Nov 21, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Trung thần nghĩa sĩ.
Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 07:34:45 PM, May 13, 2009 * Số lần xem: 2073
Hình ảnh
#1

 

Tịch mịch tiên triều cung ngoại miếu,
Đỗ quyên đề đoạn nguyệt âm âm.
               (Chu Mạnh Trinh- Vịnh đền Cổ Loa).
                              

Cung miếu triều xưa đây vắng ngắt,
Trăng mờ khắc khoải cuốc kêu than.
Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung...

Cuối đời nhà Lê, Mạc Đăng Dung giết bỏ Lê Cung Hoàng rồi lên làm vua mà lập ra nhà Mạc. Thời bấy giờ các quan trong Lê Triều còn lại, người rút hốt bạc đập vào lưng Dung chửi bới mắng nhiếc con người mãi quốc cầu vinh, có quan ném nghiên mực vào mặt Dung, quay đầu quỳ lạy khóc lóc về phương Bắc, đoạn đập đầu xuống sân triều đình mà chết. Số quan bị bắt bị giết có đến mấy trăm.Ở đây, quân là vua, tức Lê Cung Hoàng bị Mạc Đăng Dung giết, tức là  quân xử, ông vua chết. Nếu một khi vua chết, bầy tôi không chết, bầy tôi là kẻ bất trung.

30/4/2009.  Đã ba mươi bốn năm qua...Ở Việt Nam, trời đã chuyển sang đầu mùa hạ, trời cũng đã chuyển những cơn mưa đầu mùa, khí hậu không mát nhưng sau trận  mưa trời nhơm nhớp đổ mồ hôi khiến khí hậu càng thêm oi bức. Mới hơn sáu giờ sáng mà ông mặt trời đã le lói tỏa tia nắng tận biển Đông, chiếu ánh nắng chênh chếch nghiêng nghiêng ở quán Chiêu Anh trên đường phố Ôn Như Hầu, có lẽ Nguyễn Gia Thiều nhưng không thấy bảng quảng cáo viết tên đầy đủ. Quán Chiêu Anh đã bắt đầu mở cửa làm việc phục vụ cho những giờ giấc điểm tâm buổi sáng gồm có phở, thịt nguội, bánh mì nóng nhận thịt, bánh bao, bánh cuốn, xôi lạp xưởng, bánh ướt thịt nướng và điều này không thể thiếu đối với những tay sành điệu: hoặc cà phê đen hoặc cà phê đá  cà phê sữa hoặc cà phê sữa đá. Và thuốc lá!
Trong quán Chiêu Anh đã thấy có rải rác người ngồi trong một góc bàn. Bàn hình vuông mặt gỗ sơn xanh đủ chỗ bốn người ngồi. Người đầu tiên ngồi ở phía góc bàn không rõ là ai, không rõ nhân diện, nhưng bên trên cầu vai có gắn huy hiệu quân hàm cấp thiếu tướng, hình như cố chuẩn tướng Trần văn Hai, tổng Giám Đốc Cảnh Sát quốc Gia. Người đang ngồi ở góc bàn kia thật không ai biết được xuân xanh niên kỷ, bởi kể từ ngày 30 tháng tư, đã hơn ba mươi bốn năm qua, trải bao vật đổi sao dời.
                    Người ngồi ở góc bàn từ nãy đến giờ bất động đã lâu, tiếp tục trầm ngâm nhả khói thuốc, ly cà phê đã cạn từ lúc nào.
            Cách hơn sáu mươi năm về trước, tôi vốn là một học sinh oắt tì, hơn tôi mười tuổi, cũng sinh hoạt tổ chức thiếu nhi học sinh, tuyên truyền rỉ tai chống thực dân xâm lược nêu cao lòng yêu nước bằng cách rải truyền đơn chống phá cách mạng, dùng ná cao su bắn bể bóng đèn đường tại các trụ điện, tập hát những bài ca yêu nước dám hi sinh mạng sống như  Em Bé Tẩm Dầu  Lê văn Tám. Về sau, cuộc chiến tới hồi kết thúc, thành phố Sài Gòn được đặt tên một vườn hoa công viên là Lê văn Tám trên đường Võ thị Sáu bây giờ. Về sau sự thật được phác hiện ra là chẳng có một danh nhân nào dám lưu danh lại lịch sử Lê văn Tám cả. Lê văn Tám là một nhân vật huyền thoại.
                     Vào thời điểm ấy, âm mưu tuyên truyền bị lộ, cán bộ Việt Minh cộng sản và một nhóm học sinh từ tiểu học tới trung học bị lùa vô ty gọi là Công An Nha Trang. Mỗi lần đi ngang ngôi biệt thự nhà lầu xanh bao giờ những cửa sổ cũng màu xanh đóng kín mít, tự nhiên nhóm học trò chúng tôi thường có cảm giác e dè khiếp sợ, có lẽ vì những tiếng kêu la  của những người bị bắt rồi bị tra tấn, như tra điện, đổ nước lên mặt lên mũi khiến nạn nhân ngộp thở.
                  Trưởng ty Công An là Nguyễn văn Tuyển, một  người đàn ông còn trẻ dáng người cao lớn, hớt tóc ngắn, mang đôi giày cao ống( sau tôi biết ông ta mang giày ống cốt để giữ một khẩu súng lục phòng thân), mang kính râm mát, có một vết sẹo dài ở cổ.
