|
Viết về tác giả & tác phẩmĐọc “Cõi Tạm” và “Vẫn Còn Cõi Tạm” của Ngọc Hoài Phương
#1 |
#2 |
Đọc “Cõi Tạm” và “Vẫn Còn Cõi Tạm” của Ngọc Hoài Phương
HOÀNG NGỌC HIỂN
Nhà thơ Ngọc Hoài Phương
Giữa mùa Hè California, tuy không phải mùa nắng lửa như ở quê nhà - Miền Nam Việt Nam hai mùa mưa nắng- đột nhiên có một cơn mưa bay, ở đâu kéo về. Bầu trời thấp xuống. Trời đầy mây. Ánh nắng biến đi đâu mất hết. Tôi nhìn giọt cà phê đen rơi xuống đáy ly thủy tinh, bỗng nhớ đến một cái gì đó, quen thuộc nhưng không rõ cái gì đó là cái gì... Đến lúc uống cạn ly cà phê, mới nhớ ra rằng cái gì đó là cái mà tôi đã bắt gặp trong thơ của Ngọc Hoài Phương. Thơ của Phương bật lên khi có một chiếc lá vàng rơi bất ngờ xuống chân, hoặc vài hạt mưa bay xuống tóc, hoặc khi nhìn một cánh chim bay qua bầu trời...
Thơ của Phương là tâm tư, tình cảm, chợt đến, chợt đi, chợt hiện, chợt mất, chợt có đó rồi mất đó, tôi có cảm tưởng thơ của Phương hiện hữu đó mà như không hiện hữu. Nó mong manh thế nào ấy. Nó như kiếp người, nay còn, mai mất, mù tăm vào cõi thời gian vô tận, không còn để lại dấu vết gì. Đích thật là “CÕI TẠM”!!!
Tôi vẫn nghĩ thơ của Phương là như thế! Suy đi tính lại, nhìn tới nhìn lui, ngó trước, trông sau, cuộc sống con người “VẪN CÒN CÕI TẠM”! Dường như chúng ta không có cách gì thoát ra được, không có phương án gì giải quyết được, dẫu muốn nổi loạn, phá vỡ, đạp đổ... thì cuối cùng, con người vẫn đứng trước vấn nạn của chính mình. Vô phương! Do vậy, tôi có cảm tưởng rằng Phương không hề quan tâm đến điều đó nữa, mà anh để tâm hồn anh chơi đùa với chiếc lá rơi kia, với bụi mưa rơi trên tóc kia, với cánh chim bay qua trời kia! Hình như thế, thơ của Phương là thế? Tôi vẫn nghĩ như vậy về thơ của Ngọc Hoài Phương. Và trong cơn mưa bay rất nhẹ giữa mùa hè California năm nay -2011- tôi chợt nhớ nhiều đến thơ Phương. Hơn nữa, hình như để tâm hồn mình vào thơ của Phương nữa...
TÌNH QUÊ HƯƠNG TRONG THƠ PHƯƠNG:
Tôi đọc được bốn câu trong “Cõi Tạm”, trang 102: “Mây có bay ngang thành phố cũ Quê hương tôi ở cuối chân trời Cho tôi xin vài lời nhắn nhủ Việt Nam ơi, thương nhớ khôn nguôi”.
Chỉ bốn câu thôi, ngắn gọn, giản dị, nhưng quá đủ! Mây bay ngang thành phố cũ... Thơ mộng biết mấy! đáng yêu biết bao! Đẹp biết dường nào! Phải, mây trời quê hương ta đẹp lắm, mang mầu sắc đặc biệt lắm. Các nhà địa chất và thiên văn đều đã xác nhận rằng mầu sắc của một vùng biển, bãi sông... được tạo nên bởi mầu mây, và mầu cây của vùng biển đó, vùng sông đó. Quê hương ta, với dãy Trường Sơn xanh dầy cây cổ thụ, với bầu trời bốn mùa thay đổi. Mây mùa xuân rực sáng. Mây mùa hè rực nắng. Mây mùa thu bàng bạc. Mây mùa đông u ẩn. Mùa nào, mây quê hương tôi cũng đẹp, cũng thơ mộng vô cùng... Cho nên quê hương, không nói quá lời, quê hương tôi là vùng đất của thi nhân. Người làm thơ có thể ít, nhưng sống với tâm hồn thi nhân thì như hầu hết người Việt Nam chúng ta. Dân tộc ta là thế đó...
