Họa sĩ Nguyễn Văn Nhớ
ĐỌC THI PHẨM “Phía Sau Nỗi Buồn” của Linh Vũ.
Hệ Thống Truyền Thông Calitoday Xuất bản, năm 2014.
1. Lệ em rớt chạm cội nguồn
Trầm luân nở trái điên cuồng đời nhau.
Nước mắt em rớt vào chỗ tận cùng của vô thức, vô thức là cõi lòng như nhiên, là tiềm thức, mà tư duy con người không thể điều khiển. Lệ rơi rớt chạm cội nguồn. Cội nguồn ở đây là tiềm thức. Hoạt động thơ của Linh Vũ gần với vô thức, đó là hoạt động của con tim. Vô thức là nơi chốn mà trời đã dành cho thi sĩ, ở đó đầy khả năng sáng tạo. Ý thức không thể làm lệ rơi. Nước mắt tự dưng chảy xuống bởi nỗi buồn xé rách cõi lòng của kiếp nhân sinh. Cõi lòng xé rách bởi kiếp đời trầm luân. Nhưng khi gặp em, trái điên cuồng yêu thương đã nở, trổ quả nuôi đời, quấn lấy đời nhau. Và để giữ cho khúc quanh nhiệm mầu đó vĩnh viễn, thơ đã đến để Linh Vũ làm thi sĩ. Anh phải làm thi sĩ để có thơ hóa giải kiếp trầm luân. Thơ nở trái yêu thương để hai tâm hồn cô đơn điên cuồng hạnh phúc.
Những câu thơ định mệnh, những câu thơ rướm máu ra đời cột chặt đời thi sĩ, như trong lời thưa, Linh Vũ viết: Tôi làm thơ vì giọt máu trong tôi thành sông, thành biển, thành núi thành cỏ cây. Tôi làm thơ vì hồn tôi vỡ nhỏ trong vũng lầy dĩ vãng, những miểng nhọn đã đâm sâu kỷ niệm. Tắt thở. Chẳng còn chỗ hồi sinh.”
2. Hai câu thơ đầy tính hiện sinh trên đây là hai câu cuối cùng của bài thơ Phía Sau Nỗi Buồn, cũng là tên Thi phẩm của Linh Vũ, vừa được Hệ Thống Truyền Thông Calitoday Xuất bản, năm 2014.
Bài thơ gồm mười câu lục bát. Nhiều ngôn ngữ lạ, đầy nhạc tính.
Ý thơ xuất phát từ nỗi lòng đam mê chân thật, quặn đau của tác giả. Nội dung chuyên chở đầy tính hiện sinh đam mê và cảm giác, mà đôi khi lý trí bất lực bởi tình trạng mất định hướng, cảm nhận bối rối khi đứng trước một thế giới tưởng chừng vô nghiã và phi lý. Như tác giả đã tự thú: Tắt thở. Chẳng còn chỗ hồi sinh.
Và qua thơ Linh Vũ người đọc cũng dễ cảm nhận ở đó thi ngữ đầy âm vang của hình thức thơ tượng trưng, như thơ của Thi sĩ Bích Khê, thi sĩ tượng trưng của một thời thơ tiền chiến. Xin thưởng thức bốn câu của Bích khê để nghĩ đến thơ Linh Vũ:
Nàng ở mô! Xiêm áo bỏ đâu đây?
Đến triển lãm cả tấm thân kiều diễm.
Nàng là tuyết, hay da nàng tuyết điểm?
Nàng là hương, hay nhan sắc lên hương?
Thơ Linh Vũ rất tượng trưng. Lối thơ cổ, truyền thống như bắt đầu giả từ dần dần ở thơ anh. Trong lời tác giả, anh đã nói: Tôi làm thơ vì ngôn ngữ đã mòn, đã đóng băng, đã neo đơn trên lưỡi tôi khi mặt trời thức giấc” và anh cũng nói thêm vài điều ở trước tập thơ: “Chúng tôi dùng nhiều thể loại khác nhau từ thơ truyền thống có vần điệu, thơ tự do, thơ tân hình thức và nhiều bài phá luật cũng như lối chấm câu, ngắt đoạn, ngôn từ không theo tiêu chuẩn; đó là dụng ý của chúng tôi, mong quý vị thông cảm. Đa tạ.” Đúng, thơ cần nỗi cảm thông, nhưng nếu không cảm thông được thì Nàng thơ cũng bình tâm, và lặng yên cô đơn ngủ trong rừng sâu âm u một mình, chờ giây phút hữu duyên để hoàng tử cảm thông tới đánh thức, ôm vào lòng, tràn ngập với tình yêu. Thơ cần tri âm, không tri âm thơ sống với ai. Linh Vũ cần tri âm. Nhưng như ai nói đó: Ở đời đặng một tri âm cũng nhiều. Thi sĩ có được một tri âm không? Thơ buồn và cô độc quá! Nàng thơ không thích đám đông. Thi ca còn là nhạc điệu, nhưng không phải là những tiếng khua động, chát chúa ồn ào. Không biết “Phía sau nỗi buồn” của Linh Vũ là thế giới gì của cõi thơ?
