Nov 23, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Người Huế có gì hay?
Hoàng Long Hải * đăng lúc 12:07:31 PM, Apr 09, 2021 * Số lần xem: 1003
Hình ảnh
#1

 

Người Huế có gì hay?!

 

 

“Huế đi để mà nhớ,

không phải ở để mà thương (tg ?)

 

 

Nhiều người làm thơ ca tụng về Huế, hay thì ít mà dở ẹt cũng không thiếu chi, trong đó có cả thơ của Tố Hữu. “Huế đấu tranh”, “Huế chiến thắng vinh quang”, “Huế tự hào”… là những tiếng người ta thường nghe khi ví von với Huế trong “Tiếng thơ cách mạng”. Sau đây, tôi trích vài câu của Tố Hữu, được Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân khen hay:

 

Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi,

Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi!
Ta ngã vật trong dòng người cuộn thác
Ôi thiên đường! Tai miên man lắng nhạc
Từ muôn phương theo gót nện rầm rầm
Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn năm!

 

Ngay hai câu đầu ta đã thấy “trớt huốt”, Tố Hữu viết bậy - bậy tệ hơn sai - rồi. Máu thì tanh, có ai thấy “máu thơm” bao giờ! Chỉ có loài cọp, beo, loài thú ăn thịt, mới thấy “máu thơm”. Không lý Tố Hữu là loài thú tanh hôi mà không phải là người - người viết thường, chưa cần viết hoa (Người).

 

Còn sao vàng?

“Sao đỏ” là sao mới mọc đầu hôm. “Sao vàng” là sao là sao đang mờ lúc trời gần sáng. Vậy mà người ta cố tình không biết, để hè nhau khen thơ Tố Hữu thơm, mùi như ông vua sợ chết hay sao (1)

“Tạm Biệt Huế” là bài thơ viết về Huế hay nhứt, theo ý tôi. Tôi đã từng khen bài thơ nầy trong một bài viết trước đây, từ ý tưởng, hình ảnh và cách diễn đạt của Thu Bồn.

 

Tuy nhiên, những điều nói ở trên không phải như nhan đề bài viết nầy là “Nguời Huế có gì hay” mà tôi muốn nói ở đây. Tôi thường nghe những câu chuyện của bọn học sinh nói với nhau “lo học vì thương mạ”. Học không phải để “làm vương, làm tướng gì đâu” mà chỉ vì “không học sợ mạ buồn”, vì “Mạ là nhứt trên đời”. “Lạy Phật Quan Âm mà không lạy Mạ thì cũng bỏ”, nói chi tới “Mẹ Maria” bên Tây, bên Ý xa xôi.

 

Năm tôi bắt đầu học làm “nhà văn, nhà vẽ” - mầm non văn nghệ đấy - một hôm đang ăn cơm, mẹ tôi ngồi bên cạnh nói: “Thôi bữa ni (nay) con đừng chơi với cái thằng nhà văn gì đó ở xóm sau nữa nghe.”

 

Tôi hỏi: “Sao vậy mạ?”

Mẹ tôi nói: “Ai đời như cái thằng đó. Anh em nó chưởi lộn nhau. Mạ nó ra can. Nó mắng mạ: “Khi cha má ăn nằm với nhau, cha má nghĩ tới chuyện sướng, chớ đâu có nghĩ tới chuyện sinh ra tui.” Con cái nói với mạ như rứa (thế) thì còn trời đất chi nữa.”

 

Người mà mạ tôi nói là anh Lê Mộng H. (xin giấu tên), là một “nhà thơ” vừa rời khỏi Quân Đội Quốc Gia. Có thời anh từng theo Cộng Sản, học lóm đâu đó, - hay được Cộng Sản dạy cho? -, cái gọi là “Duy vật biện chứng”, để chứng minh rằng phải “Trung với đảng, HIẾU với dân”, (không hiếu với cha mẹ). Tên thật anh ta là cái gì đó, sau “tham gia văn nghệ”, anh ta đổi tên là Lê Mộng… Thi sĩ thì phải có mơ “mộng” gì đấy mới là hay chứ.

