Một chút tình thu (*)
(Mùa Thu trong thi ca Việt Nam)
(*) Đề bài nầy do nhà báo Ngô Vương Toại đặt
Mùa thu trong Đường Thi
Trong Cổ Thi Việt Nam
Và trong Thơ Mới với Xuân Diệu, Lư Trọng Lư, Huy Cận, Hàn Mặc Tử...
Giới thiệu:
Tôi có điều may mắn là trong mười năm làm giáo sư trung học (1958-1968), dạy môn văn chương Việt Nam, thường phải tìm tòi cổ văn lẫn kim văn nước ta để làm tròn cái chức năng “gạch nối” giữa thế hệ đã qua và thế hệ đang tới, đem cái tinh hoa của người xưa mà truyền thụ lại cho người đời nay, với niềm hy vọng tha thiết là cái gì người xưa sáng tạo thì người sau cảm nhận nó, đau với cái đau, vui với cái vui của người xưa, cảm thông tâm sự của họ, để khỏi như Nguyễn Du phải trách đời rằng, ba trăm năm về sau nữa, có ai nhỏ xuống cho ông đôi dòng lệ tiếc thương một kiếp người tài hoa bạc phận:
“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”
Thế hệ ngày nay và mai sau sẽ nâng niu trân trọng nó và phát triển thêm ra vì văn hóa Việt Nam không chỉ của riêng người Việt.
Bên cạnh đó, phong cảnh hữu tình thơ mộng của Huế đã khắc đậm vào lòng tôi những cảm xúc bồi hồi, nhung nhớ khó phai, cùng với bao nhiêu kỷ niệm của một thời trẻ dại. Những hàng phượng đỏ hai bên bờ sông Hương cùng với thành quách đền đài miếu mạo, những con đường rợp bóng mù u, những ngày nắng xuân le lói, những đêm mưa âm thầm trong đại nội, trong tử cấm thành, như phảng phất đâu đó linh hồn vua chúa, cung phi mỹ nữ đã quá vãng lâu rồi, làm cho lòng tôi càng thêm hoài cổ, dẫn dắt người ta tới chỗ mộng mơ mà mộng mơ là chất liệu của thi ca, đặc biệt thi ca lãng mạn tiền chiến, một nền thi ca sung mãn và đặc sắc, mới lạ của Việt Nam, kể từ 1925, khi Phan Khôi thổi hồi kèn tiên phong với bài “Tình Già” cho tới cuộc “Cách Mạng Mùa Thu” năm 1945, cuộc cách mạng mở ra một thời kỳ thi ca đấu tranh cho độc lập dân tộc.
Mặc dầu đã xa môi trường văn học ấy hơn ba chục năm, mà đời tôi thì lắm cảnh thăng trầm, từ một anh lính mới tò te ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, cho tới những bước chân phiêu bạt của người làm phóng viên phát thanh chiến trường ở những bến song, chỗ tận cùng của đất nước, qua nhiều năm trong cảnh tận cùng địa ngục trong nhà tù Cộng Sản, hay một bến bờ xa lạ nơi hoang đảo tỵ nạn Pulau Bidong, lòng yêu mến thi ca của tôi chẳng bao giờ phai lạt.
Nay trôi giạt nơi xứ người, nhìn cảnh thu màu sắc vô cùng đẹp đẽ ở vùng Đông Bắc nước Mỹ, lòng tôi thêm nung nấu nhớ nhung những mùa thu cũ, cả trong thi ca cũng như ở cảnh sắc quê nhà, viết lại đôi dòng để tỏ bày cùng tri âm, cùng cố nhân và cả những ai lớn lên ở quê người, chưa từng nghe “Tiếng Thu” quê hương nức nở, chưa từng cảm “Ý Thu” Việt Nam rạt rào trong trái tim nóng bỏng của cha ông, đã viết nên những trang thơ trác tuyệt làm say đắm biết bao nhiêu người!
Viết tại Barre, Mass thu năm Dậu
&
Bây giờ là mùa thu, mùa thu mà không nói đến thi ca thì sao được?! Dù sao thì ta cũng nên để cho lòng ta lắng đọng một chút, để cho lòng xúc động một chút, dù chỉ là một chút thôi vì cuộc đời nơi đất khách lắm khi tất bật, để ru hồn mình vào cảnh thu ở quê người và nhớ lại đôi chút cảnh thu ở quê nhà qua những vần thơ cũ.
Hồi mới đến đây, vùng Đông-Bắc Hoa Kỳ, tôi thấy xứ Mỹ nầy lạ lắm. Hết thành phố lâu đài cao rộng thì đến những núi đồi trùng điệp, có chỗ giống như đường lên Đà Lạt, cao nguyên ở quê mình, dù không “Đường lên núi rừng sao hãi hùng” thì cũng làm ta bâng khuâng, lòng vẫn còn mơ tưởng đến những con đường cũ.
Nhà tôi ở Barre, một town nhỏ, cách Worcester, thành phố lớn thứ nhì của Massachusetts những 22 dặm. Ngôi nhà nằm lưng chừng một ngọn đồi nhỏ, sau nhà là một rừng thông bao la, chỉ thấy nhà hàng xóm thấp thoáng trong bóng cây, và trước mặt cũng là một rừng thông trùng điệp, thoai thoải xuống chân đồi. Dưới đó có một hồ nước rộng mà nước bao giờ cũng xanh biếc, tưởng như sâu thăm thẳm. Mùa hạ vừa qua, phấn thông vàng bay lã tả, rụng đầy hiên nhà, mui xe, kính xe... làm tôi nhớ “Phấn thông vàng” của Xuân Diệu. Tôi không biết Xuân Diệu thấy phấn thông vàng ấy ở đâu, ở Đà Lạt hay ở những ngọn thông trên núi Ngự Bình. Rừng thông nầy, sau khi Pháp chiếm lại thành phố Huế năm 1946, đã bị chặt trụi, làm cho núi Ngự Bình thành ra hòn núi trọc, khiến cụ Ưng Bình Thúc Giạ thị phải than:
Núi Ngự không cây chim ngủ đất
Sông Hương vắng khách đĩ kêu trời.
Bây giờ là mùa thu ở đây, lá sồi màu xanh non đang chuyển qua màu xanh già, bắt đầu úa để chuyển qua màu đỏ nâu, rụng đầy trên những con đường lớn, nhỏ trong các cụm rừng trên các con đường vùng tôi ở. Những cành cây khẳng khiu giơ lên giữa bầu trời thu xanh, như cánh tay gầy guộc của ai đó, không khỏi làm cho lòng người xao xuyến, tiếc một mùa hạ qua nhanh.
Mỗi ngày đi từ Barre tới Worcester một hai bận, tôi thấy cảnh sắc khác đi từng chút, từng ngày. Lớp lá rụng bên đường hôm nay hình như dày hơn hôm qua, những cành khô giơ lên trời cao nhiều hơn, màu lá thông đen thẫm hơn. Trời xanh ngăn ngắt nhưng lại thêm nhiều đám mây vần vũ, báo hiệu một mùa đông giá gần kề. Vài khi tơ trời vương trên kính xe; hay mỗi chiều khi tôi ngồi trước sân nhà, vướng nhằm những sợi tơ mỏng manh, trắng muốt, nhẹ nhàng bay qua, tôi không khỏi nhớ đến những câu thơ của Nguyễn Bính tả một cảnh thu ở đồng bằng Bắc bộ:
Tơ gạo phương xa tản mạn về
Gió vào đồng lúa chín vàng hoe
Một con diều giấy không ăn gió
Ỏng ẹo chao mình xuống vệ đê
Con đường đi về mỗi ngày gần năm mươi dặm, ngồi một mình trong xe, đóng kín cửa, đừng mở hơi nóng hay hơi lạnh để khỏi nghe tiếng quạt máy kêu vù vù mà nghe cho rõ “Buồn Tàn Thu” của Văn Cao, nghe Họa Mi hát “Em Ra Đi Mùa Thu” của Phạm Trọng, nghe “Mùa Thu Paris” của Phạm Duy...
Ôi! nỗi buồn nơi xứ người sao thấm thía làm vậy!?
Mùa thu, cái gì trông cũng có vẽ lãng đãng, mơ màng và vô cùng gợi nhớ, từ những ngày còn niên thiếu, bước vào tuổi mộng mơ, cho đến bây giờ tóc ngã màu sương muối, lưu lạc nơi xứ người.
Nhìn đâu đâu cũng nhuốm vẻ thu; thu ở mầu trời, mầu đất, màu hoa lá, màu cây, màu không gian và cả “màu thời gian... tím ngắt” trong lòng mỗi chúng ta nữa. “Màu Thời Gian” ấy, Đoàn Phú Tứ thấy trong lòng “Tần phi” và Tương Phố thì thấy trong Giọt Lệ Thu:
Trời thu ảm đạm một màu
Gió thu hiu hắt thêm sầu lòng em
Trăng thu bóng ngã bên thềm
Tình thu ai để duyên em bẽ bàng
(Giọt Lệ Thu- Tương Phố)
Quả thật mùa thu không có gì vui, không tươi thắm như mùa xuân mới, không rực rỡ như hè sang. Trăng bao giờ cũng mơ màng, ảm đạm, gió thu hiu hắt lạnh lẽo và tình thu thì... cô đơn. Thế mà ai cũng thích mùa thu!?
Khi còn trẻ, tôi cứ nghĩ chỉ những ai chịu ảnh hưởng thi ca lãng mạn mới yêu thu tha thiết, đậm đà. Không phải vậy đâu! Thu là mùa cảnh vật thay đổi nên gây nhiều xúc cảm trong lòng người. Xúc cảm đó là gì? Là nỗi chia ly. Mùa thu là mùa chia ly, xa cách, một chút lạnh đã về cũng đủ làm cho người ta thấy lạnh lẽo; cô đơn và nhung nhớ cũng theo về, làm cho kẻ cô đơn thêm đợi chờ khắc khoải.
Hãy đơn cử một ví dụ trong truyện Kiều. Trong đời cô Kiều có biết bao nhiêu lần ly biệt: Kim Trọng chia tay Kiều về Liêu Dương, Kiều bán mình chuộc cha, rời xa gia đình, đi theo Mã Giám Sinh. Nhưng lần Thúc sinh chia tay Kiều để về thăm nhà là lần chia tay đẹp nhứt trong đời cô kỹ nữ:
Người lên ngựa kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
Dặm hồng bụi cuốn chinh an
Người đi đã khuất mấy ngàn dâu xanh
Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường.
(Truyện Thúy Kiều - Nguyễn Du)
Nguyễn Du vẽ một cảnh chia ly giữa Kiều và Thúc Sinh vào mùa thu, chắc hẳn có chủ ý. Nguyễn Du muốn nói lên cảnh chia ly trong lòng người sao cho phù hợp với cảnh chia ly của thiên nhiên. Người đi xa xôi lạnh lẽo được trao chiếc áo ngự hàn (chia bào). Rừng phong cũng nhuốm màu chia cách (quan san), Kiều và Thúc sinh ai cũng cảm thấy cô đơn. Tuy nhiên, nếu hiểu hoàn cảnh Kiều và Thúc sinh, ta thấy cách tả của Nguyễn Du không hợp. Những chữ như “lên ngựa”, “chia bào”, nghe có vẻ như chinh phu mặc áo giáp, lên ngựa ra biên ải, phảng phất hình ảnh chinh phu trong Chinh Phụ Ngâm. Những chữ như “chinh an” (Kẻ lên ngựa đi xa), “quan san” (Cửa ải trên núi), cũng na ná hình ảnh chia tay của người đi lính thú.
