Năm Sửu (2021) Nói Chuyện Trâu
Trâu là con vật tượng hình của Cung thứ Hai trên hoàng đạo Trung Hoa, gọi là SỬU, tiếp theo sau con Chuột gọi là TÝ.
Trâu tiếng Trung Hoa là Ngưu (niu), chỉ thị con vật khoẻ mạnh kéo cày và làm những việc nặng nhọc.
Ngày xưa, người Tàu không ăn thịt Trâu vì nó là con vật cần thiết cho nông nghiệp. Ngay cả bây giờ, nhiều người Trung Hoa vẫn cho rằng giết và ăn thịt một sinh vật đã giúp đỡ con người trong cày bừa và thu hoạch mùa màng là một hành vi vô đạo đức, theo họ con trâu xứng đáng được biết ơn. Dường như, thịt trâu trở thành điều cấm kỵ tại Trung Hoa cũng đã du nhập vào đây theo đạo Phật. Ðã có một vài vị Hoàng đế thời Trung cổ đã ra sắc lệnh cấm giết và ăn thịt trâu, bò. Nhiều sắc lệnh tương tự nhưng nghiêm ngặt hơn đã được ban hành tại Nhật Bản. Tại Nam Trung Hoa, lại có tục thờ cúng loài bò hoặc trâu nước, nhưng không có liên quan gì đến giáo lý nhà Phật cả.
TRÂU TRONG TƯƠNG QUAN VŨ TRỤ VÀ NHÂN SINH
Trong lịch sử Trung Hoa, LỊCH NĂM THÁNG đã thay đổi 03 (ba) lần theo suy luận về các tương quan vũ trụ với sinh hoạt của loài người. Cuốn NIÊN LỊCH đầu tiên, tháng ĐẦU NĂM là TÝ (tượng hình là con CHUỘT), cuốn NIÊN LỊCH thứ hai, tháng ĐẦU NĂM là SỬU (con TRÂU) và cuốn NIÊN LỊCH thứ ba hiện nay, tháng ĐẦU NĂM là DẨN (con CỌP).
Sách “Hoàng cực kinh thế” viết:
- Trời mở hội ở TÝ
- Ðất hình thành ở SỬU
- Người xuất phát ở DẦN
Do đó, lịch sử Trung Hoa ghi nhận có sự thay đổi ngày Tết, tức là ngày Ðầu Năm qua các thời đại:
- Ðời vua Hoàng Ðế (1697 trước Công Nguyên) dân Trung Hoa ăn tết vào ngày đầu của tháng Tý (tức mồng một tháng 11 âm lịch bây giờ). Tý là thời điểm Dương khí bắt đầu trổi dậy sau những tháng ngày cực Âm của mùa Ðông. Lấy tháng Tý làm đầu năm, tức là dựa vào thiên văn, thiên về sự khai mở của TRỜI.
- Ðời vua Nghiêu (2356-2255 B.C.), vua Thuấn (2255-2205) chọn tiết Vũ Thuỷ để tính tháng đầu năm, đó là tháng SỬU (nay là tháng 12). Có lẽ vì đây là thời đại thịnh trị, nông nghiệp vững vàng, bốn phương no ấm nhờ “Phong hoà Vũ thuận.” (Dựa vào Sự Khai mở của Ðất)
- Ðến đời nhà Hạ (2205-1766 B.C.) người ta chọn tháng Dần làm tháng đầu năm và ngày Nguyên Ðán là ngày mồng một tháng Giêng Âm lịch. (Dựa vào sự xuất phát của Người).
Trời, Đất và Người...triết học Đông Phương gọi là "Tam Tài" tức là "ba phạm trù" ba giá trị hữu dụng.
Như vậy TRÂU liên kết với ÐẤT, một trong tam tài THIÊN-ÐỊA-NHÂN (Trời-Ðất-Người). Có lẽ "CON SỐ BA" tất yếu này là khởi đầu của mọi việc trên địa cầu và trong cuộc sống của vạn vật. Cho nên người ta thường dùng con số "3" để ra lệnh, để định đoạt một sự việc nào đó trong cuộc sống. "Một, Hai, Ba" - One, Two, Three - thành ra "Oán-Tù-Tì"...Và quy uớc "Bất Quá Tam" đã ra đời.
Con số "3" là thế vững vàng nhất (ba ông táo/ kiềng ba chân...) Trong Toán Học, ba điểm xác định một mặt phẳng...
Trong truyền thuyết về "12 con giáp", Tý tượng hình là Chuột là con vật nhỏ bé nhất, so với SỬU tượng hình là Trâu, to hơn cả ngàn lần.
Sách "Hoàng Cực Kinh Thế" cho rằng SỬU là thời điểm đất hình thành, nên trâu có duyên nghiệp sâu dày với Ðất!
Có thể nói Chuột là mô hình cực tiểu và trâu là mô hình cực đại. Chuột nhanh, lẹ, ranh mãnh và “rất thiêng”, trong lúc trâu chậm chạp, hiền lành, cần cù...nhẫn nại.
Tháng đầu năm mới thuộc tiết Vũ Thủy (mưa xuân). Tiết này có sao Thiên Ðình phụ tinh của chòm Vierge (Virgo), lịch sử ghi rằng thời các vua Nghiêu, vua Thuấn trong “tháng đầu năm vua đưa cày lên long xa, dẫn các công khanh, các đại phu, các chư hầu... thân chinh ra cày tại Tịch điền.”
Tại Việt Nam, Lễ Tịch Điền có từ thời vua Lê Đại Hành. Mùa xuân năm Đinh Hợi (987 - cách nay 1034 năm) vua đã chọn vùng Đọi Sơn là đất thiêng để cử hành Lễ Tịch Điền, cày luống cày đầu năm với ý hướng khuyến khích thần dân và con cháu chăm lo nông nghiệp, sản xuất lúa gạo, hoa màu để được ấm no. Từ đó, các triều đại kế tiếp đều làm Lễ Tịch Điền hàng năm.
Dưới thời Nhà Nguyễn, vua Minh Mạng ban Dụ gọi Tịch Điền (Vua đích thân cày ruộng) "thực là chính sự quan trọng của các vương hầu". Duyệt lại các nghi thức Tịch Điền thời Nhà Trần, Nhà Lê, vua Minh Mạng nhận thấy "nghi lễ phần nhiều giản lược". Do đó, năm Minh Mạng thứ 9 (1828/ Mậu Tý), vua giao cho Bộ Lễ soạn thảo các điển chế của Lễ Tịch Điền để làm thành thông lệ lâu dài.
Tại Kinh Đô Huế (thời bấy giờ), đời vua Gia Long, Ruộng Tịch Điền đươc chỉ định tại hai phường Hòa Thái và Ngưỡng Trị trong Kinh thành, đến năm Minh Mạng thứ 9, chuyển đến hai phường An Trạch và Hậu Sinh.
Theo điển chế Minh Mạng, Lễ Tịch Điền cử hành vào tháng 5 âm lịch, gọi là tháng Trọng Hạ, kéo dài 5 ngày. Ngày giờ do Bộ Lễ xem xét và tâu vua từ cuối tháng tư.
Vào ngày cử hành lễ: từ Canh Năm (tức rạng sáng), ba hồi trống vang dội. Trâu vàng, trâu đen, các kỳ lão nông trang phục giống nhau, các nông cụ như cày, bừa mỗi loại 6 cái tập trung tại vị trí đã định. Đoàn Ca sinh gồm 14 người cất tiếng hát bài ca về lúa cùng với 8 nhạc sinh, 30 người cầm cờ ngũ sắc dàn hàng hai bên sở ruộng Tịch Điền.
Khi quan viên Lễ Bộ tâu "Bên Ngoài đã xong" vua liền đội mũ cữu long, mặc hoàng bào, thắt đai ngọc chờ thị vệ đưa kiệu tới rước ra đàn sở. Làm lễ ở Đàn Tế xong vua được rước đến điện Cụ Phục để thay y phục chuẩn bị xuống ruộng cày. Khi nghe xướng "Xin Vua làm lễ ruộng" Vua bước tới chỗ ruộng cày. mặt hướng về phía Nam. Một quan Bộ Hộ dâng cày, Phủ Doãn Thừa Thiên dâng roi. Vua, tay phải cầm cày, tay trái cầm roi, bắt đầu cày ruộng. Hai kỳ lão nông phụ dắt trâu và hai kỳ lão nông phụ đỡ cày. Vua cày ba lượt giữa tiếng nhạc âm vang. Sau vua là lễ cày của các hoàng tử, hoàng thân, quan viên văn võ và nông phu xã Phú Xuân. Hoàng tử và hoàng thân cày 5 lượt, văn võ bá quan cày 9 lượt. Cày xong đến trước đàn lạy 5 lạy.
