Bài Thơ Thu Chí Của Nguyễn Du – Nguyễn Lạc
DẪN NHẬP
Sáng sớm hôm nay trời hanh lạnh Ngẩng nhìn trời, một mảnh trăng treo trong khoảng trời xanh thật nhạt. Buồn ! Trở vào nhà, đến phòng mở You Tube nghe bài “Mùa thu chết” lời của Guillaume Apollinaire, với lời dịch tuyệt vời của Bùi Giáng, phổ nhạc bởi người nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy và lời hát ngọt ngào của Lệ Thu.
Ta ngắt đi một cùm hoa Thạch thảo [*]
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi
Đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa
Trên cõi đời này
Từ nay mãi mãi không thấy nhau ! …
[Mùa Thu Chết ( Lệ Thu – Phạm Duy -thơ dịch Bùi Giáng )] +
Mùa thu là một cụm từ ước lệ. Mùa thu là mùa thương nhớ, hồi tưởng của người ly hương vọng về cố quốc. Người xưa thường dùng mùa thu để tự vấn, tự soi rọi lại cuộc đời mình: Ta đã làm được gì và sẽ về đâu?
Lòng xao xuyến, tìm đọc lại thơ của người xưa, những bài về thu, để hồi tưởng quê hương thân yêu với nỗi niềm của người tha phương.
BÀI THƠ THU CHÍ CỦA NGUYỄN DU
1. SƠ LƯỢC TIỂU SỬ NGUYỄN DU
Sinh: 3 tháng 1, 1766 Bích Câu, Thăng Long
Mất: 16 tháng 9, 1820 (54 tuổi) Huế
Bút danh: Tố Như, Thanh Hiên, Hồng Sơn lạp hộ, Nam Hải điếu đồ
Nguyễn Du đã để lại một di sản văn chương đồ sộ với những tác phẩm kiệt xuất, ở thể loại nào ông cũng đạt được sự hoàn thiện ở trình độ cổ điển.
Thơ chữ Hán: Nguyễn Du có 3 tập thơ: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, và Bắc hành tạp lục.
Thơ chữ Nôm: Nguyễn Du có hai kiệt tác Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) gồm 3254 câu thơ lục bát và Văn tế thập loại chúng sinh gồm 184 câu viết theo thể song thất lục bát.
2. BÀI THƠ THU CHÍ
Đọc lại thơ chữ Hán của ngài Nguyễn Du, tôi sững sờ khi gặp bài THU CHÍ. Sao giống tâm trạng mình quá, vội vàng ghi ra đây và phóng dịch theo cảm nhận riêng để chia sẻ (Có gì xin các cao nhân bỏ quá cho)
Xin được mến tặng các bạn sống vùng Hương Giang dịu hiền kinh thành HUẾ, và xin cho “nhận vơ” đây là dòng Hậu Giang cho đỡ nhớ thương!
Nguyên tác bài thơ.
THU CHÍ
Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu
Vãng sự bi thanh trủng
Tân thu đáo bạch đầu
Hữu hình đồ dịch dịch
Vô bệnh cố câu câu
Hồi thủ Lam Giang phố
Nhàn tâm tạ bạch âu
(Nguyễn Du)
Dịch nghĩa
Một mảnh trăng trên sông Hương,
Mà xưa tới nay đã gợi không biết bao nhiêu mối sầu.
Chuyện cũ chạnh thương mồ cỏ xanh,
Thu mới tới trên đầu tóc bạc.
Có hình nên phải chịu vất vả,
Không bệnh mà lưng vẫn khom khom.
Ngoảnh đầu trông về bến sông Lam,
Lòng nhàn xin tạ từ chim âu trắng.
Phỏng dịch
THU ĐẾN
Hương Giang ngậm mảnh trăng gầy
Một dòng lệ ngọc đong đầy cổ kim *
Mồ xanh chạnh nhớ nhói tim
Mùa thu lại đến bạc thêm mái đầu!
Có thân phải khổ. phải sầu
Dẫu không bệnh vẫn lưng đau khom vòng!
Lam Gỉang bến cũ ngoảnh trông
Cố an dẫu biết phụ lòng cánh âu!
(Nguyên Lạc)
…………………….
– Mồ xanh (thanh trủng) là mộ phần của tiền nhân tác giả Nguyễn Du
– Lam Gỉang là quê hương Nguyễn Du
– Bạch Âu là loài chim thiên di, đến mùa hẹn lại trở về.Từ “phụ lòng cánh âu” có nghĩa là lỗi hẹn về quê (Lam Gỉang)
(*) Xin giải thích về:”Một dòng lệ ngọc “: Đây là Nguyên Lạc muốn xử dụng điển tích của cụ Nguyễn Du đã mượn của Lý Thương Ẩn trong truyện Kiều:
Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ
Lam điền nhật noãn ngọc sinh yên
(Cẩm Sắt – Lý Thương Ẩn)
Dịch
Sáng trăng thương hải, châu hàm lệ
Nắng ấm lam điền, ngọc khói bay
(DaoTran & laiquangnam)
Trong sao châu rõ duềnh quyên
Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông! ( Kiều 3203 – 3204 -Nguyễn Du )
@1. Câu “Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ”: Ý thơ tưởng như chỉ để tả cảnh:
Mỗi lần đầu sóng xô nhau trên mặt biển xanh, dưới ánh trăng sáng, đâm bổ đầu xuống thì lập tức có muôn ngàn giọt nước văng toé ra, nhận được ánh trăng, chúng loé sáng lên.
Thật ra, nó còn diễn tả “Tình đáp tình”: — Những hạt nước này nay được ánh trăng rọi vào, viền cho nó thành mỗi giọt châu lệ.(1)
— “Tình đáp tình”: Trao tha nhân ân tình thì sẽ nhận lại được ân tình. Giống như quả bóng ném vào bức tường sẽ dội ngược lại, ném mạnh thì dội mạnh. Ném sân si vào “bức tường đời” thì nhận lại được sân si thôi: Nhân nào quả nấy như nhà Phật đã nói. Trân trọng yêu thương cuộc đời thì đời sẽ trân trọng yêu thương lại ta.
@ 2. Theo Nguyên Lạc, tùy theo tâm trạng, bạn có thể đổi thành:
1. Hương thủy “nguyệt minh châu hữu lệ” : Dành cho sông Hương
2. Hậu thuỷ “nguyệt minh châu hữu lệ”: Dành cho sông Hậu
Điều này chắc khả thi vi thơ hay là thơ mở, độc giả cứ ngỡ là tác giả viết riêng cho mình do đó mình có quyền đặt tâm tư riêng vào. Phải không các bạn ?
LỜI KẾT
Tính nhân bản là một thuộc tính của thơ hay, nước nào cũng có, chỉ có trước hay sau thôi. Hãy trân trọng cái hay của tiền nhân, của đất nước !
Nguyên Lạc
————————