              Người đàn ông được gán cho một cái tên là phó trưởng ty Công An, tên Trần văn Hai, một người tầm thước, cao khoảng độ trên dưới một mét sáu mươi, dáng người khuôn mặt lầm lì,  người ấy không bao giờ cười. Ông Hai ăn mặc chững chạc nề nếp, mang đôi giày Tây, đầu tóc lúc nào cũng chải mượt mà tươm tất. Trưởng ty Tuyển theo tôi biết không có phòng làm việc riêng biệt, ông chỉ chợt đến chợt đi trong giây lát, nhưng nếu trên lầu có phòng làm việc riêng dành cho trưởng ty thì tôi không biết. Riêng phó ty Trần văn Hai thì có phòng làm việc riêng biệt, một cái bàn dành riêng làm việc ở phòng ngoài, bên dưới, không một nhân viên công an nào tới lui lai vãng. Cửa phòng rộng mở, kể cả các phòng có cửa sổ để gió mát lồng lộng từ ngoài biển thổi vào, tôi bị bắt lần thứ hai bị ông phó ty Trần văn Hai bắt buộc phải quỳ từ sáng tới chiều như thế rất dễ gây ngủ, nhưng sức mấy tôi dám, một cây gậy to bằng cổ chân dài hơn một thước củi săng lúc nào cũng sẵn sàng đập nện vào lưng vào đầu những kẻ bị bắt.
- Sao, hôm nay bác thấy có gì mới có gì lạ để cung khai sự thật với chánh quyền không?
- Dạ, tui đâu có gì mới để khai cùng các ông đâu.
- Tôi nói cho bác biết, tôi không có thì giờ để nói để năn nỉ ỉ ôi với bác đâu. Bác hãy mau mau khai hết đi. Nếu bác không khai, sẽ rất có hại cho bác. Tôi nói lại, nếu bác không chịu khai, sẽ rất có hại cho bác.
- Dạ, tui có biết gì đâu mà khai...Lâu nay từ trước tới giờ tui chỉ biết làm đồng làm ruộng chăn trâu chăn bò, ngoài ra, tui biết làm gì...
- Thôi, thôi, thôi, đủ rồi, đủ rồi, bác khỏi cần phải nói nữa, bác đi về chỗ, về phòng đi.
Tôi chú mục trố mắt nhìn người nhà quê lủi thủi về phòng giam sau màn thẩm vấn.
                         Trưởng ty Công An Tuyển đi phố về, mang theo một túi kẹo ngon, trao tận tay mỗi đứa một viên. Có đứa lấy, có đứa lắc đầu, ông Tuyển không ép. Bữa cơm trưa mỗi đứa vì thế không một đứa nào dám ăn mặc dù mỗi đứa đều mang thức ăn mỗi đứa.Nước uống thường ngày cũng nhịn luôn. Mỗi đứa buồn tình không biết làm gì đành nghịch lấy miểng xi măng vụn trên nền nhà loang lổ dùng ngón tay ném nhau, tỏ ra mặc dù bị bắt, nhóm thiếu nhi học sinh...cóc sợ, bình chân như vại, nhân viên công an thấy thế chỉ biết lắc đầu ngao ngán, không dám có ý kiến gì. Trưởng ty, phó trưởng ty còn không có ý kiến phê bình, huống hồ một đám nhân viên cá kèo vô danh tiểu tốt.
                 Vào lúc xế chiều, trưởng ty Tuyển bỗng nhiên vắng mặt, còn lại đám nhân viên công an cắm cúi làm việc dường như không nghe không biết không nói gì tới đám học sinh bị bắt từ sáng sớm. Ông phó ty Công An Hai cũng không nói gì mãi đến chiều mọi tù nhân oắt con hỉ mũi chưa sạch bắt đầu ồn ào huyên náo. Có lẽ nhóm học sinh bị bắt sẽ phải ở lại tại ty Công An? Tất cả bị nhịn đói từ sáng tới trưa không có hột cơm trong bụng? Bọn học sinh xa nhà như Phú Vinh, Xuân Lạc, Xuân Phong giờ này cha mẹ chắc như lửa đốt trong bụng. Tin tức chắc có người quen biết thông báo bị ty Công An Mật Thám Nha Trang tóm cổ rồi, không biết đối phó như thế nào. Trên nét mặt đầy vẻ lo âu, tất cả hầu như hết cười hết ngậm kẹo vô tư như buổi sáng nữa. Vạt nắng mặt trời chiều thoi thóp trải dài trên khóm cây muồng, lướt thướt trên  ngọn cây bồn bồn, trên bụi mai dương trên bụi chim chim dủ dẻ khiến lũ tù học sinh một ngày hớt hơ hớt hãi lo sợ thất thần.
           Tới giờ này thì ông Hai phó ty đến. Ông ra hiệu các nhân viên Công an tập họp xếp hàng ngay ngắn bên trên bậc thềm biệt thự. Khi đám tù nhân đã chỉnh tề đứng yên im lặng, ông phó ty lặng lẽ bước ra sân trước đám đông, lặng lẽ xắn tay áo sơ mi dài tay và cũng lặng lẽ tháo chiếc đồng hồ đeo tay bỏ vô túi. Đoạn, ông Hai cất tiếng, gằn giọng:
- Sao, đi theo bọn Cộng Sản Việt Minh vui lắm phải không, nói thử nghe coi.
