Nguyễn Du làm gì trong mười năm gió bụi
VỀ NHỮNG ĐỊA DANH TRUNG QUỐC
TRONG THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN DU
KHÔNG NẰM TRÊN ĐƯỜNG ĐI SỨ
TRẢ LỜI GIÁO SƯ NGUYỄN HUỆ CHI
PHẠM TRỌNG CHÁNH
Tiến sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris Sorbonne
Nguyễn Du gọi cuộc đời mình từ năm 20 đến 30 tuổi là « Mười năm gió bụi ». Nhưng gia phả lại chép « mười năm đó ông về quê vợ ở Quỳnh Hải họp cùng anh vợ Đoàn Nguyễn Tuấn khởi nghĩa chống Tây Sơn ». Nhưng Đoàn Nguyễn Tuấn trong sử sách lại chép ông ra làm quan Hàn Lâm thị thư triều Tây Sơn, làm Phó sứ trong phái đoàn Phan Huy Ích năm 1790 với vua Quang Trung giả ; và trong Hải Ông Thi Tập, ông là thị thần viết những bài thơ bên cạnh vua Quang Trung. Như thế ta có thể khẳng định người viết Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền là Nguyễn Y hoàn toàn không hay biết gì về những hoạt động của Nguyễn Du trong thời gian mười năm gió bụi, cũng như hoàn toàn không biết tới Nguyễn Nghi một người em khác của Nguyễn Du viết truyện thơ Quân Trung Đối tại Châu Kiều, Bắc Ninh, có con là Nguyễn Toản đỗ Tiến sĩ đời Minh Mạng.
Nguyễn Hành trong bài thơ viết về chú Nguyễn Du có câu : « Giang hồ, long miếu hai đường đủ. Thi họa cầm thư bốn nghệ tinh. » Nguyễn Du có thời kỳ đi giang hồ Trung Quốc, và 18 năm làm quan triều đình. Nguyễn Du đi giang hồ lúc nào ?
Gia phả chép Nguyễn Du làm Chánh Thủ Hiệu quân Hùng Hậu hiệu, nhờ « tập ấm cha nuôi họ Hà » ? Nhưng lại không biết người anh cả là Nguyễn Khản làm Thượng Thư Bộ Lại, Hành Tham Tụng. Tương đương Bộ Trưởng Nội Vụ kiêm Quyền Thủ Tướng kiêm Trấn Thủ Thái Nguyên và Hưng Yên bổ nhiệm các em, con rể, thuộc hạ mình vào những nơi trọng yếu làm vây cánh cho mình. Nguyễn Du không cần một tập ấm cha nuôi nào cả ! Tại Sơn Tây Nguyễn Điều làm Trấn Thủ, có Nguyễn Nể phụ tá. Tại Hưng Yên binh quyền giao cho con rể là Nguyễn Huy Tự (tác giả Hoa Tiên), em là Nguyễn Trứ làm Tri huyện. Tại Thái Nguyên nơi có nhiều người Hoa sang khai thác mỏ bạc, binh quyền giao cho thuộc hạ Nguyễn Đăng Tiến, còn gọi là Cai Gia trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí, Cai Già trong Lịch Triều Tạp Kỷ và Nguyễn Du gọi là Nguyễn Đại Lang, Nguyễn Đăng Tiến lớn tuổi hơn Nguyễn Khản (hơn Nguyễn Du 31 tuổi) nên Nguyễn Du gọi là Đại Lang, anh cả. Phụ tá tại Thái Nguyên có Nguyễn Quýnh tức Nguyễn Sĩ Hữu làm Trấn Tả Đội, và Nguyễn Du làm Chánh Thủ Hiệu Quân Hùng Hậu Hiệu. Nguyễn Đăng Tiến quê tại Việt Đông, vùng cao sơn lưu thủy Quế Lâm, Nguyễn Du đã lấy quê Việt Đông thay cho Hấp Huyện tỉnh An Huy của Từ Hải. « Họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông ». Nguyễn Đăng Tiến nguyên là một tay giặc già phản Thanh phục Minh sang đầu quân dưới trướng Thượng Thư Nguyễn Khản, Nguyễn Đăng Tiến dạy võ cho các em các con, cháu Nguyễn Khản. Bài Biệt Nguyễn Đại Lang, Nguyễn Du cho biết « Sinh tử giao tình tại, Tồn vong khổ tiết đồng. » Nguyễn Du kết nghĩa sinh tử với Nguyễn Đại Lang, từng cùng Nguyễn Đăng Tiến khởi nghĩa tại Tư Nông Thái Nguyên, bị chỉ huy Giáo bắt giải về cho Vũ Văn Nhậm, Lê Quý Kỷ Sự trang 100 chép rõ ràng về cuộc khởi nghĩa này, Nhậm trân trọng khí khái tha chết và cho muốn đi đâu thì đi. Họ lên đường sang Vân Nam, vùng núi non có tuyết, có lá vàng rơi, có tiếng tù và. « Tuyết xuống làng xa nảo tiếng tù ». Dân cư trưởng giả ăn mặc theo nhà Hán, (không thắt bính theo nhà Thanh đương thời) họ có lịch riêng theo lịch Tây Tạng, không dùng lịch nhà Tần như Trung Quốc và Việt Nam.
