Nov 23, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Góp ý với nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc vè VĂN HỌC VIẸT NAM LƯU VONG.
Lê Mai Lĩnh * đăng lúc 12:01:37 AM, Feb 21, 2023 * Số lần xem: 378
Hình ảnh
#1


 
Góp ý với nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc vè
VĂN HỌC VIẸT NAM LƯU VONG.

Lê mai Lĩnh

(chuyện đã cũ, nhưng đăng lại dể KHOE với nhà phê bình ĐỖ TRƯỜNG, bên trời ĐỨC, và những ai chưa dọc, dọc cho vui. Vui thôi mà, nói như BùI Giáng, trung niên thi sĩ )

Trên một số tạp chí tại hải ngoại gần đây có đăng một bài viết liên quan tới nhà văn, tới chữ nghĩa, tới văn học của ông Nguyễn Hưng Quốc với tựa đề “Nhà Văn Như Một Kẻ Thống Dâm”.

Tôi vốn dốt, không hiểu nghĩa “Thống Dâm” là gì. May nhờ ở cuối bài, ông Nguyễn Hưng Quốc có định nghĩa chữ Thống Dâm như sau: “Kẻ tìm thấy khoái lạc khi nhìn trừng trừng vào những lằn roi quất tới tấp trên da thịt của mình hay là tự tay cào, cấu những vết thương của chính mình cho tóe máu”.
À ra, nhà văn như một kẻ thống dâm là thế.

Thì ra, đa số những người cầm bút hiện nay tại hải ngoại đều thuộc hàng cha hay ông nội của nhà văn thống dâm theo nghĩa của Nguyễn Hưng Quốc. Xin ông Nguyễn Hưng Quốc và độc giả từ từ, bình tĩnh nghe Lê Mai Lĩnh tôi phóng bút.

Rằng thì là, nhìn trừng trừng vào những lằn roi quất tới tấp trên da thịt,
Rằng thì là tự tay cào, cấu những vết thương của chính mình cho tóe máu”.
Rằng thì là, những điều này phải hiểu theo Nghĩa Bóng.
Rằng thì là, ngay như những điều này có làm và hiểu theo Nghĩa Đen, chúng tôi cũng không “care”.

Ngay như, nếu quả tình chúng tôi lấy dao, kéo, búa, kềm, cắt, xẻ, bứt, toạc (theo nghĩa đen) để có được những tác phẩm cho vừa ý với nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, để cho “văn học Việt Nam trưởng thành” như mong muốn của Nguyễn Hưng Quốc, chúng tôi cũng làm. Làm ngay.

Vì rằng, đa số những người cầm bút hiện nay đã sống sót sau chiến tranh. Vì rằng, đa số những người cầm bút hiện nay đã sống sót sau trên dưới mười (10) năm trong các trại tập trung khổ sai của Cộng sản.

Vì thế, sự sống còn hôm nay của họ (trong đó có tôi) chính là sự thắng lớn trong canh bạc đời mà họ là những tay chơi cực kỳ may mắn. Tôi xin nói rõ hơn. Ai đã từng đánh bạc vị tất hiểu được sự hào phóng của người thắng bạc lớn.

 Cái mạng sống này, cái hơi thở này, cái khối thịt di động này, cái bộ óc còn suy nghĩ này, chính là phần thắng trong canh bạc đời như tôi đã nói. Do vậy, chúng tôi sẵn sàng chơi. Cào cấu vết thương là đồ trẻ con. Nhìn trừng vào những lằn roi trên da thịt. Chúng tôi mổ bụng, moi gan, băm tim, bằm mật là sự thường. Ngu gì không chơi. Chơi trên “đồng tiền thắng lớn” dại gì không chơi.

