Nov 21, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Phân tích một bài thơ hay
Hoàng Long Hải * đăng lúc 07:57:41 PM, Dec 13, 2021 * Số lần xem: 3051

 Phân tích một bài thơ hay! - Hoàng Long Hải

CHÉN NGỌC

 

“Núi Ngự Bình trước tròn sau méo

Sông An Cựu nắng đục mưa trong

Đôi ta như chỉ lộn vòng

Thương thì thương vậy, chuyện vợ chồng khó nên.”

(Ca dao Huế) 

                              Gởi Nguyễn Mạnh Trinh 

 

       Sông Hương núi Ngự là biểu tượng của Huế. Nhiều thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ khi viết về Huế thường nói tới hai đề tài nầy. Thông thường, sông Hương được ca ngợi nhiều hơn núi Ngự.

 

       Về sông Hương, thường được mô tả “Hương Giang lững lờ, trăng nước vờn đôi bờ”.  Có “Câu hò vọng xa đưa khúc buồn mơ” hoặc là “khi nắng chiều êm dịu” hay đường về Vĩ Dạ “vắng đìu hiu”.  Trước 1946, khi Tây chưa chặt trụi thông trên Ngự Bình thì còn Thông reo núi Ngự”, cùng với nỗi buồn “man mác sầu Thiên Mụ”.  Các ý trên là của Minh Kỳ, trong bài “Thương về xứ Huế” mà cũng là nhận xét của nhiều nghệ sĩ.

 

       Thời tiền chiến, Nam Trân viết về Huế như sau:

 

Thuyền nan lững thững sau hàng phượng

Cô gái Kim Long yểu điệu chèo,

Tôi xuống thuyền cô cô chẳng biết

Rằng tôi thấy đẹp phải tìm theo!

 

       Khi tả cảnh Huế, Nguyễn Bính có nhiều ý tưởng mơ mộng hơn, và cũng “xưa cũ” hơn:

 

Cầu cong như chiếc lược ngà

Sông dài mái tóc cung nga buông hờ

Đôi bờ đôi cánh tay vua

Cung nga úp mặt làm thơ thất tình

 

       Cũng có lúc, Nguyễn Bính tả cảnh Huế về mùa lụt lội, nước không Hương không còn “lững lờ” mà lên cao mênh mông:

 

Trường Tiền vắng ngắt người qua lại

Ðập Ðá mênh mang bến nước đầy

 

       Nguyễn Bính còn có bài thơ “Cô Lái Đò” mà nhiều người có thể tưởng là một cô lái nào đó trên sông Hương, như cô lái đò ở bến Kim Long nói trên của Nam Trân chẳng hạn.

 

       Có thể Nam Trân hay ai khác nữa lầm lẫn đấy, cứ tưởng rằng tất cả các cô gái Kim Long đều đẹp. Điều nầy có thể do từ câu thơ của vua Thành Thái: “Kim Long có gái mỹ miều, Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi”, hay mối tình “táo bạo” của nhà vua đối với một cô lái đò Kim Long:

 

       Người Huế còn nhớ câu chuyện một năm vua Thành Thái đi chơi tết ở Kim Long, tình cờ gặp một cô gái có nhan sắc, làm nghề đưa đò.Nhà vua ưng ý nhưng hỏi thử: “Nì, o tê! Có muốn làm vợ vua không?” Cô gái không dám trả lời vì việc ấy đối với cô cao xa quá, không dám nghĩ mà cũng không ngờ tới. Nhưng rồi nhà vua giành lấy mái chèo mà chèo thuyền đi. Tới bến Phú Văn Lâu, nhà vua lên bờ và bảo triều thần đưa cô gái “tiến cung”.

 

       Tôi từng đi qua nhiều bến đò ngang trên sông Hương: Bến đò Tuần để qua lăng Minh Mạng, bến Kim Long nối liền chợ Kim Long và làng Nguyệt Biều bên kia sông, bến đò Súng, phía trên bến đò Thừa Phủ và bến đò Vĩ Dạ - chợ Đông Ba. Tôi không có cái may mắn để gặp một cô lái đò đẹp.