Đi xa, nhất là phải bỏ quê hương mà đi sau biến động lịch sử 1975, nhà thơ Ngọc Hoài Phương nhớ “mây” trong “thành phố cũ” là điều tự nhiên. Anh hỏi một cách ngậm ngùi: “Mây có bay ngang thành phố cũ”? Thành phố ấy, bây giờ đã xa cách nghìn trùng: “Quê hương tôi ở cuối chân trời”! Xa lắc, xa lơ! Cuối chân trời nào? Ta ở cuối chân trời này nhớ về cuối chân trời kia! Cuối chân trời này là “Cõi Tạm”. Cuối chân trời kia là thành phố cũ của ta, là nơi có mây bay ngang... Giờ này, ta “thương nhớ khôn nguôi”. Phải, ta thương nhớ, biết thuở nào nguôi?! Hai chữ “khôn nguôi” như một tiếng thở dài sâu kín ở trong lòng mình... Nhất là, nỗi nhớ ấy, nỗi buồn ấy, nỗi sầu ấy là của một người nhìn về quê hương ở cuối chân trời, sau 15 năm xa cách:
“Mười lăm năm vẫn còn đây
Mối sầu vong quốc đong đầy trong tâm!”
Đó là mấy vần được viết khi xa quê hương 15 năm. 1990? “Cõi Tạm xuất bản năm 1992. Bây giờ, 2011, bước qua năm thứ 36 xa quê hương rồi, hẳn lòng thi nhân nhìn về thành phố cũ quê hương của mình, nhớ mây bay ngang biết bao! Tất nhiên, mây ở đây, trong câu thơ này, chỉ là biểu tượng. Mây ở đây, tượng trưng cho tất cả những nét đẹp của quê hương Việt Nam, không chỉ là thắng cảnh, mà là cả phong tục, tập quán, văn minh của cả một dân tộc. Một dân tộc bất hạnh, hầu như từ ngày lập quốc đến giờ, lúc nào cũng phải chống trả những cuộc xâm lược từ bên ngoài vào. Xa xưa, đất đai từ Hồ Động Đình, từ sông Dương Tử, từ Quí Châu, Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây và Phúc Kiến. Bị Đông Ngô đánh đuổi, phải bành trướng về phương Nam để tồn tại đến bây giờ.
Có thể nói rằng nhớ về mây bay ngang thành phố cũ là nhớ đến sức mạnh của dân tộc. Dân tộc ta, là một dân tộc “Độ lượng bao dung, ôn hòa giáo hóa, không báo thù kẻ vô đạo, đó là sức mạnh của phương Nam”. Đó là lời Khổng Tử đã giảng cho Tử Lộ, được ghi trong TRUNG DUNG. Còn người phương Bắc - tức người Tầu- thì sao? Trung Dung ghi rằng: “Mặc giáp cưỡi ngựa, xông pha giáo mác, đến chết không chán, đó là sức mạnh của phương Bắc. Kẻ cường bạo ở đấy”. Trong cuốn Bách Việt Tiên Hiền Chí của sử gia Âu Đại Nhậm, bản dịch của Giáo sư Trần Lam Giang, chép rất rõ điểm nầy. Xem như vậy, dân tộc ta có một nền văn minh đẹp biết bao. Cao thượng biết bao! Rộng rãi biết bao! Cho nên thơ của Phương viết “Mây bay ngang”, quả thật, quê ta đẹp như mây trời! Xuất phát từ đó, Ngọc Hoài Phương có quyền tin tưởng về một buổi dựng cờ rực rỡ:
“Quê xưa thì vẫn mờ sương khói
Ta vẫn còn mang nỗi nhớ đầy!
Ta cần tiếp lửa truyền hơi ấm
Hẹn với quê hương buổi dựng cờ”
(Vẫn Còn Cõi Tạm, N.H.P., NXB Hồn Việt, trang 36)
Tình quê của Phương vẫn còn là nỗi buồn... Bài Tháng Tư 1997, trong Vẫn Còn Cõi Tạm... “Và Ta vẫn buồn!”
