Nov 21, 2024

Tùy bút - Bút ký

Tiếng Rao Hàng Xưa Và Nay
Không biết tên tác giả * đăng lúc 05:40:56 PM, Jan 06, 2024 * Số lần xem: 391
Hình ảnh
#1

               

 
  TIẾNG RAO XƯA, TIẾNG RAO NAY

những miền quê xưa ngày nào chẳng có tiếng rao bán kẹo kéo, mua đồng nát, cắt tóc,… Đó là một phần hồn quê mà mấy chục năm xa quê, tôi vẫn nhớ…
Đến nay đã có nhiều đổi thay, nhưng tiếng rao xưa cứ lắng vào tâm hồn người xa xứ như tôi và có thể bạn cũng vậy.…

Trưa nay, nằm ngay dưới trời quê, nhìn cánh diều sáo bay trong trời xanh thăm thẳm, tôi nhớ một thời…

• Khắc bút, khắc bút n-à-o…

Anh hoạ sỹ với cái dụng cụ đơn giản, tay vung lên như múa khắc những hình vui nhộn, tên người lên những cái bút máy Hồng Hà, Cửu Long,… của khách. Tài tình ở chỗ, anh vừa khắc hình cái máy bay cháy và phi công nhảy dù, miệng vẫn vừa lem lẻm:

- Máy bay phản lực
cánh cụp cánh xoè,
lập loè đỏ đít,
bay tít trên mây…
bị tên lửa bắn
... rơi ngay vào bút.

Hay phùng má doạ:

- Dạo này trộm cắp như rươi,
nếu không khắc bút mất ngay đứ đừ
Về nhà bố hấm mẹ hừ
Ông đấm bà đá đau nhừ cả xương!

- Khắc bút, khắc bút đ-â-â-y…

Nhưng tiếng rao này mới ấn tượng:

• Kem đê, kem mút đê...

Đó là tiếng rao kèm theo bóp cái kèn “kem mút” của một ông đi xe đạp với một chiếc thùng “bảo ôn” bẩn thỉu chứa kem mà 99% là nước đông đá, 1% là đường. Cái gọi là kem ấy thực chất là một thứ nước đường, có chút sữa hoặc không, được làm đông đá, thời nay có cho cũng không ai dám ăn.

Bọn trẻ chúng tôi ngày ấy ríu rít chạy theo, đứa nào dẻo mỏ thì kịp xin mẹ 5 xu hoặc có “nguồn thu nhập nào đó” để mua một cây. Còn những đứa khác, thèm thuồng đứng nhìn, nếu “hữu nghị” do cùng phe chơi nghịch trước đó thì được mút nhẹ một miếng. Cứ những ngày nóng hầm hập thì đương nhiên ông bán kem trúng mánh.

• Ai lông gà lông vịt, xương trâu bò, tóc rối, giấy cũ, dẻ rách bán k-h-ô-ô-n-g...

Đó là tiếng rao của bà mua đồng nát nghĩa là tất cả những thứ linh tinh. Trẻ con trông vào nguồn thu nhập này để lấy tiền mua kem. Giờ ở quê vẫn còn những người mua phế liệu, đồng nát nhưng họ thường dùng loa, kéo xe, đi xe đạp hoặc xe máy còn xưa thì chỉ có đôi quang gánh.

• Ai cắt tóc khô-ô-ông?

Đó là tiếng rao của ông Bô cắt tóc dạo, tay xách hòm đồ nghề, tay cầm cái ghế gấp gọn nhẹ. Đến đâu cũng “làm việc” được, có ngày may mắn ông chỉ kiếm một bóng cây mát gần sân kho hợp tác xã, là hành nghề cả buổi được. Giá một lần cắt tóc là một hào rưỡi với người lớn và một hào với trẻ con.

• Tẩm quất, bấm huyệt đ-â-â-y…

Một ông già mù với một cái chiếu rách, cứ đi dọc đường làng rao với giọng trầm, não ruột. Những người có nhu cầu, gọi ông vào nhà, thường không dùng chiếu của ông mà dùng giường hay chõng tre nhà mình để cho ông đấm, véo, xoa,… Và cảm giác hẳn là sướng lắm nên khách hàng lịm cả đi. Người ta đồn ông già mù thế mà đỏ tình, nhiều bà sồn sồn thích được ông phục vụ công khai như thế. Người ta còn bảo ông có con rơi con rụng nhiều lắm, chẳng biết có thật không?

• Hàn nồi đ-ơ-ơ-i…

Ấy là một người đặc biệt, ông có những công cụ lạ mắt, những nồi đồng, chậu rửa mặt bằng đồng, vào tay ông chỉ một nhoáng đã được cải lão hoàn sinh. Bao giờ ông cũng dùng lá khoai môn để xoa vào chỗ hàn, cho ăn chắc, không thể dò được nữa.

• Hoạn lợn đ-â-y…

Ông này chỉ nhoắng một cái là thả trở lại chuồng chú lợn con, vĩnh viễn chú lợn không còn khả năng sinh sản nữa…

Còn nhiều lắm, nhiều lắm những tiếng rao, in hằn trong trí nhớ của tôi về thời tuổi thơ.

Mài dao, mài kéo đ-â-â-y…Cá thả đ-â-â-y…Bán chó k-h-ô-n-g…lBánh đúc đ-â-â-y…Chiếu n-à-o…v...v

Nhiều, còn nhiều tiếng rao nữa, nó là một phần tạo nên hình ảnh quê hương trong tâm hồn tôi.

Thời buổi kinh tế phát triển, những phương tiện giao thông và công cụ hỗ trợ phát triển, những tiếng rao trong thành phố không chỉ có ban ngày mà đã lan sang đêm; người rao (mua bán) không chỉ gánh gồng mà đi xe đạp, xe máy thậm chí xe tải nhỏ... Rất nhiều biến tướng.

Cuộc sống đổi thay, nhiều tiếng rao nhắc ta nhớ lại một thời trẻ thơ vui tươi nào đó nhưng cũng nhiều đổi thay khiến ta cảm thấy khó chịu, ngột ngạt.

Hôm nay, tôi về quê, nằm ngủ qua đêm một mình trong căn nhà xưa của bố mẹ. Tận 10 giờ tôi vẫn nghe thấy tiếng rao nhưng không nghe rõ họ rao gì, chạy ra xem thì không thấy ai nữa, họ đã đi xa,… mang theo cả tuổi thơ của tôi đi rồi…
Bạn cũng đã từng thấy như vậy chứ?

(St)

Nguồn HT sưu tầm trên Net


 

 





 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.