Nov 21, 2024

Tùy bút - Bút ký

Một thuở làm thơ
Hồ Thanh Nhã * đăng lúc 01:57:46 PM, Sep 10, 2022 * Số lần xem: 401
Hình ảnh
#1

Một thuở làm thơ .

Bút ký văn nghệ của
Hồ Thanh Nhã
 

Hình vợ chồng Hồ Thanh Nhã chụp với nhà văn Nhật Tiến khi đến thăm ông tháng 7 – 2019 .




Nhà văn Nhật Tiến  qua đời ngày 14 tháng 9 năm 2020 tại Nam Californnia ( Hoa Kỳ ) , hưởng thọ 84 tuổi . Hôm nay nhân dịp ngày giỗ của nhà vản Nhật Tiến và hiền nội của ông là nhà văn Đỗ Phương Khanh tôi xin mạo muội kể lại vài kỷ niệm của cá nhân tôi với nhà văn Nhật Tiến để tỏ lòng biết ơn và nhớ tiếc đến một người đàn anh văn nghệ lão thành đã giúp đở , dìu dắt tôi hàng chục năm trên bước đường làm thơ đăng báo .Và cũng nhắc lại những cống hiến to lớn của nhà văn đã trọn đời vì nền văn học Việt Nam , trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của xã hội chúng ta trong nước và  hải ngoại .                       
Nhà văn Nhật Tiến tên thật là Bùi Nhật Tiến sinh năm 1936 tại Hà Nội . Ông di cư vào Nam năm 1954 . Lúc đầu sống ở Đà Lạt , sau di chuyển về Sài Gòn,  dạy hoc ở Mỹ Tho , Bến Tre . Tiếp theo ông dạy các môn Lý Hóa ở các trường tư : Hưng Đạo , Nguyễn Bá Tòng , Hồng Bàng ..ở Sài Gòn .Ông đã cộng tác với nhà văn Nhất Linh ra tạp chí Văn Hóa Ngày Nay . Sau đó cộng tác với các tạp chí Tân Phong , Văn , Bách Khoa . Từ năm 1959 đến năm 1975 ông làm chủ biên nhà xuất bản Huyền Trân và làm chủ bút tuần báo Thiếu nhi do nhà sách Khai Tri xuất bản .
Sau năm 1975 ông tiếp tục dạy học tại một trường cấp 2 của chế độ mới . Môn dạy vẫn là Lý Hóa . Đến tháng 10 năm 1979 thì ông vượt biên qua Thái Lan và sau đó định cư ở California – Hoa Kỳ từ năm 1980 . Tại Mỹ nhà văn Nhật Tiến vẫn tiếp tục viết văn và theo học thêm ngành điện toán  rồi ra làm chuyên viên sửa máy điện toán cho hảng Verifone . Tởi năm 1998 ông nghỉ hưu và sống ở thành phố Garden Grove , nam California .Thời gian nầy ông làm chủ bút cho tuần báo Viêt Tide , một tuần báo rất đông độc giả . Sau đó là đặc san  Xuân Viêt Stream ở Nam California .Chính thời gian nầy , tôi hân hạnh được quen biết với nhà văn Nhật Tiến nhờ hằng tuần gởi thơ đăng báo .Thấm thoắt vậy mà cũng đã hơn 20 năm trôi qua rồi. Trong 20 năm ấy có biết bao nhiêu là kỷ niệm với cảnh, với người, với những tâm tình gắn bó với thơ. Gần gủi nhau nhất là dịp tôi ngồi cạnh nhà văn Nhật Tiến tại tư gia của ông để cùng với ông bàn thảo ý kiến  trong công việc ông trình bầy tấm bìa cho tập thơ mới nhất sắp in của tôi.    
Ông chỉ tay vào phòng ngủ của mình và bảo :
“ Cậu vào lấy chiếc ghế gỗ trong phòng đem ra đây rồi ngồi coi tôi làm ! “
 Tôi bước vào căn phòng,  liếc sơ và nói thầm :
“ Chà ông nầy bừa bãi dữ ! Chỉ thấy toàn sách với sách !
