|
Tiểu luận - Tạp bútMưa Sài Gòn Mưa Hà Nội
#1 |
S. .D Tưởng Năng Tiến – Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội
Thi sĩ Hoàng Anh Tuấn ra đời ngày 7 tháng 5 năm 1932 tại Hà Nội. Ông đi du học năm 1949 và không bao giờ có dịp trở lại nơi sinh trưởng nữa. Không phải Hà Nội mà Paris, Sàigòn, Đà Lạt, và San Jose mới là những nơi ông đã sống gần hết cuộc đời lưu lạc của mình.
Tuy thế, tác giả “Yêu Em, Hà Nội” (có lẽ) chưa bao giờ thôi nhớ đến thành phố này – dù chỉ một ngày – trong suốt những năm tháng tha hương. Hoàng Anh Tuấn qua đời sáng nay – ngày 1 tháng 9 năm 2006 – tại California. Bài viết này xin được coi như một nén hương lòng, gửi người đã khuất.
Nước Mắt Trước Cơn Mưa (Tears Before The Rain) là tựa một cuốn sách của Larry Engelmann do Nguyễn Bá Trạc chuyển ngữ, và Tin Biển xuất bản năm 1995. Tôi tiếc là mình đã quá tuổi để có thể đọc một tác phẩm dầy tới 360 trang bằng ngoại ngữ, và sẽ không bao giờ có cơ may đọc được bản dịch (bằng tiếng mẹ đẻ của mình) dù đã tình cờ nhìn thấy nó, đôi lần. Tôi đã trót thề sẽ không bao giờ đọc thêm bất cứ điều gì viết bởi ông Nguyễn Bá Trạc, bất kể bằng văn vần hay văn xuôi – kể luôn văn dịch.
Lý do giản dị như sau. Mùa hè năm 1985, từ Santa Clara, tôi di chuyển đến một thành phố kế cận – San Jose, thuộc tiểu bang California. Nơi đây, tôi hân hạnh được ở gần nhà một danh sĩ Việt Nam – nhà thơ Nguyễn Bá Trạc. Một người cầm bút tăm tiếng và cũng (hơi hơi) … tai tiếng.
Không bao lâu sau, tôi khám phá ra rằng giữa tôi và vị danh sĩ này có một nỗi bận tâm chung: chúng tôi đều rất dư thì giờ, đều quá rảnh, hay nói một cách rõ ràng hơn là đều … thất nghiệp – nếu hiểu nghề nghiệp, một cách đơn thuần, là làm chuyện gì đó có thể kiếm được ra tiền.
Bởi vậy nhà văn và nhà thơ Nguyễn Bá Trạc đều đặn thăm viếng tệ thất của tôi đôi/ba bận mỗi ngày, dù tôi chưa bao giờ tỏ ý mời – kể cả mời lơi. Đã nhiều lần tôi tỏ ý quan ngại rằng sự thân thiết quá mức như thế – rất có thể – làm phương hại đến tình đồng loại và tình đồng hương giữa chúng tôi.
Nguyễn Quân, tiếc thay, tuyệt đối không hề bận tâm đến điều này. Tuy không thốt ra bằng lời nhưng thái độ thản nhiên của ông, khi vẫn tiếp tục và đều đặn gõ cửa nhà tôi (sáng – trưa- chiều – tối), đã nói lên điều đó.
Thêm một chuyện đáng phàn nàn khác nữa (và chuyện này, dường như, định mệnh chỉ nhắm riêng tôi) là thời gian này danh sĩ Nguyễn Bá Trạc đang thai nghén một tác phẩm văn thơ tổng hợp, tác phẩm đầu tay của ông, có tên là Ngọn Cỏ Bồng.
Sáng tác, đối với đa số nghệ sĩ, là một việc làm thầm lặng. Nguyễn tiên sinh thì khác. Đã thế, ông còn (hoàn toàn) không đồng ý với tôi rằng ép buộc tha nhân phải nghe thơ văn của mình, cho dù là tuyệt tác chăng nữa, là một việc làm vô cùng không …tế nhị – nếu chưa muốn nói là nhẫn tâm. Đó là một hình thức “quấy nhiễu tri thức”(intellectual harassement), nếu nhìn vấn đề theo khía cạnh pháp lý.