Thế nhưng, chắc chắn ông Nguyễn Hưng Quốc nói theo nghĩa bóng. Vậy tôi xin góp ý với ông trên tinh thần đó. Rằng thì là, đa số những người cầm bút tại hải ngoại đều trên dưới 60 tuổi. Sau nhiều năm chiến tranh, sau nhiều năm tù khổ sai, trên thân thể họ cũng như tâm hồn họ đều mang những vết thương hay bệnh tật. Vì tự ái và vì liêm sỉ của người cầm bút hay vì nhu cầu đời sống, họ vẫn đi làm (cày) chứ không nhận tiền già hay tiền bệnh tật. Đứng trước cỗ máy hay đứng trước chồng chén, đĩa phải rửa, họ vẫn suy nghĩ “đêm nay sẽ viết tiếp cái gì hay viết mới cái gì”. Đêm về, ngồi trước trang giấy hay máy tính, computer, họ miệt mài thức cho xong bài viết hay tác phẩm, dù biết rằng, việc lao động này không mang tới lợi nhuận tiền bạc mà chỉ hao mòn sức khỏe và tuổi đời.

Viết trong tình huống này là một sự tự đày ải mình, tự hành hạ mình, tự đâm, tự chém, tự hủy diệt mình. Nhưng họ khoái chí lắm, khi làm như vậy. Họ coi việc đó như một trò ... Thủ Dâm.

Chúng ta hãy đọc đoạn văn sau đây của nhà văn Trần Hoài Thư, Sĩ quan Thám báo, 57 tuổi. Trong ba năm xuất bản bốn tác phẩm: “tôi là người trong cuộc. Cả những ngón tay phải của tôi bị đứt gân. Cả đùi tôi vẫn còn mảnh lựu đạn cắt ngang. Hãy nhìn tôi đi, hãy đánh giá tôi đi, tôi có phải là quân ăn thịt người, hãm hiếp bà già con nít, bắt ba cô gái dìm xuống sông, nhe hàm răng trắng ợn như trong Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh hay không?”.

Những ngón tay bị đứt gân, cả đùi còn mảnh đạn, đầu vú bị đạn cắt, 57 tuổi, 7 giờ sáng đi làm, tối về viết, ba năm bốn tác phẩm. Như thế chưa đủ khủng khiếp hay sao mà Nguyễn Hưng Quốc còn đòi hỏi phải Cào Cấu Vết Thương Cho Tóe Máu.
Đoạn văn tôi vừa viết xin quý vị xem đó như là món ăn khai vị mở màn cho một bữa tiệc lớn. Tạm gọi là bữa tiệc văn chương.

Sau đây là những món chủ lực, bê tông cốt sắt, cá gỏi cơm dương châu…
Mở đầu bài viết, ông Nguyễn Hưng Quốc phán:“Cuối năm 1988, nghe tin nhà thơ Trần Dạ Từ và nhà văn Nhã Ca được phép rời Việt Nam sang định cư tại Thụy Điển, tôi mừng khấp khởi, lòng thầm hy vọng là, với tài năng sẵn có, cộng với những kinh nghiệm sống hôi hổi, ngồn ngộn sau nhiều năm tháng bị đày đọa dưới chế độ Cộng sản, họ sẽ viết nên những tác phẩm văn học đầy đặn, có thể làm cho nền văn học hải ngoại khởi sắc hẳn lên. Tôi càng hy vọng khi nghe nói trong mười mấy năm nằm trong trại cải tạo, Trần Dạ Từ làm thơ rất nhiều. Tôi chờ. Rồi cuối cùng, tôi cũng đọc được một số. Tôi hơi thất vọng. Không phải vì ít cũng không phải vì dở. Có điều, theo tôi, chúng hơi mỏng so với những bất hạnh mà họ phải chịu đựng.

Sau đó, nghe tin hai nhà thơ Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên lần lượt sang Mỹ, tôi lại hy vọng và nôn nao chờ đợi. Không còn nghi ngờ gì nữa, cả hai đều là những nhà thơ thuộc loại tài hoa nhất của miền Nam thuở trước. Sau năm 1975, từ Việt Nam họ lén lút gởi ra nước ngoài một số bài thơ lấp lánh lửa. Tôi tự nhủ thầm, bây giờ ra hải ngoại, được hoàn toàn tự do, họ tha hồ công bố những tác phẩm họ nung nấu trong lò cải tạo, hẳn lúc ấy chúng ta sẽ được chứng kiến một trận múa lửa tuyệt vời bằng chữ nghĩa. Và rồi, cũng như đối với Trần Dạ Từ và Nhã Ca, tôi lại thất vọng.

