Nov 23, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Bàn Tay- Bài Thơ Chở Đầy Nỗi Nhớ
Phạm Đức Nhì * đăng lúc 10:59:43 AM, Aug 20, 2022 * Số lần xem: 430
Hình ảnh
#1

 

"BÀN TAY" -  BÀI THƠ CHỞ ĐẦY NỖI NHỚ
 
Mới đây anh Lê Hữu Minh Toán, một bạn thơ ở Houston, nhân nhớ đến "người xưa", có gởi cho tôi hai bài thơ lục bát cũ để đọc chơi. Đọc xong, tôi thích cả hai bài. Thấy bài Bàn Tay nổi trội hơn nên nổi hứng viết mấy lời bình phẩm.
 
BÀN TAY
Bàn tay
níu lấy bàn tay
Nửa vòng trái đất gió quay lệch chiều
Tay buông lỏng ngón đìu hiu
Vực đêm cõng vết liêu xiêu trăng mờ
 
Bàn tay
hong nến đợi chờ
Cơn mê chín muộn đêm ngờ nghệch đêm
Phương người nắng lụa dịu êm
Phương ta tuyết lạnh buồn nghiêng phố buồn
 
Bàn tay
nối khúc cầu vồng
Nhịp đưa võng nhịp trôi từng dặm xa
Dẫu đà trắng tóc sương pha
Tay trơn còn chở
hương hoa
cuối
miền?
 
Thể Thơ
 
Lục bát
 
Ngôn Ngữ Hình Tượng, Câu Cú
 
Ngôn ngữ đẹp một cách mềm mại, hiền dịu nhưng cao sang, được tác giả chú tâm tuyển lựa kỹ càng.
 
Câu cú chắc, gọn ghẽ, không có những chữ vô tích sự, ngồi không ăn bám.
 
Tứ Thơ
 
Qua hình ảnh "Bàn tay níu lấy bàn tay" thi sĩ tâm tình với người xưa, cách nửa vòng trái đất, về nỗi nhớ thương da diết của mình.
 
Bố Cục
 
Bài thơ có thể chia làm 3 đoạn:
 
1/
 
Bàn tay
níu lấy bàn tay
Nửa vòng trái đất gió quay lệch chiều
Tay buông lỏng ngón đìu hiu
Vực đêm cõng vết liêu xiêu trăng mờ
 
"Bàn tay níu lấy bàn tay" - không muốn chia xa - nhưng vì "gió quay lệch chiều" nên phải cách nhau nửa vòng trái đất. Đành buông tay để thấy đời từ lúc ấy chỉ là vết ánh trăng mờ liêu xiêu giữa bóng đêm dầy đặc. Ôi! Phải chia cách người yêu sao mà buồn thế.
 
2/
 
Bàn tay
hong nến đợi chờ
Cơn mê chín muộn đêm ngờ nghệch đêm
Phương người nắng lụa dịu êm
Phương ta tuyết lạnh buồn nghiêng phố buồn
 
Bởi "Phương ta tuyết lạnh buồn nghiêng phố buồn" nên (lạnh và buồn) không ngủ được, cứ đưa "Bằn tay hong nến đợi chờ"; chờ lâu quá, đến khi chợp mắt thì "con mê chín muộn" giữa đêm trường "ngờ nghệch". Hình tượng rất lạ và rất thơ.
 
3/
 
Bàn tay
nối khúc cầu vồng
Nhịp đưa võng nhịp trôi từng dặm xa
Dẫu đà trắng tóc sương pha
Tay trơn còn chở
hương hoa
cuối
miền?
 
Bàn tay cong cong đưa lên như đang nối với bàn tay của "người ta" thành khúc cầu vồng. Tiếc thay, mỗi nhịp "cầu vồng đưa võng" là mỗi nhịp đưa người từng dặm cách xa ta. Cuối cùng đành cất tiếng hỏi bâng quơ:
 
"Dẫu đà trắng tóc sương pha
Tay trơn còn chở
hương hoa
cuối
miền?"
 
Câu hỏi bâng quơ đó cũng là mong ước của lòng ta.
 
Thật ra phân đoạn chỉ là "thói quen" của người bình thơ để việc diễn giải tứ thơ được dễ dàng mạch lạc chứ ở đây hình như tác giả không có ý đó.
 