Tôi đem cái ghế nhỏ đặt kế bên nhà văn, trước cái máy computer. Nhà văn Nhật Tiến hôm ấy trình bày giúp tôi bìa sau tập thơ thứ hai của tôi, tập Hương Thơ Đầu Gió. Bìa trước nhà văn đã làm xong tuần rồi. Bữa nay đem hình lại để trình bày tiếp bìa sau. Tôi đưa cho ông mấy tấm ảnh của tôi để chọn in vào mặt bìa sau. Ông chọn 2 tấm, đưa trả tôi mấy tấm còn lại và bắt đầu làm việc. Con chuột đưa mũi tên lên xuống, ngang dọc khiến độ sáng, màu sắc của bức ảnh lần lượt được điều chỉnh. Ông mỉm cười hỏi tôi :
 “ Cậu biết làm không ? “ .
Tôi lắc đầu :
“ Em chỉ biết gõ bài và gửi Email thôi, còn mấy chuyện nầy thì đành chào thua, phức tạp quá ! “
Ông gật gù tiếp :
“ Huy Trường ở Việtstream còn làm hay hơn tôi nhiều nữa !”
 Huy Trường cũng là nhân viên Đài Little Sài Gòn Radio và Hồn Việt TV. Lần nào trò chuyện với tôi, nhà văn cũng gọi tôi là cậu và xưng tôi. Cách xưng hô thân tình nhiều năm nay .
Tôi nhìn ông làm việc say sưa, hai bàn tay thoăn thoắt trên computer như một nghệ nhân, quên hẳn có tôi ngồi bên cạnh. Đó là phong cách làm văn học của nhà văn Nhật Tiến. Niềm say mê nầy trải dài suốt hơn sáu mươi năm từ lúc mới 21 tuổi xuất bản lần đầu tác phẩm Những Người Áo Trắng vào năm 1959. Cho đến nay bước vào lứa tuổi  quá  80 nhà văn đã xuất bản hơn 30 tác phẩm. Gồm có : 9 truyện dài , trong đó có truyện Thềm Hoang đoạt Giải thưởng Văn học toàn quốc năm 1962 – 6 truyện ngắn – 3 truyện thiếu nhi . Tác phẩm cuối cùng của ông là cuốn Hành trình chử nghĩa xuất bản năm 2012 .Thật là một hành trình dài đóng góp cho văn học miền Nam trước đây và văn học hải ngoại hôm nay. Hình như làm văn học là lẽ sống của suốt cuộc đời nhà văn. Mặc cho những thay đổi của xã hội miền Nam, mặc cho những thăng trầm cuộc sống, từ khi còn ở trong nước đến khi ra hải ngoại , lúc nào ông cũng bền bỉ sáng tác.
Sau chừng nửa giờ làm việc, nhà văn chỉ tay vào máy vi tính và gật gù bảo tôi :
“ Cậu thấy còn cần thêm bớt gì không ?”.
Tôi mỉm cười thán phục :
“ Quá đầy đủ rồi anh !”.
Hai anh em bước ra bàn uống trà. Ông ký tặng tôi mấy cuốn sách vừa xuất bản . Nội trong hai năm 2015 và 2016 ông đã sáng tác thêm 3 tác phẩm mới. Thật là một việc làm phi thường cho một người bước vào lứa tuổi 80 như ông vẫn còn minh mẫn và hăng say. Xem ra sáng tác văn học quả là lẽ sống của nhà văn Nhật Tiến nhìn từ mọi góc độ vậy .
Hoàn cảnh đưa đẩy tôi quen biết nhà văn Nhật Tiến cũng hơi lạ. Hồi còn đi học tôi có dịp đọc cọp tập truyện Thềm Hoang của nhà văn. Truyện nầy đoạt giải văn chương toàn quốc năm 1962 . Đọc thấy hay nhưng hồi đó chưa có ý niệm gì về văn học, cũng như chưa có dịp nào diện kiến với nhà văn. Thuở đó tôi cũng mới tập tễnh làm thơ, bài được đăng vài lần trên tuần báo Phụ Nữ Ngày Mai và bích báo của trường. Sau nầy đi lính cũng có viết vài bài thơ trên báo Quân đội và đặc san Kỵ Binh của binh chủng Thiết Giáp.