 

Tôi không phải là người Huế. Quê tôi ở Quảng Trị, nhưng Quảng Trị cách Huế chỉ có 60km nên “ảnh hưởng Huế” nặng, nhẹ cũng không có gì lạ. Tôi từng đi nhiều nơi trong Nam: Cà Mau, Hà Tiên, Châu Đốc…,  không có nơi nào người dân có cái “nét Huế” như người dân Gò Công. Chẳng có gì lạ đâu: “Đất Hoàng Gia” mà! Gò Công có một bà thái hậu (mẹ vua) và một bà hoàng hậu (vợ vua), mà bà Từ Dụ (có khi gọi là Từ Dũ) là người nổi tiếng “dạy con”. Nhà nghiên cứu lịch sử Hồ Bạch Thảo viết như sau:

 

“Qua các tác phẩm của Tự Ðức, được biết nhà vua nhắc đến mẹ nhiều hơn cha; đặc biệt trong bài biểu tạ ơn mẹ nhân dịp Ngũ Tuần Ðại Khánh, Tự Ðức hết sức tán tụng mẹ, coi mẹ là trời, là thầy:

“Nuôi con ra mẹ vậy, hiểu lòng con cũng mẹ vậy, mẹ là trời vậy.” 

Những sự kiện trên báo cho ta biết rằng ảnh hưởng của Từ Dụ đối với Tự Ðức thực mãnh liệt; bởi vậy muốn tìm hiểu về Tự Ðức không thể không xét kỹ về Từ Dụ Hoàng-thái-hậu.

Căn cứ vào sử liệu, được biết Từ Dụ không phải là người mẹ tầm thường; bà là một nhân vật thông minh khôn ngoan và có cơ tâm rõ rệt. Ðời bà đã thực hiện được những ý nguyện sau đây:

“Sinh con ăn mẹ vậy, dạy con học cũng mẹ vậy; mẹ là thầy vậy.”

(Hồ Bạch Thảo -Tìm hiều về con người vua Tự Đức)

 

Đại Nam liệt truyện viết về vua Tự Đức như sau:

 

“Đó là một ngày rảnh việc nước, vua đi ngự săn bắn tại rừng Thuận Trực. Gặp phải nước lụt, trong khi đó còn hai ngày nữa thì đến ngày giỗ vua cha Thiệu Trị mà vua vẫn chưa trở về. Đức Từ Dụ nóng ruột sai quan đại thần Nguyễn Tri Phương đi tìm và rước nhà vua về.

Nguyễn Tri Phương phụng lệnh lên đường, đi được nửa đường thì gặp thuyền ngự đang chèo lên, do dòng nước chảy mạnh không chèo nhanh được nên gần tối thuyền ngự mới tới bến.

Vừa tới hoàng cung, vua liền lên kiệu đi thẳng sang cung Diên Thọ để lạy xin chịu tội dù khi đó trời vẫn đang đổ mưa. Nhà vua dâng lên một chiếc roi mây đặt trong mâm son, để trên ghế rồi nằm phục xuống sàn xin chịu đòn. Đức Từ Dũ ngồi xoay mặt vào màn không nói lời nào, một hồi lâu, bà mới xoay mặt ra lấy tay hất cái roi đi.

Tuy không phạt roi, hoàng thái hậu dặn nhà vua phải ban thưởng cho quan quân cực khổ đi hầu ngự, rồi sáng mai vào hầu lạy. Lúc đó, vua Tự Đức mới đứng dậy, lạy tạ lui về. Ngay đêm hôm đó, nghe lời của mẫu hậu, vua Tự Đức ban thưởng cho quan quân đi hầu ngự.

 

Câu chuyện này đã được dựng thành tích cải lương Tự Đức dâng roi, được nhân dân rất yêu thích.

 

Một lần khác, vua Tự Đức mải vui ở cửa Thuận An nên bỏ buổi ngự triều. Hoàng thái hậu giận lắm. Lúc về, vua có đến xin lỗi mẹ, nhưng bà sai người đóng cửa cung Diên Thọ không cho vào. Nhà vua phải đứng chờ cả giờ, sau bà mới cho gọi vào và dạy: “Nước đang có nhiều việc rối, hoàng đế đã không lo lắng mà còn vui chơi được sao? Thôi, hãy mau về triều cùng các quan bàn quốc kế”.

Bà từng răn dạy vua Tự Đức: “Biết lỗi với ta chỉ là phụ, biết lỗi với dân mới là chính”.