Anh mặc cho đôi tay mềm mại, uyển chuyển của mình và người xưa trình diễn "vũ điệu tình yêu" trên "sân thơ" ngay từ bước nhảy đầu tiên cho đến khi buông tay cúi chào khán giả ở "bến đỗ của tứ thơ". (Đúng ra nỗi nhớ mới là tâm điểm của bài thơ nhưng phải chăng chính tình yêu là cội nguồn phát sinh ra nỗi nhớ?)
 
Nói khác đi, bài thơ nhất khí liền mạch, tứ thơ như một dòng suối nhỏ - chầm chậm nhưng sinh động - chảy từ câu đầu đến câu cuối.
 
Tâm Thế Của Thi Sĩ
 
Thi sĩ làm thơ trong tâm thế "Share feelings with them" (Chia sẻ tâm tình với họ). Anh háo hức muốn bộc lộ tâm tình của mình với người yêu, và dĩ nhiên, muốn chia sẻ điều này với độc giả. Ở đây không có chỗ để nói lý lẽ hay tranh luận mà chỉ có chất tình bàng bạc trong từng con chữ.
 
Với tâm thế này, nếu có thêm vài điều kiện khác nữa, cảm xúc tầng 3 rất dễ tích tụ và lớn mạnh để tạo hồn thơ.
 
Kỹ Thuật Thơ
 
Kỹ thuật lục bát nhuyễn, vần uyển chuyển (cả chính vận lẫn thông vận) vừa độ ngọt. Có cả kiểu gieo vần tương đối mới:
 
Bàn tay hong nến đợi chờ
"Cơn mê chín muộn đêm ngờ nghệch đêm"
(gieo vần ở chữ đầu của tĩnh từ, trạng từ ... kép).
 
Một chỗ nữa, theo tôi, gieo vần rất độc đáo là 2 câu:
 
Bàn tay
nối khúc cầu vồng
Nhịp đưa võng nhịp trôi từng dặm xa
 
Cặp vần "vồng từng" là thông vận xa. Không lạc vận nhưng vị ngọt của vần loãng đi khiến âm thanh buông lơi vì giảm độ kết dính, rất tương hợp với câu thơ "Nhịp đưa võng nhịp trôi từng dặm xa" - mỗi nhịp võng đưa là người với ta lại thêm một dặm dài xa cách. (Dặm ở đây chỉ có ý nghĩa tượng trưng). Không biết do "tay nghề" của thi sĩ hay nhờ may mắn. Nhưng dù gì đi nữa cũng làm tăng giá trị của 2 câu thơ.
 
Dòng Âm Điệu
 
Có dòng âm điệu của thơ lục bát êm êm, chậm rãi, thích hợp với tình cảm lãng mạn và sâu lắng.
 
Nhịp Điệu
 
Nhịp điệu của thơ lục bát - đều đều nhưng chưa tẻ nhạt vì bài thơ ngắn.
 
Dòng Cảm Xúc
 
Có dòng cảm xúc nhưng rất yếu, vì 3 lý do:
 
1/ Tác giả phân tâm để tìm ngôn ngữ mới, hình tượng lạ nên tâm trạng háo hức lúc làm thơ bị sụt giảm cường độ.
 
2/ Sức chảy của dòng âm điệu chầm chậm, rất nhẹ
 
3/ Bài thơ ngắn, không có "sóng sau dồn sóng trước"
 
Cảm Xúc
 
Cảm xúc tầng 1: Độc giả có khoái cảm mạnh nhờ ngôn ngữ, hình tượng đẹp, câu cú chắc gọn.
 
Cảm xúc tầng 2:
 
Tứ thơ không chia nhỏ như những bài thơ khác mà là một khối thống nhất, một "vũ điệu tình yêu" liên tục từ lúc mở màn cho đến khi kết thúc. Điều này khiến cảm xúc tầng 2 - khoái cảm phát sinh từ thế trận của bài thơ - rất mạnh.
 
Cảm xúc tầng 3: Có hồn thơ nhưng chỉ phơn phớt nhẹ.
 