Cuộc khởi nghĩa thất bại tại Tư Nông, Thái Nguyên, được Vũ Văn Nhậm tha chết cho đi đâu thì đi, là đầu mối cuộc phiêu lưu giang hồ ba năm tại Trung Quốc của Nguyễn Du. Nếu không tìm ra đoạn sách Lê Quý Kỷ Sự và Lịch Triều Tạp Kỷ ghi chép về sự kiện này, nếu không biết Nguyễn Đại Lang, Nguyễn Sĩ Hữu là ai ? thì người nghiên cứu có thể ngây ngô cắt nghĩa : Giang Bắc, Giang Nam là sông Bắc, sông Nam ở Việt Nam, dù Nguyễn Du chưa vào tới Nam Kỳ Lục Tỉnh, hay Trung Châu là Hà Nội dù không có tài liệu nào gọi vùng Trung Châu là vùng Hà Nội cả ! Thậm chí còn đặt ra những câu hỏi làm sao Nguyễn Du có thể đi du lịch Trung Quốc không tiền không bạc, không nói được tiếng Hoa địa phương các vùng Trung Quốc.
Đọc thơ chữ Hán Nguyễn Du, nếu chỉ đọc cái tựa, đọc phớt lờ các bài thơ thì không thấy gì. Nhưng nếu đọc kỷ, dịch từng bài thơ so sánh hành trình đi sứ đã được từ cụ Trương Chính, Lê Thước đã vẽ bản đồ đối chiếu thì thấy nổi cộm nhiều vấn đề, nhiều câu hỏi, thắc mắc khó cắt nghĩa, nếu cho rằng Bắc Hành Tạp lục chỉ là tập thơ đi sứ của Nguyễn Du. Tài liệu Lê Quý Kỷ Sự là đầu mối dẫn dắt hành trình Mười năm gió bụi của Nguyễn Du, không biết đến tài liệu này, người nghiên cứu rối rắm trong mớ bòng bong trong các câu thơ chữ Hán Nguyễn Du. Nguyễn Du đi đâu, làm gì trong Mười năm gió bụi. Nguyễn Du có một thời gian đi giang hồ và mười tám năm làm quan triều đình. Nhưng thời gian đi giang hồ chưa ai biết đến, chưa ai nói tới. Giang hồ ngày xưa không có nghĩa là « tay anh chị » như ngày nay, mà chỉ có nghĩa là đi rong chơi trên các con sông phía Nam phía Bắc sông Trường Giang, và các hồ lớn Trung Quốc như Phạm Lãi, Lý Bạch. Tôi đã viết nhiều bài bàn về vấn đề này như Bắc Hành Tạp lục, thơ đi sứ (1813) và thơ thời giang hồ (1788-1790) và bài trả lời ông Đoàn Lê Giang, viết đèo trên bài của Ts Nohira Munehiro,: « Cái hại của học thuật tay ngang. » Nay tôi lại viết trả lời bài của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi. « Nhận xét về bài viết : Nguyễn Du và chuyến Bắc Hành lần đầu qua khảo sát một bài thơ cụ thể : Nhạc Vũ Mục Mộ của ông Mai An Nguyễn Anh Tuấn », bài viết phản bác lập luận và chứng minh của tôi, Phạm Trọng Chánh và dĩ nhiên Gs Nguyễn Huệ Chi khẳng định Bắc Hành Tạp lục chỉ là thơ đi sứ của Nguyễn Du.
Trước nhất Nguyễn Du không dùng cái tựa có nghĩa là đi sứ như Hoàng Hoa sứ trình, Hoàng Hoa đồ phả, hay Tinh sà kỷ hành (thơ trên thuyền đi sứ), hay Bắc Sứ mà dùng chữ Bắc Hành là đi về phương Bắc, và tạp lục là sao chép lộn xộn. Số lượng bài thơ cũng nhiều gấp đôi số bài thơ đi sứ của các tác giả đi sứ khác.