Ông Hai đưa ngón tay chỉ một tên ngay trước mặt. Tên này vội cúi mặt nhìn xuống đất không dám ngước mặt lên. Ông Hai bừng bừng nổi lên cơn giận, bước tới nhóm người đang đứng thẳng người, nắm vạt áo sơ mi, kéo lên  giật xuống thật mạnh, nói to như quát:
- Sao không trả lời, câm hả? Đi theo Cộng sản Việt Minh tụi nó cho ăn cứt hết nên ngậm cám không dám trả lời, có phải không?
Viên phó ty Công An dí tay áo sơ mi của một tên tù một ngày nghiến răng hỏi:
- Nói đi, mày nói đi. Tụi Cộng Sản cho mày ăn cái gì?
Tên tù một ngày run sợ thất thần, lập cập run rẩy:
- Dạ, họ cho ăn cơm.
Ông Hai xô mạnh tên tù một ngày tới phía trước, khiến trên học trò tiểu học loạng choạng suýt ngã:
- Ăn cơm! Ăn cơm sao mày ngu  vậy? Sao ăn cơm quốc gia mà thờ ma Cộng sản ngu như vậy?
                     Ông Hai  lên lớp cho một đám tù một ngày, hằn học, tất cả học sinh lẳng lặng nghe, im như thóc, chẳng dám hó hé một phản biện một phản ứng gí:
- Tao hỏi mày, mày phải trả lời rành mạch rõ ràng cho tụi tao nghe: ai xây nhà, ai làm đường làm sá cho tụi bay đi chơi nhởn nhơ sung sướng, ai cất nhà trường cho tụi bay tới học lại còn làm bộ ra cái điều học sinh thiếu nhi yêu nước, lên tiếng hô hào lật độ chế độ cầm quyền hiện tại bài phong phản đế, con nít rắn mắt hỉ mũi chưa sạch còn làm bộ ra cái điều yêu nước thương nòi chống phá chính quyền Quốc Gia. Lần này tao tha cho vì tao thấy tụi mày còn ngu, rất ngu, nhưng lần sau, lần thứ hai, nếu tao bắt được thì đừng trách tên Trần văn Hai, phó ty Công An Khánh Hòa này. Tụi mày liệu mà về lo tu tỉnh, lo ăn học, đừng nghe theo lời đường mật xảo trá láo khoét của tụi Cộng Sản nữa; tao  nói, tụi mày có nghe gì không?
Tất cả đều lên tiếng, đồng loạt rào rào( cốt mau kết thúc màn chửi bới mắng nhiếc vì trời sắp tối):
- Dạ nghe!( Dạ nghe, về sau tôi nghe dường như có một đại danh từ vô ngã, le pronom impersonnel: trời mưa, il pleut, trời đổ tuyết, il neige, một chủ từ không dành riêng cho ai mà là tất cả. Cũng về sau, tôi có nghe một bài  Báo Cáo Chính Trị  của một vị Chủ Tịch Đảng Cộng Sản Việt Nam lên báo cáo rất ư dõng dạc:
- Đường lối chính sách của Đảng không sai nhưng phương pháp thực thi đường lối chính sách của Nhà Nước chưa đúng, châm ngôn khẩu hiệu tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội vẫn duy trì.
Về sau, tôi không còn được nghe nói về nhân vật chống Cộng nổi tiếng một thời Trần văn Hai nữa, chắc có lẽ ông từ nhiệm chức vụ phó ty Công An để ông đương đầu đối phó chống Cộng được hữu hiệu hơn, có kết quả hơn. Ông xin gia nhập vào trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, lúc mồ ma là trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Tại chiến trường miền Nam Việt Nam, thiếu úy Trần văn Hai đã xông pha lặn lội bất chấp hiểm nguy vào sinh ra tử. Ông Hai được làm trung đoàn trưởng trung đoàn 44 Biệt Động Quân, một trung đoàn khét tiếng bởi tìm địch, diệt địch và truy kích địch vào tận hang ổ sào huyệt. Không biết ông đã có gia đình vợ con chưa hay vẫn  độc thân, cương quyết một còn một mất với Cộng Sản. Tôi  không rõ tại sao trung tá Trung đoàn trưởng Trần văn Hai lại tỏ ra căm thù Cộng sản  tận xương tận tủy đến vậy. Việt Minh Cộng Sản đem giết toàn bộ gia đình, chẳng hạn gia đình  trước kia là ông Hoàng Phúc Hải? Việt Minh Cộng Sản đã đấu tố ông bà cha mẹ họ hàng anh em vì họ đã bị  đấu tố gán ép là địa chủ cường hào ác bá từ năm 1952-1954? Thật tình tôi không biết rõ lai lịch gốc gác giòng họ của tổ phụ họ Trần, nghe đâu gốc gác gia đình của họ Trần không phải miền Bắc, tôi nghe ông Hai người miền Trung chính hiệu, bởi ông đã hằn học cất tiếng chửi bới mắng nhiếc bọn Việt Minh Cộng sản không tiếc lời.
