Anh Thăng Long Văn Sĩ,
Cái thú của người uống nước trà là một cái thú yên lặng, giản dị. Không cần đàn đúm. Không cần có các món nhắm lỉnh kỉnh lôi thôi. Nó không làm người ta bốc cơn hào sảng lửa rơm. Nó làm cho người ta chậm rãi thanh thản.
Tiếng còi tàu chạy bằng đầu máy diesel đánh thức tôi dậy từ ba giờ sáng. Pha một bình trà Thiết Quan Âm. Bước ra ngoài hít thở chút không khí. Mùa xuân đã về. Những ngày lạnh giá đã qua. Ban đêm trong nhà không còn phải mở lò sưởi nữa.
Trước mặt tôi một tờ báo địa phương, mấy tờ Việt ngữ do các bạn gửi lên cho. Tờ báo Xuân Ất Sửu có đăng bài thơ Quách Tấn:
Trước Tết mai là hoa
Sau Tết mai là củi
Trước bao nhiêu nâng niu
Sau bấy nhiêu hắt hủi
Nâng niu mai chẳng mừng
Hắt hủi mai không tủi…
Vị nước trà đắng ngọt thấm dần làm tôi tỉnh táo. Còn bốn ngày nữa, lại một cái Tết đến rồi. Ăn Tết ở một nơi không ai để ý, đường phố xe cộ mọi người sinh hoạt bình thường làm mình lạc lõng. Năm nay ở Việt Nam đã ăn Tết trước cả tháng cũng làm mình lạc lõng hơn.
Khu vườn bên cạnh nhà tôi xơ xác. Hai ông bà già người Mỹ có vẻ yếu mệt, không còn trồng trọt gì. Tuổi già lui cui trong nhà, không thấy con cháu lại thăm bao giờ. Mọi năm vào tháng này đáng lẽ họ ra ngoài trồng lại cỏ, bắt dàn cây. Vào dịp Tết ta, thường vẫn có nhiều hoa nở.
Vậy bây giờ đến lượt tôi trồng hoa.
Bên này có nhiều thứ lan rất đẹp, nhưng loại hoa vương giả ấy đắt, đòi hỏi nhiều điều kiện về độ ẩm, ánh sáng, không săn sóc nổi. Tôi đang trồng vài cây hoa trà. Hoa này có sắc không hương. Ngày xưa ông Chu Mạnh Trinh đem biếu hai chậu hoa trà cho cụ Nguyễn Khuyến lúc ấy đôi mắt đã mù. Cụ Nguyễn mắng: Thằng bán tơ kia giở dói ra, làm cho lụy đến cụ Viên già… Chơi hoa ta chỉ chơi bằng mũi…
Dễ trồng nhất là các loại hoa Hòa Lan, trồng bằng củ, giá rất rẻ, độ vài chục xu một chậu. Convallaria màu trắng nở ra những búp chuông. Freesia có bốn màu trắng, đỏ, tím, cam dáng dấp tựa như đại lan, cũng thơm. Acidanthera rất thơm. Thược dược nhiều loại khác nhau. Tôi cũng trồng Gladiolus tức là hoa lay dơn. Mấy cây màu bích ngọc, ở Việt Nam không thấy có. Những thứ này trồng vào mùa xuân, khi nắng ấm thêm chút nữa là sẽ bắt đầu nở.
Hoa Tuy Lip đang nở, nhưng bây giờ bắt đầu ươm thì hơi muộn. Củ Tuy Lip phải nằm dưới đất qua mùa đông có đóng giá hoặc có tuyết mới lên đẹp.
Tối nay sau khi chở con đi học võ, tôi và Bắp Thịt Trước Đã lái xe chạy loanh quanh nhìn phố phường nói chuyện gẫu.
Anh chàng bảo:
- Hoa Tuy Lip trái mùa còn quý hơn xe tứ mã
Tôi hỏi: Tại sao?
- Cậu không đọc truyện Tây à?
Tôi hỏi: Chuyện gì? Của ai?
- Của ai, ai mà nhớ. Chuyện ông Bá Tước Tây muốn mua hoa Tuy Lip biếu người yêu nhưng đã hết mùa. Trong vùng chỉ còn lại mỗi một bông Tuy Lip duy nhất, Bá Tước Tây bèn xin đổi ngay cái xe tứ mã cho anh nhà quê rồi cầm đóa hoa hớn hở mang đến biếu người tình.
- Sao nữa?
- Sao nữa hả? À, ông này đi bộ vì đã mất cái xe tứ mã. Chị tình nhân hỏi xe đâu mà đi bộ? Bá Tước Tây kể lại chuyện đổi chác và âu yếm đưa đóa hoa ra tặng.
- Rồi sao nữa?
