Nov 23, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Tiễn Biệt Giáo Sư Nguyễn Văn Trung
Nguyễn Châu * đăng lúc 02:02:44 PM, Oct 31, 2022 * Số lần xem: 431
Hình ảnh
#1


 

Tiễn Biệt Giáo Sư Nguyễn Văn Trung

Gs Nguyễn Châu

 

MỘT TRIẾT GIA DẤN THÂN TRÊN HÀNH TRÌNH GIAN KHÓ CỦA DÂN VIỆT

Giáo Sư Nguyễn Văn Trung đã tạ thế lúc 21 giờ 30 ngày 19 tháng 10 năm 2022 tại Brossard, Québec, Canada. Hưởng thọ 92 tuổi.

Ông sinh ngày 26/9 năm 1930 tại làng Thanh Hương, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, Bắc Việt Nam. Ông học trường Dòng Puginier rồi Chủng Viện Hoàng Nguyên sau đó qua học trường Chu Văn An, Hà Nội. Năm 1950 ông được đi du học ở Âu châu.Lúc đầu ở Pháp, sau đó qua Bỉ (Belgique), đậu Cử Nhân Triết Học Dại Học Louvain, Bỉ năm 1955. Về Sài Gòn năm 1955, dạy Triết tại Trung Học Chu Văn An.

Năm 1961, ông Nguyễn Văn Trung trở lại Đại Học Louvain, Bỉ để trình luận án Tiến sĩ Triết Học với đề tài "La Conception Bouddique du Devenir. Essai sur la notion du devenir selon la Stharivanâda".

Sau khi có bằng Tiến Sĩ, về nước, ông dạy Triết và Văn Học tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn và Đại Học Huế. Ông là Trưởng ban môn Triết Tây phương. Năm 1969, ông được bầu làm Khoa Trưởng Đại Học Văn Khoa Sài Gòn một thời gian. Giáo Sư Nguyễn Văn Trung có bút hiệu là Phan Mai và Hoàng Thái Linh.

Ông Nguyễn Văn Trung là một giáo sư Triết Học hiện sinh luôn dấn thân trong hành trình "đặt lại vấn đề" với tất cả mọi lãnh vực từ tư tưởng, tôn giáo đến chính trị và văn học. Có thể nói, Giáo Sư Nguyễn Văn Trung là người đã truyền bá các trào lưu tư tưởng triết học thời đại vào miền Nam Việt Nam trong thập niên 1960 - 1970. Học sinh, sinh viên và thanh niên Việt Nam đã được tiếp xúc với triết lý hiện sinh (Existentialisme), hiện tượng luận (Phénoménologie)...biết đến Jean Paul Sartre, Albert Camus, Martin Heidegger, Gaston Bachelard... qua các bài giảng và các bài báo  của Giáo Sư Nguyễn Văn Trung.

Quá trình giảng dạy và biên khảo của Giáo Sư Nguyễn Văn Trung đã ảnh hưởng sâu rộng trong tư duy của thanh niên, sinh viên và trí thức miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Bởi vì từ năm 1955 đến 1975, tại miền Nam Việt Nam, Nguyễn Văn Trung chẳng những là một nhà giáo tận tụy, một nhà nghiên cứu và phê bình uyên bác, sâu sắc... mà còn là một nhà báo dấn thân vào hiện tình của dân tộc và đất nước...

Trong cuốn Văn Học Miền Nam Tổng Quan (1954-1975) xuất bản ở hải ngoại năm 1986, học giả Võ Phiến đã nhận định:

 “Một giáo sư trẻ tuổi mới từ Âu châu về, là Nguyễn Văn Trung bắt đầu viết những bài tiểu luận triết học rất được giới thanh niên sinh viên và văn nghệ sĩ chú ý theo dõi.  Quốc gia, cộng sản, tư bản, Mác-xít, Khổng-Phật Đông phương… thanh niên đã ngột ngạt về những thứ ấy, họ mong đợi một cái gì mới, một lối thoát nào đó. Mong đợi mơ hồ mà khẩn cấp. Khao khát triết lý, một khao khát thời đại. Ông Nguyễn đáp ứng đúng vào chỗ trông chờ ấy. Ông được hoan nghênh. Các “nhận định” của ông, giới trẻ đọc, phổ biến, bàn tán, suy luận… Vả lại Nguyễn Văn Trung không chỉ viết về triết học, nhiều lần ông quan tâm đến các vấn đề văn học. Nhà xuất bản Nam Sơn in 3 tập Lược Khảo Văn Học, và nhà xuất bản Tự Do sau này có in của ông cuốn Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết, cho nên càng dễ hiểu cái cảm tình của giới văn nghệ đối với ông lúc bấy giờ.” 

