|
Viết về tác giả & tác phẩmPhan Nhật Nam: Bút Thép, Mực Máu, Trái Tim Lửa Ngô Nhân Dụng * đăng lúc 04:05:23 AM, Jan 31, 2021 * Số lần xem: 862
#1 |
Ngô Nhân Dụng — Phan Nhật Nam: Bút Thép, Mực Máu, Trái Tim Lửa
Có một câu thơ cũ viết về Phan Nhật Nam, khi anh còn bị cùm trong nhà tù Cộng Sản: “Bút thép, mực máu, trái tim lửa.”
Ba mươi năm qua, phải công nhận Phan Nhật Nam vẫn không thay đổi. Đọc bức thư anh mới trả lời Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam ở Hà Nội, thấy vẫn là con người như 50 năm trước.
Ông Hữu Thỉnh viết thư mời ông Phan Nhật Nam về nước, “Trong khuôn khổ một cuộc gặp mặt của Hội Nhà Văn Việt Nam với các nhà văn Việt Nam đang sống và làm việc tại nước ngoài… tại Hà Nội và một số địa phương ở phía Bắc.”
Bức thư mời viết rất ngọt ngào. Ông Hữu Thỉnh còn nêu lên “ý nghĩa cao cả, góp phần làm giàu các giá trị truyền thống của dân tộc,… (để) cùng ngồi lại với nhau trong tình đồng nghiệp…” Quan trọng nhất, ông báo trước, “Ban tổ chức sẽ lo chi phí toàn bộ đi về và thời gian tham gia cuộc gặp mặt.”
Tóm lại, một chuyến du lịch miễn phí, kéo dài ít nhất 5 ngày, chưa nói đến những “dịch vụ” miễn phí có thể hấp dẫn khác trước và sau cuộc họp.
Một tuần sau, Phan Nhật Nam đáp thư, nói thẳng thắn, với lời lẽ lễ độ: “Câu trả lời trước tiên, dứt khoát là: Tôi xin được hoàn toàn từ chối…”
Nói như vậy đủ cương quyết rồi. Nhưng bản tính của Phan Nhật Nam là… không nói rõ thì không chịu được! Cho nên ông đã nêu ra các lý do tại sao từ chối.
Ai đã đọc các tác phẩm của Phan Nhật Nam trước năm 1975 đều biết rằng người sĩ quan nhẩy dù này đã nhiều lần đối thoại trực tiếp với các cán binh Cộng Sản Bắc Việt, ngay tại mặt trận. Mỗi khi tiếng súng tạm ngưng, lính miền Bắc gọi qua tần số liên lạc cho lính miền Nam để tuyên truyền, dụ dỗ họ đào ngũ. Thường thì không ai trả lời, chỉ đáp lại bằng súng đạn. Nhưng chàng lính chiến cầm bút Phan Nhật Nam thì không nhịn được. Anh đã tuyên truyền ngược lại.
Đọc những lời anh thuật lại trong các cuốn bút ký chiến trường trước năm 1975, người đọc có lúc phải mỉm cười, vì Phan Nhật Nam đã cất công làm một việc không có tác dụng bao nhiêu. Đáng lẽ trả lời bằng súng, anh còn muốn nói cho đối thủ nghe những điều phải trái rất dài. Anh không cần biết rằng mấy cán bộ Cộng Sản đã được nhồi sọ cả đời, nghe anh nói hay đến mấy họ cũng sẽ không đổi ý. Mà họ muốn thay đổi ý kiến cũng không được!
Nhưng Phan Nhật Nam vẫn phải nói! Anh không phải một sĩ quan tâm lý chiến. Anh là lính đánh trận. Anh không lập lại những lý luận trong sách báo của Nha Tâm lý chiến. Những lời lẽ của anh đều do chính anh nghĩ và nói ra, với tấm lòng thành thực, rất giản dị, đơn sơ! Bây giờ đọc lại, mọi người sẽ phải công nhận là Phan Nhật Nam nói đúng hết. Anh nói rằng các cán binh miền Bắc vào đánh miền Nam là “đánh thuê không được trả công” cho các đế quốc Nga và Tàu. Bây giờ thì ai cũng nhớ, chính Lê Duẩn đã thú nhận “chúng ta đánh miền Nam là đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc.” Phan Nhật Nam cũng giải thích chế độ dân chủ tự do nó khác chế độ độc tài đảng trị thế nào. Anh nói rằng: “Đế quốc Mỹ” nó chẳng bao giờ đem quân vào nước mình nếu lính miền Bắc không vào xâm chiếm miền Nam. Bây giờ thì chính quyền Cộng Sản đang tìm đủ cách o bế Mỹ để mong được che chở ngăn âm mưu bành trướng của Trung Cộng! Những điều Phan Nhật Nam nói thời 1960-70 đều đúng!
Rất tiếc, những lý luận của Phan Nhật Nam nói giữa trận tiền những năm khói lửa đó không tạo được tác dụng như anh muốn. Ai cũng biết, bộ đội miền Bắc (và nhiều người dân miền Bắc) đã bị bộ máy tuyên truyền lừa gạt nhồi sọ, cho nên lúc nghe anh nói họ không thể nào tỉnh ngộ được!