- Sao nữa hả? À, chị tình nhân cầm cái hoa Tuy Lip vứt quách sang bên kia nhà hàng xóm.
Đấy anh cứ thử nghĩ mà xem!
Tôi lại kể câu chuyện khác:
“Trong một căn nhà màu xanh trong vắt, chung quanh cây trái đã chín cùng thời gian, một bà già tóc bạc ngồi đơm nút áo suốt mấy mùa đông.
Bà già này xưa kia là một thiếu nữ vẫn chạy chơi cùng những chàng trai trẻ, rủ nhau đến cười đùa không ngớt bên một giếng nước xây bằng gạch, trôi qua những đám mây phù du. Họ múc lên những gầu nước lạnh, đổ tung tóe vào mình mẩy nhau mấy hôm mùa hè nóng nực, trời đất sáng trưng.
Có một lần họ ngưng tiếng cười, đứng chụm đầu nhìn xuống. Miệng giếng hiện ra một khoảng trống, một khoảng vắng vẻ tầm thường không có gì dấu kín, không có gì chờ đợi. Không có gì ngoài cái vòng tròn chao động phản chiếu lại khuôn mặt của họ và đám rêu cỏ. Hình ảnh ấy đặt nền tảng trên nước mà lại biến đổi theo ánh sáng, nó chìm sâu vào lòng đất làm cho tất cả bọn họ ngạc nhiên.
Không ai bảo ai, mọi người đều im lặng.
Ai cũng cũng biết kẻ nào cất lên lời nói sẽ là lố bịch. Lời nói chỉ là âm thanh dội lại, không chia sẻ, cũng không thực.
Đừng hoài công. Lời nói tương quan gì với ý nghĩ, ánh nắng, đám rêu và bóng mây phù du. Nó mường tượng như tiếng vang thoát từ lòng giếng vào lúc bà già hãy còn là cô thiếu nữ và những chàng trai trẻ đến đây yêu đương mù quáng, chiêm ngưỡng, cười cợt rồi sau cùng hẳn nhiên bỏ đi như tất cả mọi gạt gẫm phỉnh phờ.
Có mơ ước nào trọn vẹn không? Không. Bởi vì mơ ước cũng như tiếng vang, không chắc là của mình. Nó sâu đậm rồi dửng dưng trong cả ngôi thứ nhất lẫn ngôi thứ hai. Giữa chúng ta là khoảng cách và cảm xúc như thiếu nữ và bà già. Dẫu đăm chiêu mà không hứa hẹn. Nó như những cái nút áo không giữ được lâu, cứ đơm vào rồi sứt chỉ. Còn cây trái? Đến ngày sẽ chín, sẽ rụng, sẽ hái, sẽ chấm dứt và lại bắt đầu.
Anh Thăng Long,
Lời nói, tiếng vang, giếng nước xây bằng gạch, trên trời bay qua mấy đám mây phù du… Bao giờ và ở đâu, anh cũng cứ thử nghĩ đến mà xem”.
Thưa anh. Tuần rồi tôi đến một ông Bác sĩ nhãn khoa đo mắt. Viễn thị, mới có 0.75. Nhưng trợ cấp y tế Mỹ chỉ trả tiền cho mắt kính từ 1 độ trở lên. Tôi rời tiệm kính trở lại tìm ông Bác sĩ trình bày câu chuyện như thế. Ông ấy bảo: Khó gì và cầm cái toa sửa con số 0.75 thành con số 1. Vậy tôi đã có một cặp mắt kính y như thi sĩ Traian. Một ngày kia lỡ có bị vào trại tập trung, tôi cũng sẽ lừng lững đeo mắt kính tiến ra phía hàng rào cho lính bắn thủng bụng. Tôi cũng ngã xuống, sờ tay vào mặt đất rên rỉ ít câu thơ rồi tắt thở. Cặp mắt kính tan nát. Một ông nhà quê trong tù sẽ nhặt lấy cái gọng kính quăn queo gói vào mảnh giấy báo, sau này tìm đến trao lại cho anh.
Nhưng trước đó tôi phải chờ quyển sách in cho xong. Sau một năm mới đánh chữ được chừng 100 trang. Còn khoảng 200 trang nữa. Hôm nào hoàn tất, tôi sẽ mặc cái áo mầu hoa cà, thắt cà vạt tím than, đi đôi giày tây tiếp tân các văn thi sĩ y như các văn thi sĩ khác. Anh sẽ lên máy vi âm khen tặng. Tôi sẽ nhũn nhặn cảm ơn, lâu lâu lại rút cái khăn mùi xoa gỡ kính ra lau chùi.
Khi qua đời, chúng ta sẽ có những cái cánh trắng bằng lông vũ, muốn bay đâu thì bay cho nhẹ nhàng qua những đám mây nõn. Bay theo ý mình chứ không bay theo gió cuốn. Không trôi như bèo giạt. Bay cho đáng một đường bay.
