Về nước,
thấy gì?
nghĩ gì?
Bài 28
(Thủ Thiêm: “Bắp non mà nướng lửa lò,
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm”)
Người bạn hỏi tôi:
-“Về đây, “ông” có thấy đất nuớc thay đổi gì không?”
Tôi trả lời: “Nhiều quá, có những cái tui không ngờ.”
-“Tất cả đều vậy?” Bạn tôi hỏi lại, gay gắt.
-“Một điều tui không thấy người ta nói tới, mà lại rất căn bản, cho sự phát triển nầy, là Hòa Bình”. Bạn nhớ cho, là hòa bình. Có hòa bình mới có sức xây dựng.
-“Ông giải thích rõ hơn, được không?”
-“Rõ lắm. Nầy nhé. Trước 1975, một hôm, tui ra Hòn Heo. Hòn Heo, trong bản đồ ghi là Hòn Đội Trương, một “hòn” tương đối lớn trong “Quần đảo Hải Tặc” trong vịnh Thái Lan. Đảo nầy có một số đông dân “hạ bạc”. Nghề đánh cá biển ở vùng nầy người ta gọi là nghề “hạ bạc”. Tôi hỏi chuyện một ông chủ ghe, - ghe đánh cá biển - ghe được kéo lên nằm trên bãi. Ông ta buồn buồn, nói: “Thằng con trai tui, vài tháng nữa là nó đi lính rồi, không ai đi hghe, tui phải bán thôi. Không biết làm chi mà ăn đây. Bán được ghe, cho con trai ít tiền để ở lính nó có tiền xài, còn một ít, để ăn dần. Ăn mà không làm, núi cũng lỡ. Lại nghèo như cũ.”
-“Nghĩa là sức lao động đem đầu tư cho chiến tranh, không đầu tư vào kinh tế. Nhờ hòa bình, tình hình bây giờ ngược lại.” Người bạn hỏi. “Nói như “ông”, bây giờ dân chúng khá lên, là nhờ hòa bình, không phải nhờ “bác và đảng”, không nhờ nhà nước?
-“Nhờ “đảng” cái đít khô.” Tôi bực mình nói. Nói theo tính giai cấp của “Mác”, thì “đảng, đảng viên” là giai cấp thống trị, sống trên sự bóc lột giai cấp lao động, giai cấp bị trị. Nếu sống trong một xã hội dân chủ, tự do, người ta giàu hơn bây giờ. Sự bóc lột người dân của đảng, làm người dân bớt giàu hoặc nghèo đi. Cộng Sản đồng nghĩa với đói nghèo. May mà sau mười năm Lê Duẫn “ngăn sông cấm chợ”, Việt Cộng vội vàng mở cửa với Tây Phương, còn như không, bây giờ người dân không có cái khố mà mặc.”
-“Như vậy, “ông” cho rằng bây giờ đất nước đang phát triển?”
-“Không thể nói khác được, có tiền tư bản đổ vô mà. Nhưng so với Nhựt với Tây Đức, thời kỳ sau Thế Chiến thứ Hai thì sự phát triển của Việt Nam còn chậm lắm. Cũng nhờ tư bản, cán bộ bây giờ dễ làm giàu hơn.
-“Thời Lê Duẫn, dân không có ăn, làm sao cán bộ giàu. Bây giờ có biết bao nhiêu nguồn lợi.”
-“Tui biết rồi.” Bạn tôi nói. “Chỉ một việc làm đường qua Thủ Thiêm thôi, xây cầu hay đào hầm? Cuối cùng thì đào hầm. Xây cầu thì phí tổn là ba trăm triệu đô. Đào hầm là bốn trăm triệu đô. Cuối cùng: đào hầm. “Ông” biết tại sao không?”
-“Không.” Tôi trả lời.
-“Đỗ Mười lý luận: Cầu nằm trên cao, dễ bị địch oanh tạc, nên cho đào hầm. Thực tế là với bốn trăm triệu, “tiền lại của” nhiều hơn ba trăm triệu. Ngon lành.”
-“Hồi trước cũng bàn tới việc xây cầu.” Tôi nói.