Sau 30 tháng Tư 1975, Giáo sư Nguyễn Văn Trung không được trở lại giảng đường để trực tiếp giảng dạy, chính phủ cộng sản chỉ cho ông làm công việc nghiên cứu văn và triết tại Khoa Ngữ Văn Đại Học Tổng Hợp TPHCM. Ông chỉ được thuyết trình các nghiên cứu với các nhóm sinh viên dưới dạng hội thảo. Chính quyền mới cũng đã có cuộc lục xét nhà ở của Giáo sư Nguyễn Văn Trung năm 1976, lấy đi một số sách báo và tài liệu văn, triết.

Trong thời gian này Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã đổi hướng sang nghiên cứu văn hóa vùng châu thổ sông Cửu Long thành quả là bộ sách Lục Châu Học rất có giá trị.

Năm 1988, trong chính sách đổi mới của Cộng sản Việt Nam, tạp chí "Nghiên Cứu Việt Nam" - Études Vietnamiennes - lúc đó do Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện phụ trách, đề nghị ông viết "Nhìn Lại Những Chặng Đường Đã Qua". Và Giáo sư Trung đã viết một bài gần 20 trang...nhưng lại không được đăng.

Những bài viết đặc sắc sau năm 1975 gồm có "Vẽ Đường Cho Hươu Chạy" và In Memoriam Việt Nam Cộng Hòa...những bài này bị cộng sản chê... vì đã thẳng thừng nói lên thực trạng chính trị và xã hội miền nam sau 1975, nói là đổi mới nhưng chỉ là lấy lại cái "cũ" mà họ đã bài bác khi mới vào Nam.

Cuối năm 1993, Giáo sư Trung và gia đình rời Việt Nam sang Canada đoàn tụ với con trai lớn Nguyễn Quốc Bảo (là thuyền nhân đang định cư tại Montréal, Canada. Thỉnh thoảng ông về thăm Việt Nam, qua Mỹ và Pháp gặp lại sinh viên cũ và bạn hữu.

Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã dấn thân và đã có hành trình gian khổ là vì ông luôn đặt lại vấn đề. Do đó, nhiều giáo phẩm Thiên Chúa giáo không bằng lòng với việc làm của ông. Chính quyền miền Nam thì gọi ông là thiên tả cùng với nhóm của Linh mục Nguyễn Ngọc Lan (Nhà thờ Kỳ Đồng -Sài Gòn) và Chân Tín...

Có thể nói Giáo sư Nguyễn Văn Trung là một trí thức dấn thân theo chủ thuyết Hiện Sinh của Jean Paul Sartre. Đối với ông Nguyễn Văn Trung triết lý hiện sinh của J.P. Sartre là một chỗ dựa tinh thần để tìm câu trả lời cho những vấn đề của con-người-ở-đời, con người tại thế, trong hoàn cảnh. Nguyễn Văn Trung đã viết " "Chúng ta không có thời đại nào khác, ngoài thời đại hiện nay của chúng ta. Có thể có thời đại khác thanh bình hơn, đẹp hơn, nhưng đó không phải thời đại của ta, thời đại có chiến tranh nóng lạnh giữa hai khối, thời đại có mối đe dọa thường xuyên của bom nguyên tử, thời đại đế quốc chủ nghĩa, thực dân xâm lăng… Chúng ta không có quyền lựa chọn hoàn cảnh, thời đại, nhưng chỉ có thể lựa chọn trong hoàn cảnh, thời đại của ta" ("Sartre trong đời tôi" Nhận định V, Nxb Nam Sơn, Sài Gòn, 1969, tr. 249).

Xin trích một đoạn của "Nhìn Lại Những Chặn Đường Đã Qua" để tưởng niệm Giáo Sư Nguyễn Văn Trung, một triết gia dấn thân đáng tôn kính.