Bởi vậy, trước khi cuốn Ngọn Cỏ Bồng được đem in, tôi đã phải nghe văn sĩ kiêm thi sĩ Nguyễn Bá Trạc đọc đi đọc lại bản thảo cỡ đâu khoảng một … tỉ lần – hay hơn nữa, không chừng! Câu chuyện mà Nguyễn Bá Trạc vô cùng lấy làm thú vị và đắc ý, có tên là “Ông Khó Tính”, đại khái như sau:
“Bạn tôi, ông Khó Tính, lúc còn ở Sàigòn vốn làm nghề mô phạm. Kể cả trường công lẫn trường tư, sĩ tử theo học kinh nghĩa có đến mấy nghìn. Gặp lúc can qua, học trò thì đông mà chả mấy ai hiển đạt: cứ học nủa chừng lại bị gọi đi lính, ba phần chết tiệt mất hai. Số còn lại trở về chống gậy, đi xe lăn. Thầy trò nhìn nhau nghẹn ngào chửi thề những câu tục tĩu…”
“Khi cộng sản từ Bắc tiến vào Nam, xe tăng vừa ì ạch đến sát cửa dinh Độc Lập thì ông Khó Tính quyết định dắt vợ cõng con xuống tàu lánh xa bạo ngược. Cuối cùng trôi dạt đến Mỹ. Đất lạ quê người, tiếng Anh ăn đong, kinh nghĩa nói không ai hiểu…”
“Từ ngày xa nhà, tính tình lại càng khó chịu hơn. Mặt mày hầm hầm, mồm lúc nào cũng lẩm nhẩm nói chuyện một mình. Chiều chiều đứng chống nạnh bắt con tập võ ta. Đứa đi quyền, đứa dang chân đứng tấn. Nguời bản xứ cho là lạ, tò mò rủ nhau nhìn trộm qua hàng rào như đi xem xiếc. Ban đêm bắt con học Việt sử. Đứa nào không thuộc bài thì co dò mà đá, đến nỗi bị cảnh sát còng cả tay.”
“Càng cay đắng, càng chửi, càng chê. Chê nguời gì mà nhiều lông lá, chê nhà chọc trời nhìn thêm mỏi mắt, có ngày động đất nó đổ xuống đầu cho mà khốn. Lại chửi trời nhiều hơn, chửi tục hơn, gọi trời là thằng không kiêng nể gì nữa…”
“Bạn khen biển, ông chê lạnh, tắm cóc sướng bằng Long Hải, Vũng Tầu. Bạn khen núi, ông bĩu môi: ’Tôi lấy làm ngờ về cái thẩm mỹ của anh. Núi trọc thế này so sao được gót chân Đại Lãnh?’
“Bạn ngượng, không còn dám mở mồm khen điều gì. Bụng bảo dạ:’Bọn Đông Dương ta khối đưá bị bịnh tâm thần’. Có ý thương xót mà lui tới thăm viếng nhiều hơn…”
“Một hôm nhận được bao trà từ Việt Nam gửi sang, bạn thân ái mời ông khó tình đến. Nước đun xủi tăm, trà trút vào bình, chủ khách ân cần đối ẩm.
Được đôi tuần, bạn lên tiếng hỏi:
– “Cũng được. Nhưng thua Đỗ Hữu”.
– “Bố ơi! Chính hiệu trà Đỗ Hữu Bảo Lộc vừa gửi sang.”
– “ Thảo nào. Có điều cái nước máy chát qúa!”
Bạn chồm lên:
– “Biết tính bố thích trà Bảo Lộc, phải hứng nước mưa pha trà đây. Không phải nước máy đâu.”
Ông Khó Tính tuột giầy gãi nách ngáp:
– “Nước mưa ở Mỹ, uống vào đắng cả mồm!”
Tôi đã nghe khá nhiều danh gia ngỏ ý xuýt xoa tán thưởng sự duyên dáng (quá cỡ) của ông Nguyễn Bá Trạc qua câu chuyện viết về ông Khó Tính, nhất là ở câu nói cuối cùng – như vừa dẫn.
Chao ơi, tôi thất vọng đến nỗi có thể chết (ngay) được vì sự hiểu biết quá giới hạn về môi sinh của văn sĩ kiêm thi sĩ Nguyễn Bá Trạc (nói riêng) và của giới danh sĩ Việt Nam ở hải ngoại (nói chung).
Ông Khó Tính không phải là một nhân vật hư cấu. Ông ta sống (ràng ràng) ở thành phố San Jose một thời gian khá lâu, cùng lúc với tôi và danh gia họ Nguyễn. Và nếu tôi nhớ không lầm, vào thời gian này, ông ta cũng rảnh, nghĩa là cũng đang thất nghiệp!
Nhờ đó, tôi đã có nhiều dịp được hân hạnh hầu chuyện cùng ông Khó Tính. Nhân sinh quan và vũ trụ quan của ông ra sao, phận kẻ hậu sinh, tôi (tuyệt nhiên) không dám lạm bàn nhưng nhận xét rằng “nước mưa ở Mỹ uống vào đắng cả mồm” – theo thiển ý – thì vô cùng chính xác.