-“Trong chương trình “Kinh tế hậu chiến?” Bạn tôi hỏi.
-“Vâng. “Chương trình Stanley/ Thúc.”
-“Nghe tụi bạn nói có một thời “ông” làm trong đó?” Bạn tôi hỏi.
-“Làm cái khỉ mốc. Nhóm đó toàn là “bậc sư” không. “Bậc sư” là giáo sư cỡ bự đấy. Phần đông, họ ở trong tập san “Quê Hương”, giỏi lắm, nhưng vì chiến tranh, họ chẳng làm gì được, chỉ ôm cặp đi dạy. Gặp thời bình, xây dựng, có họ thì “đỡ” quá. Tui vô làm đó, chẳng qua do một sự tình cờ. Để tui kể cho nghe.”
“Năm 1967, tui có người bạn cùng quê, trình luận án tiến sĩ kinh tế với Giáo Sư Vũ Quốc Thúc, làm Patron; suffragant là hai ông giáo sư Hồ Thới Sang, Trịnh Đình Triển. Vì việc tranh cử Thượng Viện năm đó, người bạn nhờ tôi làm “đại diện” tại Thừa-Thiên/ Huế cho Liên Danh “Sư Tử cầm-bút”, do Giáo sư Vũ Quốc Túc thụ ủy. Liên danh nầy, ở Huế, đứng hạng tư, trong 6 liên danh đắc cử. Năm sau, Tết Mậu Thân, vì sự tàn sát dân chúng của Việt Cộng, chán đi dạy, tui tình nguyện nhập ngũ. Ra trường, về binh chủng Thiết Giáp. Được ít lâu, ông Thúc gọi tui về giữ cái chức hữu danh vô thực là “công cán ủy viên”, thực chất là thư ký cho mấy ông giáo sư, nhưng chẳng có việc gì làm. Giáo sư Vũ Quốc Thúc biểu tôi, “đọc cho hết” các dự án trong “chương trình” nầy. Khoảng một tháng trời, tôi ngồi “ngốn” hết những điều bàn trong “chương trình”. Ông Thúc hỏi tôi đến đâu, tui trả lời đến đó, trình hồ sơ cho ông coi. Bất thình lình, phủ Quốc Vụ Khanh bị giải tán, tui trở về chốn cũ, lại “ngồi xe tăng”.
-“Ông thấy “Chương trình Stanley/ Thúc” có gì hay không?
-“Tuyệt vời. Cuối năm 1982, sau “tù Cải Tạo” về, ông Nguyễn Xuân Quỳnh, nguyên Tổng Giám Đốc Chợ Lớn Ngân Hàng, học “Haute Commerce” bên Tây về, sui gia với anh chị tui, đang ở trong nhóm Giáo sư Nguyễn Văn Hảo, gọi tui “tới chơi”, rồi hỏi tui về “Chương Trình Kinh Tế Hậu Chiến” có nhớ gì không? Tui nói nhớ, ông Quỳnh bèn biểu tui viết lại, vì nhóm ông Hảo đang cần. Tui viết lại gần hết, trao cho “Anh Quỳnh”, nói đùa: “Tui viết cho anh, còn ngoài ra, tui không hợp tác với Việt Cộng đâu nghe. CIA biết là mệt tui. Nó không cho tui đi Mỹ đâu.”
-“Cái “ông” viết, so với hiện tại, có giống nhau không?”
-“Giống thì có giống, nhưng Việt Cộng lo kiếm ăn hơn xây dựng.
-“Ví dụ?” Người bạn hỏi.
-“Ví dụ cây cầu qua Thủ Thiêm. Theo chương trình cũ, cây cầu sẽ nối dài từ đường Hàm Nghi, tuốt qua Thủ Thiêm, ngắn hơn, đỡ tốn kém hơn, xe cộ qua lại tiện với nhanh hơn… Thủ Thiêm sẽ đóng một vai trò quan trọng cho “Saigon mới”.
-“Quan trọng như thế nào?”
-“Thủ Thiêm đóng vai trò “Saigon mới”, “Saigon Quốc Tế”.