Nếu nói đoạn trên có vẽ như tả một chinh phu ra trận thì đoạn thơ sau đây đúng hơn, cũng mùa thu, chia ly:
Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu,
Hỏi ngày về ước nẽo quyên ca
Nay quyên đã giục oanh già,
Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo
Thuở đăng đồ mai chưa dạn gió,
Hỏi ngày về chỉ độ đào bông
Nay đào đã quyến gió đông
Phù dung lại nở bên sông bơ thờ
(Chinh Phụ Ngâm- Đoàn Thị Điểm)
Lúc ra đi (lâm hành) chim oanh chưa về đậu trên cành liễu (xuân chưa về), chàng hẹn mùa hạ sẽ về (ước nẻo quyên ca), nay đã mùa thu rồi (quyên giục oanh già). Lúc ra đi, mai chưa dạn gió (mai chưa nở, xuân chưa về), chàng hẹn xuân sẽ về (độ đào bông: bông đào nở), nay xuân đã tàn (quyến gió đông. “Đông phong” là gió xuân). Trong Chinh Phụ Ngâm cũng có câu:
Xót người lần lữa ải xa
Xót người nương chốn hoàng hoa dặm dài
(Chinh Phụ Ngâm- Đoàn Thị Điểm)
Hoàng hoa là hoa cúc vàng, mùa thu hoa cúc nở (“Mùa thu hoa cúc vàng lưng dậu”, Nguyễn Bính). Đó là mùa đi thú. Ngày xưa đi lính thú (lên mạn ngược để canh phòng biên ải, cứ ba năm đổi phiên một lần) vào mùa thu.
Mùa thu là mùa chia ly, gió tây (gió thu, theo “ngũ hành”, mùa thu thuộc phương tây) lạnh, làm cho người vợ nhớ chồng đang xông pha ngoài biên ải, thương chồng chịu cảnh lạnh lùng:
Gió tây nổi không đường hồng tiện
Xót cõi ngoài tuyết quyến mưa sa.
(Chinh Phụ Ngâm – Đoàn Thị Điểm)
Khi gió thu nổi lên, chim hồng không bay ra biên ải để đưa thư được.
Trong Cung Oán Ngâm Khúc, dù không có cảnh chia ly vợ chồng như trong Chinh Phụ Ngâm, nhưng cũng có tâm trạng cô đơn lạnh lẽo của cung nữ vì bị vua bỏ bê:
Đền vũ tạ nhện giăng cửa mốc
Gác thừa lương thức ngủ thu phong
(Cung Oán Ngâm Khúc – Ôn Như Hầu)
(nền vũ tạ: nhà để múa hát, gác thừa lương: nhà để hóng mát)
Nơi cung nữ múa hát ngày trước, nay vắng vẻ (nhện giăng cửa mốc). Nơi hóng mát cùng nhà vua thì nay gió thu thổi lạnh lùng (thức ngủ thu phong).
Đi xa hơn chút, với thơ Đường, thời đại thi ca cực thịnh của Trung Hoa thì cái ý thu trong thơ Tàu và thơ ta không khác nhau bao nhiêu. Rõ nhất là trong Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị, Phan Huy Vịnh dịch:
Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách
Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu
Người xuống ngựa, khách dừng chèo
Chén quỳnh mong cạn nhớ chiều trúc ty.
(Tỳ Bà Hành - Bạch Cư Dị)
Tiễn bạn canh khuya ở bến Tầm Dương, hơi thu lạnh, lau lách đìu hiu. Kẻ xuống ngựa, kẻ dừng chèo, chào nhau ly biệt, mời nhau chén rượu nhớ một chiều nào nghe tiếng sáo thổi. (trúc ty).
Nói chung, cách làm thơ, mô tả khung cảnh thiên nhiên cũng như lòng người, trong cổ thi thường có tính ước lệ. Chẳng hạn như khi nói tới mùa thì mùa nào thức nấy. Mùa xuân thì có hoa mai, đào để đón tết; hạ thì có hoa lan, thu thì có hoa cúc, đông thì có trúc. Mai Lan Cúc Trúc là hoa (trúc không phải hoa) của bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. Ngoài ra, trong thi ca, về các mùa còn có những ước lệ khác nữa. Mùa thu, ngoài hoa cúc, còn có lá ngô đồng (rụng):
Ngô đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ cộng tri thu
(Một lá ngô đồng rụng,
Thiên hạ - Ai cũng biết thu về).
Theo Kinh Dịch: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ là ngũ hành, mùa thu ở hướng tây, thuộc kim. Cho nên gió thu còn gọi là “gió tây”, là “kim phong”. Bên Tàu như thế mà ta cũng vậy. Gió thu thổi theo “Gió mùa” (mousson), theo hình thể địa lý của ta là từ hướng bắc xuống, mang theo cái lạnh của Tây Bá Lợi Á, nên gọi là gió Bấc (đọc trại tiếng Bắc). Ca dao có câu:
Ra về để áo lại đây,
Để khuya em đắp (ngọn) gió Tây lạnh lùng.
Mùa thu cái gì cũng riêng. Trăng riêng, gió riêng, hoa riêng, lá cũng riêng, chim chóc cũng riêng, đó là chim di thê. Mùa thu gió bắt đầu lạnh, chim bay từng đoàn về phương nam trốn tuyết. Thời thơ ấu, tôi từng thấy trên bầu trời sông Thạch Hãn hay thời niên thiếu tôi thấy trên bầu trời sông Hương, những đàn chim bay thành hình tam giác, con đầu đàn đi trước, bay ngang khung trời xanh. Tôi thường xao xuyến vì cảnh thu ở quê nhà, mơ ước những chuyến đi xa. Nay ở bên nầy cũng vậy. Mùa thu, vài khi chợt thấy những con thiên nga dừng chân bên các hồ nước rộng trong các công viên. Chúng dừng “chân” nghỉ trên con đường trốn tuyết bay về Nam Bán Cầu.
Trên là nói về thơ cổ; còn thơ nửa cổ nửa kim thì có Tản Đà. Ông là cái gạch nối giữa những “linh hồn cũ” của thế hệ làm thơ văn bằng “chữ vuông” và thế hệ làm thơ văn bằng chữ quốc ngữ. Thu của Tản Đà cũng buồn lắm:
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi
Trần thế em nay chán nữa rồi
Cung quế đã ai ngồi đấy chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi
Có bầu có bạn can chi tủi
Cùng gió cùng trăng thế mới vui
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Cùng nhau trông xuống thế gian cười.
(Tản-Đà)
Cái cười Tản Đà cũng chỉ cười gượng đó thôi, vì một người đa tình như ông, sống ở cõi đời này cũng chỉ để buồn vì những cái rất bâng quơ:
Ngọn gió thu phong rụng lá vàng
Lá bay hàng xóm lá bay sang
Vàng bay mấy lá năm già nửa
Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng
Ngọn gió thu phong rụng lá hồng
Lá bay tường bắc lá sang đông
Hồng bay mấy lá năm hồ hết
Thơ thẩn kìa ai vẫn đứng trông
(Tản-Đà)
Lá vàng là lá đầu thu: mới quá nửa năm; lá hồng là lá cuối thu: năm gần hết. Lá từ bắc sang đông, lá từ hàng xóm bay sang, lá rụng khắp mọi nơi, làm tác giả nhớ cảnh chia ly, nhớ chuyện thiếp phụ chàng, - Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng - , nhớ cảnh cô đơn, là ai đó vẫn chờ ai trong tuyệt vọng. Thơ thẩn kìa ai vẫn đứng trông.
Người Việt Nam thường giữ tình xóm làng, kể cả lòng yêu trộm nhớ thầm một cô hàng xóm, chờ đến khi người ta đã đi lấy chồng về thăm nhà mới dám nói ra thì đã quá trễ:
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng anh tiếc lắm thay!
(ca dao)
Hay hoàn toàn im lặng như Nguyễn Bính:
Từ độ mồng tơi thôi trổ lá
Thì cô hàng xóm cũng thôi sang
(Nguyễn Bính)
Mồng tơi trổ lá vào mùa hạ. Khi thu lạnh tới thì cây mồng tơi cũng tàn, còn nữa đâu mà trổ lá, và cô hàng xóm đã đi lấy chồng. Ngồi đó mà tiếc ngẫn tiếc ngơ!
Tản Đà là thiên tài làm thơ, xuất thần làm thơ, thơ thần. Đọc thơ ông người đọc cảm nhận cái hay một cách tự nhiên trong mỗi chữ, mỗi câu chứ giải thích thì không giải thích được, đặc biệt là bài “Thề Non Nước”:
Nước non nặng một lời thề
Nước đi đi mãi không về cùng non
(Tản-Đà)
Trong những người làm thơ mới, kế cận với Tản Đà nhất có lẽ là bà Tương Phố với bản “Giọt Lệ Thu” khóc chồng là ông Thái Văn Du. Chỉ một tác phẩm nầy, bà để lại cho đời một áng văn vừa xuôi vừa thơ làm “chết đứng” tâm hồn bao người mê thơ:
Trời thu ảm đạm một màu
Gió thu hiu hắt thêm sầu lòng em
Trăng thu bóng ngã bên thềm
Tình thu ai để duyên em bẽ bàng
Anh ơi!
Thu về như gợi mối thương tâm
Mỗi độ thu sang em lại vò lòng than khóc
Mỗi năm có một lần thu
Nhưng thu năm nay đi,
năm sau còn trở lại
Hỏi ba sinh hương lửa
Thì ái ân kia dễ mấy kiếp hẹn hò nhau
Chẳng hay cơ trời dâu bể vì đâu
Xui nên chăn gối vừa êm
Sắt cầm dìu dặt ngón đàn
Bỗng ai xô lộn
Bình tan gương vỡ
Cho người dỡ duyên
Anh đi hồi ấy
Năm tháng thường về
Người không dấu vết
Năm tháng bâng khuâng
sầu lại nhớ
Thương nhau vò võ khóc vì nhau...
(Giọt Lệ Thu – Tương Phố)
Hình ảnh và chữ dùng trong “Giọt Lệ Thu” không ra khỏi những ước lệ thơ cổ, điều đó đương nhiên vì tác giả là người của đầu thế kỷ 20, lúc phong trào thơ mới vừa lên, chưa mạnh, nhưng cách phô diễn tình cảm như của bà trong đó thì đã mới mẻ lắm, mãnh liệt lắm.
Bốn câu đầu bà làm theo thể lục bát, một thể thơ dân gian rất phổ cập; phần sau viết theo thể trường đoản, niêm luật không cần nghiêm nhặt nhưng lại là văn “biền ngẫu” (lời văn đối nhau), rất phổ thông trong cổ văn.
Ngay cả những người làm thơ mới như Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư thường đã phá những khuôn mẫu, ước lệ thơ cũ nhưng nhiều khi vẫn không thoát khỏi ảnh hưởng của nó.
Chẳng hạn như bài “Nguyệt Cầm” của Xuân Diệu, ngôn ngữ và thi tứ mang rất nhiều âm hưởng Tỳ Bà Hành:
Thu lạnh, càng thêm nguyệt tỏ ngời
Đàn ghê như nước lạnh trời ơi
Long lanh tiếng sỏi vang vang hận
Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người.