Tôi bắt chiếc cổ nhân, ăn nói cầu kỳ (chút đỉnh) như thế cho ra vẻ mình cũng là người khiêm tốn. Chứ thực ra, nuớc mưa ở Mỹ uống ngang phè hay đắng cả mồm là một sự kiện hiển nhiên chứ chả dính dáng (mẹ) gì đến “tôn ý” hoặc “thiển ý” của bất cứ ai.
Những hoá chất như sulfur dioxide, nitrogen oxides … từ chất đốt của săng dầu than củi trong không khí, khi gặp môi trường không khí ẩm thấp sẽ góp phần tạo thành mưa hay tuyết với nồng độ acid cao – có thể làm ô nhiễm nước uống, hư hại nhà cửa, mùa màng và ảnh hưởng đến sinh hoạt của của nhiều sinh vật – là một tiến trình tự nhiên.
Khói xe, khói nhà máy phun tùm lum ở Mỹ vẫn được coi là nguyên nhân chính tạo ra nồng độ acid cao trong nước mưa. Uống vào đắng cả mồm là phải. Ông Khó Tính – dù thực sự đúng là một người không dễ tính chăng nữa – nói như thế thì có sai sót, oan ức chỗ nào đâu mà qúi vị che miệng chúm chím cười. Đã thế, còn dám xa gần ám chỉ rằng tinh thần ông ta (hơi) bất ổn.
Đã lâu, tôi không có dịp gặp lại ông Khó Tính dù thỉnh thoảng vẫn nhớ đến “cố nhân” – với đôi chút quan hoài, và rất nhiều… ái ngại! Sáng qua, tình cờ đọc lại một tờ báo cũ – Việt Báo USA, ấn bản Bắc California, số ra ngày 15 tháng 10 năm 98 – thấy loan tin mưa acid ở Việt Nam mỗi lúc một thường hơn, và nồng độ acid cũng cao hơn, đến độ có thể làm chết cá ở ao hồ.
Bài báo (viết theo bản tin của AP) cũng có trích dẫn lời một nhân viên thuộc Trung Tâm Khí Tượng Phía Nam, bà Nguyễn Kim Lan, cho rằng nguyên do chính của hiện tượng này là việc lạm dụng phân bón và thuốc trừ sâu, cùng với khói thải của nhà máy ở Việt Nam và từ những lân bang.
Ủa, chớ nhà máy nào ở xứ mình mà hoạt động dữ dội vậy kìa? Mỏ than Nông Sơn – ai cũng biết – muốn xụp tiệm tới nơi, đang ở tình trạng bỏ thì thương vương thì tội, chỉ còn được khai thác lai rai để giảm số người thất nghiệp. Nếu nó có tỏa khói thì nhiều lắm cũng chỉ là khói hâm cơm trưa của công nhân chứ làm gì đến độ gây ô nhiễm môi sinh, tạo thành mưa acid với nồng độ cao, làm hư hại mùa màng và chết cá?
Hay là nhà máy thép Thái Nguyên chăng? Sau 1975 thì cả nước đều rõ là cái nhà máy thổ tả này chỉ thực sự hoạt động (bằng mồm, theo kiểu trăm voi không được bát nước xáo) và đạt thành tích trên đài hay trên báo. Truyền thống này, chắc chắn, vẫn còn được giữ vững cho đến ngày nay. Báo Tiền Phong – số ra ngày 7 tháng 10 năm 2005 – đăng bài “Chúng Ta Chưa Tự Làm Được Cái Đinh Vít”, có đoạn, như sau: “… dù có hàng chục luận án tiến sĩ về tôi thép và cơ khí nhưng trong nước vẫn chưa tự làm được con ốc cho xe máy, ô tô đạt tiêu chuẩn quốc tế (cứ vặn là trờn ren)”.
Như vậy, không lẽ khói thải tùm lum lại từ những cơ xưởng kỹ nghệ của những lân bang cỡ như Miên Quốc hay Lào Quốc? Người Lào, dù đã vượt quá độ từ tư bản chủ nghĩa sang xã hội chủ nghĩa từ lâu, nghe đâu, vẫn còn đi xe bò lòng vòng trong thành phố và cưỡi voi dạo chơi tà tà ở trong rừng.
Còn người Miên, cách đây chưa lâu, họ vẫn còn có thể (nhân danh chủ nghĩa cộng sản) giết hàng triệu người bằng cuốc chim hay chầy vồ gì đó. Đời sống của nhân dân ở hai nước xã hội chủ nghĩa láng giềng, cũng như ở nước ta, đâu mấy ai đụng chạm hay dính dáng gì tới máy móc mà có khói – ngoại trừ những lúc nướng khoai.