-“Là như thế nào?” Người bạn hỏi.
-“Nghĩa là Thủ Thiêm ở giữa, nối liền ba thành phố lại với nhau. Ba thành phố đó là Biên Hòa, giữ nhiệm vụ về “khu Kỹ Nghệ”, phát triển kỹ nghệ. Thứ hai là Vũng Tàu, hải cảng giao dịch thương mãi hàng hải, là “Hải Cảng thực sự”, không phải “giang cảng” như Saigon, và Saigon, đảm trách về giao dịch, thương mãi quốc nội. Vì Thủ Thiêm giữ nhiệm vụ giao dịch thương mãi Quốc tế, thành ra, phi trường quốc tế, các dịch vụ giao dịch quốc tế, du lịch quốc tế và nội địa, khách sạn... đều tập trung ở đây... Mục đích cuối cùng, ba thành phố hợp thành một, giống như sự phát triển của nhiều thành phố lớn bên Âu Mỹ vậy.
-“Đất Thủ Thiêm thành vàng. Mặc sức mà tranh nhau.”
-“Tui không chắc vậy. Ông phải nhớ là “tinh thần thượng tôn pháp luật” của dân chúng cũng như chính quyền miền Nam hồi trước 1975 không cho phép người ta làm bậy được. Còn như bây giờ, tui nghe nói tất cả những hành vi tham nhũng, rút ruột công trình... của đảng viên, phải chia “tứ lục” cho đảng. Cách cai trị như thế thì đảng sẽ trở thành một tên tài phiệt, luật pháp đặt căn bản trên “lợi ích của đảng và đảng viên”.
-“Thôi, chuyện của chúng nó. Tui muốn biết “Kế hoạch hậu chiến” của ông Thúc có gì hay hơn không. Về giao thông chẳng hạn.”
-“Ga xe lửa Saigon vẫn ở chỗ cũ, chỗ “Con gà ấp trứng vàng.” Ga Saigon là một ngôi nhà năm từng. Tầng trệt là bãi xe. Tầng 1 là ga xe lửa, tầng 2 là khu nhà hàng, mua sắm. Tui không nhớ tầng ba, tầng bốn để làm gì. Tầng chót là trụ sở của Bộ Giao Thông Công Chánh.
Đường xe lửa thêm chiều rộng, từ 90cm như hiện nay thành 1m10. Khi xe lửa tới cầu Bình Lợi, sẽ theo “con đường chạy trên cao” hai chiều vô ra mà vào Ga Saigon, không còn “Cổng xe lửa số 9, số 10” như hiện nay. Đường xe lửa nầy ngang tầm với tầng 1 của “Ga Saigon”.
-“Vậy thôi?”
-“Còn nữa. Từ Ga Saigon, xe lửa vẫn “chạy trên cao”, qua Khánh Hội, ra Tân Thuận. Hàng nội địa tập trung ở đây để xuất cảng.
-“Còn đường xe lửa khác?” Người bạn hỏi.
-“Tái tạo xe lửa Saigon Mỹ Tho. Tôi không nhớ có nối về Cần Thơ nữa không vì miền Tây là vựa lúa lớn, cần phương tiện chở lúa gạo lên Saigon. Xưa nay, Ba Tàu chở đi đường thủy, chậm lắm, qua khỏi Đồng Sơn, gặp sông lớn, chỗ Bắc Cầu Nổi, dễ bị chìm vì sóng lớn. Lên Saigon thì tập trung ở Bình Đông, vận chuyển khó khăn.
-“Còn đường nào nữa không?”
-“Saigon/ Lộc Ninh, con đường vận chuyển “cao-su”. Lúa và “cao-su” là hai nguồn lợi lớn của miền Nam. Cộng Sản Bắc Việt rất thèm.”
-“Đó là lý do Hồ Chí Minh muốn “giải phóng miền Nam”.
-“Không. “Miền Nam trong trái tim tôi” chớ, coi kỹ thì toàn gạo và cao su.”
-“Ông có quên quặng bô-xít nhôm ở Cao Nguyên.”
