Nov 21, 2024

Biên khảo

Văn bản tuồng hát bội kho tàng văn hóa Việt Nam bị quên lãng
Nhất Uyên Phạm Trọng Chánh * đăng lúc 01:16:48 PM, Feb 10, 2022 * Số lần xem: 494
Hình ảnh
#1

 

VĂN BẢN TUỒNG HÁT BỘI

KHO TÀNG VĂN  HÓA VIỆT NAM

BỊ QUÊN LÃNG

 

 PHẠM TRỌNG CHÁNH

Tiến sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris Sorbonne

 

 

GIỚI THIỆU   NGHỆ THUẬT HÁT BỘI

 

           Trước khi Hát Cải Lương ra đời, Hát Bội là bộ môn nghệ thuật được đông đảo quần chúng Việt Nam hâm mộ. Từ triều đình Huế nhà Nguyễn, vua Minh Mạng(1820-1840)  đã cho xây dựng nhà hát Duyệt Thị Đường, thành lập thự Việt Tường trong biên chế triều đình phụ trách nghệ thuật hát bội với vị quan Thự trưởng hàm ngũ phẩm. Coi sóc ba đội tuồng với ba trăm diễn viên, nhiều vị quan vị quan soạn tuồng tài ba như  Đào Tấn, Nguyễn Bá Nghi.. tham gia. Hai câu đối của Minh Mạng trước Duyệt Thị Đường  đã nói lên tầm quan trọng của nghệ thuật Hát Bội : “Âm nhạc tịnh trần hòa kỳ tâm nhi dưỡng kỳ chí. Nghiêm suy tề hiến thủ kỳ thị nhi giới kỳ phi.” nghĩa là Âm nhạc bày ra hòa được lòng và dưỡng được chí. Tất cả được trình diễn hãy tiếp nhận những lẽ phải, điều hay trong đó và nhìn những cái sai lầm để răn mình. Ở các trấn, các quan lớn như Lê Văn Duyệt, Nguyễn Đức Xuyên..  đều có những ban hát bội riêng. Những đội tuồng dân gian có khắp nơi, đội chuyên nghiệp cũng như những đội chỉ tập hợp khi có hội hè. Tại các làng tại miền Trung và miền Nam  mỗi năm Hội Kỳ Yên,  Hội đồng Hương chính làng mướn một gánh hát bội về hát thả giàn cho dân chúng đến coi miễn phí. Tại các làng sông nước miền Nam, người xem ngồi trên thuyền, đốt đuốc, mặc kệ cọp cũng say mê ngồi xem trên bờ theo dõi, nên có danh từ « xem hát cọp ». Những ngày hát bội làng, dân chúng xem mê man, rồi bàn tán đến mất ăn mất ngủ, chức sắc trong làng người cầm chầu khen thưởng những câu hát hay, khen thì đánh một tiếng trống, khen nhiều thì đánh vào giữa mặt trống ba tiếng đến liên hồi, chê thì gõ cạch cạch trên thùng, dân chúng nghe trống thích thú quăng tiền thưởng. Khi gánh hát đi rồi, nhiều cô gái, chàng trai say mê trốn theo , có câu ca dao : Trồng trầu lộn với dây tiêu, con theo hát bội mẹ liều con hư. Bà mẹ cũng say mê hát bội đánh con, con hát : Mẹ ơi đừng đánh con đau, Để con hát bội làm đào má xem.

 

            Hát bội từng là môn nghệ thuật giải trí gần như chiếm lĩnh không gian nghệ thuật ngày xưa, thời chưa có hát cải lương, kịch nói, chưa có ciné, radio, truyền hình, internet.. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, hát bội ngày nay gần như tàn phai, thế hệ trẻ ít người biết đến. Một kho tàng văn bản bị lãng quên trong thư viện, ít ai đọc đến. Tại Thư viện Quốc Gia Paris, một kho tàng tuồng Việt Nam khá phong phú, bằng chữ Nôm, Hán Nôm và cả chữ quốc ngữ. Năm 1973 tôi có dự định soạn luận án về Hát Bội với Giáo sư Trần Văn Khê tại Viện Đại Học Sorbonne, tôi sưu tập khá nhiều sách vở tài liệu, nhưng rồi sau khi thu thập tài liệu, thấy nhiều khó khăn quá, phải chuyển từ Hán Nôm qua chữ quốc ngữ rồi mới dịch ra tiếng Pháp, nên chuyển qua soạn luận án về Giáo Dục. Năm mươi năm sau, mở lại đống tài liệu, tôi lấy làm thú vị để viết một loạt bài về đề tài này. Trước hết là phổ biến trên internet, giới thiệu cho các bạn trẻ ngày nay một kho tàng văn hóa của tổ tiên ngày xưa.

 

NGUỒN GỐC :

 

            Việc diễn xướng kịch nghệ nhân loại có từ thời nguyên thủy lịch sử loài người, khi màn đêm buông xuống, sau một ngày đi săn, hát lượm mệt nhọc.. họ đốt lên đống lửa nhảy múa, họ mang sừng, da thú sau khi ăn thịt no say, họ bắt chước động tác thú vật, kể chuyện đi săn, kể chuyện các hoạt động của nhau, các trò kịch nghệ nguyên thủy bắt đầu từ đấy. Các hình ảnh trên trống đồng Ngọc Lũ biểu hiện người Việt nguyên thủy, tù trưởng bộ lạc, thầy mo, thầy cúng cũng là diễn viên, một khi sao chép lại bắt chước lại hành động là nó trở thành kịch nghệ. Nhưng khi tiến đến thời đại như Hy Lạp cách đây 2500 năm đã xuất  hiện những kịch tác gia viết kịch nghệ, nhân loại đã tiến một bước tiến dài. Thời Phục Hưng, cách đây 400 năm Molière đã phục hưng lại những vở kịch cổ đại Hy Lạp, Molière được xem là cha đẻ của tiếng Pháp hiện đại.

Theo Hoàng Châu Ký trong Sơ khảo Lịch sử Sân khấu Tuồng  nxb Văn Hóa Hà Nội 1973. Trước khi có Hát Bội thời Trần nước ta đã có những trò : Trò tế lễ thần Tản Viên, trò Xoan ghẹo, trò Trám  (trai gái hai đoàn cầm hai vật dương và âm chập vào nhau), trò tế thần gắp phân (bằng chuối làm dập). Thời Lê Ngọa Triều đã nuôi nhiều hề sân khấu trong đó có Liêu Thủ Tâm, người Tống làm trò hề nhạo những lời tâu các quan và lấy dao cùn mổ kẻ tử phạm cho chết dần trong nhiều ngày và đùa vui : “Mày không quen chịu chết”. Lê Ngọa Triều cả cười cho là vui.

 

            Năm 1028 vua Lý Thái Tôn cho xây Vạn Tuế sơn ở Long Trì năm ngọn núi, giữa dựng bức tranh Tiên trường thọ và làm các hình tiên bay, bạch hạc, chim thú, rồng cuộn khúc, treo vàng ngọc cờ quạt và sai diễn viên trong núi  thổi sáo, thỗi kèn, múa hát. Vua Lý Nhân Tông (1072-1127) là người giỏi âm luật sáng tác nhiều bài nhạc đánh trong cung đình. Bia Sùng thiện diên linh chùa Đọi Nam Hà đã chép tỉ mỉ nhiều về ca múa nhạc. Sử sách cũng đã ghi lại  tên những Đào Nương, Sai Ất và Nguyễn Thức là Xướng nhi quản giáp đời Lý Cao Tôn. Sách vở chép rãi rác vài câu đầy trong lịch sử, nhưng quan trọng nhất là Hí Phường Phả Lục của Lương Thế Vinh tìm ra được trong khoảng năm 1964, cùng lúc với Lưu Hương Ký của Hồ Xuân Hương, nhưng tiếc thay người quản thủ thư viện Hán Nôm đã làm thất lạc mất, ai mượn không trả lại chắc đã mất, con cháu không biết đọc vất đi .