TÌNH YÊU TRONG THƠ PHƯƠNG:
Người đời vẫn nói rằng tình yêu là đề tài muôn thuở của thi nhân. Nhưng luôn luôn tình yêu đau khổ nhiều hơn hạnh phúc, nên cổ nhân nói “lưới tình”! Phải, tình yêu là một cái lưới, hễ ai vướng vào thì chắc chết... như con cá vướng vào lưới của người ngư phủ! Vậy mà, đối với Ngọc Hoài Phương, tôi tìm mãi trong “Cõi Tạm” và “Vẫn Còn Cõi Tạm”, tôi không hề thấy Phương vướng vào lưới tình! Hay là Phương có vướng, mà giấu biệt đi, không đem nó vào thơ! Tình yêu, đối với Phương, tôi cảm nhận nó nhẹ nhàng, nó không làm ray rứt, nhớ nhung, dằn vặt, đau đớn... Tình yêu chỉ là hợp tan thường tình:
“Em còn lễ Phật trong chùa
Ta ngồi chờ ở cuối bờ trần gian
Một mai, hết chuyện hợp tan
Câu kinh Bát Nhã âm vang cõi trời”
(Cõi Tạm, trang 27, NXB Hồn Việt, 1992)
Và cũng chỉ là duyên nợ mà thôi:
“Không duyên thì cũng nợ nần
Cách nào cũng chỉ có ngần ấy thôi
Với em tìm lại sáng ngời cõi Tiên
Cõi nào cũng chẳng bình yên để về
Cõi trần còn lắm nhiêu khê
Cõi sau biết có cận kề-nợ-duyên!”
Thì ra... Phải, hình như, tình yêu trong thơ Phương chỉ là duyên hay là nợ, chỉ là hợp, là tan khi còn duyên còn nợ hay hết nợ hết duyên? Câu hỏi được đặt ra, nhưng hình như vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát? Bởi vì Cõi Tiên, Cõi Trần, đối với Phương: “Cõi nào cũng chẳng bình yên để về”. Bởi vì “Cõi trần còn lắm nhiêu khê”...?! Xem ra câu kinh Bát Nhã là một kết thúc hoàn hảo nhất chăng? Bởi vì Bát Nhã là không, là huyễn, là mộng, là ảo, là hư vô! Thuyền bát nhã là con thuyền không đáy, vâng, con thuyền không chở gì hết! Hẳn nhiên phải hết nợ nghiệp đời, trong đó có nợ tình, có duyên tình!
Vâng, lưới tình không còn vương nữa, nợ tình đã trả xong, duyên tình không còn là nguyên nhân gây ra nợ tình nữa... Hai ta đều thanh thản trong cuộc chia tay, khi cái hợp không còn gây khổ cho nhau, cái tan không còn gây buồn cho nhau vì luyến, vì nhớ, vì thương, vì gì nữa... Tất cả đã thành không! Ôi, khó khăn biết bao mới đạt được chữ không! Có phải là đã trả được hết nợ nần từ bao tiền kiếp mới xong, mới thành được chữ không? Để được thanh thản ra đi, không còn sầu hận điều gì? Để “ngày ấy” - tức ngày bỏ xác- sẽ đến với ta, được thật sự an bình, không còn vướng mắc điều chi? Tôi bỗng nhớ đến mấy câu thơ của nhà thơ Chân Tâm:
khi nắng chiều lạt lẽo phôi pha,
cõi sương mù lạnh buốt quanh ta,
còn có ai bên mình cuối đời?
Ngày mai lương tâm hồn nhiên,
về nơi thiên thu ngày xưa.
Thơ của Ngọc Hoài Phương, trong khía cạnh tình yêu, tôi có cảm tưởng tình yêu của Phương nhẹ nhàng, không là cái gì làm đau khổ, ray rứt, nhớ nhung, dặn vặt... Nó nhẹ nhàng, yên tĩnh, đã được Phương viết ra rất nhẹ nhàng: Em cứ vào chùa lễ Phật đi, Anh chờ em... Phương viết: “Ta ngồi chờ ở cuối bờ trần gian”, chờ đợi mà không hề nôn nóng, không có cảm giác một phút dài như một thiên thu!!! Ta chỉ là kẻ đứng bên bờ cuộc đời, đứng bên lề đường, trong lúc chờ em lễ Phật, ta ngắm mây bay trên trời, ta nhớ mây bay ngang thành phố cũ của ta!!!
“Ở một khoảng trời thơ mộng cũ
THƠ PHƯƠNG NƠI “CÕI TẠM”
:
Ngọc Hoài Phương coi xứ người là nơi “cõi tạm” của mình. Nhưng Phương cũng coi “trần gian” này là “cõi tạm”. Dù nghĩ thế nào đi chăng nữa,
“VẪN CÒN CÕI TẠM”!
“Ta ở đây hình như giấc mơ
Mùa xuân xứ lạ sống vay nhờ
Tuổi thơ đã mất từ lâu lắm
Ngôn ngữ nào xa lạ thế ư?”