Sau nghi lễ, trâu vàng và trâu đen được phủ Thừa Thiên tiếp nhận rồi giao cho nông dân xã Phú Xuân chăn nuôi. Roi, cày và thúng thóc giao cho Võ Khố cất giữ. Lúa gieo ở ruộng Tịch Điền giao cho xã Phú Xuân chăm bón, đến khi lúa chín, quan Phủ giám sát việc thu hoạch. Phủ Thừa Thiên phối hợp với Bộ Hộ chọn giống trong số lúa này cho lễ Tịch Điền năm kế tiếp. Số còn lại xay thành gạo trữ lại để cúng tế các miếu và tế Trời ở Đàn Nam Giao.
Vua Minh Mạng đã làm lễ Xuống Đồng Cày Ruộng rất trọng thể. Sau nghi thức tế Trời cầu Phong Hòa Vũ Thuận, Vua bước xuống ruộng dắt trâu cày luống cày đầu năm...
Con trâu trở thành biểu tượng cho mùa Xuân của ruộng đồng, thời điểm khởi đầu công việc đồng áng, gieo trồng, nông dân mở hội cày ruộng và tế lễ.
SINH VẬT HỌC VỀ TRÂU
Trâu có nhiều mầu da. Ða số có da màu đen (xanh đen, gọi là trâu đen) và một số có da màu trắng hồng (gọi là trâu bạc, hoặc trâu trắng).
Về sinh vật học, Trâu là loài thuộc họ có “móng guốc”. Trâu tiếng Mỹ là “Buffalo”, Pháp là “Buffle” là tiếng gọi chung một số con bò rừng hoang dã to lớn. Cái tên này đầu tiên được dùng cho loài trâu nước da màu đen tại Ấn Ðộ. Nó mang cái tên Trâu nước bởi vì nó thích trầm mình trong nước mỗi lần nhiều giờ. Trong tình trạng hoang dã, trâu nước có thế nguy hiểm cho con người.
Trâu rừng đã ngày càng trở nên hiếm hoi, bởi vì loài người đã phá rừng, đốt rẫy để lấy đất trồng trọt và săn bắt rồi thuần hoá chúng. Trâu nước được nuôi để kéo cày, kéo gỗ, kéo xe tại hầu hết các vùng ấm áp ở Á Châu và Phi Châu. Tại Phi-Luật-Tân, có giống trâu nước nhỏ gọi là “carabao”. Ấn Ðộ là nước nuôi nhiều trâu nước nhất thế giới.
Tại Mỹ, trâu đực (bulls) thường cao từ 5 đến 6.5 feet (tức khoảng 1.5 đến 2 mét), đầu trâu có hai cái sừng cong, có thể dài tới 35 inches (89 centimet). Một con trâu đực lớn hết cỡ có thể dài từ 10 tới 12.5 feet (tức từ 3 dến 3 mét 80) tính từ đầu mũi tới túm đuôi. Trâu đực thường cân nặng từ 1,600 đến 2,000 pounds (726 đến 910 kilôgam. Con lớn nhất có thể nặng tới 3,000 pounds. Trâu cái nhỏ hơn trâu đực và thường cân nặng khoảng 900 pounds (410 kilôgam).
Trâu đen hoang dã tại các khu rừng rậm ở đảo Mindoro, Phi-Luật-Tân, gọi là “tamarau”. Giống trâu này chỉ cao 3.5 feet (107 centimét). Một giống khác gọi là “anoa” cũng là một loại trâu rừng nhỏ hơn sống tại đảo Sulawesi của Nam Dương. Ðây là hai giống rất hiếm vì đang bị đe doạ tuyệt chủng.
Tại Nam Phi, có giống trâu hoang gọi là Cape buffalo, màu đen, to lớn và có tính khí giống như trâu Ấn Ðộ với nhiều thói quen, nhưng chúng không bao giờ được thuần hoá cả. Ở vùng rừng Tây và Trung Phi cũng có một giống trâu hoang tương tự như Cape buffalo. Tại vùng Congo cũng có một giống trâu tamarau, chỉ cao khoảng 3 feet rưỡi (107 centimét).
Trâu Ấn Ðộ là giống đã giúp cho việc trồng lúa với quy mô lớn tại Á Châu. Con vật mạnh mẽ này có thể cày ở chỗ bùn ngập tới đầu gối. Giống trâu này cũng được đưa đến nhiều nơi trên thế giới như Úc, Ba-Tây, Ai-Cập, Hung Gia Lợi, Nam Dương, Ý, Phi-Luật-Tân, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ. Thức ăn chính của Trâu là cỏ, hoặc rơm khô.
Da trâu bền và dày, là một vật liệu tốt cho các dụng cụ bằng da thuộc. Sữa trâu Ấn Ðộ nhiều chất dinh dưỡng. Sữa trâu nuôi trong chuồng chứa nhiều chất béo hơn sữa. Tại Ấn Ðộ người ta dùng sữa này để làm bơ lỏng (liquid butter).
Sinh vật học xếp trâu nước vào họ Bovinae, thuộc gia đình Bovidae của giống Buffalo và bison. Trâu nước Ấn Ðộ là giống Bubalus bubalis. Giống trâu Cape buffalo của Phi Châu là loại Syncerus caffer, và giống ở Congo thuộc loại S. nanus. Giống bison Mỹ là loại Bison bison, và tại Âu Châu là giống Bison bonasus.
TRÂU TRONG SINH HOẠT CỦA NÔNG DÂN VIỆT NAM
Việt Nam là một nước nông nghiệp, từ ngàn xưa đã biết dùng trâu để cày đất trồng lúa và làm các công việc nặng nhọc khác. Trâu đã trở thành một con vật rất quen thuộc với người dân nông thôn và của hầu hết người Việt Nam. Hình ảnh con trâu đã gắn liền với hình ảnh làng quê, với ruộng lúa, với luỹ tre xanh, với dòng sông...
Trâu đã được nông dân xem như một người bạn đồng lao cộng tác, luôn luôn sát cánh bên nhau:
“Trâu ơi, ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia.
Ta đây, trâu đó, ai mà quản công.
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.”
Nói thì thế, nhưng sự thật thì nhiều khi nông dân Việt Nam không đối xử với trâu một cách công bằng và sòng phẳng. Hãy nghe lời than vãn của trâu trong tác phẩm “Lục Súc Tranh Công” để có thể hiểu rõ công lao của trâu đối với sự nuôi sống của con người, nhất là người Việt Nam.
“Trâu mỏi nhọc, trâu liền than thở:
“Một mình trâu ghe nỗi gian nan,
Lóng canh gà vừa mới gáy tan,
Chủ đã gọi thằng chăn vội vã.
Dạy rằng: “Ðuổi trâu ra thảo dã
Cho nó ăn ba miếng đỡ lòng.”
Chưa bao lâu thoắt đã rạng đông
Vừa đến buổi cày bừa, bua việc.
Trước cổ đã mang hai cái niệt,
Sau đuôi thêm kéo một cái cày;
Miệng đã dàm, mũi lại dòng dây.
Trên lưng ruồi bâu, dưới chân đĩa cắn.
Trâu mệt đã thở dài, thở vắn,
Người còn hầm hét, mắng ngược mắng xuôi.
Liệu vừa đứng bóng mới thôi,
Ðói hoà mệt, bước khôn dài bước.
Ai thong thả, trâu nào ben đặng?
Trâu nhọc nhằn ai dễ thế cho?
Cày ruộng sâu ruộng cạn cho no
Lại vườn đậu vườn mè khiến trở.
Làm không kịp thở,
Ăn chẳng kịp nhai,
Tắm mưa trải gió chi nài,
Ðạp tuyết, dày sương bao sá!
Có trâu, sẵn tằm tơ lúa má,
Không trâu, không hoa quả đậu mè.
Lúa gặt cắt lên đã có trâu xe,
Lúa chất trữ lại để dành trâu đạp.
Từ tháng giêng cho đến tháng chạp.
Kể xuân, hè nhẫn đến thu đông,
Việc cày bừa nông vụ vừa xong,
Lại xe gỗ, dầm công liên khói.
Bất luận xe rào, xe củi,
Nhẫn đến loài phân bổi, tranh che,
Hễ bao nhiêu, nhất thiết của chi
Thì đã phú mặc trâu chuyên chở.
Bao quản núi non hiểm trở,
Chi nài khe suối dầm dề
Cong lưng chịu việc nặng nề,
Cay đắng những lời dức lác!
Ăn thì ăn những rơm khô, cỏ rác,
Ở quản chi ràn lấm, tráp nè.
Trâu dựng nên nông nọ, nỗi kia
Trâu làm đặng căn trên, bồi dưới.
Nghĩ suy lại công trâu cho phải
Lẽ cho trâu thao lụa mặc dày,
Không chi thì quần vải, dãi gai,
Không chi thì khố lưỡi cày cũng khá.