Thơ Thanh Hiên thi tập, các nhà nghiên cứu đều cho rằng thơ Nguyễn Du làm tại Quỳnh Hải hay Tiên Điền, nhưng đọc các câu thơ lại có những địa danh Trung Quốc, những cảnh trí vùng Vân Nam, Liễu Châu. Bắc Hành tạp lục có nhiều bài thơ không ăn khớp với thời gian đi và về cuộc đi sứ, có những việc không đúng với lịch trình đi sứ, như sông Tương nơi Khuất Nguyên trầm mình, Nguyễn Du đi qua tháng bảy Âm Lịch, tháng ba đã về tới Nam Quan, bài Ngũ nguyệt quan cạnh độ tả lễ hội nơi Khuất Nguyên trầm mình lại là mùng 5 tháng 5. Nguyễn Du đi sứ có một vị tướng Trung Quốc hộ tống, các quan địa phương tiếp rước, làm sao trong bài thơ Nguyễn Du có thể hẹn cùng bác hàng xóm đi thắp hương Gác Thiên Phi ? Nguyễn Du đi sứ triều nhà Thanh, có thể nào đi thăm mộ Quế Lâm Cù Các Bộ, một nhân vật phản Thanh phục Minh ?
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi phản bác các chứng minh tôi nêu ra về các địa danh trong thơ chữ Hán Nguyễn Du.
Các địa danh Nguyễn Du viết không nằm khơi khơi, không có căn cứ theo Giáo sư Nguyễn Huệ Chi « người thời Nguyễn Du » cho là như thế, mà nằm trong từng bài thơ.
1, Trường An. Theo Gs Nguyễn Huệ Chi, Trường An là Bắc Kinh. Trường An là Hà Nội. Thật ra Trường An là Tây An, Xi ́an ngày nay. Trường An không thể là Hà Nội, chữ Trường An nằm trong bài thơ Sơn cư mạn hứng : « Nam khứ Trường An thiên lý dư » Phía Nam ngàn dậm cách Trường An. Nếu Trường An là Hà Nội và Nguyễn Du ở Quỳnh Hải hay Tiên Điền thì không cách xa đến ngàn dậm. Nguyễn Du đang ở Vân Nam « Quần phong thâm xứ dã nhân cư », có người thôn dã ẩn non sâu, cụ thể là Nguyễn Du đang bị bệnh ba tháng xuân vì không quen khí hậu phải ở nơi nhà một thầy thuốc « Dược phố xuân hàn lũng trúc sơ », vườn thuốc lơ thơ lạnh trúc xuân.
2. Giang Bắc Giang Nam theo Giáo sư Nguyễn Huệ Chi chỉ là sông Bắc sông Nam ở Việt Nam, hai địa danh này nằm trong bài Mạn Hứng II, Thanh Hiên thi tập : « Hành cước vô căn nhiệm chuyển bồng. Giang Nam Giang Bắc nhất nang không. » Chân không bén rễ ngọn cỏ bồng. Giang Nam, Giang Bắc một túi không. » Nếu Nguyễn Du ở Quỳnh Hải có vợ có con hay ở Tiên Điền quê cha đất tổ, thì không thể viết « chân không bén rễ ». Nguyễn Du cũng không giang hồ nơi Nam Kỳ Lục Tỉnh, nên cũng không thể gọi là sông Nam. Giang Nam Giang Bắc chỉ hai vùng Nam Bắc sông Dương Tử. Nguyễn Du làm gì không tiền mà có thể đi giang hồ. Giang hồ ngày xưa có nghĩa là đi rong chơi các sông phía Nam phía Bắc sông Dương Tử, và các hồ Trung Quốc, Ngũ Đại Hồ trong đó có Hồ Động Đình và Tây Hồ Hàng Châu.
Nguyễn Du đã thực hiện ước muốn của mình, vì « Cao hứng cửu vô hoàng các mộng. » Mộng lớn gác vàng đà cạn hứng. Đã lâu không còn cao hứng với mộng làm quan. Bài Tự Thán II , « Hà năng lạc phát qui lâm ẩn », ước gì xuống tóc vào rừng ẩn. Bài Sơn Thôn : « Ná đắc phiêu ly phù thế ngoại », ước gì thoát khỏi vòng trần tục, Nguyễn Du đã thực hiện ước mơ này và đã xuất gia thành nhà sư mang danh hiệu Chí Hiên, đội mũ vàng nhà sư đi ngàn dậm. « Vạn lý hoàng quan tương mộ cảnh » ngàn dậm mũ vàng chiều nắng xế. Các chú thích cắt nghĩa hoàng quan là mũ đạo sĩ không đúng, vì đạo sĩ mặc áo quần trắng đội mũ trắng, nhà sư mặc áo vàng đội mũ vàng. Nguyễn Du đội mũ nhà sư đi vạn lý, một lý khoảng gần nửa cây số, Nguyễn Du đã đi khoảng gần 5000 km trong ba năm.