 

            Trong sự tiếp xúc với Trung Quốc, việc giao lưu văn hóa là điều tất yếu, làm nảy sinh, hiện đại hoá những hình thức diễn xướng. Sự giao lưu luôn luôn có hai chiều, cái mới đến hoà nhập vào bản sắc dân tộc những cái đã có sẵn. Câu hát, làn điệu có từ trước tạo thành những cái mới. Do đó hát bội không phải là cái nguyên xi của kinh kịch Trung Hoa, mà là một cái mới khác biệt. Thời nhà Trần ta bắt được trong đám tù binh người Nguyên Mông một kép hát tên Lý Nguyên Cát. Cát dạy nghệ thuật cung đình cho các thiếu niên và nữ tỳ, Cát lại trình diễn nhiều vở  như Tây vương mẫu hiến bàn đào, trang phục toàn gấm vóc có các vai kép, tướng, đào, hề gồm 12 người. Mấy mươi năm sau, sử lại chép chuyện vợ chồng nghệ sĩ Dương Khuông diễn vở Tây vương mẫu, vợ Dương Khuông đóng vai Tây vương mẫu, Cung túc vương Nguyên Dục mê nàng, bắt luôn làm vợ hầu, dù nàng đã có thai, sinh ra Dương Nhật Lễ vua nhận làm con nuôi về sau gây ra một vụ mưu toan soán ngôi nhà Trần. Năm 1362 vua Trần Dụ Tông ra lệnh các vương hầu đưa nghệ sĩ biểu diễn cho vua xem, đơn vị nào diễn hay được vua ban thưởng, điều đó chứng tỏ cuối đời Trần, các vương hầu đã có riêng những đoàn hát. Thời nhà Nguyên, Trung quốc có Nam Hí của Nam Tống và Tạp kịch của Mông Cổ, điều chắc chắn là kịch bản thời Trần phải nói bằng tiếng Việt. Cha ông ta đã tiếp thu vốn liếng ngoại lai và Việt hoá bằng những thơ phú văn nôm  đã hình thành và các diệu ca dân tộc sẵn có.

 

           Trong văn tế tổ hai ngành tuồng, chèo, Lý Nguyên Cát được gọi là ‘thánh hiền’, đứng hàng thứ ba sau Đông Phương Sóc ‘tổ sư’, một nhân vật đạo Lão huyền thoại không dính gì đến Việt Nam, và Cửu thiên huyền nữ Phạm thị Trân ‘chân quân’, nghệ sĩ Việt Nam thời Tiền Lê đứng đầu trong liệt vị thánh tổ. Sau đó còn thấy hai vị  Thái tử Tôn Đồng, Tôn Nhạc, rồi Tam giáo đạo sư, tiên sư, tổ sư, thánh sư..

 

            Nam hí của Nam Tống và Tạp kịch Nguyên Mông cơ bản không giống tuồng nước ta. Trái lại hí kịch thời Minh, Thanh giống với tuồng hơn.

 

              Những thời kỳ Trung Quốc bị mất nước, hàng ngàn người bỏ nước đi di tản sang nước ta, thời Tam Quốc, cuối đời nhà Tống bị Mông Cổ chinh phục, nhà Minh bị Mãn Châu xâm lăng, nhà Thanh bị Nhật Bản xâm lăng họ đi tàu sang nước ta, nên gọi là người Tàu, hay người khách trú, trong những người Tàu đó có cả những diễn viên hí kịch họ dạy hát khách. Rãi rác trong sách vở như Vũ Trung Tùy Bút của Phạm Đình Hổ cũng có kể chuyện một đạo sĩ người Tống sang nước ta dạy hát tuồng, được nhiều người hưởng ứng.

            Vè và thơ Chàng Lía, xuất hiện trước thời Tây Sơn, kể chuyện nguyên nhân làm cho Lía bỏ trốn lên Truông Mây khởi nghĩa.

Lía cùng các trẻ chăn trâu trên đồng, bắt chước bày trò diễn tuồng hát bội. Lía đóng vai tướng trung, một trẻ khác đóng vai tướng nịnh, giao ước với nhau đến lúc nào đó tướng nịnh phải chết. Nhưng đến lúc ấy thì chú bé đóng vai tướng nịnh không chịu chết. Lía bảo thế nào cũng mặc, hắn cứ đánh mãi. Hăng máu cuộc đánh chơi thành đánh thật và Lía xảy tay quật chết cậu kia. Sợ tù Lía bỏ trốn lên Truông Mây, khi cát cứ ở đấy đã vững vàng, Lía ba lần cho mời ba gánh bội lên biểu diễn cho Lía xem.

 

            Khác với truyện thơ dựa vào một văn bản chữ Hán có sẵn như truyện Hoa Tiên, Nguyễn Huy Tự diễn ca lại thành thơ lục bát, truyện Kiều dựa từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân viết lại thành thơ lục bát, bỏ đi những phần rờm rà như lúc Kiều trị tội, ân oán, cho Từ Hải chết đứng thay vì nhảy xuống sông tự tử và thêm phần Kim Kiều sum họp. Lục Vân Tiên cụ Nguyễn Đình Chiểu cũng : Trước đèn xem truyện Tây Minh. Ngẫm cười hai chữ nhân tình éo le.  Chưa tìm ra được chuyện Tây Minh là chuyện gì. Văn bản tuồng hát bội mang tên những triều đại Thương, Chu, Tống, Tề.. thời Xuân Thu Chiến Quốc, Ngô, Thục, Tào thời Tam Quốc  hay Đường, Tống về sau, hát bội mượn tên một số các nhân vật, vài câu chuyện viết ngắn gọn trong sử sách, rồi từ đó sáng tác ra những chuyện gian thần, nịnh thần, tình tiết đối thoại, những cảnh lâm ly vợ chồng biệt ly, hồn ma người trung thần dẫn đường cho người trung hiếu,  những màn hài hước các vai hề.. Tuồng dùng các thể thơ Đường Luật, phú nhất là từ với nhiều cung điệu khác nhau. Người soạn tuồng làm một công việc sáng tạo hoàn toàn. Trường hợp tuồng Trảm Trịnh Ân hầu như một sáng tác khác với lịch sử Trung Quốc. Trịnh Ân trong lịch sử ra trận bị bắn chết, tuồng lại viết thành bị Hàn Tố Mai phục rượu Tống Thái Tổ rồi hãm hại. Tuồng San Hậu, đặt tên các nhân vật, nói lên chuyện Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Đàng Trong. San Hậu là sau núi, ám chỉ Hoành Sơn.

 

            Tuồng hát bội là tổng hợp nhiều bộ môn nghệ thuật từ thi ca đến diễn xuất ca hát, mỹ thuật trang trí.. Hát bội là hát có múa, có bộ tịch, người đóng vai tướng phải rành các môn võ thuật, biết thập bát ban võ nghệ : đánh côn, đánh quyền, đánh kiếm, đánh roi, múa thanh long đao, múa giáo, múa thiết bảng.. nếu vai tướng, đào kép vụng về không rành võ thuật thì trở thành vai hề chọc cười mọi người. Do đó võ đạo là bộ môn cần thiết cho hát bội. Ai về Bình Định mà coi, đàn bà Bình Định múa roi đi quyền. Bình Định không chỉ giỏi nghề võ, võ Bình Định mà còn là cái nôi của nghệ thuật hát tuồng. Nơi đây phát xuất nhiều gánh hát bội đi lưu diễn khắp nơi. Trong sứ đoàn Phan Huy Ích, Đoàn Nguyễn Tuấn đưa vua Quang Trung giả sang nhà Thanh năm 1790, 158 người trong đó có một ban hát 10 người, ban hát ấy không phải là văn công hát từng bài riêng lẽ giúp vui như ngày nay, mà là một ban Hát Bội. Suy diễn Nguyễn Huệ cũng là người say mê hát bội, nên khi ngụy trang cũng cho đoàn hát đi theo.

 

            Bội  nghĩa chính là sau lưng, trái lại. Hát bội do chữ bội đọc là ôn lại bài học để chép ra mà không cần sách. Bội văn là hồi tưởng những kinh sách rồi viết thành tuồng hát. Hát bội là diễn tuồng rút ra từ trong sử sách, khác với ca ra bộ, thời Cải Lương ra đời, là hát một bài hát và hai tay diễn theo tình cảm bài hát. Do đó hát bội là diễn kịch bằng thơ, phú, từ  còn gọi là diễn tuồng.

 

LÀN ĐIỆU GIỌNG HÁT:     Hát bội  có khoảng 280 làn điệu nhưng theo tuyền thống có các làn điệu lớn : gồm hát Nam, hát Khách, Thán, Oán, Ngâm thường dùng nhiều hơn cả. Hát Bội không phải ca mà là xướng có các làn điệu : Nam xướng, Bắc xướng, Than xướng, Bạch xướng. Ngày xưa phân biệt giữa ca và xướng. Ca dùng giai điệu để mô tả tình cảm. trái lại xướng vị trí của ngữ khí quan trọng đóng vai trò quyết định khí thế của giai điệu cho hợp với tình cảm diễn biến của nhân vật. Xướng lúc nào cũng cất cao giọng, dựng hơi lên gọi là láy dựng, xướng không hát theo nhạc tòng mà hát theo nhạc đệm. Giai điệu dựa theo âm thanh lời thơ, bảo đảm rõ lời nhằm đúng theo tình cảm cá tính nhân vật.

