những nhà văn tên tuổi có thế lực văn học, lập trường chính trị vững vàng, như Võ Phiến trên Bách Khoa, Chu Tử trên báo Sống, Doãn Quốc Sĩ trên báo Văn, đã đồng loạt hoan nghênh [8].
Sau 1975 Nguyễn Bắc Sơn có bài Một Ngày Nhàn Rỗi:
"Buổi sáng mang tiền đi hớt tóc
"Vô tình ngang một quán cà phê
"Giang hồ hảo hán dăm thằng bạn
"Mải mê tán dóc chẳng cho về
"Về đâu, đâu cũng là đâu đó
"Đâu cũng đìu hiu đất Hán Hồ
"Hớt tóc cạo râu là chuyện nhỏ
"Ba nghìn thế giới cũng chưa to
Vẫn một giọng thơ, một cốt cách, một phong thái. Võ Phiến, hai mươi năm sau cuộc chiến, có đủ bình tâm và khoảng cách để nhìn lại thơ văn và tâm tình một thời đại và thông hiểu thấu đáo hiện tượng Nguyễn Bắc Sơn, trước sau như nhất, "cũng cái ngông nghênh ấy" :
"Ngày trước trong chiến tranh, ông kể chuyện chơi trò nổ súng cắc cù rất độc đáo ; ngày nay hòa bình thiên hạ hớt hơ hớt hải lăn xả vào cuộc giành giật đồng tiền, thì ông nói chuyện hớt tóc cạo râu : lại rất độc đáo.
"Thành thử giữa ông Nguyễn Bắc Sơn trong chiến tranh và ông Nguyễn Bắc Sơn sau chiến tranh vẫn có một chỗ nhất trí. Tuy hai mà một. Do hoàn cảnh khác nhau nên đề tài câu chuyện khác nhau ; nhưng phong thái vẫn một thôi. Phong thái ấy khiến cho thời chiến ông là kẻ phản chiến, thời bình ông thành kẻ phản lao động. Thực ra thơ ông phát biểu về một thái độ sống, không phải chỉ là một thái độ đánh nhau hay một thái độ làm lụng. Sống là nhẹ, không phải chỉ riêng : đánh nhau là giỡn, là nhẹ. Đời không có nghĩa phải quấy. Một khi đời đã không có nghĩa, thì mọi hoạt động ở đời (kể cả chiến tranh) đều vô nghĩa. Hoặc giả nó có được trao cho ý nghĩa thì ông cũng không lý đến. Hớt tóc cạo râu là chuyện nhỏ; bắn nhau cắc cụp lỡ có trúng đạn chết tươi cũng là chuyện nhỏ thôi".(1994) [9]
Làm sao mà Võ Phiến có thể viết sành sõi ngon lành như thế về Nguyễn Bắc Sơn ? Xin thưa : vì anh tự viết về mình đó thôi. "Đời không có nghĩa phải quấy" là tư tưởng của Võ Phiến, là sợi chỉ xuyên qua nhiều tác phẩm của anh. Nhưng áp dụng vào thơ Nguyễn Bắc Sơn thì đúng boong.
TẤC LÒNG LƯU LẠI NGÀN NĂM
Nói vậy để thấy rằng tâm tình Nguyễn Bắc Sơn gửi gắm qua thơ là phổ biến, là niềm phân vân tự nhiên của nhiều người, của con người trước cuộc sống. Cơn bão lịch sử đã thổi tạt cái bình thường đến chỗ lạ thường, biến thành biệt lệ văn học : "sắt đá ồ sao lại nhớ nhà..."
Tâm tình ấy được Nguyễn Bắc Sơn diễn đạt bằng một phong cách nghệ thuật tài hoa, vừa hồn nhiên vừa bi tráng. Kinh nghiệm sống chết hằng ngày được thăng hoa qua một thi pháp tươi trẻ mà già dặn.
Tác phẩm Nguyễn Bắc Sơn, bên dưới những chứng từ lịch sử, là những bài thơ hay, trong lối văn " thốn tâm thiên cổ ".
ĐẶNG TIẾN
Orléans, Pháp, ngày 11/9/2005
------------------------------
[1] Nhà xuất bản Đồng Dao, 1972, Sài Gòn. In lại 1995, có sửa đổi và bổ sung, dưới một cái tên khác : Ở đời như một nhà thơ Đông Phương., nxb Đồng Nai, TPHCM.
Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn tên thật là Nguyễn văn Hải, sinh 1944 tại Phan Thiết, hiện cư ngụ cùng gia đình tại Phan Thiết
[2] Nhà xuất bản Thư Ấn Quán, 2005. Liên lạc : Trần Hoài Thư, P.O. Box 58, S. Bound Brook, NJ 08 880. E-mail : tranhoaithu@yahoo.com
[3] Cao Tần, Thơ Cao Tần, nxb Tin Yêu, tr. 41, Seattle, 1984.
[4] Lê Mai Lĩnh, tạp chí Thư Quán Bản Thảo, tr. 67, tập 20 tháng 7-2005, New Jersey, USA.
[5] Võ Phiến, Nhớ Làng, đăng trong tạp chí Chính Văn, tr. 49, số 1 tháng 7-1972, Sài Gòn. In lại trong Quê, nxb Văn Nghệ, 1993, California.
[6] Võ Phiến, Thơ Miền Nam, tập II, tr. 51, nxb Vãn Nghệ, 1995, California in lại trong bộ Văn Học Miền Nam, Thơ, tr. 1927-1935, nxb Văn Nghệ, 1999.
[7] Phan Khôi, Chương Dân Thi Thoại, nxb Đắc Lập, 1936, Huế. Vũ Ngọc Phan trích lại, Nhà Văn Hiện Đại, quyển II, tr. 238, nxb Tân Dân, 1942. Nxb Khoa Học Xã Hội in lại, tập I, 1989, Hà Nội.
[8] Ng, Thư Quán Bản Thảo, tạp chí, số đã dẫn, tr. 86
[9] Võ Phiến, Thơ Miền Nam II, sđd.
|
***