Sau năm 1972, Trần văn Hai được bổ nhiệm làm Tổng Giám Đốc Cảnh sát Quốc Gia Việt Nam, kiêm nhiệm nha Công An, quyền hành rất lớn, nhiệm sở tại đường Võ Tánh thành phố Sài Gòn. Tâm trạng bấy giờ của tân chuẩn tướng Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia buồn hay vui, phấn khởi hay âu lo vì gánh nặng chất chồng phải đương nhiệm gánh vác, thù trong giặc ngoài sẵn sàng giương trống phất cờ chụp giựt? Kể từ ngày giờ phút giây này, bọn cướp nước bắt đầu dòm ngó vào đất nước lãnh thổ thân yêu của chúng ta, ta phải hết sức đề cao cảnh giác. Ngoảnh mặt trông trước nhìn sau, ta chẳng thấy một người nào, một nhân vật nào khả dĩ tin cậy trao quyền sinh sát cho hai mươi mấy triệu sinh linh. Xa chạy cao bay vốn là sách lược muôn thuở của bọn đục nước béo cò thời buổi này.
                  Ôi, nhân tài như lá mùa thu, ta là một lữ hành đơn độc, quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách. Ta là một kẻ có thể so với Cái Chết của con Sói,  La Mort Du Loup của thi sĩ thuộc trường phái Khắc Kỷ Alfred Vigny vào thế kỷ mườI tám:
                                Pleurer,  prier gémir est également lache,
                                Fais énergiquement ta longue et lourde tâche
                                Dans la voie òu le sort a voulu t’appeler,
                                Puis, après comme moi, souffle et meurs sans parler.
                               Kêu khóc, van xin, than thở đều khiếp nhược,
                    Hãy làm một cách năng nổ công việc lâu dài và nặng nhọc của ngươi
                    Trong con đường và số mệnh đã cùng ngươi réo gọi,
                    Rồi sau đó cũng như ta, thở hắt ra và tắt thở không nói năng.
                   Từ lâu, ta đã chọn trước, dọn mình trước cái chết. Sống và chết dễ dàng như giấc ngủ, ta chỉ cầu  mong xác trong da ngựa bọc thân thể trai như bài hát vô cùng nhạy cảm  Chiến sĩ anh hùng của nhạc sĩ bị thất sủng Văn Cao. Ta sẽ không chấp nhận cái chết bằng khẩu súng hoặc cá nhân hoặc cộng đồng như cái chết của tướng Phạm văn Phú, như cái chết của tướng Lê văn Hưng, như cái chết của tướng Nguyễn Khoa Nam trong giờ phút cuối cùng. Ta đã có sẵn một chai thuốc độc ngày đêm lúc nào cũng có, và ta chỉ cần rót vô ly vô cốc là xong một đời làm tướng xông pha trận mạc, túy ngọa sa trường quân mạc tiếu. Như triết gia Socrate đã phải uống chén độc cần la cigue. Như quan kinh lược sứ Phan Thanh Giản đã phải uống thuốc độc tự tử vì không giữ được ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ.
 Nãy giờ hồn ma Trần văn Hai vẫn ngồi yên bất động trên ghế gỗ. Hôm nay là ba mươi tháng tư năm một ngàn chin trăm bảy mươi lăm và cũng hôm nay là ngày giỗ thứ ba mươi tư ngày thần linh Trần văn Hai hi sinh tuẫn tiết. Thấm thoắt mà đã ba mươi tư năm qua, thần linh vẫn chưa được đầu thai làm lại kiếp người, vẫn tiếp tục làm vong linh của một nhân chứng của giòng lịch sử nối tiếp hành trình. Hôm nay là ngày giỗ của thần linh, kỳ thực chẳng tha thiết quan tâm tới ngày húy kỵ. Thần linh bất giác rút thêm một điếu thuốc mới hiệu Capstan chực sẵn trong bao, quẹt diêm. Bên ngoài hiệu Chiêu Anh quán,  một bóng người đàn ông dựng xe gắn máy thong thả bước vào quán, người đó cũng là thần linh thiếu tướng Phạm văn Phú, dáng người tầm thước khắc khổ,tư lệnh vùng 2 chiến thuật.
- Chiến hữu tới lúc nào vậy, đã lâu chưa? vong linh Phạm văn Phú đưa tay ra bắt vong linh Trần văn Hai đang ngồi yên tại ghế.
- Tôi tới quán lâu độ nửa giờ. Chiến hữu ngồi xuống đi, sốt ruột chờ hoài, đói bạn lắm rồi đó. Sao chiến hữu tới muộn làm vậy?
- Hôm nay là ngày ba mươi tháng tư, chiến hữu không nhớ sao?