Niềm hy vọng lại lóe lên một lần nữa sau khi tôi nghe tin nhà văn Phan Nhật Nam qua Mỹ. Qua các tập bút ký Phan Nhật Nam xuất bản trước năm 75, tôi phục sự thẳng thắn và sắc sảo của ông trong những nhận định về các vấn đề xã hội và hính trị, tôi cũng thích cái giọng văn sôi sục nhiệt tình, hơi hơi nhuốm mùi lính tráng của ông. Tôi hy vọng sẽ được đọc những trang nhật ký ít nhất cũng hừng hực ngang tầm với những Mùa Hè Lửa Đỏ, Dọc Đường số 1 trước đây. Tôi lại thất vọng”.

Khác với Nguyễn Hưng Quốc, cái may mắn của tôi là tôi đã dự cảm được điều này 30 năm về trước. Và cái không may của tôi, là tôi đã thất vọng trước Nguyễn Hưng quốc cũng 30 năm. Và người tôi thất vọng bấy giờ là trường hợp nhà văn Dương Nghiễm Mậu. Bấy giờ, tôi gọi trường hợp nhà văn Dương Nghiễm Mậu là trường hợp Lửa Rơm Trong Văn Học. Và bây giờ là trường hợp Lửa Rơm Nguyễn Huy Thiệp ở trong nước.

Vào thập niên 1960-1969, những ai theo dõi sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Nam trên các tạp chí Hiện Đại, Sáng Tạo, Thế Kỷ 20, Vấn Đề, Những Vấn Đề của Chúng Ta, Văn Học, Văn, Bách Khoa và nhất là Văn Nghệ (Lý Hoàng Phong) đều thấy rằng, nhà văn Dương Nghiễm Mậu là một hiện tượng nổi bật, sáng chói nhất về phẩm cũng như về lượng. Sáng tác xuất hiện đều đặn, văn chương lưu loát và ý tưởng độc đáo. Theo Dương Nghiễm Mậu, Từ Hải vẫn còn sống. Quá đã! Những tác phẩm nổi tiếng bấy giờ của Dương Nghiễm Mậu nhiều lắm, tôi chỉ nhớ Gia Tài Của Mẹ, Đầy Tuổi Tôi.

Nhưng bắt đầu từ năm 1970, chúng ta không còn thấy ông cho đời tác phẩm nào nữa và im lặng cho tới năm 1975. Sau năm 1975, không còn gì để nói. Năm năm nay tại hải ngại, bạn bè của ông cũng nhiều, nhưng có lẽ, cùng với thời gian và lịch sử, họ cũng chôn sống ông luôn, chẳng thấy ai nhắc tới tên ông hay tác phẩm của ông, một thời đã đóng góp to lớn vào văn học Việt Nam hậu Geneve (1954).

Từ trường hợp Dương Nghiễm Mậu hay một người khác, Sao Trên Rừng (Nguyễn Đức Sơn) tôi đi tới nghi vấn: Phải chăng tại vì nhà văn của chúng ta thiếu căn bản học thức và vốn sống. Vì thiếu căn bản học thức và vốn sống, nên bao nhiêu hững gì mình có (vốn nghèo nàn), đem giàn trải qua ngần ấy tác phẩm. Rồi thế là xong. Rồi thế là hết. Hay nói một cách khác, cầu thủ hay võ sĩ (nhà văn) của mình không được dai sức, thiếu phông, chơi không lâu, mau xìu, mau xẹp, mau ngã ngựa.
Bây giờ trong nước là trường hợp Nguyễn Huy Thiệp. Sau gần 10 truyện ngắn cực kỳ xuất sắc, nay cũng không hứa hẹn gì thêm nữa.