Ăn cho phải những cơm với cá,
Không nữa thì rau cháo cũng nên.
Ðến mai sau già cả sức hèn,
Cũng bảo dưỡng bổ công lao lý.
Khi mạng sống chẳng đơm chẳng tế;
Lẽ sinh cư tử táng mới ưng.
Thuở sống đà không dạ yêu thương
Khi thác lại đoạn tình siêu độ.
Bảo nhau sắm con dao, cái rổ,
Khiến nhau vơ mớ củi, nắm nè.
Rằng “Trâu này là cốt Phật xưa kia
Phát đình liệu cho hồn thăng thiên giái.
Còn hình tích giống chi để lại.
Người người đều bàn bạc với nhau.
Kẻ thì rằng: Tôi lãnh cái đầu,
Người lại nói: Phần tôi cái nọng,
Kẻ giành lòng bóng ép gối mà kê,
Còn sừng đem về ép thoi, làm lược.
Kẻ thì chuốt hoa tai, làm ngạt quạt,
Người lại tiện chén rượu, bầu liêu.
Làm tù và mà thổi cũng kêu,
Tiện con cờ mà đánh cũng tốt,
Kẻ thì làm cái mõ, cái hộp,
Người lại tỉa cán quạt, cán dao.
Còn giò chia nhau
Làm nham, làm thấu.
Trâu gẫm lại loài cầm thú
Phận sao chịu vậy dám nài!”
(trích Lục Súc Tranh Công).
Xem ra thì hầu hết nông dân Việt Nam từ xưa tới nay đều bóc lột sức lao động của trâu đến tận cùng. Ðến khi trâu mất sức lao động, thì họ lại tính toán tận dụng tất cả những gì có thể dùng được nơi trâu từ thịt da cho đến sừng xương cốt. Dường như họ không có tình cảm biết ơn trâu như nông dân và vua chúa tại một số quốc gia Á Châu khác.
Ðến thời Cộng sản cai trị thì thân phận trâu càng khốn cùng thêm, trong lúc đời sống của nông dân cũng chẳng khá hơn được chút nào. Người dân không có thịt để ăn, nhưng trâu lại là “đầu cơ nghiệp” của nhiều hợp tác xã trồng lúa, bị quản lý một cách chặt chẽ. Ðể thoả mãn nhu cầu thịt, nông dân mới bày mưu làm cho trâu bị thương, mất khả năng cày và kéo, để có thể giết mà ăn thịt.
Ngoài ra, vào thập niên 1980, trong âm mưu phá hoại sản xuất nông nghiệp của Cộng sản Việt Nam, Cộng sản Trung quốc cho người đến biên giới gạ mua sừng và móng chân trâu cày với giá cao, tương đương với giá mua một con trâu mới. Thế là trâu cứ lần lượt bị tai nạn, bị thương tật, và đương nhiên là bị giết để ăn thịt, nông dân chỉ cần bán qua Trung cộng bốn chân móng và bộ sừng là gần đủ số tiền nộp đền cho hợp tác xã đi tậu trâu mới.
Phải chăng vì sự vô ơn bội nghĩa đối với công lao của trâu mà phần đông nông dân Việt Nam, nhất là tại miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa cứ mãi mãi sống trong cảnh nghèo nàn, khốn khó?
Ðến thời kỳ Cộng sản Việt Nam chủ trương cơ giới hoá nông nghiệp, nông dân miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa đã bị quả báo tội vô ơn với trâu đen. Tục ngữ mới tại miền Bắc Việt Nam, trước năm 1975, có câu “Trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà”. Ðây là tình trạng eo xách của đoàn máy cày sơn màu đỏ đối với các hợp tác xã cần cày ruộng cho kịp thời vụ. Khi đoàn máy cày được phái đến công tác tại một huyện, một xã nào đó, nếu quan chức hợp tác xã không biết thói quen “trâu đỏ ăn gà” thì đoàn máy sẽ nằm ụ lại, vì lý do trục trặc kỹ thuật, chưa thể tiến hành công tác cày được. Nhưng sau khi đã có gà có xôi, có rượu, thì đoàn máy cày hết trục trặc ngay. Sự kiện này xã hội cộng sản Việt Nam gọi là “chuyện thường ngày ở huyện”.
LỄ TẠ ƠN TRÂU - ĐỀN THỜ TRÂU
Nhiều dân tộc đã lập đền thờ Trâu. Hiện còn tồn tại một số đền thờ Trâu dành cho “Trâu Vàng” (bovina communis).
Tại Thái Lan, vùng Tây Bắc, hàng năm nông dân làm Lễ Tạ Ơn Trâu. Phong tục người Tây Bắc Thái không làm giỗ, làm kỵ rải rác quanh năm, mà chỉ tập trung tất cả các cuộc lễ thiêng liêng vào một ngày, đó là ngày 14 tháng 7, âm lịch mỗi năm. Tiếng Thái gọi là ngày “Síp xí”.
Trong ngày Síp xí, các gia đình người Thái đồng loạt làm ba cuộc lễ liên tiếp: thứ nhất là lễ cúng tổ tiên và những người quá cố trong gia đình; kế đến là Lễ cúng Bà Mụ (tức là vị thần đã “nặn” đúc ra thân thể của con người trong bào thai) và những người tứ cố vô thân hồn bơ vơ không ai hương khói, và sau cùng là Lễ Tạ Ơn Trâu.
Theo truyền tụng thì phong tục Tạ Ơn Trâu của người Thái đã có từ thời xa xưa và được duy trì nguyên vẹn đến ngày nay. Nghi thức Lễ Tạ Ơn Trâu gồm có một mâm cỗ với một con gà luộc, một đĩa xôi, một chai rượu, một đĩa trầu cau và một bó cỏ non. Thịt gà được chặt nhỏ, gói cùng với xôi trong mớ cỏ non. Những gói cỏ, xôi, gà ấy được xếp vào một cái đĩa lớn, vẫy lên những giọt rượu...
Một vị đứng làm chủ lễ, khăn áo chỉnh tề, bước ra thắp nhang và làm lễ Tạ Ơn Trâu. Lễ bắt đầu tiến hành lần lượt với từng con trâu. Con đầu đàn được lễ trước và con ít tuổi lễ sau cùng. Trâu đầu đàn người Thái gọi là “Quái tổn lang” có nghĩa là trâu chủ gầm. Mâm cỗ được bưng đến trước từng con trâu được tạ ơn.
Bài văn cúng tạ ơn trâu đại ý như sau:
“Ơ này trâu ơi
Mưa rơi trâu kéo cày
Trời sấm trâu kéo ruộng
Ðeo ách khắp thửa trên
Kéo bừa khắp thửa dưới
Thương trâu hồn to vía lớn
Có gà lớn bằng con công
Gà to bằng con ngỗng
Sắp mâm cỗ mời trâu ăn
Có chai rượu thơm
Rót ra mời trâu uống...”
Bài Tạ ơn trâu kết thúc bằng lời cầu chúc:
“...Gom của về với chủ
Tận già trâu đừng chết
Trâu sinh sôi đầy đàn
Trâu sinh nở đầy gầm nhà.”
Sau khi đọc văn cúng, chủ nhà tự tay đút cho trâu ăn gói cỏ non có xôi và thịt gà, rồi thả trâu ra rừng. Mấy ngày sau lễ Tạ Ơn Trâu, con người kiêng nặng lời với trâu, kiêng đánh trâu và bắt trâu làm việc nặng. (Theo Báo Hoà Bình 06-06-2007).
Nhiều bộ lạc ở Ấn Ðộ, trong điệu múa mặt trời, họ đặt một cái đầu trâu trên một cột trụ ở chính giữa và các chiến binh múa vòng quanh, tự hành hạ mình để ca ngợi quyền năng của mặt trời. Một cuộc nhẩy múa thành công chẳng những nói lên nói lên sự lão luyện của các chiến binh, mà còn dự báo cho bộ lạc một mùa săn bắn tốt. Các đoàn thể quân sự quan trông của Plains Indian đều được đặt tên theo trâu đực và dùng sừng trâu làm huy hiệu. Con Nghé thiêng liêng trên bờ sông Oglala tại vùng Teton Sioux, là biểu tượng của may mắn tài lộc của bộ tộc, theo truyền thuyết, nó đã được một con trâu cái mang hình người ban cho họ. Các bộ lạc miền Tây, chỉ làm những cuộc hành trình ngắn hạn đến Plains, để làm lễ vào mùa đông cầu may mắn cho các cuộc săn bắn mùa hè.
Tại vùng Taos, New Mexico, một đám đông đàn ông, đội đầu trâu, lắc lư thân thể và lấy chân cào đất giống như trâu “bison”. Tại một số làng người da đỏ, hai hoặc nhiều người đàn ông mang mặt nạ hình đầu trâu, nhảy múa bên cạnh một người đàn bà, “người mẹ của trò chơi” được xem như là người đã đem những con thú đến cho người săn bắn.