(Nguyệt Cầm - Xuân Diệu)
Thu lạnh, tiếng đàn lạnh. Lạnh làm cho trăng càng thêm tỏ. Tiếng sỏi vang dưới bước chân người. “Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người”. Rõ ràng Xuân Diệu tả lại cảnh chia tay một đêm thu trên bến Tầm Dương giữa Bạch Cư Dị và người bạn. Trăng nhớ bến xưa và nhạc nhớ ngón đàn tuyệt vời của kỷ nữ đêm trăng đó đã đàn cho Bạch và người bạn nghe. Tâm sự người ca kỹ về già đã làm cho Bạch Cư Dị khóc. Cái hay Xuân Diệu có nhưng không có trong Tỳ Bà Hành là tiếng sỏi kêu dưới chân người đi. Tiếng sỏi ấy như tiếng hận của cõi lòng ly biệt. Điều tôi thắc mắc là loại đàn của người kỷ nữ đánh hôm đó là đàn tỳ-bà (Tỳ bà hành), rất phổ cập trong âm nhạc Tàu, hình bầu ở dưới, phía trên nhỏ lại mà cũng là cần đàn. Hình cây đàn tỳ bà như quả lê. (Xem bài “Tỳ bà hay Nguyệt cầm?” cùng tác gia đang trong “Viết Về Huế”, tập 1) Xuân Diệu đổi thành Nguyệt Cầm (đàn nguyệt), dưới là bầu tròn như mặt trăng, trên là cần đàn.
Nói về thơ mới mà cũ, không thể không nói đến một thi nhân nổi tiếng, một tác phẩm nổi tiếng: Quách Tấn với tập thơ “Mùa Cổ Điển”. Như ông đã nói trong nhan đề cuốn thơ của ông, mặc dầu thơ ông xuất hiện trong cùng phong trào thi ca lãng mạn đầu thế kỷ 20, thơ ông là thơ cổ điển, có nghĩa phần nhiều làm theo thể thơ Đường Luật, và cả ý thơ, lời thơ đều cổ điển cả. Bài thơ hay nhứt của ông được nhiều người ưa thích là bài “Đêm Thu Nghe Quạ Kêu”:
Từ ô y hạng rủ rê sang,
Bóng lẫn đêm thâu tiếng rộn ràng
Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng
Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng
Bồi hồi thương kẻ nương sông bạc.
Lặng lẽ nhà ai rụng giếng vàng
Tiếng dội lưng mây đồng vọng mãi
Tình hoang mang gợi tứ hoang mang.
(Quách Tấn)
Ông là nhà thơ mới nhưng thơ ông rất nhiều điển tích, là tính cách đặc biệt của thơ cổ: “Ô y hạng” là “Ngõ áo thâm”. Theo tục xưa, các gia đình làm quan to nhiều đời ở chung một xóm, ai ai cũng mặc một mầu áo thâm như nhau, để chứng tỏ thuộc nhà quan. Dòng họ Nguyễn Du ở Hà Tĩnh mấy đời đều làm quan to trong triều vua Lê chúa Trịnh; dòng họ Phan Đình Phùng, 12 đời, đời nào cũng có người đổ đại khoa (tiến sĩ), họ ở chung trong một “ô y hạng”. Bến Phong Kiều là lấy chữ trong bài thơ “Phong Kiều Dạ Bạc” của Trương Kế bên Tàu, bến sông Xích Bích là chỗ Khổng Minh bày mưu cho Tôn Quyền phá quân Tào trên sông Trường Giang, về sau ông Tô Đông Pha có làm bài phú Xích Bích nói tới trận đánh lớn nầy trong lịch sử Tam Quốc. Thụy Khuê thuật lại trên đài RFI rằng khi còn trẻ, một hôm Quách Tấn qua làng bên bốc thuốc cho mẹ, trên đường về, đi qua một rặng tre, bỗng một đàn quạ trong tre thức giấc kêu vang lên làm ông kinh hãi. Ban đầu đề bài thơ là “Nghe quạ kêu”, sau Lưu Trọng Lư đề nghị ông thêm vào hai chữ “Đêm thu”, (Đêm Thu Nghe Quạ Kêu) cho bài thơ thêm chút thi vị.
Về thơ mới, Xuân Diệu là một trong những người đi tiên phong. Không như bài trên của Quách Tấn, thêm vào chữ “Đêm Thu” thành ra bài thơ nghe có vẽ tả cảnh mùa thu.
Bài “Đây Mùa Thu Tới” của Xuân Diệu là chọn ngay đề tài mùa thu để làm thơ:
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
Đây mùa thu tới, mùa thu tới,
Với áo mơ phai dệt lá vàng
Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rủa màu xanh
Những luồng run rẩy rung rinh lá
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh
Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ
Non xa khởi sự nhạt sương mờ
Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò.
Mây vẫn từng không chim bay đi
Khí trời u uất hận chia ly
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói,
Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì?
(Đây Mùa Thu Tới - Xuân Diệu)
Trong thơ cổ, cây liễu tượng trưng cho người đàn bà hoặc sắc đẹp người đàn bà.
Trong Kiều có câu:
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai
Giải thích theo thơ Tàu: “Bồ liễu chi tư vọng thu nhi tiên diêu”. Cây bồ cây liễu là thứ cây yếu ớt, hễ trông thấy mùa thu tới thì rụng và héo rồi, ví như người đàn bà yếu ớt vậy. (Truyện Thúy Kiều, Trần Trọng Kim - Bùi Kỷ chú thích, trang 98).
Trong Kiều cũng có câu:
Khi về hỏi liễu Chương Đài
Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay.
Sách Thái Bình Quang Ký chép rằng Hàn Hoành đời Đường lấy người kỹ nữ là Liễu thị, đi làm quan xa để lại tại phố Chương Đài ở kinh đô Trường An, làm bài thơ gởi về có câu: “Chương Đài liễu! Chương Đài liễu! Tích nhật thanh thanh kim tại phủ, giả ưng phan chiết tha nhân thủ”. Nghĩa là: “Liễu Chương Đài! Liễu Chương Đài! Ngày nọ xanh xanh nay còn không, hay là tay khác đã bẻ mất rồi”. Cuối đời Thiên Bảo, Liễu thị bị tướng Phiên cướp mất. Sau Hứa Tuấn cướp lại được, trả lại cho người cũ.
(Theo Tự điển Truyện Kiều
của Đào Duy Anh và truyện Thúy Kiều
của Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ)
Tả nhan sắc Dương Quí Phi, Lý Bạch có câu:
Phù dung như diện, liễu như mi
(Mặt như hoa phù dung, mày như lá liễu).
Hoặc ta thấy câu:
Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc,
Hối giao phu tế mịch phong hầu.
Chợt thấy cây dương liễu đầu đường, lấy làm hối hận xui chồng ra đi tìm khanh tướng. Đoàn Thị Điểm diễn ý đó như sau trong Chinh Phụ Ngâm:
Chợt ngoảnh lại thấy màu dương liễu
Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong.
Dù là thơ mới, Xuân Diệu cũng khó thoát ra khỏi những ý cổ. Lá liễu như tóc người con gái với những giọt nước mắt đọng lại trên đó:
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
(Xuân Diệu)
Với Xuân Diệu, lá liễu còn là tóc quấn khăn tang. Cái buồn và tang tóc đó làm cho Xuân Diệu phải thốt to lên một tiếng than: “Đây mùa thu tới! Mùa thu tới!” Áo mùa thu, may bằng lá vàng. Trước ông, ít khi người ta nói vậy.
Cảnh thu bây giờ buồn: Hoa rụng. Lá vàng trong vườn chuyển qua sắc đỏ. Những cành khô như xương giơ cao lên, mỏng manh. Gió thổi làm những chiếc lá còn lại trên cành rung rinh theo gió.
Trăng ngẩn ngơ, nhớ, buồn và chia ly. Trời nhiều sương khói nên khung cảnh ở xa đã mờ đi. Rét mướt đã luồn theo gió thu trở về. Mùa thu tới, cuộc sống chậm lại như cổ nhân nhận xét: Xuân sanh, Hạ trưởng, Thu thâu, Đông tàng (trữ). Thu thâu là cuộc sống chậm lại, nhựa sống trong thân cây chảy chậm lại, dồn nén trong thân, rễ cây. Người ta ít đi ra ngoài hơn nên những chuyến đò ngang vắng khách. Chim bay về phương nam tìm hơi ấm. Trời, đất, người, chim chóc vạn vật đều nhuốm vẽ chia ly. Trớc cảnh buồn và chia ly đó, các cô gái bỗng thấy lòng bâng khuâng với một nỗi buồn xa xôi vô cớ, đứng tựa cửa nhìn ra khung trời xa rộng. Hình ảnh nầy rất mới. Trong thơ cũ, con gái phải kín cổng cao tường, khép kín ở phòng the.
Tư tưởng đã mới, cách diễn đạt của Xuân Diệu không những mới mà Tây, rất Tây. Không ai nói “Hơn một loài hoa” mà nói “Đã có một loài hoa”. Chỉ “rủa” (jurer) gốc là tiếng tây; người ta không nói: “Nàng trăng tự ngẩn ngơ” (động từ tự phản hồi) mà nói trăng ngẩn ngơ; sương mờ, khói làm nhạt non ở xa, chứ không nói ngược như Tây: “Non xa khởi sự nhạt sương mờ”. Trong gió đã có rét, không nói “Rét mướt “luồn” trong gió”. Đặc biệt những chữ rung rinh (lá) diễn tả độ rung chiếc lá khi gió thổi.
Có thể đây là một trong những bài thơ đầu tay của Xuân Diệu, ý tưởng tuy có mới nhưng kỹ thuật chưa hoàn hảo. Bài “Ý Thu” sau đây hay hơn nhiều:
Ý thu
Những chút hồn buồn trong lá rụng
Bị nhầu ai tưởng dưới trăm chân
Bông hoa rứt cánh, rơi không tiếng
Chẳng hái mà hoa cũng hết dần
Dưới gốc nào đâu thấy xác ve
Thế mà ve đã tắt theo hè
Chắc rằng gió cũng đau thương chứ
Gió vỡ ngoài kia, ai có nghe
Hôm nay tôi đã chết trong người
Xưa hẹn nghìn năm yêu mến tôi
Với bóng hình xưa, tăm tiếng cũ
Cách xa chôn hết nhớ thương rồi
Yên vui, xây dựng bởi nguôi quên
Muốn bước trong đời phải dẫm trên
Muôn tiếng kêu than thầm lẵng lặng
Nhưng hoa có thể cứ lâu bền
Ờ nhỉ! Sao hoa lại phải rơi
Đã xa sao lại hứa yêu hoài
Thực mà dị quá! Mà tôi nữa
Sao nghĩ làm chi chuyện nhạt phai!
(Xuân Diệu)
Cái ý thu của Xuân Diệu chính là chiếc lá có linh hồn, có phải ông chịu ảnh hưởng từ La Mélacholie de René của Chateaubriand. Lá rụng xuống đất, tưởng như có trăm bàn chân dày xéo lên nó. Hoa âm thầm rụng. Chẳng ai hái mà hoa cũng không còn trong vườn. Những con ve chưa chết, không thấy xác chúng dưới gốc; sao tiếng ve đã tắt? Gió mang đau thương về, và vỡ ở ngoài kia. Bài nầy chỉ có hai đoạn đầu là hay.