 Ra hải ngoại tôi bắt đầu gởi các bài thơ cho tuần báo Việt Tide ở Nam California. Lúc đó tôi chưa biết sử dụng máy vi tính, viết bài trên giấy trắng gởi cho tòa soạn bằng đường bưu điện. Cũng lạ là gởi bài thơ nào thì Việt Tide đều đăng bài đó. Bạn bè khuyến khích nên tôi sáng tác hàng tuần. Vài tháng sau tôi nhận được thư của một ông tên Bùi làm ở tòa soạn Việt Tide, bảo có bài thì gởi về nhà ông ở thành phố Garden Grove – Nam California . Lúc đó tôi cũng không biết ông Bùi là ai, tại sao lại phải gửi về nhà riêng, nhưng bảo gởi thì cứ gởi thôi và tuần sau thấy bài của mình cũng có đăng trên Việt Tide. Kéo dài cũng khoảng 2 năm . Một hôm nghỉ việc tôi thử ghé tòa soạn Việt Tide và đài Little Sài Gòn Radio ở góc đường Brookhurst và Margo chơi cho biết. Gặp ông Vũ Quang Ninh giám đốc đài  và cô xướng ngôn viên Nhã Lan thì mới biết Mr Bùi chính là nhà văn Nhật Tiến –Tổng thư ký tòa soạn- . Lúc đó tôi mới rõ là suốt 2 năm qua mình đã giao thiệp hàng tuần với một cây cổ thụ của làng văn học Việt Nam mà không hay. Thật là quá bất ngờ ! Tôi xin một cái hẹn gặp nhà văn tuần sau. Tới ngày hẹn, tôi ngồi đợi chừng 5 phút thì nhà văn vào .
Ông xiết chặt tay tôi và nói :” Tôi cũng mong biết mặt cậu đây !”.
Chuyện trò giây lát tôi ngỏ ý muốn in tập thơ và đưa xấp bản thảo cho nhà văn. Ông sốt sắng nói ngay : “Tôi lay out giúp cậu , không tính tiền công đâu ! Tôi thích thơ cậu lắm !” .
 Hầu hết các bài thơ nầy ông đều cho đăng trên tuần báo Việt Tide mấy năm qua . Sau đó ông hỏi tôi định đặt tên tập thơ là gì? Tôi nghĩ đến tên một bài thơ nói về mối tình học trò của cậu học sinh tỉnh lẻ ở trọ đi học , làm quen với cô bé hàng xóm bằng cách hàng đêm gánh nước giùm cô ở vòi nước đầu hẻm. Tôi ngần ngừ :
“ Đặt tựa là Vòi Nước Phông Tên được không anh ?”
Nhà văn Nhật Tiến nhíu mày. Cô xướng ngôn viên Nhã Lan đứng gần bên ngắt ngang :
“ Đặt tên gì nghe gồ ghề thô kệch vậy chú Nhã !”.
Nhà văn Nhật Tiến tiếp lời :
“ Bài thơ này thì hay thật nhưng tập thơ đầu tay thì cũng nên chải chuốt một chút .”
Tôi chỉ vào một bài thơ khác viết về Mẹ :
“Vậy đặt tên là Giọt nắng Thiên thu được không anh ?”.