- Hôm nay là ngày giỗ của mình và cũng là ngày giỗ của chiến hữu. Mấy năm trước bà xã mình cũng lo tổ chức ngày kỷ niệm đau buồn ấy, nhưng đã năm năm trôi qua, bà xã ấy mất rồi, các con tẩu tán tha phương cầu thực nên ngày giỗ của mình chỉ tổ chức qua quít. Cũng hôm nay là ngày lễ Mẹ Hiền, trước đây các con cũng lo tổ chức vào dịp cuối tuần, chúc mừng mẹ một bông hoa hồng đỏ, nhưng từ ngày mẹ mất, bông hồng chúng nó không biết mua tặng cho ai và tặng hoa với mục đích gì. Thôi, ngày giỗ của mình các con chịu nhớ tới ngày cha chết mua hoa cúng như thế là tốt rồi. Nói đến nhắc đến ngày giỗ đại tang của Tổ Quốc, những khi nhớ lại mình không khỏi đau buồn. Ngày ba mươi tháng tư năm ấy, trước lúc quyên sinh tự sát, mình đã hút không biết bao nhiêu là thuốc. Từ  nhỏ tới  lớn, mình không biết rượu, chỉ biết khói thuốc và cà phê. Ngày giỗ, mình chỉ xớ rớ quanh quẩn quanh bàn thờ, mâm cỗ nhang đèn bánh trái vật thực chỉ biết nhìn mà không thể tận hưởng mùi vị: lúc đó chỉ có mấy đứa con chung quanh xuýt xoa khấn vái lạy lục trước bàn thờ trầm hương nghi ngút, chỉ một mình độc nhất ngồi quanh, dù có muốn rủ nhau chén anh chén chú  không ai dám dự cỗ. Thôi đành một người một cỗ. Lúc nhang đã tàn, đèn đã lụn, một mình ta lặng lẽ ra đi. Còn chiến hữu thì sao, ngày giỗ  bằng hữu đồng hội đồng thuyền lũ lượt kéo nhau đến, chắc là vui, phải không? Ơ, ta suýt quên, ta là người ngoại đạo, không Công Giáo, không Phật Giáo, không Cao Đài Hòa Hảo, ta chỉ thờ cúng ông bà cha mẹ của ta thôi, khi ta chết rồi, cha mẹ ta chẳng một ai còn tưởng nhớ tới ngày giỗ. Lúc ta sắp quyên sinh kết liễu nợ hồng trần, lúc ta đang cầm chén thuốc độc nâng cao sắp uống, ta một giây  chợt thoáng rùng mình: một hình người chợt hiển hiện rất rõ trong chén thuốc, một hình người mà đã bao năm ta không hề để ý hằng đêm hằng ngày xông pha biết bao đường tên mũi đạn.
- Thân đã làm tướng thì sai một ly, đi một dặm, tương Phú buồn bã uất hận nói. Mình vì chủ quan nên tính sai một nước cờ. Vào năm 1975, tin tình bào của Cộng Sản phao tin cho biết địch sẽ đánh chiếm Ban mê Thuột mà mục tiêu chủ yếu là vùng 2 chiến thuật Pleiku. Lúc đầu ủy ban tham mưu hành quân vùng 2 không chịu nghe, không chịu tin, cho rằng các đơn vị xung phong vào trận chiến chỉ là đánh dứ, đánh hờ, cốt điệu hổ ly sơn. Quân ta không chịu đề phòng, án binh bất động. Thì ra trong độ không hơn một tuần, thấy quân ta cứ án binh bất động, Cộng quân bèn ra lệnh tấn công Pleiku, sau đó sẽ tấn công tiếp miền cao nguyên Đất Đỏ Ban mê Thuột. Hàng chục xe tăng T54, hàng trăm đại pháo và tên lửa 130, 150 ly ào ạt đổ xuống miền quanh năm đất đỏ khiến thành phố cao nguyên vùng Biển Hồ trở tay không kịp sau mấy giờ cuộc chiến ngắn ngủi mà đẫm máu: Pleiku mất, vài ngày sau đó Ban mê Thuột mất theo chẳng khác chi cuộc chơi domino. Nếu để mất một thành, sớm muộn trước sau gì thành cũng mất.Một khi thành đã mất, tướng chết theo. Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung. Nếu vua mất ngôi, bầy tôi chết theo. Bầy tôi không chết, không trung với vua. Như các ông Ngô Tùng Châu và Võ Tánh, biết giữ thành không nổi nên đành chết theo thành Bình Định, đành chết theo lầu Bát Giác. Như thiếu tướng không quân kiêm phó tổng thống Nguyễn cao Kỳ, trường hợp có khác: ông ta đã sớm xa chạy cao bay khi đất nước lâm nguy, tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách. Rõ ràng là một vị tướng khôn ngoan. Rõ ràng là một vị phó tổng thống thức thời, tiên liệu thời cơ. Đã thế, trong hơn ba mươi năm trôi qua, ông Kỳ tìm cách xum xoe chạy chọt để được về nước Việt Nam một chuyến. Cuộc chiến đã tàn, chấm dứt từ lâu, nhưng thế hệ già cỗi hiện giờ, cho đến nay vết thương vẫn cò rỉ máu chưa khô:
                           Thế hệ già nua còn rỉ máu,
                             Trăng mờ khắc khoải cuốc kêu than.
                             Dặn dò nhắn nhủ đời con cháu:
                             Vận nước giờ này máu chảy loang.
                          Đời nhà Trần, giặc Nguyên xâm chiếm nước An Nam, đất nước non song sắp sửa lọt vào tay quân nghịch, tướng nhà Trần không may bị bắt sống kể cũng nhiều như danh tướng Yết Kiêu Dã Tượng, đặc biệt danh tướng Trần Bình Trọng. Bị giặc bắt, Thoát Hoan cho đòi Trần Bình Trọng lại, lên tiếng dụ dỗ về hàng:
- Nếu về hàng thì sẽ được phong làm vương đất Bắc.
