MỘT CHÚT CẢM NHẬN VỀ TẬP THƠ : DẠ KHÚC
Tập thơ của Lê Văn Trung.
Chiều nay (2/3/2023), đi dạy học về, thì nhận được một món quà có giá trị rất lớn đối với tâm thức của những con người yêu thơ, đó là tập thơ DẠ KHÚC của nhà thơ Lê Văn Trung, đã gửi tặng cho tôi. Tôi lập tức gác bỏ mọi công việc như chấm bài, soạn giáo án, đọc thơ trên mạng xã hội…… Để lao vào đọc một cách say sưa những bài thơ trong tập thơ DẠ KHÚC này của anh LVT.
Mặc dù, tôi mới đọc được khoảng 50 bài thơ trong tổng số 148 bài thơ của tập thơ này, nhưng tôi cũng phải cố gắng dành một chút thời gian ít ỏi của mình, để viết một chút cảm nhận về tập thơ này.
Mỗi bài thơ trong DẠ KHÚC và cả tâm hồn của nhà thơ Lê Văn Trung, đều là một khúc nhạc thuần khiết, là một hiện tượng mà đôi khi chỉ có THƠ CA mới có thể nắm bắt được, nhưng cũng chỉ đôi khi mà thôi. Hàng thế kỷ đã trôi qua ; ở VN đã xuất hiện những nhà thơ lớn, nhưng Lê Văn Trung vẫn là một đẳng cấp, một nhà thơ có được trực giác và những cái nhìn thấu suốt lòng người như thế. Lê Văn Trung đã làm được điều không tưởng. Ông ấy đã mang được ít nhất vài phần của cõi hư vô vào ngôn ngữ của loài người :
Tôi sẽ vẽ vào trái tim trời đất
Một màu mây vàng thắm buổi yêu người
……….
Tôi sẽ khắc vào rêu mềm trên đá
Tên loài hoa vĩnh cửu toả hương trầm.
…….
Thơ tôi chảy thành trăm dòng diễm tuyệt
Nương theo chiều mây thắm một dòng sông
………
Xin mặc lấy linh hồn tôi trắng xoá
Linh hồn tôi vời vợi giọt sương phai.
(ẢO ẢNH CUỘC ĐỜI)
Lê Văn Trung đã nâng tầm ngôn ngữ và tâm thức nhân loại theo cách mà rất ít nhà thơ có thể làm được. Qua tập thơ DẠ KHÚC này của ông, dường như các nhà huyền môn, các nhà thơ, các tâm hồn giàu trí tưởng tượng đã cùng chung tay thổ lộ Tình Yêu của chính mình.
………
Cho dẫu đất trời có xa thẳm bao nhiêu
Thì vũ trụ vẫn gói tròn trong chiếc tổ
Tôi chợt nhận ra rằng không có gì bé nhỏ
VÀ TÌNH YÊU ĐÂU PHẢI CHỈ LÀ GIẤC MƠ.
………..
Những buổi sớm hoa trong vườn đua nở
Những bông hoa là những linh hồn của nghìn năm ở lại.
Cùng nhân gian tô thắm những gam màu
Với những đôi bướm vàng đang tình tự yêu nhau
Làm rung nhẹ trái tim đang rạng ngời nắng biếc
Đôi cánh chập chờn vờn nhau trong trò vui Tình yêu diễm tuyệt
Như những thiên thần về ru giữa chiêm bao.
Ngàn buổi yêu nhau là ngàn giây phút nhiệm màu
Vườn địa đàng
Đây bài thơ vi diệu
Tôi chợt nhận ra rằng hương sắc đời ngàn năm vĩnh cửu
VÀ TÌNH YÊU ĐÂU PHẢI CHỈ LÀ GIẤC MƠ.
Cuộc sống của con người chính là một hành trình sống động của những dòng sông GHÉP nhau, hoà quyện vào nhau đó là dòng sông tâm thức, dòng sông bản ngã – CÁI TÔI, dòng sông địa lý,….. Nếu cuộc đời của bạn có thể trở thành một khúc ca đơn giản, như thế còn hơn là đủ. Như thế là đủ thoả mãn mọi nỗi niềm khao khát của trái tim, như thế là đủ để cuộc sống của con người được mãn nguyện.
Nhưng thật hiếm người có cuộc sống trở thành một bài ca. Đại đa số mọi người chúng ta đều biến cuộc sống của mình thành một sự tính toán. Nó trở thành Số học hơn là Thơ ca. Họ nghĩ về tiền, quyền lực và nhiều thứ khác nữa ; và tất cả những hành trình đó đều vô nghĩa. Chúng là những hành trình của dòng sông bản ngã ; và vì dòng sông bản ngã đó mà BÀI CA ĐÓ hoàn toàn biến mất. Chỉ khi không có bản ngã thì con người mới trở thành một bài ca, trở thành tình yêu, trở nên tinh khiết, trở thành một bông sen.