Vậy thì khói thải ở đâu ra? Lửa phải có ở chỗ nào mới được chớ? Không có lửa sao có khói? Tôi thực lòng không dám nghi ngờ độ khả tín và khả xác của nguồn tin từ tờ Việt Báo USA; tuy nhiên, vì chút bồn chồn lo lắng nên loay hoay vào “internet” truy tìm phần tin tức của AP để mong được hiểu biết sự việc rõ ràng hơn. Tôi không kiếm ra được bài báo dẫn thượng nhưng (chả may) lại thu lượm được nhiều sự kiện rất phiền lòng khác về tình trạng mưa acid ở Việt Nam.
Qua địa chỉ “web site” của South East Asian Science Policy Advisory Network tôi đọc được một bài báo ngắn của ông Nguyễn Hiệp – người mà tôi đoán là một chuyên gia hiện đang định cư tại Úc – có tựa là “Transboundary Sulfur Pollution &Vietnam.”
Ông Nguyễn Hiệp đã bầy tỏ sự quan ngại rằng ở Đông Nam Á có những quốc gia chỉ tạo ra những lượng lưu huỳnh rất nhỏ nhưng lại phải chịu nhận sự tích tụ của loại hoá chất này rất lớn từ những lân bang hoặc ngay cả từ những quốc gia xa xôi khác. Việt Nam và Nepal là hai (receptor) “nạn nhân” điển hình trong vùng về tệ trạng này.
Tài liệu ông Hiệp trích dẫn cho thấy Trung Cộng là nước đứng thứ nhì thế giới về lượng thải sulfur, và hơn 60 phần trăm số lượng hoá chất này – từ cơ xưởng kỹ nghệ của họ – đã theo gió rơi rớt và tích tụ ở Việt Nam (R. Arndt, G. Carmichael, J. Roorda – Seasonal source-receptor relationship in Asia, Journal of Amostpheric Enviornment, Vol. 32, No.8, 1998, pp. 1397-1406).
Thảo nào, bà Nguyễn Kim Lan nào đó đã có vẻ ấp úng khi nói là nguyên do mưa acid một phần là do khói thải từ những nước lân bang nhưng không nói rõ từ đâu. Bà sợ làm mất lòng người anh em cộng sản láng giềng, dù nước Việt (từ lâu nay) đã trở thành cái thùng rác chứa đựng 60 phần trăm lượng hoá chất ô nhiễm của Trung Cộng – một quốc gia có lượng thải lưu huỳnh cao thứ nhì thế giới!
Thái độ nhũn nhặn thái quá và khó hiểu này, phần nào, có thể giải thích được nếu biết rằng sự ô nhiễm môi sinh ở Việt Nam hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến đời sống của giai cấp cầm quyền. Họ có dư phương tiện để tránh hết mọi điều bất tiện. Giai cấp bị trị, nhất là những người ở thôn quê, không có cái may mắn xa xỉ đó. Xin đơn cử một thí dụ.
Báo Lao Động, số 189, phát hành ngày 11 tháng 7 năm 2006 (trong mục “Bạn Đọc Viết”) có đề cập đến tình trạng nước uống ở làng An Bình, xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị – như sau:
“Nước có lọc qua năm lần bảy lượt rồi cũng thế. Phèn – đục – đỏ ngầu là ‘bản chất’ của nguồn nước nơi ni” – anh Nguyễn Viết, Trưởng thôn An Bình – bức xúc: An Bình là vùng đất trũng, do đó sau những trận mưa lớn, lụt lội…, nó trở thành rốn chứa nước bẩn. Tất cả rác thải của các vùng lân cận đều trôi dạt về đây. Sau trận mưa, mùi xú uế của rác thải bao trùm lấy ngôi làng này…”
“Anh Hồng Văn Mừng – Chủ tịch xã Cam Thanh – cho biết:
’Một thôn có chưa đầy 1.000 nhân khẩu như An Bình mà đã có hơn 40 người mắc bệnh ung thư, quả là con số đáng để các cơ quan chức năng có kế hoạch kiểm tra một cách nghiêm túc về hiện tượng mắc bệnh của người dân’ – vị chủ tịch xã này trông sự mong mỏi vào cuộc ráo riết, cấp bách của ngành chức năng.
Mong lắm thay, một ngày gần nhất An Bình sẽ bình an.'
Tôi thực lòng không tin rằng thôn An Bình – cũng như hàng ngàn vạn thôn làng khác nữa, trên quê hương mình – sẽ được sống bình an trong những ngày tháng tới.
Quê hương tôi ở vùng nhiệt đới, nơi đây mỗi năm chỉ có hai mùa: mưa và nắng. Vũ độ hàng năm tính hào phóng theo đơn vị mét (meter), nghĩa là cả trăm “inches”. Cũng chính nơi đây là xuất xứ của câu tục ngữ “hiền như một ngụm nước mưa”. Vậy mà, sau nửa thế kỷ đói ăn, đồng bào tôi – đã đến lúc – thiếu luôn nước uống.
Tưởng Năng Tiến
2006
Ý kiến bạn đọcVui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.
|
|