 

             Giọng hát hát bội là những giọng nhạc lễ.  Có ít giọng nguyên của Trung Quốc nhưng người mình biến cải không hoàn toàn giống giọng Kinh Kịch của Tàu nữa. Nhạc đệm tấu những bài sau đây : bài hạ, nam xuân, nam ai, xuân nữ theo lời hát của đào kép chứ không theo trọn bài. Giọng khách dành riêng cho kèn, bài hạ đưa hơi cho câu nói lối xuân. Xuân nữ đưa hơi cho câu nói lối ai. Trong các đám tang tiếng kèn thường đàn bài xuân nữ ai oán thê thảm.

Nói lối :  là nói dẫn đường, khi diễn viên tự giới thiệu với khán giả. Hai tướng trước khi ra trận đều xưng tên, chức tước, kiêu khích nhau một cách anh dũng.

Bạch : là lời giới thiệu, trình bày dành cho vai anh hùng, nữ kiệt nói lên lời dũng cảm, khí khái của mình, nói lên những chiến công oanh liệt. Bạch viết theo thể thơ song thất không đối nhau hoặc đối nhau hay bài thất ngôn tứ cú.

Xướng : dùng để nói lên cảm tưởng mình lúc rảnh rang nhàn hạ, thường vai tiên ông hay thần thánh tay cầm phất trần hiện ra để cứu người.

Hát Nam : hát những câu lục bát hay song thất giọng xuân hay giọng ai. Giọng xuân buồn nhẹ đầy thi vị khi biệt ly hay sầu tình. Giọng ai trong cảnh khổ não nề. Ngoài ra còn có giọng Nam bán xuân ai hát nửa vui nửa buồn như vai Tô Vũ trong tuồng Tô Vũ chăn dê.

Lý Qua Nam : lúc mẹ ru con ngủ trong cảnh tịch mịch cô đơn, người chinh phụ nhớ chồng, hay hồn ma đưa người qua cửa aỉ trong tuồng Sơn Hậu.

Hát Khách: là hát theo giọng người khách trú, tức người Trung Hoa, tuy nhiên theo thời gian hát khách, giọng kèn không còn giống giọng người Tàu nữa. Có nhiều điệu khách thi, khách phú, khách tẩu mã, khách hồn.. Khách thi hát theo bài thơ đường luật, khách phú hát theo thể phú hai câu đối nhau thường là 11 chữ. Hát tẩu mã là hát thật mau như ngựa chạy, hát trong lúc gấp rút ra trận bôn ba rượt giặc hay hốt hoảng bôn đào. Khách hồn là giọng hát khách não ruột, lúc người chết hiện hồn về cứu nguy hay người sắp giả từ dương thế.

Ngâm : là đọc lớn và kéo dài ra có trầm có bổng một bài thơ, hát bội có lối ngâm thơ giọng xuân gặp cảnh sinh tình lúc trà dư tửu hậu, lời thơ bóng bẩy nói lên niềm tâm sự.

Thán : Thán là thở ra, than thở khi đau lòng vì thất vọng. Hát lúc ly biệt kẻ đi người ở cô phòng một mình hay lúc hoạn nạn dạ rối tơ vò.

Oán : Giọng nói lên hờn giận, thù hằn, nói lối mở đầu và chấm dứt bằng chữ hồ ! Có điệu kèn đưa hơi cho giặm thêm nỗi uất ức.

Quân ban : hát lúc xuất quân đánh giặc dành cho bọn chạy hiệu.

Hành binh hay hành khúc: hát tiếp theo quân ban, tướng sĩ cùng hát lúc khi ra trận, còn gọi là bài ngựa. tướng quất ngựa hát khoá mã đa, chư tướng và quân hát theo.

Phường:  bài hát kẻ hành khuất như vai Dự Nhượng giả cùi, trong tuồng Dự Nhượng đả long bào.

Ngoài những giọng hát chính trên còn có những giọng hát phụ như:  lý quân canh, lý đào điên, phường qua Nam, thải, điệu phù thủy, lý giao duyên, hát lang thang, lý con sáo, đọc thần chú, mẹ ru con, lý mọi, lý bồi yến, bài thằng bột..

Lý quân canh: hát lúc khuya, vai quân lính làm hề giểu cho khán giả khỏi buồn ngủ, hát như ru kiều nhưng đệm thêm ba tiếng ò ý a.

Lý đào điên: vai giả điên, đang tỉnh rồi buồn lo, bổng phát cười lên, hắc hắc ngó dáo dác, trỏ mơ hồ,   điên lộ trên mặt. Bài điên chia làm ba phần: lối nêu, mở bài, vô bài.

Lý con sáo: dùng cho vai thể nữ giúp vui trong bữa tiệc.

Thần chú: mượn giọng đọc thầy pháp đọc khi thâu hồn.

Bài ru con:  vai mẹ hiện hồn về ru con, hoặc người mẹ trong đêm khuya canh vắng.

Lý Mọi : lý theo giọng Mọi, giọng người Thượng, trong Nam lý theo giọng Miên.

Bài Bồi Yến do Biện Thiền ở Sa Đéc viết dành cho đào Phụng Kiều trong tuồng Phản Đường.

Bài Thằng Bột : vai con quan triều bọn công tử bột, học hành chẳng ra gì, ở không nên nết, thả rong trên đường phố, hiếp kẻ c̀ô đơn, nịnh người quyền thế, chỉ có tài chim gái mà thôi. Hát Bội đưa vai Thằng Bột lên sân khấu để nó làm trò cười cho khán giả: nói giọng trọ trẹ, đầu bịt khăn gò, mặt dồi phấn mốc, chân đi giầy tàu, tay cầm quạt lông, mình mặc áo gấm ra vẻ sang trọng nhưng lộ nét ăn chơi. Thằng Bột ăn nói ngược ngạo chẳng đâu ra đâu. Vai Thằng Bột nói hoàn toàn nôm, không theo thơ phú.

 

GIÀN NHẠC

Giàn nhạc hát bội rất quan trọng, không có giàn nhạc không hát được.

Giàn nhạc gồm đờn cò (đờn nhị), đờn liếu (đờn cò nhỏ), đờn kìm (nguyệt cầm), đờn tam, ống tiêu, kèn song hỉ và quan trọng nhất là trống chầu là trống lớn cao 6 tấc, trống chầu dùng thưởng phạt diễn viên, ở thôn quê thường mời một hương chức cầm chầu. tại Duyệt Thị Đường một vị quan sành điệu có khi chính nhà vua cầm chầu. Ngoài ra còn có trống chiến, trống kỳ, trống cơm, trống tốc, trống cái, đồng la, chập chỏa, sanh, đờn đoản. Người nhạc công thường biết chơi đủ các thứ đàn trống.

 

Y QUAN

 

Hát Bội có chừng 12 vai đào kép : vua, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa, cung phi, tướng văn tướng võ, tôi trung, tôi nịnh, tướng phiên, thư sinh, mạng phụ, thị tì, pháp sư, hề, tiên ông, tiên cô.. mỗi vai đều có quần áo riêng, áo mũ riêng.

Đội đầu : gồm  quan, cân , mạo, khôi.

- Quan:  có  Hoàng đế quan: thêu hai con rồng, đính hạt trân châu. Mũ Cửu Long thêu chín con rồng.

Thái tử quan: mũ thái tử. phía sau có mái tóc cột lại cho cao cột len đỏ gắn hạt châu.

Phụng quan : mũ dành cho hoàng hậu và công chúa, hoàng hậu thêu 9 chim phụng,  thất phụng dành cho thứ phi, phu nhân.

Thái giám quan ; mũ dành cho chức quan thái giám, có bông nỉ ở giữa hai vòng tòn ten bên tai, có rua thỏng xuống.

- Cân: dành cho quan văn, quân sư.

Luân cân: của Khổng Minh có bát quái trận đồ.

Trát cân: có lông nỉ, đính hột châu vai tướng trẻ như Triệu Tử Long.

Mã vĩ cân: có đuôi ngựa trên có lá cây lật dành cho vai hề.

Văn sanh cân: mũ đen có viền xanh, gắn hạt châu nơi trán, mũ thư sinh.

Thơ lại cân : mũ người giúp việc thư lại.

Viên ngoại cân : mũ người trưởng giả, viên ngoại, hưu trí.

Võ sanh cân hai bên mép tai có hai miếng tòn ten hình cái đao mũ này của quân lính trẻ tuổi.

- Mạo :

Trung sa mạo:  bằng the hình vuông có cánh chuồng, thêu bông xanh là mão của tôi trung.

Gian sa mạo : cho nịnh thần bằng the đen có hai cánh vuông hay bầu.

Học sĩ mạo: có hai cây kẹp, nũ màu xanh, hai bên có hai cánh dài, một hoa hồng bằng nỉ gắn hạt châu ở giữa trán. Mũ này của thi sĩ văn nhân.

Lão hổ mạo : cho vai giả cọp.

Phong mạo:  cho vai lão.

Phi long mạo : mũ vua đội khi ra khỏi hoàng cung, thêu màu xanh da trời, đỏ, vàng lại có một nút trên cao. Sợi dây cột có thêu lưỡng long tranh châu. Trên trán có một hoa bằng nỉ lớn, và hai sợi dây buộc bằng lụa tra chỉ vàng, tòn ten phía sau ót.

