Trên mạng xã hội, và cả một số tờ báo “lề phải”, hôm qua đưa tin: nhà thơ Vũ Hoàng Chương từng được đề cử giải Nobel văn học năm 1972. Rồi sau đó, nhiều người viết về Ông, về thơ Ông. Vũ Hoàng Chương là một tài năng trác tuyệt.
Bàn về cái hay của thơ Ông hiển nhiên không khó. Đọc ai, tôi cũng thấy hay, thấy có lý, thấy mình thật là ngớ ngẩn trước thơ ca. Nhưng báo chí trong nước tuyệt nhiên không thấy nhắc đến bi kịch mà Ông phải gánh chịu sau tháng Tư 1975.
Tôi cũng là người yêu thơ Vũ Hoàng Chương. Thời còn ngồi nghe các thầy bát ngát trên giảng đường, tôi thích những câu thơ kiểu như: “Do dự mãi, đêm nay rời xứ Mộng/Ta chiều em, bỏ cánh lại cung Trăng/Lén bước xuống thuyền mây chờ cửa động/Vội vàng đi, quên giã biệt cô Hằng... Hai xác thịt lẫn vào nhau mê mải/Chút thơ ngây còn lại cũng vừa chôn/Khi tỉnh dậy bùn nhơ nơi hạ giới/Đã dâng lên ngập quá nửa linh hồn”.
Hoặc“Lìa cõi Mộng, giong thuyền qua bến Tục/Đoái hoài chi, băng tuyết sẽ vùi chôn/Em khao khát dìu anh tìm hạnh phúc/Ở men nồng chăn ấm tối tân hôn... /Thôi hết nhé, thỏa đi niềm rạo rực/Từ cung trăng rơi ngã xuống trần gian/Ta sắp uống bùn nhơ và sự thực/Sẽ mai đây giày xéo giấc mơ tàn”.
Thơ Ông rất Đời, rất Thực, đầy trăn trở với cái bản ngã, với câu hỏi cho đến nay vẫn còn tính thời sự: “Ôi! ta đã làm chi đời ta?”.Tôi, và có lẽ nhiều bạn trẻ khác cũng vậy, nhìn thấy phần nào đó bản thân mình trong cơn say của Ông.
Vũ Hoàng Chương cũng là nhà thơ yêu nước. Ông thể hiện điều đó theo cách của mình. Ông gào thét: “Trả ta sông núi!” từng trang sử/Dân tộc còn nghe vọng thiết tha./Ngược vết thời gian, cùng nhắn nhủ:/“Không đòi, ai trả núi sông ta!”… Từ một người yêu nước, Ông đã vượt qua lằn ranh thơ ca đơn thuần, trở thành một con người chính trị. Có lẽ bi kịch sau này của Ông bắt đầu từ đây chăng?
Khi hết cơn say, Vũ Hoàng Chương từng có một tuyên ngôn “Thơ tỉnh”: “Lò phiếu trưng cầu, một hiển linh/Đốt lò hương, gửi mộng bình sinh/Từ nay trăm họ câu an lạc/Đàn khúc đầm Dao, rượu chén Quỳnh!/Có một ngày ta trở lại cố đô/Lưỡi lê no máu rửa Tây Hồ/Trên tầng Chí Sĩ bàn tay vẫy/Đại định Thăng Long, một bóng cờ”. (“Lửa từ bi”-1957).
Không cần nhiều, chỉ với bài thơ này thôi, Vũ Hoàng Chương đã tự khẳng định thế đứng đối lập với những người đang cầm quyền ở miền Bắc. Những người thuộc “bên thắng cuộc” thực sự rất khó tiêu hóa nổi thái độ này. Sự kiện ông bị bắt giam sau ngày Sài Gòn thất thủ là lẽ đương nhiên. Lẽ phải luôn thuộc về người nắm quyền mà.
Mấy ngày qua, bỗng nhiên tên tuổi của thi sĩ Vũ Hoàng Chương trở thành một trong những sự kiện “hot” nhất trên mạng xã hội. Những người yêu văn học cảm thấy vui và tự hào khi tên tuổi nhà thơ được ghi nhận trong danh sách những người được đề cử giải Nobel văn học năm 1972. Đó lại là thông tin chính thức trên tờ báo Tuổi Trẻ!Bên cạnh đó, không ít giọt nước mắt đã nhỏ xuống khi trang Facebook Mạnh Kim và nhiều phương tiện truyền thông khác đăng lại bài viết của nhà văn Mai Thảo kể về những ngày tháng cuối đời của ông, những ngày tháng tăm tối và bất hạnh nhất!
Thời khoảng đó, không chỉ riêng ông, mà nhiều văn nghệ sĩ khác: Doãn Quốc Sỹ, Trần Dạ Từ, Trần Thy Nhã Ca, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh… đều trải qua những số phận khắc nghiệt nhất. Nhưng họ còn đủ sức chịu đựng, chí ít cũng vài năm như Hồ Hữu Tường hay Nguyễn Mạnh Côn, còn ông, sức khỏe suy kiệt, ông đã đầu hàng chỉ sau 5 tháng tù đày!
Bài viết của Mai Thảo gợi lên cho mỗi chúng ta những cảm xúc khác nhau, song có lẽ cảm nghĩ chung là sự thương cảm mênh mang, là nỗi tiếc nhớ một tài hoa đã mất đi khi còn có thể đóng góp nhiều cho xã hội.