Ít ai như Xuân Diệu, ông thường sợ mất hiện tại. Tiếng thu nầy là tiếng thu cũ, tất cả rồi qua, sẽ phai nên Xuân Diệu cũng sợ hiện tại phôi pha. “Ý thu” của Xuân Diệu là xa cách, ly biệt, là nhớ thương. Dẫm đạp lên từng chiếc lá là dẫm đạp lên nỗi đau khổ của lòng. Ông nói tới sự lâu bền của hoa. Ý hoa mà Xuân Diệu nói có lẽ là tình yêu, như một đóa hoa nảy nở trong lòng người, có thể chỉ có hoa đó, hoa tình yêu, mới lâu bền. Bài nầy khác với bài “Đây Mùa Thu Tới”, nói tới “cảnh thu” thì ít mà nói tới “ý thu” thì nhiều, y như đề bài: Yêu đương, đau khổ và ly biệt thì nhiều, quả thật đó là ý nghĩa của mùa thu vậy.
Nói tới thu, người ta phải nói tới trăng vì vào mùa thu bao giờ trăng cũng đẹp. Có lẽ vì thế mà có tết Trung Thu. Trong các thi sĩ tiền chiến, ai cũng ít nhiều nói đến trăng nhưng nói nhiều nhất có lẽ là Hàn Mặc Tử. Ông viết cả tập văn xuôi “Chơi Giữa Mùa Trăng” và trăng xuất hiện trong rất nhiều bài thơ của ông.
Tuy nhiên, trước khi nói tới trăng của Hàn Mặc Tử, ta hãy trở lại với trăng Xuân Diệu:
Cũng trong bài “Nguyệt Cầm”, Xuân Diệu có mấy câu khá hay:
Trăng nhập vào đây cung nguyệt lạnh
Trăng thương, trăng nhớ hỡi trăng ngần
Đàn buồn, đàn lặng, ơi đàn chậm
Mỗi giọt rơi tràn như lệ ngân
Mây trắng trời trong đêm thủy tinh
Lung linh bóng nguyệt bỗng rung mình
Vì nghe nương tử trong câu hát
Đã chết đêm rằm thu nước xanh
(Xuân Diệu)
Ông dùng ba chữ trăng trong một câu và hai chữ đàn trong một câu khác là có ý nhấn mạnh tới ánh trăng và tiếng đàn trong đêm trăng đó.
Nói tới ngón đàn của người kỹ nữ đêm nào trên bến Tầm Dương, Tỳ Bà Hành viết là:
Tiếng cao thấp lựa chen lần gảy,
Mâm ngọc đâu lần nảy hạt châu
Trong hoa oanh ríu rít nhau
Nước tuôn róc rách chảy mau xuống ghềnh
Nước suối lạnh giây manh ngừng đứt
Ngừng đứt nên phút bật tiếng tơ
Âm thầm đau giận ngẫn ngơ
Xem ra lặng lẽ bây giờ càng hay
(Tỳ-Bà-Hành)
Từ ý đó trong Tỳ Bà Hành, thơ Xuân Diệu nảy ra ý lạ: Trăng nhập vào cung đàn lạnh. Trăng rất sáng (trăng ngần) mang cả niềm thương nỗi nhớ, không phải nhớ thương người đi xa mà nhớ thương tuổi trẻ đã qua, vì chính trong Tỳ Bà Hành có câu tả thân phận kỹ nữ khi già:
Về già phải kết duyên cùng khách thương
Khách trọng lợi khinh đường ly cách
Mãi buôn chè sớm tếch ngàn khơi
Thuyền không đổ bến mặc ai
Quanh thuyền trăng dãi nước trôi lạnh lùng.
(Tỳ-Bà-Hành)
Trong Tỳ Bà Hành, Bạch Cư Dị tả tiếng đàn của kỹ nữ nghe như tiếng ngọc (hạt châu) rơi trên mâm ngọc. Xuân Diệu thì ví như giọt nước mắt rơi xuống, không nói có rơi xuống mâm ngọc hay không, dĩ nhiên, giọt nuớc mắt rơi không tạo thành tiếng như viên ngọc rơi trên mâm ngọc.
Phải nói là trí tưởng tượng của Xuân Diệu khá phong phú, ông vừa chịu ảnh hưởng cổ văn, vừa chịu ảnh hưởng thơ văn Pháp, có cách diễn đạt mới hơn, thoáng hơn.
Bài “Chiều” của Xuân Diệu, tôi đoán tác giả tả một cảnh chiều thu vì mở đầu Xuân Diệu nói ngay đến sương. Chiều thu rất nhiều sương:
Sương trinh rơi kín từ nguồn yêu thương
Phất phơ hồn của bông hường
Trong hơi phiêu bạt còn vương máu hồng
Nghe chừng gió nhớ qua sông
E bên lau lách thuyền không vắng bờ
Không gian như có giây tơ
Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu
Êm êm trời ngẩn ngơ chiều
Lòng không sao cả hiu hiu sẽ buồn!
(Xuân Diệu)
Đúng là cái lãng mạn thi ca tiền chiến. Người ta buồn là phải có lý do. Xuân Diệu buồn chẳng có cớ nào hết. Chỉ là một buổi chiều êm, ngẩn ngơ, lòng buồn hiu hiu. Đúng là tính chất đặc biệt của thời kỳ lãng mạn mà trước và sau nó, ít khi thấy có. “Gió nhớ” (qua sông) là một ý rất lạ và rất hay. Không phải một lần Xuân Diệu nói như thế, ông nói nhiều lần:
Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn
Lá hồng rơi lặng ngõ thuôn
(Xuân Diệu)
Lá hồng rơi, có nghĩa hôm nay là mùa thu. Cảnh thu làm ông buồn vớ vẩn.
Bích Khê có hai câu thơ tả cảnh thu, được đánh giá là hai câu hay nhứt trong thi ca lãng mạn:
Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi thu mênh mông!
Trong các thi sĩ tiền chiến, không ai nói thu vui, tươi sáng. Họ chịu ảnh hưởng cả hai nền văn học Tàu và Tây; Tây thì có Chauteaubrian, Lamartine, Verlaine, Valery... với những nỗi buồn mênh mông và sâu sắc của anh chàng René trong Melamcholie De René, của Chanson d’ Automne thì làm gì có vui, mà rặt một thứ buồn lãng mạn, vô cớ; Tàu thì có “Phong Kiều Dạ Bạc” của Trương Kế, thơ của Thôi Hiệu, của Lý Bạch, “Tỳ bà Hành” của Bạch Cư Dị, mùa thu bao giờ cũng nhuốm đầy cả màu quan tái, bẽ bàng, lạnh lẽo.
Điều đáng nói hơn nữa, cái buồn của thi sĩ tiền chiến khác với thơ xưa của ta hay của Tàu ở chỗ nó thê lương hơn, ảm đạm hơn, buồn đến nỗi như Hàn Mặc Tử không nói “được nửa lời”:
Ấp úng không ra được nửa lời
Tình thu bi thiết lắm thu ơi
Vội vàng cánh nhạn bay đi trớt
Heo hắt hơi may thoảng lại rồi
Nằm gắng đã không thành mộng được
Ngâm tràn cho đỡ chút buồn thôi
Ngàn trùng bóng liễu trông xanh ngắt
Cảnh sắp về đông, mắt sẽ vơi.
(Hàn Mặc Tử)
Cảnh thu buồn bi thiết, ông muốn nhờ chim nhạn đưa thư cho “ai đó” (1) ở Gia Hội (Huế) mà nhạn đã bay đi mất rồi (“Vội vàng chi lắn nhạn lưng mây, chầm chậm cho mình gởi chút đây” -Gởi nhạn. HMT). Gió heo may thổi lại rồi, cảnh mênh mông toàn là bóng liễu...
Như đã nói, thu thường đi với trăng, trăng trung thu tròn và đẹp, nhưng khi trăng còn chỉ một nửa, người thơ lại trách:
Hôm nay có một nửa trăng thôi
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi.
Dùng chữ “cắn vỡ” (trăng) như ông là mới lắm, xưa nay chưa ai nói vậy. Dùng chữ “ai” (cắn vỡ) không những là hỏi mà hàm ý trách!
Mùa thu là mùa ly cách, lạnh lẽo, cô đơn và buồn bã. Đó là tính ước lệ trong thơ cũ cũng như thơ mới:
Đây bãi cô liêu lạnh hững hờ
Với buồn phơn phớt, nắng trơ vơ
(Cuối thu Hàn Mặc Tử)
Người ta nói buồn dìu dịu, buồn nhẹ nhàng, buồn bâng khuâng. Ông nói buồn phơn phớt. Có lẽ Hàn Mặc Tử làm bài thơ nầy khi về sống ở bãi biển Qui Hòa (tục gọi là Ghềnh Ráng) sau khi bị bệnh phung. Thời bấy giờ, khu này rất vắng vẻ làm cho Hàn Mặc Tử thấy cô đơn và buồn. Gia đình dựng cho Hàn Mặc Tử một cái chòi lá bên bờ biển, để ông ở đó một mình. Bãi cô liêu ông nói trong câu thơ trên là bãi biển Qui Hòa nầy chăng?
Theo thi sĩ Quách Tấn kể lại, mái lá căn chòi bị thủng nhiều chỗ, Hàn Mặc Tử phải lấy bìa che lại. “Bãi cô liêu” hay “vũng cô liêu” như trong bài thơ sau đây:
Ai đi lẵng lặng bên làn nước
Với lại ai ngồi khít cạnh tôi
Cớ sao ngậm cứng thơ đầy miệng
Không nói không rằng nín cả hơi
Chao ơi ghê quá trong tư tưởng
Một vũng cô liêu cũ vạn đời
(Cô Liêu - Hàn Mặc Tử)
Có người viết là “bãi cô liêu”. “Bãi cô liêu” là nói về chiều rộng, “vũng cô liêu” là nói về chiều sâu. Nỗi cô liêu của Hàn Mặc Tử lớn như thế, có khi ông cảm nhận nó bằng nỗi rộng mênh mông, có khi bằng nỗi sâu hun hút.
Mây biến thành mưa, Hàn Mặc Tử không nói thế, ông viết là:
Mây vỡ hằng hà sa số lệ
Là nguồn ly biệt giữa cô đơn
Sao không tô điểm nên sương khói
Trong cõi lòng tôi buổi chập chờn.
(Hàn-Mặc-Tử – Cuối Thu)
Mưa đem ly biệt tới, trong khi đã cô đơn rồi. Có thể Hàn Mặc Tử rơi vào cảnh cô đơn cùng cực. Lúc nầy, với ông, cái chết đã gần kề nên thơ ông có nhiều hình ảnh kinh khiếp: “Và ai gánh máu đi trên tuyết”. Có lẽ ông thấy máu đó trên trên tay chân bệnh tật của ông ta chăng? Tội nghiệp, ông qua đời lúc mới 28 tuổi.
Không những cảnh thu muộn đang héo hon mà chính lòng ông, đang bị ám ảnh vì cái chết, cũng đang héo hon vậy:
Thu héo nấc thành những tiếng khô,
Một vì sao lạc mọc phương mô
Người thơ chưa thấy ra đời nhỉ
Trinh bạch ai chôn tận đáy mồ.
(Hàn Mặc Tử)
Đúng là lời nói, là tiếng “nấc” của một người sắp chết, “Điểu chi tương tử kỳ minh giả ai, nhân chi tương tử kỳ ngôn giả thiện”. Thơ ông, khi ông sắp chết, trở nên bí hiểm mà đó cũng là điều thiện chăng?