(Trong bài Đếm Tuổi Phai Màu trong Cõi Tạm, trang 99)
Ở xứ lạ! Đúng là sống vay nhờ! Bởi vì ta không cảm thấy ta dính vào đâu cả! Bởi vì cái phong tục, tập quán, của xứ người không thể thấm vào hồn, vào da thịt của mình! Không cảm nhận được. Tôi có một người bạn đã sống nửa thế kỷ ở Pháp, đậu Tiến Sĩ, làm giám đốc, nhập quốc tịch Pháp, nhưng anh bạn tôi nói rằng anh ta vẫn cảm thấy mình đứng ở bên lề xã hội Pháp! Chỉ khi nào ta sinh ra ở đó, lớn lên ở đó, ta mới cảm thấy xã hội ấy, đất nước ấy, là của ta mà thôi!!! Điều đó hoàn toàn chính xác. Bởi thế quê hương, muôn đời, vẫn là nơi đẹp hơn cả, bởi ta cảm thấy đó là nơi của ta. Ta sống trong lòng quê hương và quê hương sống trong ta. Do vậy, Phương là một trong những người Việt Nam bị rơi vào cái thế không thể đừng được, mà phải bỏ quê hương mà đi... đến xứ người! Ắt Phương không thể tránh được thứ tình cảm “xa lạ”, “vay nhờ”
.!
“... -đời bỗng lang thang Làm thân lưu lạc-
Vẫn mơ một chuyến ra khơi trở về”
(Cõi Tạm Mà Thôi, trang 101)
Và: “Trăm năm một kiếp con người / Có gì vui với góc trời lưu vong.” (Ở Đâu Là Nhà, trang 55) Phải, có gì vui nơi góc trời lưu vong? Nhất là cuộc sống tha phương- mà đã là tha phương ắt là cầu thực, với bận rộn “cơm áo gạo tiền, trả bill hàng tháng”. Phương viết: “Ta còn gì ở tương lai? / Chén cơm manh áo kéo dài trầm luân!” (Vẫn Còn Cõi Tạm, trang 21)
Cho nên, tôi không lạ gì khi Phương viết bài Bụi Trần:
Cuốn theo cơn lốc trăm năm cũng huề.
Về đâu ở giữa cơn mê nửa chừng!”
(Vẫn Còn Cõi Tạm, trang 23).
Trăm năm? Một đời người? Chút bụi trần cuốn theo cơn lốc, mà Phương viết, có khác gì Nguyễn Gia Thiều viết: “Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê”? Đã có sinh, ắt có tử. Đã có đi, ắt có về. Đúng thế. Nhưng thi nhân vẫn chưa trả lời được câu hỏi có tính chất Triết học: “Về đâu?” Và ta đang sống, có phải là ta đang ở giữa cơn mê? Phải, con người từ đâu đến? Cuộc sống này có ý nghĩa gì? Rồi ta sẽ đi về đâu? Vẫn còn là những câu hỏi của muôn đời! Các nhà tôn giáo, các triết gia, các nhà khoa học, thiên văn cũng như địa chất đã từng nói lên ý kiến của mình, nhưng hình như càng như có tính chất chống đối nhau. Về đâu? Thiên đàng hay địa ngục? Thiên đàng ở đâu? Địa ngục ở đâu?
Phương viết:
Hai mươi năm chẳng thay tên giống người
Đợi mươi năm nữa về Trời là xong...”
(Vẫn Còn Cõi Tạm, trang 22)
“Về Trời” là về đâu? Thi nhân vẫn chưa trả lời được, nên vẫn còn băn khoăn, khắc khoải, kiếm tìm... Nhưng có lẽ vì thế mà cuộc đời mới được thi vị chăng? Hình như người ta chỉ thật sự thích thú, hạnh phúc, trong lúc kiếm tìm - bởi nó đầy nỗi đam mê- còn đến khi tìm thấy rồi, lại không cảm thấy gì cả?! Tựa như trong lúc nấu nước, pha cà phê, bận rộn với những thứ kỉnh kỉnh ấy, cảm thấy thích thú; nhưng khi tới lúc pha xong cà phê rồi, nâng ly lên miệng uống, chỉ một phút cảm thấy hương vị ở đầu lưỡi, rồi thôi, không còn gì đáng nói nữa?! Cõi tạm chẳng có gì hấp dẫn, nên thi nhân muốn bỏ xác, trở về Trời!... Ôi chao, có thực “Về Trời là xong”?