Thảo mạo : mũ tiều phu hay ngư ông.

Binh tốt mạo:  mũ cho binh sĩ, binh Việt mũ hình chóp, binh lính Chàm mũ vải hình lá sen phủ xuống hai bên tai. Các đội tuồng lại thường dùng mũ lá sen, các điêu khắc Angkor tả binh lính Chàm cũng khắc chiếc mũ này.

- Khôi : mũ dành cho tướng.

Sư tử khôi :  dành cho tướng chỉ huy có đầu sư tử.

Soái khôi : mão nguyên soái.

Đại tướng khôi : gắn hai lông trĩ, đại tướng Phiên  đính hai đuôi chồn, uốn cong phía trên.

Đại vương nga tử: mũ hình bươm bướm, gắn đuôi chồn lông thòng phía sau lưng.

Đại nga tử: mũ hình bươm bướm không có đuôi chồn, vai Chu Du đội mũ này.

Phiên vương khôi: mão có hai lông trĩ và một đuôi chồn vai vua Phiên.

 

Ạ́O :

Bào : áo quan văn , bằng hàng đỏ hay tía cho quan lớn và xanh da trời hay đen cho quan nhỏ, ngực có miếng vuông là hiệu vị của vị quan, buộc đai ngọc.

Mảng bào : loại áo rộng bằng hàng láng thêu nhiều màu đỏ, lục, vàng, đen, tía, xanh trời dành cho vua. Nữ mảng bào dành cho hoàng hậu, cung phi.

Bì : áo rộng hở cổ thêu hình chim hạc.

Khải : áo mặc sát người cho quan cao cấp, ống tay áo rộng cho quan văn, ống tay áo hẹp cho quan võ.

Bát quái y: áo tiên, đạo sĩ có thêu hình bát quái, mặt âm dương.

Mã quái: áo ngắn mặc khi đi ngựa, thêu hình chữ thọ của vua và thượng quan trong triều.

Binh kim giáp hay khải : giáp của vai tướng sĩ.

 

Củn : kép thì mặc quần thường, đào có hai thứ củn, cung quần của hoàng hậu công chúa, cung phi và bá tập quần có nhiều lằn xếp dành cho đào thương.

 

Cờ xí:  các tướng mặc áo giáp, sau lưng có năm, sáu hay tám lá cờ bộ hội kỳ, cờ của năm, sáu hay tám cánh quân, khi phất cờ màu gì thì cánh quân đó tiến lên.

 

Hia, hài : Hia dành cho vua quan trong triều. Khi đánh giặc dùng hài cho dễ xoay trở.

 

RÂU RIA

 

            Có nhiều thứ râu; râu dài năm chòm cho Quan Công, ba chòm cho các quan, đình thần. Nhỏ thì râu đen, già thì râu bạc. Tướng Phiên râu đỏ hoe, tướng mặt xanh như Đơn Hùng Tín, Cáp Tô Văn, Ngô Tôn Quyền cũng mang râu hoe. Hai vai Trình Giảo Kim, Mạnh Lương mặt đỏ cũng mang râu hoe.. Những tướng mặt dữ tơn như Trương Phi, Tạ Ôn Đình, Võ Tam Tư thì râu đen và quắn. Vai nịnh mang râu liên tu bó hàm tới mép tai bọn nịnh hạ cấp mang râu chuột xề xệ, tăng thêm mặt dễ ghét.

 

VẼ MẶT

 

Lưu Bị mặt dồi ít phấn trắng, mang râu đen dài.

Quan Công mặt đỏ bầm bóng láng, có một nốt ruồi trên cằm tay mặt biểu hiện thịnh vượng hạnh thông, lông mày dài biểu hiệu trường thọ, râu dài năm chòm đen.

Trương Phi tính tình lổ mãng nhưng cương trực, giặm mặt đen thui có đường trắng mang râu bó hàm.

Châu Thương bộ hạ Quan Công, tính lổ mảng, phía dưới mặt màu xanh lục cằm có một đường đen, trán đỏ điều, mắt vẽ đen, chân mày trắng, đeo râu bó hàm.

Tào Tháo gian tà xảo quyệt, lại là người có tài, mặt mốc râu ria, chân mày nhỏ rí biểu hiện mặt đứa nịnh, phản trắc vô chừng. Trên mặt lại vẻ nhiều đường cong quẹo chỉ tánh bạo ngược và mưu trá. Tào Tháo đội mủ the cho vai nịnh thần có hai cánh gọi là gian sa mạo.

Khổng Minh : quân sư Lưu Bị giỏi lược thao, mặt thon, đội mũ bát trận đồ.

Hoàng Phi Hổ :  tôi trung, nhưng chán ghét vua Trụ ác, sang đầu nhà Chu. Mặt vẽ đỏ, cặp mắt vẽ cho lớn những đường vòng nguyệt.

Trụ Vương: độc tài tàn bạo, vẽ đỏ dậm lằn đen biểu hiện tính hoang dâm vô độ, râu đen năm chòm.

Phàn Định Công:  tổng trấn thành San Hậu, mặt đỏ sẩm mắt vẽ rộng ra bởi nhiều đường đen trên nền trắng hình vòng nguyệt chạy tới màng tang, râu bạc ngắn.

Phàn Diệm:  con Phàn Định Công vẽ giống cha nhưng không mang râu.

Tạ Ôn Đình:  tướng vua Tề, em quân sư Tạ Thiên Lăng, là người soán ngôi vua. Mặt đen có đường trắng, râu quắn ngắn.

Tạ Thiên Lăng: anh Tạ Ôn Đình soán ngôi vua, mặt nịnh thần, trắng mốc, chân mày rô, râu đen dài.

Khương Linh Tá:  người chết hiện hồn về giúp trung thần, mặt xanh lục râu đen dài.

Đổng Kim Lân : trung thần mặt đỏ.

Lôi Phuông:  tướng võ, mặt vằn vện trên nền đen râu ngắn.

Dư Hồng:  môn đồ Xích My Lão Tổ xui giục nước Nam Đường chống lại Tống triều vua Thái Tổ. mặt vàng có làn đen, trán đỏ bầm, râu đen bó hàm, mắt đeo hai vòng thau.

Triệu Khuông Dẫn:  tức vua Tống Thái Tổ (960-976) mặt đỏ sẩm chân mày trắng, quanh vòng mặt vẽ đen, bên mày trái vẽ hình rồng, bên mày phía phải vẽ hình mặt trời, biểu hiện phẩm giá vua lập quốc.

Bao Công:  thẩm phán nhà Tống tánh cương trực, xử đoán phân minh. Mặt đen, lông mày trắng, trán vẽ  trăng lưỡi liềm, tượng trưng có thể hiệp thông với trời đất. Hai bên màng tang sóng mũi có nhiều đường trắng, râu dài đen.

 

 TỔ HÁT BỘI

 

            Phía sau sân khấu buồng chung đào kép, chính giữa  y trang, các loại trống kèn, có bàn thờ tổ, trên bàn thờ có tráp sơn đỏ, có 10 tượng gổ nhỏ, mặc lễ phục, trước mười tượng còn có hai tượng cũng khăn áo  màu xanh hay màu đỏ, đặt trên chiếc ngai gọi là hý thần, nếu có màn đào đẻ thì thỉnh tượng ấy làm hài nhi.

Hát bội gọi  những tượng ấy là ông Làng và thờ như  Tổ. Lúc hát thì màn đỏ vén lên, lúc nghỉ hát thì buông màn. Khi diễn tuồng, đào kép trước khi ra thắp hương, xông trầm không dứt và cúng bánh trái, kẹo. Vai Quan Vân Trường còn đốt thêm giấy vàng bạc, để khấn vị thánh ban ơn. Họ tin rằng nếu không xin phép trước, người kép sẽ hộc máu.

 

            Mỗi năm ngày 12 tháng 8 Âm lịch có lệ giổ Tổ. Toàn ban  quỳ trước bàn thờ khấn vái : “Các cửu Lịnh Bà, chư vị thánh tổ, tiên sư, thánh sư, tổ sư. Tam giáo Đạo sư. Thập nhị Công nghệ, Lão Lang Đại thần, Tiền hiền, Hậu hiền. Tả ban, Hữu ban chư vị Thánh tổ cảm ứng chứng minh.”

Hậu trường hát bội cấm người lạ vào, nhất là trẻ con, nếu chúng nghịch đem trái thị vào thì nguy. Vì họ tin rằng Lão Lang Đại thần, tức ông Làng rất thích hương trái thị, hể đánh hơi là bỏ gánh hát ra ngoài. Mất sự phù hộ của thần, đào kép quên hết vỡ tuồng không diễn được.