 

In Memoriam Việt Nam Cộng Hòa

Nguyễn văn Trung

 

 

Nhìn lại những chặn đường đã qua về sinh hoạt cầm bút từ 1955 đến 1975, những gì tôi viết ra đã gây nhiều phản ứng phê phán, mạt sát, vu khống, mạ lị cá nhân. Nói tóm lại tôi đã bị chửi, chửi thật tình và giả vờ chửi. Chửi thật tình xuất phát từ những động cơ, lý do cá nhân bực bội, oán giận, còn giả vờ chửi vì cá nhân người viết không quen biết, không có bất cứ một liên hệ nào với tôi, sở dĩ viết sách báo là do đường lối chính sách buộc phải làm, thế thôi. Hai hoàn cảnh viết phản ứng khác nhau. ở miền Nam những người viết bộc lộ rõ rệt cái tôi, cái ngã của mình, còn ở miền Bắc người viết chỉ cho thấy cái vô ngã của cả một chế độ.

Nhưng tìm hiểu những luận điệu đả kích, mạt sát, tôi lại thấy có nhiều điểm thật giống nhau trong ba giới người viết mang danh Công giáo, Phật giáo, Cộng sản.

Xin nêu ra hai luận điệu chính sau đây:

1. Phê phán đả kích quan niệm tương đối về biểu lộ chân lý. Nói cách khác, chân lý khách quan không thể tránh được diễn tả bằng những lối nhìn chủ quan, tùy theo những hoàn cảnh cảm nhận. Luận điệu của Linh mục Trần Văn Hiến Minh về triết học và của nhóm Văn Ðàn (gốc Công giáo) về nền tảng đạo lý của văn học hay nghệ thuật nào có khác gì luận điệu của các ông Trần Văn Giàu và Nguyễn Văn Hoàn nhân danh lý thuyết Mác xít chính thức và chánh thống.

2. Chủ trương một luân lý tất yếu về sự tùy thuộc không thể chối cãi được của những sinh hoạt văn hóa tư tưởng gắn bó với một chế độ chính trị, xã hội nhất định. Luận lý của Nguyễn Văn Hoàn nhân danh Mác xít đã được Tạ Trọng Hiệp lược tóm đúc kết thành tam đoạn luận giống y chang luận lý của những người mang danh Phật giáo trong tuần báo Chân Trời Mới kết án tôi là nhà triết học của chế độ Ngô Ðình vì tôi được tự do ăn nói trong khi những người theo Phật giáo buộc phải im lặng. Những người mang danh tôn giáo hay ý thức hệ có tính chất tôn giáo khác nhau, thậm chí chống đối nhau đến nỗi không đội trời chung, sử dụng hai luận điệu kể trên, thật ra cũng chung một đặc điểm căn bản: đồng hóa tôn giáo, ý thức hệ có tính chất tôn giáo, lãnh vực, niềm tin của những tập thể mang danh các tôn giáo, ý thức hệ với triết học, hiểu như một sinh hoạt suy luận trí thức thuộc một lãnh vực riêng biệt, ít nhiều độc lập với các tôn giáo hay ý thức hệ có tính chất tôn giáo.

Ðối với những người mang danh Phật giáo phê bình đả kích tôi, Phật học không thể tách rời Phật giáo và hơn nữa, những người không tin theo đạo Phật mà nói, viết về Phật giáo, không thể hiểu được Phật giáo như người theo đạo hiểu; do đó chỉ có thể nói sai, xuyên tạc và còn có những ý đồ xấu đối với Phật giáo.

Những người Công giáo như Linh mục Trần Văn Hiến Minh kết án tôi rối đạo, khuyến cáo người Công giáo, đặc biệt chủng sinh đại chủng viện không nên đọc tôi vì vẫn bám vào quan niệm từ thời trung cổ coi triết học chỉ là “đầy tớ gái của thần học”.

Những người nhân danh Mác xít, Cộng sản phê phán tôi xuyên tạc chủ nghĩa Mác, coi chủ nghĩa Mác là của riêng thuộc quyền sở hữu của đảng, nhất là của đảng đang cầm quyền, trong khi đối với chính Marx, ngay những chủ nghĩa mang danh nghĩa Mác xít cũng không phải của riêng thuộc độc quyền của Marx vì Marx đã khẳng định “tôi không phải người Mác xít”.

Truyền thống phân biệt triết học và tôn giáo, hay ý thức hệ mang tính chất tôn giáo không những đã được thể hiện ở Tây phương mà ở cả nhiều nơi ngoài văn hóa Tây phương.