Đọc là sáng tạo, là khám phá.
Hiện thực mà người đọc dễ thấy ở bài thơ Phía Sau Nỗi buồn của Linh Vũ là ở đó tràn đầy đam mê tình ái, xé thân khổ lụy của kiếp người. Tất cả, dù tân hình thức, phá thể, ngắt câu, ngắt đọan, con chữ của thơ Linh Vũ vẫn như nốt nhạc, bài thơ như một giàn giao hưởng âm thanh với ngôn từ lạ lẫm, nhịp nhàng đầy tiết tấu được phối trí thành câu, thành tứ, thơ mới mẻ lạ lùng. Từ cái độc đáo đó nên nhiều nhạc sĩ tên tuổi như Từ Công Phụng, Trần Quảng Nam, Duy Linh, Tô Mai Lễ, tất cả đã phổ nhạc nhiều bài thơ Linh Vũ.
Thơ anh đã mở ra một kiếp đời ngổn ngang, da diết buồn. Người thưởng ngọan có cả trăm nẻo để đến với thơ anh. Tôi nghĩ thơ Linh Vũ độc đáo, mà độc đáo thì người đọc sẽ giữ mãi ở trong lòng mình. Thơ anh về ý thơ, ngôn ngữ, cấu trúc của thơ hơi lạ, cho nên có thể người thường sẽ khó bắt gặp, chỉ đọc thoáng qua, nhưng nếu những ai tri âm, khi đã đọc tới đọc lui nhiều lần, thơ anh sẽ giữ lại ở trong lòng. Như Thi sĩ Du Tử Lê giới thiệu trong những trang đầu: “Linh Vũ có nhiều bài thơ hay…nhiều câu thơ mang đầy tính Linh Vũ; hay những nét nhận dạng một chân dung thơ, một đời thơ vạm vỡ ngôn ngữ của ông.”
Cần phải khám phá, mới thấy hay khi đọc thơ Linh Vũ.
Xin đọc từ đầu hai câu thứ nhất trong bài “Phía sau Nỗi buồn”:
Uống xong giọt lệ em buồn
Ngả nghiêng tiền kiếp vô thường từ em
Uống giọt lệ em buồn để mở ra, để thấy cảnh đời vô thường. Và khi đọc tiếp chín câu sau, mà mỗi câu phải quằn vai gánh nặng một động từ với nghĩa đời nghiệt ngã. Uống, Ngả nghiêng, xô, xiềng, khóc, bấu, ôm, xé, rớt, nở. Mỗi động từ là một xoáy lốc, xé thân dấu tích của đời thi sĩ. Bức tranh đời ngả nghiêng qua điệu buồn đã thể hiện từ những động từ khổ lụy đó.
Thơ khởi đi từ vô thức, từ tiền kiếp. Định mệnh thi nhân như đã xé thân qua mười động từ ở trong mười câu lục bát của Phía sau nỗi buồn.
Ngực căng xô bóng trời đêm
Xiềng chân chết giữa miếu đền hoang vu
Một chủ quan sống với tinh thần hiện sinh, sống trong nỗi đam mê nhiều khi thấy xa lạ ngay cả chính mình, chối bỏ khuôn mẫu lý tưởng, lý trí bất lực đôi lúc buồn chán thất vọng, xiềng chân xuôi theo dòng đời hư vô. Trái tim ngục tù là có thực, hai trái tim chịu ngục tù với nhau là có thực của kiếp nhân sinh phù du ảo hóa.
Lời yêu khóa cửa ngục tù
Tay em bấu vết phù du muộn màng.