 

 

CÁC TÁC GIẢ DANH TIẾNG  TUỒNG HÁT BỘI

 

ĐÀO TẤN (1845-1907)

 

            Dòng dõi Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ, tự Chỉ  Thúc, hiệu Mai Tăng, Mộng Mai, Tô Giang . Quê làng Vĩnh Thịnh, phủ Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Học trò cụ Tú Nhơn Ân Nguyễn Diêu tác giả tuồng Ngũ Hổ Bình Tây. Đào Tấn bắt đầu soạn tuồng Tân Dã đồn từ năm 19 tuổi. Năm 1867 ông đỗ Cử Nhân, làm Tổng Đốc Nghệ An. Sau vinh thăng Hiệp tá Đại học sĩ, Phủ Doãn Thừa Thiên. Ông từng trông coi Duyệt Thị Đường và soạn nhiều tuồng hát được vua Tự Đức khen thưởng và yêu mến. Vua Tự Đức mất, triều đình đảo điên, ông về nhà lánh nạn, Mai Xuân Thưởng lãnh đạo nghĩa binh Cần Vương khuyến khích ông gia nhập đảng, ông từ chối nên bị tầm nã nghiêm ngặt, ông đi tu trụ trì chùa Linh Phong đặt đạo hiệu Tiểu Linh Phong Mai Tăng. Khi phong trào Văn Thân yên rồi, ông lại được triệu ra làm Phủ Doãn Thừa Thiên, thăng Tổng đốc Nghệ Tĩnh, Tổng đốc Quảng Nam, ông hổ trợ bênh vực cho Phan Bội Châu và ém nhẹm vụ khởi nghĩa ở Nghệ Tĩnh thất bại năm 1901, ông cấp giấy các nhà yêu nước đi lại, làm lơ cho vụ phổ biến bài thơ Chí thành thông thánh và Lương Sơn minh ngọc tại trường thi Bình Định của Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp. Ông chống lại Nguyễn Thân nên bị cách chức, ông lui về quê nhà ở ẩn khoảng năm 1902. Ông lập ra một trường dạy kịch nghệ gọi là Học bộ đình và một đoàn hát bội. Năm 1903 chuyển về kinh sung Cơ Mật Đại thần, Công Bộ Thượng thư hàm Thái Tử Thiếu Bảo. Năm 1904 ông xin về trí sĩ tại làng Vĩnh Thạnh, Tuy Phước. Ông mất năm 1907 thọ 63 tuổi.

 

            Cụ Đào Tấn làm quan thanh liêm, chánh trực, thơ chữ Hán tập họp thành tập Mộng Mai ngâm thảo và trước tác nhiều tuồng hát bội : Hộ Sanh Đàn, Trầm Hương Các, Tân Dã đồn, Cổ Thành, Hoàng Cổn, Tứ Quốc Lai Vương và bổ túc hai vở tuồng trường thiên Vạn Bửu Trình Tường và Quần Phương Hiến Thụy. Ngoài ra cụ Đào Tấn có sửa đổi những vở tuồng :  Khuê các  Anh hùng, Sơn Hậu, Hoàng Phi Hổ và một đoạn tuồng Ngũ Hổ Bình Tây của cụ Tú Nhơn Ân.

 

NGUYỄN BÁ NGHI (1807-1870)

 

 Hiệu Sư Phần Tử, quê Lạc Phố, Mộ Đức, Quảng Ngãi. Đố Cử Nhân năm 1831, Đỗ Phó Bảng năm 1832. Làm quan suốt ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức trải qua nhiều chức vụ, thời Tự Đức ông làm Thượng thư Bộ Hộ, sung Cơ Mật Viện Đại Thần và giảng kinh sách cho vua.. Ông là người có danh vọng tiết tháo giao du thân mật với Nguyễn Văn Siêu, Phan Thanh Giản, Trương Quốc Dụng, Phạm Phú Thứ.. Ông để lại hai tác phẩm chính là Sư Phần  thi văn tập. Ngự chế cô kim thư pháp. Ông tham gia tích cực trong việc soạn hai tuồng lớn  Vạn Bửu Trình Tường và Quần Phương hiến thụy. Con ông là nhà yêu nước Nguyễn Bá Loan trong phong trào Duy Tân bị án chém tại Quảng Ngãi năm 1908.

 

NGUYỄN HIỂN DĨNH (1853-1926)

 

            Quê làng An Quán nay thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam. Ông nhận chức Quyền Tri phủ Điện Bàn,  rồi Tri huyện Hà Đông, Tri huyện Mộ Đức, Án sát Bình Định, Bố chính Thanh Hóa, Tuần phủ Quảng Trị, Bố chính Khánh Hoà và Thị lang Bộ Lễ triều đình Huế.

 

            Năm 1907 ông về hưu lúc 54 tuổi, vốn say mê sân khấu, là một đạo diễn tuồng xuất sắc, từ lâu ông đã  dụng tâm nghiên cứu nghề Hát Bội và sáng tác nhiều tuồng hát bội có giá trị văn chương và nghệ  độc đáo. Ông mất năm 1926 thọ 73 tuổi. Ông đã sáng tác, chỉnh lý, hoặc phóng tác hơn 20 vở tuồng. Nhiều vở nổi tiếng : Lục Vân Tiên, Long Châu-Lý Ân,  Võ Hùng Hưng (còn gọi là Ngoại tổ dâng đầu), Lưỡng quốc trá hôn, Nữ vương xá môn, Trương đồ nhục, Phong ba đình, Lý Mã Hiền..

 

BÙI HỮU NGHĨA (1807-1872)

 

            Sinh năm 1807 tại làng Bình Thủy (Long Tuyền), tỉnh Cần Thơ. Ông lấy hiệu Nghi Chi. Năm 28 tuổi ông thi đỗ giải nguyên trường thi Gia Định, Cử nhân đầu bảng.

            Được bổ làm tri huyện phủ Phước Long Biên Hoà rồi tri huyện Trà Vang (nay  là Trà Vinh). Vì tính tình cương trực ông đương đầu với cường hào ác bá tại Trà Vinh bị quan trên tham nhũng cáo gian tìm cách hãm hại. May vợ ông là bà Nguyển Thị Tồn đi ghe bầu ra tận kinh đô đánh trống kêu oan với triều đình, ông mới thoát cảnh lao tù, nhưng phải xung quân đóng đồn ở Vĩnh Thông (Châu Đốc).

            Vợ ông từ kinh đô trở về nửa đường thì mất, ông có câu đối viếng và văn tế tuyệt tác. Đóng quân ở Tịnh Biên ít lâu ông xin giải ngủ về quê quán Long Tuyền sống đời ẩn dật, sinh nhai nghề thuốc và nghề dạy học, ôm ý chí thanh cao. Tài đức ông được nhân dân và sĩ phu trọng vọng kính yêu. Ông mất năm 1872 thọ 65 tuổi. Ngoài thơ văn ông còn để lại một bảng tuồng Kim Thạch Kỳ Duyên được xem là một tuyệt tác trong kho tàng tuồng Hát Bội Việt Nam.

 

NGUYỄN DIÊU

 

            Người làng Nhơn Ân, phủ Tuy Phước, Bình Định. Đỗ Tú tài năm Tự Đức thứ 13 (1860), nên được gọi là cụ Tú Nhơn Ân. Học lực uyên thâm, các danh sĩ Bình Định đều tôn là bậc thầy. Ông lả thầy của Đào Tấn.

            Lúc nhỏ ông đi học có tư tình với người con gái chủ nhà trọ, hai bên đã nặng thề nguyền, nhưng khi đã đậu Tú tài, vì hiếu ông phải phụ tình, vâng lời cha mẹ mà ưng chỗ khác. Người con gái bấy giờ có mang được mấy tháng, nghe tin ấy liền nhảy xuống giếng tự tử. Cụ Tú hết sức đau buồn. Mỗi khi vào trường thi thì thấy người con gái bồng con, mặt tiều tụy buồn thương đứng sững nhìn ông giây lát rồi biến mất. Ông khiếp vía tay run bối rối. nếu không phạm húy thì vấy mực vào quyển, khoa thi nào cũng thế. Cụ chán đời đi dạo chơi khắp danh lam thắng cảnh rồi trở về làm nghề dạy học. Cụ Đào Tấn học trò cụ cũng đủ làm cụ hiển vinh. Cụ có làm bài Hàn sĩ vịnh để khuyến học trò đừng thấy nghèo khó mà thối chí. Cụ có soạn tuồng Hát Bội như tuồng Ngũ Hổ Bình Tây, tuồng  Liễu Đố..

 

            Tuồng Ngũ Hổ Bình Tây là tuồng giá trị được cụ Đào Tấn dâng vua Tự Đức ngự lãm. Nhà vua ban khen là diệu từ, muốn đặc cách cho cụ Tú được thi Hội, nhưng bấy giờ cụ già yếu không hưởng được quân ân.