Sự phân biệt nầy là một kế thừa những thành quả cách mạng 1789 tách triết học ra khỏi tôn giáo, tách giáo hội ra khỏi nhà nước và một cách tổng quát, tách khu vực công cộng với khu vực tư trong đó có tôn giáo. Nhà nước không xóa bỏ, hay ngăn chận hạn chế hoạt động tôn giáo, mà chỉ đề ra những thể chế, biện pháp, pháp lý chống lại ước muốn chi phối khống chế khu vực công của tôn giáo.

Việt Nam, đặc biệt miền Nam đã có thời gian gần 100 năm là đất bảo hộ thuộc địa của người Pháp. Khi người Pháp ra đi, một trong những điều tích cực của họ để lại là một số thể chế nhà nước, cụ thể là một nền hành chánh và một giới công chức được đào tạo theo tinh thần phân biệt tôn giáo và nhà nước. ở miền Bắc sau 1955, giới công chức cũ nầy đã dần dần bị lớp cán bộ thay thế, nhưng ở miền Nam họ vẫn tiếp tục được trọng dụng cho đến 1975.

Về trình độ văn hóa, nói chung công chức cấp dưới có học qua tiểu học thời Pháp hay trung học thời Việt Nam Cộng Hòa, và cần lưu ý là họ có trình độ văn hóa (sau khi tốt nghiệp bằng tiểu học đã có thể làm thơ tiếng Pháp). Sự kiện biết tiếng Pháp, không phải chỉ là điều kiện để công chức giao dịch được với người Pháp là chủ nhân của họ mà còn là điều kiện thuận tiện cho phép họ tiếp cận với các thông tin thế giới, mở rộng tầm hiểu biết của họ.

Còn những người công chức cao cấp, có trình độ học vấn tối thiểu là tú tài hay tốt nghiệp đại học. Trong quân đội ngay từ những khóa hạ sĩ quan Nam Ðịnh hồi 1951-52 đến các khóa học của trường Võ Bị Ðà Lạt, Nha Trang, Thủ Ðức hồi đầu thời đệ nhất cộng hòa cũng đã dần dà tạo được một giới sĩ quan có trình độ tú tài hay đại học không hề mặc cảm là lính đánh thuê của quân đội viễn chinh, trái lại họ có được một điều mà nền đệ nhất cộng hòa đã tạo cho họ đó là một bản sắc, một căn cước quốc gia (identité nationale).

Trong 20 năm từ 1955 đến 1975, đặc biệt thời đệ nhị cộng hòa có nhiều xáo trộn thay đổi chính phủ, nhưng thực ra chỉ thủ tướng, bộ trưởng, tổng giám đốc, giám đốc thay đổi còn guồng máy hành chính do các trưởng phòng chủ sự điều hành vẫn chạy đều như không có gì xẩy ra.

Dù ở cấp ngạch nào, giới công chức đều ít nhiều giữ được phong cách công chức, tức là ý thức được thế nào và cái gì là công của mọi người, quốc gia và ít nhiều hấp thụ giữ được tinh thần phóng khoáng tự do của văn hóa Pháp dù trong chỗ riêng tư họ theo đạo nọ đạo kia hay không theo đạo nào. Hồi năm 1990 tôi thiết lập một thư mục những gì tôi đã viết trong thời gian 20 năm, thời Việt Nam Cộng Hòa, tôi tự hỏi làm sao tôi có thể viết được nhiều như vậy mà thực ra không gặp khó khăn phiền hà gì do người cầm quyền gây ra, hoặc sâu xa hơn nữa không bao giờ tôi cảm thấy lo ngại về an ninh của bản thân hay gia đình. Nỗi bận tâm chỉ là viết cái gì đây hay là viết thế nào, không phải là có thể viết được không. Tôi thấy ngay giải đáp: nhờ phong cách trí thức của giới công chức của những người điều hành ba bộ liên hệ với sinh hoạt văn hóa tư tưởng: bộ văn hóa giáo dục, bộ thông tin và bộ nội vụ, cảnh sát an ninh và một cách tổng quát, nhờ phong cách trí thức của giới hành nghề tự do, đặc biệt giới trí thức và kể cả giới quân đội. Ðại bộ phận công luận của các giới trí thức nầy không phải tán thành tất cả những gì tôi viết, phê phán, nhưng chỉ bày tỏ thái độ chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt. Nếu VNCH bị Công giáo trị, Phật giáo trị, mà những người mang danh nghĩa Công giáo, Phật giáo tố cáo, kết án tôi đã bộc lộ xu hướng tôn giáo trị của họ, làm sao tôi được tự do giảng dạy ở đại học và xuất bản sách báo theo ý muốn của tôi?