TRUYỀN THUYẾT VỀ TRÂU
Ðể giải đáp thắc mắc tại sao con trâu lại phải làm việc rất nặng nhọc và chịu đựng sự hành hạ quá mức của nông dân như vậy mà không phản kháng, người ta đã đưa ra một truyền thuyết hoặc một huyền thoại về trâu.
Thoại kể rằng: “Từ lúc mới tạo dựng trời đất, loài người chưa có lúa, bắp để nuôi sống. Ngọc Hoàng Thượng Ðế liền sai một vị quan trên Thiên đình xuống trần gian để giúp cho loài người. Vị quan này được Thiên Triều giao cho hai cái bao, một cái đựng hạt giống lúa và ngũ cốc để nuôi sống loài người, một bao đựng hạt giống cỏ để phủ mặt đất và nuôi súc vật khác. Thiên Triều đã căn dặn phải gieo hạt lúa và ngũ cốc trước rồi sau đó mới gieo giống cỏ.
Nhưng chẳng may vị quan Thiên Triều đã vì lơ đãng đã đem hạt giống cỏ gieo xuống trước, cỏ mọc rất nhanh, chẳng mấy chốc đã phủ gần hết mặt đất, vị quan mới vội vàng gieo giống lúa và ngũ cốc vào số đất ít ỏi còn lại. Thế là hạ giới không đủ lúa gạo và ngũ cốc để nuôi sống, lại phải lo nhổ cỏ đi để có đất trồng lúa, rất vất vả và khổ sở. Tiếng kêu than của dân gian đã lên thấu Thiên Ðình. Ngọc Hoàng Thượng Ðế cho điều tra sự thật và phạt vị quan lơ đãng đã làm sai lệnh Thiên Triều khiến dân gian cực khổ, thiếu thốn. Hình phạt là biến vị quan đó thành con trâu, đày xuống hạ giới với nhiệm vụ phải gặm cho hết cỏ và giúp loài người cày đất trồng lúa và ngũ cốc để chuộc tội. Hai cái sừng là dấu tích của cái mũ của thời làm quan trên Thiên Ðình.
CHUYỆN CON TRÂU VÀNG HỒ TÂY
Vào thời nhà Lý, ở thành Ðại La (nay là Hà Nội) có một nhà sư pháp thuật cao cường, pháp danh là Không Lộ. Tương truyền Sư Không Lộ là một vị thần Trời sai xuống trần gian để cứu giúp dân. Vào thời đó, nước Nam đang thiếu các chất đồng và sắt, bao nhiêu vàng bạc đã bị người phương Bắc vơ vét hết chở về Trung Hoa, sau nhiều thế kỷ cai trị.
Một hôm, Sư Không Lộ mang theo một cái túi nhỏ, lên đường qua Trung Hoa với ý định dùng phép thuật để lấy lại một ít kim loại đã bị cướp trước đây hiện đang để ở bên đó. Sư Không Lộ đã vào yết kiến vua nhà Tống xin quyên một ít kim khí chỉ đựng đầy cái túi vải mà Sư mang theo, nói là về đúc tượng Phật. Thấy cái túi nhỏ bé, vua Tống không ngần ngại, liền sai quan coi kho đưa Sư Không Lộ vào tận nơi, cho tuỳ ý lấy vàng hoặc đồng, miễn là chỉ đựng đầy cái túi mang theo mà thôi.
Vào đến cửa kho, Sư thấy một con trâu đúc bằng vàng, to lớn hơn con trâu thật, đang đứng hiên ngang như để canh giữ kho tàng của nhà vua. Ở gian giữa là kho chứa một số kim khí hiếm có, quý hơn vàng, đó là đồng đen “mẹ đẻ của vàng”.
Sư Không Lộ dùng phép thuật mở cái túi thần ra thu hết hơn phân nửa số đồng đen trong kho nhà Tống. Ông quan giữ kho hoảng hốt trước phép thuật của nhà Sư, chặn lại, bắt trả số đồng đen. Sư Không Lộ liền nhắc cho viên quan lời hứa của vua Tống là cho phép chọn bất cứ thứ nào miễn là chỉ đựng trong cái túi mang theo. Viên quan đành cấp báo sự việc lên nhà Vua. Vua Tống nổi giận, ra lệnh bắt chém nhà Sư nước Nam vì đã có thái độ qua mặt Thiên triều. Nhờ có phép thuật, Sư Không Lộ nghe được ý của vua Tống, vội vàng thoát ra khỏi kho, vượt qua hoàng thành, trực chỉ phương Nam. Sư không thể đi nhanh vì số đồng đen khá nặng. Chỉ đi được mấy dặm đường thì đã nghe tiếng người và ngựa đuổi theo. Sư Không Lộ bị một dòng sông chận lối, không có thuyền bè, trong lúc quân binh nhà Tống đang lao tới gần và reo hò như sắp bắt được nhà Sư.
Sư Không Lộ liền lấy chiếc nón tu lờ, thả xuống sông, niệm thần chú hoá thành thuyền rồi mang túi kim khí nhẩy xuống, trong chớp mắt đã qua bờ bên kia. Quân nhà Tống chứng kiến phép thuật của nhà Sư, rút về tâu lên, vua Tống đành chịu thua.
Về đến nước Nam, Sư Không Lộ triệu tập những người thợ rèn tài giỏi để đúc một cái chuông lớn bằng đồng đen đã lấy được từ kho nhà Tống. Các tay thợ đã cố gắng nhưng không đúc được chuông theo ý nhà Sư là có hình hoa sen hé nở và có âm thanh vang xa. Sư Không Lộ liền nghĩ ra cách làm khuôn bằng đất sét, rồi nấu chẩy đồng đen đổ vào. Kết quả mỹ mãn.
Ngày khánh thành chuông, Sư Không Lộ cầm chày đánh lên lần đầu tiên, tiếng chuông ngân và vang xa ngoài ngàn dặm. Con trâu vàng trước kho nhà Tống bên Trung Hoa nghe tiếng chuông đồng đen, tưởng là tiếng mẹ gọi, liền phóng mình chạy về phương Nam. Nhìn thấy con trâu vàng từ Trung Hoa chạy đến, Sư Không Lộ vội ngừng đánh chuông, sợ rằng bao nhiêu vàng từ phương Bắc nghe tiếng chuông đồng đen sẽ tuôn về Nam Việt hết, thì rất nguy hiểm, Trung Hoa sẽ có cớ mà xua quân đánh chiếm nước Nam. Nghĩ thế nên Sư đã lăn cái chuông xuống Hồ Tây. Chuông đồng đen kêu vang một lần cuối cùng trước khi xuống nước, con trâu vàng cũng nhảy theo và cả hai chìm mất dưới đáy hồ.
Sư Không Lộ trở về Trời. Những người thợ rèn dựng lên một ngôi đền thờ cạnh Hồ Tây để nhớ ơn vị tổ sư đã dạy cho họ cách đúc đồng. Vua nhà Lý sắc phong Sư Không Lộ là “Thần tổ Nghề Ðúc Ðồng”.
Lời bàn: Chuyện Con Trâu Vàng Hồ Tây chỉ có mục đích nói lên sự kiện “nghề đúc đồng” đã có từ thời nhà Lý (thế kỷ thứ 13), không nói gì đến chuyện trâu cả. Truyện hoang đường, không có gì đặc sắc, với kết thúc là tất cả chuông trâu đều biến mất không con dấu vết gì. Chuyện kể chẳng qua là để thoả mãn tự ái dân tộc mà thôi.
ĐỀN KIM NGƯU - PHỦ TÂY HỒ
Tại Hà Nội, có di tích "Đền Ông và Phủ Bà". Theo dân làng Tây Hồ, Đền Ông là đền thờ Ông Trâu Vàng tức Đền Kim Ngưu, Phủ Bà là Phủ thờ Mẫu Liễu Hạnh. Sự tích Thần Trâu Vàng thờ tại Đền Kim Ngưu đã được một số sách xưa ( Bắc Thành Địa Dư chí; Đại Nam Nhất Thống chí...) ghi lại. Tương truyền rằng vào cuối đời Nhà Đường (Trung Hoa), Cao Biền, một nhà địa lý tài giỏi thấy đất Giao Châu của người Việt là vùng linh thiêng có thể sinh ra nhiều người kiệt xuất (địa linh nhân kiệt) chống lại Bắc triều. Vì vậy nên Cao Biền đã tìm đến nhiều nơi ở Giao Châu để bí mật trấn yểm, cắt đứt long mạch... Một hôm, Cao Biền đến vùng Duy Tiên (nay thuộc tỉnh Hà Nam) ra tay đào sông cắt đứt long mạch núi Phục Tượng (Đọi Sơn). Thần núi Đọi Sơn hóa thành trâu vàng phóng hào quang rực rỡ chạy dọc theo sông Hồng lên đến Đầm Xác Cáo (nay là hồ Tây) rồi biến mất. Những bước chân trâu vàng chạy đất lún xuống thành sông, gọi là sông Kim Ngưu, nơi trâu vàng biến mất là hồ Kim Ngưu (nay là hồ Tây).