 

            Cuối triều nhà Nguyễn sân khấu tuồng trở thành cuộc đấu tranh giữa hai phe trung và nịnh.

Phan Bội Châu viết tuồng Trưng Nữ Vương. Nguyễn Hữu Tiến viết Đông A song phụng. Phan Xuân Thận viết Nga Mao Oán.. ca tụng lòng yêu nước. Hoàng Cao Khải viết Tượng kỳ khí xa, kể chuyện Gia Long bỏ Võ Tánh, Ngô Tùng Châu ở Quy Nhơn, để chiếm lấy Phú Xuân. Và tuồng Tây Nam đắc bằng.. cho đội tuồng riêng của mình trình diễn.

 

Ông Đoàn Nồng có kể tên một số tác giả  tuồng hát bội :

Ngoài Bắc có : Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Hữu Tiến

Ở Trung có : Nguyễn Diêu, Đào Tấn, Võ Đình Phương, Lê Quý Đồng, Võ Duy Tịnh, Hồ Quý Thiều, Nguyễn Hữu Đỉnh, Hoàng Cao Khải..

Trong Nam : Bùi Hữu Nghĩa, Đinh Thái Sơn, Trương Minh Ký, Chánh vệ Nhị, Bồng Dinh, Mẫn Thiệp, Trần Phong Sắc, Nguyễn Thành Long, Lê Quang Chiểu, Đặng Lễ Nghi.

Và khoảng đầu thế kỷ XX có các ông Nguyễn Văn Quí, Hồ Văn Lang, Văn Thể Vàng, Nguyễn Thành Tôn, Đinh Băng Phi.

 

 

TÓM LƯỢC  CHUYỆN TÍCH  CÁC VỞ TUỒNG DANH TIẾNG

 

             Thư Viện Quốc Gia Pháp tại Paris, lưu trử một kho tàng phong phú văn bản tuồng hát bội Việt Nam. Những văn bản chữ Hán chữ Nôm do Trường Viễn Đông Bác Cổ Đông Dương thành lập từ năm 1901, mướn người sao chép, và các bản tuồng in bằng chữ quốc ngữ trong thời Pháp thuộc.

            Tại Sài Gòn trước năm 1975, do cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền khi làm Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn hoá cho dịch thuật và in ấn có kèm theo bản chữ Nôm các vở tuồng Sơn Hậu, Đinh Lưu Tú..  Cựu Thủ tướng Trần Văn Hương khi còn là giáo sư Việt Văn trường Trung Học Mỹ Tho đã cho tái bản các vở tuồng ông sao chép được : tuồng Túy Kiều (Lãm Túy hiên) Ngũ Hổ Bình Tây, Phong Thần -Bá Ấp khảo dạy đờn, Tuồng Tống Nhạc Phi.

 

            Ông Mịch Quang trong Tìm hiểu nghệ thuật tuồng, Văn hoá Nghệ thuật. Hà Nội 1963 phần Thư Mục có liệt kê trong tủ sách Ban Nghiên cứu tuồng có các văn bản : Sơn Hậu, Giác oan, Dương Châu Tử, An Trào Kiếm, Giác sinh duyên, Sinh tài tá quốc, Đào Phi Phụng, Ngũ Hổ bình Liêu, Kim Vân Kiều, Cô Thanh, Hộ Sinh Đàn, Hoàng Phi Hổ quá quan, Gián thập điều, Diễn võ đình, Tam lương truyện, Trầm hương các, Lý Ân Lang Châu, Châu nhơn trần nghĩa, Hoa trì mộng, Hải đường thanh trúc, Lý phụng đình, Song tiên hoàng tử, Mã long mã phụng, Tiết Giao đoạt ngọc, Võ Hùng Vương, Binh hà gián tuyết, Tái sinh kỳ ngộ. Nghiêu Sò Ốc Hến, Trương Ngáo, Trần Bồ.

 

            Các vở tuồng Thầy thường kể câu chuyện của một triều đình, bị bọn Thái sư tột phẩm nắm quyền bính trong tay, lợi dụng vua băng hà, nhảy lên tiếm ngôi, triều đình chia hai phe trung, nịnh, phe nịnh theo Thái sư muốn lập triều đại mới, phe trung phò ấu chúa tị nạn nơi biên ải, trải qua bao gian nan, tập họp người trung dũng, phục hưng lại ngôi vua.

 

            Các truyện Tàu sau đây thường được dùng làm tài liệu viết tuồng :

Phong Thần : Trầm hương các, Na tra lóc thịt, Mổ tim Tỉ Can, Bá Ấp Khảo dạy đàn. Hoàng Phi Hổ phản Trụ đầu Chu.

Tam Quốc chí: Phụng nghi đình, Tam chiến Lữ Bố, Lữ Bố hí Điêu Thuyền, Tam khí Chu Du, Huê dung đạo, Triệu Tử đoạt Ấu chúa, Quan Công phò nhị tẩu, Đơn đao phó hội.

Thuyết Đường diễn nghĩa thời nhà Đường: Tống tửu Đơn Hùng Tín, Tiết Nhơn Quý chinh Đông, Tiết Đinh San chinh Tây, Tiết Cương phá Tiết khưu phần, La Thông tảo Bắc.

Tống sử : Trảm Trịnh Ân, Xử tội Bàng quý phi, Phong ba đình (chuyện Nhạc Phi bị Tần Cối hảm hại)

Không thấy Hát Bội dùng sử thời nhà Nguyên Mông, nhà Minh, nhà Thanh.

 

            Tại sao gọi là tuồng Thầy, có mối quan hệ gì với công trình xây dựng của Đào Duy Từ ở Quảng Bình được gọi là Lũy Thầy. Phải chăng vì kính nể vị quân sư kiệt xuất của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, một nhà chính trị, một nhà văn hóa tài ba mà người ta kiêng gọi tên Lũy Đào Duy Từ, bằng tên Lũy Thầy. Tuồng Thầy cũng thế, tôi đưa ra giả thuyết đó là tuồng của Đào Duy Từ làm ra nhằm mục đích đề cao trung thần của các Chúa Nguyễn với nhà Lê, ngược với Chúa Trịnh là gian thần, nịnh thần. Những vở tuồng Thầy thường khuyết danh, tiêu biểu cho loại tuồng này là Sơn Hậu và tuồng Tam nữ đồ vương. Trải qua nhiều cuộc biên soạn, tuồng Thầy trở thành tuồng khuôn mẫu do các nhà nho uyên thâm sử sách.

 

            Đào Duy Từ quê làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông thông kinh sử, tinh thâm lý số và binh thơ đồ trận. Nhưng vì thân phụ ông là Đào Tá Hán xuất thân là quản giáp trong nghề ca hát, mà luật lệ thời bấy giờ thì nghiêm cấm không cho con nhà hát xướng ra thi cử, nên ông không tiến thân được. Bất đắc chí ông bỏ Đông Kinh (Hà Nội) lần vào Nam định theo phò Chúa Nguyễn. Trong lúc bơ vơ nơi phủ Hoài Nhơn, Bình Định, ông tạm khuất thân ở ẩn, chăn trâu cho nhà giàu Chúc Trịnh Long ở thôn Tòng Châu. Tăm tiếng ông dần dần được sĩ phu biết đến. Khán lý Trần Đức Hòa ở Qui Nhơn mến tài gả con cho ông và tiến cử lên Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Được Chúa Sãi trọng dụng phong làm Nội tán, ông tận tụy giúp Chúa Nguyễn về quân sự, chính trị và văn hóa đương đầu với Chúa Trịnh đến thắng lợi.

 

            Năm 1630, ông đề xướng việc đắp lũy Trường Dục ở Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình, qua năm sau ông lại đắp thêm một lũy nữa từ cửa bể Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu.

Ông mất ngày 17-10 năm Giáp Tuất 1634. thọ 62 tuổi. được phong tặng hàm Tán trị dực vận công thần, Kim tử vinh lộc đại phu. tước Lộc Khê Hầu. Dưới triều Minh Mạng được phong tước Hoàng Quốc Công. Đào Duy Từ còn để lại một bộ Binh Thư, hai khúc ngâm Ngọa Long Cương vãn, Tư Dung văn. Khúc ngâm Ngọa Long Cương dài 136 câu lục bát, tên khúc ngâm ví tài mình như Khổng Minh Gia Cát Lượng. Ông là một trong những danh sĩ nổi tiếng nhất nước ta thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Dưới triều các  chúa Nguyễn hát bội cực thịnh có lẽ nhờ ông. Từ một phiên trấn nhỏ phía Nam Hoàng Sơn, chỉ khoảng trăm ngàn dân Việt, một lần thắng trận chúa Nguyễn bắt được thêm  ba mươi ngàn tù binh và chia đều cho các làng mạc mỗi nơi 5 người.. các Chúa Nguyễn đã mở mang gấp đôi bờ cõi, hội nhập người Chiêm Thành, từng ngang ngữa với dân số dân cư Đại Việt, người Chân Lạp, người Minh Hương trong văn hoá Việt, thành một vùng đất trù phú sung túc. Khi mùa gặt hái đã xong, mùa giông bão ghe thuyền không thể ra khơi. Đó là những ngày lễ hội, hát bộ thả giàn cho dân chúng xem những tuồng tích đề cao trung thần của Chúa Nguyễn. Chúng ta có thể thấy dấu ấn của Đào Duy Từ trong việc sáng tác các tuồng Thầy Hát Bội. Hai nhân tố văn hoá để thống nhất Đàng Trong là Phật Giáo và Hát Bội.  Chúa Nguyễn được tôn xưng là Sãi Vương, vua các vị sư như vua Trần Nhân Tông là Phật Hoàng  và Đào Duy Từ là Thầy là quân sư của Chúa Nguyễn, Đào Duy Từ dùng hát bội tuồng Thầy, làm công cụ thông tin tuyên truyền để gây sự trung tín đối với Chúa Nguyễn.