Thế nhưng, nay, sau 30 năm, sau vấn nạn Nguyễn Hưng Quốc đặt ra, thất vọng, tôi có một Cái Nhìn Khác, Cái Suy Nghĩ Khác, về những nhà văn của chúng ta, về những nhà văn trên thế giới.

Theo tôi, căn bản học thức và vốn sống không phải là điều quyết định cho giá trị một tác phẩm. Xét về căn bản, học thức và vốn sống, hẳn nhiên Ernest  Hemingway phải hơn Mai Thảo, Trần Hoài Thư. Nhưng Người Đàn Bà Trong Vành Đai Trắng (Mai Thảo), Đi Về Phía Mặt Trời Lặn (Trần Hoài Thư) đâu có thua gì Giã Từ Vũ Khí hay Chuông Gọi Hồn Ai của Hemingway.

Không do vì thừa hay thiếu căn bản học thức, không do vì thiếu hay thừa vốn sống mà tác phẩm người này nhất định thua tác phẩm người khác. Vấn đề điều động ngôn ngữ, dàn trải tư tưởng lại là một năng khiếu riêng, không nhất thiết tùy thuộc vào học thức hay vốn sống.

Do vậy, cái hiện tượng Lửa Rơm Trong Văn Học không phải bắt nguồn từ căn bản học thức hay vốn sống như một thời Lê Mai Lĩnh tôi nghĩ tới.
Nhưng mà, hiện tượng đó là một định mệnh nghiệt ngã hay là một bất hạnh vinh quang mà Thượng đế dành cho người cầm bút nào cũng hy vọng chờ đợi, khấn nguyện Thượng đế đoái hoài. Tôi xin nói rõ hơn.

Thượng đế tỏ ra rất hào sảng cho con người năng khiếu sáng tạo (mỗi người Việt Nam là một thi sĩ), nhưng Ngài rất keo kiệt, bủn xỉn, hẹp hòi, chắt chiu, tính toán, chi ly trong việc ban tặng tác phẩm giá trị cho một người cầm bút - quà tặng của Thượng đế.

Đời của một người từ lúc sinh ra cho đến lúc chết, có lúc lên xuống như ngọn thủy triều, nhưng đời của một người cầm bút thì như một người bộ hành lên một đỉnh dốc cao thật cao nào đó và đi xuống. Khó có người cầm bút nào được hai lần nhận giải Nobel Văn Chương.

Chúng ta không thể phủ nhận văn tài của Tô Thùy Yên, Võ Phiến, Mai Thảo hay Thanh Tâm Tuyền, Phan Nhật Nam, nhưng cứ mãi mãi chờ đợi nơi họ những tác phẩm mới, có giá trị hơn những tác phẩm cũ, để tới khi họ không còn đáp ứng được sự chờ đợi đó, rồi thì là, tuyên bố một cách vô trách nhiệm, phủ nhận sự đóng góp của những người khác kiểu như ông Nguyễn Hưng Quốc, rằng thì là «chúng ta đã hy vọng và chờ đợi ở họ (ý nói Thanh tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Phan Nhật Nam ở đoạn trên) quá nhiều điều đó cũng có nghĩa là chúng ta đã quá thất vọng trước những thành tựu mong manh của nền văn học hải ngoại».

Văn học Việt Nam lưu vong không chỉ trông chờ vào 5 tác giả nói trên, nhất là, khi mà, cái thời Thượng đế trao quà tặng cho họ đã xong rồi, mà là văn học lưu vong còn một đội ngũ hùng hậu khác so với hai triệu người bỏ nước ra đi. Hay nói một cách khác, số lượng những người cầm bút tại hải ngoại, dù ít ỏi, nhưng họ đã làm, đã gánh trách nhiệm cho cả nước Việt Nam, khi mà, ở trong nước những người Cộng sản độc quyền làm văn học Cộng sản, áp đặt văn học XHCN lên đời sống tinh thần của người dân.
Vâng, những người cầm bút hải ngoại đang làm vai trò bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam.