Danh hiệu Chí Hiên từ chữ Chí, Thiền sư Chí Thiện chưởng môn Thiếu Lâm Tự danh tiếng đương thời được nhiều sách lịch sử, tiểu thuyết viết về thời vua Càn Long nhắc đến, và Hiên chữ thường dùng trong gia đình Nguyễn Du, danh hiệu này lưu lại trong hai bài thơ ký tên Chí Hiên trong Lưu Hương Ký oán trách Hồ Xuân Hương tệ bạc đi lấy chồng thầy thuốc lúc Nguyễn Du bị tù. Nguyễn Du sẵn mang trong mình quyển Kim Cương chú giải của Lê Quý Đôn, quyển sách được giới trí thức Bắc Hà trân trọng thời bấy giờ. Theo gương Lý Bạch, 21 tuổi mặc áo mũ trắng đạo sĩ, đi giang hồ khắp Trung Châu, các nơi đều có đạo quán đạo Lão, Lý Bạch dừng chân nghỉ ngơi, ăn ngủ và ngắm cảnh. Nguyễn Du 21 tuổi mặc áo vàng đội mũ vàng nhà sư, dừng chân nghỉ ngơi trong các chùa trên đ̣ường đi, khắp nơi Trung Quốc đều có chùa, khi chán thắng cảnh lại lên đường đi tiếp. Với phương tiện này Nguyễn Du đi giang hồ, đi nhờ các thuyền buôn trên sông với cái túi rỗng không tiền, khắp các sông hồ thắng cảnh danh tiếng. Nguyễn Du thành nhà sư Thiếu Lâm luôn luôn mang thanh trường kiếm trên lưng, vai vế chữ Chí mọi người đều kính nể. Cướp bóc dọc đường cũng nể nang nhà sư không dám giở trò đạo tặc, nhà sư cũng thường được tín đồ cúng dường, làm lễ rảy nước tịnh cho hàng hoá được mua bán may mắn. Giả thuyết này cắt nghĩa được câu thơ : « Tôi đọc kinh Kim Cương nghìn lượt » bài Phân Kinh Thạch Đài. Người thường không ai đọc kinh Kim Cương đến nghìn lượt, nghìn lượt là 365 ngày nhân ba. Nguyễn Du tụng kinh Kim Cương trong khoảng ba năm. 1798, 1799, 1790. Ngày xưa các nho sĩ nước ta đi chơi, thường dừng chân trọ nơi các cảnh chùa, cụ Nguyễn Thông viết nửa đời mình sống trong các cảnh chùa.
3, Liễu Cao Lâm : Liễu Cao Lâm là một địa danh rừng cao Liễu Châu nằm trong bài Lưu Biệt Nguyễn Đại Lang. « Tây phong qui tụ Liễu cao lâm ». Bản A của Lê Thước và Trương Chính xét câu thơ không thành cú pháp nên sửa lại là « Tây phong tiêu táp phất cao lâm, » nghĩa là gió tây hiu hắt thổi qua rừng cây cao, bản C dịch : Gió Tây thổi ống tay áo phất phơ chốn rừng liễu cao. Trong thơ Nguyễn Du chữ Tây phong đều ám chỉ Tây Sơn, vì cớ gì bài thơ này, ở đây chỉ xem là ngọn gió hướng Tây, theo tôi ý nghĩa câu thơ là : Vì cuộc nổi dậy Tây Sơn đánh Bắc Hà , nên chúng ta lưu lạc qui tụ đến chốn rừng cao Liễu Châu. Nguyễn Đại Lang, cùng Nguyễn Quýnh, Nguyễn Du chia tay nhau tại Liễu Châu. Nguyễn Đại Lang về thăm lại quê cũ vùng cao sơn lưu thủy Việt Đông, Nguyễn Quýnh tức Nguyễn Sĩ Hữu trở về làm chủ Hồng Lĩnh khởi nghĩa chống Tây Sơn, bài Tống Nguyễn Sĩ Hữu nam qui « Hồng Lĩnh hữu nhân lai tố chủ. » và Nguyễn Du thành nhà sư Chí Hiên sang sông Giang Hán đi Trường An.(Tây An)