 

        “Cô lái đò” trong thơ Nguyễn Bính lại không phải là một bến đò ngang trên sông Hương, mà chính là bến đò ngang trên sông Diên Trường, còn gọi là sông Trường Sanh, nằm ở phía hạ lưu của cầu Dài trong “Đại Lộ Kinh Hoàng” mùa hè năm 1972. (1)

 

       Nếu độc giả có nghe câu hát “Chiều nay em ra phố về, Thấy đời là con nước trôi” trong bài hát “Nghe những tàn phai” của Trịnh Công Sơn, có lẽ ông ta nói tới “con nước” của sông Hương đấy. Cái tàn phai ấy, không chỉ ở sông Hương mà thôi, mà của cả hoàng thành và lăng tẩm nữa đấy. Tiếc là tác giả chưa nói hết mà thôi.

 

***

 
       Huế xưa có thú ăn chơi là nghe ca hát trên sông Hương, thường vào ban đêm. Vài kỹ nữ, vài nhạc sĩ cổ, vài khách chơi, thuyền neo trong sông trăng, tưởng như bến Tầm Dương của Bạch Cư Dị sống lại nơi đây với những khúc ca Nam ai, Nam Bình, thường gọi là “Ca Huế”.

 

       Sau khi bị Pháp đô hộ, vua thì còn đó nhưng nước đã không còn, vậy mà người dân Huế vẫn còn nghe tiếng ca, tiếng đàn, tiếng địch vang vọng trên sông hằng đêm, khiến lòng người Huế càng thêm khắc khoải vì mối hận mất nước, như khúc ca Bạc Tần Hoài nói về Trần Hậu Chủ bên Tàu ngày xưa:

 

       Bạc Tần Hoài

 

Đỗ bến Tần Hoài 
         
(Người dịch: Hoàng Giáp Tôn)

 

Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa,

Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia.

Thương nữ bất tri vong quốc hận,

Cách giang do xướng “Hậu đình hoa”.

 

Mặt nước lạnh khói loang, trăng tan trên cát,

Hận vong quốc biết gì, ca nhi còn hát!

Bến Tần Hoài, thuyền ta đỗ cạnh tửu gia,

Vẳng tự bên sông lại khúc “Hậu đình hoa”!

 

       Bài thơ nầy có nhiều bản dịch. Sát nghĩa và hay nhất có lẽ là bài của cụ Trần Trọng Kim:

 

Thu Tứ

Chập chờn sông khói bờ trăng
Tối nay thuyền đỗ bến Tần tìm say
Kìa ai nước mất mặc ai
Kéo co khách mới vẫn bài ca xưa.

 

       Chính vì ý nầy, trong “Đêm Tàn Bến Ngự”, Dương Thiệu Tước, sau khi than thở: “Thuyền ơi đưa ta đến đâu, Tìm trăng trăng khuất đã lâu” bèn trách cứ những người quên hờn vong quốc mà nói rằng “Ai tiếc, ai thương chi khúc Tần Hoài” là khúc ca mất nước.

 

       Không chỉ là một triều đại nhà Nguyễn sụp đổ. Khúc quanh lịch sử khi Pháp đặt nền đô hộ ở nước ta, là một sự thay đổi sâu sắc về văn hóa, phong tục, lễ giáo, và lịch sử dân tộc. 

 

       Triều đại nhà Nguyễn sụp đổ kéo đổ theo một tầng lớp thống trị xã hội, phần đông là giới sĩ phu, một nền văn hóa, văn học, tôn giáo cổ xưa mà Việt Cộng cố gán cho cái nhãn hiệu “made in China” là “Phong kiến phản động”(2). 

 

       Cộng Sản cố xóa bỏ nó đi, triệt tiêu nó đi, “đào tận gốc, trốc tận rể” để xây dựng một nền văn hóa mới: “Văn hóa Xã hội Xã hội chủ nghĩa”. Trong viễn tượng đó, đối với những người Cộng Sản, lịch sử Dân tộc, văn hóa dân tộc là chỉ có thể có từ ngày 3 tháng 2, năm 1930, là ngày cái đảng quái thai Cộng Sản Việt Nam ra đời. 

 

       Lịch sử Dân tộc Việt Nam, Văn hóa, Văn học Dân tộc từ thời gian trước cái mốc lịch sử đó, là không có gì hết, là con số không, là coi như nước Việt Nam chưa có, Dân tộc Việt Nam chưa có, không có gì cả!