Chỉ chờ đợi, tin tưởng và rồi, thất vọng trong số 5 tác giả nói trên, vậy thì, những tác giả và tác phẩm sau đây, không làm ông Nguyễn Hưng Quốc hài lòng và cảm động trước sức sáng tạo của họ hay sao:

Võ Đại Tôn (Tắm máu Đen), Hà Thúc Sinh (Đại Học Máu), Trần Hoài Thư (Ra Biển Gọi Thầm, Ban Mê Thuột, Ngày đầu Ngày cuối), Trần Doãn Nho (Căn Phòng Thao Thức), Thái Tú Hạp (Hạt Bụi Nào Bay qua), Nghiêu Minh (Dấu Xưa), Trần Trung Đạo (Thao Thức…), Hà Kỳ Nam (Vùng Đá Ngầm), Trần Quán Niệm (Nụ Chồi Non), Kinh Dương Vương (Mặt Nạ Cười), Hồ Minh Dũng (Hoa Vạn Hạt, Câu Nam Ai Thất Lạc), Quan Duong (Ruột Đau Chín Khúc), Trần Ngân Tiêu (Thơ Đắng), Trương Sỹ Lương (Một Đời Dang Dở), Hà Huyền Chi (Thơ Kẽm Gai, Một Túi Bình Sinh, Một Túi Thơ), Viên Linh (Thủy Mộ Quan), Phan Hội Yên (Hạ sĩ Khinh Binh), Cung Trầm Tưởng (Lời Viết Hai Tay), Nguyễn Bá Dĩnh (Mùa Đông Quạnh Vắng), Thủy Trang (Thơ Thủy Trang), Nguyễn Xuân Thiệp (Thơ Tôi Cùng Với Gió Mùa), Song Nhị với Tiếng Hờn Chiến Mã (tập thơ tù, 1996, tái bản 2002), Tiếng Hót Loài Chim Di (thơ 2004). Về Lối Đi Xưa (thơ 1999). Nửa Thế Kỷ Việt Nam/ Bút ký Tự truyện (ấn hành tháng 1/2010, tái bản 8/2010), Lưu DânThi Thoại Viết chung Diên Nghị 2003), Lời Rao Giảng của Thơ 2014) - Thanh Thương Hoàng với 5 tập truyện: Người Mỹ Cô Đơn, Tiến Sĩ Lê Mai, Những Nỗi Đau Đời, Ông Tướng Tỵ Nạn - Vi Khuê (Giọt Lệ *thơ 1971, Cát Vàng *thơ 1985, Tặng Phẩm Tình Yêu *thơ 1991, Hoa Bướm Vườn Thơ Tôi *thơ 1994, Ngựa Hồng Trên Đồi Cỏ *truyện 1986, Những Ngày Ở Virginia *truyện 1991, Vẫn Chờ Xe Thổ Mộ *truyện 1993, Thơ Trong Mưa Và Hoa/ (tập thơ song ngữ Việt-Anh) 2001. Diên Nghị (Cõi thơ tìm gặp 2005), Lưu Dân Thi Thoại. Duy Năng/ Giữa Dòng Nghịch Lũ (truyện 1991), Dặm Nghìn (thơ 1998), -Huệ Thu với Thơ Huệ Thu 1987, Sương Chiều Thu Đọng 1991, Mở Ngõ Phù Vân 1995, Lục Bát Huệ Thu 1997, Đầu Non Mây Trắng 1998, Tứ Tuyệt Huệ Thu 1998. Tuệ Nga với trên 10 thi phẩm: Suối Trầm Tư (1982),  Mây Hương (Thơ Đạo 1987), Chiều Phố Mây (1991), Hoa Sương (1994), Hoa Đài Dâng Hương (Thơ Đạo 1995), Nửa Viền Trăng (1997), Lan Hoa Thi Tập (Tuệ Nga Phương Hồ 1998),  Suối Hoa (1999), Từ Giòng Sông Trăng (2005), Về Bên Suối Tịnh (2007), Dòng Cổ Nguyệt (2014) – Cao Mỵ Nhân với các thi phẩm : Sau Cuộc Chiến 2003, Đưa Người Tình Đi Tu 2001, Thơ Mỵ, Aùo Màu Xanh Lãng Đãng Vào Thu 2001, Chốn Bụi Hồng (Văn 1994), Quán Thơ Tháng Ngày Còn Lại 2009.