4. Giang Hán. Sông Hán là con sông nối liền từ Hán Dương, Vũ Hán đi Trường An, « Ngã diệc phù Giang Hán » bài Lưu Biệt Nguyễn Đại Lang. Tôi sang sông Hán đây, có nghĩa là tôi sẽ đi Trường An đây. Các bản dịch, cụ Ngô Linh Ngọc dịch thành : Tôi sẽ sang sông lớn. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi dịch thành : Tôi sẽ sang sông đây, bỏ mất con sông Hán. Nguyễn Du đi Trường An viết bài Dương Phi cố lý, quê Dương Ngọc Hoàn ở Hoa Âm tỉnh Thiểm Tây, bài thơ có địa danh Nam Nội, cung Hưng Khánh nơi Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi thường ra chơi đấy và Tây Giao cánh đồng phía Tây Trường An, cánh đồng Mã Ngôi nơi Dương Quí Phi thắt cổ chết, ngày nay có đền thờ to lớn, có tượng Dương Quí Phi đông đảo khách du lịch đến thăm viếng hương khói nghi ngút. Bài Bùi Tấn Công mộ có hai địa danh Chiêu Lăng và Vị Thành. Chiêu Lăng là lăng Đường Thái Tông ở Thiểm Tây, cách đó có khu táng các văn thần võ tướng có công giúp nước, mộ Bùi Tấn Công táng nơi này. Vị Thành ở Tây Bắc Trường An tỉnh Thiểm Tây. Hai bài thơ này chứng minh Nguyễn Du có đi Trường An, Tây An Trung Quốc, chứ không ở Hà Nội. Tây An không nằm trên đường đi sứ Nguyễn Du năm 1813.
5. Trung Châu : là vùng lòng đỏ trứng gà các kinh đô cũ Trung Quốc có Trường An, Khai Phong, Lạc Dương, Lâm An, Hứa Đô, Trịnh Châu, Hàm Đan.. Không có một tài liệu sách vở nào gọi Trung Châu là vùng Bắc Bộ Việt Nam cả kể cả sách vở thời Nguyễn Du. Chỉ có bài hát Quê em miền Trung Du, nói về vùng Phú Thọ. Địa danh Trung Châu nằm trong bài Biệt Nguyễn Đại Lang : « Tương kiến tại Trung Châu », Sẽ gặp nhau tại Trung Châu. Nguyễn Đại Lang chia tay Nguyễn Du và hẹn gặp lại tại Trung Châu. Theo tôi điểm hẹn cụ thể là Miếu Nhạc Phi dưới chân núi Thê Hà, bên cạnh Tây Hồ ở Lâm An. Thắng cảnh nổi tiếng nhất Hàng Châu, ai đến đây cũng đều viếng cảnh này, nơi đây Nguyễn Du có thời gian làm đến 5 bài thơ trong lúc chờ đợi ; bài Nhạc Vũ Mục mộ, hai bài Tần Cối và hai bài Vương Thị. Các nơi khác Nguyễn Du chỉ làm một hay hai bài thơ.
Cạnh Miếu Nhạc Phi, Tây Hồ có một con đê do Tô Đông Pha khi làm Thứ sử Hàng Châu đã cho nạo vét lòng hồ đắp nên, nên gọi là đê Tô. Đối diện Miếu Nhạc Phi nối liền bởi đê Tô là chùa Hổ Pháo, vị trí tương tự như chùa Trấn Quốc và Miếu Trấn Võ với đường Cổ Ngư, Hồ Tây, Hà Nội. Chùa Hổ Pháo là nơi Từ Hải tức Minh Sơn Hòa Thượng tu hành trước khi thành « nụy khấu» cướp biển. Chung quanh Tây Hồ còn có mộ Tiểu Thanh với rừng mai bát ngát, có con đê Bạch, do Bạch Cư Dị khi làm Thứ sử cho xây dựng và có thanh lâu các nàng Kiều và một sự trùng hợp trong thời gian đó bản Kim Vân Kiều Truyện được khắc bản in ấn tại Lâm An thời vua Càn Long. Nguyễn Du đã đến trước tượng Nhạc Phi cầm thương thần dài trượng tám, và cung nặng sáu thạch phía sau có câu « Hoàn ngã giang sơn. » trả lại giang sơn cho ta, như ngày nay chúng ta đến Tây Hồ vẫn thấy. Nguyễn Du đã xúc động làm các bài thơ năm 1790 tại đây, chứ không phải đi qua đình Nhạc Phi ở Thang Âm, nơi quê hương Nhạc Phi. Ngô Thì Nhậm trên đường đi sứ có làm bài thơ nơi đình Nhạc Phi ở Thang Âm, Nguyễn Du làm năm bài thơ tại Miếu Nhạc Phi tại Lâm An. Bài Nhạc Vũ Mục ban sư xứ tại Yển Thành nơi Nhạc Phi từng đóng quân khi đi sứ. Trên đường đi sứ năm 1813, Nguyễn Du không đi ngang qua Lâm An.