Nhà văn gật đầu và vài ngày sau ông bắt đầu trình bày bìa trước bìa sau và lay out 42 bài thơ của tập thơ đầu tay nầy. Sau nầy nhiều dịp đến nhà ông chơi, nhà văn cho tôi biết :
“Cậu đã tạo lấy cho mình một hướng đi vào văn học rất lạ. Đó là cách viết truyện bằng thơ khiến độc giả dễ chấp nhận và không nhàm chán. Thêm nữa ,là khó có ai bì đươc là cậu viết điêu luyện được cả 6 thể loại thơ mà không hề mắc phải một sai lầm nào về niêm luật , bằng trắc  như  : thơ 5 chữ , thơ 6 chữ , thơ lục bát , thơ tứ tuyệt 7 chữ  , thơ 8 chữ và thơ tự do . Thường các tập thơ của các thi sĩ khác chỉ có độ 5-7 bài hay . Còn thơ của cậu thì tất cả các bài đều hay , chỉ xê xích từ 8 đến 10 thôi .Trong hơn 80 bài thơ của cậu trong 2 tập thơ , mỗi bài đều đi sâu vào từng góc cạnh của quê hương khiến người đọc bị lôi cuốn trong từng bài thơ . Nhận xét nầy không chỉ riêng tôi mà cả các thân hửu của tôi và ông Vũ Quang Ninh đều giống nhau  Tôi thích thơ cậu là vậy. Trước đây cậu gởi những bài thơ viết tay. Tôi sợ nhiều khi tôi không có mặt , nhân viên tòa soạn nhận thư sẽ vứt vào túi rác thì uổng. Bởi thế hồi đó tôi bảo cậu gởi về nhà tôi là vậy !”.
Thì ra nhiều báo chỉ nhận bài đã đánh máy sẵn vì tòa soạn ít người. Hầu hết bản thảo viết tay đều không được hoàn trả người gửi mà cho vào túi rác ! Còn tôi thì may mắn hơn, gửi bản viết tay đi rồi cứ nghĩ là xong. Đâu ngờ khi nhận được các bài thơ viết tay của tôi , nhà văn Nhật Tiến phải mò  mẫm đánh vào computer trước khi chuyển qua bộ phận lay out. Mấy ai làm được việc như thế. Phải có lòng yêu văn học cao độ mới làm được việc như vậy trong suốt hai năm liền. Về sau tôi mua được máy computer nên việc giao thiệp với  Việt Tide cũng dễ dàng hơn. Xin kể rõ hơn là ông Vũ Quang Ninh là Giám đốc đài Little Saigon Radio và Hồn Việt Tivi . Có lần ông đã đọc một bài phê bình bài thơ ” Siêu thị “ của tôi đăng trên tờ báo Xuân Viêt Tide năm 2002 trên Đài Litltle Saigon Radio, thính giả rất hoan nghinh .
Sau nầy tuần báo Việt Tide đổi chủ, nhà văn Nhật Tiến nghỉ hưu, viết lách tại nhà. Thỉnh thoảng ông gọi tôi khuyến khích tiếp tục viết. Sau khi Ba tôi mất tôi buồn nên chẳng viết lách gì suốt mấy năm. Mãi đến vài năm sau , khi ông đọc : Bài Thơ Xuân Trên Tường Nhà Dưỡng Lão của tôi đăng trên báo Xuân Việt Stream năm 2016, nhà văn lại gọi tôi thúc tôi viết thêm để ra tập thơ thứ hai. Thật là một sự khích lệ đáng quý của một nhà văn đi trước đối với  người đi sau như tôi . Tôi trả lời ông :
“ Em mới viết có khoảng ba mươi bài mới, e rằng tập thơ còn mỏng quá !”.
Ông bảo cứ gởi trước cho coi và hứa cũng lay out giùm như tập thơ trước. Thế là hết đường thoái thoát , chần chờ gì được nữa. Nhờ có nhà văn khuyến khích tôi mới không lười nữa và tiếp tục viết thêm. Bài đã gởi đi  cho ông lay out rồi mà cứ chần chờ không viết tiếp thì cũng khó coi. Đó là phong cách làm văn học của nhà văn Nhật Tiến, lúc nào cũng thúc đẩy mọi người cùng sáng tạo. Nhà thơ Huy Trâm thỉnh thoảng rủ tôi đến nhà ông Nhật Tiến chơi. Lần nào chúng tôi đến ông cũng mừng, nói chuyện huyên thiên như gặp lại bạn tri kỷ . Cả ba kéo ra cái bàn ngoài hiên uống trà. Nhà văn Nhật Tiến đã cai thuốc lá vài năm nay, chỉ có Huy Trâm và tôi còn hút lai rai. Khi ra về lúc nào ông cũng biếu chúng tôi mỗi người một hộp trà Thái Nguyên hộp thiếc hoặc vài cuốn sách mới in có đóng triện son cẩn thận. Nhà văn Nhật Tiến có một phong cách rất lịch sự , tao nhã mà vợ chồng tôi phải học là khi khách ra về , ông luôn luôn tiển khách ra tới cổng sắt bên ngoài , chờ khách lên xe xong mới quay vào nhà . Thật đáng học hỏi cử chỉ tao nhã của nhà văn đàn anh nầy . Nhà văn nữ Nguyễn Thị Mắt Nâu cũng tỏ ra hết sức kính trọng nhà văn Nhật Tiến. Chị cũng cho biết là nhà văn cũng giúp lay out hai cuốn sách của chị .