Phan Thị Ngôn Ngữ với 5 thi phẩm: Vọng Khúc    2003, Tạ Tình Khúc 2005, Dùng Dằng 2010, Lỗi Một Vần Gieo 2010. – Phong Thu với tập truyện song ngữ Việt Anh Sài Gón Mưa Vẫn Rơi - The Rain Still Falls In Sai Gon, do nhà xb XLibris Corporation ấn hành. “Gấu Bông Giúp Bạn”, (1990). Cô Bé Bên Giàn Hoa Giấy Đỏ, Truyện ngắn 2003, Đóa Phù Dung, truyện 2005. - Ấu Tím với Một Quãng Xuân Thì *tập truyện, Vinasoft 2007 và trên 5 Tuyển Tập với nhiều tác giả nữ khác.  – Võ Ý với Lý Lịch Dọc Ngang của Thảo 2003, Tìm về Tổ ấm 2013,  Cao Nguyên (Thao Thức 2014) - và các nhà văn Đỗ Tiến Đức, Tràm Cà Mau, Ngô Viết Trọng, mỗi tác giả trên dưới 10 tập truyện được đông đảo độc giả đón nhận nhiệt tình.

Ngoài ra còn nhiều nhà thơ tù nhân chính trị có nhiều thi phẩm để đời như Đỗ Bình, Hồ Trường An, Nguyễn Phúc Sông Hương, Trần Thúc Vũ, Cung Diễm.... và những tập nhân định, biên khảo của Phạm Nam Sách, Nguyễn Văn Chức, những nhà văn, nhà thơ miệt mài sáng tạo như Phạm Ngũ Yên, Đại Dương, Phạm Trần, Cung Vũ Nguyễn Hữu Nghĩa, Phùng Văn Nguyên, Hồ Mạnh Sơn, Đỗ Văn Phúc, Võ Đình Tuyết, Huỳnh Văn Phú, Lâm Chương, Phạm Nhã Dự, Dư Mỹ, Phan Xuân Sinh, Phạm Thành Tính, Lê Thành Quang, Ngô Tịnh Yên (Lục bát Ngô Tịnh Yên, Lãng Mạn Năm 2000), Vương Lệ Hằng…

Và hàng ngàn nhà văn, nhà thơ cùng tác phẩm của họ trên thư mục các nhà xuất bản Văn Nghệ, Làng Văn, Thế Kỷ 21. Riêng NXB Cội Nguồn đã có trên 55 tác phẩm được ấn hành, trong đó nhiều tác phẩm đã được lưu trữ tại Thư Viện Quốc Hội và các đại học ở Hoa Kỳ…

Là một nhà phê bình được dư luận đánh giá tốt, có bao giờ ông Nguyễn Hưng Quốc hay biết về những tác giả và tác phẩm trên đây không? Tại sao Nguyễn Hưng Quốc không nhìn thấy những Con Suối Mới, Những Dòng Nước Mới từ Vách Đá Tươm Ra, đủ nhìn thấy, dự báo những đại dương văn học. Tại sao Nguyễn Hưng Quốc chỉ nhìn vào những con sông đã khô, những ao hồ đã cạn để nói điều bi quan, gieo mầm hủy diệt giữa một nền văn học lưu vong vốn đang bị đánh phá từ nhiều phía đang gặp những khó khăn chồng chất. Dù thế, người cầm bút chân chính vẫn gánh cây bút như ngày xưa Chúa vác cây thánh giá, lên đường. Tiến. Nhất định chúng ta phải thắng.