Hàng giặc từ xưa đến nay, luận cổ suy kim ai cũng biết: khi đã chịu khuất phục về hàng, chức công hầu khanh tướng chỉ là hư vị, chẳng có quyền hành gì, chẳng hạn được phong chức cho làm bộ trưởng bộ Kê Hoạch Gia Đình và Sinh đẻ, suốt ngày ngồi chơi xơi nước, hàng thần lơ láo phận mình ra đâu. Từ Hải dư biết nếu bỏ ba quân về hàng, nếu bó thân về với triều đình, nếu Nguyễn Du chịu nhục xuất sĩ  làm quan thì sớm muộn chóng chầy chắc như đinh đóng cột sẽ há miệng mắc quai nín thở qua sông dĩ hòa vi quý, thế nên tướng nhà Trần hùm thiêng khi đã sa cơ đã trả lời rất ư dũng mãnh:
- Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc với chúng bay. Dĩ nhiên danh tướng Trần Bình Trọng bị chết chém, như đại tá Hồ Ngọc Cẩn, rất tiếc tôi không nhớ đại tá Cẩn giữ chức vụ nào, bị Cộng quân bắt vào trường hợp nào, tôi chỉ nhớ đại tá Hồ Ngọc Cẩn đã chửi mắng Cộng quân thậm tệ khiến đám người chiến thắng nổi giận, ra lệnh xử bắn đại tá Cẩn ngay tại chỗ, không khác chi tướng bị bắt Trần Bình Trọng: ninh thọ tử bất ninh thọ nhục, thà chịu chết không thà chịu nhục. Bọn người chiến thắng đã âm thầm lặng lẽ xử lý đám người bại trận không chút tiếc thương; bọn chúng sát hại giết người chẳng một chút nhất điểm lương tâm thương xót, chết rồi, sai bọn tù, chôn, không cần báo cáo, không cần ghi chép ngày giờ sống chết của một biến cố, của một sự kiện lịch sử. Như cái chết của nhạc sĩ Minh Kỳ, như cái chết của nhà thơ Vũ Hoàng Chương,  như cái chết của học giả Phạm Quỳnh và như cái chết của nhà văn Trần Khánh Giư,  như cái chết của nhà văn yểu mệnh Vũ Anh Khanh, như cái chết rất sớm của nhạc sĩ Hoàng Giác, không phải tính con số chết mờ ám trên đầu ngón tay mà vì chết nhiều quá không kể xiết.
Thời tiết mới bắt đầu mùa hạ mà đã có những cơn mưa đầu mùa. Mới buổi sáng đã có ánh nắng le lói, giờ này đã trời mây vần vũ gió thổi lá bay; thế rồi phút chốc cơn mưa chợt ào đến, khua gõ trên mái tôn tại Chiêu Anh Quán rung lên đồm độp. Thời may, có hai người khách trú mưa chạy vô lữ quán, nhận diện hơi kỹ, thì ra hồn ma thiếu tướng Lê văn Hưng và hồn ma thiếu tướng tư lệnh vùng bốn chiến thuật Nguyễn Khoa Nam. Cả bốn vong hồn đều đồng loạt đứng dậy, bắt tay thân mật nói cười như không biết ngày đau thương mất nước. Chuẩn tướng Tổng Giám đốc Cảnh sát quốc Gia nở nụ cười chào đón thiếu tướng tuẫn tiết từ Sài Gòn, giờ này mới chịu nở một nụ cười hoan hỉ:
- Chào chiến hữu, người hùng đã tử thủ  chiến trường An Lộc ngót hai tháng trường, Cộng quân đã tháo chạy, bỏ lại hàng chục ngàn quân bỏ thây ngoài mặt trận, hàng trăm xe tăng bốc cháy bất khiển dụng nằm ì hiện đang còn phơi xác trên chiến địa. Tiếp theo, chuẩn tướng Hai vồn vã bắt tay thân thiết với vong hồn thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam:
- Chào chiến hữu. Hân hạnh được hội ngộ lần đầu với thiếu tướng, nghe vang danh đồn đã từ lâu nhưng văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình. Cả hai tướng lãnh đều tự động kéo thêm ghế cùng ngồi, trời bên ngoài Chiêu Anh quán mưa mỗi lúc một thêm to, sấm chớp ì ầm, lúc này tướng tư lệnh quân đoàn 2 chiến thuật Phạm văn Phú nổi hứng ý thơ tức cảnh sinh tình:
- Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách,
Sắc bất ba đào dị nịch nhân.
                        Chuẩn tướng Hai giờ này đột nhiên khe khẽ ngâm, ngụ ý câu thơ chuyển từ chữ Hán sang chữ Việt:
                              Mưa chẳng xích xiềng thường giữ khách.
                                Sắc không dậy sóng dễ chìm người.
                            Một tiếng nói không biết xuất xứ từ đâu:
- Thú vị! Thú vị! Cho thêm ba ly cà phê đen nữa, cô chủ. Cô cho thêm một bao Capstan nữa nhé.
                          Lúc này viên chuẩn tướng tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc Gia mới cất tiếng nhỏ nhẹ lựa lời cật vấn người hùng tử thủ An Lộc:
- Cho tôi xin hỏi nhỏ chiến hữu một câu: có khi nào chiến hữu nằm trong lô cốt chiến hào hàng tháng mà không thấy nhớ thấy thèm một người đàn bà một nữ nhân không?