Do đó có thể kết luận “có một tình trạng chậm tiến của một bộ phận các tôn giáo, Công giáo, Phật giáo, ở miền Nam VN so với tình trạng phát triển của các nước phương Tây, về mặt sinh hoạt trí thức so với tình trạng tương đối tiến bộ của giới công chức cầm quyền thời Việt Nam Cộng Hòa, và tình trạng tiến bộ của đại bộ phận trí thức trong các tôn giáo lớn ở miền Nam”.

Sau 30-04-75 Việt Nam thống nhứt theo ý định của miền Bắc, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thay thế Việt Nam Cộng Hòa và do đó guồng máy hành chánh cùng với giới công chức của nó bị dẹp bỏ. Sĩ quan và viên chức cao cấp đi học tập cải tạo mặc dầu những năm đầu sau 1975, thành ủy Sài Gòn đã đánh giá viên chức sĩ quan quân đội cũ, người Việt gốc Hoa và người Công giáo là ba thành phần, xây dựng lại thành phố, miền Nam Việt Nam. Phải đợi đến thời kỳ gọi là đổi mới, mới thấy những thay đổi đôi khi không kèn không trống, tuy bản thân sự việc đủ nói lên hướng thay đổi; chẳng hạn giải nhất huy chương vàng, liên hoan ảnh nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ mười một năm 1995. Ðây là ảnh một bà già có đeo thánh giá, tay cầm chuỗi hạt, dắt một cháu gái, ghi chú: Hành trình đến tương lai không thể tách rời dấu chân của quá khứ. Ban giám khảo và sau đó người xem không ai thắc mắc về cỗ tràng hạt, cây thánh giá vì ai nấy đều như thể đồng tình với nhau; tách rời nghệ thuật khỏi tôn giáo và những quy định chính trị về tôn giáo. Hồi năm 1994, có công bố pháp lệnh về cải tổ hành chánh, bãi bỏ qui chế cán bộ, phục hồi ngạch công chức, thi tuyển công khai, tăng ngạch trật dựa vào khả năng chuyên môn, thâm niên v.v... như của Sài Gòn, miền Nam VN trước 1975. Như vậy phải chăng đổi mới chẳng qua là trở về những cái cũ bị phủ nhận?

Những người đã sống ở miền Nam trước 1975, ở lại sau 75, mới cảm nhận thấm thía những mất mát. Có những lúc tưởng chừng chế độ chính trị xã hội đã duy trì được những mặt tích cực, cần thiết cho cuộc sống bình thường cho người dân và ngay cả cho người trí thức suy nghĩ cầm bút lý luận hay sáng tác, đã vĩnh viễn bị chôn vùi vào trong quá khứ ở miền Bắc sau 1955 và ở miền Nam sau 1975. Nhưng rồi hy vọng chớm nở khi thấy những mặt tích cực bị xóa bỏ dần dà được khôi phục. Với thế hệ những người bước vào tuổi 70 có thể không hy vọng gì, chứng kiến ngày những mất mát hoàn toàn được phục hồi và còn được cải thiện hoàn chỉnh hơn vì trình độ dân trí nói chung và trình độ nhận thức của các giới lãnh đạo, điều hành khu vực công, tư, tương lai thực sự được nâng cao.

Nhìn lại những chặng đường đã qua để ghi đôi nét nhận định về những chế độ mà tôi đã sống trong niềm hy vọng những thế hệ sau sẽ không phải chịu đựng những khó khăn thử thách mà các thế hệ đi trước đã gánh chịu.

Tôi bắt đầu làm việc ghi nhận nầy từ những năm đầu thập niên 90, duy có cái nhìn về Dương Thu Hương cần được điều chỉnh vì nhà văn nầy đã có những chuyển biến mới. Nhưng vì không sống ở trong nước để có được những thông tin đầy đủ, chính xác, nên tôi tạm bỏ ngỏ những nhận định về nhà văn nầy và mong được những người khác hiểu biết đầy đủ, chính xác hơn điều chỉnh giùm.

