Ngày mai 01/4, tưởng niệm 22 năm (01/4/2001 - 01/4/2023) ngày Trịnh Công Sơn hết mỏi mong chờ “Nối vòng tay lớn”.
Ngày này cũng là ngày Cá Tháng Tư, Quốc tế nói láo.
Chọn nói láo hay hát ca tìm quên lãng?
Tui đang nghe "Ca khúc Da Vàng", “Kinh Việt Nam” của TCS để nhớ bạn bè, trước khi ngày Quốc tế nói láo bắt đầu phủ sóng láo toàn tập.
Thật ra nói láo không chỉ là thuộc tính của những người thích nói láo. Và không chỉ riêng trong ngày 1/4. Hát nhạc TCS cũng là một cách khác để nói láo và nghe nói láo; để tự ru những nỗi niềm hoang hoải thân phận nhược tiểu, tủi nhục chiến tranh bằng sự lừa dối lương thiện.
Sau Mùa Hè Đỏ Lửa (Chữ của Ô Phan Nhật Nam) 1972, đến Hè 1974 học sinh, sinh viên miền Nam khủng hoảng lắm! Họ muốn “vùng lên cách mạng” và đã có sẵn những bàn tay nâng đỡ để những nhóm du ca ra đời, để phản kháng chiến tranh tủi nhục đày đọa phận người.
Tuổi trẻ bùng lên. Và Ô TCS cũng đã sẵn có những Ca Khúc Da Vàng, Kinh Việt Nam để thổi làn gió mới dô học đường, để mở cửa cho những đàn chim câu xuống đường tranh đấu giành hoà bình.
Công ông TCS quả thật xứng đáng tượng đồng bia đá!
Hừng hực, giục giã đạp đổ hiện tại, vùng lên đòi hoà bình để xây dựng quê hương tươi sáng là khát vọng, là sức mạnh vô bờ của tuổi trẻ. Bởi vậy, TCS đã viết ca từ “Tuổi thanh niên hãy đi bằng những bước tiền phong"để kêu gọi tuổi trẻ dấn thân.
Nên những chính khách không biết sử dụng sức mạnh của tuổi trẻ để phục vụ mưu đồ, tôi tin chắc đó chỉ là những chánh khách xoàng xĩnh.
Những tuổi trẻ ngày ấy, hôm nay đã là U 70, thời gian đủ độ lùi, đủ độ chín để nhìn lại thời hào hùng tranh đấu trong lửa khói khét lẹt da thịt người. Tôi muốn nhìn thấy TCS theo cách này. Và TCS đã thành công, chí ít là theo cách nhìn ám ảnh này. Và nếu vậy, ở cõi nào đó TCS sẽ đỡ lao đao lênh đênh hơn.
Tôi vừa nghe " Ca Khúc Da Vàng"& “Kinh Việt Nam” vừa viết, mà không có bạn bè cùng thời trong những đêm
lửa trại ở sân trường Nguyễn Huệ thị xã Tuy Hoà, hát gõ thâu đêm trong mùa chinh chiến cũ. Khó mà biết được giờ này họ có chung nghĩ với tui không? Khi mùa hè đang nóng. Nóng lắm! Khi cuộc tranh đấu của nhân dân Ukraine đang hừng hực, sục sôi, đổ máu chống người Nga xâm lược để bảo vệ độc lập chủ quyền. Dù khập khiễng, điều đó cũng làm tui liên tưởng đến những cuộc tranh đấu của đồng bào mình ở miền Nam trước đây. Tui tin tất cả những anh chị em cùng thời đều biết, không có cuộc cách mạng nào không có máu và nước mắt. Với đầy đủ cung bậc: Vong bản, tang thương, bi thảm, ám ảnh, tủi nhục trong cảm xúc người.
Tháng Tư đang đến trong bồi hồi những long đong lênh đênh theo TCS.
Vong bản:
- ..." gia tài của mẹ một bọn lai căng, gia tài của mẹ một lũ bội tình"... ( gia tài của mẹ).
Tang thương:
- ... " từng chuyến bay đêm con thơ giật mình, hầm trú tan hoang ôi da thịt vàng từng đêm soi sáng là mắt quê hương"... (đại bác ru đêm).
Bi thảm:
- ..." xác người nằm bơ vơ dưới mái hiên chùa, trong giáo đường thành phố, trên thềm nhà hoang vu"... ( bài ca dành cho những xác người).
Ám ảnh:
- ..." mẹ già hết chờ mong, mẹ già đã ngủ yên, buông vòng nôi cho hư không"... (du mục).
Tủi nhục:
- ..." mẹ dạy cho con tiếng nói quê hương, mẹ nhìn con đi phút giây bàng hoàng"...(ca dao mẹ).
Leo lét niềm tin:
- " Việt nam ơi! Còn bao lâu, những con người ngồi nhớ thương nhau, triệu chân anh, triệu chân em hỡi ba miền vùng lên cách mạng! Đã đến lúc nối tấm lòng chung, tuổi thanh niên hãy đi bằng những bước tiền phong " ( huế -sài gòn- hà nội ).
Nghe đến đây, đã thấy chảo lửa Tháng Tư bên ngoài hừng hực, nôn nao, bồi hồi trong lãng quên bên giòng lịch sử.
Những điều chờ đợi đau đáu “Nối vòng tay lớn” của họ Trịnh đã bên rìa vòng đời! ./.
Nguyen Lacdao