Bài thơ "Quê Choa"
của Đinh Sỹ Minh
*
Chiều 25 tháng 7 (2021), rảnh thời gian tôi mở tủ sách lấy tập thơ "THĂM THẲM BÓNG LÀNG" của nhà thơ Đinh Sỹ Minh ra đọc lại. Trong 45 bài thơ của "THĂM THẲM BÓNG LÀNG", bài thơ "Quê Choa" với ngôn từ mộc mạc, với cách viết ngẫu hứng và hồn nhiên đã để lại cảm xúc khá ấn tượng trong tôi.
QUÊ CHOA
.
Giữa ồn ào náo nhiệt phố đông
“Đi mô rứa”, nghe nao lòng đến thế!
Cảm giác quê choa vừa thương vừa lạ
“Mi ngài mô?” đã đủ xao lòng!
.
Có một thời mới ở quê ra
Cứ ngượng ngịu rầy vì giọng Nghệ
Ngữ điệu ríu ran líu lo í ới
Muốn che đi như mắc lỗi không bằng.
.
Giờ đã qua ngữ điệu bốn phương
Ta thấy yêu tiếng quê choa đến vậy
Qua cay đắng ngọt bùi, những ngữ phương từng trải
Thấy không mô bằng tiếng mẹ mình ru con.
.
Dòng sông La và dãy Trường sơn
Cứ thác lũ, quê ơi nặng nợ
Nặng nhân ái, nặng phù sa núi lở
Ta lớn khôn, nhớ cha thuở roi đòn.
.
Tình yêu qua gian khổ mặn mòi hơn
Gió Lào quắt khô, cát trắng, trắng trời
Nắng và gió phôi thai điệu ví
Dẫu đi khắp bốn phương trời vẫn vậy
Tiếng quê choa chan chứa tình choa.
*.
ĐINH SỸ MINH
Cái tình giành cho quê hương của nhà thơ Đinh Sỹ Mình trong "Quê Choa" thật hồn nhiên, trong trẻo, đáng yêu như bản ngã người dân xứ Nghệ chân thành đến khắc khổ. Có lẽ, tệ phân biệt, chia rẽ vùng miền cố hữu ở một số người khiến anh ngại ngùng muốn giấu đi thổ ngữ quê Choa? Những câu thơ chân chất được ngẫu hứng cất lên từ tiếng lòng của nhà thơ Đinh Sỹ Minh đã rất nhanh chạm vào trái tim người đọc:
"Có một thời mới ở quê ra
Cứ ngượng nghịu rầy vì giọng Nghệ
Ngữ điệu ríu ron líu lo í ới
Muốn che đi như mắc lỗi không bằng"
Tâm trạng này cũng là tâm trạng chung của những người dân "Quê Choa" xa xứ. Đinh Sỹ Minh đã thành công khi anh "biến" tâm trạng của riêng anh thành tâm trạng "riêng" của nhiều người dân xứ Nghệ.
Tình quê hương thấm sâu trong hơi thở nên đi đâu, làm gì, bất chợt gặp lại tiếng mẹ đẻ, tiếng "Quê Choa" cũng làm Đinh Sỹ Minh bâng khuâng nỗi nhớ. Lần nữa, những câu thơ như được bật ra tức thì từ cảm xúc ngẫu hứng của nhà thơ Đinh Sỹ Minh lại làm mềm lòng những người dân xứ Nghệ:
"Giữa ồn ào náo nhiệt phố đông
"Đi mô rứa", nghe nao lòng đến thế
Cảm giác quê choa vừa thương vừa lạ
"Mi ngài mô?" đã đủ xao lòng!"
Khi bươn chải nơi đất khách quê người, với những va đập, bon chen giữa nhiều kiểu người tốt - xấu - hay - dở, với tệ phân biệt vùng miền còn cố hữu ở một số người, người dân "Quê Choa" có những lúc phải tạm giấu đi ngữ điệu "trọ trẹ quê hương" mà hòa đồng với "ngữ điệu bốn phương" để mưu sinh... Đinh Sỹ Minh cũng vậy, anh cũng phải giấu đi tiếng "trọ trẹ quê Choa" khi bước chân xa quê lập nghiệp. Và sau những năm tháng lăn lộn ở xứ người với những "cay đắng ngọt bùi" nếm trải thì phút lắng lòng vẫn da diết tiếng "trọ trẹ" quê hương:
"Giờ đã qua ngữ điệu bốn phương
Ta thấy yêu tiếng quê choa đến vậy
Qua cay đắng ngọt bùi, những ngữ phương từng trải
Thấy không mô bằng tiếng mẹ mình ru con."
Những câu thơ chân thật kiểu ngẫu hứng "thấy gì viết đấy", không chỉ ở vài câu thơ mà gần như ở cả bài, vậy mà "Quê Choa" lại chiếm được cảm tình của nhiều bạn đọc. Tôi nghĩ, bạn đọc (nhất là bạn đọc xứ Nghệ) thích bài thơ "Quê Choa" vì nhà thơ Đinh Sỹ Minh đã làm được điều mà nhiều nhà thơ chưa làm được, đó là nói hộ tiếng lòng của những người dân xa xứ, đã "biến" tâm trạng của riêng anh thành tâm trạng "riêng" của nhiều người dân xứ Nghệ xa quê.
*.
Hà Nội, ngày 4 tháng 8-2021
ĐẶNG XUÂN XUYẾN