 

TUỒNG SƠN HẬU

 

            Kể chuyện Thái sư Tạ Kim Lăng tiếm ngôi vua Tề. Khương Linh Tá và Đổng Kim Lân kết nghĩa anh em, thề cùng nhau sống chết lo việc nước. Nguyệt Hạo, chị của Tạ Thiên Lăng, có lòng trung, làm tay trong giúp cho Đổng Kim Lân giúp hoàng tử mới sinh, và giúp cho Đổng Kim Lân có thời gian qua đèo, trốn sang Sơn Hậu thành. Khương Linh Tá phải ở  lại ngăn giặc chịu chết. Lúc Tạ tiếm ngôi Đổng Kim Lân cáo ốm không đến dự tiệc..

 

            Tương truyền vở tuồng này của Đào Duy Từ sáng tác, vào thời Chúa Nguyễn Hoàng. Khương Linh Tá, Đổng Kim Lân là hình tượng anh em Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng. Nguyễn Uông bị giết, Khương Linh Tá cũng bị giết. Nguyễn Hoàng cáo ốm rồi  nhờ chị là Ngọc Bảo vợ Trịnh Kiểm xin cho vượt qua đèo Hoành Sơn vào Nam trấn đóng Phú Xuân. Đổng Kim Lân cũng cáo ốm nhờ Nguyệt Hạo trốn sang thành Sơn Hậu, Sơn Hậu là sau núi. Chủ đề phò vua phục nghiệp, là chủ đề khá phổ biến trong giai đoạn lịch sử nhà Mạc tiếm ngôi vua Lê và Chúa Trịnh tiếm ngôi vua Lê. Thời kỳ đầu của Đàng Trong, thế kỷ XVII.

 

TUỒNG TAM NỮ ĐỒ VƯƠNG

 

 Kể chuyện Triệu Văn Hoán tiếm ngôi. Quản Hợi mắng vào mặt hắn và bị hắn hạ ngục và giết chết. Nhân vật này hư cấu hai nhân vật có thực là Lê Tuấn Mậu và Nguyễn Thái Bạt cựu thần nhà Lê, kẻ ném đá, người nhổ nước bọt khi Mạc Đăng Dung tiếm ngôi và bị hắn giết chết. Phương Cơ, 16 tuổi thấy cha khổ vì lo việc nước, đã tự nguyện đi Tràng An do thám tình hình. Triệu Tư Cung không tán thành âm mưu soán ngôi của cha, bỏ lên chùa tu, nhưng đến khi việc nước cấp bách lại đứng vào hàng ngủ chính nghĩa chống lại cha.

 

TUỒNG PHI HỔ QUÁ QUAN

 

            Vua Trụ triều cuối cùng của nhà Thương  hoang dâm vô độ. Thái sư Văn Trọng là huân thần của triều vua cha Trụ Vương (có quyền đánh cả vua nếu can không nghe) đã nêu mười điều can gián vua Trụ. Vua  Trụ hứa hẹn nghe theo, nhưng vẫn chứng nào tật ấy. Một hôm nhân tiệc mừng thọ trong cung, vua Trụ toan hiếp Giả Thị là vợ Hoàng Phi Hổ, nguyên soái của triều đình. Hoàng Phi Hồ nghe tin vừa giận vua vừa thương vợ, lại vừa băn khoăn cho cơ nghiệp nhà Thương mà mình từng gọp công bồi đắp, tiến thoái lưỡng nan. Bốn tướng em của Phi Hổ, được tin vào thăm,  Hoàng Phi Hổ vẫn lừng chừng không quyết định được và mê man bất tỉnh vì quá đau xót, bốn tướng em liền bế Phi Hổ lên ngựa sang đầu Chu Võ Vương. Vừa ra khỏi ải Thái sư Văn Trọng đuổi theo, Văn Trọng trước kia dám mắng vua vì xăng bậy, nhưng thấy Phi Hổ phản Trụ về Chu thì cho là sai lầm, cố thuyết cho Phi Hổ trở về, nhưng Phi Hổ đã quyết định rồi, và Phi Hổ đánh suốt cả mấy ải sang dưới cờ nghĩa  của Chu Võ Vương, trở về diệt Trụ xây dựng nhà Chu cho hợp lòng dân.

 

TUỒNG TRẢM TRỊNH ÂN

 

            Theo truyện Nam Tống Phi Long thì Trịnh Ân ra trận tại Lộ Châu. Đang giáp chiến với Lý Quân. Bị Lư Táng bắn lén giết chết. Nhưng tuồng hát bội Việt Nam lại diễn Tống Thái Tổ nghe lời dèm xiểm của Hàn Tố Mai, xử trảm Trịnh Ân. Phải chăng các tác giả tuồng Việt Nam chỉ mượn tên nhân vật và sáng tạo ra chuyện khác như trường hợp Truyện thơ Quân Trung Đối của Nguyễn Nghi (em Nguyễn Du).

 

            Triệu Khuông Dẫn (Tống Thái Tổ) cùng Cao Hoài Đức, Trịnh Ân cùng kết bạn từ thuở hàn vi, xây dựng nên cơ nghiệp nhà Tống. Nhưng lên ngôi vua đắm mê tửu sắc. Triệu Khuông Dẫn bị vợ là Hàn Tố Mai phục rượu mạo chiếu chỉ giết Trịnh Ân trả thù cho chú hắn, do làm bậy bị Trịnh Ân đánh gãy răng. Được tin nhà vua giết chồng mình Đào Tam Xuân cử binh về triều hỏi tội, quyết đạp bằng thành quách để trả thù cho chồng. Nhưng Cao Hoài Đức khuyên Đào Tam Xuân suy nghĩ cho chín chắn, trả thù cho đúng chổ, không nên vì thù nhà mà làm nguy việc nước. Nàng nghe lời, Tống Thái Tổ sau khi tỉnh rượu, biết lỗi mình ra tận ngoài thành quỳ đón Đào Tam Xuân, nhưng lại che dấu cho vợ tuy gian hùng nhưng rất đẹp. Cao Hoài Đức hợp sức với nàng bắt giết Hàn Tố Mai.

 

VẠN BỬU TRÌNH TƯỜNG

 

            Gồm 100 hồi, diễn liên tục 100 ngày, mỗi ngày từ 12 giờ trưa cho đến khuya.

 

            Tương truyền bộ tuồng này do Diên Khánh Vương con vua Gia Long soạn hai phần ba, đến triều Tự Đức các quan soạn tiếp và Đào Tấn phụ trách 10 hồi sau cùng. Họ lấy thuốc bổ làm nhân vật chính diện, các thuốc độc làm nhân vật phản diện, mỗi hồi là một thang thuốc pha chế. Vị thuốc cam thảo vị ngọt, uống vào không bổ gì lắm, cũng chả hại ai là nhân vật dĩ hòa vi quý, không sinh sự ai cả. Trái lại vị Cam toại, đắng và rất độc, trở thành tên tướng nịnh Cam Toại, tàn bạo vô cùng. Bạch tật lê là cây gai yết hầu có tên khác là Quỉ Kiến Sầu, Bạch Tật Lê trở thành tướng nịnh phản cha. Và vị thuốc Bạch Đầu Ông trở thành ông lão trung chính giết con để cứu nước.

 

            Hồi thứ 41 lấy tên là Hoa từ mộng, giấc mộng hồ hoa là thang thuốc trị đau mắt. Chuyện kể một học trò tên Thạch Chương Dương đi hái thuốc trên núi chợt ngủ quên. Anh ta mơ đi đến một hồ đầy hoa sen và gặp một người con gái tên Liên Châu đang chèo thuyền đi hái hoa sen. Người con gái mời anh xuống thuyền cùng đi hái hoa. Tỉnh giấc mùi hoa còn thoảng quanh mình. Trên đường về anh gặp một cô gái, đang xách một lẵng đầy hoa sen. Anh đón hỏi, người con gái kể chuyện mình đi hái sen cũng mơ thấy như thế. Hai người yêu nhau cùng phò vua đi giúp nước.