Lại một sai lầm khác của Nguyễn Hưng Quốc, ông ta viết: “Sự thật, sự thất bại của họ (Ý nói Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Phan Nhật Nam) nghĩ cho cùng cũng là sự thất bại chung của cả nền văn học hải ngoại từ sau 1975. Chúng ta đã chứng kiến những biến cố trọng đại và đã trải qua những tai họa thuộc loại khủng khiếp nhất trong lịch sử, bị đày đi kinh tế mới, bị đày vào trại cải tạo, bị tước đoạt mọi thứ tự do, nhân phẩm bị chà đạp. Cuối cùng phải tìm đường vượt biên để có khi bị hãm hiếp, bị kỳ thị, hoặc may lắm thì cũng trở thành những tên lưu vong lạc long, lơ láo vất vưởng ở xứ người. Thế… Nhưng văn… chương của chúng ta thì cứ như là trò chơi của trẻ nhỏ. Cũng phơn phớt chút phấn son. Cũng uốn éo như mấy cô ca sĩ tập sự. Cũng lên bổng, xuống trầm sặc mùi cải lương. Chúng ta đau đớn thật mà lại viết như là buôn vờ. Bi kịch lớn như núi, rơi xuống trang giấy, biến thành một mảnh bọt xà phòng, nhỏ xíu, mỏng manh, tan trong trí nhớ còn nhanh hơn cả mùi mực”.

Từ sự chờ đợi, tin tưởng, rồi thất vọng của Nguyễn Hưng Quốc vào 5 tác giả nói trên, ông Nguyễn Hưng Quốc gom lại, rồi mạt sát luôn tập thể những người cầm bút. Chiến Tranh và Hòa Bình của Tolstoi không mang hết nỗi đau của dân Nga thời bấy giờ. Truyện Kiều của Nguyễn Du không mang hết nỗi đau của nhân dân thời Hậu Lê, thì không một người cầm bút nào hiện nay có thể mang hết nỗi bất hạnh của dân tộc hậu 30-4-75. Mỗi người cầm bút, tùy theo hoàn cảnh và vị trí mỗi lúc, mỗi nơi để thể hiện cái nhìn của mình, nói lên nỗi đau của phần mình trong cái đau chung của dân tộc. Rồi đây, khi viết lịch sử, nhà viết sử không căn cứ vào ông A hay ông B, mà căn cứ vào toàn bộ nền văn học do nhiều tác giả đóng góp.
Khi tôi mang kết luận trên của ông Nguyễn Hưng Quốc hỏi mấy bà ở chợ Cầu muối, mấy bà cho rằng, nói như thế là nói HỒ Đồ. Khi tôi hỏi một tay anh chị ở bến xe Miền Đông, anh ta nói, nói như thế là Nói Cà Chớn. Khi tôi hỏi tên quản giáo trại tù, giờ vượt biên và làm công bán cây xăng tại New York, hắn ta nói “nói như thế là nói chung chung, chưa xoáy vào trọng tâm”. Nói như ngôn ngữ Lê Mai Lĩnh là “hết thuốc chữa”.

Văn học hải ngoại 23 năm qua là đồ bỏ, là con số không to tướng hay sao?? Văn chương nào là “trò chơi trẻ nhỏ”, tác phẩm nào là “phơn phớt phấn son”, tác phẩm nào là “lên bổng xuống trầm sặc mùi cải lương”, cây viết nào “uốn éo như mấy cô ca sĩ tập sự”.

Một nhà phê bình có trách nhiệm, một ngòi bút đứng đắn, có thể nào có lối kết luận vô trách nhiệm và phạm thượng như thế hay không?
Một đoạn khác ông Nguyễn Hưng Quốc viết “chúng ta đã tồn tại nhờ tâm lý hư vô hóa bất hạnh và thói quen thánh tẩy thật nhanh mọi dấu vết bất hạnh ra khỏi ký ức. Văn học Việt Nam, ngược lại, may ra chỉ có thể trưởng thành nhờ những kẻ thống dâm (masochist) những kẻ tìm thấy khoái lạc khi nhìn trừng trừng vào những lằn roi, quất tới tấp trên da thịt của mình hay là tự tay cào cấu những vết thương của chính mình cho tóe máu”.