-“Mỏ nầy tìm ra hồi Nhựt qua, Tây không làm gì được, để chờ. Thời Ngô Đình Diệm có tính chuyện khai thác, mở đường xe lửa từ Đăk-Nông về Vũng Tàu để xuất cảng. Chỉ mới dự tính, trong hồ sơ nghiên cứu của Stanley/ Thúc.”
-“Chương trình mở rộng đường phố Saigon như thế nào”
-“Không mở nhiều bây giờ, lung tung, thiếu kế hoạch. Trong chương trình cũ, tôi nghĩ là của nhóm giáo sư nào đó, mô phỏng theo cách làm của Nhựt Bản. Chính yếu là có hai con đường. Một đường từ ngã ba Hàng Xanh vào, đi lên cao, “trên không”, theo đường Trần Quốc Toản cũ – bây giờ là đường 3 tháng 2, đi thẳng vào Chợ Lớn, nối với Quốc Lộ 4 – bây giờ gọi là Quốc Lộ 1 - mà đi về miền Tây. Đường thứ hai, cũng đi “trên không”, từ Bùng Binh Quách Thị Trang, theo đường Trần Hưng Đạo, chấm dứt ở Ga Xe Lửa Chợ Lớn/ Mỹ Tho.
-“Không có đường xe lửa hay tầu điện ngầm.
-“Anh biết rồi đó, kiểu đường xe lửa, tầu điện ngầm, như hiện nay, ngay bên Mỹ cũng không có, nói chi Việt Nam. Ở Mỹ, thế lực của các hãng xe hơi, và khai thác dầu lửa mạnh lắm. Chúng nó cần bán xe hơi và cần người ta đổ xăng. “Cây đèn dầu Hoa Kỳ” còn cho không nữa là.
-“Còn mỏ dầu ở ngoài khơi?”
-“Tui không biết chuyện đó.” Tôi trả lời.
-“Trong một lần nói chuyện với tui, về việc xây lại đập Thuận An, ông Thúc bảo làm sao lợi dụng các công trình quân sự, sau nầy, khi hết chiến tranh, các công trình ấy cũng có lợi cho việc phát triển kinh tế hậu chiến. Đập Thuận An đắp ngang cửa Thuận An, xây hồi Tây còn cai trị, giữ không cho nước mặn tràn vào sông Hương, vừa giữ ruộng hai bên bờ sông Hương khỏi bị nhiễm mặn, nước sông Hương vẫn ngọt. Hồi chiến tranh, để vào ra sông Hương cho nhanh, khỏi đi vòng xuống cửa Tư Hiền, quân đội Tây phá vỡ một đoạn đập Thuận An, vì vậy nước biển tràn vô sông Hương được. Khi tui còn ở Huế, đôi khi nước sông Hương ngay tại Huế có mặn một chút. May Nhà Máy Nước Huế nằm tuốt trên cồn Giã Viên, nước mặn không lên tới đó.
-“Vậy phi trường Thành Sơn?”
-“Hồi đó, tui có nghe nói do Mỹ xây, lớn lắm, nhưng mình nói gì được với tụi Mẽo. Đường Phan Rang / Đà Lạt ngắn hơn đường Nha Trang / Đà Lạt nhưng không hiểu sao người ta ít ưa. Tui chưa ra đó bao giờ.
Một lúc, tôi nói với người bạn:
-“Tôi nói chuyện nầy, anh đừng cười, hơi dị đoan một chút, nhưng nhiều người tin.
-“Chuyện gì?”
-“Phong Thủy.” Tôi trả lời.
-“Anh nhớ Huế không. Kinh thành Huế ngó về phía Nam. Đất phương Nam là đất khởi nghiệp của Nguyễn Vương. Trước mặt kinh thành Huế có núi Ngự Bình, được coi là cái bình phong. Thật ra, Ngự Bình không ở ngay chính Nam của kinh thành Huế. Nó hơi chếch về hướng Đông một chút. Núi Kim Phụng được coi như “chủ sơn” của Huế. Tuy nhiên, trận lụt lớn năm 1953 làm sập cửa Nhà Đồ, sụt một phần núi Bảng Lảng, được coi như “điềm trời”của năm 1955, “Bảo Đại xanh bỏ giỏ”, mất luôn ngai vàng.