Các nhà phê bình văn học cho rằng khi biết mình còn sống chẳng bao lâu nữa, thơ của ông thành bí hiểm. Sự bí hiểm đó nằm trong tôn giáo, cũng là điều thiện vậy. Người ta nói thu mênh mông sương khói, ông thì tả cảnh thu héo, cành khô và có tiếng nấc trong cành cây lá cỏ khô héo đó. Ông tìm một vì sao lạ, một vì sao lạ trong kinh thánh hay một vì sao bạc mệnh của đời ông, như Vũ Trọng Phụng viết: “Tôi sinh ra đi dưới một ngôi sao xấu”. Vì sao đó là bản mệnh của mỗi chúng ta. Trong những năm cuối đời, bị đau khổ tinh thần cũng như thể xác dằn vặt, bị ám ảnh bởi cái chết, và mong cầu một cuộc đời hạnh phúc mai sau, thơ ông mang màu sắc tôn giáo, - Thiên chúa giáo -, khá đậm. Vì sao lạ tượng trưng cho thánh thần xuất hiện. Hàn Mặc Tử tìm một vì sao lạ nhưng lại để mong cầu một nhà thơ.
Đặc biệt thơ ông hay nói tới máu, là nói tới máu khô ở những vết thương trên da thịt ông đó chăng? Máu ở đây không phải là máu trong đấu tranh chém giết.
Máu đã khô rồi, thơ cũng khô
Tình ta chết yểu tự bao giờ
(Trút linh hồn - Hàn Mặc Tử)
Thơ ông là máu, nên khi máu khô thì thơ cũng khô, thơ cũng không còn. Nếu máu là tượng trưng cho đau khổ thì thơ ông cũng vậy. Nó làm cho Hàn Mặc Tử trở thành điên dại:
Thưa tôi không dám say mê
Một mai tôi chết bên khe ngọc tuyền
Bây giờ tôi dại tôi điên
Chắp tay tôi lạy khắp miền không gian!
(Hàn Mặc Tử)
Như đã nói, thơ mới chịu ảnh hưởng thi ca lãng mạn Pháp khá đậm. Muốn cho tình cảm thật dạt dào, sôi động, thắm thiết, nhiều khi người ta vay mượn tình cảm, vay mượn đề tài, vay mượn nỗi buồn, nỗi nhớ của người khác để rên xiết than vản, như Chế Lan Viên chẳng hạn.
Ông là người kinh, họ Phan (Phan Ngọc Hoan, quê ở Cam Lộ, Quảng Trị), lấy bút hiệu là Chế Lan Viên, để người ta lầm tưởng ông là người Chiêm (Có thời ông làm thông phán ở Phan Rang) để dễ khóc với “Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi”.
Vay mượn, người ta cũng gọi là “thương vay khóc mướn” thì không hay dù có khi người ta cố viết cho thật não nùng:
Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu
Với tôi tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau
Ai đi trở lại mù thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng
Cùng với lá vàng tan tác rụng
Về đây đem chắn nẻo xuân sang.
(Chế Lan Viên)
Ông không chờ mùa xuân vui tươi, ông chỉ muốn mùa thu có lá vàng rụng tan tác.
Trong khi đó, Hồ Dzếnh, một người không phải là một trăm phần trăm Việt Nam (bố ông là người Tàu, không nói sỏi tiếng Việt) thì thơ của ông lại rất Việt Nam:
Trời không nắng, cũng không mưa
Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung
Đúng là cảnh dịu dàng của mùa thu!
Đâu hình tàu chậm quên ga,
Buâng khuâng gió nhớ về qua lá dày
(Mùa thu năm ngoái, Hồ Dzếnh)
Làm gì có tàu quên ga, chỉ ông có khi quên mất đường về vì cái tính giang hồ lãng đãng của nghệ sĩ thì có. Nhớ về trong gió và qua lá cây. Ý đó thật lạ! Ông lấy ý của Xuân Diệu hay Xuân Diệu lấy ý của ông. Xuân Diệu viết “Gió nhớ qua sông” còn ông thì viết: “Gió nhớ về qua lá dày”.
Chữ “năm ngoái” ở đề bài thơ là một chữ rất Việt Nam và rất dễ yêu. Nguyễn Khuyến cũng có “Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái”. Trong truyện Kiều thì “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”.
Cái đặc biệt trong thơ Hồ Dzếnh là sự chừng mực, không có cái gì quá lắm, đúng là cái dìu dịu của thu: “Không nắng cũng không mưa”, rét cũng vừa phải: “hiu hiu rét”. Thương nhớ cũng chừng mực: “vừa” (nhớ thương). Nhưng cái dìu dịu vừa phải của Hồ Dzếnh thì lại có một kết quả sâu sắc: “quên ga”, như trong câu đầu.
Bài “Thu” của ông, bốn câu trên không được hay lắm, nhưng các đoạn sau thì ý tưởng thật mới lạ mà thơ thì rất nhẹ nhàng:
... tất cả một mùa thơ
Tất cả lều tranh, cả khói mờ
Cả gió mây đưa buồn lắng xuống
Cả lòng tôi với cả lòng cô
Có một nghìn cây rũ rượi buồn
Một nghìn sông rét, vạn hoàng hôn
Dăm thân thiếu nữ gầy như trúc
Đứng chịu tang trời đổ bóng đơn
Thu xa bằng gió bằng mây
Không gian thở nhẹ
buồn vây chìm chìm
Lòng không ai cấm mà im
Không dưng bỗng nhớ,
không tìm bỗng mong
Nơi tôi còn ít lá lòng
Chiều nay rơi nốt
vào trong lá rừng./
(Hồ Dzếnh)
Khổ thơ giữa thật hay. Rừng có một nghìn cây là một rừng cây buồn, một nghìn sông rét, vạn hoàng hôn. Hai câu nầy tả cảnh toàn bộ không gian và thời gian, tất cả đều buồn, đều rét. Những cây tre vươn lên qua các lều tranh có khói mờ bốc lên, giữa cảnh cô đơn, ảm đạm.
Có một độ, trước năm 1945, trên con đường lưu lạc Bắc Nam, Nguyễn Bính ghé lại Huế. Ông thấy người ở hoàng thành còn mang màu cổ kính:
Mùa thu hoa cúc vàng lưng giậu
Thiếu nữ mơ màng áo trạng nguyên.
(Nguyễn Bính)
Hoa cúc nở vào mùa thu mà ở Huế, trước 1945, còn rất nhiều vườn, nhiều phủ của các ông hoàng bà chúa, quan quyền. Hoa cúc nở vàng bờ giậu khiến các cô thiếu nữ mơ màng việc lấy chồng, mơ được làm vợ một ông trạng nguyên (áo trạng nguyên màu vàng và quan trạng được vua chọn làm phò mã (?), dù các khoa thi đình của triều đình Huế không chấm trạng nguyên (2). Người Huế đổi thay kể từ khi Pháp đặt nền đô hộ, và họ càng thay đổi nhiều hơn nữa khi vị vua cuối cùng triều Nguyễn không còn ở trong Tử Cấm Thành. Cùng với vua quan và cung phi mỹ nữ, hoa cúc vàng cũng lui sâu vào dĩ vãng, và chiếc áo màu vàng của quan trạng trở thành huyền sử cố đô.
Ngay từ thời kỳ đó, khi bước chân giang hồ của Nguyễn Bính dừng lại Huế, ông cũng chỉ thấy:
Trường Tiền vắng ngắt người qua lại
Đập đá mênh mông bến nước đầy
Đò vắng khách chơi nằm bát úp
Thu về mang lại gió heo may
(Nguyễn Bính)
Cầu Trường Tiền vắng khách, đò vắng khách, đập đá mênh mông nước, gió heo may đã về. Cơn lạnh của gió heo may xô người ta vào trong nhà, đóng cửa lại. Ai từng ở Huế, mới biết cái lạnh của Huế khá đặc biệt, thấm thía. Trong cái lạnh của Huế, nhiệt độ không xuống thấp như ở Bắc Mỹ nầy, nhưng sao nó lại nhức buốt xương tủy, xót xa da thịt đến làm vậy?!
Mùa thu Việt Nam
Tôi muốn nhắc lại đây một mùa thu rất xưa, bài Vịnh Thu của bà Ngô Chi Lan:
Gió vàng hiu hắt cảnh tiêu sơ
Lẻ tẻ bên trời bóng nhạn thưa
Giếng ngọc sen tàn bông hết thắm
Rừng phong lá rụng tiếng như mưa
(Ngô-Chi-Lan/ Vịnh Thu)
Kể từ bài nầy cho đến những bài tả cảnh thu về sau như trong truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc, Hoa tiên, v, v... bài nào tả cảnh thu cũng hay nhưng rất ước lệ, nghe như có vẽ là thu bên Tàu: Có giếng ngọc (ngọc tỉnh), có lá ngô đồng, có rừng phong, có bóng nhạn. v v... Ngay cả những tác phẩm thi ca lãng mạn, cũng không hoàn toàn thoát khỏi những ước lệ đó. Ví dụ như trong thơ Hàn Mặc Tử ta thấy:
Vội vàng chi lắm nhạn lưng mây
Hoặc:
Trước sân anh thơ thẩn,
Đăm đăm trông nhạn về
(Gái quê)
Vậy trong văn thơ Việt Nam, không có mùa Thu Việt Nam chăng?
Bạn đọc hãy đọc ba bài sau đây của Nguyễn Khuyến:
Thu điếu
(Mùa thu câu cá)
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Nước biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lững trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
Thu vịnh
(Vịnh cảnh thu)
Trời thu xanh ngắt mấy từng cao
Ngõ trúc quanh co gió hắt hiu
Nước biếc trông như tầng khói phủ
Song thưa để mặc bóng trăng vào
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái
Một tiếng trên không ngỗng nước nào
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.
Thu ẩm
(Mùa thu uống rượu)
Năm gian nhà cỏ thấp le le
Ngõ tối đêm khuya đốm lập lòe
Lưng giậu phất phơ làn khói nhạt
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe
Lưng trời ai nhuộm mà xanh ngắt
Mắt lão không viền cũng đỏ hoe
Rượu tiếng rằng hay hay chẳng mấy
Độ năm ba chén đã say nhè.
Nguyễn Khuyến mô tả ba cái thú vui đặc biệt của người Việt trong mùa thu: câu cá, uống rượu và làm thơ. Đó là những thú vui thanh cao ngày xưa. Câu cá là thú vui cô đơn. Vần “eo” là một vần nghèo (ít chữ), lại khó gieo. Cảnh câu cá ở đây là một cảnh rất quen thuộc ở miền quê nước ta, nhất là vùng trung châu Bắc bộ và vùng quê Trung bộ, vùng có nhiều hồ ao. Đây là ao làng, nơi dân làng có thể ra đó tắm giặt, lấy nước. Cảnh Nguyễn Khuyến mô tả ở đây như một bức tranh quê Việt Nam. Những chi tiết trong tranh đơn sơ, giản dị, bình thường. Hình ảnh cũng như màu sắc rất quen thuộc. Một chiếc thuyền câu trên mặt ao màu xanh. Phải là thiên tài mới vẽ được cái lạnh lẽo trên mặt hồ thu; mặt nước lăn tăn sóng (gợn tí), có chiếc lá vàng (tương phản mặt hồ xanh) bay nhanh trên mặt nước (đưa vèo). Bầu trời xanh ngắt, vắt ngang qua đó là mấy tầng mây.