Một thoại khác nói Cao Biền muốn đào núi Lan Kha (Từ Sơn, Bắc Ninh) thì bỗng một con trâu vàng từ trong núi lao ra chạy đến đầm Xác Cáo, rồi biến mất. Trâu chạy đến đâu đất lún thành sông, gọi là sông Kim Ngưu.
LỂ "TIẾN XUÂN NGƯU"
Vào thời Trung Hưng Nhà Lê (từ thế kỷ XVI đến XVII) tại Kinh đô Thăng Long, hàng năm vào tháng Giêng âm lịch, sở Tư Thiên Giám tâu lên ngày chính của tiết Lập Xuân và cả kiểu mẫu của Xuân Ngưu (tức Trâu Xuân). Vua giao cho Bộ Công, rồi sai Cục Tượng ban làm tượng Xuân Ngưu bằng đất. Buổi chiều, trước ngày Lập Xuân một ngày, Cục Tượng ban đưa tượng Trâu Xuân đến đàn tọa lạc tịa phường Đông Hà. Tại đàn này, quan Phủ Doãn Thăng Long và các quan sở tại hai huyện Thọ Xương và Quảng Đức làm lễ. Xong lễ, dân phường Đông Hà rước Xuân Ngưu đến đậu ở phường Hà Khẩu.
Đến ngày chính tiết, Xuân Ngưu được rước đưa vào Điện vua để cử hành lễ Tiến Xuân Ngưu. Đoàn rước gồm kiệu Xuân Ngưu, theo sau là quan Phủ Doãn và quan chức hai huyện, mỗi người cầm cành dâu đánh vào con trâu bằng đất.
Tại đàn làm lễ Tiến Xuân Ngưu, bá quan văn võ trong triều đã tề tựu đông đủ. Lễ xong, quan Tư lễ giám bưng cái án để Xuân Ngưu từ nơi vua ngự, đưa qua tiến ở Phủ Chúa Trịnh.
Theo phong tục, tháng Chạp là tháng Sửu (tượng hình con trâu) nên dân gian làn con trâu đất để át khí lạnh. Lễ Tiến Xuân Ngưu được thực hành theo ý nghĩa này. (Theo Bùi Thiết, Từ Điển Lễ Hội Việt Nam -NXB Văn Hóa -HaNoi 2000.)
TRÂU TRONG VĂN CHƯƠNG VIỆT NAM
Ảnh tượng con trâu đã xuất hiện khá nhiều trong ca dao, tục ngữ, thơ và văn xuôi. Trâu đã trở thành một đề tài phong phú khi người ta viết về nông thôn Việt Nam.
TRÂU TRONG CA DAO VÀ TỤC NGỮ
Ðối với nông dân Việt Nam, trâu là một phương tiện hàng đầu. Có trâu rồi mới có thể gây dựng cuộc đời. Do đó, “tậu trâu” trở thành vấn đề trọng đại nhất:
“Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà
Trong ba việc ấy lọ là khó thay.”
Bởi vì “Con trâu là đầu cơ nghiệp” cho nên ngày xưa trâu được xem như một tiêu chuẩn để đánh giá giàu, nghèo trong xã hội nông nghiệp.
“Ruộng sâu, trâu nái” là câu để chỉ người khá giả trong làng, xóm. Một chàng nông dân đã khoe với người đẹp về gia thế như sau:
“Nhà anh chín đụn, mười trâu
Lại thêm ao cá, bắc cầu rửa chân.”
Cơ nghiệp của nhà nông xưa nhờ vào sức lực của trâu, vì vậy việc tậu trâu (tức mua trâu) đòi hỏi sự cẩn trọng. Nếu mua lầm trâu xấu, kém khả năng cày kéo thì có nguy cơ thất bại trong sản xuất. Tục ngữ có những câu dành cho việc chọn trâu:
- Mua trâu xem vó, lấy vợ xem nòi.
- Mua trâu lựa nái, mua gái chọn dòng.
- Trâu hoa tai, bò gai sừng.
- Lang đuôi thì bán, lang trán thì cày.
- Ðầu thanh, cao tiền, thấp hậu, chẳng tậu thì sao?
- Cày trâu loạn, bán trâu đồ.
Tóm lại, nông dân Việt Nam đã tích luỹ được một số kinh nghiệm về tướng mạo của trâu để tiện việc lựa chọn trâu thích hợp với nông vụ. Người hướng dẫn mua trâu thường xem khoang, xem khoáy trâu rất kỹ lưỡng.
Ngoài ra, còn có nhiều câu mượn trâu để nói về sinh hoạt và tâm tính của người, chẳng hạn:
- Trâu tìm cọc, chứ cọc không tìm trâu.
- Trâu chậm uống nước đục.
- Trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa.
- Gái mười bẩy, bẻ gãy sừng trâu, trai mười bẩy đâm thâu cột nhà.
- Ăn thuốc bán trâu, ăn trầu bán ruộng.
- Trâu quá xá, mạ quá thì
- Muốn làm giầu thì nuôi trâu nái, muốn lụn bại thì nuôi bồ câu.
- Buộc trâu đâu, nát rào đấy.
- Trâu gầy cũng tầy bò giống.
- Trâu he cũng bằng bỏ khoẻ.
- Lộn con toán, bán con trâu.
- Lạc đường theo chó, lạc ngõ theo trâu.
- Trâu đồng nào ăn cỏ đồng nấy.
- Nước giữa dòng, chê trong chê đục, Vũng trâu đầm hì hục khen ngon.
- Sáng tai họ, điếc tai cày.
- Trâu buôc thì ghét trâu ăn...
Quan võ thì ghét quan văn dài quần.
Có lẽ vì trâu đã một thời có mặt thường trực trong các gia đình nông dân, trên những thửa ruộng, những con đường làng, trong các ao đầm hoặc trong các dòng sông quê hương Việt Nam. Ðối với hầu hết người Việt Nam, ảnh tượng con trâu bên luỹ tre đã trở thành biểu tượng thân thương của quê hương. Bài ca dao được biết đến nhiều nhất có lẽ là bài “tâm tình” của nông dân với trâu, sau đây.
“Trâu ơi, ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta.
Cấy cày vốn nghiệp nông gia,
Ta đây, trâu đó, ai mà quản công.
Bao giờ cây lúa còn bôn,g
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.”
Mối tương quan thân thiết này đã làm cho trâu trở thành một phần tử của gia đình nông dân, cùng chung sức làm lụng bên nhau:
“Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.”
Về thơ, thì bài liên quan đến trâu được in vào sách Quốc Văn giáo khoa, tiểu học, bài “Em Bé Quê” được biết đến nhiều nhất và đã được Phạm Duy phổ nhạc:
“Ai bảo chăn trâu là khổ
Chăn trâu sướng lắm chứ.
Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau
Và miệng hát nghêu ngao
Vui thú không quên học đâu.
Nằm đồi non gió mát
Cất tiếng theo tiếng lúa đang reo
Em đánh vần thật mau.”
TRÂU TRONG THƠ, VĂN
Theo Bàng Bá Lân trong Hương Hoa Ðất Nước thì bài Em Bé Quê như sau đây:
“Ai bảo chăn trâu là khổ? Chăn trâu sướng lắm chứ! Ðầu đội nón mê như lọng che, tay cầm cành tre như roi ngựa, ngất-nghểu ngồi trên mình trâu, tai nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bướm lượn trên đám cỏ...”
Thơ xưa thì Lục Súc Tranh Công (tác giả khuyết danh) đã mở đầu bằng lời than thở của trâu (đã trích ở phần trên). Cụ Nguyễn Khuyến nhắc đến trâu khi tả buổi trưa hè:
“Trâu già nấp bụi phì hơi nắng,
Chó nhỏ ven ao sủa tiếng người.”
Bà Huyện Thanh Quan trong bài "Chiều Hôm Nhớ Nhà" có câu:
"Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn..."
Tả cảnh mục đồng hồn nhiên cưỡi trâu về thôn xa...
Thơ hiện đại có những câu rất đẹp liên quan với ảnh tượng trâu:
“Dưới gốc đa già, trong vũng bóng
Nằm mát đàn trâu ngẫm nghĩ nhai...”
Hoặc:
“Khói chiều nhuốm bạc đầu cau
Ðường quê thưa thớt tiếng trâu gọi đàn.” ( Bàng Bá Lân - Chiều quê).
Hoặc:
“Ngõ tre lối cũ ta về
Thăm cô yếm lụa hái chè trên nương.