Với riêng tôi, tôi cho rằng sống ở cõi tạm này (xứ người là cõi tạm, xứ mình cũng là cõi tạm; nói chung, trần gian này cũng là cõi tạm), thì điều gì cũng có thể xảy ra. Vâng, điều xấu nhất, điều tệ hại nhất cũng có thể xảy đến với mình bất cứ lúc nào... Bị phá sản, bị mất việc, bị vợ phản bội, bị tai nạn, bị bệnh nặng, v.v... đều có thể tới với mình bất cứ lúc nào! Thì thái độ của ta nên là gì? Vâng, theo tôi, nên chấp nhận tất cả, chấp nhận hết, với một cái Tâm không phẫn nộ, không hờn giận, không oán thù, nghĩa là chấp nhận với một cái tâm thanh thản, đó là ta đang sống ở thiên đàng. Thiên đàng ở trong ta, chứ thiên đàng chẳng ở trên tầng mây xanh nào hết!!! Với suy nghĩ ấy, tôi đọc “Cõi Tạm” và “Vẫn Còn Cõi Tạm” của Ngọc Hoài Phương, tôi thấy rằng hình như Phương khá thanh thản. Phương có buồn, nhưng buồn rất nhẹ nhàng... Phương biết cuộc đời nhiều bụi, nhưng hình như vẫn yêu thương:
“Ta còn trở lại thế gian,
Để se những sợi giây đàn chưa yên...”
(Vẫn Còn Cõi Tạm, trang 39)
Hẳn là Phương phải dành cho đời - dẫu đời nhiều bụi- nhiều tình cảm đẹp, mới có thể muốn trở lại thế gian để làm cho đẹp thế gian!?
Ý NGHĨ SAU CÙNG CỦA TÔI VỀ THƠ CỦA PHƯƠNG:
Ý nghĩ sau cùng của tôi về thơ của Ngọc Hoài Phương là về những bài thơ đăng trên tạp chí Hồn Việt, không ở trong tập “Cõi Tạm” và “Vẫn Còn Cõi Tạm”. Trong số những bài đăng trên Hồn Việt, tôi thích nhất bài “Theo Cánh Hạc Bay” đăng trên số Xuân Tân Mão 2011:
“Một chút vu vơ gió đuổi mây
Dấu xưa còn đậm nét. Ô hay...
Mùa xuân lại đến không hò hẹn
Đời cũng vàng theo cánh hạc bay”.
Chữ “vàng” trong câu cuối “Đời cũng vàng theo cánh hạc bay” gợi hình quá. Nhưng cũng buồn quá! Bởi vì hình ở đây là hình ảnh một chiếc lá vàng bay! Trong bài thơ “Thu Phong” của thi sĩ Tản Đà cũng có hình ảnh những chiếc lá vàng bay:
“Vàng bay mấy lá năm già nữa” (câu thứ 3)
Tản Đà dùng chữ “vàng”, mà còn dùng chữ “hồng”: “Hồng bay mấy lá năm hồ hết” (câu thứ 7)
Hình ảnh vàng hay hồng trong bài thơ, chỉ là chỉ những chiếc lá rơi rụng, gieo một nỗi buồn trong lòng thi nhân mà thôi, nhưng hai chữ vàng và hồng ấy, độc đáo biết bao! Cũng vậy, nhà thơ Bích Khê viết:
“Chao ôi buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi vàng rơi Thu mênh mông...”
Vàng rơi, vàng rơi... đó là hình ảnh những chiếc lá rơi... nhưng Bích Khê dùng chữ vàng rơi thay vì lá rơi, nghe có hồn biết bao!
Giờ đây, tôi lại bắt gặp chữ “Vàng” rất đắc trong câu thơ “Đời cũng vàng theo cánh hạc bay”, nghe nó mênh mông ở trong hồn biết bao! Vâng, thi nhân đang đi vào giai đoạn “hoại” của tiến trình “Sinh, thành, hoại, diệt”, nhưng Phương không dùng chữ hoại, mà dùng chữ “vàng” để diễn tả giai đoạn ấy, cảm thấy thanh thản biết bao! Ừ, cứ hoại đi, cứ như chiếc lá vàng rơi rụng đi, không có gì quan trọng, không có gì mà ta phải bận tâm, ta là thi nhân nên ta sẵn sàng đi vào nỗi chết một cách thanh thản, yên vui, nhẹ nhàng…
Hoàng Ngọc Hiển
Nguồn: Đọc "Mười Hai Tác Phẩm Văn Chương Việt Nam
Nxb Thư Ấn Quán, 2014
____
(1)(2) Cõi Tạm và Vẫn Còn Cõi Tạm, thi phẩm của Ngọc Hoài Phương, Hồn Việt xuất bản tại Hoa Kỳ.
|
|
|
Ý kiến bạn đọcVui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.
|
|