Nhà thơ Lê Văn Trung là một con người như thế, những bài thơ của ông đã phản ánh được hành trình tâm thức độc đáo, thi vị nhất của Thơ ca VN đương đại, cuộc đời của ông là những khúc ca đơn giản, bình dị, nhưng vô cùng đẹp sống động. Con người có thể sống theo hai cách : Một là theo thời gian, hai là vượt lên trên thời gian. Lịch sử là tên gọi của cuộc sống mà chúng ta đang sống theo thời gian ; nó để lại dấu ấn lên thời gian. Nhưng cũng có một cuộc sống mà con người sống đã vượt lên thời gian – Nó không để lại dấu vết nào trong lịch sử. Đó là cuộc sống của các thi nhân, các nhà thơ, nhà văn, các nhà huyền môn trên khắp thế giới.
Lịch sử chỉ biết về những va chạm, lịch sử chỉ biết đến những mối nguy hại. Lịch sử chỉ biết đến những kẻ gieo rắc những đau thương cho con người. Trong khi mọi thứ của thế giới này nhẹ nhàng trôi qua trong sự hài hoà tuyệt đối, nó nằm ngoài dòng chảy của lịch sử. Lịch sử đã không nói nhiều về các nhà thơ, nhà văn, các nhà huyền môn của nhân loại trong suốt chiều dài lịch sử của mình. Nhưng chính những con người này, mới là nền móng cho tâm thức của nhân loại, họ mới chính là niềm hy vọng thực sự của nhân loại. Sigmund Freud đã nói rằng : Họ là những người giúp cho con người hoàn thiện giấc mơ. Họ trông giống như là những niềm mơ ước. Họ giống như những gì con người mong muốn trở thành. Nhưng họ là những con người bằng xương bằng thịt. Họ thật đến mức không để lại một dấu vết nào trong lịch sử.
Tập thơ DẠ KHÚC này của nhà thơ Lê Văn Trung, dường như là một tập thơ giúp cho người đọc nó hoàn thiện những giấc mơ của chính họ, mỗi bài thơ giống như một bản nhạc, một giai điệu của một giấc mơ nào đó về Tình Yêu của con người trong cõi nhân sinh này. Với148 bài thơ, thì bài thơ nào cũng nói về GIẤC MƠ. Bài thơ đầu tiên của tập thơ là bài thơ TRĂNG KHUYẾT, có câu thơ :
Không kịp nhìn nỗi buồn đêm nguyệt lặn
Chén rượu ngời, tôi uống giữa CƠN MƠ.
Bài thơ thứ 147 là bài thơ MAI NGƯỜI VỀ KHÔNG, có câu thơ sau :
Mai người về ?
Thôi
Người không về !
Tôi thắp cho hồng những GIẤC MƠ
Trăm năm ai nhớ câu hò hẹn
Tình ơi vời vợi nỗi mong chờ.
Và bài thơ cuối cùng của tập thơ là bài thơ HỒI SINH :
Em uống đi ! Ly rượu ái tình
Uống đi trời đất sẽ hồi sinh
Tôi về thắp lại vầng trăng cũ
Nở trắng tinh khôi một đoá quỳnh.
Mặc dù không có từ GIẤC MƠ trong đó, nhưng nó lại rất đậm đà hương vị của một giấc mơ vô cùng đẹp – Giấc mơ HỒI SINH của Tâm thức / TÔI VỀ THẮP LẠI VẦNG TRĂNG CŨ / NỞ TRẮNG TINH KHÔI MỘT ĐOÁ QUỲNH. Đây chính là những từ ngữ mang tính biểu tượng. Ông đã sử dụng hình ảnh vầng trăng cũ, nở trắng tinh khôi một đoá quỳnh, để đại diện cho tâm hồn, cho tâm thức của con người. Tôi không nói rằng câu thơ đó có thật hay không nhưng nó nói nên nhiều điều. Một người giống như Lê Văn Trung đã biến mất. Ông ấy không hiện diện trong cơ thể của mình. Ông ấy đang trong quá trình nở hoa từ bên trong tâm thức của mình. Và đó mới chính là ý nghĩa thực sự của sự hồi sinh.
Giấc mơ là những khoảnh khắc hiếm hoi mà đôi khi, nhà thơ bỗng thấy mình xuất hiện trong cùng không gian với nhà thần bí. Trong những khoảnh khắc hiếm hoi này, người đó được tắm mình giữa những bông hoa. Những khoảnh khắc hiếm hoi này đến rồi đi. Bạn không thể sai khiến được. Chúng đến như cơn gió cùng hương thơm, và khi bạn vừa nhận biết về chúng, chúng đã rời khỏi. Sự tài giỏi của nhà thơ là ở khả năng nắm bắt những khoảnh khắc này bằng lời.
Xin kính mời các bạn cùng tôi tiếp tục đọc những bài thơ trong thi tập DẠ KHÚC của nhà thơ LVT, để cảm nhận được sự tài giỏi của nhà thơ. Chính ông đã đến được những khoảnh khắc, khi mà không gian này đã trở thành cuộc sống của chính ông, dòng máu của ông, xương thịt của ông, tuỷ sống của ông. Ông đã hít thở với nó, trái tim ông đã đập cùng nó.
Một lần nữa , Lê Văn Chung, xin chân thành gửi tới nhà thơ Lê Văn Trung, lời cảm ơn chân thành nhất, sâu sắc nhất, về món quà DẠ KHÚC này nhé !
LÊ VĂN CHUNG .