Tuy nhiên, đọc những bài của nhà văn nầy đăng trên báo hải ngoại gần đây tỏ vẻ khinh miệt, mạt sát chế độ mà trước kia bà đã nhân danh nó, hãnh diện về nó để khinh bỉ, mạt sát VNCH, tôi rất khó cảm nhận tư cách người cầm bút, viết văn, đặc biệt việc bà đi nhận giải thưởng, một giải thưởng xuất phát ít nhiều từ thái độ giả hình chính trị của một chính thể trong quá khứ đã chà đạp nhân quyền, tự do của cả dân tộc mình và bây giờ chẳng qua chỉ sử dụng mục tiêu bênh vực nhân quyền ít nhiều như một chiêu bài chính trị.

Tôi giới thiệu hai bài đã viết, chưa hề được công bố, chỉ một số rất ít độc giả là đảng viên cán bộ đọc. Bài về “Tự trị đại học” và bài về “Ðổi mới phải chăng là trở lại cái cũ đã bị phủ nhận?”. Sau gần 10 năm tôi không thay đổi những ý đã ghi trong hai bài đó, viết trong nước, nên tôi giới thiệu hai bài nầy bây giờ để kết thúc tập I trong niềm tưởng niệm Việt Nam Cộng Hòa.

 

Ðổi mới là trở lại cái cũ đã bị phủ nhận?

 

Xin phép tác giả Bảo Ninh trích một đoạn trong tiểu thuyết “Thân Phận Của Tình Yêu” (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn Hà Nội - 1990 - trang 233-236).

 

“...Có một miền đất mà đời Kiên đã một lần lướt thoáng qua, bây giờ thường thấy hiện lên trước mắt như biểu tượng về vùng đất hứa đã mất vào quá khứ, đó là vùng thảo nguyên bao la miền Nam Tây nguyên: từ đèo Ngoạn Mục, qua Ðơn Dương, Ðức Trọng, xuôi đường 20 láng bóng, thẳng tắp về Di Linh... Chẳng phải chỉ vì không gian bát ngát xứ sở này gắn liền với thời kỳ hành quân kỳ diệu. Thần tốc! Thần tốc nữa của Sư đoàn 10, mà còn bởi chính ở đây, trên góc trời cực nam Cao nguyên, trước ngày kết thúc chiến tranh, trong lòng anh lần đầu tiên bừng lên tình yêu cuộc sống hòa bình, lòng thương mến ngưỡng mộ đối với đời sống lao động yên hàn, bình dị và êm ấm tuyệt đối tương phản với bạo lực, chém giết và tàn phá. Có thể đây là một ấn tượng lớt phớt và sai lệch, tuy nhiên là cơ sở để mãi mãi lưu giữ trong tiềm thức Kiên những vang âm của niềm lạc quan không bao giờ chết hẳn.

Kiên nhớ một buổi chiều, anh cùng tổ trinh sát ngự trên một chiếc Jeep lùn gắn đại liên rẽ khỏi lộ 20, chạy vào một đường đất đỏ dẫn sâu vào biển ngút ngàn cà phê mênh mông lút tầm mắt. Bọn anh dừng xe lại trước một ngôi nhà xinh xắn nằm cô lẻ, cách xa đường, xin nước uống và nghỉ ngơi chốc lát. Nhà nhỏ, kiểu nhà sàn, tường gỗ súc và gỗ ván, mái cao và nhọn phỏng dáng mái nhà rông. Khang trang, giản dị và thật đẹp. Ấp trại có máy cày, máy nổ, có hệ thống đường ống tưới cho cà phê nhưng không gây huyên náo. Quanh nhà trồng hoa. Sau nhà là vườn ăn quả.

Gia đình nhỏ, ba người: vợ chồng trẻ người Bắc di cư và một đứa con trai nhỏ chừng sáu bảy tuổi. Khi bọn Kiên với vũ khí, với trang phục hành quân nhàu nát, lấm lem mồ hôi, bụi đường, bước qua ngưỡng cửa, cả nhà chỉ đôi chút lo lắng và bối rối nhưng không hề kinh hoảng hay sợ sệt khúm núm. Thái độ của người chủ vườn và của vợ anh rất đáng mến, ân cần, tử tế một cách đúng mực đầy tự trọng. Tỏ lòng hiếu khách, họ muốn mời cơm nhưng khi bộ đội từ chối họ chẳng cố nài. Chị vợ đi pha cà phê, anh chồng thì ngồi tiếp chuyện khách. Anh nói năng lễ phép khiêm tốn, có học thức và thật tình, ngay thẳng.