Anh sẽ ôm cái bầu rượu. Tôi sẽ kẹp vài quyển sách. Trên đầu chúng ta đều có hào quang, không ai thua sút ai mảy may. Mọi người tuyệt đối bình đẳng, không tranh đua dành dật đố kỵ gì.
Năm giờ rưỡi sáng, nhớ chuyện hoa Tuy Lip, tôi hứng chí lái xe đến nhà Bắp Thịt Trước Đã. Từ mười năm rồi, có khi cả thứ Bẩy, Chủ Nhật, cứ giờ này anh chàng thức dậy lái xe trong sương mù đi đến xưởng điện. Ở tỉnh tôi, mỗi buổi sớm, cả một đạo quân lao động điện tử lái xe ra đi. Anh chàng mở cửa cho tôi, đầu đội cái mũ len che ấm mái tóc bạc. Vợ con còn ngủ cả. (Ngáp dài một cái rít hơi thuốc. Đất trời người ta thu cũng buồn). Thuốc lào. Nhưng bây giờ là mùa xuân. Tôi hỏi: Thế cụ Nguyễn Khuyến mắng ông Chu Mạnh Trinh làm sao? Ai mà nhớ được. Thằng bán tơ kia dở dói ra, làm cho lụy đến cụ Viên già…?
Tết đến người cho một cụm trà
Mắt say chẳng biết rõ mầu hoa
Da mồi tóc bạc, ta già nhỉ
Áo tía đai vàng, bác đấy a?
Mưa nhỏ, những kinh phường xỏ lá
Gió to lại sợ lúc lay già
Lâu nay ta vẫn xem bằng mũi
Chẳng thấy mùi thơm! Một tiếng khà!
Anh chàng hỏi:
- Sao đến sớm thế?
Tôi bảo:
- Đang hứng chí viết cho hết trang cuối, chưa biết dứt ở chỗ nào.
- Sao không dứt ở Hégel và Heidegger. Anh Hégel duy tâm khách quan mở ngoặc: Idealist thực ra chỉ là duy tưởng, duy niệm nhưng một số người viết tiếng Việt quen chuyển ngữ là duy tâm. Đóng ngoặc. Tự cho rằng chấm dứt sự suy tưởng của nhân loại nơi hệ thống của anh. Thằng bố lếu bố láo nói rằng Đông phương không có triết học vì phương Đông nông cạn và ngu dốt. Còn Heidegger vĩ đại hơn mở ngoặc theo sự suy niệm của các ông Tây đang học suy nghĩ đóng ngoặc thì quan niệm rằng từ ngày có lịch sử suy tưởng của Tây phương là từ ngày Tây phương không có triết học. Bây giờ Tây phương chớm có triết học vì Heidegger đã tìm thấy rằng triết học chỉ có ở phương Đông thăm thẳm mênh mang tình người, tình đất trời. Anh triết gia này những năm về cuối cuộc đời càng yêu người yêu trời thì cũng thấy rằng hệ thống suy tưởng nặng nề của triết học xa rời với triết lý.
Anh ta say đắm về nguồn, miên man yêu thương và miên man đọc thơ Holderling.
Nhưng thưa anh, đến đây chưa hết.
Tôi về nhà đắp chăn tùm hụp ngủ chập chờn. Chín giờ sáng, điện thoại reo. Bắp Thịt Trước Đã gọi từ xưởng điện:
- Tôi lại nghĩ ra rồi. Nên chấm dứt bằng bài thơ Thiên mạt hoài Lý Bạch. Đỗ Phủ cuối năm nhớ Lý Bạch.
Lương phong khởi thiên mạt
Quân tử ý như hà?
Hồng nhạn kỷ thời đáo
Giang hồ thu thủy đa
Văn chương tằng mệnh đạt
Ly vị hỉ nhân qua
Ưng cộng oan hồn ngữ
Đầu thi tặng Mịch La.
Đìu hiu ngọn gió cuối năm
Hỏi người quân tử nên chăng thế nào?
Chim hồng chim nhạn bay cao
Nước sông hồ có dạt dào ý thu
Văn chương ghét mệnh từ xưa
Mà loài ma quỷ lại ưa thịt người
Hồn oan tâm sự đôi lời
Làm thơ gieo xuống tặng người Mịch la.
- Ai nhảy xuống sông Mịch La?
- Khuất Nguyên. Khuất Nguyên, vua của Thi Ca và Trong Sáng. Đỗ Phủ, Lý Bạch chỉ thích nói chuyện với Khuất Nguyên thôi.
Nguyễn Bá Trạc
(Trích Ngọn Cỏ Bồng, ấn bản 1985)