Nghe lời dạy bảo của bà, Tự Đức không chỉ là vị vua hiếu thảo, mà luôn thể hiện tinh thần yêu nước và luôn siêng năng việc triều chính cũng như không ngừng học tập hàng ngày.

 

Có thể có người cho rằng chuyện vua Tự Đức nói trên là chuyện của triều đình. Đó là chuyện thật, chuyện giả, thêm bớt, có ý đồ, v.v… ai biết đâu mà tin, không tin. Vậy tôi xin kể chuyện một ông tướng Việt Nam Cộng Hòa, thờ mẹ khó ai có được.

 

Thiếu tướng (hay chuẩn tướng?) Lê Trung T., (xin giấu tên - dân “Quảng Trị tui”, hồi nhỏ, gia thế chẳng giàu có gì - ý tôi muốn nói khi ông còn nhỏ, mẹ ông buôn bán vất vả để nuôi ông ăn học, khôn lớn. - Khi ông đã làm tướng, mẹ ông còn sống. Mỗi ngày, mẹ ông ngủ dậy, “vấn an” mẹ xong, ông hỏi mẹ sáng nay mẹ muốn ăn gì? Bún bò - “món ruột” của người Trung, hay phở, “món ruột” dân Bắc Kỳ - Xong, ông biểu tài xế đi mua đem về. Đặt tô bún hay to phở xong, đích thân ông bưng vào phòng cho mẹ. Mẹ ăn, đích thân ông vào phòng bưng tô ra.

 

Còn người dân thường?

Ông Trương Đình K., (lại xin dấu tên), thuở nhỏ cũng thuộc gia đình trung bình. Khi ông sáu, bảy chục tuổi, mẹ ông vẫn còn sống. Buổi tối, đích thân ông đem một cái “bô” vào đặt dưới gầm giường mẹ, phòng khi mẹ có đi tiểu đêm. Sáng dậy, lại đích thân ông vào phòng mẹ lấy cái “bô” ấy ra, đưa cho người giúp việc đem đi đổ, chùi rửa dành cho tối hôm sau.

 

Cũng có người Huế còn nhớ câu chuyện cô học trò hỏng thi năm năm 1960. Nhà nghèo, quê ở Kim Long, học trường Đồng Khánh. Hôm đó đi coi bảng thi trung học về, không thấy tên mình trên bảng đậu. Cô buồn lắm hay sao? Về ngang cầu xe lửa, cô buông xe đạp lại, rồi nhảy xuống sông Hương tự tử. Cô học sinh nghĩ gì? Sợ mẹ buồn khi biết mình hỏng thi hay sao?

 

Nhiều học trò Huế, không những biết mà còn thuộc những câu thơ sau đây:

 

“Ôi khoái lạc những giờ trốn học

Những bình minh xuân đẹp, những chiều thu

. . . . .

 

“Đời đổi mới từ ngày ta dấy loạn

Sớm như chiều hư thực bóng hoa hương.

Ta đi tìm lớp học thiên đường

Và khi đó thì mẹ yêu ngồi khóc!

 

Nghĩ tới “Mẹ yêu ngồi khóc” người học trò Huế từ bỏ tất cả vui chơi đề về với mẹ.

 

Viết tới đây, tôi bỗng chợt nhớ tới một câu trong bài hát về Huế: “Ta có Huế vinh quang, ta có Huế tự hào…  “Tự hào”, “vinh quang” cái gì, trong đó có máu xương, tính mạng, và oan hồn năm ngàn người bị giết hồi Tết Mậu Thân 1968? Và tôi nghĩ tới Tố Hữu. Nếu Tố Hữu yêu mẹ thì lòng “yêu đảng” của ông để ở đâu???!!!

 

Ông phải yêu đảng hơn yêu mẹ chứ ???!!!

Ông yêu đảng là phải - với ông - Đảng cho ông một mớ “chủ nghĩa Marx, cho ông những giọt nước mắt để “khóc Stalin” còn hơn khóc cha mẹ, cho ông một chức “cặp rằn Văn Nghệ” trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm, cho ông chức Phó Thủ Tướng trong cái gọi là Chính Phủ Cách Mạng”.

Đó là “Người Huế có gì hay ???!!!

 

hoànglonghải

 (Ngày giỗ Hường năm thứ năm/ 14 tháng 2 âl.)

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.