6. Lạc Dương :
Đình Tô Tần : Tô Tần quê tại Lạc Dương, đình Tô Tần chỉ có tại quê ông ở Lạc Dương. Khi đi sứ Nguyễn Du qua Hà Nam, nhưng không ghé đến Lạc Dương. Nguyễn Du làm hai bài thơ Đình Tô Tần trong thời gian đi giang hồ.
Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch đài : Các bản chú thích cho rằng Phân Kinh là chia kinh ra thành từng bộ, điều này không đúng vì việc kết tập kinh điển Phật Giáo chỉ xãy ra tại Ấn Độ, sau khi Đức Phật nhập niết bàn, 100 năm sau, và 300 năm sau thời Asoka .. không có một cuộc kết tập kinh điển nào tại Trung Quốc cả. Tại Trung Quốc chỉ có dịch kinh và in kinh chia cho các chùa.
Phân Kinh Thạch Đài nằm nơi đâu ? Lương Vũ Đế (502-549) đóng đô tại Lạc Dương. Nơi đây có chùa Bạch Mã là ngôi chùa đầu tiên của Phật Giáo Trung Quốc có từ năm 65 sau TL, ngôi tổ đình của Phật Giáo Trung Quốc, khi triệu tập các vị cao tăng, bàn luận các tranh cải đương thời, người theo kinh Kim Cương, người theo Kinh Pháp Hoa và người theo phái Thiền Bồ Đề Đạt Ma mới từ Ấn Độ truyền qua đương thời, ngồi bích quán chùa Thiếu Lâm, chú trọng thiền định. Thái tử Lương Chiêu Minh không cần đi đâu xa, mà triệu tập nơi tổ đình Phật Giáo Trung Quốc tại chùa Bạch Mã. « Bạch mã triêu đô Trường Giang thủy » Một sớm ngựa trắng vượt qua sông Dương Tử. Bạch Mã là con ngựa Đức Phật cỡi khi đi xuất gia, sau khi qua sông Hằng, Thái tử Tất Đạt Đa trao lại ngựa cho người hầu dắt về còn mình đi tìm con đường giải thoát. Câu thơ nói đến việc Phật Giáo mang con đường đi tìm giác ngộ đến Trung Quốc. Bài thơ Nguyễn Du trích thơ Lục Tổ Huệ Năng
: « Minh kính diệc phi đài. Bồ đề vô bản thụ.. » chẳng có đài gương sáng, chẳng có cây bồ đề, chê trách cha con Chiêu Minh Thái tử không tìm con đường giải thoát bằng Thiền định như Đức Phật mà chấp vào văn tự, chỉ để bọn ngu tăng đời sau đọc điếc tai người ta. Kinh Kim Cương « sắc tức thị không, không tức thị sắc » được các nhà sư Tây Tạng truyền bá vào Trung Quốc, được xem là khó hiểu phải cần chú giải. Kinh Pháp Hoa là những bài kệ nhỏ Đức Phật thuyết pháp vào cuối đời trên núi Linh Thứu, Tịnh Độ Tông chủ trương tụng và thực hành theo kinh này. Bồ Đề Đạt Ma lại cho rằng Đức Phật ngồi gốc bồ đề thiền định mà đi đến giác ngộ, cứ thực hành theo thiền định, chẳng cần tranh cải kinh này kinh kia. Nguyễn Du từng đọc ngàn lần Kinh Kim Cương, nhìn đài đổ nát mới hiểu kinh không chữ mới thật là chân kinh.
Tôi có đi Trường An tìm kiếm Phân Kinh Thạch Đài, nhưng không ai biết, nơi đây chỉ có tháp nơi Trần Huyền Trang tổ chức dịch Tam tạng kinh điển sau 18 năm du hành Ấn Độ mang về trên lưng 15 con ngựa. Theo tôi Phân Kinh Thạch Đài nằm tại chùa Bạch Mã ở Lạc Dương, Nguyễn Du làm bài thơ này tại Lạc Dương. Trên đường đi sứ năm 1813, Nguyễn Du qua Hứa Đô tỉnh Hà Nam mà không đến Lạc Dương.