 

       Thu Bồn, lớn lên trong hoàn cảnh lịch sử đó.

       Ông sinh năm 1935, vô bộ đội Việt Minh năm 11 tuổi, rồi trở thành nhà báo, nhà văn, được rèn luyện và học tập qua nhiều nhà trường Cộng Sản, trong khi ông chỉ là một cậu bé nhà quê, quê ở xã Điện Thắng, huyện Điện bàn, Tỉnh Quảng Nam, lớn lên trong chiến tranh, tập kết năm 1954, sống dưới chế độ Cộng Sản Bắc Việt.

 

Vậy thì ông biết gì về Dân tộc? 

Biết gì về lịch sử Dân tộc? 

Biết gì về Văn hóa, Văn học Dân tộc? 

 

       Ông đã bị mù vì Cộng Sản chỉ cho ông thấy con đường nhìn lui lịch sử Dân Tộc chỉ toàn là “chế độ phong kiến bóc lột”? Cái định kiến ấy đè nặng lên tâm hồn ông cả một thời gian khá dài!

 

       Ông không biết gì về các triều đại nhà Nguyễn, với 9 Chúa 13 vua, về các ông vua yêu nước Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân. Trong cách nhìn đó, những gì thuộc về nhà Nguyễn chỉ là “đổ bỏ”, không đáng quan tâm, không cần đếm xỉa tới.

 

       Mãi sau năm 1975, có thể sau thời kỳ gọi là “đổi mới”, khi ông đến Huế, có một cuộc đi thăm lăng tẩm, đền đài, miếu mạo… ông mới giật mình, tỉnh ngộ,  như nói thầm với người“bạn” đường:

 

Bởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ

Chén ngọc giờ chìm dưới đáy sông sâu.

 

       Sao lại bắt đầu bài thơ với hai chữ Bởi vì?

       Nếu “em KHÔNG dắt anh lên những ngôi đền cổ, những ngôi đến cổ tượng trưng cho Huế, cho nhà Nguyễn, cho các Vua Quan yêu nước, thì làm sao “anh” thấy được tinh hoa của Huế, của Vua Chúa, của Lịch sử và Văn Hóa, nó như những “Chén Ngọc” chìm dưới đáy sông sâu?! 

 

       Tại sao lại “chén ngọc chìm dưới đáy sông sâu”?

       Tại vì nó là lịch sử đã qua đi rồi hay bị AI vùi lấp dưới lòng sông sâu của Huế?! 

 

       Vì đâu sông Hương của Huế lại vùi lấp lịch sử Huế, lịch sử của các triều đại Vua Quan yêu nước? Ai đó là Ai thì chúng ta đã biết rồi, cần chi phải nói rõ hơn họ là Cộng Sản.

 

       Thu Bồn cũng đã biết, nên hai câu thơ đầu của ông, được phô diễn như một lời hoài niệm, hối hận và tiếc nuối?

 

       Người ta đang sửa sang, tái tạo một Huế thời xưa cũ, vì nó là tài sản của nhân loại, nhưng với tính cách thương mại hóa… Liệu người ta có làm được gì?

 

       Không! Không được gì cả, bởi vì với thời gian vô tình, Huế vẫn còn rêu phong, vẫn cứ tàn tạ, hủy diệt dần với năm tháng! Thu Bồn có điều buồn khi ông thấy điều mà du khách, và cả người Huế ngày nay nữa, không thấy được:

 

       “Những lăng tẩm như hoàng hôn cố níu ngày quên lãng!

 

       Cố níu cũng không được! Thời gian vẫn trôi, Huế vẫn cứ lụi tàn làm cho nhà thơ thấy “Mặt trời vàng và mắt em nâu!”

 

        “Mặt trời vàng” thì dễ hiểu! Thời gian đang lên là bình minh. Bình minh thì mặt trời đỏ. Mặt trời vàng là lúc hoàng hôn. Hoàng hôn thường mang một nỗi buồn mang mác như “Hai buổi chiều vàng” của Nhất Linh vậy.