Muộn màng bấu chặt vào nhau, ôi thương quá dòng đời ba đào chìm nổi
Phù du, muộn màng và hạnh phúc nở hoa trên sự bất hạnh và phi lý của đời sống. Nhưng cho dẫu thế nào, dù oan nghiệt con người cũng cần phải có nhau. Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau. Một nhạc sĩ đã hát lên một cách thống thiết. Tình yêu Em và Anh, và của trùng trùng đôi lứa, là căn nguyên sinh khởi của đời sống. Con người không có nhau, sợi giây xích nhân loại sẽ rời, sẽ đứt. Cuộc sống cá nhân vong thân lạc lỏng, là cái mầm cho nhân loại bơ vơ.
3 Kết.
Anh ôm gối cũ tơ vàng
Xé thân dấu tích bước ngang nỗi buồn
Lệ em rớt chạm cội nguồn
Trầm luân nở trái điên cuồng đời nhau.
Mười câu thơ lục bát Phía sau nỗi buồn, mỗi câu có một động từ nghiệt ngã. Khởi đầu là hành động “uống”. Uống xong giọt lệ em buồn. Uống xong thì: Ngả nghiêng, xô, xiềng, khóc, bấu, ôm, xé, rớt, Những động từ liên tiếp thể hiện kiếp ba sinh, chìm nổi, cột chặt một đời trầm luân. Nhưng cuối cùng chốn an bình đã đến, bởi: chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài. nên cuối cùng Nàng Thi ca đã đến cứu chàng Thi sĩ, và cho Linh Vũ làm thơ để “nở” trái yêu thương.
Trầm luân nở trái điên cuồng đời nhau.
Tôi cảm nhận: Linh Vũ làm thơ với lòng can đảm, dám đem những đam mê chân thật của mình trải lên trang giấy, đó là sức mạnh đã cùng hòa điệu với ngôn ngữ lạ, tất cả đã kết tinh thành vẻ đẹp của thi ca. Tất cả mọi điều đã làm nàng thơ xúc động, và trong phút linh diệu cuối cùng thi ca cho chàng thi sĩ món quà tặng tuyệt vời là “nở”, nở trái yêu thương.
Ôm gối tơ vàng. Xé thân dấu tích, xé chuyện đã qua để bước ngang nỗi buồn, quên đi, vất bỏ những dĩ vãng miếu đền. Xin cho qua …cho qua đi… tất cả. Vì đã “ngộ” ra: Hạnh phúc ngay phút giây này, ngay bây giờ, trong giọt nước mắt em.
Từ bốn câu cuối của Phía sau Nỗi buồn, tâm thức Linh Vũ đã chuyển động đến niềm vui.
Thi ca đang giục lòng hướng về phía trước.
Chàng thi sĩ bướng bỉnh, ngang tàng, dọc ngang trong ngôn ngữ thơ, nhưng đời thường lại lắng nghe, chân tình, chí tình cùng bạn hữu, thường hay can đảm nhận lấy lỗi lầm. Thi sĩ chân thành sống như thơ, nên người đời, người yêu thơ thương yêu và cảm mến.
Người viết, người bạn thơ cầu mong rằng hai câu thơ định mệnh “nở trái điên cuồng đời nhau” sẽ là cánh cửa yêu thương mở ra, để đi vào phía sau nỗi buồn là: “đời đẹp như thơ”.
Người viết, nghiệp chính là vẽ nên đã ký họa “chân dung hai người” với cánh hoa hồng đỏ, làm quà lưu dấu trong ngày ra mắt Thơ Linh Vũ.
Cùng với lời cầu chúc:
“Phía sau nỗi buồn” là hoa hồng đỏ thắm tình yêu của Linh Vũ& Cẩm Nhung.
Hoạ sĩ Nguyễn văn Nhớ
Portland. Mùa Tạ Ơn 2014.
_____________________________________________
Nguyên bản bài thơ.
Phía sau nỗi buồn
Uống xong giọt lệ em buồn
Ngả nghiêng tiền kiếp vô thường từ em
Ngực căng xô bóng trời đêm
Xiềng chân chết giữa miếu đền hoang vu
Lời yêu khóa cửa ngục tù
Tay em bấu vết phù du muộn màng
Anh ôm gối cũ tơ vàng
Xé thân dấu tích bước ngang nỗi buồn
Lệ em rớt chạm cội nguồn
Trầm luân nở trái điên cuồng đời nhau
Linh Vũ
Trích trong Thi phẩm Phía sau nỗi buồn.
Hệ Thống Truyền thông Calitoday. Xuất bản 2014.