Còn nhớ sau cuộc di cư vĩ đại vào những năm 1954-1955, trong số gần một triệu đồng bào miền Bắc vào Nam, có nhiều văn nghệ sĩ: Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Bằng, Vũ Khắc Khoan… Chỉ sau mấy năm, họ tạo nên một dòng văn học mới lạ, có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với các tầng lớp sinh viên – học sinh và giới trí thức miền Nam. Tạp chí Sáng Tạo là một tiêu biểu cho nỗ lực khai phá của họ.
Không những thế, những nhà văn, nhà thơ đó đã gián tiếp gầy dựng nên một phong trào văn nghệ học sinh trong sáng và đầy nhiệt huyết mà kẻ viết bài này vì lòng yêu mến họ, cũng tập tễnh làm thơ từ năm mới 14 tuổi.
Riêng với Vũ Hoàng Chương, năm 1959 là thời điểm “huy hoàng” bậc nhất của ông. Ông được trao giải Văn học nghệ thuật toàn quốc với tập thơ Hoa Đăng và được cử đi dự Hội nghị thơ ca quốc tế tổ chức tại Bỉ. Tại đây, sự tình cờ đưa đẩy, ông quen với nữ sĩ người Bỉ Simone Kuhnen de La Cœuillerie (1905-1993) và tình bạn của họ kéo dài đến những năm 1960. Năm 1960, ông xuất bản tập thơ Cảm Thông được giáo sư Anh ngữ Nguyễn Khang dịch ra tiếng Pháp là Communion, gồm một số bài ông sáng tác sau chuyến đi Bỉ và những bài khác. Bà Simone cũng dịch ra tiếng Pháp một số sáng tác của ông.
Năm 1963, nhà văn Nhất Linh chọn cái chết để bày tỏ chính kiến chống lại chính quyền đương thời miền Nam, còn Vũ Hoàng Chương thì sáng tác và xuất bản tập thơ mỏng Lửa Từ Bỉ, cổ xúy và ca ngợi phong trào đấu tranh của các nhà sư và Phật tử chống lại chính sách tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Trong đời sống văn học-nghệ thuật tại miền Nam những năm 1960, Trung tâm văn bút Việt Nam (Pen Club Vietnam), thành viên của Trung tâm văn bút quốc tế (PEN International) là ngọn cờ đầu, trong đó Nhất Linh và Vũ Hoàng Chương là hai cây đại thụ nhận được sự kính trọng và yêu mến của các văn nghệ sĩ khác. Điều này thể hiện qua các bài tường thuật của tạp chí Bách Khoa về các buổi sinh hoạt của tổ chức này.
Năm 1972, một lần nữa Vũ Hoàng Chương được trao tặng giải thưởng văn chương của Tổng thống VNCH. Về điều này, có một giai thoại không biết thật đến mức nào. Nhiều người kể rằng lúc đó ông nghèo lắm. Theo điều lệ của việc xét cấp giải thưởng, thành viên hội đồng chấm giải không được dự thưởng, mà ông lại thường xuyên là Trưởng ban xét chấm giải bộ môn thơ. Mọi người cho rằng tiếp tục duy trì hiện trạng là một thiệt thòi lớn cho ông. Vì thế trong năm 1972 đó, ông “bị loại” khỏi vai trò thành viên của Hội đồng xét duyệt giải thưởng Tổng thống VNCH, để được Hội đồng xét trao giải thưởng văn học xứng đáng với những đóng góp của ông.
Giai thoại này không rõ thực hư ra sao, xin chất chính nhà phê bình văn học Đặng Tiến (Tien Dang), người đang sở hữu một “bảo vật” do thi sĩ Vũ Hoàng Chương trao tặng, đó là bản dịch bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu do thi sĩ thực hiện và chính tay chép tặng anh.
Song điều mình nhớ khá rõ là trị giá giải thưởng văn chương toàn quốc của Tổng thống VNCH lúc đó lên đến 1 triệu đồng, mà thời giá một lượng vàng chưa đến 30.000 đồng!
Năm 1976, những gì xảy đến cho cuộc đời thi sĩ Vũ Hoàng Chương, ai đọc bài viết của nhà văn Mai Thảo đều biết rõ. Song sau ngày ông mất, có sự loan truyền là lúc bị giam ở khám Chí Hòa, ông có làm một số thơ, trong đó có hai câu: Bao nhiêu nước chảy qua cầu nữa, Cũng chẳng làm phai một tấm son… Tất nhiên, đây cũng chỉ là tin truyền miệng, vậy lại một lần nữa xin chất chính anh Đặng Tiến và những người am hiểu khác.
Vào những năm cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960, đối với thi sĩ Vũ Hoàng Chương, mình là kẻ hậu sinh một lòng yêu kính. Chẳng những thế, năm 1963, chàng trai trẻ 19 tuổi còn bạo gan gửi mấy bài thơ (với bút danh Hoàng Điệp) cho mục Thơ và Thi nhân do ông phụ trách trên nhật báo Tự Do của Phạm Việt Tuyền. Thơ được ông chọn đăng 2 bài với những lời khích lệ chí tình. Đó là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong thời tuổi trẻ. Sau đúng 60 năm (1963-2023), bài thơ và những lời bình của ông vẫn còn được gìn giữ với lòng trân quý, xin được đăng lên ở đây như một nén hương lòng tưởng nhớ ông, một tài hoa bậc nhất trong hàng trăm ngàn cuộc đời bất hạnh trên đất nước này.
có lời bình trên mục Thơ và Thi nhân, nhật báo Tự Do, cách nay đúng 60 năm. Ảnh tư liệuLê Nguyễn