Người đi cây nhớ hoa vàng
Ðàn trâu gặm nắng bên đàng quạnh hiu.”
Trong bài “Tiếng Võng Ðưa” nông phu và trâu càng gắn bó hơn:
“Gà thôn vừa gọi vừng đông
Ta cùng trâu đã ra đồng cày chiêm
Nước nhà bao lúc ngả nghiêng
Nhà nông vẫn chẳng hề quên ruộng vườn.”( BBL)
Trong bài “Con Trâu”, nhà thơ Phạm Ngọc Khuê đã hết lời ca ngợi sức mạnh và lợi ích mà trâu đã đem lại cho con người:
“Nay là lúc đem sức trâu mãnh liệt
Kéo lưỡi cày rạch vỡ hết ruộng nương
Khơi mạch sống từ trong lòng đất chết
Mở đường lên cho hạt thóc đang ươm
Nay là lúc gặm cỏ khô rơm cứng
Giẫm bùn lầy và chọi với nắng mưa
Lấy chí ngang tàng và lòng quyết thắng
Làm hơi rượu mạnh để say xưa...”
Trâu là một thành viên quan trọng bậc nhất trong sản xuất nông nghiệp, vì trâu là một nguồn năng lực bền bỉ và hùng mạnh. Không có trâu, nông dân sẽ rơi vào cảnh khốn khó và vô cùng vất vả trong việc cày, bừa. Tác giả Tiếng Võng Ðưa (BBL) đã mô tả sự cùng khổ này trong bài thơ “Người trâu”. Ðây là cảnh tượng đã diễn ra vào thập niên 1950 tại miền Bắc Việt Nam.
“...Trong thửa ruộng chân đê tràn ngập nước
Ðôi bóng người đang chậm bước đi đi.
Người đàn ông cúi rạp bước lầm lì,
Người vợ cố đẩy bừa theo sát gót.
Họ là những nông dân nghèo bậc chót,
Không có trâu nên người phải làm trâu
Họ bừa ngầm một thửa ruộng chiêm sâu
Nước đến bụng, ôi rét càng thêm rét!
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . “
Về văn xuôi có hai cuốn cùng nhan đề “Con trâu” (1940), cuốn xưa nhất của ông Trần Tiêu, một nhà giáo trong nhóm Tự Lực Văn Ðoàn, cuốn thứ hai của Nguyễn Văn Bỗng, quê Ðại Lộc - Quảng Nam, (1921-2001) nhà văn vùng Việt Minh), nội dung dùng đề tài con trâu và nông dân để tuyên truyền chống thực dân Pháp, xuất bản năm 1952.
Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan nhận xét về Trần Tiêu như sau: “Nếu muốn tìm những việc oái oăm, những cơ mưu lắt léo trong Con trâu người ta sẽ không bao giờ thấy cả. Ở tập truyện này chỉ diễn ra rặt những việc rất thường trong luỹ tre xanh, những việc hàng ngày của dân quê Việt Nam”. Ðúng là cái tưởng như bình thường lại trở thành không bình thường vì số phận của nhân vật chính từ mơ ước đến chỗ mệt mỏi, mòn mỏi và chịu đựng cái chết. Con trâu, con vật quý của người nông dân ảnh hưởng khá trực tiếp đến cuộc sống của một gia đình nông dân. Nhìn những cảnh làng quê thiếu trâu bò, người phải kéo cày thay trâu càng thấy đau lòng. Cũng vì thế người nông dân chăm sóc, bảo vệ trâu như con vật thân thiết. Trong văn học Việt Nam thời hiện đại hình bóng con trâu cũng đi vào nhiều tác phẩm như Con trâu của Nguyễn Văn Bổng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Con trâu hai nhà của Trần Bảng trong thời kỳ hợp tác hoá nông nghiệp. Dù ở giai đoạn nào thì đó cũng là vốn quý mà người nông dân nghèo trước đây không dám mơ ước.
Hiện nay, có một tác phẩm viết về trâu bằng Pháp văn của tác giả Nguyễn Nga, nhan đề “Le buffle et le grain de riz”. (Con trâu và hạt lúa).
Có một vài chuyện cổ tích liên quan đến trâu, nhưng ý nghĩa rất nhạt nhẽo, không lý thú. Chẳng hạn, chuyện Trâu và Ngựa.
“Ngày xưa, trâu có hai hàm răng, ngựa chỉ có một hàm. Một hôm trâu được mời đi ăn giỗ. Lúc về trâu khoe với ngựa là nhờ có hai hàm răng nên đã ăn được một bữa thoả thích. Ðến lượt ngựa được mời đi ăn giỗ, ngựa bèn đến bảo trâu cho mượn một hàm răng để chén một bữa cho sướng miệng. Trâu vốn tốt bụng, gỡ răng ra cho ngựa mượn. Ngựa đi ăn giỗ về, không muốn trả răng lại cho trâu. Trâu tới đòi, ngựa liền bảo: ”Hàm răng của mày tao để ở cuối đường kia, bây giờ mày với tao chạy thi, ai đến trước lấy được thì làm chủ hàm răng ấy.”
Trâu vốn thật thà, không biết làm thế nào, đành nhận lời chạy thi với ngựa. Nhưng trâu nặng nề chậm chạp, nên rốt cuộc đã thua ngựa và mất hàm răng.” (Việt Nam Văn Học Toàn Thư, tr. 128).
Chuyện Con Trâu và Con Cọp hay “Cái Trí Khôn”.
Chuyện kể rằng, một hôm cọp về đồng bằng, núp trong lùm cây theo dõi con trâu đang cày ruộng. Thấy trâu luôn luôn ngoan ngoãn tuân theo lời một con vật nhỏ bé, yếu ớt chỉ có hai chân. Ðến giờ nghỉ, người chủ đi ăn trưa, trâu ở một mình gặm cỏ ven bờ ruộng, cọp liền đến hỏi chuyện “Sao mày to lớn, mạnh mẽ như thế mà lại để cho một con vật nhỏ bé điều khiển, hành hạ như vậy?” Trâu đáp: “Tao nghe lời nó vì nó có cái trí khôn”. Cọp hỏi cái trí khôn là gì? Trâu nói hãy chờ chủ tao đến mà hỏi. Khi người chủ trở về, cọp hỏi “Cái trí khôn của mày đâu?” Người chủ đáp “Cái trí khôn tao để ở nhà, mày muốn coi tao sẽ về lấy cho.” Cọp đồng ý. Nhưng người chủ nói, mày ở đây với trâu của tao, sợ mày ăn mất trâu, vậy nếu mày bằng lòng để tao buộc mày lại rồi mới về nhà lấy trí khôn.” Vì tò mò muốn biết, nên cọp đồng ý.
Trói xong trói cọp vào một cây cột, người nông dân liền đi lấy đùi gỗ đến, nói trí khôn của tao đây này. Vừa nói vừa đánh vào thân thể cọp. Cọp mắc mưu bị đánh khắp mình, rớm máu từng vạch. Ðánh xong người chủ thả cọp trả về rừng bảo là không được trở lại phá hoại đồng bằng nữa. Các vằn đen trên da cọp là vết tích của những lằn roi xưa.
Truyện Ngưu Lang ố Chức Nữ cũng được dân gian Việt Nam kể cho nhau nghe, được dựng thành kịch, phim vân vân, nhưng nó không liên quan trực tiếp đến trâu, chỉ nói đến mối tình giữa chàng chăn trâu (Ngưu lang) và cô nàng dệt vải (Chức nữ) mà thôi. Ngưu lang ố Chức nữ là huyền thoại gốc Trung Hoa, nhằm giải thích hiện tượng mưa ngâu tháng bẩy và sự kiện những con quạ sói đầu vào mùa thu.
MỘT SỐ TỪ NGỮ LIÊN QUAN ÐẾN TRÂU
Trâu cũng đã đi vào ngôn ngữ Việt với một số thuật ngữ và thành ngữ.
- Ðàn gãy tai trâu (ý nói việc giảng giải, thuyết phục vô ích, vì người nghe không đủ khả năng hiểu, để lãnh hội hoặc tiếp thu).
- Làm như trâu (ý nói cần cù và lao nhọc).
- Hoa nhài cắm bãi cứt trâu (tình duyên không được vào nơi xứng đáng).
"Con vợ khôn lấy thằng chồng dại
Như bông hoa lài cắm bãi cứt trâu"
- Mài sừng cho lắm cũng là trâu (ý nói dù cố gắng bao nhiêu cũng không thể thay đổi được thân phận, địa vị hoặc giai cấp).
- Trâu buộc ghét trâu ăn (chỉ sự ganh tị giữa người bị bó tay và người được hưởng thụ).