Để tiện lấy nước sinh hoạt, làng quê Việt Nam thường nằm bên một con sông hay một hồ nước. Do đó, ngồi trên hồ, tác giả thấy cái ngõ làng quanh co, vắng bóng người. Tất cả hình ảnh trên, rất thường thấy ở miền quê Việt Nam, ngay cả cái ngõ trúc cũng không lạ gì với chúng ta. Những người ở thành phố cũng có thể thấy ngõ làng qua “Xóm Giếng Ngày Xưa” của Tô Hoài:
Những hình ảnh đó vắng, buồn và lặng lẽ; lặng lẽ đến nỗi tác giả nghe được cả tiếng cá lâu lâu móng nước dưới chân bèo. Âm thanh và màu sắc được phối trí rất hài hòa. Thi sĩ không cần sáng tạo vì âm thanh đó, màu sắc đó là những cái rất tự nhiên ở làng quê. Cái tài của tác giả là nhận xét và phô diễn ra bằng lời. Cái tĩnh lặng của miền quê Việt Nam là cái tĩnh lặng của cuộc sống, của thiên nhiên cả ngàn năm không có gì thay đổi trước khi có cuộc “Cách mạng mùa thu”, tiếp sau là cuộc “Cải cách ruộng đất” mà tiếng than khóc và máu đỏ tuôn ra, tương phản với không khí tĩnh lặng của ruộng đồng, các lũy tre làng êm ả.
Bài “Thu Vịnh” vừa tả cảnh vừa tả tình. Đó cũng là cảnh thu Việt Nam, một cảnh thu ở miền quê giống như bài “Thu điếu”. Trời xanh cao, ngõ xóm vắng vẻ, gió thổi nhẹ (hắt hiu), cửa sổ mở cho bóng trăng chiếu vào (song thưa). “Mặc” là chữ nôm (Song thưa để mặc) đưa vào thơ khó hay. Tuy vậy, sau nầy Thế Lữ lại dùng cũng khá hay (“Điềm nhiên mặc kệ con người vớ vẫn”, Khách Chinh Phu). Trước hàng rào, lại thấy mấy chùm hoa nở. Hoa nầy năm ngoái nở rồi, nay lại nở. Chữ “năm ngoái” biểu lộ một sự gần gủi thân quen, một cố nhân, làm người ta nhớ câu thơ của Thôi Hộ (“Đào hoa y cựu tiếu đông phong”) mà Nguyễn Du diễn ý đó trong Kiều là “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”.
Hoa thì biết rồi, năm ngoái, như cũ, nhưng ngỗng thì không biết từ nước nào bay tới. Nguyễn Khuyến gọi nôm na là ngỗng, không văn chương như các nhà thơ làm thơ ước lệ, gọi là nhạn, là hồng.
Trước cảnh thiên nhiên đẹp một cách đơn sơ, gần gũi và gợi tình như thế, tác giả tính làm thơ, vài câu ngẫu cảm nhưng lại hổ thẹn với Đào Tiềm, nhà thơ Trung Hoa nổi tiếng. Đó là sự khiêm nhượng chăng, chứ xem ra cả ba bài thơ tả cảnh thu của ông, người ta khó phủ nhận đó là tuyệt tác.
Xin trở lại vần “oe” hay “e”, hai vần nầy hơi giống nhau, đi với nhau cũng được, là một vần nghèo, như đã nói trong bài “Thu Điếu”. Phải là người có tài mới gieo vận nhanh khi dùng vần nầy. Bài thứ ba có vài ý mâu thuẫn nhau. Mới đọc, người ta tưởng tác giả tả cảnh thu về đêm. “Ngõ tối đêm khuya đốm lập lòe”. Trời tối mới thấy đom đốm lập lòe trong ngõ. Nhưng tiếp đó, ở câu ba, Nguyễn Khuyến lại viết: “Lưng giậu phất phơ làn khói nhạt”. Phải trời còn sáng mới thấy làn khói nhạt bay lên, hơi sương bay lên thì đúng hơn, tương tự như “Yên ba giang thượng” vậy. Phải trời tối mới thấy bóng trăng loe dưới ao (Làn ao lóng lánh bóng trăng loe), nhưng tiếp đó lại là cảnh ban ngày “Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt”. Chắc chắn cảnh nầy không phải là cảnh sáng hay trưa, mà chiều hay chập choạng, chạng vạng, hoàng hôn. Lúc đó, ngõ tre thì đã tối lắm, có thể tối như lúc đêm khuya. Xem lại bài “Xóm Giếng” như tôi nói ở trước, độc giả có thể hiểu, nhất là ai từng sống ở quê. Con đường làng có hai hàng tre hai bên, che kín trên đầu là kín lắm, có khi nhìn lên không thấy trời, thành ra trời mới chiều ngõ đã tối um, đom đóm bay ra kiếm ăn. Lúc hoàng hôn, dưới ao sâu, cảnh cũng đã tối nên dễ thấy bóng trăng. Thực ra, tác giả tả cảnh chiều và sắp tối ở miền quê. Vì cấu trúc thơ Đường khắt khe, nên Nguyễn Khuyến khó tả cảnh theo thứ tự thời gian.
Tác giả cũng tả phong thái của ông khi uống rượu, hòa mình với khung cảnh thiên nhiên của mùa thu nơi thôn dã, thung dung nhàn hạ của một ông già điềm đạm, vui với thời gian và không gian. Thời gian có tính tổng quát, không cần xác định một cách máy móc sớm trưa chiều tối, không gian là khung cảnh êm đềm tĩnh lặng, thanh thoát gần gủi thiên nhiên của vùng quê Việt Nam. Nói chung, đó chính là vô vi của Lão Trang, sống hài hòa cùng thiên nhiên, không có gì trái nghịch với tạo hóa, là thông đạt triết lý Lão Trang một cách sâu sắc vậy.
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt
Mắt lão không viền cũng đỏ hoe
(Nguyễn Khuyến)
Phép đối ở đây khá hoàn chỉnh, tự nhiên, đạt tới cao điểm của nghệ thuật, đến nỗi không còn thấy sự đẻo gọt công phu, cầu kỳ thường có ở những người làm thơ Đường. Chữ lão là một nhân xưng đại danh từ ngôi thứ nhất số ít, người già thường dùng để tự xưng. Hai câu kết tả tình, cái sở thích của tác giả. Mùa thu lạnh. Người già thích uống rượu, có tiếng là hay rượu nhưng thực ra cũng chẳng có gì là hay.
Cả ba bài nầy đều nói về thu, bối cảnh hơi giống nhau: Cảnh thôn quê Việt Nam cho nên không có những ước lệ như rừng phong (cây phong chỉ mọc ở hàn đới), không quan tái, tóc liễu, lá ngô đồng. Nét đặc biệt của thôn quê Việt Nam là tĩnh lặng, êm đềm, vắng vẽ. Sự rộn ràng của những bến sông, tiếng đùa vui những lúc thả diều trên cánh đồng sau làng chỉ rộn lên ngắn ngủi trong những ngày hè, nay biến mất khi gió heo may bắt đầu thổi, khi những đám mây đen vần vũ báo hiệu thu sang. Tác giả cũng gởi tình cảm vào thơ nhưng không như các nhà thơ lãng mạn, tình cảm của ông chừng mực, vừa phải, không có những cái bi thiết, quay quắt, rên la trong cảnh thu. Ông tả đẹp thì đẹp vô cùng mà thực cũng là rất thực, không vay mượn cảnh sắc của Tàu như những người làm thơ trước ông hay cảnh sắc của Tây ở những thế hệ sau ông.
Bàn tới mùa thu trong thi ca lãng mạn mà không nói tới “Tiếng Thu” của Lưu Trọng Lư có thể là một thiếu sót bởi bài thơ nầy được nhiều người biết, nhiều người thích, Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh có bàn tới. Lưu Trọng Lư có một tập thơ nhan đề là “Tiếng Thu” xuất bản trước 1945, trong đó, ông có một số bài nói về mùa thu tôi sẽ bàn sau đây.
Lưu Trọng Lư lại là người rất mơ mộng. Sự mơ mộng làm cho ông đãng trí đến nỗi, như Hoài Thanh giới thiệu trong Thi Nhân Việt Nam có lần Lưu Trọng Lư đọc hai câu thơ:
Giật mình ta thấy mồ hôi lạnh
Mộng đẹp bên nhau đã biến rồi
mà cứ tưởng đó là hai câu thơ của Thế Lữ, nhưng chính lại là của Lưu Trọng Lư.
Nói chuyện thơ thẩn mơ mộng như thế nầy, phải nói rằng ai đã từng ở Huế, lớn lên ở Huế, chỉ trước 1945 mà thôi mới thấy những cái lạ lùng của xứ Thần Kinh. Huế có cảnh sắc thơ mộng, núi Ngự sông Hương thì điều đó đã hẳn, nhưng trai gái Huế cũng mơ mộng không kém. Trong cuốn “Nửa Bồ Xương Khô” Vũ Anh Khanh kể lại một cảnh thực. Cứ cuối tuần, học sinh trai gái Huế, phần đông là học sinh trường Đồng Khánh, Khải Định rủ nhau đi chơi lăng hay chơi núi Ngự Bình. Núi Ngự hồi ấy còn thông dày đặc, còn bậc cấp đá đi lên ở mặt sau ngọn núi. Người ta vào chơi trong rừng thông, ca hát, đàn sáo, v.v... và cũng có người thổi sáo khá tuyệt. Người ta mơ mộng và say mê thi ca đến độ xảy ra những trường hợp đặc biệt, như có cậu học trò tên là B. mê “Giọt Lệ Thu” (tôi có dẫn mấy câu đầu ở trên) đến độ sa tình, điên loạn. Khi vào thi vấn đáp Brevet (tốt nghiệp cấp hai), anh ta đọc một lèo “Giọt Lệ Thu” rồi bỏ về. Sau anh ta thi vào Sở Xe Lửa Huế, cũng chỉ đọc “Giọt Lệ Thu” mà thôi. Về sau, ông ta bị điên hẳn.
Lưu Trọng Lư là người mơ mộng nên ông thường ngơ ngác trước cuộc đời, y như con nai vàng trong bài thơ “Tiếng Thu” của ông:
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng vàng thổn thức
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô
(Lưu Trọng Lư)
Rất nhiều người khen và thích bài thơ nầy. Phạm Duy đã phổ nhạc. Cũng có người cho rằng bài nầy Lưu Trọng Lư phỏng ý thơ bài “Chanson d’ Automne” của Verlaine. Điều nầy, nếu có cũng không gì lạ vì các nhà thơ lãng mạn tiền chiến chịu ảnh hưởng thơ ca lãng mạn Pháp và chính Xuân Diệu cũng gián tiếp xác nhận như thế khi viết:
Tôi nhớ Rimbeau với Verlaine
Hai chàng thi sĩ choáng hơi men
Say thơ xa lạ mê tình bạn,
Phá bỏ khuôn mòn, những lối quen.
(Xuân Diệu)
Trong thơ cổ của ta, có lẽ không ai tả cảnh thu mà có hình ảnh con nai. Hình ảnh “con nai vàng ngơ ngác” trong mấy chục năm trở lại đây trở thành một “thành ngữ” trong câu nói thường ngày của người Việt chúng ta, bắt nguồn từ trong câu thơ của Lưu Trọng Lư vậy. Tác giả hỏi một em vô hình nào đó có nghe tiếng lòng thổn thức của cô phụ. Tại sao cô phụ thổn thức. Cũng là tại cảnh thu nhắc nhở người đàn bà việc xa chồng. Bao giờ cũng vậy, ý nghĩa mùa thu là ly cách, làm cho người ta, nhất là phụ nữ nhớ cảnh ly biệt.