Vờn Bóng Giữa Sân
 
Huấn Luyện Viên của đội bóng Bàn Tay không cho cầu thủ của mình vờn bóng giữa sân mà ngay từ tiếng còi khai trận đã nhắm cầu môn đối phương thẳng tiến.
 
Như đã nói ở trên, dòng suối thơ chảy không ngừng nghỉ từ khởi nguồn cho đến "bến đỗ"
 
Tựa
 
Tựa là "Chữ hoặc nhóm chữ nói lên cốt tủy của toàn bài".Tác giả đặt cái tựa BÀN TAY có thể nói là khéo, hợp với bài thơ.
 
Hai Câu Kết
 
"Dẫu đà trắng tóc sương pha
Tay trơn còn chở
hương hoa
cuối
miền?"
 
là câu hỏi tạo cảm giác vui sướng cho "người bên kia" và lưu lại ấn tượng đẹp trong lòng độc giả.
 
Khuyết Điểm
 
Chữ "Vực" trong câu "Vực đêm cõng vết liêu xiêu trăng mờ" không sai nhưng, theo tôi, hơi cầu kỳ nên không "dễ tiêu" làm dòng chảy của tứ thơ hơi "khựng".
 
 
Cái Nền Kỹ Thuật Của Bài Thơ BÀN TAY:
 
1/ Có dòng chảy tứ thơ: Nhờ thơ nhất khí liền mạch.
2/ Có dòng âm điệu: Âm điệu của thể thơ lục bát
3/ Nhịp điệu đều đều của thơ lục bát nhưng chưa tẻ nhạt, nhàm chán là nhờ bài thơ ngắn
4/ Có dòng cảm xúc nhưng rất yếu vì không có "sóng sau dồn sóng trước"
 
Tác giả có được Cái Nền Kỹ Thuật này là nhờ may mắn chọn thể thơ lục bát. Nhưng thơ lục bát là con dao hai lưỡi: Ngắn thì thiếu hơi, không đủ sức; dài quá thì ầu ơ, nhàm chán vần. Hơn nữa, do thơ lục bát có quá nhiều vần bằng nên dòng cảm xúc yếu, cực kỳ khó để đẩy thi sĩ đến chỗ "lạc thần trí", "cảm xúc sôi lên phủ mờ lý trí" cho lời thơ hoàn toàn là tiếng lòng chân thật.
 
Kết Luận Chung Cuộc
 
Dù sao thì BÀN TAY cũng là bài thơ thành công về khá nhiều mặt. Chỉ riêng nét đẹp văn chương nổi bật từ ngôn ngữ, hình tượng, câu cú, thế trận đã giúp bài thơ có một chỗ đứng không đến nỗi tệ trong vườn thơ.
 
Tuy hồn thơ chỉ phơn phớt nhẹ và đường đến Bến Bờ Thi Ca vẫn còn xa nhưng nhà thơ Lê Hữu Minh Toán đã đi đúng hướng. Hy vọng kinh nghiệm ở đây sẽ giúp anh vững vàng hơn. Không nói xa vời mà chỉ cần trong những bài thơ sẽ viết của anh hồn thơ ngày càng cao hơn, mạnh hơn hồn thơ trong thi phẩm BÀN TAY là những người yêu thơ chúng tôi cũng đã vui, vui lắm.
 
Chúc anh ngày càng hứng thú và thành công trên sân chơi thi ca.
 
Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com
phamnhibinhtho.blogspot.com
 
CHÚ THÍCH:
 
Cái Nền Kỹ Thuật Của Bài Thơ Không Phải Lục Bát
 
1/ Nhất khí liền mạch để có dòng chảy tứ thơ.
2/ Vần cần đủ ngọt, cước vận lên tiếp là chính để có dòng âm điệu.
(Có dòng chảy tứ thơ và dòng âm điệu sẽ có dòng cảm xúc).
3/ Nhịp điệu: Thay đổi số chữ trong câu để nhịp điệu lúc khoan lúc nhặt, uyển chuyển, sinh động, không đều đều tẻ nhạt.
4/ Ngôn ngữ, hình tượng dễ tiêu (hiểu cảm cùng một lúc), tránh mô gò cản đường.
5/ Không vờn bóng giữa sân
6/ Đủ dài để có "sóng sau dồn sóng trước" tạo cao trào.

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.