- Len trâu (len: tiếng gốc Khmer, có nghĩa “đi tự do” - len trâu là dẫn trâu đi tự do theo đàn. Ở miền Nam Việt Nam, vào mùa mưa lụt, người ta phải thuê người đẫn trâu đi tìm các đồng cỏ ở các nơi cao để nuôi, có khi thời gian len trâu này kéo dài nhiều tháng và đi rất xa (vào vùng Bảy Núi chẳng hạn).
- Ốc trâu (hiện tượng xẩy ra khi khuấy hồ bằng bột nhưng không khéo, khiến cho nổi lên những nụ ốc).
- Cụ Trâu: chỉ người thô kệch, ăn nói thô lỗ, không biết phép xã giao (thổ ngữ Huế)
- Trẻ trâu: từ mới xuất hiện ờ VN, chỉ người mới lớn tự cho là mình "bảnh", "oai phong hơn người" đặc biệt là khi có bạn bè cùng lứa chung quanh. Gọi là "trẻ trâu" vì cách cư xử lì lợm, thô lỗ mà không tự biết. (tiếng Anh: young bunk: Who behaves like he or she is tough)
- Chửa trâu: người phụ nữ mang thai hơn chín tháng, mười ngày...chửa thêm tháng, vùng quê gọi là "chửa trâu". Theo tập tục, gặp trường hợp vợ "chửa trâu", người chồng phải tìm đến một con trâu, rồi lén cắt đứt giây thừng sỏ mũi của nó, hoặc lấy một cái cọc đóng vào chân cái cối giã gạo...Người ta tin rằng làm như thế vợ sẽ được sinh ngay. (Theo Toan Ánh -Người Việt, Đất Việt.)
- Làm thân trâu, ngựa:
Trong truyện Kiều có câu
“Bao nhiêu duyên nợ thề bồi
Kiếp này thôi thế thì thôi còn gì?
Tái sinh chưa dứt hương thề
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai.” (KVK câu 705-708)
- Thành ngữ “làm thân trâu ngựa” phát sinh từ thuyết Luân Hồi của Phật giáo, cho rằng người nào kiếp này mắc nợ ai mà chưa trả được, thì kiếp sau phải hoá thân thành trâu ngựa vào nhà người đó mà trả nợ. Sách Trung Hoa có câu “Thụ trái bất hoàn, tử hậu thác sinh vi ngưu mã” (Nợ không trả được, thì sau khi chết hoá sinh làm trâu, ngựa kéo cày mà trả).
Một vài địa danh liên quan đến trâu:
- Bến Nghé (tên cũ của Saigon).
- Trâu Quỳ (Gia Lâm - Hà Nội).
- Lò Trâu (gần Vĩ Dạ - Huế).
- Hòn Trâu (ile aux Buffles) một đảo nhỏ ở Bình Định
- Dốc Trâu Té (chi khu Cỏ Ông).
- Buffalo (một thành phố gần Thác Niagara - New York -Hoa Kỳ).
TRÂU TRONG PHẬT GIÁO
Trong Phật giáo, phái Thiền Tông lấy hình tượng TRÂU để nói về phương pháp tu tập. Con Trâu hoang dã tượng trưng cho TÂM. Người tu tập giống như người chăn trâu, do đó, Thiền Tông đã trình bày các giai đoạn tu tập bằng 10 bức tranh “Chăn Trâu” ghi chú bằng Hán Văn gọi là THẬP MỤC NGƯU ÐỒ”. Xin sơ lược sau đây để độc giả có một khái niệm tổng quát.
Có thể nói, đề tài chung của các bức tranh chăn trâu của Thiền Tông là đường lối tu tập. Ðường lối tuy nhiều, song không ngoài việc tìm và bắt tâm.
Kinh Kim Cương có câu: “Vân hà hàng phục kỳ tâm?” (Hỏi rằng làm sao làm chủ được cái tâm?). Do đó, tập 10 bức tranh “mục ngưu đồ” có thể coi như là lời giải đáp cho câu hỏi trên đây.
Khởi đầu, Tâm là con trâu hoang. Vì có trâu nên có người chăn (mục đồng). Bởi có Tâm nên có Cảnh. Tất cả mọi nỗ lực của Phật giáo Ðại thừa đều nhằm vào sự “cột” trâu, tức là “điều tâm”.
Tâm là con trâu hoang. Muốn trị nó thường phải dùng những biện pháp mạnh, như đánh bằng roi, xỏ mũi bằng dây gai, dây thừng v.v... một cách tương tự, muốn trị tâm, cần quy y, giữ giới cấm, phát tâm bồ đề v.v....
Ðó là bước đầu, diễn tả trong năm bức hoạ:" 1. Vị mục, 2. Sơ điêu, 3. Thọ chế , 4. Hồi thủ và 5. Tuần phục”.
Vị mục: chưa chăn (trâu còn hoang dã, chú mục đồng đi tìm Trâu).
Sơ điều: mới chăn (thấy dấu vết trâu).
Thọ chế: chịu phép (thấy được trâu).
Hồi thủ: quay đầu (bắt được trâu).
Tuần phục: vâng chịu (Trâu chịu di theo mục đồng).
Vô ngại: không ngại ... (Cỡi lưng trâu đi về nhà - Tâm đã thuần phục, không cần chăn giữ - Tâm định, hết chấp ngã, tuy nhiên vẫn còn chấp pháp).
Nhiệm vận: tha hồ (quên rằng mình ngồi trên lưng trâu - huệ giác đến chỗ Tâm vô Tâm- Ngưu vô tâm, ngưu diệc vô tâm).
Tương vong: cùng quên (không còn ý niệm nào về mình về trâu nữa- “Tâm cảnh song vong nải thị chơn pháp”: Tâm và cảnh cùng mất tức là pháp đích thực).
Ðộc chiếu: soi riêng (đến cảnh giới của Bồ Tát).
Song dẫn: dứt cả hai (chỉ còn vòng tròn trống không, đó là vô ngôn và Viên Giác).
“Thập mục ngưu đồ” còn được đặt tên theo thứ tự như sau:
Tầm ngưu: tìm trâu
Kiến tích: thấy dấu, kiến
Kiến ngưu: thấy trâu
Ðắc ngưu: được trâu
Mục ngưu: chăn trâu
Kỵ ngưu quy gia: cỡi trâu về nhà
Vong ngưu tồn nhơn: quên trâu còn người
Nhơn ngưu câu vong: người trâu đều quên (vẽ vòng tròn)
Phản bổn hoàn nguyên: trở về nguồn cội
Nhập triền thuỳ thủ: thõng tay vào chợ
Sau các giai đoạn của GIỚI (giữ gìn thân và tâm hướng Thiện, lánh Ác), ÐỊNH phát sanh trong giai đoạn tiếp theo (ĐỊNH bao gồm sự dứt bỏ lo nghĩ, làm các duyên lắng xuống).
Lâu ngày chầy tháng, trâu trở nên thuần thục, tâm trở nên điều hoà. Trong giai đoạn này, tâm đã tuần phục, khỏi phải chăn giữ. Tâm đã định, không gặp gì chướng ngại. Tâm định là ngã chấp hết, song vẫn còn pháp chấp (còn ưu tư về nguyên tắc, lý thuyết).
Ðây là bước tu chứng của hàng tiểu Thừa (thanh văn và duyên giác) diễn đạt bằng hai bức hoạ “vô ngại” và “nhiệm vận”.
[Thanh văn thừa là người xuất gia tu theo Tứ Diệu Đế chỉ cho chúng sanh biết tam khổ, bát khổ...cuối cùng đắc quả A-la-hán. Gọi là tiểu Thừa vì cách tu này chỉ độ cho một người. Duyên giác thừa là Bích Chi Phật, giác ngộ nhưng không có khả năng giáo hóa chúng sanh đắc quả Vô Thượng. Duyên giác thừa tu theo Thập Nhị Nhân Duyên, gọi là trung Thừa -giữa Thanh văn và Bồ tát.]
Cần đi thêm bước nữa để khai mở HUỆ giác đến chỗ TÂM vô TÂM: “Nhơn vô tâm, ngưu diệc vô tâm”.
Ðến giai đoạn này mới phá được Pháp Chấp: Pháp cũng không, Ngã cũng không. Trâu mất mà người cũng chẳng còn, cảnh bị quên rồi tâm cũng quên. Ði thêm bước nữa là cảnh giới như lai: vô ngôn, vô niệm, tất cả đều không. HUỆ là giai đoạn thể nhập chân lý, thấy rõ sự thật, trí tuệ khai mở, thoát khỏi mê lầm, vọng tưởng. phiền não được diệt trừ.
Tóm lại, “Thập mục ngưu đồ” vẽ lại quá trình công phu của người tu tập theo Phật, trước hết tự thắng bản năng mình, sau đến tự tri, cuối cùng đến tự tại. (Từ GIỚI đến ĐỊNH và sau cùng là HUỆ.)