Trong rừng thu, lá thu đã rụng nhiều, tiếng chân nai đi xào xạc trên lá khô. May mắn tôi ở đây là vùng cấm săn sai, trên xa lộ có nhiều bảng hiệu cảnh giác nai băng qua đường, và tôi không dấu được niềm vui vì nhiều lần thấy bóng những con nai xuất hiện bên đường đi, ngơ ngác nhìn xe chạy qua, hoặc có khi nai cũng vào vườn nhà người ta tranh nhau ăn những trái táo rụng trong vườn. Chúng chỉ bắt đầu xuất hiện khi mùa thu tới. Mùa hạ, nai lên vùng cao kiếm ăn. Khi những cơn lạnh đầu tiên tới, nai theo những con đường quen, tìm về vùng thấp, như Huy Cận mô tả:
Bỗng dưng buồn bã không gian
May bay lũng thấp, giăng màn âm u
Nai cao gót lẫn sương mù
Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về
Sắc trời trôi nhạt dưới khe
Chim đi lá rụng cành nghe lạnh lùng
Sầu thu lên vút song song
Với cây hiu quạnh, với lòng quạnh hiu
Sắc xanh nhạt cả buồn chiều
Nhân gian e cũng tiêu điều dưới kia
(“Thu Rừng”, Lửa thiêng, Huy Cận)
Có thể bài thơ nầy được gợi hứng từ hoàn cảnh sống thực tế: Huy Cận họ Cù, thuộc người sắc tộc, sinh trưởng ở mạn thượng du tỉnh Thanh Hóa. Những nhận xét của ông về một mùa thu ở rừng rất thật và rất thi vị. Khung cảnh thiên nhiên được Huy Cận bắt rất nhanh qua tâm hồn một nhà thơ lãng mạn, điều đó xác định thêm nỗi buồn khi ông thấy không gian thay đổi, có lẽ chính yếu ở trời và cây rừng. Trời thì nhiều mây, trên các thung lũng, như giăng màn che bớt núi non. Huy Cận tả cảnh trời không bằng cách nhìn lên mà nhìn xuống: “Sắc trời trôi nhạt dưới khe”. Lá rụng nhiều, các bờ khe trống ra, in bóng trời cao rọi xuống. Con nai xuống khe uống nước, nhìn nước trôi trong lòng khe mà tưởng trời cũng trôi theo nước. Khi con chim bay đi, sự nhún nhảy của nó tạo một sức động làm cho chiếc lá rụng. Đây là một nhận xét tinh tế khác với người xưa. Xưa, khi tả chim và lá, như bà Tiết Đào thì cho rằng: “Chi nghinh nam bắc điểu, diệp tống vãng lai phong”. Ở một cành cây những con chim từ phương nầy hay phương khác tới, chiếc lá rung rinh theo ngọn gió qua lại. Người ta cho đàn bà làm thơ như thế là không đứng đắn. Đón người nầy người kia, ngọn gió nầy gió nọ là “Dập dìu lá gió cành chim, Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Tràng Khanh”, là cuộc sống của Kiều ở lầu xanh. Xuân Diệu cũng có một câu tương tự: “Cành biếc run run chim ý nhi”. Nhưng không phải “khẩu khí” một cô gái ngày sau vào ở chốn lầu xanh. Huy Cận không nói ý đó, với ông, một con chim nhún bay đi làm thêm một chiếc lá rụng, thêm một sự chia lìa.
Huy Cận cũng nhận xét tinh tế cách sống của loài nai. Khi những cơn lạnh đầu mùa theo gió về, nai bỏ các vùng cao xuống vùng thấp hơn để trốn lạnh. Chúng theo những lối đi quen (nẻo thuộc). Con nai xuống suối uống nước, nhìn sắc trời trong khe, nhìn sương thu bay lên cao, từng ngọn song song, nó tự hỏi con người sống ở vùng đồng bằng chắc cũng buồn khi mùa thu tới. Trong thi ca, khi cần nhấn mạnh một ý nào đó, người ta thường dùng phép “điệp ngữ” hay “đão ngữ”. Huy Cận theo bút pháp thứ hai khi ông dùng “hiu quạnh” (cây) và “quạnh hiu” (lòng). (“Với cây hiu quạnh, với lòng quạnh hiu”).
Mơ mộng như Lưu Trọng Lư, ông buồn khi thấy lá mùa thu rụng nên ông viết bài thơ “Mùa Thu Rụng Lá”. Bài nầy chỉ có mấy câu sau đây là hay nhứt:
Lòng anh như nước hồ thu lạnh
Quạnh quẽ đem soi bóng nguyệt tà
Ngày tháng anh mong chầm chậm lại
Hững hờ em mặc tháng ngày qua.
(Lưu Trọng Lư)
Lòng ông lạnh không phải ông không còn yêu nhưng chính vì người yêu đã bỏ ông, vì “Vội vã cô em đi lấy chồng” (Mùa Thu Rụng Lá) để đêm đêm ông trải lòng mình ra trên “mặt nước hồ thu lạnh” đón nhận ánh trăng đã xế tà. Ở một số bài trong tập “Tiếng Thu”của ông, không thấy ông dùng chữ thu nhưng đọc qua, biết ông đang nói tới mùa thu:
Gió thổi hôm nay lá rụng nhiều
Cậy em đan hộ tấm tình yêu
Để về mang ủ lòng anh lạnh
Cho khoảng đêm trường đỡ quạnh hiu.
(Mùa thu đan áo)
hoặc là:
Hoa lá quanh nàng lác đác rơi
Cuối vườn đeo giỏ hái mồng tơi
Mồng tơi úa đỏ đôi tay nõn
Cô bé nhìn tay nhí nhảnh cười.
(Lá mồng tơi, Lưu Trọng Lư)
Mồng tơi là loại cây leo mọc hoang ở hàng rào; có khi người ta cũng trồng thành luống để lấy lá nấu canh. Trái mồng tơi màu đỏ tím như màu mực học trò, trẻ con thường hay nghịch. Cô em của Lưu Trọng Lư tuy đã lớn nhưng còn nghịch như trẻ con.
Nguyễn Bính có mấy câu nói về mồng tơi, nôm na hơn nhưng lại khá hay:
Từ độ mồng tơi thôi trổ lá
Thì cô hàng xóm cũng thôi sang
Hoặc:
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau có giậu mồng tơi xanh rờn
Hai người sống giữa cô đơn
(Nguyễn Bính)
Bài “Lá Bàng Rơi” của Lưu Trọng Lư có mấy câu nói về thu rất đẹp:
Sớm vin cành liễu so màu tóc
Chiều ngắt hoa lê đọ nụ cười
Người đẹp bên sông sầu chưa biết
Bên sông ngày lượm lá bàng rơi.
(Lưu-Trọng-Lư)
Khi hết hè, mồng tơi thôi trổ lá và tàn lụi dần.
Có điều buồn cười là các nhà làm thơ mới thường đã kích lối làm thơ cổ, nhất là Đường thi, nhưng họ vẫn không thoát ra khỏi những ước lệ thơ cổ. “Vin cành liễu”, “so màu tóc”. Như đã nói ở trên, theo xưa thì cây liễu tượng trưng cho người đàn bà con gái. Lưu Trọng Lư lại còn dùng cả phép đối trong thơ Đường. Hễ “Sớm vinh cành liễu” thì “Chiều ngắt hoa lê” là phép “tiểu đối”. Cái ý bến sông xa cách ngày nay thường thấy trong văn chương. Thạch Lam thì có “Bên Kia Sông”, Huy Cận thì có “Không cầu nối lại niềm thông cảm”, Lưu Trọng Lư thì có “Người đẹp bên sông” hay “Hoa rụng bên sông”.
Tôi đã giới thiệu bài “Thu Rừng” của Huy Cận ở phần trước. Trong tập “Lửa Thiêng” của ông, còn một bài nói về thu nữa. Bài nầy, ông tả qua cảnh thu về, có hoa rụng, có sương nặng trên đầu ngọn tre, có lạnh về theo gió. Thu tới thật nhẹ nhàng mà đóa hoa cúc nở ra cũng ngỡ ngàng. Có cô con gái nhỏ đi chơi trong vườn nhìn hoa tạ từ, mầu hoa đậm và nhớ nhung.
Hôm qua thu mới về
Với một cành hoa gãy
Sương nặng gieo đầu tre
Lạnh tràn theo gió đẩy
Thu tới trong vườn bên
Ngỡ ngàng màu cúc mới
Đêm qua bên láng giềng
Êm tựa nhàn, thu tới
Cô gái nhỏ thung dung
Qua miếng vườn hoa nhỏ
Đất nằm im dưới cỏ
Hoa tạ màu nhớ nhung
Nói chừng nầy làm sao hết cả thu trong trường thơ lãng mạn tiền chiến. Thi nhân thời ấy nói về thu nhiều lắm, nói mãi cũng không sao hết được. Vì sao? Như đã nói, mùa thu là mùa ly biệt, mùa đất trời chuyển dịch, mùa của nhớ nhung, trông chờ. Tình cảm tâm hồn người bị giao động, xúc cảm, có khi rất mãnh liệt, làm cho người ta sinh ra than vãn, khóc lóc lắm lúc thật não nề.
-o-
Cõi âm trong thơ
Tôi tính chấm dứt bài viết về mùa thu, nhưng nghĩ lại, tới thu thì âm thịnh dương suy, không nói về ma quỉ một chút thì e rằng bỏ qua một khía cạnh độc đáo của thi ca nói về mùa thu. Quả thật, các mùa khác, ít ai làm thơ ma.
Có lẽ người Trung Hoa làm thơ ma trước ta khá lâu. Đời nhà Thanh, khi Bồ Tùng Linh viết “Liêu Trai Chí Dị” (3), có Vương Ngư Dương đề thơ như sau:
Cô vọng ngôn chi, cô thính chi
Đậu bằng qua giá, vũ như ti
Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ
Ái thính thu phần quỷ xướng thi
(Vương Ngư Dương)
Tản Đà dịch như sau:
Nói láo mà chơi, nghe láo chơi
Giàn dưa lún phún hạt mưa rơi
Chuyện đời chán hẳn, không thèm nhắc
Thơ thẩn nghe ma đọc mấy lời
Đào Trinh Nhất dịch như sau:
Cứ nói tràn, cứ nghe tràn
Đêm mưa thánh thót trên giàn đậu dưa
Chuyện đời đã ngán xưa giờ
Thích nghe ma quỉ dưới mồ ngâm thơ!
Việt Nam, khoảng giữa thế kỷ 20, có một người làm thơ nổi tiếng rất “liêu trai”, có một tập thơ nghe rờn rợn, đó là tập “Mê Hồn Ca”. Thơ ma của ông, Đinh Hùng, có bài sau đây hay nhứt:
Bài thơ chiêu niệm
Trời cuối thu rồi em ở đâu
Nằm trong đất lạnh chắc em sầu
Thu ơi! Đánh thức hồn ma dậy
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu!
Em mộng về đâu!?
Em mất về đâu!?
Từng đêm tôi nguyện, tôi cầu
Ấy mầu sương khói là mầu mắt xưa
Em đã về chưa
Em sắp về chưa
Trăng sao tắt ngọn đèn mờ
Ta nằm nhỏ lệ, khóc thơ gọi hồn
Thần chết cười trong bộ ngực điên
Ta nghe em thở tiếng ưu phiền
Nắm xương khô lạnh còn ân ái
Bộ ngực bi thương vẫn rợn tình
Hỡi hồn tuyết trinh
Hỡi người tuyết trinh
Nghe ta em thoát thân hình
Nhập hồn cây cỏ đa tình mỗi đêm
... ... ...