7. Tây phong biến dị hương : Bài Tín Dương tức sự có câu « Tây Phong biến dị hương ». Ngọn gió Tây làm rung động cả đất khách. Câu thơ này không thể xem thường là ngọn gió hướng Tây thổi qua trong lúc Nguyễn Du đi tha phương lúc đi sứ, mà là biến cố Tôn Sĩ Nghị bị đại bại tại Thăng Long năm 1789, rút quân về hàng trăm cây số cách biên giới Việt Nam, già trẻ lớn bé sợ hãi gồng gánh bỏ chạy, cuộc chiến của Tây Sơn tại Thăng Long làm rung động cả Trung Quốc. Nguyễn Du đang ở Thành Tín Dương thì xảy ra biến cố này. Bài thơ này Nguyễn Du làm năm 1789 lúc đi giang hồ.
8. Nam Đài, Long Thủy trong câu « Nam Đài thôn ngoại Long Giang thủy » bài Xuân Dạ. Bản Đào Duy Anh chú thích Nam Đài là xóm Nguyễn Du tại quê nhà Tiên Điền. Long Giang tức Thanh Long giang một tên khác của sông Lam từ ngã ba Hưng Nguyên trở xuống. Tôi đi tìm tài liệu Nguyễn Quốc Phẩm về văn hóa làng Tiên Điền có ghi tên các thôn nhưng không có thôn nào tên Nam Đài cả. Nếu Nguyễn Du ở Tiên Điền thì không thể viết : « Giang hồ bệnh đái kinh thời cửu » giang hồ bệnh cũ lâu ngày phát, hay câu « Gia hương thiên lý nguyệt trung tâm, » Muôn dậm tình quê nguyệt dãi lòng. Tôi kết luận Nam Đài, Long Giang thủy không ở Tiên Điền mà ở Long Châu, Trung Quốc. Nguyễn Du làm bài thơ này khi đến Long Châu chuẩn bị trở về Việt Nam sau ba năm giang hồ.
Mỗi bài thơ, mỗi câu thơ lạ lùng của Nguyễn Du như trò chơi ráp các mãnh bìa cứng rời rạc đầy góc cạnh, tôi ráp lại các mãnh toàn vẹn thành bức tranh chân dung Nguyễn Du trong mười năm gió bụi, không còn sót một mãnh nào, một lỗ hổng nào. Tôi cắt nghĩa hết được các tên nhân vật, các sự kiện bằng các tài liệu lịch sử chứng minh, không bỏ sót một sự kiện nào trong cuộc đời Nguyễn Du.
Tôi rất ngạc nhiên Gs Nguyễn Huệ Chi cho rằng Nguyễn Du không nói tiếng Hán. Thế thì Nguyễn Du học Tứ Thư, Ngũ Kinh, một ngàn bài thơ, một trăm bài phú, năm mươi bài văn sách, chiếu biểu để đi thi và đỗ Tam Trường bằng chữ gì ? Trung Quốc mỗi vùng cách đọc khác nhau. Việt Nam đọc Hán Việt theo đời nhà Đường. Cụ Phan Bội Châu sang Trung Quốc nói chuyện với Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi khi không hiểu thì dùng bút đàm. GS Nguyễn Huệ Chi cho rằng « Điều kiện giao tiếp thiết yếu đó với nhóm xuất ngoại trong cảnh giang hồ trên đất Trung Quốc hàng ngày (vì ngôn ngữ bất đồng) ông Phạm Trọng Chánh hoàn toàn bỏ qua trong vấn nạn nói trên. »
Thế thì theo Gs Nguyễn Huệ Chi, đây là vấn nạn lớn của Nguyễn Du. Nguyễn Du không thể nào vượt qua, do đó không thể nào đi Trung Quốc một mình, khác với việc đi sứ. Có lẽ Gs Nguyễn Huệ Chi không đi học tại nước ngoài tưởng lầm như thế. Gs Nguyễn Huệ Chi quên rằng hiện nay Việt Nam có năm triệu rưỡi người gốc Việt ở hơn 100 nước trên thế giới, có hàng chục ngàn thanh niên nam nữ Việt Nam hàng năm đi du học, hàng trăm ngàn người đi lao động nước ngoài. Nếu một đại thi hào như Nguyễn Du không vượt qua nỗi khó khăn về ngôn ngữ, thì bao nhiêu triệu người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay thành câm thành điếc hết sao ? Nếu Gs Nguyễn Huệ Chi có dịp gặp người Việt Nam tại nước ngoài, thì người nói được 4, 5 thứ tiếng là chuyện thông thường. Kiều bào tại Nam Vang nhiều người « mặt mày trông quê mùa » nhưng nói được cả tiếng ba bốn vùng Trung Quốc, chưa kể tiếng Miên, tiếng Việt, Anh, Pháp. Nguyễn Du không phải là bậc đại khoa đỗ Tiến Sĩ, Bảng Nhản, Thám Hoa.. chỉ đỗ Tam Trường (tương đương với Tú tài), nhưng được chọn làm Chánh Sứ là do tài ứng đối, làm thơ nhanh chóng, kiến thức văn hóa Trung Quốc sâu rộng, nhờ có chuyến đi Bắc Hành thời thanh niên nên đã thông thạo tiếng các vùng Trung Quốc.