Tranh Thiền Tông có loại vẽ trâu đen, có loại vẽ trâu trắng. Trâu trắng là ý nói “bạch ngưu xa”, xe trâu trắng, tức là Phật thừa. Ðạo Phật có ba thừa - tức ba cỗ xe - là xe dê, xe nai và xe trâu (thường) chở các hàng thanh văn, duyên giác và bồ tát ra khỏi nhà lửa mà thành đạo.
Tuy nhiên, ba thừa chỉ là phương tiện giả lập lên để trợ giáo, đó là những tượng trưng, những pháp môn có tính cách tiếp dẫn, dùng cho người kém khí lực. Ðối với hạng thượng căn chỉ một thừa thôi - Phật thừa - trực tiếp đưa người vào cảnh giới Phật thừa là “bạch ngưu xa”. Bạch ngưu xa, chính là cái tâm đại giác viên mãn của Phật Thiền Tông chủ trương tức khắc thành Phật là vậy.
Tuy nhiên, lý thuyết là lý thuyết, loại tranh vẽ trâu trắng vẫn hiếm hoi, ít được thưởng thức bằng loại tranh vẽ trâu đen, rắn rỏi, mộc mạc, gần cuộc sống hơn.
Khi mới bắt đầu tu thì dựa vào hình tượng phương tiện, nhưng khi đã thuần thành thì phải rời bỏ phương tiện.
Hầu hết các pháp môn khác, vấn đề đặt ra cho Thiền vẫn là sự “hàng phục kỳ tâm”(thắng được tâm mình).
Tâm của Ðại Thừa là ngã tướng. Ðến Thiền thì cái ngã được thâu hẹp thành cái niệm. Niệm là ý nghĩ, tư duy, là kiến văn, được coi là thành phần chính yếu của cái “tôi”. Do đó Thiền dạy vô niệm, dạy cắt đứt suy tư, bất cứ suy tư gì... Pháp Bảo Ðàn Kinh viết:
Vô niệm: niệm tức chánh.
Hữu niệm: niệm thành tà.
Vì vậy, Thiền hoàn toàn kỵ lý luận, không giảng dạy, thường chỉ ngậm miệng quên lời, thảng có nói thì thường chỉ nói bằng lối phi lý luận. Trong quá trình tiến triển của đạo Phật, Thiền quả là nhát búa cuối cùng của Ðại Thừa đập vào trí thông minh mà loài người thường tự hào.
Trong hệ thống các pháp môn, Thiền là đốn giáo, chủ trương thấy được tánh là tức khắc thành Phật, tại đây và ngay ở phút giây này./.
NGƯU ĐẦU MÃ DIỆN - ĐẦU TRÂU MẶT NGỰA
Ngưu Đầu, Mã Diện (牛頭馬面): là tên gọi hai con quỷ trong cõi âm ty, làm nhiệm vụ hai tướng quân cai quản các linh hồn bị đọa xuống Địa Ngục. Hai Quỷ Ngưu Đầu, Mã Diện còn có chức danh là Câu Hồn Sứ Giả lo việc đi tìm bắt những linh hồn của người dương gian tới số dẫn giải về Địa Ngục. Ngưu Đầu, Mã Diện được xếp vào hàng 10 vị quỷ Ly Mị Võng Lượng ( tức là các loại quỷ từ núi biến hóa (Si) có thân người đầu thú cọp, beo; từ trong nhà biến hóa ra (Mị) có hình người đầu heo hoặc quái vật; quỷ, quái từ gỗ và đá biến hóa là Võng Lượng.)
Trong Phật giáo, quỷ Ngưu Đầu tên là A Bàng có đầu trâu, tay người, hai chân trâu; tay cầm cây cây Cương Xoa; có sức mạnh vô địch, có thể nâng một ngọn núi lớn. Theo Thiết Thành Nê Lê Kinh (鐵城泥犁經), khi đang còn làm thân người, A Bàng không hiếu thuận với cha mẹ, nên sau khi chết bị biến thành con quỷ có đầu trâu, có trách nhiệm tuần tra tứ phương và bắt tội nhân trốn ngục; nên có tên gọi là Phòng La Nhân. Có sách cho rằng lúc đầu, trong Phật Giáo chỉ có Ngưu Đầu, chứ không có quỷ Mã Diện, nhưng sau khi Phật Giáo du nhập vào Trung Hoa, do quan niệm đối xứng của dân gian, nên xuất hiện thêm quỷ Mã Diện, thành một cặp, luôn đi với nhau.
Có thuyết cho rằng Mã Diện là vị thần tên Mã Diện La Sát hay Mã Đầu La Sát mang mặt con ngựa. Đây là một vị thần lớn trong Mật Giáo của đạo Phật. Truyền thuyết cho rằng Mã Diện La Sát là hóa thân của Bồ Tát Quan Âm và cũng là quỷ thần trông coi cõi Âm Phủ. Ngưu Đầu, Mã Diện là hai vị quỷ này không làm điều hại người, thường đi chung với nhau, tìm bắt linh hồn tội nhân trốn ngục và đưa trở về địa ngục. (Theo Tự Điển Phật Học online)
NGƯU MA VƯƠNG
Ngưu Ma Vương có hiệu là Bình Thiên Đại Thánh ( so với Tề Thiên Đại Thánh tức Tôn Ngộ Không) thân người nhưng đầu bị cắm sừng như trâu mà không phải trâu; có vợ chính là Thiết Phiến Công Chúa, đã tu luyện được Địa Sát Thất Thập Nhị Biến (72 phép biến hóa) với sức mạnh vô địch, vũ khí chính là Hỗn Thiết Côn. Đã kết giao bằng hữu với Tôn Ngộ Không. Nhưng
trên đường đi Tây Trúc thỉnh kinh của Đường tăng, Tôn Ngộ Không đã bị Ngưu Ma Vương làm khó, đánh nhau bất phân thắng bại. Nguyên nhân của trận đánh là do khi bị hỏa diệm sơn chặn đường qua Tây Trúc, Tôn Ngộ Không đã biến thành Ngưu Ma Vương (giả) tìm đến chỗ Thiết Phiến Công Chúa dùng tình cảm thuyết dụ để mược Quạt Ba tiêu có khả năng quạt tắt hỏa diệm sơn. Việc này đã khiến cho Ngưu Ma Vương nổi trận lôi đình quyết tìm tên Khỉ đá cho một bài học. Tôn Ngộ Không không thể thắng Ngưu Ma Vương nên phải cầu cứu Na Tra và Lý Thiên Vương trên trời xuống thu phục con trâu vua này.
KHIÊN NGƯU
Tên một vì sao trên dãi Thiên Hà. Trong huyền thoại Ngưu lang- Chức nữ. Hai người yêu nhau nhưng bị trời phạt, mỗi năm chỉ được gặp nhau một lần vào mồng bảy tháng bảy âm lịch. Khiên ngưu có nghĩa là Dắt trâu. Sao Khiên Ngưu nằm ở bờ Nam Thiên Hà đối diện với Sao Chức Nữ.
Trong tử vi Tây Phương, trên Hoàng Đạo có sao Kim Ngưu (Taurus). Người sinh trong khoảng từ 21/4 đến 20/5 thuộc sao Kim Ngưu -Taurus.
TRÂU (NGƯU) TRONG THUỐC ĐÔNG Y
- Ngưu Tất, tục gọi là cỏ Sướt, bổ gân cốt, bổ dương tinh; chữa bại liệt, điều huyết, trừ sốt rét kinh niên.
- Ngưu Hoàng: vị đắng, đại trị phong đàm, an hồn định phách, kinh giật linh đơn.
- Khiên Ngưu tử, tức hột Bìm Bìm, tác dụng lợi tiểu, thông quan, long đờm, sát trùng.
- Thiên Ngưu, thường gọi là con Xén Tóc, có tác dụng trừ ngược phong, thấp kinh ở trẻ con, hút mụn đinh.
- Ngưu Bàng tử, (còn có tên Ðại lực, Thử niêm đang) chữa ban chẩn, yết hầu.
- Oa Ngưu, tục gọi là con Sên, trị phong tà méo lệch miệng, thần kinh co rút, chữa vết sưng do rết cắn.
- Thuỷ Ngưu nhục, tức là thịt Trâu, hoà tỳ, bổ thận và gân cốt, chữa phong, thuỷ thũng.
- Hoàng Ngưu nhục, là thịt Bò, ấm tỳ, tăng khí, mạnh chân và lưng, giải khát sinh nước bọt, làm cổ hết khô.
- Ngưu Giác, tức là sừng trâu, chữa thương hàn, nhiệt độc, sa lâm huyết, đờm thũng, họng tê đau.
- Ngưu Giác Tai, là cái nõ sừng trâu, chữa băng lậu, trường phong đới hạ, trưng hà, lỵ, đau bụng.
NGUYỄN CHÂU (01/2021)