Nhưng Phan Nhật Nam đến giờ vẫn không bỏ cuộc. Thấy cần thì lại nói! Không nhịn được! Nhận được thư mời của Hữu Thỉnh, anh nhân cơ hội lại “trút bàu tâm sự” nêu ra những lý do tại sao “Tôi xin từ chối.”
Nếu như người khác, chỉ cần nói vắn tắt cho ông Hữu Thỉnh biết: Tôi không tin anh! Hoặc nhắc lại lời của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu: Đừng nghe những gì Cộng Sản nói! Nhưng Phan Nhật Nam đã để thời giờ vạch ra cho Hữu Thỉnh biết không ai tin cái gọi là chính sách “Hòa Hợp Hòa Giải” của đảng Cộng Sản, trò lường gạt những người nhẹ dạ!
Quý vị có thể đọc nguyên văn bức thư trả lời của Phan Nhật Nam để nghe hết các lý lẽ anh nêu ra – những điều mà phần lớn chúng ta cũng nghĩ và sẽ viết giống như anh. Điều thú vị khi đọc bức thư này là chúng ta lại nhìn thấy một chân dung Phan Nhật Nam, một nửa thế kỷ qua từ khi anh viết Dấu Binh Lửa. Con người đó không hề thay đổi!
Để trả lời Hữu Hỉnh, Phan Nhật Nam nói ngay, anh là một lính tác chiến: “Trước sau (tôi) chỉ là một Người Lính-Viết Văn.” Bây giờ anh vẫn là một người-lính-viết-văn, “Cũng bởi, tôi chưa hề nhận Chứng Chỉ Giải Ngũ của Bộ Quốc Phòng/VNCH cho dù đã không mặc quân phục từ 1975.”
Người đọc hai bức thư, thư mời và thư từ chối, có thể thấy hai nhà văn khác nhau thế nào. Hữu Thỉnh là một công chức viết văn, còn Phan Nhật Nam đúng là một lính chiến!
Công chức Hữu Thỉnh leo lên được cái chức chủ tịch Hội Nhà Văn cũng phải làm đủ trò luồn cúi cấp trên để ngồi lâu, ngồi dai trong địa vị đó. Con người này dùng những lời lẽ rất du dương, ngọt ngào thân mật: “Anh Nam ơi, tôi muốn nói thêm rằng, chúng ta đều không còn trẻ nữa,” nghe như sáu câu mùi mẫn! Rồi Hữu Thỉnh còn lôi cả “tâm hồn dân tộc” ra để dụ dỗ một người ai cũng biết vẫn nặng lòng yêu nước thương nòi, “Mùa Thu Hà Nội cùng những giá trị bền vững của tâm hồn Việt đang chờ đón Cuộc gặp mặt của chúng ta.”
Khác lối hành văn xáo rỗng của Hữu Thỉnh, chàng chiến binh Phan Nhật Nam, “Với bản chất đơn giản, chân thật của một người lính,” đã nói thẳng tuột những điều kiện tiên quyết trước khi bàn đến hòa giải: “… hãy chấm dứt cách biểu tình với lời hô ‘Đả đảo Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa!’ như đã xẩy ra nơi Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn! Hãy nhìn lại… Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa là những lão nhân phế binh, thương trận đã không được sống với dạng Con Người từ 30 Tháng 4, 1975. Hãy để cho Người Lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa còn sống sót và gia đình được trở lại miền Nam sửa sang phần mộ Chiến Hữu nơi Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa là nơi giới cầm quyền Hà Nội chủ trương phá bỏ một cách có hệ thống, dẫu người chết gần nửa thế kỷ qua không thể nào đe dọa đối với chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa! Xin hãy ‘Hòa Hợp Hòa Giải’ với những người đã chết.”
Nhưng Phan Nhật Nam không chỉ nhìn về quá khứ. Cuộc chiến tranh huynh để tương tàn đã chấm dứt lâu rồi. Ngay bây giờ, anh yêu cầu đảng Cộng Sản hãy Hòa Hợp Hòa Giải với những người dân Việt Nam đang bị đầy đọa. Anh yêu cầu chế độ Cộng Sản ‘Hãy hoà hợp, hòa giải với’ ‘Khúc ruột ở trong nước’ trước (Với người đang cố sống sau thảm họa Formosa, Nghệ An). Khi ấy không cần mời, chúng tôi ‘Khúc ruột ngàn dặm’ sẽ về. Về rất đông. Người Viết Văn – Lương Tri và Chứng Nhân của Thời Đại sẽ VỀ. TẤT CẢ CÙNG VỀ VIỆT NAM.”
Không biết ông Hữu Thỉnh được trả bao nhiêu tiền, được hưởng những bổng lộc gì khi tổ chức cuộc gặp gỡ với các nhà văn Việt Nam sống ở nước ngoài. Còn Phan Nhật Nam, chúng ta biết, khi anh viết những bút ký chiến trường trước năm 1975, anh không viết theo đơn đặt hàng của ai hết. Anh viết bức thư trả lời này cũng vậy, không theo “chỉ đạo” nào cả. Đọc bức thư của anh, vẫn thấy một con người trước sau như một, “Bút thép, mực máu, trái tim lửa!”
Ý kiến bạn đọcVui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.
|
|