Hiền nội của nhà văn Nhật Tiến là nhà văn Đỗ Phương Khanh . Bà là người thực hiện chương trình “ Tìm hiểu Phật pháp Tuệ Đăng “ của đài Little Sagon Radio và Hồn Việt Tivi ở Nam California rất đông khán , thính giả theo dõi . Trước năm 1975 , bà đã từng cộng tác với tạp  chí Tân Phong của nhà văn Nguyễn Thị Vinh . Đầu thập niên 1970 bà là quản lý cho tờ báo Thiếu nhi . Bà cũng là giám đốc Vườn trẻ Anh Vũ , một cơ sở mẫu giáo chuyên dạy trẻ em theo phương pháp Montessori từ năm 1973 -1975 . Ở Mỹ bà Đỗ Phương Khanh là cư sĩ tu tại gia ăn chay trường . Bà từ trần ngày 26 tháng 8 năm 2020 , chết trước chồng 3 tuần lễ .
Nhà văn Nhật Tiến mất vào giữa mùa đại dịch Covid 19 . Cơn đại dịch nầy hoành hành khắp Hoa Kỳ và thế giới .Vì chánh quyền  hạn chế đi lại và tụ tập lâu trong đám đông nên khách thăm viếng đám tang nhà văn Nhật Tiến cũng thưa thớt .Khách thăm viếng  chỉ trong vòng thân hửu , thường đến chia buồn trong 5-3 phút rồi về , ít ai nấn ná lâu . Mùa dịch đám tang nào cũng vậy . Khi vợ chồng tôi đến thi thấy vài người làm ở Đài Little Saigon Radio thôi . Chắc thân hửu và bạn bè báo chí của ông Nhật Tiến đã đến trước chúng tôi và đã về rồi . Cũng như mọi người , vợ chồng tôi lạy bàn thờ ông , chia buồn với con gái ông là cô Mai Khanh giám đốc Đài Little Saigon Radio và Hồn Việt Tivi xong rồi cũng từ giả .Chị Trà , người săn sóc bịnh thường trực cho nhà văn nói với cô Mai Khanh là vợ chồng tôi thường đến nhà thăm ông, nhất là vài năm cuối trước khi ông mất .Ông Nhật Tiến bị Stroke , mấy năm gần đây , ông nói chuyện khó khăn . Nói chuyện với ông phải có chị Trà thông dịch . Tội nghiệp cho ông hết sức . Khoảng chừng 1 năm sau cùng ông phải ngồi xe lăn . Chúng tôi có chụp hình nhà văn ,ngồi xe lăn trong thời gian nầy . Khi ra về chúng tôi đều ứa nước mắt .Mặc dù biết sức khỏe nhà văn đã suy sụp lắm rồi nhưng khi chị Trà gọi điện thoại cho vợ tôi , báo tin ông mất , chúng tôi cũng bàng hoàng không tin là sự thật , Cái chết của nhà văn Nhật Tiến khiến tâm hồn tôi bỗng nhiên hụt hẩng , hình như mất một cái gì quen thuộc từ hơn 20 năm qua .
Nhân dịp đến ngày giỗ của vợ chồng nhà văn Nhật Tiến và Đõ Phương Khanh năm nay , tôi cũng xin mạo muội viết lại vài kỷ niệm với nhà văn Nhật Tiến để tỏ lòng biết ơn một nhà văn đã trọn đời cống hiến cho nền văn học Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của xã hội Việt Nam trong nước và hải ngoại ./.

                                                                                      Hồ Thanh Nhã .

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.