-“Theo tôi nghĩ, Bạch Mã mới là “núi chính” của Thừa Thiên/ Huế. Tất cả các sông ở đây, dù Hữu Trạch, Tả Trạch, sông Nông, sông Truồi… đều bắt nguồn từ Bạch Mã mà ra cả. Bạch Mã mới chính là “long mạch” của Huế. Đúng không?”
-“Đúng. Sông núi đó là “viễn cảnh” Thanh Long, Bạch Hổ của Huế. Gần hơn thì có sông đào Kẻ Vạn, sông đào Hàng Bè, sông đào Bao Vinh, do vua Gia Long cho đào, bọc quanh kinh thành Huế, cũng là Thanh Long/ Bạch Hổ vậy. Theo “ông”, trong việc phát triển thủ đô Saigon, có bàn tới điều đó không?”
-“Tui không thấy, không bàn phong thủy. Tuy nhiên, trong thời gian đó, đọc sách báo, tui cũng thấy vài người nói tới điều đó, đọc cũng vui vui. Tin hay không, cũng tùy người. Nhưng tui nghĩ ông Thiệu chắc có tin đấy. Mấy ông lãnh đạo miền Nam thường tin phong thủy.”
-“Nó nói cái gì?”
-“Ví dụ như thủ đô dời qua Thủ Thiêm thì tốt hơn.”
-“Tốt là sao?”
-“Tất cả cơ quan chính quyền, hành pháp, lập pháp, tư pháp nếu đặt ở Thủ Thiêm, đều quay mặt ra hướng Đông, hướng mặt trời, là tốt. Sau lưng “Saigon mới” có núi Thị Vải, là “hậu chẩm”, là cái gối kê, thế dựa vững chắc. Như “ông” thấy, người ta không xây chùa trên đỉnh núi, hứng hết gió là không được. Chùa phải xây ở lưng chừng núi, cho có chỗ tựa lưng, có chỗ dựa. Đất Thủ Thiêm, nếu ngó ra biển, bên trái là sông Đồng Tranh, - hay còn gọi sông Thị Vải -, bên phải là sông Saigon, tả phù, hữu bật, Thanh Long, Bạch Hổ có đủ trời đất cho, còn hơn cả đất Thăng Long.”
-“Còn Saigon cũ?”
-“Saigon cũ chỉ có chỗ địa điểm nhà thờ Đức Bà là tốt. Theo Vương Hồng Sển trong “Saigon năm xưa”, hồi xưa là đất của một ngôi chùa. Chỗ nầy ngó ra ngay sông Saigon. Còn như Dinh Độc Lập. “Ông” thử coi, có bao nhiêu “ông” ngồi lâu trong dinh Độc Lập”, kể cả thời còn gọi là dinh Norodom.”
-“Phong thủy nói sao?”
-“Ai lại đặt Sở Thú chặn ngay mặt dinh Độc Lập. Báo chí hồi đó nói đùa ông Thịệu đứng trong Dinh Độc Lập, ngó ra là thấy khỉ. Khỉ Sở Thú ngó vô là thấy ôngThiệu. Tôi không nhớ trong chương trình hậu chiến có bàn tới không, nhưng hồi đó đã có dự tính dời Sở Thú đi nơi khác.”
-“Dời Sở Thú? Dời đi đâu?”
-“Dời lên núi Châu Thới.”
-“Xa quá.”
-“Nếu Biên Hòa/ Vũng Tàu/ Saigon kết làm một thì Châu Thới xa gì nữa. Khỉ, trăn, voi dời đi thì dễ, nhưng trong Sở Thú có những cây cổ thụ, ông nầy trồng, ông kia trồng, vua Cao Miên, quan Toàn quyền, không thể bỏ được.
-“Vậy làm sao dời. Đường nào đi?”
-“Tỉa cành gọn lại, cho trực thăng đem đi là gọn nhứt. Có nhiều lọại trực thăng vĩ đại, câu đi dễ không.”
(còn nữa)
hoànglonghải