Tợp một ngụm cà phê bốc khói, thiếu tướng Lê văn Hưng thong thả trả lời qua làn khói thuốc:
- Có, nhưng chỉ thỉnh thoảng. Xa nhà lâu ngày, hành quân liên miên trong chốn rừng Lá rừng Sát rừng già, đôi lúc nhớ vợ nhớ con thiếu thốn rất khó chịu. Năm thì mười họa, có một nhà lá chênh vênh dựng tạm thời che mưa trú nắng, có thể tạm sống qua ngày trong cơn binh lửa, cốt mua bán cầm hơi nhưng Cộng quân sẽ không để yên bất cứ một mạng nào,hễ có súng nổ sẽ có người chết. Vì thế gian nhà lá tạm bợ này được xem là giao trứng cho ác, may ít rủi nhiều. Trong gian nhà đó có một nữ nhân, chuyên mua bán lẻ những thứ cần thiết như cà phê, thuốc lá, rượu bia, nước ngọt, củ kiệu, tôm khô, khô tra, khô lóc, khô sặc, chủ yếu tạm quên những nỗi nhớ gia đình, vợ yếu con thơ. Họa hoằn đêm ấy có trăng, Trăng Tỳ Hải của cuồng sĩ nhà thơ Bùi Giáng, vầng trăng lơ lửng treo ở từng không và tròn vành vạnh. Hơn sáu mươi năm, vật đổi sao dời, thằng bé mười tuổi ngước mắt nhìn lên đồi nhìn trăng. Trăng tròn tựa một quả cầu. Trăng tròn tựa một hành tinh nói đúng một vệ tinh. Trăng tròn tựa một bánh xe luân hồi khép kín, nhìn chị Nguyệt đang nhìn từ Cung Quảng những tục nhân đang múa may quay cuồng vật lộn bon chen cuộc đời ô trọc, cung Quảng giờ đây cuộc đời đã tự nghìn xưa thoát tục. Lúc bấy giờ mình hiện là trung tá trung đoàn trưởng trung đoàn hành quân chiến khu rừng Sát, nhân lúc nhàn nhã cao hứng mà lại một đêm có trăng, mình đi một mình, có ý tìm kiếm nữ nhân cốt để mua vui giải sầu uống một cút rượu. Nữ nhân hiện diện trong gian nhà lá xập xệ. Mình gián tiếp nói xa nói gần, nữ nhân sẵn sàng chấp nhận thù tiếp cuộc vui. Trong lúc sắp sửa mây mưa ở đỉnh Vu San, Cộng quân đột nhiên nổ súng, súng AK, đại liên M 60 khiến mình đang lên cơn  Gió Lộng sắp sửa xua quân  Ra Trận, khiến mình cụt hứng. Mấy gian nhà lá xập xệ đã có sẵn một lô bao cát, thân thể trần truồng như như con chi chi không còn biết mắc cở e lệ là gì. Nữ nhân cũng trần truồng không một mảnh vải che thân, nhưng rất tự nhiên như người Hà Nội, người chợ Đồng Xuân. Sau, mình mới vỡ lẽ ra rằng nữ nhân nói tiếng Việt Nam kia là một nữ điệp viên làm gián điệp cho Cộng quân. Vào đêm trăng sáng ấy, Việt cộng đã biết tin trung tá trung đoàn trưởng đi tìm nữ nhân mua vui trong giây lát nên Việt cộng quyết tâm thanh toán viên trung tá trung đoàn trưởng.
May mắn thay, viên trung tá trung đoàn trưởng chưa tớI số. Nhanh như cắt, viên trung tá trung đoàn trưởng vụt nhảy xuống hầm chứa đầy bao cát nên sự hiểm nguy được che chở không hề hấn gì. Cùng lúc đó binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa tức phe ta lập tức phản công, hỏa lực hùng hậu khiến địch quân chưa làm được trò trống gì nên sau một hồi giao chiến, bọn Việt Cộng rút lui. Nữ nhân sau đó mời mọc tiếp nối cuộc vui dang dở. Mình đưa mắt nhìn người giống cái: vú vẫn tròn trịa nở nang, lông lá vẫn xum xuê sầm uất. đùi mông vẫn nở nang khiêu khích. Một thoáng rất nhanh tia chớp: một đêm vào lúc tối trời, một nhóm sĩ quan cấp úy có nhiệm vụ công tác thanh tra nhân viên dân chính và tài chính tại tỉnh Bình Định, thuê phòng tại một khách sạn. Buổi tối, cơm nước xong xuôi không biết làm gì để giết thì giờ, một sĩ quan trong nhóm người rủ nhau...giải quyết sinh lý. Tất cả bọn đều...nhất trí, riêng mình không có ý kiến. Hỏi mụ Tú Bà, mụ nói  có ngay.
               Độ mười phút sau, mụ Tú đi sau, dẫn theo một phụ nữ, mình ước đoán ngoài ba mươi, mình suy đoán đã có gia đình, dáng người ngoại hình trung bình cao lớn khỏe mạnh, mặc quần đen khoác áo dài đen( hành lạc như thế cho có vẻ đỡ...dơ, xin lỗi). Ngã giá xong xuôi, bọn đàn ông giống đực bắt đầu tác chiến, đèn điện trong phòng sang trưng dáng ý chừng muốn xua tan bóng tối. NgườI đàn bà nằm ngửa, thản nhiên, chịu đựng, tha hồ muốn kiểu cách gì nàng cũng chiều. Độ năm phút, cuộc vui chấm dứt, người đàn ông mặc áo mặc quần đứng dậy ra ngoài, miệng thì thầm tấm tắc:
- Bien joué. Bien joué. ( Tôi chỉ biết lõm bõm tiếng Pháp, đại khái là Chơi sướng quá. Chơi ngon quá. Chơi đã quá)
Cũng xin nói lại cho thêm rõ: sau cuộc hành lạc của người thứ nhất, tiếp theo sau là người thứ hai, người này nằng nặc đòi cho được phải rửa sạch người đàn bà sau khi chơi. Dằng co mãi sự việc mới được thực sự giải quyết: một người đàn bà làm công cho dịch vụ khách sạn đem một xô nước từ ngoài vô phòng tắm để tẩy uế!