 

       Thế nhưng tại sao lại mắt em nâu mà không xanh như người Tây phương hay “mắt em đen” như các cô gái Việt Nam, thường “mắt đen lay láy”. Độc giả hãy tìm hiểu thử coi! Có phải mắt em đang phản ảnh màu của gạch đá rêu phong của hoàng cung và lăng tẩm. Đó là màu hoài niệm của Huế, hoài niệm về một thời huy hoàng rồi suy tàn theo mệnh nước?!

 

       Là một nhà thơ, Thu Bồn không thể thoát ra khỏi cái tình trường của Huế, của người dân Huế cố cựu hay một thi nhân, nghệ sĩ nào đó một lần đến Huế. Đó là một cái gì rất ảo mà rất thực, đó là điều gì rất mơ mà rất tỉnh: (3)

 

Xin chào Huế một lần anh đến
Để ngàn lần anh nhớ trong mơ
Em rất thực nắng thì mờ ảo
Xin đừng lầm em với cố đô

 

       Sao lại xin đừng lầm?

       Nỗi nhớ Huế của Thu Bồn cả ngàn lần như nhớ ở trong mơ. Nhưng “em” với Huế rất khác nhau bởi vì em là hiện tại, mà Huế là dĩ vãng. Hai cái “thực thể” sẽ không thể song hành.

 

       Nói đến Huế, nên nói đến nón bài thơ, có khi gọi là nón Huế. Chiếc nón rất nhẹ và mỏng. Cầm lên, soi dưới ánh sáng, độc giả có thể đọc thấy một câu thơ cổ hay một câu thơ của Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư… Người con gái Huế ra đường thường với chiếc nón trên đầu, cầm tay hay che một phía. Có khi người ta dùng nó như một vật để trang điểm, làm dáng. Cái nón ấy là nón bài thơ, rất Huế, như Thu Bồn nói, có thể làm cho người ta mong một cuộc sống êm đềm, nhẹ nhàng, rất thơ… nhưng mà đời không phải thế vì đời rất thực, rất khó khăn gian khổ. 

 

       Dù sao, dù nón Huế hay không phải nón Huế, dù cái mũ vải, chiếc khăn mỏ quạ, thông thường nó không phải là thứ để trang điểm mà phải là vật che thân, để che “Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng.”. Vậy trong cái thực ấy: nghiêng nón che mặt trời, vẫn có cái đẹp của mơ đấy!

 

       Từ những cảnh sắc của Huế, người Huế, nhất là các cô gái Huế thường lẫn lộn giữa mộng và thực, giữa ước mơ và thất vọng, giữa giấc ngủ và khi tỉnh thức, khi “áo trắng qua cầu Trường tiền” giữa cái “nắng minh mang” lôi kéo con người ta trở về với đời thực. (4)

 

       Hình ảnh Huế khá rõ: “Nhịp cầu cong” như Thu Bồn hay “Cầu cong như chiếc lược ngà” mà Nguyễn Bính mô tả. Huế cũng là hai con đường thẳng vài dài ở hai bên bờ sông Hương. Bên nầy sông, con đường đi từ Vĩ Dạ lên tới Ga Huế, bên kia sông là từ cầu Gia Hội lên tới cầu Bạch Hổ.

 

       Giữa hai con đường là con sông. “Con sông dùng dằng…” hai tiếng dùng dằng làn cho người ta nhớ đến Cô Kiều cũng “dùng dằng” như vậy:

 

Dùng dằng nửa ở nửa về 
Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần

 

       Theo Tự điển Khai Trí Tiến Đức giải thích, Dùng dằng là: Do dự, không quyết định, và tự điển cũng chứng minh bằng câu Kiều như nói trên.

 

       Cái gì là cho nước sông Hương do dự, không muốn trôi đi?

       Kiều dùng dằng là vì thương Đạm Tiên bạc mệnh, yêu kính người bạc mệnh ấy đã“nổi danh tài sắc một thời”. Sông Hương có dùng dằng thì cũng vậy: Con sông yêu người và yêu cảnh, hay nói đúng hơn, đó là lòng của người Huế kể từ xưa, mặc dù, người ta cũng giận dỗi đấy: “Đi để mà nhớ, không phải để ở mà thương”, như có người nói là Nhã Ca đã nói vậy.