Sang Trung Quốc ở tuổi hai mươi Nguyễn Du, trên đường đi lúc đầu học năm ba câu nói với các người thuyền buôn trên sông để đi nhờ. Vào chùa thì xin trú nhờ qua đêm, xin bữa ăn rau đậu, tụng ê a Kinh Kim Cương dù giọng xứ Nghệ, Trung Quốc chẳng ai hiểu. Việc này không khó hơn người Việt hiện nay ở nước ngoài.
Bên cạnh Nguyễn Du còn có Nguyễn Đại Lang người anh kết nghĩa chỉ dẫn, chu cấp. Tại chùa Hổ Pháo, Tây Hồ đọc được Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân đã quyết chí diễn ca thơ nôm. Khi gặp Đoàn Nguyễn Tuấn trong sứ đoàn Phan Huy Ích tại Hoàng Châu. Nguyễn Du đã vào ở trong lữ quán và đi xe song mã. « Song mã anh về Nam lộng gió » bài gặp Văn nhân họ Nguyễn. Khi nghe tin anh Nguyễn Nể đã ra làm quan Tây Sơn, Phan Huy Ích cho hay Nguyễn Nể được vua Quang Trung trân trọng tài năng và học vấn, thường cởi ngựa quý đến thăm bàn việc nước, thì Nguyễn Du hứng chí không còn tâm sự xem Tây Sơn như Côn trùng bò mé ngoài, « Phế táo tụ hà ma » bài Bất Mị, khinh bỉ người ra làm quan Tây Sơn như trong bài Phản Chiêu Hồn. « Về thành Yên Sính làm chi nữa, Thành quách y nguyên, dân sự đã khác, Cát bụi lấm cả quần áo người, Đi ra xe ngựa về vênh váo, Lên mặt Cao Quỳ tán chuyện đời . » Nguyễn Du trở về Thăng Long nương dựa nơi anh Nguyễn Nể. Nguyễn Nể đã xây dựng lại dinh thự cụ Nguyễn Nghiễm đã bị kiêu binh đốt phá nơi Bích Câu. Nguyễn Du đứng trong bóng tối nghe Cô Cầm gảy đàn cho quan tướng Tây Sơn nghe và nương náu nơi Gác Tía, nhà câu cá cũ của anh Nguyễn Khản cạnh, đài Khán Xuân cạnh đình làng Nghi Tàm. Nơi đây Nguyễn Du yêu cô hàng xóm Xuân Hương Hồ Phi Mai, « Chữ tình chốc đã ba năm vẹn, » cho đến ngày anh Nguyễn Nể được lệnh triều đình Tây Sơn vào Phú Xuân dạy cho vua Cảnh Thịnh sách Tiểu Học do cụ Nguyễn Thiếp và các cộng sự Sùng Chính Viện biên soạn. Nguyễn Du và em Nguyễn Ức được anh trao tiền bạc với nhiệm vụ xây cất lại làng Tiên Điền chùa, cầu Tiên và từ đường họ Nguyễn bị đốt phá trong cuộc khởi nghĩa Nguyễn Quýnh, Nguyễn Nể bận việc quan tại Phú Xuân không thể trực tiếp trông coi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO :
NGUYỄN DU TOÀN TẬP I. Văn Học. Hà Nội 1996.
THƠ CHỮ HẠ́N NGUYỄN DU. Văn Học Hà Nội. 1965
NGUYỄN THU. LÊ QUÝ KỶ SỰ. Nxb KHXH. Hà Nội 1974.
THƠ VĂN ĐOÀN NGUYỄN TUẤN. HẢI ÔNG THI TẬP. Nxb KHXH. Hà Nội 1982
NGUYỄN CHU KIỀU. QUÂN TRUNG ĐỐI.Nxb Đông Nam Á, Paris 1995
NGÔ CAO LÃNG, Lịch Triều Tạp Kỷ. Tập II. Nxb KHXH. Hà Nội 1975.