- Thú thật là du kích chúng tôi cũng chưa từng nom thấy chứ đừng nói các ông, binh lính Bắc Việt... nhưng là người làm ăn lương thiện chúng tôi chẳng sợ, người chủ vườn nói. Chúng tôi trồng cà phê, trồng mía và trồng cả hoa. Ông Thiệu thua thì mặc ông Thiệu. Bởi vì dù là cộng sản các ông cũng là người, cũng thích hòa bình cũng ưa sự làm ăn yên ổn, vợ con đề huề... Nhờ trời nhờ đất, nhờ cây, nhờ đôi bàn tay mình, nhờ đồng tiền mình kiếm được chứ người canh nông ai mà sống nhờ thời được, phải không các ông?

Cũng may là trong làng trinh sát không hề có mặt những tay hay lên giọng tuyên huấn phách lối, uốn nắn người răn dạy người, thành thử bữa ấy trò chuyện chủ khách thật dễ chịu chỉ xoay xung quanh chuyện làm ăn sinh nhai, hạnh phúc gia đình, đời sống phong thổ, chẳng một lời đả động đến thời cuộc và chiến tranh. Khi chị vợ bưng cà phê lên, không khí càng ấm cúng, gần gũi... Và trong tất cả những điều ấy - trong tiếng trò chuyện nhỏ nhẹ, phúc hậu, hiền hòa, trong sự bài trí đẹp đẽ của căn phòng, trong ánh mắt và gương mặt dịu dàng của người vợ, vẻ tự tin bình thản của người chồng, trong nét mãn nguyện, yên hàn, dư đủ, vô nghĩa lý của đời sống gia trưởng tách biệt khỏi thời cuộc, trong hương vị dễ chịu của tách cà phê, trong mùi gỗ thông lát tường thơm thơm hăng hăng, trong sắc lá lùa trên cửa sổ, trong tiếng rì rào của cây cối xanh tươi, thậm chí cả trong tiếng lách cách từ tốn vô hại của lựu đạn, dao găm cài ở thắt lưng chạm nhẹ vào thành ghế đều toát ra cảm giác thấm mệt và một nỗi buồn ngọt ngào, cay đắng khó tả.

Rời khỏi cái trại ấp êm đềm ấy được một đoạn, ngồi trên xe, Vân “còm” - cựu sinh viên kinh tế kế hoạch - đưa ra ý kiến:

- Ðấy, họ sống như thế đấy. ốc đảo bình yên sung sướng thật. Nhưng tớ nghĩ đến mấy ông thày của tớ ở trường đại học với những lý luận của các bố ấy mà hãi hùng. Nếu bọn ta đánh thắng có nghĩa là dọn đường cho mấy lão ấy tràn vào. Và khi đó thì cặp vợ chồng nọ sẽ biết thế nào là thời thế mới!

- ừ, họ sẽ khốn khổ. Hòa bình, cánh mình có quay trở lại chắc gì họ còn đối đãi tử tế nữa nhỉ?

- Là cái chắc! Trừ phi mày trở lại đây làm chủ nhiệm hợp tác xã!

- Nếu thế thì thật đáng buồn... Tớ thì lại đang nghĩ ước gì vùng quê của tớ sau này có được những ấp trại như thế. Cảnh Mộc Châu cũng tựa cảnh này, nhưng nghèo khổ kinh người.

Mệt mỏi, Kiên ngồi gà gật, không tham gia vào câu chuyện. Nhưng anh nhớ mãi. Sau này, mấy lần trở vào Nam công tác đã mấy lần anh tính lên thăm lại miền đất đó song chẳng lần nào thực hiện được. Còn Vân, Từ, Thanh, những trinh sát viên đã cùng Kiên ghé thăm vợ chồng nhà ấy thì đều đã hy sinh cả rồi...

Kể ra thì dường như chẳng còn gì mờ nhạt hơn một lần dừng chân thoáng chốc như thế trên đường chiến tranh, song chính những điểm mờ nhạt ấy của ký ức càng về sau càng quyến rũ hồi tưởng của Kiên. Và có vẻ như càng ngày càng có ý nghĩa hơn, sâu sắc và thắm thiết hơn.”

(ngưng trích)

 

Nguyễn Châu
San Jose, CA, USA

 

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.