Kể từ ả giang hồ sau khi tẩy uế, đầu óc mình bắt đầu lợm giọng, không còn tha thiết nghĩ tới chuyện mua vui đêm ấy nữa. Sau khi cuộc vui hạ màn, mọI người ăn mặc đâu đó khá chỉnh tề, người đàn bà mặc lại áo quần như trước, cũng quần đen, cũng áo dài đen. Mụ Tú lo thu xếp trả tiền, mình mở cửa phòng, mon men lại gần. Ả giang hồ nhìn mình, có lẽ lượng giá khả năng tác chiến tới đâu. Ả hỏi, tay phải đưa lên cằm, nhỏ nhẹ hỏi còn hơn hỏi một người tình:
- Sao anh không chơi cho vui? Em cho không anh đó, em sẽ không lấy thù lao đâu.
Mình lắc đầu chỉ khẽ mỉm cười.
- Bộ anh chê em hả, chơi không sướng không đã chớ gì? Vừa nói, ả vừa cầm tay của mình lên đùi ả vuốt ve mơn trớn.
Thấy mình phải trả lời một câu nói nào đó, cốt khách làng chơi đỡ tủi:
- Không phải là anh không thích, nhưng tối nay đột nhiên anh thấy không được khỏe.
Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã để lại nhiều thi phẩm, trong đó có giá trị cao ý nghĩa sâu sắc là  Trung thần nghĩa sĩ , tôi xin cống hiến bài thơ ấy và xin mạn phép họa lại.
                           Trung thần nghĩa sĩ.
                 Làm người trung nghĩa đáng bia son,
                 Đứng giữa càn khôn tiếng chẳng mòn.
                 Cơm áo đền rồi ơn đất nước,
                 Râu mày giữ vẹn phận tôi con.
                 Tinh thần hai chữ phau sương tuyết,
                 Khí phách ngàn thu rỡ núi non.
                 Gẫm chuyện ngựa Hồ chim Việt cũ.
                 Lòng đây tưởng đó mất như còn.

                                 Bài Họa.
                 Sống chết theo thành đỏ tựa son.
                 Thiên thu lịch sử tiếng không mòn.
                 Hồn ma một thuở hờn non nước,
                 Bóng quế  ngàn thu nhục cháu con.
                 Hai tiếng non sông ngời đỉnh tuyết,
                 Muôn lời đất nước rạng đầu non.
                 Ba mươi bốn lẻ năm xưa kể,
                 Xích hóa vong nô mất hóa còn.

Từ nãy đến giờ, thần linh Nguyễn Khoa Nam giữ thái độ im lặng, giờ này mới cất tiếng. Thần linh Nguyễn Khoa Nam vốn là bào đệ của Nguyễn Khoa Phước, nguyên thượng nghị sĩ vào cuối thời đệ nhị cộng hòa:
- Miền Trung xứ Huế năm nào đất Thần Kinh cũng lo tổ chức lễ Vu Lan, ngày rằm tháng Bảy. Lễ Vu Lan là lễ Âm Hồn nên vào thời điểm ấy lẽ cúng Âm Hồn rất lớn. Trong Thành Nội có một con đường đặt tên là đường Âm Hồn, nghe tên, mình đã lạnh mình sởn tóc gáy. Năm ấy kinh thành Huế thất thủ, binh lính Việt Nam đã liều mình tử thủ chết như rạ, vua Hàm Nghi cùng ba bà thái hậu bôn đào chạy ra Quảng Trị. Rằm tháng bảy lễ cúng giỗ cốt để xóa tội vong hồn người chết, chủ yếu là chóng được giải thóat vong hồn những tử sĩ. Khi lễ cúng Cô Hồn bắt đầu, đèn đuốc sáng choang, khói hương nghi ngút, tiếng tụng kinh chuông mõ réo gọi hồn về vui chơi hưởng lễ vật một đêm tới khi ngày mới bắt đầu, hồn về cõi âm yên giấc.
- Trước lễ cúng Âm Hồn hoàn mãn, thí chủ đã cho người ném gạo và ném muối với những âm hồn hưởng lễ, hi vọng vong hồn sẽ nhận được những thực phẩm và tiền bạc đã trở thành vàng mã để tiêu dung. Có người kết bằng bè chuối, mang theo những lễ vật đã cúng như cháo hoa, cơm, cá thịt, hoa quả, đem ra tận những dòng sông như sông Hương để những vong hồn nương theo đó để hưởng.
Để kết thúc bài viết đã khá dài, tôi xin kể một bài thơ kể lại Ngày Giỗ.

                         Tháng bốn ba mươi ngày húy kỵ.
                          Làm thân tướng lãnh ngai liêm sỉ.
                         Văn ôn võ luyện đức can trường,
                         Giũa vuốt mài răng rèn chí khí.
                         Cứu khổn phò nguy vẫn miệt mài,
                         Trời thinh gió lặng không yên nghỉ.
                         Hương hồn phảng phất thoảng đâu đây.
                         Sống chết lông hồng trang nghĩa sĩ./.
             


Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.