Từ trước tới nay, tương quan giữa xã hội và người anh hùng, tôi chia xã hội ra làm 4 loại người: Thứ nhất, có người sinh ra để trở thành anh hùng. Thứ hai, có người sinh ra để tôn vinh, ngưỡng mộ những người anh hùng.  Thứ ba, có người sinh ra để xem anh hùng như một món hàng, một đồ vật để mua bán, đổi chác, thậm chí là chôm chĩa, cầm nhầm người anh hùng. Thứ tư, là loại người chỉ biết tiền, không bao giờ cần biết có anh hùng hay không có anh hùng và họ cũng không biết rằng, chính họ đang sống nhờ vào thành công của những người anh hùng.

Qua đoạn văn trên của Nguyễn Hưng Quốc, thì tương quan giữa xã hội và người cầm bút là Chúng Ta và Chúng Nó (hay còn gọi là tụi nó, bọn nó). Đó là “Chúng Ta Tồn Tại…” và “Văn Học Việt Nam, ngược lại, may ra chỉ có thể Trưởng Thành nhờ những kẻ thống dâm (Chúng Nó)…”

Thưa nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, muốn có Một Nền Văn Học Trưởng Thành Là Bổn Phận Và Trách Nhiệm Của Toàn Xã Hội. Những Kẻ Trừng Trừng Vào Lằn Roi… Những Kẻ Cào Cấu Vết Thương Cho Tóe Máu cũng chẳng làm được gì nếu chỉ một mình Tụi Nó Trừng Trừng Và Cấu Cào. Trừng trừng và cấu cào cho ra tác phẩm, rồi thì Ai In, rồi thì Ai Mua, rồi thì Ai Đọc, rồi thì Ai Phê Bình. Gặp được năm mười nhà phê bình cỡ như Nguyễn Hưng Quốc thì lại xui xẻo cho tụi nó. Nhìn gà hóa cuốc. Không cận thị cũng biến thành cận thị.

Qua bài viết “Nhà Văn Như Một Kẻ Thống Dâm” của ông Nguyễn Hưng Quốc, tôi thấy có không dưới 10 điều tôi cần góp ý, nhưng tôi không thể làm hết trong phạm vi một bài báo, trừ khi viết thành một cuốn sách gọi là Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Trong bài viết của tôi chỉ góp vài ý cần thiết, nổi bật tính chất thiếu trung thực, nhìn sai vấn đề của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, để cho mọi người nhìn rõ hơn Giá Trị Văn Học Hải Ngoại và thành quả rất đáng kể của những người cầm bút, đặc biệt là những người cầm bút trong giới cựu tù nhân. Họ viết, như một cực hình tự chọn, như một sự tự đày đọa thân xác nhưng vẫn thấy hạnh phúc trong cái thú đau thương. Họ viết, như một bổn phận và trách nhiệm của một người chiến sĩ mà ngòi bút là vũ khí. Họ viết cho một Tương Lai Văn Học Việt Nam. Họ viết, như một chứng nhân lịch sử. Họ không cần thiết người khác tôn vinh, đề cao. Nhưng họ cũng không chấp nhận cho ai xuyên tạc, kéo thấp xuống sự lao động miệt mài của họ qua ngòi bút, trang giấy làm thành những tác phẩm văn học, đúng nghĩa, không tự ti hay tự tôn.

Nếu như ông Nguyễn Hưng Quốc hay độc giả nào đó cho rằng những góp ý của tôi trong bài viết này không đúng theo tinh thần bài viết của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, xin chỉ dạy cho tôi biết. Muôn vàn đa tạ./

Viết tháng /2000
Hiệu chính 7/2014
Lê Mai Lĩnh



Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.