 

QUẦN PHƯƠNG HIẾN THỤY

 

            Gồm 100 hồi, nhân cách hoá các loại hoa, lấy hoa thơm làm nhân vật chính diện, hoa hôi làm phản diện. Hồi Hải Đường Thạch Trúc kể chuyện. Hải Đường là con một ông chài, Thạch Trúc là con bà tiều. Một hôm hai chàng mang cá và củi ra chợ bán. Tên Thiết Ma (hoa mơ hôi) con quan đại thần cùng gia nhân đi dạo chơi thấy Ngọc Lan, cô gái mồ côi xinh đẹp. hắn trêu ghẹo Ngọc Lan không bằng lòng, hắn dùng bạo lực bắt Ngọc Lan đem về. Vừa lúc Hải Đường, Thạch Trúc đến chợ thấy việc trái, bèn dùng lời can gián, tên Thiết Ma không nghe lại còn hăm doạ hai chàng. Với tính bồng bột của thanh niên, hai chàng đánh Thiết Ma chạy rơi xuống hố xí chết, cứu được Ngọc Lan, gia nhân Thiết Ma chạy về báo, bố hắn cho quân lính ra bắt Hải Đường, Thạch Trúc giải về, Kim Bộ Diêu vâng lệnh cha là Kim Tòng đi gửi rể giữa đường gặp lính áp giải hai chàng, hỏi ra nguyên nhân và xin lính thả, nhưng không được. Kim Bộ Diêu liền đánh cho bọn lính chạy toán loạn, cứ thoát Hải Đường, Thạch Trúc và có bao nhiêu tiền lễ nhà vợ, tặng cả hai chàng bảo đi thật xa lánh nạn.

 

HỌC LÂM

 

Có cả trăm hồi, lấy những lớp hay nhất các vở tuồng và thay đổi tên tạo thành một bộ tuồng lớn.

 

TUỒNG ĐỒ :

thuộc dòng hài kịch có các vở Nghiêu sò ốc hến, Trần Bồ, Trương đồ nhục, Châu Nhơn-Trần Nghĩa, Xã Vịt, Giáp Kén Xã Nhộng, Trương Ngáo, Nghĩa Hồ, Công rùa cua rồng.

Nội dung tuồng đồ, phê phán những thối nát của xã hội, đảo điên xã hội, quan huyện, lý trưởng bất lực, tham nhũng.

 

NGHIÊU SÒ ỐC HẾN

 Tri huyện xưng danh : “Quyền trấn thủ nha môn, Ngã xưng danh tri huyện, Tuy xuất thân lại điển, Chung đỉnh cũng đủ mùi, Lấy của cậy ngọn roi, Làm quan nhờ lỗ khẩu, Sự lý thường phân ẩu. Hơn thua tự đồng tiền.”. Hắn đàn áp cấp dưới là lý trưởng vì tội định làm trước việc ăn hối lộ. Sau đó lợi dụng chức vụ để bắt tình với Thị Hến, bị Thị Hến lừa cho cụng đầu với tên đề lại và nhà sư phạm giới trong một cuộc hẹn trùng giờ, sau cùng để mụ đề lại đến đánh ghen chồng chụp nhầm đầu lôi xềnh xệch, tát túi bụi trong cái cười quái ác của Thị Hến.

 

GIÁP KÉN XÃ NHỘNG

Xã Nhộng ra lệnh cho Giáp Kén lên rừng đốn gỗ để đêm hôm ấy đến tò vè với vợ hắn. Nhưng Giáp Kén biết được âm mưu nên đêm quay về. Xã Nhộng nghe tiếng gọi cửa của Giáp Kén vội bèn chui trong cái vại to đậy nắp lại. Gáp Kén về bảo vợ đun nước sôi cho mình tắm, khi nước đã sôi lại bảo vợ ra sông gánh nước lã, khi vợ đi rồi  anh ta bèn bê nồi nước sôi đổ cả vào vại làm cho Xã Nhộng chết nhăn răng. Giáp Kén tắm xong bỏ đi, chị Kén mở nặp vại : “Trời  ơi, vui sướng gì mà cậu lại cười ?” Thấy Xã Nhộng đã chết, sợ tai vạ chị Kén lăn vại qua bên nhà hàng xóm cạnh mấy chum rượu lậu nhà này. Chó hàng xóm đánh hơi sủa thâu đêm. Người hàng xóm phát hiện, sợ vạ bỏ vào một cái hòm và phao tin có của quý, mục đích đánh lừa hai tên trộm lãng vãng trước nhà. Quả nhiên tối hôm đó hai tên trộm đánh cắp hòm mang đi. Do cái xác đã có mùi hai tên trộm đổ lỗi cho nhau, chửi nhau tên này bảo tên kia đánh rắm.

 

TUỒNG TRỬ TÌNH dựa vào các truyện Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh

 

THANH XÀ BẠCH XÀ. Bạch Xà là một con rắn tu thành người, xuống trần gặp Hứa Vân một nho sinh trẻ tuổi, hào hoa yêu nhau và lấy nhau. Pháp Hải thiền sư không thừa nhận một con vật hạ cấp vươn lên thành người, buộc Hứa Vân phải từ bỏ Bạch Xà. Hứa Vân yêu vợ chí tình, thấy vợ là một người hoàn thiện đạo đức, chung thủy với chồng , hoà thuận với anh chị, ân đức với dân làng nên không nỡ dứ. Pháp Hải lập mưu dùng pháp bảo bắt Bạch Xà nhốt dưới tháp Lôi Phong. Thanh Xà con Bạch Xà lớn lên hợp sức phá tháp cứu Bạch Xà trở lại kiếp con người.

 

HỒ NGUYỆT CÔ  hay Tiết Giao đoạt ngọc. Hồ Nguyệt Cô là một con chồn cáo tu thành người. Vì dâm dật Hồ Nguyệt Cô lấy Võ Tam Tư tên tướng phản diện làm chồng. Rồi cũng vì dâm dật, khi ra trận Nguyệt Cô lại mê Tiết Giao, dùng tà thuật đưa Tiết Giao vào cuộc truy hoan, về sau bị Tiết Giao mưu lấy được ngọc, làm Nguyệt Cô phải trở về kiếp chồn cáo.

 

TUỒNG LÝ PHỤNG ĐÌNH  Con yêu cá tu sắp thành người lại mê Loan Dung, làm những việc gian dối để thoả mãn lòng dâm, đến nỗi bị Lý Phụng Đình bắn chết.

 

 

THƯ MỤC

 

COULET Georges . Le théâtre annamite classique.  Imp Mouton. F. Cabassson. Toulon. 1928

ĐOÀN NỒNG. Sự tích và nghệ thuật hát bộ. Văn Học Tùng Thư. Eds Mai Lĩnh. Hà Nội. 1930.

ĐÀO TẤN. Thơ và Từ. Nxb Văn Học, Hà Nội 1987.

TUẦN LÝ HUỲNH KHẮC DỤNG. HÁT BỘI, Théâtre traditionnel du Viet Nam. Nam Chi Tùng Thư. Kim Lai Ấn Quán. Saigon 1970.

HOÀNG CHÂU KÝ, Sơ khảo lịch sử Tuồng. Nxb Văn Hoá Hà Nội 1973.

MỊCH QUANG.  Tìm hiểu nghệ thuật Tuồng. Văn Hoá Nghệ Thuật. Hà Nội. 1963.

NGUYỄN NHO TÚY. 55 năm trên sân khấu tuồng, Lê Ngọc Cầu ghi. Nxb Văn Hoá. Hà Nội 1974.

TRẦN VĂN KHẢI. Nghệ thuật sân khấu Việt Nam.  Intistitut de l ́Asie du Sud Est Paris in lại, 1987

 

TUỒNG HÁT BỘI

SƠN HẬU diễn truyện. Đình Thụ Hoàng Văn Hòe phiên âm và chú giải. Tủ sách cổ văn. Ủy Ban Dịch Thuật. Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc trách Văn hoá xb. Sàigon 1971.

ĐINH LƯU TÚ diễn ca. Đỗ Nhật Tân phiên âm và chú giải. Tủ sách Cổ Văn. Ủy Ban Dịch Thuật, Phủ Quốc Vụ Khanh. Đặc trách Văn Hoá. Sài Gòn 1971.

KIM THẠCH KỲ DUYÊN. Trần Văn Hương chú thích. Lê Ngọc Trụ hiệu đính Khai Trí xb. Sài Gòn 1966.

Ngũ Hổ Bình Tây của Cụ Tú Nhơn Ân Nguyễn Diêu. Trần Văn Hương, Lê Ngọc Trụ, sao chép và trình bày. Khai Trí xb. Saigon 1970.

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.