 

       Vậy thì điều chính của sự do dự là “tâm hồn”. Người ở Huế không ít khi người ta tự đi sâu vào tâm hồn mình, như người ta thường nói là nội tâm. Cảnh sắc ấy, những nhân vật lịch sử ấy, và cả lịch sử Huế nữa như đưa đẩy tâm hồn người vào những tư duy, phiền muộn, ngậm ngùi.  Do đó, sông Hương không chảy xuôi mà “chảy vào lòng nên Huế rất sâu”. Đúng là, như người ta thường nói: “Người Huế thâm trầm”

 

       Người đọc không thể lẫn lộn giữa “tạm biệt” và “tiễn biệt” trong câu giã từ của Thu Bồn. Với tác giả, chỉ là “tạm biệt”, với người “bạn” của tác giả là “tiễn biệt”. Có gì khác chăng? Một người đi và một người ở lại. Người ở lại có trông chờ? Người đi thì vẫn ngoái nhìn lui.

 

       Hỏa Tinh mọc lúc đầu hôm là Sao Hôm, mọc lúc ban sáng là Sao Mai, cũng còn gọi là Sao Khuya. Thu Bồn về bên kia Hải Vân. Ông ta sợ khi về bên đó, sẽ không còn thấy Huế, sẽ mất Huế, vì Hải Vân che khuất. Không hẳn che khuất Huế đâu, không hẳn che khuất người “bạn” mà che khuất “Chén Ngọc” như ông đã từng không thấy “Nó” khi người “bạn” dắt ông lên những ngôi đền cổ. Điều ấy, “Chén Cổ” ấy, với ông là rất quí báu vì “Nó” là Đất Nước và Dân Tộc. 

 

       Có điều chi quí hơn hai điều ấy mà ông sợ bị che lấp đi? Vậy thì “Chủ nghĩa Mác” ở đâu? Còn ở tròng lòng Thu Bồn không? Nó không còn là kim chỉ nam cho Thu Bồn như trong những năm ông theo Cộng Sản nữa hay sao mà ông mượn “Ngọn Sao Khuya” làm định hướng cho cuộc đời trở về với Dân Tộc, như trong “Tìm Về Dân tộc” của Lý Chánh Trung. 

 

       Đọc đến đây, người đọc không thể không nhớ “Nhân Văn, Giai Phẩm”.

 

       Sự cởi trói của thời đại ngày nay, có lẽ không như “Bách hoa tề phóng” là cái bẫy của Cộng Sản Bắc Việt năm 1956. 

 

       Niềm tin mới của ông là rất vững chắc và bền bĩ. Ông muốn biến thành “đá” như “Đá Vọng Phu”, dù “cố đợi nghìn năm, một nghìn năm khác sẽ qua… như trong “Ai Xuôi Vạn Lý” của Hòn Vọng Phu thì niềm tin mới nơi Thu Bồn sẽ còn vì đó là niềm tin vào  Dân Tộc.

 

       Đâu phải chỉ có đàn bà mới dũng cảm, kiên nhẫn chờ chồng từ năm nầy qua tháng nọ mới hóa đá. Khi đã có một niềm tin vững chắc và sắt đá vào Dân Tộc, thì với niềm tin đó, người đàn ông cũng có thể hóa đá để cùng tồn tại với Đất Nước và Dân Tộc vậy.

 

       Nhìn chung, dù nhìn bài thơ qua lăng kính nào, đây vẫn là một bài thơ hay. Nó hay chỉ bởi một điều căn bản: Nhân Bản và Dân Tộc. Những tác phẩm trước kia của Thu Bồn, rồi ra chẳng mấy ai biết mà khen vì đó là những tác phẩm phi-Dân Tộc.

 

       Chỉ cần một bài thơ trở về với Chén Ngọc, Thu Bồn cũng đã để lại cho đời một bài thơ hay.