Các thi sĩ của ta xưa nay chưa ai viết về thơ ma ghê rợn như ông. Ma đang ngũ trong nấm mồ lạnh lẽo, ông biểu đánh thức ma dậy để ông vào thăm nói chuyện chơi. Ông không chơi với ma đói, ma khát, ma què, ma chết trận chết đường, ma Kinh tế mới (4) mà chỉ chơi với ma con gái, ma đẹp; hèn chi trong “Liêu Trai Chí Dị”, hồ ly hiện hình là biến thành một cô gái dung nhan mỹ miều để mê hoặc những người dại gái. Trong bộ ngực vẫn rợn tình của cô gái Liêu Trai là tiếng cười của thần chết.
Cả hai tập thơ của ông “Mê Hồn Ca” in năm 1954 và “Đường Vào Tình Sử” in năm 1961, tập nào cũng phảng phất ma quỉ ghê rợn, ai nhát gan không nên đọc một mình lúc đêm khuya:
.. .. .. .. .. ..
Nếp nhàu vai áo sang thu
Xin em đừng khóc gối mưa giận hờn
Gầy hao lửa nến linh hồn
Nhìn gương sợ bóng cô đơn lạ người
Giật mình biến động mù khơi
Gió mưa chợt vắng tiếng đời xót thương
Tượng sầu nguyện khói pha sương
Dỡ vuông khăn liệm, mùi hương còn nồng
(Nếp áo sang thu, Đinh Hùng)
Rời tay nhịp phách đoạn trường
Hồn đêm nay thấm mùi hương năm nào?
Sầu che nửa mặt chiêm bao
Dòng mưa thu lệ chìm vào phấn son
Nét mày cong vút núi non
Mênh mông xiêm trắng linh hồn vào thu
(Vào Thu, Đinh Hùng)
Nắng trôi vàng chảy về đâu
Hôm nay mới thực bắt đầu vào thu
Chiều xanh trắng bóng mây xưa
Mây năm xưa đã phiêu du trở về
Rung lòng dưới bước em đi
Lá vàng gợi lại phân ly mất rồi
Trời hồng chắc má em tươi
Nước trong chắc miệng em cười thêm xinh
Em đi, hoài cảm một mình
Hai lòng riêng để mối tình cô đơn
Hôm nay tưởng mắt em buồn
Đã trông thấp thoáng
ngọn cồn bóng sương
Lạnh lùng chăng gió tha phương
Em về bên ấy ai thương em cùng
(Bài hát vào thu, Đinh Hùng)
Cả mấy bài nói trên của Đinh Hùng, chỉ có bài “Bài thơ Chiêu Niệm” là hay, ý tưởng mới lạ và nồng nàn. Các bài khác nặng tính “chơi chữ”, dùng chữ thật kêu nhưng ý tưởng chẳng có gì mới mẻ khác lạ cả. Chỉ được có một câu hay: “Nắng trôi vàng chảy về đâu?” Nắng như một chất lỏng màu vàng trôi trên mặt đất không biết chảy về đâu? Còn những ý như lá vàng, phân ly là những ý xưa nay vẫn có.
Hai đoạn trích trước mang vẽ liêu trai, đó là nét đặc biệt trong thơ Đinh Hùng. Ngọn lửa nến hiu hắt, hao gầy, vàng vọt, như ẩn hiện linh hồn người chết đâu đó. Khăn vuông đã liệm mặt, thân thể đã lạnh giá mà mùi hương hình như vẫn còn nồng, “Giở vuông khăn liệm mùi hương còn nồng”. Cũng mùi hương đó Đinh Hùng nhắc lại trong bài sau: “Hồn đêm nay thấm mùi hương năm nào!?”
Người chết đã mấy năm còn mùi hương, ấy là linh hồn còn quanh quất đâu đó, chưa chịu đi xa. Nét lông mày cong vút như núi, nói như thế thì cũng như Nguyễn Du tả “Làn thu thủy, nét xuân sơn”.
Thực ra, trước Đinh Hùng, Chế Lan Viên cũng đã nói tới ma: “Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi”. Hời là người Chàm, nhưng ý tưởng của Chế Lan Viên không ghê rợn, “liêu trai”, kinh dị như trong thơ Đinh Hùng. (Đinh Hùng là đệ tử của nàng tiên nâu, trên hương án có đặt một cái đầu lâu khi nào cũng khói hương nghi ngút).
Theo quan điểm của người xưa thì khi xuân tới là dương bắt đầu thịnh, âm suy dần. Tới mùa thu thì ngược lại, dần dần âm thịnh dương suy.
Rằm tháng bảy có lễ Mục Kiền Liên báo hiếu cho mẹ, Phật tử gọi là “Mùa Báo Hiếu”. Rằm tháng Bảy, người Việt cũng có tục cúng cô hồn. Hôm ấy, những ai đã chết rồi đều được xá tội (xá tội vong nhân), cửa địa ngục mở ra để những linh hồn bị giam giữ được lên dương gian kiếm ăn. Ngoài ra, những người vô danh vị quốc vong thân, những người chết bất đắc kỳ tử, chết đường chết chợ, chết oan ức và những linh hồn không có con cháu thờ phượng đều tụ họp nhau lại trên dương thế. Đình chùa miếu mạo và nhà tư nhân đều cúng vong. Có nơi làm lễ lớn, gọi là cúng “trận vong tướng sĩ”, hay “tế thập loại chúng sinh”, những người hay chữ, thường viết các bài văn tế. Sau đây là một đoạn trong “Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh” của Nguyễn Du:
Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt
Toát hơi may lạnh buốt xương khô
Não người thay buổi chiều thu
Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng
Đường bạch dương bóng chiều man mác
Dặm đường lê lác đác mưa sa
Lòng nào lòng chẳng thiết tha
Cõi dương còn thế nữa là cõi âm
(Nguyễn Du)
Ông Phan Huy Tiến cũng có một bài văn tế tướng sĩ rằm tháng bảy, xin trích vài câu:
Gươm Linh Bảo mười năm sẵn có
Đấng anh hùng mưa gió chưa thôi
Dám nhung trận một phút như không
Con tạo hóa ghét chi lắm thế
Nhớ tôn linh xưa
Hào kiệt ấy tài
Kinh luân là chí
Nặng vai nửa gánh giang sơn
Chắp cánh bốn phương hồ thỉ
Quốc bộ gặp cơn binh bách
Phép nhung bào từng lắm trận uy linh
Thiên tài mong học chước Vệ Hầu,
Chế pháo đạn biết bao chừng cơ trí
Thà chết mà trọn tay địch khái
về theo tổ phụ cùng vinh
Kìa sống như mấy mặt hàng thần,
ở lại giang sơn thêm bẻ bàng
(Phan Huy Tiến)
Trong cuộc chiến tranh chống Pháp giành độc lập và trong cuộc Nam Bắc nội chiến ở nước ta, biết bao người vì nước quên mình, hy sinh một cách anh dũng. Cho đến những ngày cuối cùng của cuộc tương tàn cũng có biết bao người không chịu nhục, noi gương Võ Tánh, Ngô Tùng Chu, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu. Làm tướng thành mất thì chết theo thành.
Than ôi! Tháng bảy mưa dầm sùi sụt, các vị anh hùng ấy, ngày nay linh hồn siêu thoát về đâu? Thân xác về đâu? Chỉ còn lại đây là những xót xa của người vọng quốc.
Ba mươi năm chiến tranh, hàng triệu người hy sinh, chết oan. Sau nầy, dân tộc chúng ta nên chọn một ngày quốc lễ, ngày rằm tháng Bảy, để tưởng nhớ chung cho tất cả những người đã mất trong cuộc tương tàn./
hoànglonghải
(1) Hình như lúc nầy ông yêu Thương Thương, nhà ở phố Gia Hội, Huế. Thương Thương là cháu thi sĩ Hoàng Diệp, bạn của Hàn Mặc Tử. Theo tôi biết, trước 1975 bà còn sống ở Huế.
(2) Ngoại trừ Gia Long và Bảo Đại (vua đầu và cuối) các đời khác không lập ngôi hoàng hậu. Lệ nầy do Minh Mạng đặt ra, gọi là “Ngũ bất lập”: Bất lập hoàng hậu, đông cung, tể tướng, phong vương và trạng nguyên.
(3) Bồ Tùng Linh muốn chống nhà Thanh, nhưng bấy giờ phe “Phản Thanh Phục Minh” thế cùng lực kiệt, nên chẳng làm được gì nữa. Bồ Tùng Linh bèn mượn chuyện ma để viết “Liêu Trai Chí Dị”, phản đối nhà Thanh một cách tiêu cực. Người Trung Hoa thường tự hào về dân tộc họ, nhưng trong lịch sử Trung Hoa, hai lần họ bị ngoại thích cai trị (không phải là người Hán) một lần nhà Nguyên (Mông Cổ), một lần nhà Thanh (người Mãn Châu) cai trị hằng mấy trăm năm mà đành chịu im.
(4) Khi Võ Văn Kiệt làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP/HCM, một đêm y ra công trường “Hồ Con Rùa” với ý định xem dân chúng cúng rằm tháng bảy để có biện pháp bài trừ “mê tín dị đoan”. Y thấy có ba con ma đang hỏi chuyện nhau. Một con ma tự giới thiệu:
- “Tôi chết hồi Pháp Việt chiến tranh”.
Con ma thứ hai cũng tự giới thiệu:
- “Tôi chết oan trong một vụ pháo kích hồi chế độ cũ”.
Thấy con ma thứ ba không nói gì cả, hai con ma kia bèn hỏi. Con ma nầy trả lời:
- “Tôi không phải là ma. Tôi mới trốn từ vùng Kinh tế Mới về”.
CHANSON D' AUTOMNE
của PAUL VERLAINE:
Les sanglots longs,
Des violons
De l' Automne
Blessent mon coeur
D' une langueur
Monotone.
Tout suffocant
Et blême, quand
Sonne l' heure
Je me souviens,
Des jours anciens.
Et je pleure.
Et je m'en vais
Au vent mauvais
Qui m' emporte
Deça, Dela
Pareil a la
Feuille morte.
THU của XUÂN-DIỆU
Nõn nà sương ngọc quanh thềm đậu;
Nắng nhỏ bâng khuâng chiếu lỡ thì.
Hư vô bóng khói trên đầu hạnh;
Cành trúc run run chân ý nhi.
Gió thầm, mây lặng, dáng thu xa;
Mới tạnh mưa trưa, chiều đã tà.
Buồn ở sông xanh nghe đã lại,
Mơ hồ trong một tiếng chim qua.
Bên cửa ngừng kim thêu bức gấm,
Hây hây thục nữ mắt như huyền;
- Gió thu hoa cúc vàng lưng giậu,
Sắc mạnh huy hoàng áo trạng nguyên.
THU RỪNG
của HUY-CẬN
Bỗng dưng buồn bã không gian,
Mây bay lũng thấp giăng màn âm u.
Nai cao gót lẫn trong mù,
Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về.
Sắc trời trôi nhạt dưới khe;
Chim đi, lá rụng, cành nghe lạnh lùng.
Sầu thu lên vút, song song
Với cây hiu quạnh, nới lòng quạnh hiu.
Non xanh nhạt cả buồn chiều
- Nhân gian e cũng tiêu điều dưới kia.