 

Tháng 9-2014

hoànglonghải

           

 

TẠM BIỆT HUẾ

 

“Bởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ
Chén ngọc giờ chìm dưới đáy sông sâu
Những lăng tẩm như hoàng hôn
Chống lại ngày ngày quên lãng
Mặt trời vàng và mắt em nâu

 

Xin chào Huế một lần anh đến
Để ngàn lần anh nhớ trong mơ
Em rất thực nắng thì mờ ảo
Xin đừng lầm em với cố đô

 

Áo trắng hỡi thuở tìm em không thấy
Nắng minh mang mấy nhịp Tràng Tiền
Nón rất Huế mà đời không phải thế

Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng

 

Nhịp cầu cong và con đường thẳng
Một đời anh tìm mãi Huế nơi đâu
Con sông dùng dằng con sông chảy ngược
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu

 

Tạm biệt Huế với em là tiễn biệt
Hải Vân ơi xin người đừng tắt ngọn sao khuya
Tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng
Anh trở về hoá đá phía bên kia”.

 

Thu Bồn

 

(1)-Xin xem “Thổ âm Trị Thiên” Trong “Viết Về Huế” Tập 1, do Văn Mới xuất bản.

 

(2)-Việt Cộng, gọi theo của Tầu Cọng, cái gì về vua chúa ngày xưa đều gọi chung là “Phong kiến” hay “Phong kiến phản động”. Trong lịch sử Tầu hay lịch sử các nước Châu Âu mới có “chế độ phong kiến”, tức là “Phong tước và kiến địa” nói gọn lại. Đó là chế độ có những “lãnh chúa”. Các lãnh chúa thường xung đột nhau vì quyền lợi, như trong truyện “Romeo va Juliette”. Nước ta, từ khởi thủy đến khi chế độ quân chủ sụp đổ, không có ai được phong là “lãnh chúa” như bên Tầu hay Châu Âu. Nước ta chỉ có “Chế độ quân chủ”, có khi là “Chế độ quân chủ chuyên chế”, chưa bao giờ có “chế độ phong kiến”.

 

(3) Xưa có anh tiều phu, một hôm vào rừng đốn củi, tình cờ anh giết được một con nai. Anh nghĩ: Đang đi đốn củi, nên anh bèn đào một cái hố, chôn tạm con nai xuống đó, chờ khi đốn củi về sẽ đem con nai về luôn. Đốn củi xong, ra về, anh quên mất con nai.

 

       Tối lại, đi ngủ, anh mới sực nhớ là đã quên con nai trong rừng. Hôm sau, vào rừng, ai đã lấy mất con nai của anh làm anh cứ tưởng có lẽ anh không giết được con nai như anh đã nghĩ, và tự cho đó là mộng hay anh lẫn lộn giữa mộng và thực.

 

       Theo Nguyễn Hiến Lê thì:

       Có lần Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa bướm vui vẻ bay lượn, mà không biết mình là Chu nữa, rồi bỗng tỉnh dậy, ngạc nhiên thấy mình là Chu. Không biết phải mình là Chu nằm mộng thấy hóa bướm hay là bướm mộng thấy hóa Chu. Trang Chu với bướm tất có chỗ khác nhau. Cái đó gọi là “vật hoá”.

 

       Từ ý đó, trong Truyện Kiều, khi nói về tiếng đàn của cô Kiều, Nguyễn Du viết:

 

Khúc đâu đầm ấm dương hòa

Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh

 

       Theo Wikipedia thì: “Giấc mơ thành bướm của Trang Tử gợi ra nhiều câu hỏi trong các lĩnh vực triết học tâm thứctriết học ngôn ngữ, và nhận thức luận. Không chỉ là một thành ngữ thường gặp trong tiếng Trung, “Mộng hồ điệp” còn lan sang cả các ngôn ngữ phương Tây. Nó được dùng làm một trong các minh họa trong bài luận nổi tiếng “A New Refutation of Time” (Một phủ định mới về thời gian) của Jorge Luis Borges, và có thể đã gợi cảm hứng cho truyện ngắn năm 1918 “Polaris” của H. P. Lovecraft.” (Theo Wikipedia)

 

(4)-Năm 1992, khi cựu thiếu tá Johnston trong “Phái đoàn Mỹ” phỏng vấn tôi để xét cho đi định cư ở Hoa Kỳ, ông ta nói với tôi: “Tôi đi nhiều, nhưng không có một thành phố nào đẹp như Huế. Giờ bãi trường, các cô học sinh ra về, trắng cả cầu Trường Tiền, trên thế giới không nơi nào có.”

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.